29 tháng 4 2024
BA XUYÊN - SÓC TRĂNG NHỮNG ĐỊA DANH VÀ TÊN ĐƯỜNG THUỞ XƯA - NAY THAY ĐỔI.
BÁN THUỐC CŨNG MỆT LẮM!
Đôi uyên ương nọ quyết định sẽ thuê một phòng hạng sang tại một khách sạn cao tầng cho đêm tân hôn. Khi đến trước quầy lễ tân, anh chồng hồ hởi nói:
- Chúng tôi đến nhận phòng. Tôi đã đặt một phòng tại tầng 15.
- Vâng! Đây là chìa khóa phòng – Cô lễ tân vừa nói vừa đưa chìa khóa cho người vợ – Chúc anh chị một đêm hạnh phúc! Anh chồng chưa kịp đợi hết câu đã bế thốc cô vợ mới cưới trên tay một cách rất sành điệu và đi về phía thang máy. Cô dâu mới cũng tỏ ra ngất ngây vì hạnh phúc.
Nhưng thang máy đông người chờ quá, anh chồng trẻ bế vợ chạy cầu thang bộ. Khi thang máy đi đến tầng 5, cô vợ chợt nói:
- Anh yêu này! Em có điều cần nói với anh…
- Kìa em! – Anh chồng âu yếm – Đừng nói gì hết, hãy ôm hôn anh đi!
Anh chồng vẫn bế vợ tiếp tục cất bước đi từng tầng. Khi lên đến tầng 10 , cô vợ lại nói:
- Anh yêu ơi! Em phải nói điều này với anh thôi!
- Đừng thế em! Mọi chuyện với anh lúc này đều vô nghĩa. Chỉ cần em hãy ôm anh thôi – Chú rể vừa nói vừa ghì chặt cô dâu vào vòng tay khao khát.
Cuối cùng, dù bước chân của anh chồng đã chao đảo thì cũng lên tầng 15. Hai người tới trước cửa phòng. Anh chồng thều thào:
- Em yêu, đưa chìa khóa phòng cho anh nào!
- Đó chính là điều nãy giờ em muốn nói với anh đấy! Lúc ở dưới quầy lễ tân anh bế em nhanh quá nên em chưa kịp cầm chìa khóa phòng.
Sưu tầm
Hai vợ chồng cùng ngành xuất bản sách. Đêm tân hôn của họ thật thơ mộng. Họ nói với nhau đủ chuyện từ chuyện yêu đương gia đình, bè bạn, nghề nghiệp.
Anh chồng ôm vợ âu yếm rồi đọc thơ:
- Sách mới cho nên phải đắt tiền.
Cô vợ cùng nghề, nghe chồng đọc liền ứng khẩu đọc tiếp luôn:
- Hôm nay xuất bản lần đầu tiên.
Anh chồng ghì chặt vợ vào lòng mình đọc luôn câu thứ ba:
- Anh còn tái bản nhiều lần nữa.
Cô vợ sung sướng đọc câu thơ trong tiếng thở:
- Em để cho anh giữ bản quyền.
Vài năm sau, cô vợ đọc:
Sách đã cũ rồi phải không anh?
Sao nay em thấy anh đọc nhanh?
Không còn đọc kỹ như trước nữa,
Để sách mơ thêm giấc mộng lành.
Anh chồng ngâm:
Sách mới người ta thấy phát thèm.
Sách mình cũ rích, chữ lem nhem!
Gáy thì lỏng lẻo, bìa lem luốc.
Đọc tới đọc lui, truyện cũ mèm.
Cô vợ thanh minh:
Sách cũ nhưng mà chuyện nó hay.
Đọc hoài vẫn thấy được bay bay.
Đọc xong kiểu này, rồi kiểu khác.
Nếu mà khám phá sẽ thấy hay.
Anh chồng lẩm bẩm:
Đọc tới đọc lui mấy năm rồi.
Cái bìa sao giống giấy gói xôi.
Nội dung từng chữ thuộc như cháo,
Nhìn vào hiệu sách nuốt không trôi.
Thằng hàng xóm hắng giọng sang :
Sách cũ nhưng mà tôi chưa xem.
Nhìn anh đọc miết thấy cũng thèm,
Cũng tính hôm nào qua đọc lén,
Liệu có trang nào anh chưa xem?
28 tháng 4 2024
NHỮNG CÂU TỎ TÌNH BẤT HỦ CỦA MỘT SỐ VĂN SĨ TIÊU BIỂU.
HÀN MẶC TỬ – SỨC “GỢI CẢM” LẬN TRONG NỖI THƯƠNG ĐAU
Nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận xét: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”.
Với sự nghiệp hơn mười năm sáng tác, tự thân Hàn Mặc Tử đã kiến trúc một ngôi nhà thơ của riêng mình vừa khuôn thước, mẫu mực vừa phiêu bồng, biến ảo và vượt thoát khiến những nhà nghiên cứu văn học từ trước tới nay, vừa hứng thú, vừa bối rối trong những phỏng đoán “Anh là ai loạn điên.” Và dẫu thế nào thì, khó ai có thể phủ nhận thành trì mang tên Hàn Mặc Tử ấy vẫn hiên ngang sừng sững, ngôi sao chổi vẫn để lại nét rực rỡ chói lòa trong lịch sử văn chương nước nhà.
Hàn Mặc Tử (tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912) tại mảnh đất Quảng Bình thân thương. Được dung dưỡng trong một gia đình có phẩm hàm và học vị cho nên vừa cập tuổi thiếu niên, Tử đã phát tiết cái hồn thơ làm cho người đời sau mê mẩn. Thơ Hàn Mặc Tử thuở ban đầu mang đậm dấu cổ thi, chất trữ tình trong thơ ông là chất trữ tình cổ điển, với lối so sánh ước lệ và thể thơ Đường luật. Tuy nhiên, dẫu bắt đầu bằng những khuôn mẫu nhưng thơ của Tử đã mầm mống xuất hiện những phá cách đầy táo bạo:
“Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”…
Mượn gió trăng để nói chuyện thuyền quyên, tả nhục cảm nhưng không vướng tục tằn. Sở dĩ nói thơ ông đầy tính “gợi cảm” là như thế. Và chính hơi hướng trung đại ấy đã đặc tả nên một nét trữ tình rất riêng trong chất “điên” của Hàn Mặc Tử, làm bước đệm cho những thăng hoa sau này của ông.
Và nét thăng hoa ấy chính là “Đây thôn Vĩ Dạ”. Được ra đời trong tập Thơ Điên (1940) bài thơ đã khắc họa nên một góc riêng tư trong tâm hồn không bao giờ lặng yên của người thi sĩ miền duyên hải.
“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Chân trời mặt đất như hòa thành một khối cầu ngọc bích dịu ngọt và sáng trong. Thiên nhiên trong thơ Tử mướt mọng và căng đầy trong một cung độ toàn thịnh. Phải một lòng yêu nồng nàn và óc quan sát tinh tế lắm mới phóng bút thu trọn được những giọt tinh nguyên như thế. Tuy nhiên, người tinh ý chỉ cần chút để tâm sẽ nhận ra ngay sự lụi tàn của một cái đẹp đã đến độ mãn thì.
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”
Sương khói mờ ảo, bạch y ảm đạm, không gian lạnh lẽo đìu hiu như báo trước cho cái chết của một hồn thơ tài hoa bạc mệnh, tiên liệu cho một giai đoạn loạn trí, cuồng điên.
TRƯỜNG THƠ LOẠN – SỰ BẤT HẠNH CỦA MỘT TÂM HỒN TÀI HOA NGHỆ SĨ
Ngược về quá khứ vào những năm 1930-1945, Bình Định bỗng chốc trở thành mảnh đất cực thịnh cho sự nghiệp thi ca dân tộc. Một loạt các túi thơ kì cựu như Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn và hiển nhiên không thể thiếu thi sĩ họ Hàn, hoạt động vô cùng sôi nổi. Bốn người cùng nhau lập nên nhóm thơ Bàn Thành Cố Hữu. Dưới những ảnh hưởng từ “Điêu tàn” của Chế Lan Viên và cải tổ từ “Giếng loạn” của Yến Lan, Hàn Mặc Tử cuối cùng đã xác định được đường lối cho ngòi bút siêu sinh: Trường thơ loạn. Ngay khi tìm được lối đi, những người bạn say sưa vùi mài nghiên mực trong những miền thơ thoát thực, loạn óc mà điêu linh. Tuy nhiên, dẫu cùng viết về cái chết, nhưng thơ của Chế lại không đậm mùi tử khí bằng Tử, bóng dáng của chiếc lưỡi hái linh hồn luôn rình rập sau từng cách gieo vần nhả chữ của thi sĩ họ Hàn:
“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút;
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt,
Như mê man chết điếng cả làn da.”
Ai theo dõi hay có lòng mến đối với Tử có lẽ sẽ biết được những bất hạnh mà chàng Lệ Thanh phải gánh chịu. Mang trong mình căn bệnh phong hàn, một trong “tứ chứng nan y”, ông không chỉ phải chịu đựng nỗi đau thể xác mà tinh thần cũng không ngừng bị dằn vặt bởi sự khinh khi của người đời. Vốn một bụng phong lưu nhưng lại mắc nợ trần ai.
NHỮNG BÓNG HỒNG BÊN ĐỜI VĂN SĨ
Phải chăng, trong những tháng ngày cay đắng và vật vã vì cơn đau bệnh, ái tình chính là nguồn ánh sáng đã cứu rỗi tâm hồn Tử. Trong số các mối tình thơ văn từng thoáng qua đời tăm tối của vị “chủ soái” trường thơ Điên thì có lẽ Mộng Cầm là vị nữ tử để lại dấu ấn đậm sâu nhất. Từng hò hẹn dưới trăng, trao câu ước thề, bén duyên mặn nồng thế nhưng đôi tình si vẫn không vượt được cách trở của một con đò “số phận”. Một năm chia ly kể từ sau khi bệnh tình Tử trở nặng khiến Mộng Cầm ngậm ngùi bỏ lại tơ duyên cũ, một bước sang ngang bến rời thuyền. Người dứt áo ra đi không biết có đau khổ nhưng chàng thi sĩ bất hạnh thì như chết nửa con người. Chàng vật vã trước nỗi mất mát không gì bù đắp được:
“Họ đã xa rồi khôn níu lại
Lòng thương chưa đã, mến chưa vừa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”
Trong tên chàng có một vầng trăng khuyết đặt trên đầu A của chữ Mạc (Mặc), có lẽ vì thế nên đời chàng như vầng nhật nguyệt chỉ khuyết không tròn. Nửa đời bệnh tật dằn vặt, chút nỗi niềm thuyền quyên cũng bị vết dao số phận chặt đứt. Đời Tử khiến bao người tiếc thương cho một chữ tài liền với chữ tai. Nhưng họa chăng chính vì những mất mát đau thương đó đã dồn nén tích tụ nên một ngòi bút giàu xúc cảm để bộc phát lên những lời thơ đi mãi với thời gian. Trong suốt cuộc đời của vị thi sĩ mệnh bạc này, thứ duy nhất trọn vẹn tròn trĩnh đó chính là những cống hiến của ông với nền văn học dân tộc.
KHI CÁI CHẾT HOÁ THÀNH BẤT TỬ
Khép lại chặng đường khổ tự, sau khi viết lá thư tạ từ vị mẫu thân đang ở phương xa, Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng vào đêm 11.11.1940. Đồ đạc mà ông để lại chỉ có một bộ bà ba trắng, một áo vest cũ, một đôi giày rách, một cái gối con, một cuốn sách của nhà văn Pháp và bài Pháp văn viết bằng bút chì, không một đồng tiền nào trong người. Đám tang của ông được tổ chức lặng lẽ chỉ với chừng 4 – 5 người và cha xứ. Một đời cuồng điên với trăng sao, hồn hoang, tim máu, thi sĩ họ Hàn đã đặt dấu chấm cho chương cuối cuộc đời bằng một sự ra đi yên an. Gần 45 năm sau ngày ông mất, Quách Tấn và Chế Lan Viên mới có thể thu thập lại những bài thơ đã thất lạc của ông, tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử như lời truy điệu cuối cùng để bất tử hóa người anh em nay đã lìa xa cõi thế. Phóng khoáng, mơ mộng, điên loạn rồi an yên, cuộc đời Hàn Mặc Tử trải đều như một bản nhạc đầy những khuôn thăng để rồi hạ xuống yên nghỉ trong lòng độc giả bằng những vần thơ mãi ngân vang qua muôn thế hệ.
“Một mai kia ở bên khe nước ngọc,
Với sao sương, anh nằm chết như trăng.
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc,
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.”
(trích Duyên kỳ ngộ)
Sưu Tầm
Văn chương : Bài thơ dấu hỏi dấu ngã
TIẾNG VIỆT TA... HAY THẬT....!
MŨM MĨM béo, MỦM MỈM cười.
CỦ quả dành để biếu người CŨ xưa.
KIỄNG chân, chậu KIỂNG đu đưa
KẺO hết, KẼO kẹt đêm mưa võng buồn.
HỔ thẹn chưa HỖ trợ lương.
GÃ kia GẢ bán người thương vì tiền
HẢO tâm lo chuyện HÃO huyền.
Đi buôn LỖ vốn, nước màu LỔ loang.
PHỦ phê chừ mới PHŨ phàng,
Nửa đường GÃY gánh, GẢY đàn tìm vui.
GÃI đầu tính ngược, tính xuôi.
Còn lưng NỬA vốn NỮA thời tính sao.
GIÃI bày GIẢI nghĩa dễ đâu
Chưa kịp ẩu ĐẢ qua cầu ĐÃ xong.
Run RẨY phát RẪY dọn nương
GỠ rối điềm GỞ rộng đường nhân sinh.
Chú RỂ bứt RỄ cây quỳnh
Ra sức BỬA củi cho mình BỮA ăn.
BẨM thưa, bụ BẪM con người
Nói năng tao NHÃ, chim kia NHẢ mồi.
MÃ ngoài mồ MẢ xinh tươi
Nhường cơm SẺ áo cho người SẼ vui.
Linh CỮU vĩnh CỬU ai ơi
CỮ kiêng CỬ động bệnh thời sẽ qua.
TẺ nhạt, gạo TẺ của ta
Gần mà giữ KẼ thà ra KẺ thù.
KHẺ mỏ, nói KHẼ như ru
CỖ bàn, CỔ kính công phu phụng thờ.
BỖNG dưng trầm BỔNG bất ngờ
BĨU môi dè BỈU ai chờ đợi ai.
Bắt BẺ, BẼ mặt tía tai
LẺ loi lý LẼ gạt ngoài chẳng nghe.
Ngoài vườn CHỎNG gọng CHÕNG tre.
CẢI thiện, CÃI lại khó mà hoà nhau.
CHĨNH (hũ) tương nghiêng, CHỈNH sửa mau.
CỦNG cố lời nói cho nhau CŨNG đành.
CỞI trói CỠI (cưỡi) ngựa phi nhanh
Xem ai cứng CỎI được dành CÕI tiên.
BẢO ban, BÃO tố khắp miền
HẢNH nắng, HÃNH diện tuỳ duyên tuỳ thời.
Hồ đầy XẢ nước cho vơi
Giữ gìn XÃ tắc kẻo thời suy vong.
Chèo BẺO, bạc BẼO dài dòng
Quê hương rất ĐỖI ĐỔI thay phố phường.
NGHĨ mình ngơi NGHỈ dưỡng thương
TĨNH tâm TỈNH ngộ tìm đường ẩn cư.
TIỂU đội còn bận TIỄU trừ
Ngỡ rằng bảnh TẺN thành dư TẼN tò.
SẢI tay chú SÃI thập thò
Nhân sự thừa THÃI bị toà THẢI ra.
Đứng SỮNG, SỬNG sốt sợ ma
Trẻ thơ nói SÕI nhặt SỎI đá trôi.
TRẢ nợ bằng một TRÃ xôi
NÃY giờ còn đợi hạt thôi NẢY mầm.
Ẩn SĨ, SỈ nhục giận căm
GIẢ dại GIÃ gạo thăng trầm cho qua.
QUẪN trí nghĩ QUẨN sa đà
Chấp nhận xúi QUẨY hơn là QUẪY đuôi.
Đâm THỦNG, THŨNG xuống thấp rồi
Đòn BẨY được dịp lên đồi BẪY chim.
Đội NGŨ giấc NGỦ lim dim
Ân SỦNG ướt SŨNG nằm im chờ thời.
TỦM tỉm, đánh TŨM không lời
VĨ cầm, VĨ tuyến... VỈ ruồi giúp ta.
Rác RƯỞI gấp RƯỠI hôm qua
ĐẨY xe, ĐẪY giấc người ta chối từ.
ĐẢNG phái, ĐÃNG trí ưu tư
DỞ hơi, DỞ thói tật hư DỠ nhà.
LẨN quẩn, LẪN lộn tuổi già
ĐỈNH chung, ĐĨNH đạc cũng là ĐỈNH cao.
ĐỂ dành, hiếu ĐỄ về sau
Cô bé tròn trịa thật là DỄ thương.
DỎNG tai, DÕNG dạc khiêm nhường
RẢNH rỗi san lấp RÃNH mương trước nhà.
Qua NGÕ, NGỎ lời hát ca
QUẢNG cáo - thực tế cách ba QUÃNG đường.
RỦ rê quyến RŨ nhiễu nhương
RỔ sảo, RỖ mặt vấn vương một thời.
CHỬA đẻ, CHỮA bệnh ai ơi
Trường hợp HÃN hữu xin thời bỏ qua.
Phá CŨI làm CỦI bếp nhà
Xén bớt công QUĨ, QUỈ ma chẳng từ
Hạt DẺ, đất DẼ suy tư.
Sàng SẢY ít gạo đến giờ chưa xong
RỬA nhục thối RỮA mặc lòng.
Hen SUYỄN, suy SUYỂN đợi mong bao ngày.
CƯỠNG đoạt chim CƯỞNG trong tay
Xin đừng cà RỠN... RỞN gai ốc rồi.
SỬA chữa, SỮA mẹ em ơi
SẪM màu, SẨM tối xin mời ghé thăm.
MẨU bánh dành biếu MẪU thân
Đắt RẺ, ngã RẼ bao lần em qua.
SỖ sàng, SỔ toẹt chẳng tha
GIẢ thật, GIÃ gạo cho qua tháng ngày.
Gây GỔ, cây GỖ chuyền tay
Cánh HẨU chầu HẪU ngồi chờ đổi ngôi.
Mưa rỉ RẢ mệt RÃ người
RÃO gân cốt, RẢO bước thời đi nhanh.
Cây SẢ, suồng SÃ là anh
TẢ thực, TÃ lót để dành trẻ con.
Chàng HẢNG ai mở HÃNG buôn
KỶ luật KỸ xảo mình luôn ghi lòng.
HỦ tục, HŨ gạo ngày đông
Hỏi NGÃ khó, chớ NGÃ lòng NGẢ nghiêng...!
( Đinh Trực sưu tầm )