Người đàn ông vừa cầm chìa khóa xe lên thì có tiếng chuông gọi cửa. Vợ ông đã rời khỏi nhà để đưa bọn trẻ đến trường rồi mà! Ai vậy?
Một chút bực bội vì sắp trễ giờ, người đàn ông đã mở cửa nhà:
- Có việc gì thế?
Ngoài cửa là một người trẻ tuổi lạ mặt, gầy guộc, bán nam bán nữ, xinh đẹp và xấu xí, cao và thấp, tóc đen và vàng, sẽ ra dấu bằng cách cong ngón tay trỏ lại:
- Ta đến để đưa ngươi đi.
Không cần giải thích gì thêm, người đàn ông ngay lập tức hiểu rằng Thần Chết đã đến, và không có cách nào thoát. Nhưng vì đã quen với việc thương lượng và ngay cả trong trạng thái lo lắng, anh ta vẫn nhanh chóng nhận ra rằng điều này đến sớm quá, quá sớm và anh cố cãi:
- Làm sao như thế được? Ngay lúc này ư, đường đột và không hề báo trước?
Thần Chết nở nụ cười u tối:
- Có ai trên đời này hoan nghênh ta đến không? Có ai bao giờ sẵn sàng không? Đúng là ngươi chỉ mới 40, nhưng dù đã 80 ngươi cũng chẳng chịu đi.
Người đàn ông siết chặt chiếc chìa khóa xe đang nằm gọn trong túi áo khoác, nằn nì:
- Hãy cho tôi một cơ hội đi mà!
Người này ắt là đang vô cùng sợ hãi. Ôi, con người... Thần Chết chợt động lòng trắc ẩn và nhượng bộ:
- Thôi được ! Ta sẽ cho ngươi một cơ hội. Nếu ngươi có thể nêu ra ba lý do thuyết phục vì sao ta chưa nên đưa ngươi đi cùng ta lần này.
Dường như có tia sáng quỷ quyệt lóe lên trong cặp mắt đen và xanh của Thần Chết.
Người đàn ông đứng thẳng người. Hiển nhiên, ông ta biết mình sẽ thành công, ông ta vốn là một tay thương lượng có hạng. nhưng trước khi ông ta chuẩn bị mở miệng nói một loạt lý do (chắc chắn hơn 3 lý do), Thần Chết đã giơ ngón tay, vẻ độc đoán.
- Khoan đã. Ba lý do thuyết phục, nhưng sẽ trở nên không thuyết phục nếu ngươi nói rằng công việc kinh doanh của ngươi cần được giải quyết; gia đình ngươi không ai chăm sóc ; vợ ngươi không biết cách ký một tấm séc; con cái người chưa kịp lớn. Vấn đề là bản thân ngươi kia...Vì sao ngươi xứng đáng được sống ở thế gian này thêm một thời gian nữa?
Bấy giờ người đàn ông ấp a, ấp úng không nói lên lời. Ông ta đành thúc thủ đi theo Thần Chết.
Nhiều người chúng ta cũng giống như người đàn ông trong câu chuyện. Chúng ta không biết mức độ quý giá của BẢN THÂN đối với CHÍNH MÌNH. Chúng ta không biết tự đánh giá BẢN THÂN ra sao. Chúng ta chưa thực sự cảm nhận và suy nghĩ đúng mức về BẢN THÂN MÌNH. Và một ngày nào đó,chúng ta ra đi trong tiếc nuối. Vậy đó!
(Theo "Losses and gains", Lya Luft )
ĂN NĂN
Hôm qua nhà vợ có đám giỗ, vợ bảo nhà không làm cỗ, chỉ bày chút hoa quả cúng tổ tiên thôi. Anh về cũng được, nếu bận thì thôi. Vợ nói thì nói vậy, tôi tự thấy vẫn nên về.
Vợ chồng tôi sắp li hôn, sau 2 năm yêu nhau và 16 năm chung sống. Chúng tôi đến với nhau từ thời tôi còn hai bàn tay trắng. Hai vợ chồng trầy trật tạo dựng sự nghiệp, cuối cùng rồi cũng có ngày phát triển như hôm nay. Nhưng khi kinh tế đã đủ đầy thì tình yêu cũng thay đổi.
Thực ra là do tôi đã nguôi dần cảm xúc với vợ. Tôi ngoại tình và tự thấy cuộc sống hôn nhân quá tẻ nhạt. Sống chung thực ra chỉ làm vợ tôi thêm đau khổ, vậy nên tôi nghĩ li hôn là giải pháp. Vợ tôi ngày xưa rất cá tính và ương bướng, giờ làm ăn nên cũng trở nên khá gan lì.Cô ấy tất nhiên không chịu, nhưng sự im lặng kéo dài cũng khiến cô ấy ngột ngạt. Phụ nữ thực ra không giỏi chịu đựng như người ta tưởng, nhất là về phương diện tình cảm, nếu không níu được họ vẫn biết sẵn sàng buông.
Bố mẹ vợ đón tôi vẫn bằng nụ cười như mọi khi nhưng có vẻ hơi khách khí. Có lẽ vì biết chúng tôi sắp chia tay nên họ đón tôi như khách, không cho tôi động tay động chân việc gì. Mẹ vợ nhìn tôi lạnh nhạt, còn bố vợ đối với tôi vẫn thân tình niềm nở.
Bố vợ tôi là người ít nói. Từ ngày làm rể ông, chưa bao giờ tôi thấy ông can thiệp vào chuyện gia đình con cái. Nhưng lần này có vẻ như ông muốn nói. Ông bảo: Từ trước giờ bố vẫn đối với tôi như hai người đàn ông với nhau. Nhưng hôm nay bố muốn nói chuyện với tôi là tư cách bố vợ. Giọng ông chậm rãi, đều đều, nhỏ đủ để tôi nghe:
“Ngày xưa hồi cái Bống nó yêu con, bố mẹ không đồng ý. Bố mẹ chỉ có mình nó là con, bao yêu thương chăm sóc dồn cho nó cả. Tính nó từ bé đã ương bướng vì được bố mẹ nuông chiêu, cưng như hoa như trứng. Bố vẫn nghĩ nó lớn lên trong đủ đầy sẽ không thể nào chịu được khốn khó. Ngày nó nói yêu con và muốn lấy con, bố đã cản ngăn, không phải vì chê con mà vì sợ con gái bố nông nổi. Nó quen ăn sung mặc sướng, con thì thiếu thốn khổ nghèo. Nó vốn quen đón đưa, con thì một mái nhà để ở cũng không có. Nó yêu con, tưởng tình yêu là vĩ đại lắm, tưởng phong ba gì cũng vượt được, nhưng khi đối mặt với thực tại cơm tiền có chịu nổi không? Bố chỉ sợ nó lấy con rồi, được dăm bữa nửa tháng sẽ chạy về nhà than rằng con không quen chịu khổ, như vậy sẽ rất thiệt thòi cho con.
Dù vậy nó vẫn kiên quyết lấy, nó khóc lóc suốt ngày, nó quỳ lạy van xin. Làm cha mẹ, không thể thấy con mình yêu sống yêu chết mà nỡ can ngăn. Thôi thì nó lớn rồi, tự làm tự chịu.
Các con về với nhau, nhà phải đi thuê. Ba lần bảy lượt bố nói các con về sống chung, nó bảo không về. Nó không muốn con cảm thấy xấu hổ vì cậy nhờ nhà vợ, ăn không dám ăn, nói không dám nói. Rồi trong lúc khốn khó, con tập tành kinh doanh. Nó cũng nghỉ việc nhà nước hỗ trợ con. Nó mang bầu trong thời gian làm ăn nhiều thất bại. Đôi bận nó về nhà, người lả đi vì suy nhược, nhưng nó giấu con, không muốn con nghĩ ngợi mông lung.
Cuối cùng thì có công trồng cây cũng đến ngày hái quả. Các con dần có của ăn của để. Đứa trước lớn lên, đứa sau ra đời. Bố mẹ nhìn vào, cảm thấy hạnh phúc vì con mình đã trưởng thành, cứng cáp.
Lâu rồi nó về nhà, mấy lần trốn trong nhà tắm khóc. Mẹ con biết mới cố tra hỏi, nó bảo chồng con ngoại tình. Nó bảo nó không khóc trước mặt chồng, không muốn tỏ ra yếu đuối. Bố cũng không ngờ đứa con gái cá tính và bướng bỉnh ngày xưa nay lại trở nên yếu mềm như vậy. Từ bé tới lớn, người có thể làm nó khóc cũng chỉ có con.
Người ta nói, khó khăn thử thách lòng chung thủy của đàn bà. Giàu có thử thách lòng chung thủy của đàn ông. Khó khăn không làm lung lạc ý chí và tình yêu của vợ con, nhưng tiền bạc đã làm con thay đổi.
Bố không biết rốt cuộc là con gái bố đã làm sai điều gì với con, nó không biết ăn ở hay đối nhân xử thế tệ bạc? Nó ăn chơi trác táng hay bỏ bê chồng con? Là nó không tốt ở chỗ nào, hay chỉ vì đơn giản là con khát thèm sự mới mẻ?
Con nhìn xem, người phụ nữ đầu ấp tay gối với con 16 năm qua. 16 năm tuổi thanh xuân đẹp nhất cuộc đời nó dành để cùng con mưu sinh bươn chải. 16 năm nó bận bịu cho chồng cho con đến quên cả đòi hỏi. Giờ đến khi kinh tế đủ đầy rồi thì lại đối diện với cảnh chia ly. Người phụ nữ đã vì con mà từ bỏ đầy đủ ấm êm. Vì con mà cam tâm chịu khổ. Vì con mà mạnh mẽ, cũng vì con mà yếu đuối. Cuối cùng con lại làm khổ nó chỉ vì một người phụ nữ chưa một ngày vì con mà hao tâm tổn sức.
Người phụ nữ con đang yêu hiện tại, bố nghĩ nó chẳng có gì hơn vợ con, ngoại trừ tuổi trẻ. Tuổi trẻ vợ con cũng đã từng có, nhưng nó đã dành hết cho con rồi. Tiền bạc mà người phụ nữ kia đang được hưởng từ con, cũng có một phần mồ hôi và nước mắt của vợ con trong đó.
Là đàn ông bố biết, bản năng chinh phục ẩn giấu trong mỗi người. Nhiều khi chúng ta nhìn con mồi nằm gọn trong hang của mình rồi thì thèm khát những con mồi đang tung tăng ngoài kia. Ta thường đứng bên này đồi rồi ngó sang bên kia đồi xuýt xoa “ở bên kia cỏ sao mà xanh thế”. Thực tế thì đứng núi này chắc chắn sẽ thấy núi khác cao hơn.
Bố không muốn trách móc con. Nhưng bố là bố, cũng như con đối với con của mình. Làm bố, không thể thấy con mình khổ đau mà làm ngơ, không thể thấy con mình chịu ấm ức mà không lên tiếng. Làm bố của một cô con gái, ngay cả khi thấy nó cười vẫn cảm thấy bất an”.
Chưa bao giờ tôi thấy bố vợ tôi nói nhiều như vậy, cũng chưa bao giờ ông uống nhiều như vậy. Cả buổi tôi không nói một lời nào, chỉ sợ mỗi câu mình nói ra sẽ trở nên vô duyên vô dụng.
Vợ tôi từ đâu chạy ra, giật chén rượu trên tay bố: "Bố ạ, bố đừng uống nữa, đừng nói những chuyện vô nghĩa như thế nữa. Con đã giữ đúng lời hứa với bố ngày xưa, dù khổ cực đến đâu cũng không phụ anh ấy. Bố xem con gái bố mạnh mẽ thế này, con có khóc đâu mà bố lại khóc".
Trong giây phút ấy theo lời kể của ông, bao nhiêu kí ức hiện về trong trí nhớ như một cuộn phim quay chậm lại từng chi tiết. Người ta vẫn thường nói “khi bình yên, người ta thường quên đi những lời thề trong giông bão”, quả không sai.
Dù sao thì ngày mai tôi vẫn phải đến tòa án. Đến tòa để rút lại đơn ly hôn.
Sưu tầm.
Vâng, đây đúng là đá treo, dù nó chẳng treo bằng gì cả.
Khối đá kỳ diệu này nằm ở Công viên bảo tồn thiên nhiên Ergaki Sayans. Nó có khối lượng là 600 tấn, và chiều dài - 17 m.
Trước đây, một người có thể làm lung lay tảng đá này. Nhưng có lần, một nhóm khách du lịch đã sốt sắng dùng một chiếc kích nặng cố gắng kích tảng đá lăn xuống, nhưng không thành công. Hơn thế nữa, tảng đá ngừng lay động luôn như chế giễu sự yếu ớt của con người.
Tuy nhiên, tảng đá vẫn là một kỳ quan của công viên tự nhiên.
Sưu tầm.
7 sự thật về quốc gia ít du khách ghé thăm nhất thế giới.
Tạp chí du lịch Wanderlust mới đây đã liệt kê danh sách 7 điểm đến ít du khách ghé thăm nhất thế giới. Đứng đầu trong danh sách là đảo quốc Nauru, thu hút khoảng 200 khách mỗi năm.
Quốc đảo nhỏ nhất thế giới: Có diện tích 21 km2, Nauru là quốc đảo nhỏ nhất địa cầu. Đất nước này chỉ có khoảng hơn 10.000 người sinh sống, xếp sau Thành Vatican về kỷ lục dân số thấp nhất thế giới. Trải qua nhiều biến động lịch sử, Nauru tuyên bố độc lập vào năm 1968. Nauru không có khu bảo tồn, không có di sản thế giới, không có sông và chỉ có 30 km đường. Ảnh: The Broad Life.
Đường bằng sân bay trải dài chiều ngang lãnh thổ: Đảo quốc Nauru nhỏ đến mức đường băng của sân bay trải dài gần hết chiều ngang lãnh thổ. Sự hạn chế trong chiến lược phát triển du lịch khiến nơi này hiếm khi đón các chuyến bay đến. Ngoài ra, nước này cũng có một tuyến đường sắt khổ hẹp dài 3,9 km (xây dựng năm 1907) để vận chuyển phốt phát đã khai thác - trụ cột của nền kinh tế hòn đảo trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Flightsim.
Quốc gia béo phì bậc nhất thế giới: Theo World Factbook của CIA, năm 2016, 61% cư dân tại Nauru bị béo phì. Tình trạng xảy ra chủ yếu do chế độ ăn uống chủ yếu gồm mì gói, gạo trắng, soda và thực phẩm nhập khẩu chứa nhiều calo. Họ cũng tiêu thụ rất ít trái cây và rau quả. Thay vì trồng trọt và đánh bắt để kiếm thức ăn, việc mua thực phẩm đông lạnh và đóng hộp nhập khẩu trở nên dễ dàng hơn nhiều. Theo Gazette Review, danh sách các quốc gia có tỷ lệ béo phì cao thay đổi qua từng năm nhưng Nauru vẫn luôn chiếm vị trí cao.
Từng là quốc gia giàu có bậc nhất thế giới: Một dãy biệt thự đổ nát dọc theo bờ biển gợi lại quá khứ giàu có của hòn đảo. Vào những năm 1970, đây là quốc gia giàu phốt phát với thu nhập bình quân đầu người chỉ đứng sau Saudi Arabia. Giờ đây, nguồn dự trữ phốt phát đó gần như cạn kiệt. Quốc gia này phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Australia. Trong ảnh, những đứa trẻ địa phương đang chơi ở một bãi biển gần công trình khai thác phốt phát bị bỏ hoang. Ảnh: Mridula Amin.
Quốc gia dễ chịu: Người phương Tây đầu tiên đặt chân đến Nauru vào năm 1789. John Fearn là ngư dân đánh cá voi người Anh. Ông rất ấn tượng vì khí hậu hòn đảo dễ chịu. Nauru được bao quanh bởi rạn san hô, phù hợp cho các hoạt động lặn biển. Tuy nhiên, tác động của việc khai thác phốt phát đã xóa sổ phần lớn sinh vật biển tại đây. Ảnh: Winston Chen.
Hầu hết người dân trên đảo nói được tiếng Anh: Có mối quan hệ chặt chẽ với Australia, New Zealand và Vương quốc Anh, không có gì ngạc nhiên khi ít nhất một nửa dân số Nauru nói tiếng Anh (theo cuốn sách English as a Global Language của David Crystal). Tuy nhiên, ngôn ngữ chính thức tại đây là Nauruan. Ảnh: Borgenproject.
Không có quân đội: Nauru là một trong 16 quốc gia không có quân đội. Australia có trách nhiệm giữ cho đảo quốc này an toàn và bình yên. Nơi đây cũng không có lực lượng cảnh sát. Ảnh: Wallpaper Abyss.
Bóng bầu dục Australia là môn thể thao yêu thích: Cùng với cử tạ, bóng bầu dục kiểu Australia được coi là môn thể thao quốc gia tại đây. Ảnh: Global Sport Matters.
Song Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét