07 tháng 9 2015
Quan hoạn - Họ là ai ?
Nghĩa địa hoạn quan ở chùa Từ Hiếu. ảnh NM
Về, Huế, đi theo đường lên lăng Tự Đức, đến làng Dương Xuân , là gặp chùa " Từ Hiếu". Đây là một địa chỉ du lịch hấp dẫn của Huế. Ngôi chùa cổ kính này do nhà sư Nhật Định xây dựng 126 năm trước. Chùa nổi tiếng vì ở đây có khu Nghĩa địa hoạn quan !
Nghĩa địa hoạn quan, nghe thật lạ . Trong tập san B.A.V.H ( (Những người bạn của Cố Đô Huế) 1918, A.Laborde kể , thời vua Thành Thái thứ 5 ( 1893) , có 3 vị hoạn quan trong triều , lo nghĩ về hoàn cảnh cay đắng , không nơi nương tựa của mình sau này, nên đã vận động triều đình cúng tiền để xây dựng chùa Từ Hiếu lớn hơn, làm nơi ẩn dật cuối đời , cũng là nơi thờ cúng cho mình . Ở phía tây nam chùa có một khu nghĩa địa được xây dành riêng cho hoạn quan triều Nguyễn . Đây là khu nghĩa địa Thái giám duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam. Vì thế có thời người ta gọi chùa Từ Hiếu là Chùa Thái Giám . Bây giờ, khu nghĩa địa đã rêu phong, sứt mẻ nhiều, nhưng vẫn còn nguyên vẹn. Tường thành bao quanh, diện tích khoảng 1000 m2.
Phía chính diện có 2 cổng vào rất quy mô . Ở giữa 2 cổng có một tấm bia đá khắc chữ Hán. Tấm bia được dựng trong một ngôi đền, lớn hơn cổng vào , nằm ở trung tâm bức tường mặt tiền khu nghĩa địa. Có lẽ đây là đền thờ chung để khách thập phương thắp nhang cho những linh hồn cô độc . Theo bản dịch thì bia ghi tâm trạng của các Thái giám rất cảm động :"... Trong khi sống chúng tôi sẽ tìm thấy ở đây sự yên lặng, khi đau ốm chúng tôi đến đây lánh mình và sau khi chết chúng tôi được an táng cùng nhau. Sống hay chết ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh" . Trong khu nghĩa trang hoang vắng, đầy lá rụng này , chúng tôi đếm được 25 ngôi mộ, nằm thành 3 hàng. Hàng thứ nhất có từng mộ riêng, lớn hơn. Hàng thứ hai mộ nhỏ hơn, nằm thành từng cặp. Hàng thứ ba mộ nhỏ hơn nữa , cứ 3 mộ thành một cụm. Có lẽ mộ được cất theo chức vụ của từng quan Thái giám khi còn đương chức. Trong khu nghĩa địa có vài ngôi mộ được sơn mới lại, chứng tỏ mộ này có bà con họ hàng chăm sóc. Hỏi thăm , một sư thầy trẻ cho biết , khu nghĩa trang ai đến thăm cũng được. Còn nơi coa bài vị thờ các vị Thái Giám thì ở ngay trong chùa Từ Hiếu. Trong đó có cả ảnh của Thái giám Lê Văn Duyệt, viên tướng của Triều Nguyễn rất được nhân dân Nam Bộ tôn thờ. Nơi thờ quan THái giám hàng ngày vẫn được chùa và các tu sĩ nhang khói .. Theo sử sách, thì thời vua Khải Định (1917-1925) , ở nghĩa địa này mới có 18 ngôi mộ .Trong đó có 9 mộ đã chôn, còn 9 ngôi là "mộ gió" của 9 ông quan hoạn còn sống, sẽ về đây an nghỉ. Bây giờ thì số mộ đã gấp rưỡi !
Nhà bia trước Khu nghĩa địa. Ảnh NM
Quan hoạn là "đàn ông không còn khả năng đàn ông" , được chọn làm công việc trong Tử Cấm Thành , chuyên phục vụ giới đàn bà trong gia đình vua. Từ hàng nghìn năm trước, ở nhiều nước đã có hoạn quan . Ở Trung Quốc , thái giám xuất hiện từ thời Châu ( 1122 - 250 trước CN.). Theo Đào Hùng , đến cuối đời Minh (Trung Quốc) có tới 75.000 hoạn quan, phụ trách 24 nhiệm vụ trong Cung vua. Đến năm 1924, khi ông vua cuối cùng là Phổ Nghi ( triều Mãn Thanh) rời ngôi , hoạn quan mới hết việc. Xem các phim ảnh Trung Quốc bay giờ, hình ảnh những Công Công ( tức Thái Giám) trong các triều đại xưa không tốt đẹp gì. Họ thường xuyên lạm dụng thân cận gia đình vua để tham gia vào những chụyện "kín" tày trời như dẫn Hoàng Thượng tới các tửu lầu , rồi chỉ điểm, thám báo, nội cung cho những âm mưu lật đổ... Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, đến cuối đời Hán, hoạn quan tiếm quyền trong triều, nắm giữ cả ban văn, ban võ, kết giao với các đại thần, gây vây cánh...Hoạn quan của các triều đại phong kiến Việt Nam cũng thân phận cô đơn, cay đắng, nhưng có rất nhiều người để lại tiếng thơm cho đời sau.
Muốn có hoạn quan Triều đình tuyển đàn ông bẩm sinh không có giới tính, hoặc thiến thiếu niên nam khi còn rất trẻ rồi đưa vào cung nuôi. Theo Tạp chí Xưa và Nay số 6-9/1994, khi thiến người ta buộc chặt bụng và đùi nạn nhân vào một cái bàn đầu cao hơn chân. Bộ phận sinh dục được rửa bằng nước hồ tiêu để sát trùng. Nạn nhân được uống thứ thuốc gây mê bằng các vị thuốc bắc. Người thiến hỏi :" Có bằng lòng thiến không ?". Nếu nạn nhân bằng lòng, lập tức người giải phẩu hạ dao cắt dương vật, bìu và tinh hoàn, rồi đặt ống thông hơi vào chỗ tiểu tiện...Sau 3 tháng ,vết thương sẽ lành. Sau khi bị thiến, người đàn ông rụng râu, rụng lông, ăn nói yểu điệu, giọng the thé, giống như con gái. " Bảo vật" của hoạn quan được sao tẩm cất giữ lâu dài, khi được thăng chức phải đưa trình , như là " chứng minh thư". Khi chết được chôn theo thi thể.
Trong Hoàng cung xưa chỉ có gia đình vua ở, gọi là Tử Cấm Thành . Hàng ngày có hàng ngàn thái giám phục vụ Hoàng Thái hậu, các phi tần ( vợ vua). Họ sắp xếp quần áo , đồ đạc cho gia đình vua và các cung nữ, làm bếp trưởng , coi kho , chăm sóc chuồng voi ngựa, xe cộ, vũ khí, áo mũ, chăm sóc vườn cây cảnh, phục vụ vua và gia đình mỗi khi yến tiệc, lo thuốc thang, sách báo, coi ngó tiền bạc, canh gác ban đêm ở ngoài cửa các phòng của phi tần, công chúa .v.v... Hàng trăm công việc, toàn những việc phụ nữ làm không nổi vì sức yếu, nhưng nếu là "đàn ông thật" thì nguy cho Hoàng Cung lắm ! Việc quan trọng bậc nhất là hoạn quan " đưa đường chỉ lối" giữa Vua và các phi tần. Phải là Hoạn quan tin cẩn và có phẩm bậc mới được làm việc này. A. Laborde ( B.A.V.H) kể : Thái giám hầu cận dẫn vua đi vào một phòng đặc biệt. Trong phòng có một tập "thẻ ngọc" ghi tên các phi tần. Thẻ nào được úp sấp là người đó được vua chọn . Hoạn quan đến phòng riêng của phi tần đó , treo lên cửa một chiếc đèn lồng màu đỏ. Lập tức, phi tần cởi quần áo . Hoạn quan bước vào, phủ tấm áo choàng màu đỏ lên thân thể mỹ nữ trần truồng nóng hổi và run rẩy ấy, quấn nàng vào trong cánh tay khỏe mạnh, bồng mỹ nữ chạy dọc hành lang Tử Cấm Thành , đưa vào một cái phòng đặc biệt, vua đang chờ sẵn ở đó. Sau đó Hoạn quan đứng gác suốt đêm, đợi đến sáng mai, lại khoác tấm vải choàng lên người mỹ nữ đang thiêm thiếp , đưa trở lại khuê phòng. Sau đó ghi chép thời gian cụ thể. Khi phi tần thụ thai phải làm tờ trình...
Có lẽ đây là công việc xúc động và "khó khăn nhất" đối với các Quan hoạn trong Tử Cấm Thành, vì tuy là quan hoạn, nhưng sức tưởng tưởng , sức mạnh đàn ông thì không ai hoạn được. Bởi thế mà người ta kể rằng , có thời có một thầy đội trong Hoàng Cung bị án tử hình vì đã " quan hệ" với một hoạn quan, kết quả là họ có con. Vụ việc được giải thích là có một Thái giám lưỡng tính, vừa nam, vừa nữ (!?) Cũng có thái giám được cưới một bà vợ ngoài phố, nuôi một đứa con nuôi, để có một "tổ ấm gia đình". Thậm chí vua còn cho phép một thái giám cưới một nàng cung nữ đã bị thoải loại !
Trong lịch sử Việt Nam có nhiều Thái giám tư chất thông minh, dũng cảm, cương trực làm được nhiều việc lớn cho triều đình .Đó là những quan hoạn danh tiếng như đời Lý có Lý Nhân Nghĩa, Lý Thường Kiệt ( người tự thiến để được vào cung vua trổ tài cứu nước !) , đời Trần có Phạm Ứng Mộng, đời Lê có Lương Đăng, Hoàng Công Phu, Phan Huy Đinh, Hoàng Ngũ Phúc, triều Nguyễn có Lê Văn Duyệt.v.v..
Các triều vua Nguyễn đều dùng hoạn quan . Theo lời kể của nhà văn Phạm Khắc Hòe, nguyên Ngự tiền Đổng lý văn phòng triều đình Bảo Đại , thì đến tháng 8- 1945, các viên Thái giám cuối cùng mới rời khỏi Hoàng cung. Có viên thái giám già đã phục vụ 50 năm , từ thời Vua Thành Thái đến sau 1945, vẫn còn ở lại phục vụ bà Từ Cung ( mẹ Bảo Đại)... Thời vua Gia Long, thái giám Lê Văn Duyệt do có công trạng giúp vua chiếm lại Nam Kỳ ,đã được phong tướng, chức vụ Phó Vương Nam Kỳ, rất được nhân dân Nam Bộ yêu mến, lập đền thờ. Sau khi Gia Long mất, Lê Văn Duyệt đã muốn Hoàng Tử Anh, cháu nội dòng chính, nối ngôi . Ông không đồng ý con thứ nhì là Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi ( tức vua Minh Mạng), rồi Lê Văn Duyệt đã có ý trách vua Minh Mang tấn công người Pháp...Vì thế Minh Mạng rất thù hận Lê Văn Duyệt, vì thế vua càng ghét các thái giám trong triều.
Vì thế đến năm 1836 , vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ cấm hoạn quan không được giữ những chức vụ trong hệ thống quan lại triều đình, mà chỉ là những kẻ hầu hạ , chuyển giao mệnh lệnh, để tránh sự lạm dụng. Thái giám chỉ được làm quan đến chức cao nhất là tứ phẩm. Thái giám nào không tuân thủ các quy định mới này sẽ bị trị tội rất nặng. Chỉ dụ này được khắc bia đá đặt trước Quốc Tử Giám. Vua còn quy định phẩm phục riêng cho Thái giám : Cấp cao áo màu lục, màu lam cho cấp thấp .
Quan văn thì trước ngực có thêu hình chim, quan võ thì thêu hình thú. Trước ngực đeo thẻ bài ngà ghi rõ chức phận .Vua còn đặt ra một hệ thống chức tước gồm 5 bậc riêng cho các Thái giám, quy định số gạo và tiền được hưởng hàng tháng. Ví dụ Hạng nhất, cấp bậc Quảng vụ và Điển sự Thái giám gạo 48 bát, tiền 72 quan; hạng năm bậc Cung phụng và Thừa biện: gạo 24 bát, tiền 24 quan ( gạo bằng một nửa và tiền bằng 1/3 hạng nhất). Đến vua Đồng Khánh ( 1887) , lương Thái giám tính bằng quan được tăng lên. Thời vua Thành Thái ( 1890) bỏ lương bằng lúa và quan tiền , thay bằng đồng bạc. Đến thời vua Duy Tân ( 1912) hoạn quan được chia làm 7 hạng , lương tính bằng đồng tiền. Khi không phục dịch trong cung, thái giám về khu nhà nghỉ riêng gọi là Cung giám viện .
Thái giám không được hưởng bổng lộc, vinh dự như các loại quan triều khác, chỉ 3 hạng đầu mới được xin cho cha họ chức Nhiêu phụ, là chức được miễn thuế vĩnh viễn. Dưới triều Thành Thái thái giám còn độ 15 người. Vua thay thái giám bằng cung nữ. Đến 1914, triều Nguyễn không tuyển Thái giám mới nữa.
Trên góc độ con người, quan hoạn là những người đáng thương . Một hệ thống quan hoạn khổng lồ của các triều đại phong kiến Việt Nam, bây giờ chỉ còn lưu lại ít dấu vết ở nghĩa địa hoạn quan chùa Từ Hiếu , thật ít ỏi !
Ngô Minh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét