.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

28 tháng 9 2021

Chữ Việt Gốc Pháp

 

 Chữ Việt gốc Pháp trong vấn đề ăn uống 

 Ăn phở uống cà phê 

Ăn uống là nhu cầu căn bản đầu tiên của tất cả các dân tộc. Do đó khi giao tiếp với người Pháp, những chữ liên quan đến thực phẩm được dùng đến nhiều. Trước hết có chữ “cà phê.” Già trẻ, từ nam tới bắc, từ đông sang tây (quốc nội hay hải ngoại) đều biết từ nầy. Nó do chữ café của Pháp. Cây cà phê đã góp một phần quan trọng vào đời sống của dân Việt từ thời Pháp thuộc cho đến ngày nay. Cách đây ba, bốn năm, VN đã đứng đầu thế giới trong việc sản xuất và xuất cảng cà phê loại “Robusta.” 

Liên quan tới cà phê, có “cà phê phin” (filtre: lọc). Cà phê phin có một độ còn có biệt danh “cái nồi ngồi trên cái cốc.” Đó là sự “tả chân” về cái phin cà phê của các bộ đội ngoài Bắc vào Nam. Phải công nhận một điều là khi trời lạnh, vào quán gọi một ly cà phê sữa nóng, ngồi nhìn cái nồi thảnh thơi ngồi trên cái cốc, nhỏ từng giọt cà phê xuống cái ly (cái cốc), là một sự chờ đợi lý thú. Khi nhắp chút cà phê sữa từng hớp nhỏ, hưởng cái vị đắng-ngọt “đã” cái lưỡi không thể tả được. Nhưng chưa hết. Hãy gọi một bát phở tái, chín, nạm, gân, sách nữa. 

Có người nói với tôi chữ “phở” có nguồn gốc Lang sa đấy. Một cựu thuyền trưởng thương thuyền, đã có thời làm việc cho Pháp và sau nầy cho VNCH, đã kể cho tôi nghe rằng thời trước 1954, ông ta chở tiếp liệu cho quân đội Pháp. Thuyền Phó và nhiều thủy thủ ở tàu của ông là dân Pháp chính cống. Khi tàu cập bến ở Hải Phòng, vào mùa lạnh, họ thường nấu một món “súp” (soupe) thịt bò và sau đó họ để thêm một loại mì sợi (loại giống như spaghetti) đã luộc chín vào súp trước khi ăn. Muốn giữ cho món súp được nóng suốt bữa ăn, họ để súp luôn trên lò lửa. Họ gọi món đó là “boeuf au feu”: (chữ “feu” đọc là “phơ”) tức là “bò nấu trên lửa.” 

Các thủy thủ người Việt không để “spaghetti” vào mà lại để hủ tiếu vào và gọi món đó là “boeuf au feu” VN. Chữ nầy dài quá nên được gọi tắt là món “au feu” và sau đó chỉ còn có chữ “feu.” Rồi chữ “phơ” là lửa ấy trở thành chữ phở (có dấu hỏi) lúc nào, ông ta không biết. Món “soupe au feu” nầy trở thành thông dụng cho dân chúng miền Hải Phòng trước, và sau đó cho cả miền Bắc. Sau 1954, khi có nhiều đồng bào di cư vào Nam sau cuộc chia đôi đất nước năm 1954, món “phở” mới thành món ăn phổ biến trong Nam. Trước đó dân miền Nam dùng hủ tiếu thịt heo nấu theo kiểu Tàu. 

Một ông bạn già khác, chẳng quen biết gì ông thuyền trưởng trên, lại nói với tôi rằng người Pháp có nhiều loại súp khác nhau, họ thường ăn súp nóng khi trời lạnh. Họ giữ cho súp luôn nóng bằng cách đựng súp trong cái “pot” tức cái nồi và để ninh trên lửa. Họ gọi nó là “pot au feu” và chữ phở do từ feu mà ra. Tóm lại, “boeuf au feu” hay “pot au feu,” cả hai ông đều cho một kết luận giống nhau về nguồn gốc của chữ “phở.” Quí vị có biết thêm giả thuyết nào nữa không? 

Điểm tâm: Dăm bông, ba tê, ốp la 

Điểm tâm, có bánh mì, trứng gà, “dăm bông” (jambon): thịt heo hun khói và “ba tê” (pâtée) tức thịt hay gan xay, đã làm chín và ướp mùi vị đặc biệt. Có nhiều cách ăn hột gà. Bình thường là luộc chín. Có thể ăn hột gà “la cót” (oeufs à la coque): chỉ thả vào trong nước sôi độ vài phút, bên trong chưa chín hẳn. Ngoài ra còn có thể chiên hột gà bằng cách khuấy trộn chung lòng trắng và đỏ, ta có hột gà “ô mơ lết” (omelette); hoặc chiên nguyên tròng trắng và tròng đỏ để có hột gà “ốp la” (oeufs sur plat). 

Cơm trưa và tối với súp, xà lách, phi lê, cỏ nhác 

Bữa cơm trưa hay tối có nhiều thứ canh hay súp. Súp bò, gà, hay súp rau cải. Súp rau cải còn có tên gốc Pháp là súp “lê gim” (légume). Tiếng bình dân của ta gọi nước súp là “nước lèo.” Súp hành để lạnh nổi tiếng của người Pháp mà các nhà hàng tây nào cũng có bán là “consommé froid”: thức uống lạnh. Sau bữa ăn chánh, thực khách thường dùng cà phê đen trong một cái “tách” (tasse) thật nhỏ. Chữ “tách” thông dụng cho đến ngày nay. Đã dọn ăn thì phải có muỗng và đũa. Muỗng nhỏ gọi là muỗng cà phê và muỗng lớn gọi là muỗng súp. Có nơi ngày xưa còn gọi muỗng là cái “cùi dìa” (cuillère). 

Trong bữa ăn, ngoài “súp” ra, còn có “xà lách” (salade) tức rau cải. Xà lách còn là tên của một loại cải. Món salade “hằm bà lằng” nhiều loại rau cải đôi khi có cả đậu hủ, thịt gà, hay thịt heo hun khói hay “dăm bông.” Cây cải xà lách Đàlạt nổi tiếng ngon và được ưa dùng ở Sài Gòn (dân Mỹ gọi nó là butter lettuce). Một loại xà lách khác rất được ưa thích để trộn với dầu dấm là cải “xà lách xon” (cresson). Để thịt bò xào tái lên đĩa xà lách son dầu dấm là có một món nhậu vừa ngon vừa bổ. Thịt bò phải lựa loại “phi lê mi nhông” (filet mignon) mới đúng điệu vì nó rất mềm. 

Cho đúng tiêu chuẩn ngon, phải uống “cỏ nhác be ri ê,” hay “mạc ten be ri ê” (rượu hiệu Cognac hay Martel và nước suối Perrier) trong một cái ly lớn. Dân nhậu gọi ly rượu ấy là “công xôm ma xông” (consommation). Nếu không có “be ri ê,” thì dùng một loại nước suối có bọt hay nước soda cũng được. Một số người chỉ dùng nước lạnh pha với cỏ nhác hay mạt ten và nước đá. Họ cho rằng pha với các loại nước có bọt làm mất nguyên vị của rượu đi. Có người uống rượu mạnh không pha gì cả, thường gọi là “uống xếch” (Boire sec). 

Phó mách, bơ, và rượu vang 

Sau bữa cơm tối và các câu chuyện hàn huyên, người ta còn ăn “phó mách” (fromage) và uống rượu “vang” (vin), còn gọi nôm na là rượu chát. Trong thức ăn kiểu tây có nhiều món nấu rượu vang như gà, vịt, lưỡi heo, thỏ. 

Phó mách và “bơ” (beurre) là sản phẩm từ sữa. Dân Pháp, Hoa Kỳ đều khoái hai thứ nầy. Có vô số loại phó mách khác nhau. Trong số đó có vài loại có mùi nồng và nếu không biết ăn thì đành xin lỗi vì nó hôi không thể tả. Nhưng dân sành ăn thì lại cho là nó ngon khỏi chê nhứt là dùng làm mồi để uống rượu vang. Đa số người Việt chỉ thích loại phó mách hiệu “con bò cười” (“La vache qui rit”) hay có tên HK là “the laughing cow.” Vào các siêu thị VN ở HK tìm mua phó mách, chỉ có thể tìm thấy loại nầy mà thôi. 

Sâm banh, la ve 

Dân Việt ta khi xưa, lúc Pháp mới cầm quyền ở VN ba bốn chục năm, có một số làm công chức cho Pháp hay những người giàu có mới ăn phó mách, uống sữa bò tươi và ăn bánh mì trét “bơ” Bretel, tên một loại bơ mặn nổi tiếng của Pháp. Ngoài ra còn có một chỉ số khác để chỉ nhà giàu xưa ở VN là việc dùng rượu “sâm banh” trong những tiệc vui. Sâm banh (champagne) là một loại rượu vang có bọt làm ra từ những trái nho ngon của vùng đất tên là Champagne, ở miền đông bắc nước Pháp. Ngày nay thì sâm banh sản xuất ở California, HK, tràn ngập thị trường quốc tế và là một loại rượu coi là “bình dân” vì quá phổ biến trong mọi giới, mặc dù có vài loại rượu sâm banh giá khá cao. Tú Xương có viết: “Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” để chỉ những nhà giàu thời xưa như đã nói. 

Ngoài rượu vang và sâm banh ra, người bình dân thích dùng “la ve” (la bière), một loại rượu có bọt với nồng độ rượu rất nhẹ (chỉ khoản 5%; trong lúc ấy rượu vang kể cả sâm banh có nồng độ trung bình từ 11% đến 13.5%, và rượu mạnh có 40% trở lên). La ve còn được gọi là “bia” và do đó, có chữ “bia ôm” mà hầu hết chúng ta đều biết. 

Bom, bôm, và bơm

Trong các loại tráng miệng sau bữa cơm, chúng ta có thể dùng trái “bôm” (pomme) hay còn gọi là trái táo tây. Gần đây có một loại bôm nổi tiếng của Nhật tên Fuji.  California đã sản xuất tràn ngập loại bôm nầy.  

Tiện đây xin cho nói luôn kẻo quên, trong tiếng Việt có đến ba chữ Việt gốc Pháp có âm đọc gần như nhau: “bôm,” “bơm,” và “bom.” 

“Bơm” (pomper) là động từ chỉ động tác đem không khí, hay một chất lỏng vào một chỗ nào đó như bơm bánh xe, bơm nước từ giếng lên thùng chứa nước, bơm mỡ bò vào bạt đạn xe. Vật dùng để bơm, gọi là cái bơm, ống bơm hoặc máy “bơm” (pompe).  

Chữ “bom” (bombe)  chỉ một loại vũ khí gây nổ có tác dụng phá hoại và giết chóc. Ném bom, dội bom (bombarder) là động từ chỉ việc dùng phi cơ thả bom xuống từ trên không.  

Chữ Việt gốc Pháp trong giao thiệp và ăn mặc 

Chào hỏi 

Các ông tây “bà đầm” (madame) khi gặp nhau, chào nhau bằng cách “bông rua” hoặc “bủa sua” (bonjour: bắt tay chào nhau). Khi từ giã nhau thì nói “ô rờ voa”(au revoir: sẽ gặp lại) hay “a-dơ” (adieu: vĩnh biệt).  Khi cần thoái thác hay xin lỗi điều chi thì bắt đầu bằng từ “bạt đông” (pardon: xin lỗi).  Lại nhớ có câu thơ rằng: 

Bạt đông anh chớ pha sê (1)           

Ắt tăn moa rắc công tê tú xà   

(1)  (fâcher: giận;   attendre: đợi ;  moi: tôi;   raconter: kể;    tout ca: tức thời; phụ âm c  trong lời ca của tiếng Pháp, còn thiếu cái râu bên dưới). 

Lẽ dĩ nhiên không đúng văn phạm Pháp, nhưng nghĩa thì rất rõ ràng và lại đúng vần thơ lục bát, mặc dầu là thơ ba rọi.   Chữ  “mông sừa” (monsieur: ông) và  “ma đàm” (madame: bà) dùng trước tên họ của ông hoặc bà nào đó để tỏ sự kính trọng. Khi những ông bạn quen thân gặp nhau, người nầy gọi người kia là toa (toi: anh hay mầy) và xưng là “moa, mỏa” (moi: tôi hay tao).  Cho đến ngày nay, những người VN lớn tuổi vẫn còn dùng lối xưng hô nầy. Dân ta dùng từ “bà đầm tôi” để chỉ người vợ của mình. Ngày nay từ “bà xã” thông dụng hơn.  

Ăn mặc 

Khi dân Việt dùng kiểu áo tây phương trong việc ăn mặc, một số các cô, bà mặc “áo đầm” tức loại áo và váy chung nhau.  Đàn ông thì mặc “sơ mi” (chemise) và quần dài (quần Tây) như chúng ta mặc bây giờ.  Nói đến sơ mi, ông Lãng Nhân (2) có nhắc đến những chữ Việt hóa trong những bài thơ mà ông xếp chúng vào loại văn thơ Việt Nam hóa trong bài lục bát sau đây: 

 Lạnh lùng một mảnh sơ mi          

Li-ve trằn trọc, lơ li một mình, 

Loăng-tanh ai có thấu tình 

Em-mê đến nỗi thân mình biểng-pan  

(chemise: áo; l’hiver: mùa đông;  le lit: cái giường;  lointain: xa;  aimer: yêu, thương;  bien pâle: xanh mét.) 

Nếu các ông mặc áo vết (veste) hay áo  “vết tông” (veston) bên ngoài áo sơ mi, cùng loại vải, và cùng màu với quần thì chúng ta gọi y phục đó là bộ “côm bờ lê” hay “côm lê” (complet: đủ bộ, hay nguyên bộ).  Ngày xưa, khoảng trước 1954, người ta còn gọi cái áo veston là áo “bành tô” (paletot).   

Các ông bà trong ngành y khoa như bác sĩ, y tá thường mặc áo “bờ lu” (blouse) khi làm việc.  Đó là chiếc áo mang tính chất nghề nghiệp rất oai.  Nhưng khi dạo chơi, người đàn ông có thể mặc áo “u ve” (veston ouvert);  trong lúc đó, đàn bà tân thời, cải cách (của thời xa xưa đó) thích mặc áo “lơ muya” (Lemur: loại áo dài do họa sĩ Cát Tường vẽ kiểu), áo thun Montaigut của đàn ông cũng thuộc loại áo được các ông ưa thích.   

Cả ông, bà khi đi đâu khỏi nhà, đều có mang “bóp” (porte, porter: mang, đựng).  Bóp cho các bà thì gọi là “bóp đầm.”  Bóp cho các ông có tên “bóp phơi” (porte feuille).

Trong thập niên 1950 tôi nhớ đám trẻ nhỏ chúng tôi thường hát nhái theo giọng bài ca “Dứt đường tơ” như sau:  

 Tóc em dài sao em không uốn?  

Tốn bao nhiêu anh trả dùm cho, 

Đây bóp phơi anh đầy “bộ lư”  

(giấy bạc 100 đồng có hình bộ lư) .... 

Nàng ơi uốn đi...  đừng lo. 

Đàn ông mặc côm lê phải mang “cà ra oách,” hay “cà vạt” (cravate: trang sức bằng vải đeo trước ngực) mới đúng cách. Muốn cho thiên hạ biết có tiền, nhứt là khi dẫn bạn gái đi “ban” (bal: dạ tiệc có khiêu vũ) trong bóp phải đem theo nhiều giấy oảnh (vingt: hai mươi) tức giấy hai mươi đồng; và thêm vào còn có nhiều tờ giấy “xăng” (cent piastres: giấy $100.00).   

Trong lúc đó các bà các cô phải đeo “cà rá” (carat)  nạm hột xoàn. Thực ra carat là đơn vị đo lường kim cương.  Nó là sức nặng bằng 1/24 của một “gam” (gramme) vàng nguyên chất. Gam là một phần 1000 của một “ki lô” (kilogramme).  Vàng 18 là một hợp kim gồm có 18 phần vàng và sáu phần kim loại khác.   

Cái cà vạt và cái cà rá sống vượt thời gian.  Ngày nay nó vẫn còn thông dụng cho cả hai phái, chỉ thay đổi màu và phẩm chất tùy theo số lượng “anh hai” (tiếng lóng để chỉ tiền).   

 Chữ Việt gốc Pháp trong giao thông 

Ô tô, sớp phơ, gạt đờ co 

Trước hết có xe “ô tô” (automobile) hay “xe hơi.”  Ở nhà lầu, đi xe ô tô là biểu tượng của nhà giàu.   Muốn tỏ ra sang trọng hay có uy quyền, người ta mướn tài xế hay “sớp phơ” (chauffeur).  Chữ nầy thông dụng ở miền Nam hơn miền Bắc.  Sau nầy, kể cả những thập niên cuối của thế kỷ 20 chữ tài xế  trở nên thông dụng cho cả VN.  Nhiều ông làm chức vụ cao, hay quan trọng, hoặc các người giàu còn có thêm một tài xế phụ.  Thực sự người nầy là “gạt đờ co” (garde du corps: cận vệ) ngồi phía trước, cạnh tài xế,  thường đeo kính đen trông rất  oai vệ.   

HK gọi người nầy là “bô đi gạt” (bodyguard).  Ông “bô đi gạt” nổi tiếng là ông cận vệ của Tổng thống Ford.  Ông ta gạt (garde)  hay đến nỗi ông ta cưới luôn con gái của tổng thống.  Ông cận vệ nầy trở thành “gạt đờ co” trăm năm của ái nữ tổng thống. Vậy ông  nào có người làm công với chức vụ “gạt đờ co” thì nên... coi chừng con gái mình và coi chừng luôn cả... phu nhân (nói đùa cho vui, bỏ qua đi tám!).    

Trở về với xe, ngoài xe nhỏ thường gọi là xe du lịch, còn có xe “căm nhông” (camion) dùng để chuyên chở hàng hóa. “Cam nhông” thứ thật to và chở thật nặng có tên là “boa lua” (poids lourd).  “Cam nhông nết” (camionette) là xe chở hàng hóa loại nhỏ, giống xe “pick up” của ngày nay.   

VN khi xưa và ngay cả ngày nay, ít khi nhập cảng “căm nhông” nguyên chiếc.  Họ chỉ mua cái sườn xe thôi.    Đến VN rồi họ đóng mới đóng thùng xe tùy theo nhu cầu: đóng thùng vuông chung quanh để chở hàng, hoặc đóng thùng có cửa, có “băng” (banc: ghế ngồi) để làm xe  đò hay làm xe “ô tô buýt” (autobus) hay “xe buýt.”  Xe buýt rất thông dụng trong việc chuyên chở công cộng trong đô thành hay các thị xã lớn.  Xe chuyên chở hành khách đi các tỉnh lại gọi là xe đò, trong khi Pháp hay HK lại gọi cả hai loại trên là xe buýt.  Cũng trong lãnh vực chuyên chở, chúng ta còn có xe lô hay xe “lô ca xông” (location).  Đó là những chiếc xe du lịch được dùng làm xe cho mướn hay xe chuyên chở hành khách. 

Xe đò: Ăn banh, lơ 

Trên mỗi chuyến xe đò, ngoài người “sớp phơ” ra còn có một hay hai người phụ tá gọi là anh “lơ.”  Những người nầy lo việc sắp xếp chỗ ngồi, kiểm soát giấy đi xe (chữ “ do nguyên ngữ “contrôleur” tức kiểm soát viên).  Ở VN, những anh nầy còn phụ trách nhiều việc khác như đưa hành lý lên và xuống xe cho khách, giao thiệp với cảnh sát công lộ khi xe bị chận vì một lý do gì đó, hoặc phụ với tài xế sửa xe khi xe bị “ăn banh” (en panne) tức là khi xe bị hư.  Nhiều anh lơ rất có tài trong việc sửa xe: từ việc nhỏ như vặn chặt một vài con “bù lon” (boulon) đến việc lớn như thay cả cái “ăm vô da” (embrayage: bộ phận trong hộp số để chuyển những chuyển động của máy xe sang cái trục làm xe chạy trong hệ thống sang số bằng tay).   

Có người hỏi tại sao họ chịu khó làm việc như vậy (mà không đòi chủ xe trả tiền công)?  Số là đa số chủ xe chỉ thâu tiền bán vé ở các trạm xe chánh mà thôi.  Còn việc đón khách lên xuống dọc đường và tiền kiếm thêm nầy thì tài xế và lơ chia nhau.  Các chủ xe đều biết chuyện nầy, nhưng vì không thể nào kiểm  soát được, nên thà cho trước cái quyền lợi đó cho tài xế và lơ.  Chủ xe được cái lợi là khỏi lo việc kéo xe về nằm “ga ra” (garage: chỗ sửa xe) vừa tốn nhiều tiền vừa mất thì giờ (tức mất tiền). Để cho tài xế và lơ tự  sửa xe, chủ chỉ phải bồi hoàn chi phí về “bạt” (parts: các bộ phận rời).  Xe được sửa mau, cả chủ và người làm công đều có lợi.  Một hợp tác hỗ tương không văn kiện nhưng lại rất hiệu quả trong giới xe đò. 

Xăng và lốp xe 

Muốn chạy xe phải có  “xăng” (essence).  Ngày nay, từ nầy còn thông dụng ở mọi nơi.  Xe mà hết xăng thì trở thành... sắt cục. Xưa kia nếu quên đổ xăng, để xe hết xăng dọc đường, không chạy được nữa, thì gọi là “ăn banh xéc” (panne sèche: hư xe khô, có nghĩa hết xăng). Chỉ còn có những lão già “vang bóng một thời trong việc sử dụng Pháp ngữ” dùng từ nầy.  Từ “ga xăng” sẽ nói đến ở một đoạn sau.   

Chữ “xăng còn được dùng trong một nghĩa khác.  Khi trẻ con đói bụng, mặt nhăn nhó, người ta nói em bé “thiếu xăng” hay em bé cần đổ xăng thêm.   

Dân Việt có tài chế biến trong việc dùng từ ngữ.  Thí dụ việc dùng chữ “quá giang” khi chúng ta đi nhờ xe của một người khác.  Nguyên ngữ “quá giang” có nghĩa “qua sông” bằng cách đi nhờ đò, hay ghe của người khác.  Quá giang cũng dùng đến khi đi nhờ từ  nơi nầy đến nơi khác bằng thuyền. Không hiểu tự bao giờ, chữ “quá giang” được dùng cho việc đi nhờ xe.  Ngày nay thì quá giang chỉ có nghĩa là đi nhờ thôi, thuyền hay xe gì cũng được. Nhưng nếu quá giang thường quá thì nên đóng góp tiền xăng cho vui cả hai bên. 

Quan trọng không kém xăng là “lốp xe” (enveloppe): vỏ xe, phần bọc bên ngoài cái “ruột xe”;  sau nầy vỏ xe chỉ có vỏ mà không có ruột . HK gọi là “tubeless.” Khi bánh xe xẹp, phải bôm thêm hơi vào ngang qua cái “súp báp” (soupape: vật dụng dùng để cho không khí đi vào hoặc đi ra một chiều thôi). Tùy theo công dụng cái súp báp còn có tên là cái “van” (vanne).   

Ở VN lốp xe cũ được dùng một cách hữu hiệu.  Họ bọc thêm bên ngoài một lớp “cao su” (caoutchouc) gọi là vỏ xe tân trang để dùng thêm một thời gian nữa.  Đôi khi xe đang chạy, phần đắp thêm bị văn ra.  Đó là xe bị  “lột lốp” hay bị bung “ta long”  (talon: đế giày, hoặc phần ngoài vỏ xe).  Ngoài ra lốp xe cũ còn dùng để chế tạo dép. Loại dép nầy rất thông dụng ở miền Bắc. Nhưng ở miền Nam chúng mang một hình ảnh hơi đen tối sau năm 75: 

Đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ, 

Mũ tai bèo che lấp ánh tương lai.”     

(không rõ tác giả) 

Cây cao su và anh sớp phơ nói tiếng Tây 

Chữ “cao su” đã được Việt hóa trọn vẹn.  Cây cao su là một loại cây cho nhựa.  Nhựa nầy được biến chế thành nhiều vật dụng mà quan trọng nhất là vỏ xe. Cây cao su là một loại cây kỹ nghệ.  Các chủ đồn điên thời tây là những nhà giàu có nhiều quyền thế và ảnh hưởng trong việc cai trị.  Những ngôi nhà do họ xây cất để ở là những dinh thự to lớn, còn tồn tại ở rải rác nhiều nơi.  Số lớn các ngôi nhà nầy nằm trong vùng đồn điền hẻo lánh.  Chủ nhân người Pháp của thời đó đều mang súng và có nhiều cận vệ.   

Sản phẩm khác của cao su là dây thun được dùng nhiều trong kỹ nghệ  y khoa và quần áo. Vì tính chất thun giãn của nó, dân ta dùng từ  giờ cao su để chỉ sự kiện hay trễ nãi hay không đúng giờ của dân ta.  Giờ cao su trong các bữa tiệc cưới đã trở thành một nét đặc thù của dân Việt.  (Tôi có nghe câu nói đùa: “không ăn đậu không phải là Mễ, không đi trễ không phải là Việt Nam.”) 

Xe máy (xe đạp) với dây sên và ru líp 

Trong chiếc xe đạp hay xe máy, rất nhiều tên các bộ phận được Việt hóa như dây “sên” (chaine), dây nầy chạy vòng quanh một bánh xe có răng như răng cưa, gọi là cái “ru líp” (roue libre: bánh xe tự do).   

Trong cái “ru líp” lại có một bộ phận nhỏ có công dụng độc đáo là khi chúng ta đạp xe tới thì bộ phận đó kéo bánh xe đi tới.  Nhưng khi chúng ta quay lui cái bàn đạp thì chỉ nghe re re mà không có ảnh hưởng gì đến việc kéo xe.  Bộ phận đó có ba tên khác nhau, tùy theo vùng. Trong Nam, nó tên là “con chó”;  ở miền Trung nó được gọi là “con heo”; và ở miền Bắc nó mang danh là “con cóc.” Ai biết sửa chữa cái “ru líp,” đều biết cái bộ phận nhỏ quan trọng đó.  Còn tại sao nó có ba tên thì đành chịu thua. 

Xe đạp dùng trong việc chạy đua thường có cái “ghi đông” (guidon: tay cầm) cong sụp xuống.  Xe đạp loại đua nầy còn có tên là xe “cuộc” (course: chạy đua) .  Ngày xưa, những “tua” (tour: vòng) đua xe đạp vòng quanh Đông Dương, hay tua Bến Hải - Cà Mau là những cuộc đua nổi tiếng.  Ngày nay tua vòng quanh nước Pháp (Tour de France) vẫn rất là hấp dẫn cho giới hâm mộ đua xe đạp.  Ngoài ra dân ta thường hay nói “đi dạo một tua cho khỏe.” 

Các hãng du lịch thường hay tổ chức những “tua du lịch” mà chi phí gồm cả tiền vé phi cơ, tiền khách sạn, tiền ăn v..v... và có cả hướng dẫn viên đi chung rất tiện cho khách du lịch.  Cả Anh, Pháp đều dùng chữ “tour” nên chữ “tua” của VN rất là thông dụng.  

Nguyễn Hữu Phước /Trần Văn Giang (ghi lại) 

Bí ẩn chưa có lời giải 'tam giác quỷ' Nevada.

Nằm dọc theo biên giới giữa bang Nevada và bang California là dãy Sierra Nevada với những ngọn núi cao nhất nước Mỹ, gồm Whitney, Yosemite và Mammoth Lakes. Ở giữa 3 ngọn núi này có một khu vực hình tam giác rộng 25.000 dặm vuông, chứa đầy những bí ẩn nên nó được gọi là 'tam giác quỷ' Nevada để ví nó như 'tam giác quỷ Bermuda'. Trong hơn 70 năm qua, đã có khoảng 2.000 máy bay bị rơi khi bay qua nơi này.

Những vụ mất tích bí ẩn

Vụ mất tích đầu tiên ở “tam giác quỷ” Nevada là một máy bay ném bom B-24 do thiếu úy Willis Turvey làm cơ trưởng, thiếu úy Robert M. Hester cơ phó cùng 4 thành viên phi hành đoàn gồm thiếu úy William Thomas Cronin, hoa tiêu, thiếu úy Ellis H. Fish, xạ thủ súng đại liên 12.7mm, trung sĩ Robert Bursey, kỹ sư cơ khí hàng không và trung sĩ Howard A. Wandtke, điều hành vô tuyến điện.

Máy bay cất cánh tại sân bay quân sự Fresno lúc 8 giờ 45 phút tối 5-12-1943 trong một phi vụ huấn luyện. Theo lịch trình, nó sẽ bay đến Bakersfield, Tucson rồi quay trở lại. Tuy nhiên sau khi cất cánh khoảng 1 tiếng, đài kiểm soát không lưu Fresno cũng như các đài kiểm soát ở Bakersfield, Tucson không còn nghe được một thông tin gì về nó.

Sáng hôm sau, 9 máy bay B-24 được gửi đi tìm chiếc máy bay mất tích.Thế nhưng thay vì tìm thấy nó, 1 máy bay trong đội hình này do phi công Darden là cơ trưởng cùng phi hành đoàn 7 người cũng… mất tích! Trước khi biến mất khỏi màn hình radar, cơ trưởng Darden gọi về đài kiểm soát không lưu Fresno cho biết ông đang gặp một vùng nhiễu động không khí rất dữ dội. Vài phút sau, Darden nói ông thấy một bãi đất trống phủ đầy tuyết nên ông xin phép hạ cánh khẩn cấp. 2 người trên máy bay do thoát ra kịp nên còn sống cho biết đó không phải là “một bãi đất trống phủ đầy tuyết” mà là một hồ nước đóng băng.

15 năm sau, từ việc sửa chữa một con đập, chiếc máy bay của Darden được tìm thấy. Nó nằm sâu 65m dưới đáy hồ Huntington Lake và 5 thi thể thành viên phi hành đoàn vẫn còn nguyên trong làn nước lạnh giá. Kết quả điều tra không giải thích được về một vùng “nhiễu động không khí dữ dội” ở khu vực này.

Chiếc B-24 do cơ trưởng Willis Turvey và cơ phó Robert M. Hester cầm lái trước ngày mất tích ở tam giác quỷ Nevada.

Trong khi đó, Clinton Hester, cha của cơ phó Robert Hester trên chiếc máy bay B-24 mất tích đầu tiên đã tự mình tìm kiếm đứa con trai, kéo dài suốt 14 năm. Khi ông qua đời vì một cơn đau tim năm 1959, kết quả vẫn chỉ là một con số 0 to tướng. Đến tháng 7-1960, các nhân viên thuộc Cục Khảo sát địa chất Mỹ lúc làm việc tại một khu vực hẻo lánh ở High Sierra, phía tây hẻm núi giữa Le Conte Canyon và công viên quốc gia Kings Canyon National Parks tìm thấy mảnh vỡ máy bay gần một hồ nước không tên.Tiến hành xác minh, các nhà điều tra của Không quân Mỹ xác định đó là mảnh của chiếc B-24 do cơ trưởng Willis Turvey và cơ phó Robert M. Hester cầm lái. Hồ nước này hiện nay được gọi là hồ Hester.

14 năm sau - ngày 9-5-1957, một máy bay phản lực huấn luyện T-33 do trung úy không quân Davidamonds điều khiển, cất cánh từ căn cứ Hamilton, gần San Francisco, trên đường đến bang Arizona thì cũng biến mất khi đi ngang “tam giác quỷ”. Mọi cuộc tìm kiếm suốt 30 ngày sau đó đều không mang lại kết quả nhưng đến ngày thứ 45, hai nhân viên kiểm lâm đột ngột nhìn thấy phi công Davidamonds trong bộ quần áo bay rách rưới, bẩn thỉu tại một trang trại nằm sau công viên quốc gia Kings Canyon, phía đông Fresno, California.

Theo mô tả của Davidamonds với các điều tra viên, lúc bay ngang “tam giác quỷ” thì hệ thống điều khiển máy bay bỗng ngừng hoạt động mà nguyên nhân là mất nguồn điện. Tiếp theo, một bộ phận gì đó trong máy bay phát nổ rồi chiếc T-33 rơi vào tình trạng mất kiểm soát hoàn toàn. Để thoát thân, Davidamonds bấm nút ghế phóng và khi tiếp đất, anh bị thương ở cả hai mắt cá chân. Dùng chiếc dù để giữ ấm, Davidamonds bò suốt 20 dặm ở độ cao 4.000m. Davidamonds nói: “Ngày thứ 6, tôi bắn được 1 con nai bằng khẩu súng lục của mình rồi dùng dao và bật lửa trong túi cứu sinh xẻ thịt để nướng”.

Ngày thứ 15, Davidamonds gặp một cái chòi của kiểm lâm công viên quốc gia nhưng không người ở. Tại đây, trong chiếc tủ nhỏ có vài hộp thịt cùng sợi dây câu. Những ngày sau đó, Davidamonds sống bằng thịt hộp và những con cá câu được. Khi thấy mình đã đủ sức lực, Davidamonds tiếp tục lên đường. Đến ngày thứ 40, một người đặt bẫy thú gặp Davidamonds khi anh đang bò theo con đường mòn trong rừng nên đã đưa anh về trang trại rồi để anh ở đó, còn mình thì đi ngựa đến thị trấn gần nhất để gọi người giúp Davidamonds. Và khi người này chưa quay lại thì Davidamonds đã được hai nhân viên kiểm lâm cứu thoát.

Lập tức, phía không quân lại mở ra các cuộc tìm kiếm xác máy bay nhưng vẫn không kết quả. Mãi đến năm 1977, một nhóm thanh thiếu niên khi đi cắm trại đã nhìn thấy cái vòm kính buồng lái máy bay. Kết quả xác minh cho thấy nó đúng là của chiếc T-33. Ngoài ra không còn có thêm một vật chứng gì nữa.

Với các chuyên gia hàng không, việc chiếc F-117 mất tích ở “tam giác quỷ” Nevada là điều vô cùng khó hiểu.

Lần theo thuyết âm mưu

Từ đó đến nay, lại có thêm nhiều vụ rơi máy bay ở “tam giác quỷ” Nevada, trong đó có những vụ rất nổi tiếng: Charles Ogle, người kinh doanh bất động sản giàu có đồng thời là cựu phi công thủy quân lục chiến lái chiếc Cessna Pipe rời sân bay Oakland, California lúc 8 giờ sáng ngày 15-8-1964 rồi biến mất trên đường đến Las Vegas, Nevada.Thi thể ông lẫn chiếc máy bay chưa bao giờ được tìm thấy, hay như thiếu tá Ross Mulhare, điều khiển chiếc phản lực cường kích tàng hình F-117 rất tối tân cũng mất tích trên “tam giác quỷ” ngày 11-7-1986.

Trước đó 1 năm, ngày 21-1-1985, chuyến bay 203 của hãng hàng không Galaxy Airlines khởi hành từ sân bay quốc tế Reno-Tahoe đến sân bay quốc tế Minneapolis với 61 hành khách cùng 5 thành viên phi hành đoàn bị rơi khi bay qua “tam giác quỷ”. Chỉ duy nhất có 1 người sống sót. Cuộc điều tra kết luận rằng vùng nhiễu động không khí không ảnh hưởng đến an toàn bay mà do phi công phản ứng bằng cách giảm công suất của cả 4 động cơ. Việc giảm công suất đã khiến máy bay mất sức nâng cần thiết, dẫn đến hậu quả là nó bị rơi.

Nhưng gây xôn xao dư luận hơn hết là cái chết kỳ lạ của tỉ phú, nhà thám hiểm Steve Fossett. Đó là sáng thứ hai ngày 31-9-2007, tỉ phú Steve Fossett lên chiếc máy bay nhào lộn Bellanca Super Decathlon rồi cất cánh từ đường băng trong trang trại của Barron Hilton, bạn ông. Do chỉ bay dạo chơi trong một thời gian ngắn nên Steve mặc chiếc áo thun trắng, quần short, đi giày thể thao và không mang theo điện thoại cũng như thiết bị định vị GPS. Đó cũng là lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông còn sống.

Sau 3 tiếng mà không thấy Steve quay lại, vợ ông hơi lo nhưng bà tin rằng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra với chồng bà bởi lẽ Steve là một phi công lão luyện. Năm 2002, Steve lập kỷ lục thế giới là người đầu tiên lái khinh khí cầu đi vòng quanh trái đất.Thế nhưng đến cuối buổi chiều mà vẫn không có thông tin gì về ông, vợ ông mới thông báo cho cảnh sát địa phương.

Theo cảnh sát trưởng hạt Lyon là Jeff Page, cảnh sát đã huy động 45 máy bay, kể cả của tư nhân tham gia cuộc tìm kiếm, chưa kể hàng chục nhóm cứu hộ là bạn bè của Steve, trong đó có cựu phi hành gia Neil Armstrong, người đã từng đặt chân lên mặt trăng cũng vào cuộc. Tổng chi phí cho cuộc tìm kiếm lên đến 1,6 triệu USD, trong đó vợ Steve đóng góp hơn 1 triệu USD. Cuộc tìm kiếm kéo dài đến tháng 3-2008 nhưng không mang lại kết quả. Một thuyết âm mưu lan truyền rằng nhằm tránh đối mặt với sự thua lỗ trong kinh doanh bất động sản, Steve đã lái máy bay đến một hòn đảo vô danh nào đó ngoài khơi Thái Bình Dương, hoặc ông ta đã bị “Vùng 51” hạ thủ.

Những sườn núi của dãy Sierra Nevada được cho là nguyên nhân của sự nhiễu động không khí khiến hơn 2.000 máy bay bị rơi.

“Vùng 51” là một khu vực bí mật do Không quân Mỹ quản lý, nằm trong sa mạc Nevada, không xa “tam giác quỷ”. Đây được cho là nơi mà một đĩa bay của người ngoài hành tinh gặp tai nạn năm 1947 đã phải hạ cánh bắt buộc. Thi thể của những người ngoài tinh cùng những mảnh vỡ của đĩa bay được “Vùng 51” thu hồi và bảo quản. Bên cạnh đó, “Vùng 51” còn được cho là nơi Không quân Mỹ tiến hành những thử nghiệm tuyệt mật với các loại vũ khí như sóng laser, sóng âm, sóng điện từ... hoặc các loại máy bay với hình dáng và tính năng chưa từng được biết đến. Một vài nhân chứng tự xưng là đã từng làm việc tại “Vùng 51” tuyên bố họ đã xử lý chiếc đĩa bay của người ngoài hành tinh tại “Vùng 51”. Một người khác thậm chí còn nói rằng anh ta đã tham gia nghiên cứu xác của những sinh vật này.

Khi việc tìm kiếm Steve tạm ngừng vì không mang lại kết quả thì tháng 9-2008, một vận động viên đi bộ đường dài đã tìm thấy một thẻ căn cước cùng 1.000 USD tiền mặt tại Ritter Ridge, một khu vực thuộc dãy núi Sierra Nevada, bên ngoài hồ Mammoth. Khu vực này cách nơi tỉ phú Steve đã cất cánh chiếc Bellanca Super Decathlon 65 dặm. Cảnh sát cho biết thẻ căn cước mang tên Steve Fossett còn vợ Steve xác nhận trước khi lên máy bay, chồng bà đã mang theo 1.000 USD.

Lập tức, cuộc tìm kiếm lại được tái khởi động. Lần này họ khẳng định Steve rơi ở phía bắc núi Mammoth qua việc phát hiện phần đuôi của chiếc máy bay vẫn còn nguyên số hiệu. Hơn 1 tháng sau, thi thể của Steve được tìm thấy cách nơi máy bay rơi nửa dặm. Bên cạnh đó, những đội tìm kiếm Steve còn phát hiện hàng trăm xác máy bay khác, mất tích đã hàng chục năm.

Thuyết âm mưu cho rằng khi phát triển thành công những loại vũ khí bí mật, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đồng ý cho phía không quân chọn một số những máy bay đi ngang khu vực “Vùng 51” để tiến hành thử nghiệm nhưng cả Bộ Quốc phòng lẫn không quân Mỹ đều bác bỏ giả thuyết này. Mãi đến năm 2013, không quân Mỹ mới thừa nhận có sự tồn tại của “Vùng 51” mặc dù trước đó, họ luôn cho rằng “Vùng 51 chỉ là sự tưởng tượng của những kẻ thích những chuyện giật gân”.

Với các nhà khí tượng học, họ cho rằng những vụ rơi máy bay ở “tam giác quỷ” Nevada có liên quan đến hình thái địa lý và thời tiết. Các dãy núi ở Sierra Nevada chạy vuông góc với những luồng gió mạnh thổi vào từ Thái Bình Dương, gọi là Jet Stream. Khi gió đập vào núi, nó sẽ tạo ra những vùng xoáy xoắn ốc khiến không khí bị nhiễu động rất mạnh, gọi là “sóng núi”. Và nếu lúc đó có máy bay đi qua vùng “sóng núi”, nó sẽ khiến máy bay mất kiểm soát rồi rơi.

Tuy nhiên, giải thích này không làm hài lòng những người theo thuyết âm mưu. Lập luận của họ là “sóng núi” có thể có tác động với những loại máy bay nhỏ, công suất động cơ thấp nhưng với loại phản lực cường kích tàng hình F-117 thì không thể xảy ra bởi lẽ loại máy bay này được thiết kế với hình dáng đặc biệt, chịu đựng được mọi biến động cực đoan của thời tiết, chưa kể những phi công giàu kinh nghiệm như Steve Fossett không thể không biết cách tránh né những luồng gió xoáy.

Cho đến nay, những vụ rơi máy bay ở “tam giác quỷ” Nevada vẫn bị che phủ bởi bức màn bí ẩn. Nó lại càng bí ẩn hơn nữa khi một số trạm kiểm soát không lưu ở bang Nevada, California, đóng cửa đường bay với các loại máy bay nếu đường bay của họ đi ngang khu vực này…

Sưu Tầm

Lần đầu chạm đáy 'giếng địa ngục', kinh hoàng thấy thứ bên trong.

Một nhóm nhà thám hiểm hang động ở Oman đã trở thành những người đầu tiên chạm đáy và phát hiện thứ kinh khủng bên trong 'Giếng địa ngục' (Well of Hell) ở Yemen.

Nằm trên sa mạc cách thủ đô Sanaa của Yemen 1.300 km, giếng địa ngục Barhout đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và những người ưa khám phá trong một thời gian dài.

Hố khổng lồ được người dân địa phương đặt tên là "Giếng địa ngục" rộng 30 mét và sâu từ 100 đến 250 mét. Người dân địa phương tránh đến gần nó vì cho rằng chứa đầy ma quỷ.

Theo Salah Babhair, tổng giám đốc cơ quan khảo sát địa chất và tài nguyên khoáng sản của Yemen, các chuyên gia đã đi vào lỗ hổng khổng lồ, nhưng không thể chạm tới đáy vì "có rất ít ôxy và không có thông gió" ở đó.

Tuy nhiên mới đây, Các nhà thám hiểm hang động đến từ Oman đã trở thành những người đầu tiên đi xuống đáy "Giếng địa ngục" ở Yemen sâu tới 112 m.

Các nhà thám hiểm Oman, dẫn đầu bởi giáo sư địa chất Mohammed al-Kindi đã đưa ra báo cáo về chuyến đi thám hiểm dưới giếng sâu hàng triệu năm tuổi.

"Có rất nhiều rắn nhưng chúng sẽ không làm phiền bạn trừ khi bạn tấn công chúng hay chúng cảm thấy bị đe dọa. Một số người dân địa phương cho rằng đây là nơi tra tấn người xấu sau khi qua đời. Những người khác cho rằng bạn sẽ chết nếu đi xuống bên dưới", Mohammed al-Kindi chia sẻ.

Tuy nhiên bên dưới giếng sâu là những con rắn và ngọc trai. Ngoài ra để biết cụ thể về những mẫu vật trên trong, các nhà thám hiểm sẽ tiếp tục khám phá và thực hiện một số công việc khoa học để xác minh.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập các mẫu đất, đá để phân tích tìm kiếm thêm về sự sống dưới đáy giếng sâu. Trên thực tế, Giếng Barhout là một hố sụt bình thường.

Giáo sư Mohammed al-Kindi cho biết: "Chúng tôi đã thu thập các mẫu nước, đá, đất và một số xác động vật chết nhưng vẫn chưa đưa toàn bộ mẫu đi phân tích. Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều thứ kỳ lạ bên trong, thậm chí cũng ngửi thấy mùi gì đó. Đó thực sự là một trường hợp bí ẩn".

Từ bên trong hố sụt, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nước xuất hiện từ một số lỗ trên vách hang ở độ sâu khoảng 65 m, tạo ra những thác nước nhỏ. Điều này cung cấp lượng nước nhỏ giọt cần thiết để hình thành thạch nhũ, măng đá và ngọc trai hang động.

Các nhà thám hiểm cũng cho biết họ đã nhìn thấy rắn, ếch và bọ cánh cứng, cũng như một số động vật chết, chủ yếu là chim, dường như đã rơi xuống bên trong hố.

Những xác chết thối rữa có thể gây ra mùi hôi thối được người dân địa phương báo cáo, nhưng không đến mức gây ra mùi thối đến ngột ngạt. Hố sâu có thể là một ụ đất đóng băng bị sụt gọi là "pingo" hay một hố sụt do sự xói mòn của đá vôi.

Thùy Dung (T.H)






























 

 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.