Cô ấy nói: Ba mẹ ly hôn, bởi vì ba gảy tàn thuốc lá vào chậu lan mẹ trồng.
Mẹ tôi là kiểu phụ nữ có xuống lầu đổ rác cũng phải ăn mặc chỉnh tề, lúc tôi 12 tuổi, mẹ và ba ly hôn, cũng bởi vì ba ném tàn thuốc vào chậu lan mẹ trồng, nhiều lần mẹ nói cũng vô ích.
Bạn bè khuyên nhủ, mẹ chỉ nói một câu:'' Anh ấy rất tốt, chỉ là không hợp đi cùng nhau nữa.''
Bà ngoại tức giận mắng mẹ: '' Mày cứ đọc nhiều sách vào rồi vẽ thêm chuyện.''
Trong mắt bà ngoại: con rể anh tuấn cao lớn, có thể kiếm tiền, hiếu thuận lo cho gia đình, ngược lại là con gái bản thân tùy hứng, không chịu nghĩ đến cảm nhận của con cái và cha mẹ.
Mẹ cũng rất khó giải thích cho bà rằng ba không thích tắm rửa, quần áo bít tất ném loạn, ăn cơm như hổ đói, không nhớ được sinh nhật của mẹ,không nhớ những ngày kỉ niệm, sao có thể xem như khuyết điểm đây, đàn ông đều như thế này sao ?
Tôi nhớ rất kỹ lúc mẹ mang theo tôi rời nhà, từng chảy nước mắt nói với tôi: 'Hy vọng con có thể hiểu cho mẹ, cả một đời quá dài.'
Lúc tôi 16 tuổi, ba dượng xuất hiện, vóc dáng ba không cao, tướng mạo bình thường, nhưng cả người sạch sẽ khoan khoái nhẹ nhàng, cười lên rất ôn hòa, tôi đối với ba dượng không có cảm giác bài xích.
Ba sẽ vì mẹ mà thay đổi những chậu hoa xinh đẹp, sẽ mua khăn trải bàn màu xanh nhạt hợp với bát đũa mới, sẽ vì mẹ mua một đôi giày da trắng sữa hợp với chiếc đầm đỏ của mẹ,sẽ thay mấy cái móc khóa đáng yêu cho tôi.
Ba dượng sẽ nắm tay mẹ đến bờ sông tản bộ, ngắm trời chiều và mặt trời mọc, đến những công viên đầm lầy để chụp hoa và chim, kể cho mẹ nghe tên của những loại cây cỏ và câu chuyện ẩn trong nó, mang về nhà những nhánh cây rơi, sau đó cắm trong bình cổ, bày trên bàn sách của tôi.
Mẹ thích tìm tòi sách dạy nấu ăn, mỗi lần mẹ long trọng làm món mới, ba dượng sẽ kéo tôi lại ngồi ngay ngắn, sẽ bắt chước những giám khảo và bắt đầu nhận xét về màu sắc và mùi thơm trong ánh mắt mong chờ của mẹ, đùa khiến mẹ cười khanh khách không ngừng.
Có một lần mẹ bệnh phải nằm viện, tôi đến chăm liền thấy trên đầu giường đặt một bó bách hợp, hoa quả cắt thành miếng nhỏ đặt trong bát sứ màu xanh nhạt.
Ba dượng ngồi bên giường, đọc sách cho mẹ nghe. Bên cạnh giường bệnh có mấy dì nghiêng đầu hâm mộ xem cảnh này, bỗng nhiên mũi tôi chua chua, rốt cuộc cũng hiểu rõ câu nói kia: ''Cả một đời quá dài.'', cả một đời quá dài - nên không muốn tạm bợ.
Nếu người và người ở cùng nhau, chỉ vì cuộc sống, mà trong cuộc sống không có kỳ nghỉ, không có vui vẻ, không có cảm động, không có lãng mạn, vậy đó cũng coi như đối tác cuộc sống thôi.
Tình nguyện yêu không lối về, cũng không muốn vui vẻ hời hợt trở thành tình cảm nhạt nhòa.
Báo tin tức Việt Đức
“CÔ LÀ NGƯỜI MẸ ĐỘC ÁC”
Đọc xong tấm giấy trên tường, mắt thằng cháu trai tôi mở to, kinh ngạc. Nó nhìn tôi, buột miệng nói: "Cô là người mẹ độc ác!".
Tôi nhìn lại tấm bảng màu trắng với những dòng chữ mực đen, tôi nắn nót viết tay. Trên đó, tôi phân công chi tiết, cụ thể, số lượng công việc nhà mà cậu con trai 10 tuổi của tôi phải hoàn thành mỗi ngày.
"Xếp quần áo, lau dọn nhà cửa, chà nhà vệ sinh... . Chỉ có vài việc cỏn con mà con bảo cô độc ác là sao?". Tôi nhìn chăm chú vào mắt thằng bé, vặn hỏi.
Gương mặt nó đầy bất mãn. Nó thẳng thừng chỉ trích tôi: "Bắt con phải làm việc nhà là độc ác. Cô không thương con mình. Ở nhà, con không phải làm gì cả. Mẹ làm hết việc cho chị em con".
Tôi sửng sốt, không thốt nên lời. Hình ảnh chị Hai tôi tảo tần hiện ra. Mỗi ngày, sau khi phụ bán nước sâm ở cửa hàng, chị lại vội vã chạy đi làm thêm việc nhà, ngoài giờ. Cháu trai tôi đã 12 tuổi, còn cháu gái đã 13 tuổi. Ấy vậy mà, hai đứa nhỏ chẳng bao giờ phải đụng tay vào bất kỳ việc gì trong nhà.
Quần áo, chén bát, rác rến… chúng cứ mặc nhiên xả ra và chị Hai tôi lại lủi thủi dọn dẹp, chà rửa, lau chùi. Dẫu có những ngày, người chị mệt rã rời. Chị tôi luôn cố gắng làm hết mọi việc lớn nhỏ trong nhà chỉ để các con có thời gian vui chơi, giải trí, sau giờ học căng thẳng.
Tôi cố gắng giải thích cho cháu hiểu lợi ích của việc cho trẻ em làm việc nhà nhưng thằng bé đã bịt chặt hai tai. Nó lắc đầu lia lịa và nói: "Không phải... cô nói dối... . Bắt trẻ làm việc... là bóc lột sức trẻ em".
Đến nước này, tôi đành phải hạ giọng xuống: "Nếu con không tin lời cô nói... . Vậy con thử lên mạng, tìm xem: có phải cho trẻ làm việc nhà sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn không?".
Thằng bé im lặng. Nó có vẻ suy nghĩ một chút. "Chiếc xe... chạy mãi cũng phải hư thôi. Con người mà bắt cày cuốc mãi, vất vả quá rồi cũng đổ bệnh mà chết. Mẹ con cũng sắp 50 tuổi rồi, không thể khỏe mãi để làm giúp tụi con mọi việc".
Nhắc đến "mẹ chết", gương mặt nó có vẻ buồn buồn. "Con có yêu mẹ không? Có muốn mẹ sống khỏe, sống thọ thật lâu với mình không? Nếu muốn... thì từ mai, hãy giúp đỡ mẹ, chia sẻ việc nhà với mẹ...". Tôi cứ ra rả nói, cũng không biết, liệu nó có nghe lời khuyên của tôi không?
"Bé chẳng vin, cả gãy cành", "Dạy con từ thủa còn thơ", "Măng không uốn, tre uốn sao được...". Tôi biết, nuôi dạy một đứa trẻ nên người là hành trình bền bỉ "mưa dầm thấm đất". Bởi ngày mai, khi trở về nhà với cha mẹ, cháu tôi sẽ lại được mẹ hết mực yêu chiều, bao bọc, làm thay mọi việc lớn nhỏ. Nhưng hôm nay, cháu ở đây, tôi vẫn cố gắng "vin" lại cái cây, trước khi nó kịp trưởng thành…
Nguyễn Nga
LÒNG NGƯỜI – HAI MẶT
Ngày xưa, ở một ngôi làng nọ…
Dưới cái nắng cháy da, một gã ăn mày rách rưới, nằm bất động trên đường. Bỗng một dòng nước mát lạnh, rưới chầm chậm vào đôi môi nứt nẻ của gã. Khi tỉnh lại, gã cảm động, bởi trước mặt là bà lão ân nhân với nụ cười hiền hậu.
Từ đó, ngày hai buổi trước cổng làng, gã trở thành người phụ bà, bán nước sâm. Không chỉ được ăn uống đầy đủ, gã còn được nhận thêm một khoản tiền công. Gã hạnh phúc ngất ngây, vì đã thoát cảnh sống vật vờ, nay đây mai đó, bữa đói, bữa no.
Thấy gã chăm chỉ, bà lão bắt đầu nghĩ đến việc truyền nghề cho gã. Mỗi ngày, bà thường gọi gã vào gian bếp, dặn dò: "Hai mươi loại cây này đều có công dụng riêng, khi kết hợp hài hòa sẽ tạo nên vị nước uống thanh mát, bổ dưỡng. Công thức này là bí quyết gia truyền của nhà ta, người ngoài, chưa ai học được…”.
Nghe đến đây, gã khấp khởi mừng thầm trong bụng. Gã nhẩm tính đến số tiền công vừa tích cóp được. Gã quyết định ra mở một quầy nước sâm, chọn vị trí ngay phía trên bà lão. Gã lại còn để giá nước sâm rẻ hơn phân nửa so với bà. Gã đinh ninh sẽ hốt sạch sành sanh khách của bà lão.
Đúng là sau đó, quán nước của bà đột nhiên ế ẩm. Ngày ngày, bà cứ nấu nước sâm lên rồi lại mang đổ đi, vì không ai mua. Còn xe nước sâm của gã, khách bu đông như kiến cỏ. Bà lão dẫu buồn rầu nhưng cũng không hề trách cứ gã lời nào. Bà vẫn kiên trì, đều đặn bán nước sâm.
Cho đến một ngày, gió xoay chiều, đổi hướng, khách hàng từ từ quay lưng lại với gã. Nhiều người còn ra mặt chê bai: “Nước sâm của cậu tuy rẻ… nhưng không ngon như của bà lão kia”. Và họ lần lượt quay lại mua nước sâm của bà, khiến hàng nước của gã ế nhăn.
Bực tức lẫn chán nản, gã tìm đến bà lão để hỏi nguyên nhân. Bà nhìn gã, điềm nhiên bảo: "Con quá hấp tấp, vội vã nên chỉ mới học được cách nấu… nhưng chưa kịp học được cái tâm của người nấu…". Nghe vậy, gã cúi đầu, thẹn thùng, khi nhận ra sự vô ơn của mình.
Một đời dãi dầu sương gió, khiến bà lão dù có tính thương người nhưng vẫn luôn biết cách thử lòng người. Trong công thức nấu nước sâm gia truyền, bà đã cố ý “dạy thiếu một vị cây”. Chính bởi lý do này mà nước sâm gã nấu ra đã không ngon như của bà nấu. Lúc đầu, bà định bụng, đợi khi gần nhắm mắt xuôi tay, nếu thấy gã là người có tâm đức, nhất định sẽ truyền dạy hết nghề cho gã, chỉ tiếc là… gã sớm lấy oán báo ơn.
Gã cũng không biết rằng: Bản thân không chỉ đánh mất một người thầy tốt mà còn cả một cơ hội quý giá để thay đổi cuộc đời…
CHẠNG VẠNG
Hương dừng xe và ngắm cảnh chiều quê, hít một hơi thật dài và thở ra nhè nhẹ. Hương muốn trút bỏ đi nỗi buồn đang đè nặng tâm trí mình ...
Hải đã làm cho Hương buồn nhiều bận. Cứ mỗi lần có chuyện, Hải lại xin lỗi và xin cô tha thứ. Với cách ăn nói chân thật và cách xin lỗi chân thành. Hương lại mềm lòng và bỏ qua mọi chuyện.
Nhưng lần này thì khác, Hương không thể nào tha thứ. .. cho chính mình !
Hương lấy Hải qua giới thiệu của cô bạn thân, học cùng khoa kiểm toán. Gặp Hải lần đầu tiên, Hương đã nghĩ đó chính là mảnh ghép của cuộc đời cô. Hương cũng biết Hải đã từng có một cuộc hôn nhân không hôn thú ngắn và buồn. Nhưng mọi chuyện đã qua rất lâu rồi. Hải ít khi nhắc đến. Chỉ biết anh thỉnh thoảng nhận điện thoại và ra ngoài trong chốc lát. Hải tuy buồn nhưng cũng nhanh nguôi ngoai ( cho dù Hương nhận thấy hình như có ... một sự day dứt nào đó thì phải ? )
Họ đến với nhau không suồng sã vồ vập mà đến với nhau bằng trái tim mách bảo. Họ cưới nhau mà nhà trai không ai về vì đại dịch đang ngoài tầm kiểm soát. Gia đình Hải chỉ biết đến Hương qua những cuộc nói chuyện qua điện thoại bằng Messenger mà thôi, Hương không buồn vì điều đó mà thông qua Hải và những người thân còn ở Việt nam, Hương đã hiểu và cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được làm vợ Hải .
Hôm nay, căn hộ chung cư mà vợ chồng Hương đang sống có một vị khách tới thăm, ông ấy sống ở Việt nam, ngay trong Thành phố này.
Chồng đi công tác tác cả tuần nay, Hương vừa đi làm về nghe bác bảo vệ nói có một người đàn ông nói là người nhà của chồng cô. Ông ấy chờ cũng đã lâu, vừa ra cổng mua gì đó, đồ đạc đang để ở phòng bảo vệ ... Hương bị bất ngờ, vì sao Hải không báo cho cô biết ?
Người đàn ông ấy đã quay lại, Hương bất ngờ vì dáng vẻ ốm yếu của ông. Người đàn ông này Hương chưa gặp bao giờ cả. Nhưng rồi Hương trấn tĩnh lại chờ xem ... sao lại như vậy và người đó là ai ?
Tuy có vẻ mệt mỏi tiều tụy, nhưng nhìn ông, khí chất không phải tầm thường. Hương cất giọng chào ông, ông vui mừng và nắm lấy tay Hương , một giọt nước mắt lăn dài trên má ông. Ông vội rút tay ra và nói lời xin lỗi vì đã đường đột xuất hiện không báo trước.
Ông bảo Hương đừng gọi điện cho Hải, ông chỉ muốn gặp Hương mà thôi. Quay qua ông bảo vệ, ông ấy xin phép được nói chuyện riêng với Hương ở phòng bảo vệ. Chắc đã có nói chuyện trước với nhau, nên bác bảo vệ đi kiểm tra bãi xe nhường chỗ cho hai người nói chuyện .
Ông nói về người con gái duy nhất, xinh đẹp tài giỏi nhưng xấu số của ông và nói đến đứa cháu ngoại đang sống cùng ông ở Hóc môn, Tám thôn vườn trầu ... Nhìn Hương và qua cách nói chuyện lễ phép của cô với ông, ông an tâm gửi lại đứa cháu gái mà ông yêu thương cho cô nuôi nâng, ông mới yên tâm vào viện làm phẫu thuật cắt bỏ khối u đang ngày đêm hành hạ ông. Ông đưa cho cô xem mấy tấm hình chụp một bé gái rất dễ thương, có cả những tấm chụp ...cùng với chồng Hương. Nén sự bàng hoàng vào tận đáy lòng, cô lặng nghe ông nói ...
Ông đã đi, Hương vẫn đứng đó ....
Cô gọi điện thoại cho Hải và gào lên : " Đồ dối trá ! Đồ lừa đảo ! "...và, và những lời cay độc tuôn ra từ miệng Hương dành cho Hải !
Hương lên nhà, dọn đồ đạc, viết lời cay đắng dán lên tủ lạnh, vì Hương biết tối nay Hải sẽ về !
Hương thuê phòng khách sạn ngủ một đêm rồi tính tiếp. Nằm suy nghĩ chuyện vừa xảy ra ... sao Hương lại buông lời cay độc với Hải, chồng cô đã từng nói đến chuyện này và bảo rằng chờ có dịp nói rõ với cô rồi mà !
Thỉnh thoảng Hải cũng nhắc đến con bé dễ thương mà Hải hay mua quà tặng nhân dịp gì đó !
Hải đã từng nói sẽ đưa Hương về Bà điểm thăm người thân rồi mà ! ...
Hương nghĩ về con bé dễ thương đang học lớp Một, sống cùng ông ngoại trong căn nhà ở ngoại thành !
Hương nghĩ về người đàn ông ốm đau nhưng có tính cách đôn hậu, cách nói chuyện thu hút nhưng lời lẽ chân thành của ông khi gặp cô chiều nay !
Và Hương thiếp đi lúc nào không biết, tỉnh lại đã gần bốn giờ chiều, điện thoại đã tắt từ lúc nào. Mở máy, hàng trăm cuộc gọi và tin nhắn thoại của Hải, của người nhà và của bạn bè đồng nghiệp ...
Hương lấy xe, chạy ra ngoài ...
Hương sẽ về lại ngôi nhà ấy, nơi chồng Hương đang chờ và Hương sẽ nói lời xin lỗi chồng. Hương sẽ cùng chồng xuống Bà điểm đón con gái và Hương chắc chắn sẽ làm được như thế.
Ánh nắng hoàng hôn sao mà đẹp lạ, Hương đã gỡ bỏ được nỗi buồn !!!
Tác giả : HUỲNH MINH HẰNG
Truyện ngắn MH đã đăng ở chuyên san Phụ nữ năm 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét