.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

08 tháng 8 2022

Đến Mỹ

                                                  Minh họa: pexels-kevin-durango

Nhớ cái dạo sắp đi Mỹ, ngày đi rẫy, tối tối học thêm tiếng Anh. Ông già bì bõm dạy cho cỡ một năm là hết cái chữ.

Mấy anh em kéo nhau xuống phố, tìm thầy giỏi nhất thị trấn đề luyện thêm, nhất là phần phát âm. Học chừng 4, 5 tháng chi đó thì có giấy báo lên đường. Thầy chúc mừng cả đám và chia tay, không quên dặn về phải tiệc tùng chết bỏ.

Dạo đó về quê ai hỏi lâu nay đi đâu vắng? Mình nhún nhường trả lời là đi xuống phố tìm thầy kiếm thêm vài chữ tiếng Anh. Trả lời xong tự nhiên thấy hai cánh tay khuỳnh ra, bộ dạng khệnh khạng, ngó như ông tướng ba sao. Không cưỡng được. Lạ thế.

Qua nhà đứa bạn chơi. Tình cờ thấy quyển sách dạy tiếng Anh, mình cầm lên đọc veo veo. Giọng khi trầm khi bổng, chắc là hay lắm. Thấy đọc xong một đoạn nghỉ lấy hơi là con chó trước sân đập đuôi đứng bật dậy, ngẩng cổ “gâu, gâu” xong nằm xuống gật gật đúng hai cái rồi nghểnh cổ y như muốn nói “Được! Được! Tiếp!”.

Mình phấn khởi lắm, đọc liên tiếp mấy bài, văng cả nước miếng. Đọc xong bài nào là quăng quyển Anh văn lớp 6 đó cho thằng bạn chọn bài kế tiếp, chứ mình không chọn bài tủ. Chấp hết!

Qua khỏi bài thứ ba thì thôi. Thằng bạn nó phục mình quá, lác cả mắt, thiếu đường phải đi thẩm mỹ viện bẻ lại cho thẳng.

Chuyến máy bay đầu tiên trong đời đi từ Sài Gòn sang Bangkok có đầy hứng thú. Chỉ có sự cố nhỏ khi đi toilet. Dạo đó không đến nỗi quê đến mức không biết ngồi chỗ nào. Nhưng xong việc thì hơi gay. Nhìn phía sau thấy có một chữ “Push” hay “flush” gì đó đại khái chữ nào mình cũng biết hết a, cộng thêm cái mũi tên chỉ vào cái nút nữa. Tự tin vào khả năng Anh ngữ cũng như trí phán đoán cực kỳ sáng suốt của mình, mình mạnh dạn ấn nút, nghe nổ cái bùm giật thót cả người. Cha sinh mẹ đẻ có khi nào toilet kêu như bom nổ vậy. Thấy của nã trôi sạch, nghĩ là bấm đúng nút rồi. Tuy nhiên, cũng hơi lo, nghĩ dại dại có khi nào mình bấm lộn cái nút nào, nổ máy bay cái là chết cả làng.

Sang Mỹ, ngoài chuyện đi học ESL thì ai kêu gì làm nấy. Hốt rác, cắt cỏ, bưng phở, chở đồ,… có đủ. Một vài tháng sau thì hai anh em có thêm route bỏ báo. Khoảng năm 1993, lương kỹ sư điện toán mới ra trường cỡ 30K/năm mà hai anh em bỏ báo một tháng kiếm được $1,500, không ít. Tiền này lại không phải đóng thuế.

Xăng hồi đó chừng $1.5/gallon. Trung bình bốn ngày đổ xăng một lần. Thay bugi, thay nhớt, thay thắng thì làm thường xuyên nhưng tôi tự làm được. Lốp xe thay hàng năm, mỗi bánh xe chừng $35 tới $50. Trừ mọi chi phí thì một tháng cũng còn được $600/người.

Nghề bỏ báo có cái cực là làm quanh năm. Đi chơi xa cũng phải về trong ngày. Đau bệnh cách gì cũng không thể nghỉ vì không ai có thể làm thay được. Hai đứa chia nhau bỏ báo hai phía của một con đường mà thử đảo vị trí là đã khó khăn, huống thay là nhờ người khác. Nếu ban ngày mình nhớ từng căn nhà thì ban đêm cũng thua, vì nhìn ban ngày và ban đêm khác nhau dữ lắm.

Mùa lễ lạc, người ta vui chơi thì mình làm việc cực hơn vì báo dày và nặng hơn bình thường rất nhiều. Hồi đó quảng cáo báo giấy còn thịnh hành nên cứ cuối tuần và cuối năm (từ cuối tháng 11 tới hết New Year) là khi nào cũng mỗi nhà một xấp báo dày 4-5 phân, nặng 1-2kg là thường.

Một lần vừa ném báo vào một nhà nọ, trúng cửa nghe cái rầm thì một ông mở cửa bước ra làm mình xanh mặt. Vì hai anh em phải giao hơn 300 tờ, nên chỗ nào thuận tay là ném vào cho lẹ. Thỉnh thoảng lỡ tay ném vào, báo nó trượt trên sàn mới đụng cửa.

Ông chủ nhà ấy mở cửa ngoắt mình lại. Nhìn tướng to con, đầu trọc, râu quai nón, rất dữ tợn, mình lo muốn sụm cái giò. Ổng hỏi “mày có nghe tiếng ồn không?”. Mình gật đầu lo lắng chờ đợi. Ổng tiếp “ở ngoài nghe to vậy chứ ở trong nghe còn to hơn”. Ui cha! Ổng mà cho một đấm thì mình gãy vài cái xương sườn như chơi. Nhưng không, ổng nói tiếp “từ nay đừng ném trên porch; ném trên steps á”. Nói xong mở ví móc cho $20, gọi là tips (tôi nhớ, tiền họ trả cho toà báo mỗi tháng chỉ $22.50). Mừng thiệt! Vừa đi mà vừa nghĩ hay mình kiếm thêm vài nhà có cửa sắt như vậy mà nện báo vào ngay giữa cửa coi sao. Có khi được cả $100 không chừng.

Lại có một nhà khác nằm bên sườn đồi. Đường vào xuống dốc, vừa nhỏ vừa uốn lượn, mà một bên thì vách một bên thì vực. Vào rồi quay đầu xe thì rất mất công nên chỉ còn cách chạy lùi. Khó là chạy lùi mà lên dốc và uốn lượn. Phải rú ga chạy cho có đà và đánh tay lái cho chính xác, vì nếu đang giữa dốc mà để xe chạy chậm lại là tiêu. Lúc đó mà rú ga là bánh xe trượt. Lại phải chạy xuống lấy đà để lên lại. Năm nào tới mùa lễ cuối năm cũng để ý coi nhà đó họ cho tiền tip bao nhiêu mà suốt bốn năm bỏ báo, họ không cho một đồng nào, chán thiệt.

Có dạo cứ hay bị mất báo. Mỗi lần mất 4-5 tờ. Biết là có đứa phá nên bỏ báo xong phải ở lại chạy quanh canh chừng. Canh gắt gao mà có khi cũng mất 1-2 tờ. Canh chừng như vậy cả tháng rồi tự nhiên hết mất. Một thời gian sau có một anh tình cờ kể rằng anh bắt tại trận cái thằng ăn cắp báo của ảnh. Ảnh nói cho manager đuổi cổ nó liền. Nó sợ quá dọn nhà đi tiểu bang khác rồi.

Thằng đó ở cùng khu chung cư với anh. Nó cũng có một route báo nhưng ít tờ quá nên muốn chiếm của mình. Nó quen biết nhậu nhẹt với ảnh mà chơi xấu quá. Vì chỗ nhà kho chuyên giao báo đó có tới 80% nhân viên là người Việt nên khỏi cần giải thích thêm về gốc gác anh chàng nọ.

Khoảng 3 tới 4 giờ sáng là xe container họ chở báo tới kho. Báo được cột thành từng bó và chất lên từng xe đẩy. Mình lấy mỗi thứ một mớ theo đúng số tờ, đem về bàn dài, rồi lấy mỗi tờ mỗi thứ nhét vào nhau thành một xấp. Bình thường thì cuộn nó lại rồi dùng dây thun buộc. Trời mưa hay sương ướt thì cuộn nó lại bỏ vào bao nylon. Bao nylon hay dây thun gì mình cũng phải trả tiền mua. Nylon đắt hơn nên chỉ xài khi cần.

Thường thì ai cũng lấy thêm một vài tờ đề phòng thiếu hụt. Nhưng với cái đà lấy thêm như vậy, toà báo in thêm một số lớn dự phòng mà vẫn cứ thiếu. Người lấy sau bị hụt báo, họ phải đi gom báo ở mấy chỗ thùng đặt bên ngoài về bổ sung. Họ nói bao nhiêu lần là đừng lấy dư, mà mình cũng không nghe nên họ tức lắm. Một lần sếp lớn ở trên xuống, không ai biết mặt sếp lớn nên cứ “vô tư” làm như cũ. Đợi mọi người lấy báo xong, ông bắt đầu dẫn mấy tay manager đi kiểm tra, bắt đếm lại.

Hồi giờ bọn tôi có đi restroom ở đó đâu, mà bữa đó tự nhiên cậu em tôi đi restroom. Đi về thì ngang qua chỗ mấy ổng đang đếm báo. Nó hỏi tôi có lấy dư không? “Có”. “Mấy tờ?”. “Một tờ”. Nó liền xé ngay một tờ quăng ra phía trước. Khi mấy sếp tới đếm thì đúng là dư một tờ bị rách. Hú hồn. Cú đó tới mấy người bị đuổi. Thấy họ lủi thủi cúi đầu ra về mà tội nghiệp. Mấy tay manager cũng điêu đứng vì phải tập trung lại chạy cật lực để đi bỏ báo thay cho mấy người kia.

Năm thứ hai ở Mỹ bắt đầu vào college. Lớp Anh văn đầu tiên đụng ngay một cô giáo cực xinh. Chả biết cô giáo người gốc gác chỗ mô. Tóc hơi nâu, mắt nâu, da không trắng lắm, dáng người cũng chỉ cao hơn gái Việt trung bình một chút. Tuổi thì e còn nhỏ hơn mình. Nước da mịn như trứng gà bóc. Nói đã hay, cười đã mê ly, nheo mắt nhăn mũi thì thôi rồi, đến ngáp cũng hấp dẫn, thậm chí hỉ mũi cũng có duyên tệ.

Mình khi nào cũng vào lớp sớm một chút, chiếm chỗ ở bàn nhất hả mồm ngắm cô giáo dạy. Cứ ước chi mình lấy được cô giáo này thì thích lắm. Một lần cô ra bài, viết một bài luận về bất kỳ đề tài gì, miễn sao dài ít nhất bốn trang. Thế là mình nhân cơ hội này viết thư bóng gió tỏ tình. Quyết tâm có thừa nhưng tiếng Anh thì thiếu. Nghĩ mãi cuối cùng quyết định viết bằng tiếng Việt cho thật hay rồi sẽ dịch sang tiếng Anh sau.

Viết xong bản tiếng Việt thì ra thư viện ôm mấy quyển tự điển dày cộp để tra và dịch. Phần mô tả người ngợm với tứ chi thì dịch ngon, mình nghĩ vậy. Khó hơn chút là tả nhan sắc mắt mũi miệng… Tới khi này thì đôi lúc cũng phải sửa bản gốc tiếng Việt một chút mới dịch được. Ví dụ khi không dịch được chữ “mơ huyền”, mình đổi nó thành “mơ mộng”. Mơ là dream, mộng cũng là dream. Vậy “đôi mắt mơ mộng” dịch sang tiếng Anh là “two eyes dream dream”.

Tra muốn nát mấy quyển từ điển, rồi bài dịch cũng xong. Đọc lại thấy phấn chấn lắm. Mơ hồ ảo ảo như hút cần sa. Mình in bài văn đem lên trường, kéo một thằng Mỹ chính gốc học chung lớp vật lý, vào một phòng trong thư viện, nhờ nó đọc qua cho mình chút. Thằng này đọc lướt qua, rồi đọc lại kỹ hơn chậm hơn. Mặt thấy hơi quê quê.

Mình nghĩ, rồi, thấy chưa, không ngờ ông đây viết tiếng Anh hay như vậy phải không? Không chừng nó đang nghĩ cách đưa bài viết của mình đăng báo, gọi là làm gương cho những ai buổi đầu học tiếng Anh. Mình nghĩ phen này cô giáo cũng phải chết lên chết xuống với mình đây. Mê văn chương mình là cái chắc, khỏi bàn.

Thấy nó chần chừ, mình hỏi sao, có ok không? Nó ngần ngừ rồi trả lời “I understand… nothing”, làm mình bật ngửa. Nó chỉ một đoạn rồi hỏi tại sao thấy người đẹp lại suffocate (ngạt thở), hay diarrhea (đau bụng té re)? Rồi “beautiful suck soul” có nghĩa là gì?

Trời đất, “beautiful suck soul” nghĩa là “đẹp hút hồn”, có vậy thôi mà không biết. Còn ngạt thở, đau bụng thì ý của mình là nói nhan sắc cô ấy làm mình quên thở. Và mơ ước làm lòng mình xốn xang. Toàn những lời hay ý đẹp mà sao dịch sang tiếng Anh nghe kỳ cục vậy cà?

Chữ “ham muốn trần tục” mình dịch thành “evil desire”, nó nói đừng. Nếu phải dùng thì nên thay bằng “mundane desire”, nhẹ nhàng hơn. Có nhiều chỗ lắm, mà chỗ nào cũng “quỷ khốc thần sầu” như vậy cả. Nghe nó nói mà mình đơ cái đầu luôn.

Mình ra về buồn lắm, nhưng không thể bỏ cuộc. Nghe theo lời thằng ấy, mình cố gắng nghĩ bằng tiếng Anh để viết ra tiếng Mỹ. Nghĩ đơn giản thôi, nhưng nghĩa phải hiểu rõ ràng. Viết xong đọc lại thấy rất buồn vì không còn đâu là thơ mộng hay bay bổng nữa cả.

Đưa bài lên cho ông ấy đọc lại. Hắn đọc nhanh rồi gật đầu nói “much better”. Rồi hắn nói tiếp “Hôm nọ ông tả người đẹp như khỉ đột (chimpanzee). Thư này được rồi nhưng đợi cuối khoá rồi đưa. Sang năm cô ấy còn dạy mà. Hết học lớp đó đã rồi mới tính tới”.

Cuối khoá mình nộp bài luận. Cô nói “thank you, you are a good student”, không quên phát cho một nụ cười làm mình rụng tim. Tuần sau mình hồi hộp chờ phản ứng của cô thì hôm đó có người dạy thế. Ông thầy dạy thế nói là cô giáo nghỉ để làm đám cưới rồi sau đó đi tuần trăng mật luôn. Ôi tê tái! Buồn quá lại nghĩ bậy bạ rằng có khi nào mình viết văn dở quá, cô giáo bất mãn bỏ đi lấy chồng chăng.

Thời gian sau đó, mình vớ được một cô sinh viên gốc Việt như mình. Đang loay hoay không biết nên viết thư với cổ bằng tiếng Việt hay tiếng Anh thì may quá, cô nói em không thích văn chương, chỉ thích bánh kẹo. Mình đi chợ chuyên cần, nên về sau cưới được cô ấy.

Khi cô ấy có thai, đường huyết cao quá, bác sĩ bắt kiêng ăn, nhất là ăn ngọt. Thấy vợ thèm thuồng tội nghiệp, mình nói chơi, hay là mai mốt gọi tên ở nhà cho con là “Bánh”? Tưởng nói chơi ai dè “chết tên”. Hai đứa, một đứa “Bánh”, một đứa “Kẹo”. Nhà khi nào cũng nghe đầy bánh kẹo. Đời ngọt ngào thế còn gì hơn?

 MIKE NGUYỄN




MỘT TUỲ BÚT THẬT HAY.
(Không biết tác giả.)
Hôm đó, tôi đi học về trễ hơn mọi bữa, trời đã nhập nhoạng tối. Cha đứng đợi ở cửa, quát: “Đi đâu giờ này mới về?”. Tôi lí nhí đáp: “Dạ, con đi học thêm!”. “Không học thêm học thiếc gì hết! Bỏ cửa bỏ nhà, không dọn dẹp nấu nướng; heo cá gà vịt không ai cho ăn”, vừa nói, cha vừa rút cây roi giắt trên vách, quất liên tiếp vào mình tôi. “Kể từ ngày mai, không được đi học gì hết! Học nè, học nè, học nè!”, mỗi từ học là một roi.
Tôi đau quắn người, đưa tay ra đỡ. Cây roi gãy làm đôi. Cha quăng cây roi gãy xuống, phăm phăm bước vào nhà, đến kệ sách của tôi, chụp lấy đống sách vở, vừa quăng vừa xé! Tôi đứng trân mắt nhìn, đau điếng nhưng không dám phản ứng.
Mẹ từ trong bếp chạy ra, kéo tôi vào nhà sau, nói: “Muốn ăn đòn nữa hay sao mà còn đứng đó. Vô nấu cháo heo đi!”. Nhà sau là một cảnh nháo nhác. Bầy heo đói, kêu eng éc. Lũ gà lên chuồng lục tục, quang quác. Âm thanh inh ỏi. Mẹ tôi vừa thổi cơm, vừa la hai đứa em trai tôi, bảo tụi nó xắt rau, xắt chuối. Khói bay mù mịt gian nhà tranh chật chội, cay xè cả mắt. Bữa cơm tối rất trễ, tôi nuốt cơm, nuốt luôn cả những giọt nước mắt.
Năm đó tôi đang cuối cấp ba. Nhà tôi nghèo xơ xác. Cha tôi làm nông, mùa được mùa mất. Mẹ thì đi may ở chợ, sớm dọn đồ ra, tối dọn về. Anh Hai tôi trước đó buổi đi học, buổi phụ mẹ. Thấy mẹ cực quá, anh quyết định nghỉ học. Mẹ không cho, bảo: “Nếu con không học thì ra chợ xin thức ăn thừa ở mấy quán cơm về nuôi heo!”. Anh tôi làm thiệt. Thấy cảnh đứa con trai mười bảy tuổi ngày ngày hai tay xách hai xô ra chợ xin thức ăn thừa, mẹ chịu không nổi, cho anh theo học may. Đến lúc anh Ba tôi vào đại học, cha mất đi một người phụ việc, lại phải hàng tháng gửi tiền cho anh, nhà lâm vào cảnh túng quẫn.
Cha mẹ cắn răng chịu đựng thêm vài năm, đến khi tôi vào lớp 12, cha bảo: “Con Quyên là con gái, không cần phải học nhiều, hết mười hai ở nhà phụ mẹ vài năm rồi lấy chồng là vừa”. Nghe vậy, tôi ứa nước mắt, nhưng biết cảnh nhà cơ cực, không dám hó hé, dặn lòng học đến đâu hay đến đó, biết đâu cha mẹ đổi ý cho tôi vào đại học.
Năm cuối cấp, bài vở rất nhiều. Tôi vừa học ở trường, vừa học thêm ở nhà Nam - học miễn phí, vì “thầy giáo” chính là Nam! Nam học với tôi từ nhỏ, hai đứa rất thân. Biết cảnh nhà tôi, Nam thường kèm tôi làm bài tập. Sau giờ đi luyện thi ở nhà thầy chủ nhiệm về, Nam sắp xếp thời gian hướng dẫn cho tôi làm bài tập chung. Nhờ vậy mà tôi học cũng khá. Nhưng kẹt nỗi, tôi vừa học vừa phải canh giờ về. Ở nhà bao nhiêu việc chờ tôi, nào nấu cơm tối, dọn dẹp nhà cửa, nào giặt giũ áo quần, cho heo ăn - lũ heo chính là tiền học của mấy anh em tôi, nhất là anh Ba; nhờ bán mấy lứa heo con, mẹ mới có tiền gửi cho anh trọ học! Cha tôi biết chuyện tôi nuôi mộng đại học, nhưng do việc nhà cũng ổn nên không nói gì. Ngặt nỗi, hai đứa em tôi lười chảy thây, chẳng giúp tôi được gì. Đó cũng chính là lý do gián tiếp khiến cho tôi bị cha xé tập vở, bắt phải nghỉ học gấp.
Sáng hôm sau, lo lắng cơm nước xong, phần cho cha bới đi làm, phần để mẹ bới đi chợ, tôi rón rén ôm cặp ra khỏi nhà. Cha nhìn theo, lặng lẽ. Đến lớp, mắt tôi vẫn còn sưng húp, tụi bạn xúm nhau hỏi, nhưng tôi không trả lời. Xui xẻo làm sao, đúng hôm đó thầy chủ nhiệm gọi tôi lên trả bài. Tôi hoảng hốt, ngơ ngẩn bước lên bục giảng. Thầy cầm lấy quyển tập của tôi, ngạc nhiên hỏi: “Tập em sao thế này? Không phải em xé đó chứ?”. Tôi đứng im vô hồn, thầy hỏi gì cũng không đáp. “Này!”, thầy khẽ nắm lấy cổ tay tôi lắc lắc, đúng ngay chỗ bị cha đánh. Tôi đau quá, la “oái” lên. Thầy nhìn thấy cổ tay tôi sưng vù, bầm tím, như hiểu ra điều gì, dịu giọng nói: “Em xuống phòng y tế đi, nhờ cô Vy bóp dầu cho. Thầy cho em nợ, lần sau trả bài nhé!”.
Kể từ hôm đó, thầy chủ nhiệm quan tâm đến tôi nhiều hơn. Thỉnh thoảng, thầy nhờ Nam gửi cho tôi một vài quyển sách tự học với lời nhắn nhủ: Hãy cố lên, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp, em nhé! Không gì là mãi mãi... Lời nhắn nhủ của thầy theo tôi mãi đến những tháng năm sau này...
Rồi tôi cũng tốt nghiệp, loại giỏi! Tôi tiếp tục nộp đơn dự tuyển sinh đại học. May thay, dù chỉ dự thi một trường duy nhất là Đại học Sư phạm, tôi cũng đậu. Trước mặt tôi là một con đường! Dưới chân tôi là một con đường! Tôi sẽ phải bước tiếp!
Hôm tôi trình giấy báo nhập học, mẹ lặng lẽ cười. Cha tôi trầm ngâm không nói. Thêm một người nữa vào đại học. Một niềm vui, một nỗi lo. Phía trước, phía trước. Phía trước chắc chắn là những tháng ngày gian khó cho cha mẹ, và dĩ nhiên, cả cho tôi nữa. Tôi nhớ lúc trong phòng thi, khi đã hoàn thành bài thi cuối cùng mà vẫn còn chút ít thời gian, thay vì coi lại bài, tôi đã gục đầu trên trang giấy của mình và khóc. Giám thị có lẽ nghĩ tôi làm bài không được, nhìn tôi ái ngại. Nhưng tôi thì lại khác, không hiểu sao tôi nghĩ là mình sẽ đậu, đậu trong lo lắng. Tôi khóc vì tấm lưng cha phơi nắng giữa đồng. Tôi khóc vì những đường kim miệt mài của mẹ. Khóc cho hai đứa em tôi. Và tôi khóc cho tôi. Không gì là mãi mãi... Tôi nhớ câu nói của thầy chủ nhiệm và tự nhủ: vì những người thân yêu, mình sẽ thay đổi được mọi thứ! Nhất định!
Khuya hôm đó, mẹ dậy sớm nấu cơm. Hai đứa em tôi vẫn còn say ngủ. Cha ngồi uống trà, nghe radio, kênh nhà nông. Tôi một mình xếp hành lý. Ăn sáng xong, tôi cúi chào cha mẹ lên đường. Cha tôi chỉ gật đầu, còn mẹ chỉ dặn: “Con đi đường cẩn thận. Phải biết tự chăm sóc cho mình, cha mẹ ở xa không lo được”. Lần đầu tiên tôi xa nhà, xa những vài trăm cây số. Trong túi tôi cũng chỉ vỏn vẹn vài trăm ngàn. Ra đến cổng, tôi ngoái lại nhìn căn nhà thân yêu của mình, nơi tôi đã sống, đã thương yêu, đã buồn khóc những 18 năm trời! Bất chợt, tôi bắt gặp ánh mắt của cha nhìn theo. Thấy tôi quay lại, cha vội lảng đi chỗ khác. Dù xa, nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhận ra những giọt nước mắt - giọt nước mắt đã chảy xuống đôi gò má sạm nắng của cha. Cha đã khóc vì tôi. Nghĩ đến đó, mắt tôi chợt cay xè!
Bến xe hôm đó thật đông. Tôi lên xe, lặng lẽ nhìn ra cửa. Đây là quê hương tôi, lát nữa tôi phải xa. Dù là đi học, nhưng không hiểu sao tôi vẫn có cái cảm giác biền biệt, như lời một bài hát: “Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa lắm...”.
Xe khởi động. Tiếng rừm rừm làm tôi rùng mình. Tôi thò đầu ra khỏi xe, nhìn về hướng nhà. Bỗng, trên con đường đất đỏ, tôi thấy dáng ai đang tất tả chạy lại - dáng ai như thể dáng mẹ! Đúng là mẹ rồi! Mẹ đi đâu vậy nhỉ? Không phải giờ này mẹ phải ra chợ rồi sao? Đến trước cửa xe, mẹ hớt hơ hớt hải gọi tài xế: “Chờ tôi chút!”. Tôi vội lao ra khỏi xe. “Có chuyện gì hả mẹ?”, tôi lo lắng hỏi. “Không!”, mẹ vừa thở hổn hển vừa nói: “Mẹ chỉ gửi cái này cho con!”. Nói rồi, mẹ dúi vào tay tôi một bọc giấy nhỏ: “Con cầm lấy đi!”. Tôi ngờ ngợ, vội mở ra, mẹ không kịp ngăn lại. Cái gì đây? Một đôi bông tai và chiếc nhẫn vàng! Ồ,... không! Chẳng phải đây là đôi bông tai và chiếc nhẫn cưới của mẹ sao. Mẹ đã giữ gìn cẩn thận nhiều năm, cho dù có túng quẫn thế nào cũng không đem ra bán. Đó là vật kỷ niệm thiêng liêng của ngoại tặng mà mẹ quý hơn máu thịt.
“Mẹ, con không nhận đâu!”, tôi bật khóc nói. “Không, con cầm lấy đi cho mẹ yên tâm. Thân gái dặm trường, không có ai lo cho con cả!”. “Còn cha thì sao? Cha có biết chuyện này không?”, tôi ngập ngừng hỏi. Mẹ gật đầu: “Cha con nói, vật kỷ niệm thì cũng là vật. Bây giờ mà không đưa cho con thì đợi đến bao giờ?!”. Thì ra, cha tôi... Cha vẫn rất thương yêu tôi, thương yêu theo cái cách của cha! Hai mẹ con chia tay nhau tại bến xe, ngập đầy nước mắt!
Xe chạy. Dáng mẹ xa dần. Tôi lại giở những kỷ vật của mẹ ra xem. Nước mắt lại trào ra. Tôi tự hứa là sẽ không bao giờ bán những kỷ vật này đi. Tôi có đôi bàn tay; tôi có khối óc; tôi có những kiến thức quý giá mà mình đã tích lũy được từ nhà trường, gia đình và xã hội. Nhất định tôi sẽ tự đứng trên đôi chân của mình. Nhất định!
Nhiều năm sau, tôi cũng không làm sao quên được cái ngày hôm ấy - cái ngày mà cha nhìn theo tôi, nước mắt cha chảy xuống đôi gò má sạm đen vì nắng! Tôi thương cha, thương theo cách của mình. Dù cha có làm gì đi nữa thì tôi vẫn thương! ````
Copy từ FB Hau Huynh


 Công thức giết chồng

Thanh tra Miron đứng tần ngần trước ngôi biệt thự lộng lẫy. Giàn hoa giấy trên vòm cổng bừng lên màu đỏ thắm, rực rỡ dưới ánh mặt trời. Ông đưa tay bấm chuông.

    Nữ chủ nhân –bà Chalon, bốn mươi tuổi –tiếp ông trong một phòng khách sang trọng, màn voan trắng, ghế nệm lót nhung và sàn trải thảm. Bà có một vẻ đẹp lạ lùng. Miron nghĩ ngay đến một khuôn mặt tạc đầy thạch cao với đôi mắt trong xanh như mây trời Địa Trung Hải thấp thoáng ngoài cửa sổ. Thân hình bà nẩy nở săn chắc, hứa hẹn dù cho đến tuổi sáu mươi, những đường nét quyến rũ ấy vẫn không bị thời gian bôi xóa. Chà, ông nghĩ, điều này cũng chẳng cung cấp được gì thêm cho những dự tính của mình.

    - Một ly Dubonnet nhé, thưa ông thanh tra?

    Đang nhìn vào đôi môi mọng của nữ chủ nhân, Miron giật mình. Ông cố lấy giọng tự nhiên:

    - Cám ơn.

    Bà Chalon nâng ly uống trước, mắt nhìn ông tinh quái. Rồi bà mỉm cười, tuyên bố thẳng thừng:

    -Ông đến điều tra về vụ tôi đã đầu độc mấy ông chồng cũ phải không?

    Miron sững sờ, lúng túng:

    - Thưa bà… tôi…

    - Ngay từ lúc ông đến trình diện ở Tỉnh đường, tôi đã đoán ra điều đó.

    Thanh tra Miron trấn tĩnh, lấy lại vẻ lạnh lùng nghề nghiệp:

    - Thưa bà, tôi đến để yêu cầu bà cho phép khai quật thi thể các ông Charles Wesser và ông Etienne Chalon, để các chuyên gia giám định y khoa tiến hành xét nghiệm nội tạng. Thưa bà, tại sao trước đây bà lại từ chối việc ấy với hạ sĩ Luchaire của Sở Cảnh Sát địa phương?

    - Luchaire thiếu tế nhị nên tôi ghét ông ta. Tôi từ chối vì thái độ cá nhân chứ không chối từ với luật pháp.

    Bà Chalon lại nâng ly lên đôi môi mọng, ánh mắt tình tứ:

    - Với ông, tôi có từ chối đâu nào. Thưa ông thanh tra Miron, tôi biết rõ phương pháp của các ông là tiến hành khám phá bí mật khởi đầu bằng cách hỏi lại xác chết…

    Bà ngừng một tí để thích thú thấy viên thanh tra ngượng đỏ mặt, nhưng lại tảng lờ như không chú ý, tiếp tục nói rất tự nhiên:

    -Và, những cuộc xét nghiệm y khoa đã hoàn tất, ông đã bối rối vì chẳng tìm thấy gì cả. Thế rồi ông đến tận đây để nắm vững về tôi: về khả năng, cá tính… biết đâu, nhờ may mắn trong cuộc đối thoại, ông có thể tìm ra những dấu hiệu phạm tội của tôi.

    Bà nói một hơi, đánh trúng chính xác những mục tiêu của ông. Nếu ông không chịu thú nhận thì thật là ngốc.

    - Rất đúng, thưa bà Chalon, đúng trên giấy tờ. Nhưng… khi người ta có hai ông chồng cùng chết vì rối loạn tiêu hóa dữ dội, cùng chết sau ngày cưới chưa đầy hai năm, lại cùng ở cái tuổi chưa phải là già lắm và cùng để lại toàn bộ tài sản lớn lao cho người vợ góa thừa kế… Bà hiểu chứ?

    - Vâng, tôi rất hiểu.

    Bà Chalon tiến lại cửa sổ. Chiếc áo cổ rộng cắt khéo ôm lấy bộ ngực tròn đầy, quyến rũ, làm mờ đi màu xanh của biển dịu dàng thăm thẳm ngoài kia.

    - Thanh tra Miron, ông có thích nghe tôi xưng hết tội lỗi không?

    Giọng nói của bà êm ái như vuốt ve dỗ dành khiến Miron phải đề cao cảnh giác. Ông thầm nghĩ, người đàn bà này rất nguy hiểm, quá sức nguy hiểm.

    - Nếu bà muốn như thế, thưa bà Chalon.

    - Vậy thì, tôi sẽ làm ông hài lòng.

    Bà Chalon không cười nữa. Qua cửa sổ mở rộng, một cơn gió tỏa vào phòng mùi hương ngào ngạt, nhưng không phải hương thơm của hoa cỏ ngoài vườn.

    - Ông có biết tí gì về nghệ thuật nấu ăn không, thưa ông Miron?

    - Tôi từ Paris đến, bà biết mà.

    - Và còn nghệ thuật yêu đương?

    - Tôi đã thưa với bà, tôi từ Paris đến.

    - Vậy thì…

    Sau một hơi thở sâu làm bộ ngực căng lên, bà Chalon tiếp:

    - Tôi, Hortense, Eugénie Villerois –Wesser –Chalon, có thể nói với ông rằng, tôi ám sát có chủ tâm người chồng thứ nhất, ông Wesser năm mươi bảy tuổi cũng như người chồng thứ hai, ông Chalon sáu mươi lăm tuổi.

    “Bà ta điên chăng?” Miron nhủ thầm.

    - Tôi kết hôn với ông Wesser bởi sự ép buộc của gia đình. Chưa đầy nửa tháng, tôi đã nhận ra rằng, ông ta có đầy đủ mọi thói xấu của một kẻ làm loạn lúc về già, nghĩa là thô bỉ, phàm ăn và dâm dục như một con yêu râu xanh. Tất cả những cái ấy đã gây nên tình trạng tồi tệ cho bao tử. Điều này có ghi hết trong hồ sơ, ông đồng ý chứ?

    - Thế còn ông Chalon?

    - Ông ta già hơn, cũng như tôi đã lớn tuổi khi kết hôn với ông ta.

    Miron hỏi giọng pha chút mỉa mai:

    - Và bao tử của ông Chalon cũng ở trong tình trạng tồi tệ?

    Bà Chalon thản nhiên:

    - Chắc chắn là thế. Chalon ít thú tính hơn Wesson, nhưng ông ta lại tàn bạo, đối xử ác độc với trẻ con và nốc rượu mạnh như hũ chìm. Ông ta dã man đến nỗi tôi đã không ngần ngại quyết định: Chalon phải chết như Wesson đã chết.

    Miron lạnh người. Một phút yên lặng trôi qua. Miron dùng giọng thật nhẹ nhàng để không làm xáo trộn giòng tư tưởng của kẻ đang thú tội.

    - Bằng cách nào? Thưa bà Chalon.

    Bà Chalon quay lại, nở nụ cười rạng rỡ:

    -Có lẽ ông biết những món ăn như Gà tây nhồi hạt dẻ, Vịt nấu ngũ sắc, Cá mú đút lò, Xúp gân nai, cua gạch…

    - Kìa, bà đã làm tôi phát thèm lên đấy.

    - Ông hỏi tôi giết người bằng cách gì ư? Thưa ông Miron, tôi đã phục vụ họ với thực đơn hàng trăm món, và với mỗi món, tôi thêm vào một tí…

    Đột nhiên, bà ngừng nói. Bàn tay thanh tra Miron siết chặt ly Dubonnet, dồn hết nghị lực để khỏi lộ vẻ nôn nóng.

    - Bà đã thêm vào… thêm vào tí gì vậy?

    - Ông đặc trách vụ án này, ông có biết thân sinh của tôi là ai không?

    - Ông Jean –Marie Villerois, một bậc thầy của những bậc thầy về ẩm thực.

    - Đúng thế. Ba tôi đã truyền hết nghề nấu nướng cho tôi.

    Miron căng thẳng, bực bội nhưng cũng đành chấp nhận câu chuyện lông bông của người đàn bà xinh đẹp này.

    - … Nhưng bà vừa bảo rằng, bà đã thêm vào mỗi món ăn một tí…

    Bà Chalon quay lưng lại. Miron bỗng choáng ngợp trước bờ vai thon thả, vóc dáng cân đối, vòng eo tuyệt mỹ.

    - Một tí… một tí nghệ thuật, thế thôi, không có gì khác nữa, ông thanh tra ạ. Loại người như Wesser hay Chalon làm sao mà cưỡng nổi. Một ngày ăn ba bốn bữa thịnh soạn… no đến cành hông, rồi lại nốc rượu vào. Ở tuổi ấy, ăn uống như vậy làm sao mà thọ nổi.

    Bà Chalon ngưng nói. Căn phòng yên tĩnh, chỉ nghe tiếng tíc tắc từ xa của chiếc đồng hồ quả lắc.

    - Xin lỗi, thế còn nghệ thuật yêu đương… Chính bà đã nêu lên…

    - Thưa ông thanh tra, điều này phải có sự giúp đỡ của một vài cô bạn trẻ thật hấp dẫn. Tóm lại, tôi đã giết hai đức lang quân của tôi bằng công thức ĂN NO cọng với RỮNG MỠ. Chỉ thế thôi.

    Lại yên lặng. Một sự yên lặng căng thẳng, chờ đợi. Chợt thanh tra Miron đứng dậy, đột ngột đến nỗi bà Chalon quay phắt lại, mặt tái xanh.

    - Chiều nay, mời bà đi với tôi đến Nice.

    - Đến… Sở Cảnh Sát ư? Thưa ông thanh tra.

    - Không, chúng ta sẽ đi uống champagne, nghe nhạc và khiêu vũ.

    - Ơ… thưa ông…

    - Hãy nghe tôi nói. Thưa bà, tôi độc thân, bốn mươi bốn tuổi, không nhiều thói xấu lắm. Tôi có dành dụm một khoảng tiền với lợi tức hàng năm không đến nỗi tệ…

    Ông nhìn thẳng vào đôi mắt thăm thẳm của bà:

    - … và tôi mong mỏi… được chết vì bà./.


Nguyên tác: Recette de meutre

Tác giả: C.P. Donnell, Jr

Afred Hitchcock présente

Thùy An phỏng dịch 

 Người Vợ” là một vĩ nhân! 

Vợ là một vĩ nhân đúng 100% đang lúc vợ còn tại thế người chồng xem thường công lao của VỢ lúc vợ mất rồi thì mới thấm thía nhận ra sự mất mát to lớn biết là chừng nào. Cám ơn tất cã các Bà vợ HIỀN.
Có thời ông Tư thường hay đùa, trêu chọc bạn bè rằng: “Đời người đàn ông có hai lần sung sướng: Lần cưới vợ, và lần vợ chết. “Bây giờ vợ chết, ông mới ý thức được cái câu đùa nghịch đó vô cùng bậy bạ và bất nhân, không nên nói. Có lẽ anh chàng nào nghĩ ra câu nầy là kẻ độc thân, chưa có kinh nghiệm chết vợ. Ông ân hận và tự giận mình.

Sau khi chết vợ, ông như mất hồn, lãng đãng, trí óc để trên mây. Nhiều lần trên đường về nhà, ông đi lạc, lái xe qua khỏi nhà rồi mà không biết. Ngày xưa, ông hay bực mình mỗi khi được bà nhắc nhở đi lối nầy, quẹo góc kia, và bà cũng nổi nóng la nạt ông mỗi khi đi lạc đường. Bây giờ, mong được nghe lời cáu kỉnh gây gổ đó, mà không có được. Ông thở dài và đau nhói trong tim như có vật nhọn đâm vào. Không thể ngờ, vợ ông không còn trên đời nầy nữa. Bây giờ bà nằm ngoài kia, nghĩa địa hoang lạnh âm u. Không còn chầm chập kiểm soát từng hành động của ông để mà phê bình sửa sai.

Mở cửa, bước vào nhà, ông nói lớn như khi bà còn sống: “Em ơi! Anh đi làm về.” Trước đây, nếu không nghe tiếng trả lời, ông chạy vụt lên lầu tìm vợ. Bây giờ, ông lẳng lặng đến thẳng bàn thờ, thắp ba cây nhang, lạy bốn lạy. Ông thầm nghĩ, người ta chỉ lạy vợ khi vợ đã chết rồi, tại sao không ai lạy vợ khi vợ còn sống? Dù có gây nên tội lỗi tầy đình, cũng không ai lạy vợ bao giờ.

Ông nhìn tấm hình màu, ảnh bán thân của bà, có nụ cười thật tươi, hai vành môi uốn cong, đôi mắt sáng tinh anh, có ánh tinh nghịch. Ông thấy bà còn đẹp lắm, nét đẹp dịu dàng. Thế mà bao nhiêu năm nay, ông không hề biết, và chưa một lần nhìn ngắm kỹ cái nhan sắc của vợ. Sống lâu ngày bên nhau, thấy nhau, nhưng quên nhìn ngắm, chỉ thấy hình thể tổng quát của nhau. Cũng như nhiều ông có vợ thiếu nhan sắc, cũng không bao giờ biết vợ họ xấu. Những ông lấy được vợ đẹp, lâu ngày, cũng chẳng còn biết vợ mình là đẹp. Nhiều bà đi xâm môi, xâm lông mày xong, về nhà, ông chồng cũng không hề biết có sự thay đổi trên mặt vợ.

Ông Tư gieo mình nằm vật ra tấm ghế bành, hai tay ôm mặt khóc rưng rức như đứa bé đi về vắng mẹ. Tiếng khóc buồn bã vang dội trong căn phòng vắng. Ông ước sao chuyện thật hôm nay là một giấc mộng dữ, để khi ông thức dậy, thấy còn có bà bên cạnh. Có thể ông sẽ bị vợ cằn nhằn trách móc một điều gì đó như thường ngày, nhưng thà còn có những phiền hà của vợ, còn hơn là nằm đây một mình.

Ông đã khóc như thế cả tháng mấy nay, mỗi lần đi làm về. Bước vào căn nhà vắng vẻ lạnh lẽo, không còn bóng dáng người vợ thương yêu, làm trái tim ông se sắt, tâm trí ông trống rỗng mịt mờ. Nỗi đau cũng tan dần theo giòng nước mắt, rồi ông thiếp đi trong một giấc ngủ buồn, ngắn. Khi thức dậy, ông nhìn quanh, đâu đâu cũng có bóng dáng, có kỷ niệm với bà. Tất cả đều còn đó. Vật dụng, đồ đạc của bà trước khi chết, vẫn còn để y chỗ cũ, giữ nguyên trạng. Ông không muốn thay đổi chuyển dịch gì cả. Trên bàn trang điểm, vẫn còn chiếc lược nằm nghiêng nghiêng, thỏi son dựng đứng, hộp phấn, những chai thuốc bôi tay cho mịn da, tất cả đều không xê dịch, không sắp xếp lại. Ông tưởng như hương tay của bà còn phảng phất trên từng món vật dụng.

Mỗi bữa ăn, không còn ai thúc hối, hò hét dục ông ngồi vào bàn ngay, sợ cơm canh nguội lạnh. Bây giờ, ông tha hồ lần lửa, không tha thiết đến bữa cơm. Có khi chín mười giờ mới bắt dầu ăn, qua loa cho xong, miệng nhạt phèo. Thường ông để thêm chén dĩa đũa muỗng đầy đủ cho bà. Rồi thì thầm mời vợ ăn, tưởng như bà còn sống, ngồi đối diện và cùng chia vui hạnh phúc trong từng giây phút của thời gian. Ông có ảo tưởng như bà còn ngồi đối diện, đang lắng nghe ông nói. Hôm nay bà làm biếng phê bình, không mắng trách khi ông làm rơi cơm canh ra bàn. Với cách đó, ông tự dối lòng, để có thể nuốt trôi những thức ăn, mà vì buồn chán, ông không còn cảm được hương vị ngon ngọt.

Nhiều khi thức giấc nửa đêm, vòng tay qua ôm vợ, ôm vào khoảng trống, ông giật mình thảng thốt, chợt hỏi thầm, bà đi đâu rồi? Khi chợt nhớ bà không còn nữa, nước mắt của ông chảy ra ướt cả gối. Có khi úp mặt khóc rưng rức, khóc cho đã, cho trái tim mủn ra, và thân thể rã rời. Chiếc giường trở thành trống trải, rộng thênh thang. Ông vẫn nằm phía riêng, bên kia còn để trống, dành cho bà. Ông ôm hôn cái gối, mùi hương của bà còn phảng phất gợi bao kỷ niệm của tháng ngày hạnh phúc bên nhau. Khi không ngủ được, ông bật đèn nằm đọc sách, bây giờ ông không sợ ai cằn nhằn, ngăn cấm đọc sách giữa đêm khuya. Trước đây, nhiều khi ông tha thiết thèm đọc vài trang sách trước khi đi ngủ, mà vợ cứ cằn nhằn mãi, làm ông mất đi cái thú vui nầy. Bây giờ ông nhận ra vì thương chồng, sợ ngày hôm sau ông buồn ngủ, mệt, nên bà ngăn cản, bảo là chói mắt không ngủ được.

Ông tiếc, vợ chồng đã hay cãi vã những chuyện không đâu, chẳng liên quan gì đến ai, mà làm mất đi cái vui, cái hòa hợp của gia đình. Có khi chỉ vì tranh luận chuyện con khỉ bên Phi Châu, mà đi đến to tiếng, giận hờn, khóc lóc, làm vợ chồng buồn giận nhau, dại dột như hai đứa trẻ con ngu dại.

Tại sao phải gắt gỏng, đâu có được gì, mà làm nhau buồn. Bây giờ muốn nói lời ân hận, thì làm sao cho bà nghe được. Ông tự xét, ông là một con người tệ mạt, thiếu hiểu biết. Khi có hạnh phúc trong tay thì không biết trân trọng, để đến khi mất đi, mới ân hận, mà không còn kịp nữa.

Nếu được làm lại, ông sẽ đối xử với bà tử tế hơn, nói nhiều những lời êm ái dịu dàng. Sẽ không nổi giận khi bà làm chuyện ngang phè, sẽ nhường nhịn bà nhiều hơn, và sẽ phớt tỉnh mỗi khi bị bà chê bai, mai miả. Nhất là bày tỏ cái lòng ông, nói ông yêu thương bà, yêu thương lắm lắm. Đâu có gì ngăn trở, mà những ngày bà còn sống, ông không nói được những điều đó. Ông chợt nhớ có ngưòi viết rằng, vợ chồng phải đối xử như ngày mai thức dậy sẽ không còn nhau. Vì chẳng ai được sống mãi, và cũng không biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra trong giờ sắp tới, cho ngày hôm sau. Cuộc đời con người vốn bấp bênh trong định mệnh.

Lấy kinh nghiện đó, nhiều lần nói với những người bạn mà vợ chồng còn được sống bên nhau, cho họ biết rằng, họ đang có hạnh phúc quý báu, nên họ nên trân trọng giữ gìn, kẻo mai đây, khi chiếc bóng, thì tiếc thương cũng đã muộn màng. Đa số có lắng nghe, và tin lời ông là đúng, nhưng họ quên phứt ngay sau đó, và không thực hành điều hiểu biết.

Mẹ ông mất trước vợ sáu tháng. Ông cũng buồn, thương. Nghĩ rằng mẹ già thì chết là chuyện thường tình. Nhưng khi mất vợ, ông cảm thấy đau đớn và buồn khổ vô cùng tận. Buồn hơn mất mẹ mười lần. Ông tự cảm thấy xấu hổ, vì mất mẹ mà lại không đau buồn bằng vợ chết! Có phải ông đã thương vợ hơn thương mẹ chăng? Có phải ông là đứa con bất hiếu? Ông cũng không biết, và không so sánh được hai cái đau vì mất mát. Nhưng rõ ràng, ông đã ngã gục khi chết vợ.

Có khi quẩn trí, ông muốn chết theo bà. Sao cuộc sống vô vị quá chừng. Rồi mai mốt cũng già, bệnh, đâu có thoát được cái chết. Chết bây giờ, nếu còn linh hồn, thì còn gặp lại vợ ngay. Nhưng ông sực nhớ nhiều lần bà nói không muốn gặp ông lại trong kiếp sau. Bà đâu có thù ghét ông mà nói câu đó nhỉ. Nói chi cho ông đau lòng lúc nghe, và còn đau cả đến tận bây giờ. Ông nghe nói, có một loài chim, khi một con chết đi, thì con kia ngày đêm kêu thương, bỏ ăn bỏ ngủ, than gào cho đến chết. Chim còn chung tình đến thế, mà ông thì còn sống, còn ăn, còn ngủ, còn đi làm, còn giữ tiền bạc. Chẳng bằng được loài chim sao?

Trong căn nhà nầy, đâu đâu cũng có dấu vết của bà. Mở tủ đựng ly chén ra, ông đứng nhìn xem, bên trong sắp đặt thứ tự, gọn gàng. Có những thứ mà bây giờ ông mới thấy, và không biết công dụng nó làm gì, khi nào thì dùng đến. Bà đã mua sắm, sắp đặt cẩn thận. Ông cầm một cái ly, biết vật nầy đã có bàn tay vợ đụng đến, ông ghé môi hôn, tưởng đang hôn bàn tay bà. Ba bộ ấm pha trà xinh xắn, bà mang về trong dịp đi du lịch bên Nhật, để cho ông thù tiếp bạn bè. Bà thương ông đến như vậy đó.

Hơn cả chục chai rượu nho, rượu mạnh trong tủ kiếng, cũng do một tay bà mua. Bà không biết uống, nhưng hễ nghe ai khen rượu ngon, rượu quý, thì bà cũng cố mang về cho chồng một vài chai. Ông thường dặn nếu không biết uống rượu thì đừng mua, vì khẩu vị của mỗi người khác nhau. Cũng như mình khen mắm nêm thơm ngon, nhưng cho Tây ăn, thì họ bịt mũi mà oẹ ra. Bây giờ đứng đây, đưa tay sờ vào những chai rượu màu nâu sẫm, lòng ông đầy ân hận, đáng ra lúc đó, ông phải nói những lời tử tế ngọt ngào cám ơn, và bày tỏ cái hân hoan với tình thương chăm sóc của vợ. Những khi đó, ông đã nói những lời chân thật như đất ruộng, làm phụ tấm lòng yêu thương của bà. Ông định nhấp vài hớp rượu để tưởng nhớ đến ơn vợ, nhưng rồi đặt chai xuống, và thì thầm hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Em ơi! lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai?” Mắt ông cay cay, tim đập sai nhịp.

Tủ áo quần của bà còn nguyên vẹn đó. Những chiếc áo giản dị, màu sắc khiêm tốn. Bà phải chờ cho đến khi bán hạ giá thấp nhất mới dám mua. Bà cần kiệm, không dám hoang phí. Đi đám cưới, tiệc tùng, bà không cần phải thay đổi áo mới, kiểu nầy, kiểu kia. Bà nói: “Ngay cả ông chồng, còn chưa nhớ được kỳ trước mình mặc áo nào, màu gì, huống chi thiên hạ. Họ đâu có dư thì giờ mà vớ vẩn nhớ đến cách phục sức của cả trăm người trong bữa tiệc. Mà dù cho họ có nhớ đi nữa, cũng không sao, đâu có gì quan trọng. Chắc cũng chẳng ai chê mình không có áo quần mới khi tham dự tiệc tùng.” Cái đơn sơ giản dị chân thành của bà làm ông thương và mến phục.

Áo quần của ông, cũng do bà tìm tòi mua giúp. Khi thấy cái áo quần tốt, màu sắc trang nhã, giá cả tương đối được, bà hối hả kêu ông chạy gấp đến tiệm thử liền. Ngay cả áo quần lót, vớ, cà-vạt, cũng do bà mua cho ông. Bà đem áo quần đã cũ sờn vất đi, thay vào các thứ mới. Ông cứ tự nhiên dùng, chưa bao giờ biết kích thước đúng của chính ông. Đã có bà lo hết. Bây giờ không còn bà, ông mới thấy rõ ràng hơn những gì đã nhận được xưa nay mà vô tình không nghĩ đến. Cầm chiếc quần được lên lai trong tay, nhìn đường kim mũi chỉ cẩn thận, ông thấy rõ tình thương của bà gói ghém trong đó. Áo quần mùa đông, mùa hè của ông cũng được bà sắp xếp riêng từng ngăn cẩn thận. Bà đã cho giặt sạch, kỹ lưỡng trước khi được treo xếp vào ngăn tủ áo quần, để dành mặc vào mùa sau. Từ khi có bà trong đời, ông mất dần đi khả năng tự lo, tự lập mà ông vô tình không biết.

Ông nhớ những khi tham dự tiệc tùng, trong lúc ăn uống, khi có chút rau, thịt mắc vào kẽ răng, không dùng lưỡi cạy ra được, bà nhìn ông, biết ngay. Bà len lén mở ví, kín đáo chuyền tay cho ông một cây tăm bọc trong giấy. Ông xem đó như chuyện tự nhiên. Cũng có khi ông quay qua bà hỏi khéo: “Em còn cây tăm nào không?” Bà mở ví, đưa cho ông ngay. Trong lúc ăn, có món ngon vừa ý, bà thì thầm nhắc ông. Hoặc khi lấy thức ăn, bà chọn cho ông miếng ngon nhất. Những lúc đó, ông hơi ngượng, liếc mắt nhìn quanh bàn. Phần ông, thì cứ dặp đại, chưa bao giờ phân biệt miếng ngon, miếng dở. Gắp được cục xương không dính chút thịt cũng cứ vui. Trong bữa ăn, khi thấy ly nước của ông cạn, bà châm, thêm, ông hoàn toàn không quan tâm đến.

Bà biết rõ ông ưa thích món ăn gì, để mỗi ngày nấu nướng. Khi nghe ông khen món nào đó, thì hôm sau, bà nấu ngay cho ông ăn. Ông chỉ lờ mờ nhận ra hảo ý của bà, nhưng không biết nói một câu nịnh cho vui lòng vợ.

Nhiều lần ông bà rủ nhau đi du lịch xa, ông có nhiệm vụ lên mạng mua vé máy bay, đặt khách thuê sạn. Thế là xong. Phần bà lo cho tất cả các mục còn lại. Từ áo quần thường, áo lạnh, áo ngủ, đồ lót, vớ, giày phụ, dép, bàn chải răng, kem, kiếng phụ, tăm, thuốc cấp cứu, thuốc dùng ngừa bệnh, điện thoại di động, giây cắm điện thoại, máy hình, máy điện toán xách tay và các thứ phụ tùng cần thiết. Danh sách của bà đủ bốn mươi tám món. Bà cũng không quên mang theo một ít thức ăn khô, phòng khi lỡ đường. Nhiều khi thấy va-li căng kè, nặng nề, ông gào to: “Đi chơi chứ đâu phải là dọn nhà? Sao không mang theo cả cái tủ lạnh cho tiện.”

Một lần đi Âu Châu, cuộc đình công kéo dài, điện tắt và trời bão tố. Ông bà bình tâm nằm trong khách sạn, không chút nao núng, vì đã có sẵn một ít thức ăn khô mang theo. Thường trước khi đi, bà đọc kỹ và kiểm soát lại chuyến bay, lộ trình, các hãng đưa đón, khách sạn, ngày giờ của các ‘tua’ du lịch. Bà bắt ông xuất trình giấy thông hành, căn cước, thẻ tín dụng, tiền bạc, kiểm soát lại từng chút một, để khỏi quên bất cứ vật gì. Ông cảm thấy khó chịu vì bị vợ xem như đứa trẻ con. Nhưng khi vợ mất rồi, ông đi xa mà để quên đủ thứ, nghĩ lại càng thương bà hơn.

Ông thường ham mê xem các trận đấu thể thao. Nhiều lần ông đang đi chơi với bạn, bà sợ ông bỏ mất trận đấu, kêu điện thoại nhắc nhở: “Anh nhớ chiều nay 5 giờ có trận chung kết bóng rổ đó nghe!” Ông cám ơn bà, và thu xếp về cho kịp giờ khai đấu.
Từ khi có gia đình, ông phụ thuộc quá nhiều vào vợ. Không có bà, ông như rơi xuống một vực sâu, tối tăm mù mịt, ngày tháng tẻ nhạt. Không gian và thời gian dường như thành trống rỗng.

Mỗi chiều tan sở, ông bâng khuâng không biết đi đâu,về đâu cho đỡ thấy quạnh hiu. Khi vợ còn sống, phải lo về ngay, không dám ngồi quán cà phê lai rai, về nhà vợ hạch hỏi không dám trả lời thật. Có khi ông điện thoại cho bạn, hỏi chiều nay ông đến chơi được không, và xin được ăn cơm tối. Bạn biết ông đang buồn, đơn lẻ, nên thường niềm nở chấp nhận. Nhiều lần, ông mua một vài món ăn ở tiệm, đem đến nhà bạn góp vào mâm cơm chiều và sau bữa ăn, uống trà, cà phê. Ngồi trong ghế bành, đôi khi không nói gì, cầm tờ báo lật qua lật lại, thế mà thấy bớt cô đơn trong lòng yên ổn. Rồi cũng phải về cho gia chủ đi ngủ. Ông ra xe, nỗi buồn lại dấy lên thấm thiá. Trời đất như rộng thênh thang. Đường về nhà hiu quạnh. Nghĩ đến căn nhà trống vắng, lòng ông rưng rưng.

Mỗi khi mở tủ lạnh tìm thức ăn, thấy trống không, chẳng có thứ gì ăn được. Vài ba cây trái đã đen điu thồi? rữa thối. Mấy bó rau đã đổi màu đen, khô quéo. Chai nước lọc cũng cạn. Không còn gì. Trong nhà không có bàn tay đàn bà, thì xem như chẳng còn có cái gì cả. Ông thầm thán phục những người bạn độc thân. Không biết làm sao họ có thể sống sót đến tuổi già, mà vẫn vui vẻ, yêu đời, nói cười. Họ đã làm gì cho tiêu tán quãng thời gian trống rỗng sau giờ tan sở nhỉ?

Như một thói quen, những chiều tan sở, ông chạy thẳng ra nghĩa địa, thơ thẩn bên mộ bà. Trong nghĩa địa hoang vắng nầy, ông thấy bớt cô đơn hơn là về nhà một mình. Cắm vài bông hoa, thắp nén hương. Rồi ngồi trò chuyện, như khi bà còn sống. Nói đủ thứ chuyện, nói nhiều hơn cả khi ông bà còn bên nhau. Ông độc thọai, và ông cứ tin ở dưới lòng đất, bà đang lắng nghe ông tâm sự. Khi có người lạ đi đến gần, ông hơi xấu hổ, nói nhỏ lại, chỉ thì thầm thôi. Ông sợ thiên hạ lần tưởng ông đau bệnh thần kinh.
Rồi ông hát cho bà nghe. Hát những bài kỷ niệm, mà ngày trước, ông bà cùng song ca trong những buổi “Karaoke” tổ chức tại nhà bạn bè. Tai ông, vẫn còn văng vẳng giọng bà thánh thót hoà lẫn với tiếng hát trầm ấm trên môi ông. Ông hát từ bài nầy qua bài khác đến khô ran cả cổ. Nhiều khi ông nằm dài trên cỏ, bên tấm bia mộ ngang bằng, nhìn lên trời cao mênh mông và tưởng tượng có bà đang thân thiết nằm bên cạnh. Nghe được cả hơi thở của bà. Hơi thở có mùi hương quen thuộc của ngày nào. Ông thèm nghe vài lời cằn nhằn trách móc của bà.

Khi bóng đêm bắt đầu phủ xuống trên nghĩa địa, ông mới uể oải đứng dậy ra về. Ông nấn ná không muốn khu mộ, nhưng vốn yếu bóng viá và sợ ma, không dám ở lại khi đêm đen bao trùm khu nghĩa địa hoang vắng. Ông thì thầm: “Ngày mai anh sẽ đến thăm em.” Có những ngày chủ nhật, ông cứ mãi thơ thẩn quanh khu mộ. Ông nhận ra rằng, bây giờ ông yêu thương yêu vợ hơn nhiều lần khi bà còn sống. Tình cảm ông tha thiết, nồng nàn hơn xưa rất nhiều.

Mùa đông mưa dầm dề, gió thốc từng cơn trên nghĩa địa trống trải, ông trùm áo mưa, ngồi co ro run rẩy trong buốt giá bên mộ bà. Ngày nghỉ ông ngồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều. Tâm trí miên man mơ hồ vô định.
Chỉ mới một năm thôi, ông hốc hác, gầy rộc, vì mãi miết đắm chìm trong thương nhớ, khổ đau. Nhiều người khuyên ông nên đi bác sĩ tâm lý để điều trị, để tránh sa vào tình trạng suy sụp trầm trọng.
Ông nghĩ, bác sĩ cũng không giúp gì được khi trong lòng ông thương nhớ bà. Bác sĩ không thể làm bà sống lại, không thể làm phép lạ cho ông quên buồn.

Một buổi sáng khi nắng vàng rực rỡ nhảy múa trên khu nghĩa địa, gió mát mơn man cỏ cây, tiếng chim kêu văng vẳng. Ông Tư rầu rĩ mang bó hoa hồng đến đặt lên mộ bà, định than vãn vài câu cho bớt nỗi buồn thương không dứt được trong lòng. Ông ngạc nhiên thấy một tờ giấy cuộn tròn trong bình đựng hoa. Ông giật mình, ô kià, lạ chưa, có nét chữ của bà. Ông mở tờ giấy ra đọc. Một bài thơ của ai chép tay chữ viết giống hệt nét chữ bà. Những chữ h, chữ g và cả cách đánh dấu hỏi ngã. Ông run run đọc:
“Đừng đứng khóc lóc bên mồ em. Bởi em đâu còn dưới đó nữa. Em đang là ngàn gió bay cao trên đồng nội, là ánh dương quang lóng lánh giữa biển trời. Em đang tắm trong mưa thu mát dượi. Em đang trên cao, ngàn sao của giải ngân hà. Và một sáng mai kia, tiếng chim đánh thức anh. Thì hãy biết đó là tiếng em kêu anh. Thôi đừng khóc bên mồ em, chúng ta sẽ gặp lại nhau sau…”

Ông đọc đi đọc lại đến ba lần, và chợt nhớ ra đây là lời bản nhạc phổ từ bài thơ của bà Mary Elizabeth Frye viết trong cơn xúc động trên một mẫu giấy vụn. Trước đó bà Frye nẩy chưa hề bao giờ làm thơ. Bài thơ nầy về sau rất nổi tiếng, phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới, được phỏng dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau. Ông đã từng nghe trong các đám tang người Mỹ. Nhưng khi đó, ông chẳng hề để ý. Bây giờ được đọc lại, ông thấm thiá và ngộ ra: Đúng. Bây giờ bà đâu còn nằm dưới đó nữa. Bà đang ở trên miền cực lạc. Bà đang sung sướng trong một thế giới khác, không có khó khăn, vất vả, không giận hờn ganh ghét, không có chiến tranh giành giựt, và không phải “Đổ mồ hôi trán mới có được miếng cơm vào mồm.” Thế thì, tại sao lâu nay ông phải âu sầu thương tiếc khóc lóc. Ông đã tự làm khổ ông, tự đọa đày trong vũng đau thương.
Nếu bên kia thế giới mà bà biết được ông khổ sở rầu rĩ như thế nầy thì bà vui hay buồn? Ông tự hỏi, ông đau đớn vì thương bà hay tự thương mình? Bà đang hưởng lạc phúc, thì ông phải mừng, chứ sao lại sầu khổ? Nếu ông tự thương mình, thì phải chống tay đứng dậy, làm cho ngày tháng còn lại nầy được vui vẻ, hạnh phúc và lành mạnh hơn là chìm đắm trong tối tăm mịt mù. Ông đến trước bia mộ và thì thầm: “Đúng, em đâu còn nằm dưới lòng đất nầy nữa. Thân xác là cát bụi phải về với cát bụi. Không còn là em nữa. Em đã bay cao với gió trên mây vàng long lanh, đang rong chơi nơi thiên đường cực lạc. Anh phải biết mừng cho em. Phần anh, phải đi nốt tháng ngày còn lại trên hành tinh nầy với những bước chân vững vàng, vui vẻ và hạnh phúc cho riêng mình. Đó là bổn phận cấp thiết đối với bản thân.”

Ông lái xe ra về, lòng nhẹ thênh thang. Con đường có nắng vàng reo vui, cây cỏ xanh ngắt yêu đời. Tiếng nhạc vui rộn rã vang vang trong xe, ông đã tìm được ý nghiã cho tháng ngày vắng bóng vợ. Ông tin rằng, nếu chết là chưa hết, chưa vĩnh viễn tan biến, thì ông sẽ gặp lại bà trong tương lai, ở một nơi an bình hạnh phúc hơn ở cõi trần thế nầy. Nhưng nếu chết là hết, là xong, thì cũng khỏe. Bà đã khoẻ, và mai đây ông cũng sẽ theo bước bà tan vào hư không.

Về nhà, ông ngồi vào bàn, lập một chương trình sinh hoạt mới cho ngày tháng còn lại. Trước đây ông không dám về hưu vì sợ cô đơn, sợ không có việc chi làm bận rộn rồi sinh ra quẩn trí mà phát bệnh. Nhưng bây giờ, ông đã có một chương trình năng động, phủ kín thời gian trong tuần, còn sợ không đủ thì giờ để thực hiện. Nhưng không sao, với ông thì thi hành được chừng năm mươi phần trăm cũng đã là thành công rồi.

Mỗi sáng ông dậy sớm, đi đến phòng tập thể dục, chạy bộ trên dây?, cử tạ, bơi lội, tập yoga, tắm nước nóng. Sau đó họp bạn già uống cà phê, bàn chuyện trời đất thời thế. Về nhà đọc vi thư bạn bè, giải quyết các công việc lặt vặt. Rồi ngủ ngay một giấc ngắn. Tự nấu nướng lấy, mặc dù có thể đi ăn tiệm, hoặc mua thức ăn về. Ông học cách nấu ăn trong liên mạng vi tính. Đọc bốn năm bài dạy khác nhau, rồi chọn lựa, kết hợp, tìm ra cách nấu hợp với khẩu vị mà ông nghĩ là ngon nhất. Từ đó, ông ghiền xem truyền hình dạy nấu ăn, Ông nấu được những món ngon tiếp đãi bạn bè.

Có một bà góa ỡm ờ đề nghị: “Anh nấu ăn ngon thế nầy, mà ăn một mình cũng buồn và uổng quá. Hay là nấu cơm tháng cho em đi, mỗi ngày tới bữa em đến ăn. Hôm nào anh bận, thì báo trước, em sẽ đi ăn tiệm.”

Ông cười lịch sự đáp: “Cám ơn chị quá khen và đề nghị. Xin cho tôi suy nghĩ lại, xem có đủ sức phục vụ chị không, rồi sẽ trả lời sau.”
Ông bóng bẩy nhấn vào hai chữ “phục vụ” làm bà kia đỏ mặt e thẹn. Ông không thể tưởng tượng nổi có người nào đó thay thế được vợ ông. Mỗi khi nói chuyện thân thiết với bà nào đó, mà trong lòng ông có dấy lên một chút cảm tình, thì ông thấy như mang tội với người vợ đã khuất, ông đã thiếu chung thủy. Cứ áy náy mãi.

Ông tham gia các chương trình du lịch xa, đi chơi trên du thuyền. Ông gặp nhiều bạn bè, đàn ông, đàn bà, cùng vui chơi. Tham dự các trò đùa tập thể trên du thuyền. Nhiều bà góa thấy ông cô đơn, nhắm muốn tung lưới bắt mạng, nhưng ông cũng đủ khôn ngoan để né tránh. Ông nói với bạn bè rằng, mình già rồi, khôn có lõi, không còn ngu ngơ dại dột như thời trai trẻ, để nhắm mắt chui đầu vào tròng.

Đôi khi ông cũng muốn có bạn gái, có chút chất “mái”, dù không làm gì được, nhưng mơ hồ thấy có sự thăng bằng nào đó trong tâm trí.
Ông đã cùng bạn bè tham gia các chuyến du lịch xa, Âu Châu, Ấn Độ, Phi Châu. Bây giờ còn đủ sức để đi, có điều kiện tài chánh thong thả, tham gia kẻo mai mốt khi yếu bệnh, khỏi luyến tiếc. Đi theo đoàn đông đảo bạn bè, thì giờ rất sát, eo hẹp, làm ông không kịp nghĩ, kịp buồn.

Trên du thuyền, gia đình người bạn giới thiệu bà Huyền cho ông, bà đẹp, duyên dáng, hơi trầm tư, đôi mắt mở to như khi nào cũng ngạc nhiên ngơ ngác, cánh mũi thon, môi hình trái tim chúm chím. Bà Huyền xa chồng đã hơn ba năm. Lòng ông Tư mơ hồ dấy lên chút cảm tình vì bà đẹp, hiền thục, ít nói. Mấy lần hai người ngồi gần nhau trong bữa ăn. Bà Huyền hé lộ một chút tâm sự riêng tư cho ông nghe, rằng bà may mắn chạy thoát đến Mỹ vào năm 1975, bà lặn lội thân cò nuôi chồng theo đuổi đại học trong bao nhiêu năm. Nhờ may mắn trong thương trường, tiền bạc có thời vô như nước. Gia đình vui vầy tràn đầy hạnh phúc. Rồi tai họa đổ xuống, chồng bà say mê một cô nhỏ tuổi hơn con gái ông, cô nầy làm công cho cơ sở thương mãi của gia đình. Ông chồng li dị bà để vui duyên mới. Bà nói rằng, chẳng trách gì ông, một phần cũng lỗi tại bà không phòng xa, để cho ông chồng và cô gái có dịp tiếp xúc thường xuyên. Lửa gần rơm thì phải cháy. Chia đôi gia tài, bà cho ông cơ sở kinh doanh, bà không cần làm nữa, tài sản có thể sống đến khi già chết.

Ông Tư cũng cảm mến bà Huyền vì cái giọng nói dịu dàng ngọt ngào, trái tim nhân áí, và tâm từ bi của bà cùng tấm lòng cao thượng. Khi nhắc đến ông chồng cũ phản bội mà không thù hận, không gay gắt giận hờn.

Bà Huyền biết kiên nhẫn lắng nghe, tôn trọng ý của người khác, dù có khi bất đồng quan điểm. Ông Tư cảm thương cho một người đàn bà biết điều như thế mà gặp phải hoàn cảnh không may. Cái tình cảm trong lòng ông đâm mầm nhú mộng êm ái. Đôi khi ông cũng giật mình, sợ trái tim ông yếu đuối, đổi cái quan hệ bạn bè với bà Huyền thành tình yêu. Ông không muốn mang mặc cảm phản bội bà vợ bên kia thế giới. Nhưng cũng là chuyện lửa gần rơm, mối giao hảo thân thiết của ông với bà Huyền càng ngày càng khắng khít. Đã có vài lần ông toan tính thổ lộ cho bà Huyền mối tình cảm chân thành của ông, nhưng rồi vốn nhát, nên lại thôi. Ông tự cười, đã chừng nầy tuổi, trên đầu tóc trắng nhiều hơn tóc đen, mà vẫn còn nhút nhát như thời mười sáu tuổi.

Cuối cùng, chính bà Huyền đã mở đường dẫn ông vào cuộc tình già. Khi ông đi gần đến quyết định mời bà Huyền về sống chung, thì bạn bè can gián, cho ông biết bà Huyền là một trong ba người đàn bà nổi danh đanh đá độc ác nhất của thành phố nầy. Ai cũng biết, mà chỉ riêng ông Tư không biết mà thôi. Ông không tin một vài người, nhưng phải tin khi nghe nhiều người khác nói. Ông quyết tâm tìm hiểu, và vô tình gặp ông Duẫn là người chồng cũ của bà Huyền trong một buổi họp mặt. Ông lân la đến làm quen. Thấy ông Duẫn hiền khô, không rượu, không trà, không cả cà phê thuốc lá, và nói năng lịch sự dịu dàng. Bạn bè lâu năm của ông Duẫn cũng xác nhận anh nầy là một ‘ông Phật đất’. Hoàn toàn không hề có chuyện gian díu với một người đàn bà nào. Bà Huyền cũng không nuôi ông Duẫn một ngày trong đời như bà nói, bà đã đặt chuyện, cứ nói mãi, nên tin là có thật.

Ông Tư mạnh dạn hỏi thẳng Duẫn: “Anh nghĩ sao, nếu tôi cưới bà Huyền, vợ cũ của anh?”
Ông Duẫn gãi đầu, và nói ngập ngừng: “Ô… ô, không nghĩ sao cả. Đó là chuyện riêng của bà ấy với anh. Tôi không can dự gì. Chúng tôi đã ly hôn lâu rồi. Tại sao anh hỏi tôi câu đó?”
Ông Tư hạ giọng: “Không phải tôi xin phép anh, mà tôi muốn hỏi ý kiến của anh về bà ấy. Nhận xét của riêng tôi, thì bà Huyền là một người đoan trang, trinh thục, hiểu biết, có trái tim nhân ái. Nhưng theo nhiều người khác thì đó là một trong ba bà ác độc nhất của thành phố này. Có thật vậy không?”

Ông chồng cũ của bà Huyền ngững mặt lên trời mà cười ha hả: “Khoan khoan, đừng nói thế mà tội cho người ta. Phần tôi, nếu không nói tốt cho bà ấy được, thì cũng không có quyền nói xấu. Tôi không dám có ý kiến gì cả. Có thể bà ấy không hợp với tôi, nhưng lại hợp với người khác. Có thể tại tôi bất tài, không tạo được hạnh phúc cho gia đình. Biết đâu, bà ấy với anh đồng điệu, hai người có thể tạo nên thiên đàng dưới trần thế nầy.”

Ông Tư ngại ngần và chùn chân, âm thầm lãng xa dần bà Huyền. Bà nầy biết được ý định, mắng ông Tư một trận nên thân, chưởi ông hèn nhát, bần tiện, keo kiệt, không đáng xách dép cho bà. Ông Tư nghe xỉ vả chưởi mắng mà mừng húm. May mà chưa có cam kết gì với bà Huyền. Từ đó, ông đâm ra có thành kiến với bất cứ người đàn bà nào muốn tiếp cận với ông.
Ông Tư đã hết suy sụp tinh thần, tự tổ chức cho ông một đời sống có ý nghĩa, có nhiều niềm vui nhỏ nhặt trong đời sống, tránh xa mọi phiền toái của thế gian. Trong nhà ông treo một tấm biển lớn, chữ viết theo lối bút họa, ghi lời của một người bạn:
“Có thì vui. Không cũng vui. Được mất đều vui.” 

Tràm Cà Mau

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.