PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia giới thiệu cách chế biến một số món canh làm hạ huyết áp.
Tăng huyết áp có chiều hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết chế độ dinh dưỡng có tác động đến việc tăng, giảm huyết áp.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc ăn uống hợp lý đã trở thành một biện pháp không thể thiếu để phòng và chữa bệnh tăng huyết áp. “Ở người tăng huyết áp nếu ăn uống không đúng thì cho dù có dùng thuốc hạ áp đều đặn, đúng giờ đến đâu cũng kém hiệu quả”, PGS Lâm nói.
Theo đó, chế độ ăn hạ huyết áp là chế độ giàu quả chín, rau xanh, sản phẩm sữa ít béo, bao gồm cả ngũ cốc toàn phần, thịt gia cầm, cá và lạc. Chế độ ăn này giảm chất béo, thịt đỏ, nước giải khát có đường, giảm chất béo no, giảm cholesterol, tăng kali, can xi… và chất xơ.
Canh thịt lợn, cà tím, dưa chuột giúp hạ huyết áp
PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia giới thiệu cách chế biến một số món canh làm hạ huyết áp.
Canh cá lóc, giá và cải canh: Cá lóc 50g, giá 50g, cải canh 30g, tỏi 10g, hành 5g, bột canh. Thịt cá làm sạch xào chung với giá và cải xanh , cho hành tỏi vào cho thơm. Sau đó cho vào nồi nấu sôi, nêm một chút bột canh là được. Mỗi ngày ăn một lần.
Canh thịt lợn, cà tím và dưa chuột: Thịt lợn nạc 50g, cà tím 50g, dưa chuột 30g, tỏi 10g, hành 5g, dầu vừng 10g, bột canh. Dưa chuột rửa sạch, cắt miếng; cà rửa sạch cắt miếng; thịt lợn rửa sạch, cắt miếng; hành cắt đoạn, tỏi bỏ võ giã nát. Để nồi nóng đổ dầu vào phi hành cho thơm rồi xào sơ thịt đã ướp tỏi. Sau đó cho nước vào nấu sôi rồi bỏ các thứ nấu thêm chừng 20 phút là được. Dùng ăn thay thức ăn.
Canh tôm củ cải trắng: Củ cải trắng 150g, đậu phụ 100, tôm nhỏ 50g, giá đậu tương (hoặc đậu xanh) 50g; gừng 3g, hành 5g, tỏi 5g, dầu 30g, bột canh. Cải trắng rửa sạch, cắt miếng; giá đậu rửa sạch, bỏ rễ; đậu phụ rửa sạch cắt miếng vuông; tôm rửa sạch, gừng cắt lát; hành cắt khúc; tỏi bỏ vỏ, cắt lát.
Để nồi nóng đổ dầu vào, phi gừng, hành cho thơm đổ nước vào nấu sôi với củ cải trắng bằng lửa lớn. Sau đó cho các thứ còn lại vào nấu bằng lửa nhỏ cho chín. Mỗi ngày ăn một lần, nhớ ăn hết cả cái lẫn nước.
Canh rong biển, đậu đen và hải sâm: Rong biển 50g, đậu đen 150g, hải sâm 50g, bột canh. Rong biển rửa sạch, cắt sợi; hải sâm ngâm nước mềm, cắt miếng mỏng; đậu đen ngâm nước, rửa sạch. Cho rong biển, đậu đen, hải sâm vào nồi, đổ khoảng 1l nước. Dùng lửa lớn nấu sôi, sau đó vặn lửa nhỏ nấu thêm 90 phút, nêm một chút bột canh vào là được. Mỗi ngày ăn một lần, ăn hết cả cái lẫn nước.
Canh cá diếc nấu với sò biển: Cá diếc 150g, sò biển 30g (hoặc dạng khô thì chỉ dùng 12g); cải canh 100g; đậu phụ 150g; rượu 10g; gừng 5g; hành 5g; dầu vừng 10g; bột canh.
Cá diếc đánh vẩy, bỏ mang, bỏ ruột làm sạch; đậu phụ cắt miếng; gừng cắt lát, hành cắt khúc; rau cải canh rửa sạch. Lấy dầu, muối ướp cá, nấu sôi cá với sò, gừng, hành bằng lửa lớn sau đó cho đậu phụ vào, vặn lửa nhỏ hầm riu riu thêm 30 phút rồi cho rau cải canh vào là được. Mỗi ngày ăn một lần, ăn cả cái lẫn nước./.
Gặp cô gái 29 hóa bà lão 70 vì thuốc chữa ngứa
“Em đau đớn vì bị chính chồng mình xa lánh. Nhìn dung mạo vợ, anh ấy không dám tới gần. Mới 29 tuổi mà sau vài tháng bôi thuốc trị ngứa gương mặt em biến dị quá khủng khiếp”, chị Thạch Thị Tha Ri, ngụ tại tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.
Hiểm họa từ việc tự ý mua thuốc
Chiều 14/9, tại buổi tọa đàm ở TP.HCM về corticoid và tác hại với sức khỏe, nhiều nạn nhân của mỹ phẩm chứa chất corticoid đã chia sẻ về quãng thời gian đau đớn của mình.
Người phải chịu hậu quả nặng nề nhất là chị Thạch Thị Tha Ri, 29 tuổi, ngụ tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Khi mang thai được 5 tháng, chị Tha Ri cảm thấy hơi ngứa ở trên người và mặt. Chị ra tiệm thuốc gần nhà, mua 4 ống thuốc về bôi.
Bôi vài tuần, các triệu chứng ngứa thuyên giảm, nhưng sau đó da chị bị căng, nóng, phù lên.
Cho rằng do mình mang thai nên cơ địa khác thường, người phụ nữ này vẫn tiếp tục bôi thuốc cho tới tháng mang thai thứ 8.
“Khuôn mặt em bị biến dạng nặng nề, không ai nhận ra em nữa. Đang 29 tuổi, mặt mũi trông như bà lão 70, cơ mặt chảy xệ, nhằng nhịt nếp nhăn, da xù xì, tấy đỏ”, chị Tha Ri kể.
Chị Tha Ri trước và sau khi sử dụng corticoid. Ảnh: Thanh Huyền
|
Tha Ri vẫn hy vọng lúc sinh con xong cơ thể sẽ trở lại bình thường. Chính nữ bác sĩ đỡ đẻ cho Tha Ri cũng bất ngờ khi biết cô mới chỉ 29 tuổi.
Quá thương cảm cho bà mẹ trẻ, bác sĩ trên đã lên TP.HCM, tìm tới báo chí để giúp Tha Ri có điều kiện khám, chữa bệnh.
Cuối cùng, Tha Ri được bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh, nguyên giảng viên Trường Đại học Y dược TP.HCM cùng các đồng nghiệp giúp đỡ.
Các bác sĩ đã xuống tận nhà cô ở Bạc Liêu để thăm khám và điều trị. Khi thấy có người lạ tới nhà, chồng của Tha Ri mặc cảm về chuyện của vợ nên lánh mặt.
Bác sĩ kết luận chị Tha Ri bị viêm da tăng tiết bã nhờn phì đại nang lông. Nguyên nhân do độc tố có trong thuốc bôi chứa chất corticoid cực độc gây ra.
“Quãng thời gian trị liệu cho Tha Ri vô cùng khó khăn. Cô ấy vừa trải qua sinh nở, nay lại gánh chịu cú sốc tinh thần quá lớn. Từ một phụ nữ đẹp đột ngột biến thành bà lão. Bên cạnh đó, Tha Ri rất đau đớn bởi các tổn thương trên gương mặt”, bác sĩ Cẩm Anh nhớ lại.
Sau 2 tháng điều trị ngưng tuyệt đối các sản phẩm chứa corticoid, uống thuốc, chiếu đèn, các nếp nhăn trên gương mặt Tha Ri đã duỗi ra, tình trạng được cải thiện rất nhiều.
Tuy nhiên, việc Tha Ri lấy lại được dung mạo như xưa là điều các bác sĩ khó chắc chắn.
Mắc bẫy vì lời quảng cáo có cánh
Giống như Thạch Thị Tha Ri, nam thanh niên tên Nguyễn Tuấn Anh còn bị làng quê xa lánh. Khi thấy gương mặt Tuấn Anh lở loét, mưng mủ, người ta dị nghị cậu bị bệnh AIDS.
“Ngay cả ước mơ trở thành vũ công của em cũng chấm dứt luôn sau lần sử dụng mỹ phẩm trắng da trị mụn đó. Em thi học kỳ rớt một lúc 2 môn. Cha mẹ em vô cùng thất vọng”, Tuấn Anh tâm sự.
Theo bác sĩ Nguyễn Phúc Cẩm Anh, hiện nay người dân có thể rất dễ dàng ra hiệu thuốc để mua các sản phẩm chứa corticoid mà không cần toa của bác sĩ.
“Corticoid là chất độc bảng B theo phân loại của Bộ Y tế. Nếu được bác sĩ chỉ định và sử dụng hợp lý thì corticoid rất có ích trong điều trị, nhưng dùng nó tràn lan như mỹ phẩm lại tai hại vô cùng”, bác sĩ Cẩm Anh nhận định.
Corticoid là một chất chống viêm mạnh, có tác dụng chống dị ứng, chữa viêm, dùng dưới dạng uống, tiêm, bôi da.
Sau quá trình điều trị, gương mặt chị Tha Ri đã dần cải thiện. Ảnh: Thanh Huyền
|
Sử dụng corticoid lâu dài gây ra các biến chứng: giảm khả năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ thể hay từng vùng nếu bôi da, rối loạn hoạt động nội tiết và các biến chứng như tiểu đường, cao huyết áp, đặc biệt là hội chứng nghiện corticoid.
Ngoài ra, corticoid còn làm yếu hệ thống bảo vệ của da nên da dễ bị nhiễm trùng lan rộng, làm giảm dẫn đến mất khả năng sinh sản của tế bào da, gây tình trạng teo da, mỏng da, chảy nhão…
Sở dĩ các nạn nhân rơi vào cạm bẫy ngọt ngào của mỹ phẩm chứa corticoid bởi các lời quảng cáo làm trắng da vô cùng có cánh: đẹp cấp tốc, đẹp mịn màng, đẹp không tì vết.
Khi mới bôi, do tính chất kháng viêm mạnh, mụn sẽ lặn hết nhanh chóng chỉ sau vài giờ tới 1 ngày. Da bị giữ nước mọng lên khiến người sử dụng có cảm giác mềm mịn. Thế nhưng tác hại thực sự sau đó thì thật khủng khiếp!
Thanh Huyền
Hiểm họa từ son handmade giá rẻ, mỹ phẩm tự chế
Với lời quảng cáo hấp dẫn, mẫu mà đẹp, giá cả "hạt dẻ", nhiều chị em phụ nữ đang bất chấp những nguy hại tiềm ẩn của mỹ phẩm tự chế mà mua về dùng...
Làm đẹp với phụ nữ chưa bao giờ là đủ. Phương châm “đẹp nữa, đẹp mãi” luôn luôn có trong từ điển làm đẹp đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ tiền để “trang trải” cho công cuộc làm đẹp với những sản phẩm có thương hiệu, tên tuổi. Chính vì lí do đó, son handmade cũng như mỹ phẩm tự chế lên ngôi…
Thời của mỹ phẩm giá rẻ tự chế
Xa rồi cái thời nhịn ăn nhịn mặc để sắm cho kì được thỏi son hàng hiệu. Ngày nay, con gái có nhiều sự lựa chọn hơn với những sản phẩm “tự chế” có giá siêu rẻ, đầy đủ đa dạng mọi mẫu mã, chủng loại, màu sắc.
Mỹ phẩm handmade lên ngôi đầu bởi nó đáp ứng được tiêu chí đó: “giá rẻ với người mua và lợi khủng đối với người bán”.
Chỉ cần lên mạng gõ từ khóa “Son Handmade” là Google cho ra hơn một triệu kết quả tìm kiếm trong nháy mắt với đủ các loại, từ buôn bán cho tới hướng dẫn cách làm tại gia.
Điều đó cho thấy, mỹ phẩm tự chế - Son Handmade đang ngày càng được nhiều chị em lựa chọn.
Tuy nhiên, độ an toàn của những sản phẩm này liệu có đáng tin cậy và nhiều trường hợp đã “rước họa vào thân” vì tin dùng mỹ phẩm gắn mác “100% thiên nhiên, an toàn”.
Lô son tự chế với mẫu mã đẹp mắt...
|
Lướt qua một số trang web chuyên quảng cáo, buôn bán mỹ phẩm tự chế, chúng tôi được biết, thị trường son môi rẻ hơn rất nhiều so với thông thường.
Diễn đàn của những người thích làm mỹ phẩm tự chế trên mạng facebook thường tung các sản phẩm tự chế rồi tiến hành giao dịch trực tiếp.
Theo tìm hiểu của PV, được biết, tại diễn đàn này, son dưỡng tự chế có giá từ 60.000 - 120.000 đồng/thỏi (lọ), son màu 80.000 - 190.000 đồng/thỏi, các loại nước hoa, kem dưỡng cũng có giá chỉ bằng một nửa giá sản phẩm thông thường.
Trong khi đó, một cửa hàng mỹ phẩm tự nhận chuyên buôn bán mỹ phẩm ngoại nhập có trụ sở ở Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội) nhưng giá sản phẩm rẻ bất ngờ, có giá dao động từ 70.000-400.000 đồng tùy sản phẩm và chủng loại. Nếu so sánh giá những thỏi son tự chế với son ngoại nhập này cũng không chênh lệch bao nhiêu?
Khi được hỏi liệu sản phẩm giá rẻ như vậy có đảm bảo an toàn khi sử dụng thì tất cả đều khẳng định nguồn gốc cũng như quá trình chế biến đảm bảo an toàn?
Bạn Lan Anh (Kim Mã) chuyên bán son handmade cho biết: “Các nguyên liệu của mình đều là các sản phẩm chiết xuất từ thiên nhiên như tinh dầu nguyên chất, sáp ong, dầu dừa, bơ shea, màu thực phẩm... được mua tại các địa chỉ tin cậy. Bản thân chất lượng sản phẩm của chúng tôi đã được kiểm chứng qua thời gian, khách hàng đều có phản hồi tốt. Chúng tôi còn mở cả dịch vụ dạy làm mỹ phẩm cho những khách hàng có nhu cầu”.
Đổ xô đi mua hàng giảm giá…
Trước tình trạng mỹ phẩm tự chế tràn lan trên thị trường, mới đây, Cục quản lý Dược – Bộ Y tế đã đẩy mạnh việc siết chặt quản lý chất lượng mỹ phẩm.
Cụ thể, các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm phải có giấy phép, và đáp ứng các tiêu chuẩn, nguyên tắc do Bộ Y tế ban hành. Các sản phẩm đưa ra thị trường phải được cơ quan có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; được ghi nhãn có đầy đủ nội dung theo quy định. Tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức sẽ bị xử phạt theo nghị định 176 của Chính phủ.
Điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt lời rao bán mỹ phẩm gia truyền, handmade nổi trôi trên mạng, facebook,... đã chính thức bị “sờ gáy”.
Để đối phó với những “lệnh cấm” đó, chủ các lô mỹ phẩm tự chế liên tục giảm giá, xả hàng,... trước khi bị phạt.
Các loại son tự chế chưa qua bất kỳ một kiểm định nào...
|
Làm quen với chủ cửa hàng “Cherry handmade shop” trên trang Facebook, quản trị trang cho biết, sắp tới sẽ mở đợt giảm giá hàng cực lớn, rồi “dẹp tiệm”.
Theo khảo sát, hiện tại, giá các loại bột tắm trắng, kem, cao, nước hoa, hay son môi … tự chế đều đồng loạt giảm mạnh từ 30-50%. Và bất chấp những khuyến cáo từ các cơ quan y tế, chị em phụ nữ vẫn đổ xô nhau đi mua mỹ phẩm tự chế giảm giá vì giá thành rẻ, nhiều người còn có tư tưởng “gom hàng dùng dần”...
Chị Trần Thị Mỹ D., một “tín đồ” của mỹ phẩm tự chế cho biết: “Mình là khách quen của shop mỹ phẩm tự chế này, đã dùng qua nhiều món, thấy chưa có gì gây hại. Nhân dịp shop thanh lý hết vì sợ bị phạt, mình mua để dành dùng”.
Một số chị em lại tranh thủ “hốt hàng” từ các shop trên mạng để về bán lại cho người quen và các nhóm nhỏ khác.
Nói về mỹ phẩm tự chế, bác sĩ Lê Ngọc Diệp, giảng viên bộ môn Da liễu, Đại học Y Dược chia sẻ: “Vì đa phần mỹ phẩm tự chế do những người thiếu kiến thức về các thành phần mỹ phẩm, hóa chất cũng như thành phần cấu tạo của da làm ra. Do đó, son handmade - mỹ phẩm tự chế xuất có thể bị biến chất, gây hại lâu dài cho người sử dụng, như ung thư, nhiễm độc. Chưa kể, các sản phẩm tự chế nguồn gốc từ thiên nhiên thường có thời gian bảo quản ngắn, dễ bị hư hỏng, lên men, nấm mốc dẫn đến dị ứng, hoặc các thương tổn khác nặng hơn".
(Theo ĐSPL)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét