Pháo đài Hwaseong (Suwon, Gyeonggi) là kiệt tác phòng thủ quân sự dưới triều đại Joseon, đánh dấu quá trình tiếp biến văn hóa của Hàn Quốc cuối thế kỷ 18.
Hwaseong là pháo đài bằng gạch, đá của triều đại Joseon (1392-1910) tọa lạc tại thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi. Công trình được vua Triều Tiên Chính Tổ (1752-1800) cho xây dựng vào cuối thế kỷ 18 với mục đích phòng thủ, và là nơi lưu giữ hài cốt của cha ngài, Trang Hiến Thế tử (1735-1762). Với thiết kế khoa học và chi tiết, Hwaseong là một trong những pháo đài quân sự kiên cố nhất tại châu Á. Ảnh: seoulkorea.
Khác với nhiều pháo đài ở Trung Quốc và Nhật Bản, Hwaseong là khu phức hợp pháo đài kết hợp các chức năng như quân sự, chính trị và thương mại. Công trình không những thể hiện bước phát triển của kỹ thuật xây dựng thời Joseon, mà còn phản ánh sự giao thoa thành tựu khoa học kỹ thuật giữa phương Đông và phương Tây. Ngoài ra, pháo đài Hwaseong đã ảnh hưởng lớn đến kiến trúc, quy hoạch đô thị và cảnh quan của Hàn Quốc hiện đại. Ảnh: Kim's Travel.
Các bức tường thành đồ sộ của Hwaseong dài 5,74 km bao quanh khu vực có diện tích 130 ha. Hầu hết hạng mục vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, bao gồm cửa xả lũ, tháp canh, tháp phóng tên, tháp pháo, tháp báo hiệu, trạm chỉ huy, cánh cổng bí mật và boongke (công sự để ẩn nấp và chiến đấu). Đúng như tên gọi "Hoa thành", pháo đài là công trình kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên khi tận dụng hiệu quả điều kiện địa hình (ngọn núi, con suối) trong quá trình xây dựng. Ảnh: Expedia.
Pháo đài Hwaseong gồm bốn cổng chính: cổng phía tây (Hwaseomun) và phía đông (Changnyongmun) có một tầng, trong khi cổng phía bắc (Janganmun) và phía nam (Paldalmun) là những công trình hai tầng bằng gỗ. Bốn cửa thành được xây dựng theo cấu trúc thành kép, với thành chính được bảo vệ bởi lớp tường thành hình bán nguyệt bên ngoài gọi là Ongseong (Ủng thành). Trong đó, Paldalmun trở thành hình ảnh biểu tượng cho pháo đài Hwaseong. Tên gọi Paldalmun mang ý nghĩa "cánh cổng mở ra con đường đi muôn nơi". Ảnh: seoulkorea.
Dongbuk Gangnu được xây dựng vào năm 1794, nằm trên đỉnh đồi phía đông. Từ tòa tháp có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp của ao Yongyeon nên địa điểm này được mệnh danh Banghwasuryujeong (nơi ngắm hoa và đi dạo giữa hàng cây liễu). Dongbuk Gangnu ban đầu đóng vai trò là trạm chỉ huy tạm thời trong trường hợp quân thù chiếm đóng Paldalsan. Tuy nhiên, với kiến trúc độc đáo và vẻ đẹp nổi bật của ao Yongyeon, tòa tháp trở thành nơi nghỉ chân của nhà vua và tổ chức yến tiệc. Ảnh: Antoine Domenger.
Có hai jangdae (trạm chỉ huy) ở pháo đài Hwaseong: Seojangdae và Dongjangdae. Dongjangdae còn được gọi là Yeonmudae (sân rèn luyện võ thuật), được xây dựng vào năm 1795. Công trình nằm ở vị trí thuận lợi để quan sát toàn cảnh "Hoa thành" từ phía đông. Tại Seojangdae còn lưu giữ khung treo trên tường với dòng chữ "Hwaseongjangdae", ngự bút của vua Triều Tiên Chính Tổ. Ảnh: Google Arts & Culture.
Gongsimdon là tháp canh của pháo đài để quan sát và khai hỏa khi kẻ địch đến gần. Nổi bật là Seobukgongsimdon, gồm 3 tầng với phần bên dưới bằng đá và phía trên bằng gạch. Công trình được thiết kế cầu thang và trang bị nhiều phương tiện chiến đấu nhằm bảo vệ pháo đài Hwaseong trong tình huống khẩn cấp. Đây được xem là điểm nhấn của "Hoa thành" với phong cách kiến trúc sáng tạo và sử dụng vật liệu hiệu quả. Ảnh: heritageinkorea.
Bên cạnh đó, pháo đài Hwaseong còn có nhiều công trình quan trọng, bao gồm: Nodae là bệ đỡ cho phép binh lính bắn nhiều mũi tên vào quân địch; 5 cổng bí mật cho người, gia súc và vận chuyển thiết bị quân sự qua lại, được che giấu kĩ lưỡng nhờ tận dụng đặc điểm địa hình khu đất; trạm gác Posa sẽ truyền tín hiệu thông qua phất cờ hoặc bắn đại bác trong trường hợp Hwaseong bị kẻ thù tấn công; 9 tháp pháo; những cửa xả lũ để kiểm soát mực nước trong pháo đài... Ảnh: flickr.
Với ý nghĩa lịch sử và giá trị kiến trúc đặc biệt, pháo đài Hwaseong đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1997. Hiện nay, "Hoa thành" là điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất, thu hút lượng lớn khách du lịch ghé thăm khi đến Hàn Quốc. Ảnh: dreamstime.
Hiểu Phong
Khu bảo tồn có rừng nhiệt đới triệu năm tuổi ở Malaysia.
Sự kiện đồi Penang trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới là cơ hội để thu hút khách du lịch tham quan cánh rừng nhiệt đới và hệ sinh thái biển trên hòn đảo nổi tiếng ở Malaysia.
Đồi Penang vừa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là khu dự trữ sinh quyển thứ 3 của Malaysia với hai địa danh còn lại là Tasik Chini, khu sinh cảnh đất ngập nước gần thành phố Kuantan và dãy núi Crocker ở hòn đảo Borneo. Khu bảo tồn mới có diện tích khoảng 12,5 ha bao gồm vườn bách thảo Penang mở cửa năm 1884 và các hệ sinh thái biển, ven biển của vườn quốc gia Penang. Ảnh: The Habitat Foundation.
Trước đây, du khách thường biết đến đảo Penang nhờ thành phố George Town nổi tiếng. Do vậy, sự kiện đồi Penang trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới tạo điều kiện thuận lợi để hòn đảo giới thiệu, quảng bá khía cạnh tự nhiên độc đáo. Ảnh: The Star.
Đồi Penang (trong tiếng Mã Lai là Bukit Bendera hay Đồi Cờ) được phát hiện khi Malaysia đang là thuộc địa của nước Anh. Bấy giờ, các quan chức người Anh đã cho xây dựng nhà ga trên đồi đầu tiên tại Malaysia để quy hoạch Penang thành khu nghỉ mát tránh cái nóng nhiệt đới của tầng lớp quý tộc. Dự án đường sắt leo núi Penang được khai trương vào tháng 1/1924. Đến nay, nó đã chuyên chở hàng triệu lượt khách lên đỉnh đồi ngắm cảnh. Ảnh: Penang.
Ngoài đài vọng cảnh, nhà hàng và quầy lưu niệm, trên đỉnh đồi Penang còn có các ngôi nhà gỗ và tòa nhà di sản thời thuộc địa của Malaysia, nhưng hầu hết đã bỏ trống. Nhiều chuyên gia hy vọng danh hiệu của UNESCO sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch tham quan khu bảo tồn có những cánh rừng nhiệt đới triệu năm tuổi ở đồi Penang. Ảnh: tripadvisor.
Theo Nadine Ruppert, giảng viên cao cấp của đại học Sains Malaysia, đồi Penang là một trong những khu dự trữ sinh quyển nhỏ nhất trên thế giới. Song khu vực này lại bao gồm bốn hệ sinh thái khác nhau (biển, ven biển, hồ, rừng) với các loài sinh vật đặc hữu và quý hiếm. Tọa lạc trên độ cao 800 m, khu dự trữ sinh quyển mới giúp các nhà khoa học nghiên cứu tác động của con người và biến đổi khí hậu đối với đa dạng sinh học. Ảnh: penang insider.
Reza Cockrell, giám đốc của The Habitat - công viên thiên nhiên nằm trên đỉnh đồi Penang - cho biết công ty đang triển khai thực hiện các chuyến tham quan nhằm giới thiệu về khu rừng nhiệt đới cổ xưa. Dự án này nằm trong chiến lược bảo vệ danh hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới của đồi Penang với ba nguyên tắc: bảo tồn động vật hoang dã và môi trường sống, khuyến khích phát triển bền vững và hỗ trợ học tập, nghiên cứu lâu dài. Ảnh: South China Morning Post.
Hiểu Phong
Rùng mình 5 sát thủ máu lạnh ẩn mình trong rừng già Amazon.
Amazon - khu rừng được coi là 'thánh địa' nguy hiểm nhất thế giới khi là quê hương của nhiều sinh vật được mệnh danh là 'sát thủ máu lạnh' như kiến đạn, ếch phi tiêu độc, lươn điện, trăn Anaconda khổng lồ...
1. Ếch phi tiêu độc. Ếch phi tiêu độc là tên gọi chung của một số loài ếch trong họ Dendrobatidae. Sát thủ máu lạnh này là một trong những sinh vật có độc đáng sợ nhất thế giới. Màu sắc trên thân chúng rất sặc sỡ. Thổ dân da đỏ dùng các chất tiết độc từ da chúng để tẩm độc mũi phi tiêu nên chúng mang tên "ếch phi tiêu độc".
Sở dĩ chúng có tên như vậy vì nọc độc của loài ếch này được thổ dân da đỏ sử dụng để tẩm vào phi tiêu khi săn bắn.
Với chiều dài khoảng 5 cm, chúng tiết ra batrachotoxin, chất độc có thể ngăn chặn hoạt động của tế bào thần kinh tới các cơ, gây tê liệt và dẫn tới tử vong nhanh chóng.
Đại diện tiêu biểu cho họ ếch phi tiêu độc là ếch phi tiêu vàng (tên khoa học là Phyllobates terribilis). Da của chúng có thể tiết ra batrachotoxin - chất độc có khả năng giết chết từ 10-20 người đàn ông khỏe mạnh.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về độc tính của ếch phi tiêu độc nhưng các nhà khoa học vẫn chưa hoàn toàn tìm ra nguồn gốc chính xác của lượng độc tố có trên cơ thể loài ếch này. Có giả thuyết khoa học cho rằng, độc tố của ếch phi tiêu độc đến từ việc chúng ăn các sinh vật có độc tính
2. Lươn điện. Lưu vực sông Amazon là nơi sinh sống của loài lươn điện, được mệnh danh là thủy quái vùng Amazon.
Lươn điện - tên khoa học "Electrophorus electricus" là một loài cá thuộc họ Gymnotiformes và có liên hệ đến loài cá chép và cá trê. Chúng sống ở vùng sông nước và hồ Nam Mỹ, có chiều dài tối đa lên đến 2,5m và cân nặng 20kg lớn nhất. Dù quen sống dưới mặt nước nhưng chúng vẫn thường xuyên phải bổ sung không khí hiệu quả hơn bằng cách ngoi lên để thở.
Một điều nữa cần biết là kể cả khi không cảm thấy có nguy hiểm xung quanh, chúng luôn phát ra một luồng điện khoảng 10V để sử dụng như một cơ chế radar điều hướng đến những vùng nước bùn lầy ưa thích, cũng như phân loại các con mồi tiềm năng.
Một con lươn điện trưởng thành hoàn toàn có thể tạo ra năng lượng điện có hiệu điện thế 600V theo từng đợt ngắn và mạnh, kéo dài 2s/lần giật. Hàng ngàn tế bào cơ sản sinh điện năng là nguồn tải của lượng điện khổng lồ này. Cụ thể, một cá thể dài 1,8m có khoảng 6000 tế bào cơ cùng nhau tích tụ tạo nên nguồn điện 600V, gấp 5 lần tiêu chuẩn độ mạnh dòng điện thông thường tại Mỹ và trên hầu hết thế giới.
Dù các nhà khoa học vẫn không rõ cơ chế tại sao lươn điện có thể tác động nguồn điện đó như một vũ khí đối với các con mồi mà không tự gây nguy hiểm cho chính bản thân mình, nhưng đã có nhiều ý kiến nổi lên giải thích cho hiện tượng đó. Quan điểm nổi bật nhất là nó thực sự có thể cảm thấy cú sốc điện tương tự, nhưng khả năng đề kháng và điện trở cơ thể đặc biệt cho phép nó không lo đi quá giới hạn để tự giết chính mình.
3. Kiến đạn. Kiến đạn (tên khoa học là Paraponera clavata) cũng là sinh vật đáng sợ của vùng Amazon.
Kiến thợ săn khổng lồ hay kiến đạn là loài kiến độc. Chúng sống tại các khu rừng nhiệt đới từ Nicaragua, Honduras tới Paraguay. Có thể người ta gọi chúng là kiến đạn vì kích cỡ của chúng tương đương với một viên đạn, hoặc do chất độc mà chúng tiết ra khi chúng cắn đối thủ.
Với chiều dài khoảng 2,5 cm, loài kiến đạn được mệnh danh là gã khổng lồ của loài kiến. Khi bị đe dọa, loài kiến này sẽ đáp xuống đất từ tổ trên cây của nó và tấn công kẻ thù. Vết cắn của nó được mô tả là đau như bị bắn. Nó còn được gọi là "kiến 24", vì cơn đau do vết cắn không suy giảm kéo dài trong ít nhất 24 giờ. Kiến đạn có thể đốt nhiều lần mỗi giây và sẽ phát ra một tín hiệu để những con kiến khác cùng tấn công con mồi. Tuy nhiên, phần lớn chỉ có cảm giác buồn nôn và tê liệt tạm thời và không gây ra tử vong (trừ những nạn nhân bị dị ứng với nọc độc).
4. Trăn Anaconda. Sở hữu cân nặng cực "khủng" tới 250 kg và chiều dài bằng một chiếc xe buýt, trăn anaconda xanh, động vật bản xứ ở Nam Mỹ, nằm trong số những loài rắn lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, trước đám cháy rừng Amazon, liệu loài "quái vật" khổng lồ đáng sợ nhất rừng rậm Amazon này có khả năng sống sót thần kỳ ngay cả khi không thể thoát ra khỏi một cánh rừng đang cháy hay không hiện vẫn còn đang là một ẩn số.
5. Rết chân vàng khổng lồ. Amazon còn là vùng đất sở hữu rất nhiều sinh vật ngoại cỡ, một trong số đó phải kể đến loài Scolopendra gigantea (hay còn gọi là rết chân vàng khổng lồ hoặc rết khổng lồ Amazon).
Rết bình thường đã là một loài động vật khiến nhiều người sợ hãi nhưng nhắc đến rết khổng lồ ở Amazon, nhiều người sẽ phải rùng mình bởi chúng có chiều dài cơ thể lên tới 12 inch. Vũ khí cực kỳ lợi hại để tự vệ và tấn công con mồi của rết khổng lồ chính là móng vuốt sắc nhọn và chứa nọc độc.
Theo L.V.S/Dân Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét