Vua Thành Thái Nói Đùa Câu Gì Mà Khiến Người Đánh Trống Sợ Đến Sinh Bệnh?
Vua Thành Thái
Kể từ đó, ngày nào tay trống ấy cũng luyện tập, nhưng tật lúc lắc đầu vẫn không bỏ được. Anh ta quá lo sợ nên nhuốm bệnh nặng rồi chết. Nghe tin ấy, vua Thành Thái rất thương tiếc một tài năng nghệ thuật và rất hối hận vì câu nói vô tình của mình.
Vua Thành Thái là vị hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1889 đến năm 1907. Do chống Pháp nên ông cùng với các vua Hàm Nghi, Duy Tân bị đi đày tại ngoại quốc. Vua Thành Thái tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân và là con thứ 7 của vua Dục Đức với bà Từ Minh hoàng hậu Phan Thị Điểu.
Ngày 28/1/1889, vua Đồng Khánh lâm bệnh qua đời. Khi đó con vua Đồng Khánh mới 3 tuổi nên không nối ngôi được, vì thế Bửu Lân mới được chọn lên ngai vàng. Ngày 2-2-1889, Bửu Lân lên ngôi lấy hiệu là Thành Thái. Khi đó Bửu Lân mới 10 tuổi. Là một ông vua trẻ nên Thành Thái có nhiều tính cách đặc biệt. Những ngày đầu, tuy đã là vua nhưng vì còn nhỏ nên ông vẫn thích chơi bời, nghịch ngợm. Một số quan phụ chính giúp đỡ như Tuy Lý Vương, Nguyễn Trọng, Trương Quang Đản thường có lời can ngăn nhưng không được ông nghe. Các bà hậu ở Lưỡng cung rất lo cho Thành Thái đã bắt ông ra ở đảo Bồng Dinh trên hồ Tịnh Tâm và quản thúc ông rất ngặt để đưa vào khuôn phép.
Một thời gian sau, ông mới được đưa trở về Đại Nội. Nhưng vì còn trẻ nên vua Thành Thái vẫn thường bộc lộ tính cách có phần ngông nghênh của mình. Đến ngày nay, ở Huế vẫn còn truyền nhau giai thoại về lời nói đùa tai hại của vua Thành Thái. Chuyện kể rằng, trong Đại Nội, nhà vua thường xem tuồng ở Duyệt Thị Đường. Chính Thành Thái là một tay đánh trống tuồng giỏi và ưa diễn tuồng. Nhà vua đã từng đóng vai Thạch Giải Trại trong vở Xảo Tống. Có lần nghe đồn có một tay đánh trống tuồng cừ khôi, nhà vua triệu ngay vào cung, bảo biểu diễn cho vua xem. Sau khi xem xong, vua ban thưởng ngay và thú nhận với đình thần là tài năng tên này hơn cả mình. Sau đó, nhà vua vỗ vai người đánh trống nói đùa:
Ta phục tài đánh trống của nhà ngươi lắm, ta thưởng cho 3 lạng bạc. Nhưng có một điều nhà ngươi cần phải sửa là trong khi đánh trống, nhà ngươi có tật lúc lắc cái đầu trông xấu lắm. Sau tháng Sáu, ngươi trở lại đây biểu diễn, nếu lúc đó cái đầu nhà ngươi vẫn còn lúc lắc thì ta mượn nó đấy.
Kể từ đó, ngày nào tay trống ấy cũng luyện tập, nhưng tật lúc lắc đầu vẫn không bỏ được. Anh ta quá lo sợ nên nhuốm bệnh nặng rồi chết. Nghe tin ấy, vua Thành Thái rất thương tiếc một tài năng nghệ thuật và rất hối hận vì câu nói vô tình của mình. Vua liền lệnh Bộ Lễ ban phát cho gia đình người đánh trống một số bạc lớn để tống táng người chết và mưu sinh cho người thân còn sống.
Giai thoại thứ hai là vào thời ấy, ở kinh thành Huế có một thanh niên tên là Hai Hót vừa đẹp trai lại vừa có tài tán tỉnh nên nhiều bà đã dâng cả tình lẫn tiền cho gã. Có lần vua Thành Thái cho gọi Hai Hót vào Đại Nội thử tài và Hai Hót đã thắng, nhà vua phải thưởng 3 lạng bạc và cho hút một điếu thuốc trà.
Sau đó, Hai Hót xuống chợ Bao Vinh “hót” được một chị lái đò. Ngay ngày hôm ấy, chị lái đò đã phải lòng rồi mời Hai Hót xuống đò ăn uống và cho biết chồng chị đi vắng chiều tối mới về. Không ngờ anh chồng nửa chiều đã về và bắt quả tang Hai Hót thông dâm với vợ mình. Sẵn cái cọc chèo trong tay, anh ta đánh cho Hai Hót một vố vào đầu chết ngay tại chỗ.
Sự việc xảy ra, quan huyện kết án anh lái đò 15 năm khổ sai. Án trình lên tỉnh Thừa Thiên giảm xuống còn 10 năm khổ sai, rồi đưa lên Bộ Hình lại giảm xuống 5 năm. Sau khi xem hồ sơ, vua Thành Thái thấy anh lái đò đáng được tha. Nhà vua phê vào bản án 4 câu Kiều, chắp lại thành một lời phán quyết sâu sắc: Hại một người, cứu muôn người. Anh hùng đoán giữa trần ai mới già. Mệnh trời mà cũng quyền ta. Thấu tình đạt lý ta tha cho về.
Danh Tướng Việt Dự Đoán Trúng Giúp Chúa Nguyễn Thắng Trận
Nguyễn Hữu Dật (1603-1681) là danh tướng sống trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh. Ông có công giúp chúa Nguyễn xây dựng cơ đồ Đàng Trong.Ông là tướng giỏi, có công xây dựng vương triều. Sau khi qua đời, ông được nhân dân suy tôn là “Vị tướng Bồ Tát”.
Theo sách “Giai thoại lịch sử Việt Nam”, Nguyễn Hữu Dật là một trong nhữngdanh tướng lẫy lừng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, người duy nhất được suy tôn làm “Vị tướng Bồ Tát”.
Theo sách “Danh tướng Việt Nam”, Nguyễn Hữu Dật quê ở Thanh Hóa nhưng sinh ra tại Thăng Long (Hà Nội ngày nay), con của vị quan Tham chiến Nguyễn Triều Văn, được phong tước hầu (Triều Văn hầu) dưới triều vua Lê Anh Tông (1557-1573). Do bất mãn với chúa Trịnh, Nguyễn Triều Văn đã đem gia đình vào Quảng Bình lúc Nguyễn Hữu Dật mới 6 tuổi.
Thời đi học, Nguyễn Hữu Dật rất thông minh, trí nhớ hơn người. Lớn lên, ông giỏi văn chương, thích võ nghệ. Nhận thấy năng khiếu của con, người cha đã mời thầy về dạy học. Ông được võ sư tận tâm truyền thụ binh thư, binh pháp cũng như võ nghệ. Lúc 16 tuổi, Nguyễn Hữu Dật đã lừng danh văn chương, võ lược nên được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên bổ nhiệm quan văn trong triều. Từ đây, con đường quan lộ của Nguyễn Hữu Dật chính thức bắt đầu.
Theo sách “Đại Nam liệt truyện”, Nguyễn Hữu Dật là vị tướng có tài xem thiên văn, nhiều lần dự đoán được thời tiết. Chính từ những dự đoán của ông, quân chúa Nguyễn có 2 lần đánh thắng quân Trịnh.
Nguyễn Hữu Dật là một trong những khai quốc công thần hàng đầu của triều Nguyễn. Sau khi triều Nguyễn được thành lập, vua Gia Long lên ngôi, đã phong Nguyễn Hữu Dật làm “Thượng đẳng phúc thần”. Sau khi ông mất, dân Quảng Bình thương nhớ, gọi là Bồ Tát, lập đền thờ ở xã Thạch Xá. Đến đời vua Minh Mạng, ông là một trong 6 vị tướng trong sử Việt được thờ trong Võ Miếu.
Nguyễn Hữu Dật có nhiều con, nổi tiếng nhất là Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Dũng và Nguyễn Hữu Kính (Nguyễn Hữu Cảnh), cùng nối chí ông làm võ tướng phò chúa Nguyễn. Cả ba người đều có công mở mang lãnh thổ về phía Nam. Trong đó, Nguyễn Hữu Cảnh là vị tướng khai khẩn vùng đất Đồng Nai ngày nay.
Vị Vua Việt Nào Là Hậu Thân Của Một… Ông Lão Ăn Mày?
Vua Lê Thần Tông là vị vua triều Hậu Lê có rất nhiều điểm đặc biệt, như là người duy nhất ở ngôi 2 lần, có 4 con làm vua, hay lấy vợ người Hà Lan. Sự tích ra đời của ông cũng rất đặc biệt.
Theo truyền thuyết lưu truyền từ thời Lê, vua Lê Thần Tông lại là hậu thân của một… ông lão ăn mày.
Sách Tang thương ngẫu lục, kể lại nhiều sự tích những năm cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, của hai tác giả Phạm Đình Hồ và Nguyễn Án, kể lại:
Vua Lê Kính Tông ở ngôi lâu năm, mà chưa sinh hoàng nam để lập làm Thái tử, thường cầu khấn trời đất quỷ thần mãi. Rồi hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh (con gái chúa Trịnh Tùng) có mang, đến ngày lên giường cữ, mãi chưa sinh được, lòng vua lo lắng.
Chợt vua chiêm bao thấy có người bảo: “Hoàng tử còn ở chợ Báo Thiên, hậu cung sinh mau sao được!”.
Tỉnh dậy, vua sai nội giám thử ra chợ ấy dò xem. Chợ này xưa ở Tây Nam hồ Gươm, gần chùa Báo Thiên, khoảng khu vực phố Nhà Chung, gần Nhà thờ Lớn Hà Nội ngày nay.
Bấy giờ vừa tang tảng sáng, chợ vắng tanh chưa có ai. Nội giám chỉ thấy dưới gầm phản hàng thịt, có lão ăn mày tóc bạc phơ, tuổi chừng 81, 82, đương nằm ở mặt đất mà rên hừ hừ, ngắc ngoải chờ chết. Nội giám vội chạy về tâu. Vua lại sai ra thăm hỏi xem.
Sáng ra thì lão ăn mày chết mà giữa lúc ấy, trong cung hoàng hậu đã sinh ra hoàng tử. Việc sinh hoàng tử, đặt tên là Duy Kỳ được sử sách ghi lại vào năm 1607.
Sau này, vua Lê Kính Tông thấy chúa Trịnh Tùng chuyên quyền quá, lại biết con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân tranh ngôi Thế tử với Trịnh Tráng, nên nhà vua bàn mưu với Xuân giết chúa, hứa quyền binh sau này sẽ trao cho Xuân.
Tuy nhiên vụ binh biến của Trịnh Xuân và thuộc hạ là Văn Đốc không thành, Văn Đốc bị bắt, Trịnh Xuân bị tước quyền bính, bị giam vào phủ, vua Kính Tông đành treo cổ tự tử.
Vua Lê Thần Tông
Lúc này, trong tôn tộc nhà Lê còn có cháu đích của vua Lê Anh Tông, con Bản quốc công Lê Bách là Cường quận công Lê Duy Trụ lấy con gái của thế tử Trịnh Tráng, cũng có ý muốn lên ngôi. Hoàng hậu Ngọc Trinh mới khóc với chúa, là cha của mình rằng:
– Tiên quân có tội, chứ đứa con có tội gì? Sao lại bỏ con của con mà đi tìm người khác. Nếu phụ vương lập nó, thì đến muôn đời sau kẻ làm vua vẫn là con cháu của phụ vương vậy.
Chúa mới quyết định, sai đại thần và bách quan rước trưởng hoàng tử Lê Duy Kỳ tới điện Cần Chánh lên ngôi, tức là Lê Thần Tông, lúc đó vua mới 12 tuổi.
Khi ở ngôi, triều thần lấy ngày sinh của vua làm tiết Thọ Dương. Hàng năm đến tiết này, nhớ sự tích sinh vua, các quan trong cung lại dựng hành tại ở chợ Báo Thiên; bộ Lễ sắm xe giá tàn quạt, đến nơi hành tại, rước hai cây thiên tuế, vạn tuế làm bằng trúc về cung; quan ở tòa Kinh Diên rước hai cây ấy đi quanh giường ngự ba vòng, chúc Hoàng đế sống lâu muôn tuổi.
Lễ cử hành xong, vua ngự ở điện Vạn Thọ, chịu lễ chầu mừng, ban yến ở sân điện. Các triều vua sau cũng theo như thế, gọi là lễ Khánh Thọ bảo thần.
Vua Thần Tông sinh được bốn con là Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông, Hy Tông đều lên ngôi thiên tử, nên đời sau cho rằng vua Thần Tông có phúc thọ vào bậc nhất trong các vua Lê đời trung hưng.
Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng, vua Thần Tông được ở ngôi lâu là nhờ vua cam chịu làm “bù nhìn” dưới sự điều khiển của chúa Trịnh. Thậm chí, chúa Trịnh Tráng còn ép vua lấy con gái mình là Trịnh Thị Ngọc Trúc, vốn là vợ của người bác họ của vua là Lê Trừ, đã bị chúa xử tội.
Bà Ngọc Trúc hơn vua tới 12 tuổi, đã có con riêng, nhưng vua hiểu không thể cưỡng lại quyền lực của Chúa Trịnh, đành nói: “Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy”.
Tuy chép lại truyện này, nhưng hai tác giả Phạm Đình Hồ, Nguyễn Án vẫn bình luận: “Xét cái thuyết tiền thân, hậu thân là xuất tự kinh điển nhà Phật, đạo Nho chẳng hề nói đến. Nếu quả có chuyện ấy thật thì tiền thân vua Lý Thần Tông là thầy tu Từ Đạo Hạnh, hậu thân là lão già ở chợ Báo Thiên, lại hậu thân là vua Thần Tông triều Lê; một ông sư, một lão ăn mày, tái sinh vào nhà đế vương, khiến người không thể hiểu nổi”.
BLOGVIET.NET
Vị Minh Quân Nào Đã Cho In Bản Đồ Quốc Gia Đại Việt?
Chính dưới thời Lê Thánh Tông đã cho vẽ và in bản đồ quốc gia Đại Việt.
Lê Thánh Tông là một vị vua ghi những dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Đại Việt . Dưới thời Lê Thánh Tông, các lĩnh vực quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội, văn học, nghệ thuật… đều phát triển.
Những dấu ấn quan trọng
Lê Thánh Tông tên tự là Tư Thành (còn có tên là Hạo) là con trai thứ tư của vua Lê Thái Tông (1434 – 1442). Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442). Mẹ là bà Ngô Thị Ngọc Dao, con gái của Thái bảo Ngô Từ, người làng Đồng Bàng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Lê Thánh Tông là một trong những ông vua Việt Nam ở ngôi lâu nhất (38 năm). Nhưng điều đáng nói không phải vì ông ở ngôi lâu (Lê Hiển Tông ở ngôi 47 năm) mà vì những đóng góp của triều vua này vào đời sống mọi mặt của quốc gia Đại Việt.
Nhìn toàn diện, cuộc đời của Lê Thánh Tông là một cuộc đời hoạt động sôi nổi trên nhiều lĩnh vực mà lĩnh vực nào cũng xuất sắc.
Lê Thánh Tông là người coi trọng chủ quyền của quốc gia. Ông đã từng nói: “Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Lê Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, thì người đó sẽ bị trừng trị nặng”. Chính dưới thời Lê Thánh Tông đã cho vẽ và in bản đồ quốc gia Đại Việt.
Bộ máy nhà nước trung ương tập quyền dưới triều Lê Thánh Tông đạt đến mức hoàn bị, từ trung ương đến xã. Thế lực của đại quý tộc bị hạn chế thay vào đó là sự tham chính của tầng lớp sĩ phu nho giáo được tuyển lựa bằng con đường thi cử.
Bộ luật Hồng Đức hay còn gọi là Quốc triều hình luật còn lại cho đến nay được ra đời từ thời Lê Thánh Tông. Đây là một bộ luật hoàn chỉnh và có nhiều điểm tiến bộ nhất trong lịch sử luật pháp thời phong kiến ở nước ta.
Dưới thời Lê Thánh Tông là một thời kỳ mà tư tưởng trọng nông và chế độ quân điền được ban bố và thi hành đầy đủ nhất.
Vị vua đầu tiên biên soạn những điều giáo hóa
Thời kỳ trị vì của Lê Thánh Tông cũng là thời kỳ Nho giáo phát triển mạnh mẽ, ông chủ trương xây dựng quốc gia Đại Việt độc lập trên nền của hệ tư tưởng Nho giáo, trong đó Lê Thánh Tông chú trọng đến việc xây dựng luật và vận hành xã hội theo luật pháp. Ngoài bộ Quốc triều hình luật, Lê Thánh Tông còn chú ý đến việc xây dựng hệ thống phát luật, điển chế, kết hợp chặt chẽ giữa lễ và pháp, đưa lễ vào luật.
Luật và lễ hỗ trợ cho nhau tạo ra một xã hội hài hoà, đề cao các lễ giáo và nghi lễ. Một trong những biện pháp quan trọng là dùng lễ giáo Nho gia để giáo hoá dân chúng. Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên biên soạn, ban hành hệ thống những điều giáo hoá dân chúng khi vừa mới lên ngôi.
Mục đích của những điều giáo hoá là hướng thần dân giữ vững luân thường đạo lý, theo quan niệm “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Các điều giáo hoá của ông liên quan tới bổn phận các thành viên trong gia đình, trong làng, ngoài họ.
Các điều giáo hoá đó là:
1 – Cha mẹ dạy con phải dùng khuôn phép hợp với lẽ phải, con trai con gái đều dạy cho có nghề nghiệp, không được để buông tuồng, đắm đuối vào cờ bạc, rượu chè, tập nghề hát xướng, để hại đến phong tục.
2 – Người chủ gia đình tự mình giữ lễ phép tiết độ, để uốn nắn người trong nhà mình, nếu con em trong nhà làm việc trái, thì người gia trưởng sẽ bị tội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét