Cánh cửa ngăn cách giữa hải quan và người chờ thân nhân vừa mở ra tại phi trường Norman Y. Mineta San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ, mọi người đổ xô háo hức đứng lên, cặp mắt ai nấy mở thật to với những bó hoa, bong bóng đủ màu trên tay sẵn sàng chào đón người thân từ xa đến.
Riêng tôi… cũng có hoa tươi, bong bóng hình gấu, hình trái tim… nhưng vai trò của tôi thật bất đắc dĩ. Tôi đi đón… vợ của người ta! Phải rồi, vợ của tên bạn thân, Chương lúc nào cũng bận rộn đi gặp khách hàng, không có thì giờ đi đón vợ trở về từ tiểu bang Pennsylvania sau bốn tháng đi tu nghiệp chuyên sâu về bác sĩ nhi đồng.
Chương có nói với tôi nếu hắn ký hợp đồng xong sớm với khách sẽ phone cho tôi, hắn sẽ rước thằng bé Dann, con của hai vợ chồng hiện đang gởi ở nhà bà nội khá xa, và cùng nhau đi ăn cơm chiều.
Khuôn mặt của Khải Vy, vợ Chương, hiện ra trong đầu, một phụ nữ nhẹ nhàng, thanh lịch, nụ cười với cái đồng điếu ở khóe môi thật quyến rũ mà cả một thời trung học tôi đã si mê cái đồng điếu ấy! Tôi yêu nàng thầm lặng trong tâm khảm, nhưng ngoài mặt thì đối xử như một người bạn thân, tôi đã ngu si nghĩ rằng nàng sẽ để ý đến sự chăm sóc đặc biệt của tôi mà đối đáp lại cái tình cảm trân quý ấy.
Nhưng không! Nàng vốn dĩ sanh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, con gái rượu, được cưng yêu chiều chuộng, nên xem sự đối xử tốt của tôi như chuyện bình thường không chút đặc biệt nào cả.
Rồi khi lên đại học, tôi vẫn cứ lẽo đẽo theo nàng, câm nín không đủ tự tin để thổ lộ; ngoài tôi ra còn khối anh chàng đẹp trai, sáng giá bám đuôi; nàng học môn gì, tôi cũng theo bén gót, nàng học rất giỏi, lúc nào cũng đứng đầu mọi mặt, nàng theo ngành bác sĩ nhi đồng, tôi cũng thế, cũng may là sức học của tôi không đến nỗi tệ nên cả hai chúng tôi đều được nhận vào làm chung một nhà thương lớn ở San Jose sau khi ra trường.
Nàng vẫn ngây thơ không biết tình cảm của tôi âm thầm đối với nàng. Còn tôi thì cứ loay hoay chọn một thời cơ thích hợp để thổ lộ con tim mình.
Đùng một cái, nàng đưa thiệp báo hỷ! Tôi chới với như bị nhấn chìm xuống đáy biển!
Nàng lấy Chương, thật không môn đăng hộ đối tí nào! Tôi cũng chưa bao giờ nghe nàng bàn luận gì về vụ này, khác với những chuyện mà nàng thường hay lấy ý kiến tôi khi quyết định việc hệ trọng, vì nàng chỉ thân với tôi nhất mà thôi.
Ngày nàng lên xe hoa là ngày tôi tưởng mình đã chết! Toàn thân tê tái, sững sờ. Tôi phải giả bộ nói có việc rất bận của gia đình, không sao tham dự được, tôi đau xót kiệt quệ đến ốm cả tuần lễ mới cố vực dậy được. Thế mà tình yêu của tôi đối với nàng vẫn không suy xuyển…
Tháng ngày trôi qua, đã bôi xóa đi vết đau oan khiên trong trái tim, tôi trở thành kẻ thứ ba bất đắc dĩ trong tình yêu thuần khiết đối với nàng. Mỗi ngày đi làm, tôi được an ủi ở cạnh nàng, được nhìn ngắm nàng, vẫn mãi ao ước được nhìn thấy nụ cười thật sự của nàng nở trên môi, chỉ muốn nghe nàng kể những sự vui vẻ hạnh phúc trong gia đình nhỏ của nàng mà thôi vì:
Yêu người như suối cuộn rừng sâu
Như con tàu say gió, như con giun ngước lên trời
Yêu trăng sao vời vợi, làm sao nói được tình tôi (Phượng yêu- Phạm Duy)
Nàng là chiếc cầu nối đầy tài năng kết hợp giữa tôi với gia đình nhỏ của nàng, Chương và bé Dann, yêu thương nhau như chính gia đình của tôi vậy, họ cần gì tôi đều giúp với tất cả tấm lòng để đổi lấy sự hài lòng của nàng.
Sau 9 năm lấy nhau, nàng mới xa gia đình để đi tu nghiệp ngành chuyên khoa nhi đồng bốn tháng ở đại học Pennsylvania. Trong thời gian xa cách này, tôi và Chương có nhiều cơ hội gặp gỡ, tôi hiểu nhiều hơn tính cách của chồng nàng và bé Dann.
Tôi giật mình trở về hiện tại khi thấy bóng dáng của Hoài Vy xuất hiện nơi ngưỡng cửa, trái tim tôi đập loạn nhịp như chính mình là người yêu, người chồng của nàng vậy, tôi hân hoan giơ bó hoa lên cao vẫy gọi:
- Hoài Vy! Hoài Vy, mình ở bên này nè.
Gặp tôi sau bốn tháng xa cách, nàng cười thật tươi, chạy nhanh lại tôi như con chim sáo. Nàng bỗng ngừng lại khi đến bên tôi, quay qua quay lại tìm kiếm điều gì, nụ cười tắt trên môi, nàng nói:
- Anh Chương chắc lại bận rồi, không có thì giờ đến đón Hoài Vy phải không?
-…Ừm, anh ấy nói khi nào ký xong contract sẽ đến với mình mà… Bốn tháng rồi mới gặp lại em, thấy em càng thêm xinh đẹp, có da có thịt hơn, chắc không phải khổ sở chăm nom gia đình nên thấy em trẻ ra đó.
Chiếc đồng điếu thật duyên dáng hiện ra ở khóe môi trái khi nàng cười:
- Phải rồi, em đi học thật vui và chỉ chăm sóc mình thôi, phải nói đây là kỳ nghỉ hè 4 tháng chứ không phải đi học nghiệp vụ đâu, em được ăn no ngủ kỹ đó! Ở nhà có chuyện gì không anh? Anh khỏe không?
- Tất cả đều rất tốt, chỉ có mỗi anh Chương là bận rộn tối mắt tối mũi với công ty của anh ấy thôi, thằng bé Dann đã lên lớp ba, ngoan ngoãn và đi học rất chăm chỉ, nó kể có làm facetime với em mà phải không?
- Dạ, thấy qua màn hình nó rất khỏe mạnh và nghe lời bố, nhưng không biết một mình anh ấy chăm nom nó ra sao.
- Thỉnh thoảng anh Chương cũng đem nó sang anh trông giúp mỗi lần anh ấy quá bận, nhà bà nội khá xa không tiện đường đem gởi thằng bé với lại bà lớn tuổi, trông cháu không tiện…Anh cũng chơi đá bóng với nó, thằng bé rất thông minh, thích thể thao lắm.
Khoảng nửa tiếng sau, Chương và Dann xuất hiện, tôi thấy nàng thật hạnh phúc trong vòng tay yêu thương quấn quít của gia đình, tíu tít kể đủ chuyện của bốn tháng xa cách.
Tôi lẽo đẽo đi theo sau lưng, quên cả cái “tôi” mà chỉ nghe và cười ké những chuyện vui của gia đình họ, không hề cảm thấy bị tổn thương.
Bờ vai ngoan, hương tóc xõa buông mềm
Tình rạt rào như dòng suối vây quanh
Dù mai đây hương mùa cũ phôi pha
Anh vẫn sẽ yêu em như ngày trẻ dại.( mãi mãi bên em-Từ Công Phụng)
****
Mới 2 giờ sáng, tôi đã nghe tiếng phone reng, giọng Hoài Vy sũng nước:
- Huy à, anh có thể đến nhà thương gấp xem thằng bé dùm em có được không?
- Chuyện gì vậy? bé Dann bị đau ở đâu? Sao lại vào nhà thương?
- Nó nói đau bụng…
- Có ăn gì độc không?
- Em không biết! Em đang trên đường đưa nó vào nhà thương gấp đây, anh hãy đến đó nhe… bây giờ đầu óc em đang rối bời, không có tâm trạng nào khám cho nó đâu!
- Ok, anh sẽ có mặt ngay!
Vừa thay đồ, tôi vừa lo lắng, suy nghĩ không biết thằng bé bị làm sao. Độ này tôi thấy Hoài Vy không còn vui cười hạnh phúc như những ngày nàng mới đi học nghiệp vụ về nữa, nàng có vẻ lo lắng một điều gì đó mà không tâm sự với tôi. Nàng ngồi hàng giờ ngoài công viên của bệnh viện, mắt nhìn về một nơi xa xăm, trầm tư suy nghĩ; nhiều lúc tôi đi ngang qua định làm một trò vui cho nàng cười, nhưng tôi vẫn không thể nào tìm thấy lại chiếc đồng điếu xinh xắn nơi khóe môi trái của nàng nữa.
Nàng lao vào công việc như con thiêu thân mà tôi không thể nào ngăn chặn được, nàng làm việc qua cả giờ cơm trưa, đến tối mịt 9:00 đêm mới rời bệnh viện, nàng nhận thêm nhiều ca mổ cho các em. Tôi chỉ biết đứng ngoài theo dõi nàng mà thật ái ngại, nàng tránh mặt tôi như sợ tôi hỏi về nguyên nhân của mọi thứ!
Vừa đến bệnh viện, tôi lao ngay vào phòng emergency xem bé Dann ra sao, tôi đã nghe tiếng Hoài Vy và Chương tranh cãi nhau ngay phòng ngoài, tránh không để bé Dann nghe tiếng:
- Tại sao anh không đi một mình mà lôi theo thằng bé chứ?... Cô ta có thể làm hại nó thì sao?
- Anh xin lỗi, anh không nghĩ đến chuyện người lớn có thể hại con nít… Với lại chuyện này thật sự không phải lỗi của anh,… Cô ta cứ muốn bám lấy anh…
- Em đã nói bao nhiêu lần với anh rồi, nếu anh muốn ở với cô ta thì mình… ly dị đi, em sẽ nuôi con, anh đến thăm nó lúc nào cũng được…
- Sao em lại nói vậy chứ! Anh đã giải thích với em bao nhiêu lần rồi, anh là nạn nhân trong thời gian em ở Pennsylvania, trong lúc uống rượu nhiều với khách để ký contract bán nhà, thế rồi anh rơi vào bẫy của họ, cô gái này đã gạ tình anh, sau này anh biết được là xa lánh ngay. Nếu em không tin thì mình sẽ ba mặt một lời, anh không lừa dối em mà…
Tôi nghe hết những mẩu chuyện hai người thì thầm cắng đắng với nhau, tôi lạnh người và hiểu ra được mọi nguyên nhân mà Hoài Vy đã cố giấu tôi uất nghẹn bao ngày qua, tôi phải làm sao để giúp cho họ trở lại như xưa đây, tôi không thể nào chịu đựng được khi nhìn khuôn mặt thánh thiện mà tôi yêu quý ủ dột vì một ai đâu! Tôi muốn hy sinh bản thân mình mãi làm một thiên thần bảo vệ hạnh phúc cho người tôi yêu!
Tiếng hét thất thanh của bé Dann vang dội, làm cả hai người đang trốn trong góc phòng chạy vội lại. Tôi lo lắng hỏi cháu:
- Con đau hả? Đau chỗ nào? Có ăn uống gì bậy bạ tối qua không?
Hoài Vy sốt ruột:
- Chắc em nhờ anh rửa ruột cho thằng bé…
- Rửa ruột sao?
- Không! không! con không muốn rửa ruột đâu! Con không muốn!
- Hay là chích một mũi an thần?
- Đau lắm, con không chịu chích đâu!
- Hay là uống thử thuốc sirup này xem có hết đau không nhé.
- Con không uống đâu, thuốc đắng lắm!
- Thuốc này ngọt, không đắng đâu, con thử nếm mà xem nè.
Thằng bé nếm một chút rồi gật gù:
- Thuốc này không đắng lắm, con sẽ uống, nhưng đừng rửa ruột, cũng đừng chích …Con sắp hết đau bụng rồi…
Tôi nhìn sâu trong mắt thằng bé lém lỉnh, nói nhỏ bên tai nó:
- Có thật con hết đau bụng rồi không?
- Vâng! Con… sắp hết đau rồi!
- Có phải… con làm bộ đau bụng phải không?
Ngần ngừ một chút, nó nhìn trước ngó sau xem có bố mẹ ở đây không, rồi mới òa khóc, nức nở tâm sự với tôi:
- Chú ơi, giúp con với…
- Chuyện gì vậy? Từ từ nói chú nghe coi?
- Chú ơi, mẹ con đòi ly dị với bố! Hai người to tiếng từ cả tuần nay… Bố đã bỏ nhà đi, khi bố về thì mẹ lại không muốn về, đến thật khuya mẹ mới đi làm về, mẹ không muốn ăn gì hết, mẹ làm con lo lắm, con không muốn hai người ly dị đâu, nhà con chỉ vui khi có cả ba người mà thôi. Con không muốn thiếu một ai và cũng không muốn ai khác vào ở đâu chú ơi! Chú giúp con ngăn đừng để mọi người ly dị nhe chú, chú hứa đi!
Tôi vuốt lưng nó, thằng bé nói những lời thấu ruột gan tôi! Một gia đình hạnh phúc đối với một đứa trẻ phải đầy đủ cha và mẹ của nó, không thể thiếu một ai, và cũng không thể thay thế ai! Cho dù tôi có yêu Hoài Vy cách mấy… cũng không thể nào thay thế chỗ của bố ruột nó, huống chi người con gái nào đó đang thả tình với Chương, cô ta đã từng quen và hiểu thằng bé đến bao nhiêu mà đòi thay thế vai trò của mẹ ruột nó trong gia đình ấy chứ?!
Tôi xoa đầu Dann, khuyên nó như đang nói với chính mình:
- Con đừng làm mẹ thêm lo lắng nữa, đừng giả bộ đau bụng nữa nhe, chú sẽ thuyết phục mẹ đừng ly dị với bố và cho bố thêm cơ hội làm lại…
- Con đã thấy cái cô gì đó rồi, cổ đến đón con ở trường một lần có bố theo, rồi mọi người bỏ con ngồi một mình ở chỗ bán game đồ chơi để đi đâu đó, chờ đến trời tối xuống vẫn không thấy ai tới đón, tiệm muốn đóng cửa luôn, chủ tiệm đuổi con ra làm con sợ quá, may mà mẹ đã phone cho bố, bố mới nhớ và đón con đó.
Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt
Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa.
(Trên ngọn tình sầu-Từ Công Phụng, thơ Du Tử Lê)
Tôi nhè nhẹ xoay nắm cửa phòng nghỉ trong bệnh viện dành cho nhân viên, rón rén đặt món seafood sushi lên bàn, ngắm Hoài Vy ngủ say sưa úp một bên má lên bàn, tiếng thở đều đặn, làm như tối hôm qua nàng không được ngủ đủ giấc vậy; đã quá giờ cơm mà nàng cũng không đói dậy ăn. Tôi định bước ra, ống tay áo vướng vào chiếc ghế cạnh đó, gây lên tiếng động làm nàng tỉnh giấc.
Thấy tôi, nàng ngước mặt còn ngái ngủ lên dụi mắt:
- Anh … vào hồi nào vậy? Sao không gọi em dậy?
- Anh có mua cơm trưa món sushi mà em thường thích đó, em có nhớ mình đã ăn món này cả mấy tuần lễ khi còn học thi không?... Thôi ăn cho có sức vì chiều nay lại có ca mổ nữa đó.
- Thật mất công anh quá, anh đã ăn chưa? Ngồi xuống đây ăn chung với em luôn, nhiều quá làm sao em ăn hết được.
Tôi kéo ghế ngồi xuống, so đũa cho nàng, nhìn nàng chua xót:
- Anh… có thể hỏi em một chuyện không?
Nàng coi tôi như một người thân trong gia đình, biết không giấu được lâu, nàng ngần ngừ, rồi tuôn ra tất cả sự đau khổ uất ức bao lâu nay: chồng nàng đã làm một lỗi lớn với nàng, dù đã ăn năn, nhưng nàng không thể tha thứ vì đã đi quá ranh giới chịu đựng của nàng… Nước mắt ràn rụa tức tưởi.
Tôi thật ái ngại nhưng muốn nàng quên đi hoàn cảnh hiện tại, muốn đem lại nụ cười trong giây lát cho nàng; tôi lấy một chiếc đũa cắn vào giữa hai hàm răng, rồi nói:
- Em có thể làm như vậy được không?
Nàng chưa hiểu nhưng cũng bắt chước, đón lấy chiếc đũa từ tay tôi cắn chặt giữa hai hàm răng, tôi cầm máy iphone ra chụp lại và chìa ra cho nàng xem, tấm hình nàng với đôi mắt trợn tròn đầy ngạc nhiên, khuôn mặt tràn nước mắt, chiếc miệng bạnh ra giữa hai hàm răng cắn chặt que đũa trông thật tức cười, bất giác nàng ôm bụng cười nắc nẻ khi nhìn thấy tấm hình đó, vội vàng đuổi đánh tôi, la lên:
- Hahaha… “Delete” tấm hình đó ngay, “delete” ngay cho em, không được cho ai xem đó!
- Không đâu, tấm hình này thật tự nhiên và dễ thương lắm, vô giá đó nhe!
Đó là nụ cười tươi nhất từ sau khi câu chuyện gia đình nàng xảy ra.
Không chỉ riêng nàng đau khổ, tôi cũng là nạn nhân, bị giày vò, đau nhói với nỗi đau bị lừa dối, bị phản bội như chính nàng vậy, vì tôi sống nhờ vào nụ cười và ánh mắt của nàng mỗi ngày; tôi không muốn làm kẻ thứ ba ác độc, gây thêm phiền lụy lên nàng nữa đâu mà chỉ muốn làm chỗ dựa vững chắc, vun xới hạnh phúc mỗi ngày, đó mới là tình yêu đích thực của tôi giành cho nàng.
Trong đôi mắt anh, em là tất cả
Là niềm vui, là mộng ước trong thoáng giây
Anh sẽ cố quên rằng mình đã đến trong nhau
Nồng nàn như đã dấu yêu từ thuở nào (Như đã dấu yêu- Đức Huy)
Vì lời hứa với bé Dann, tôi hẹn gặp Chương.
- Tôi hỏi ông, bộ ông không còn yêu vợ con ông nữa sao? Ông chưa vừa lòng có người vợ đẹp, thông minh lại hiền lành như Hoài Vy sao? Ông không yêu thằng bé lanh lợi Dann nữa hả? Hay ông bị bùa mê thuốc lú của con hồ ly tinh rồi về làm khổ gia đình, khuấy loạn hết cả lên? Ông thật sự muốn ly dị phải không? Trả lời tôi thật tình đi, ông đang toan tính việc gì trong đầu vậy?
- Ông Huy à… ông biết tôi rất yêu vợ, rất thủy chung với nàng, tôi hài lòng lắm có một gia đình mà vợ tôi vừa đẹp người đẹp nết, đâu muốn làm xáo trộn làm gì, nhưng vì hôm đi uống rượu với đám khách mua nhà, tụi nó chuốc rượu cho tôi uống đến nỗi đi hết nổi, tôi không còn nhớ một chút gì nữa sau khi ngủ một giấc say, dậy thì thấy thân thể mình như thằng con nít mới sanh, không có mảnh vải che thân, bên cạnh là cô gái đã chuốc rượu tôi tối qua, cô ta nói đã yêu tôi từ lần đầu gặp gỡ vì tôi thường hay gặp khách ở quán này…
- Cổ yêu túi tiền của ông thì có, chứ có yêu gì ông!
- Tôi thật tình đã có lỗi với vợ! Mà ông cũng biết là vợ tôi có lòng tự ái, tự trọng lắm, tôi làm ra ba cái chuyện này, nàng thật khó nhìn mặt tôi đó, chính nàng đòi ly hôn với tôi, nàng đã lấy đơn về điền, rồi đuổi tôi ra khỏi phòng của hai vợ chồng, chúng tôi cứ cắng đắng nhau đến nỗi thằng con cũng nghe luôn, nó sợ chúng tôi ly dị, nó sợ sẽ giống thằng bạn học cùng lớp, chẳng bao giờ thấy lại bố, cả lớp gọi thằng nhỏ là trẻ mồ côi bố!
- Ông có nghĩ là cô làm trong quán bar có mưu mô gì không? Sao lại chọn ông mà không là ai khác trẻ hơn ông? Nếu so về tuổi tác thì ông phải đáng tuổi cha chú cổ. Tôi thấy vụ này sao sao đó.
- Tôi đã van xin hết nước với cô Bình, người làm việc trong quán bar, là tôi đã có gia đình, vợ tôi là một bác sĩ của bệnh viện ở San Jose, tôi không muốn làm nhơ nhuốc thanh danh của vợ tôi đâu, tôi bằng lòng đền bù cho cổ một số tiền để đừng làm rùm beng vụ này, tôi thật khổ tâm lắm luôn!
- Vậy tôi đã hiểu là ông bị họ “chơi khăm” rồi, ghen ăn tức ở, có những loại người thấy ai hạnh phúc quá họ chịu không nổi và muốn phá, muốn làm tiền, thế thôi! Xã hội này không dễ sống đâu… Ông phải cẩn thận hơn trong cách giao du đó!
- Nhưng bây giờ vấn đề là Hoài Vy không muốn tha lỗi cho tôi, nàng khư khư đòi ly dị…
- Trúng kế con hồ ly tinh rồi còn gì!
- Phải đó!... Ông làm chung với vợ tôi mỗi ngày, giúp tôi năn nỉ cổ tha lỗi cho tôi, tôi thật ăn năn lắm…
- Được rồi, để tôi cố hết cách xem sao… Thôi tôi đi công việc đây, có gì phone nói chuyện sau.
- Cám ơn ông trước nhe!
Vì nóng lòng muốn làm rõ mọi chuyện, tôi giả làm người khách chơi đêm đến quán bar của ả Bình vài lần xem hư thực ra sao. Lần nào đến tôi cũng đem theo cái máy ghi âm nhỏ xíu giấu trong cặp, ghi lại tất cả lời đối thoại của chúng tôi để đề phòng sau này. …Và cơ hội đã đến!
Bình là cô gái dáng cao, chân dài, thon gọn, khuôn mặt xinh lai tây, nàng ẻo lả ngồi sát bên tôi:
- Anh … thích ánh đèn màu tím xanh và tiếng nhạc này không? Anh uống gì? Rượu mạnh hay …
- Rượu mạnh đi…
- Có tâm sự sao? Có cần em ngồi uống chung không?
Vừa nói nàng vừa đưa ngón tay lướt nhẹ lên khuôn mặt tôi; tôi giả lả theo:
- Mình uống đi! Đêm nay phải thật say đó!
Tôi chuốc rượu cho nàng uống thật nhiều để dễ khai thác; đến chai whisky thứ ba nàng mới bắt đầu ngật ngừ, tôi hỏi ả:
- Em bỏ nghề này… đi theo anh được không?
- Em … rất muốn bỏ cái nghề bấp bênh này rồi, muốn lập gia đình với một người đàn ông tốt, sanh con, làm lại cuộc đời…
- Vậy em đã gặp được ai chưa?
- Có! Em đã gặp được một người đàn ông, anh ấy thật biết điều, rất tinh tế… nhưng tiếc anh ấy đã có gia đình!
- Vậy hãy bỏ anh ta đi, tìm một người khác độc thân, thiếu gì đàn ông trên thế gian này chưa vợ…
- Nhưng khổ là rất ít đàn ông có tính tình điềm đạm, kinh nghiệm như anh ta. Em nhất định phải làm cho anh ấy ly dị vợ để đến với em, em yêu ảnh mà… Thực sự lúc đầu em chỉ muốn moi tiền ảnh thôi, nhưng thấy ảnh là người đàn ông tốt, có trách nhiệm, lo cho gia đình thật đầy đủ làm em muốn đẩy người phụ nữ kia ra khỏi cuộc đời ảnh…
- Em đừng làm vậy thất đức lắm, hay là…
- Hay sao?... anh có cách gì không?
- Hãy bắt ảnh đền cho em một số tiền rồi em đi nơi khác làm lại cuộc đời, em thấy sao?
Trong cơn nửa say nửa tỉnh, nàng nhìn tôi từ trên xuống dưới với ánh mắt ti hí dại khờ làm tôi thấy tội nghiệp, tất cả chỉ vì mưu cầu cuộc sống thôi. Ả té xuống chiếc giường sát cạnh, mắt nhắm chặt, miệng vẫn lẩm bẩm:
- Ý kiến hay đó, nhờ anh nói giùm với ảnh nhe, em đòi 100k đô cho bõ công đó!
- Ảnh là ai?
- Chương, Hoàng Thiết Chương giám đốc công ty buôn bán nhà đất có vợ chảnh làm bác sĩ, và thằng con 8 tuổi.
- Em say mà sao nhớ tài tình, nói vanh vách thế?
- Em say nhưng cái đầu vẫn nhớ mà… Em không muốn nhìn ai có hạnh phúc sung sướng hơn em! Em thua gì họ mà không có được cái tình gia đình ấy chứ anh nói đi? … Em ghen với chị ta đó! Em sẽ làm cho chị ta phải ly hôn và em sẽ nghiễm nhiên thay thế vai trò của chị ấy!...hahaha em sẽ vu khống anh Chương cưỡng hiếp em thì tòa sẽ bắt anh ấy đi tù, thanh danh mất hết, đã vậy phải đền em ít nhất là 200k chứ không phải chỉ 100k đó thôi đâu! Hahaha Anh thấy kế hoạch của em….
Nói xong câu đó tôi nghe tiếng khóc ấm ức lẫn tiếng cười đau khổ trong men say của ả. Tôi hiểu sự đố kỵ, ganh tức của kẻ có dã tâm muốn chiếm đoạt hạnh phúc của người thành của mình. Có thể cô ta bị bệnh tâm thần chăng?
****
Sau khi ba chúng tôi cùng nhau nghe lại đoạn băng ghi âm, Chương lên tiếng:
- Tôi không ngờ bề ngoài ả rất xinh đẹp, dịu dàng mà lại là con người mưu mô xảo quyệt như vậy, là một kẻ chuyên tống tiền những người đàn ông “nhẹ dạ”. May mắn nhờ ông Huy đã can trường “vào hang cọp để bắt được cọp”… Theo mọi người tôi có nên đem cái băng này đến cảnh sát để làm biên bản không? đề phòng sau này có tình huống gì xảy ra thì mình đã có chứng cớ, và cho ả một bài học đích đáng!
Hoài Vy xoay xoay chiếc ly nước trà ấm trong tay:
- Em nghĩ ả này không những làm tiền anh Chương mà đã moi tiền nhiều người trong quá khứ lắm rồi, chả ai dám nói gì vì muốn giữ danh dự cho gia đình. Em sống không nổi đâu nếu tên tuổi gia đình mình bị lôi lên trang nhất của những tờ báo địa phương…
Tôi kết luận:
- Vậy mình không nên làm lớn chuyện, cho ả con đường sống, mình mua được sự an bình; cả ba người mình sẽ gặp ả, mình sẽ bắt ả viết đơn cam kết đi khỏi San Jose khi nhận tiền, và sẽ không bao giờ quay lại con đường làm tiền phi pháp này nữa… Vậy là kết thúc thôi. Nếu không giữ lời thì mình có bằng chứng đầy đủ, giấy tờ chữ ký, băng ghi âm… Còn nếu muốn ra tòa thì phần thua về ả là cái chắc!
*****
Thôi kệ, chi rồi cũng sẽ qua
Giận, hờn, ân, oán nặng riêng ta
Gỡ cặp kính màu cho bớt khổ
Mắt nhận trong đời vạn đốm hoa… ( Thôi kệ- Thích Tánh Tuệ)
Chúng tôi quây quần bên chiếc bàn tròn trong một tiệm seafood nổi tiếng ở Cali, thằng bé Dann bám chặt cánh tay tôi:
- Chú Huy ơi, sau này khi rời nơi đây, chú phải facetime cho con mỗi tuần đó, con sẽ nhớ chú lắm, sẽ không ai chơi bóng với con nữa và khi bệnh đến nhà thương cũng không còn ai nghe những yêu cầu của con. Nhớ nhen chú!
Hoài Vy giọng nhẹ nhàng chân thành:
- Hồi đó em đi tu nghiệp rồi, bây giờ đến anh chứ, 6 tháng sẽ nhanh chóng qua thôi, về lại đây chắc chắn anh sẽ lên chức giám đốc, lúc đó đừng quên người đã từng đồng cam cộng khổ với anh trong mọi vấn đề đó nhe! … Mỗi một ca mổ quan trọng nào em cũng sẽ mãi nhớ tới anh, nhớ đến ánh mắt ngầm bảo “ráng lên” làm cho em lên tinh thần, tự tin mổ tiếp… Cũng rất nhớ những ly café buổi sáng anh đã đem vào phòng cho em với hai cup sữa nhỏ không đường… Em rất cám ơn anh!
Chương gắp bỏ vào đĩa của tôi một con oyster lớn chưng gừng hành:
- Cái gì khó giải quyết của gia đình, chúng tôi đều nhờ đến ông, ông chính là “bà vú nuôi”, tụi này được yên lành đến ngày hôm nay, công lao của ông không nhỏ, người bạn già của tôi! Tôi rất hân hạnh được quen ông, mang ơn ông được chưa? Mong ông đi tu nghiệp về lên chức và mãi là “cánh tay phải” của tụi này nhe!... Mà nè, khi nào quen được cô gái nào thì giới thiệu liền cho chúng tôi biết đó nhen.
****
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
Lòng như bát ngát mây xanh
Thân như sương tụ trên cành đông mai.
Cuộc đời chớp lóe, mưa bay,
Càng đi càng thấy dặm dài nỗi không.(Phạm Thiên Thư)
Sỏi Ngọc. 22.2.2024
Kỷ
vật cho người ở lại.
Chuyện xảy ra gần 20 năm trước, khi tôi còn làm y tá của một bệnh viện trong một thành phố nhỏ ở tiểu bang Arizona.
Tối hôm đó, bệnh viện của tôi nhận một nhóm nạn nhân của một tai nạn xe hơi thảm khốc. Trên xe là bốn em học sinh đều ở lứa tuổi 17-18, cùng đi về với nhau sau sau bữa tiệc. Người lái xe 18 tuổi, say rượu và chạy xe quá tốc độ, lạc tay lái tông vào một chiếc xe tải đang đậu bên lề đường. Nhờ có thắt dây an toàn, người lái và em ngồi cạnh tuy bị thương nặng nhưng không nguy hiểm tính mạng. Riêng hai em ngồi sau, 1 nam 1 nữ bị thương rất nặng vì không thắt dây an toàn. Em trai bị chấn thương sọ não và chết ngay sau khi xe chở đến bệnh viện. Em gái hôn mê bất tỉnh phải mổ gấp, không biết có cứu được hay không?
Thật đáng buồn, em trai tử vong là một em Việt Nam, 17 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học và đang sắp rời nhà để vào một trường đại học danh tiếng. Các em còn lại đều người ngoại quốc.
Tôi được (hay bị) kêu vào phòng họp gấp để nhận một nhiệm vụ quan trọng.
Sau khi được biết nhiệm vụ của mình là gì, tôi nhăn nhó phản đối, “Tại sao lại là tôi? Đây là nhiệm vụ của bác sĩ mà!”
“Tôi biết, nhưng người nhà của bệnh nhân không biết tiếng Mỹ rành lắm, cô đi theo thông dịch cho bác sĩ, và ráng van xin họ giúp chúng tôi,” bà y tá trưởng năn nỉ.
Sau một hồi bàn qua tính lại, tôi lê bước đi theo ông bác sĩ đến phòng chứa xác của em trai Việt Nam mới tử nạn, với nhiệm vụ là cùng bác sĩ, năn nỉ gia đình người chết hiến tặng những bộ phận còn tốt trong cơ thể của em cho bệnh viện.
Một em trai 17 tuổi đang khỏe mạnh nhưng chết vì tai nạn, là một ứng cử viên tuyệt vời để làm người hiến tặng, vì hầu hết các bộ phận trong cơ thể em còn rất khỏe, rất trẻ, rất thích hợp để cứu sống các bệnh nhân đang chờ đợi để được thay các bộ phận trong người. Đó là lý do bệnh viện hết sức cầu xin gia đình.
Thời gian đó, đối với người Việt mình, khái niệm hiến tặng bộ phận cơ thể còn rất mới mẻ. Nếu không là cho người thân trong gia đình, hầu như rất ít ai hiến tặng cho những người không quen biết. Huống hồ gì, chuyện cha mẹ đồng ý hiến tặng các bộ phận trong cơ thể của con thì hình như chưa hề xảy ra. Có cha mẹ nào mà nỡ lòng nào làm như thế? Mất con đã đau đớn lắm rồi…
Chúng tôi gặp cha mẹ nạn nhân trong phòng đợi, trong khi người con đang được chờ quyết định để rút tất cả ống support bên trong, tôi bắt đầu trình bày lý do. Quả như tôi lường trước, cho dù có van xin, nài nỉ, giải thích cách mấy, bác sĩ và tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu quầy quậy, ánh mắt oán ghét, và những lời xua đuổi.
Tôi lắp bắp xin lỗi rồi bước nhanh như chạy ra khỏi phòng.
Phòng ICU rất vắng lặng vì ở đây toàn những ca rất nặng. Những y tá cùng trực với tôi đêm đó ai cũng bận rộn với bệnh nhân của mình nên chỉ có một mình tôi ngồi tại nurse station. Thường thì ở ICU, mỗi y tá lãnh hai bệnh nhân trong một ca. Nhưng đêm nay tôi chỉ có một, vì một bệnh nhân mới chuyển sang phòng thường. Bệnh nhân còn lại là cô gái đang trong phòng mổ, nên tôi cũng khá rảnh rỗi, cho đến khi ca mổ xong.
Bỗng nhiên tôi thấy hơi nhức đầu nên cúi gục vào lòng bàn tay một chút cho đỡ mỏi mắt. Khi tôi ngẩng đầu lên thì vụt một cái, thoáng có một bóng người mặc áo trắng lướt thật nhanh qua mặt.
Tôi đảo mắt nhìn quanh.
Không có ai cả!
Tôi vẫn thường thấy lao đao như vậy lắm, có lẽ vì tôi bị chứng bịnh thiếu máu kinh niên. Tôi dụi mắt nhìn kỹ lại một lần nữa, lần này thì thật sự có một bóng áo trắng đang từ từ tiến lại gần tôi.
Tôi dợm đứng dậy để nhìn cho rõ thì thấy có một cậu thanh niên Á Châu rất trẻ, gương mặt xanh xao mệt mỏi đang đi lại phía tôi ngồi. Cậu đi nhẹ nhàng như lướt trên không vậy, xuất hiện trước mặt tôi mà không gây nên một tiếng động. Cậu nhìn tôi, đôi mắt nâu hiền và ngây thơ đến nao lòng. Có vẻ như cậu đang bị lạc đường. Chắc là cậu đi nuôi người nhà bệnh và lạc từ khoa khác sang.
Thấy cậu đứng yên lặng không nói gì, tôi hỏi bằng tiếng Mỹ, “Em cần gì, tôi có giúp được gì cho em không?”
Lạ thay, cậu trả lời bằng tiếng Việt, “Em đi kiếm đồ!”
Giọng của cậu nhỏ và thanh, nghe văng vẳng như từ một nơi xa xôi nào đó vọng về.
“Em bị mất cái gì à?”
“Em làm rớt cái ví trong xe. Trong đó có một món đồ rất quan trọng. Chị kiếm dùm em nghe chị. Nhớ nghe chị…”
Không đợi tôi trả lời, cậu quay lưng đi thật nhanh và khuất bóng sau góc quẹo.
Tự nhiên tôi cảm thấy lạnh buốt, cái lạnh từ trong xương lạnh ra. Tôi rùng mình. Lạ thật, Tháng Sáu Mùa Hè ở cái xứ sa mạc này nóng cả trăm độ. Cho dù máy lạnh có mở cũng chỉ vừa đủ. Chưa bao giờ tôi cảm thấy lạnh cóng bằng cái lạnh của hiện tại.
Đầu óc tôi quay cuồng và tiếp tục nhức. Chắc mình sắp bịnh rồi, tôi tự nhủ. Sao tự nhiên lại cảm thấy lạnh và nhức đầu quá. Tôi đứng lên định đi theo cậu bé nhưng rồi lại choáng váng ngồi phịch xuống một chiếc ghế.
Vừa lúc đó, một cô bạn đồng nghiệp từ đâu đi tới. Nhìn thấy sắc mặt tôi, cô la lên, “Oh my God! Trời ơi sao cái mặt cô xanh lè xanh lét thấy ghê quá. Are you OK?”
“Tôi thấy lạnh quá, cô lấy dùm tôi một cái áo lạnh được không?”
Cô bạn nhanh chóng đi lấy cho tôi một cái áo labcoat mới được giặt ủi và hấp nóng. Tôi mặc áo vào, ngồi co ro mà thấy vẫn còn lạnh, mồ hôi rịn ra hai bên thái dương.
Tôi uống thêm hai viên Tylenol. Một lúc sau, tôi thấy từ từ dễ chịu, và lại nghĩ đến cậu bé hồi nãy. Cậu ta là ai, làm sao biết cậu ở đâu, đi kiếm cái xe gì, và cái ví gì nữa chứ?
Cả khu ICU này có 6 phòng. Hiện giờ đang có năm bệnh nhân, mỗi người nằm một phòng. Tôi coi lại danh sách bệnh nhân viết trên bảng treo trên tường. Không có bệnh nhân nào người Việt. Vậy cậu từ khoa nào đi sang đây?
Tôi đi lòng vòng với hy vọng gặp lại cậu bé, nhưng hỏi thăm những nhân viên quanh đó xem có ai gặp một cậu bé người Á châu không, ai cũng lắc đầu không biết.
Thất vọng, tôi trở về khoa đúng lúc bệnh nhân của tôi đã được giải phẫu xong và chuyển về phòng ICU. Bác sĩ bảo em được cứu sống nhưng đôi mắt sẽ bị mù vĩnh viễn vì chấn thương quá nặng. Chỉ có một hy vọng duy nhất là được thay đôi mắt khác em mới có thể thấy lại ánh sáng.
Ba mẹ em ngồi bên giường trong khi em vẫn đang nằm thiêm thiếp. Ông bà yên lặng chắp tay cầu nguyện. Tôi không biết làm gì hơn là ngồi xuống bên cạnh và góp lời cầu nguyện trong lòng.
Người mẹ buồn rầu nói, “Tội nghiệp chúng quá. Rồi đây Jane sẽ ra sao khi tỉnh dậy và biết là người yêu của nó đã chết?”
“Người yêu của Jane là anh Việt Nam ngồi chung xe hả bà?” tôi hỏi.
“Đúng vậy, chúng nó yêu nhau lắm. High school sweethearts mà. Hai đứa đều học giỏi và có tương lai. Thế mà, chỉ qua một đêm, một đứa ra đi vĩnh viễn, một đứa trở nên mù lòa.” Bà sụt sịt khóc.
Tôi ngập ngừng, “Bác sĩ nói con bà còn có hy vọng thấy lại ánh sáng, nếu…”
“Vâng tôi biết! Nhưng ở đâu ra có cặp mắt để thay kia chứ? Nếu đó là cặp mắt của một người còn sống cho con tôi, tôi biết chắc chắn nó sẽ không chịu nhận. Nó là cô gái rất tốt, không bao giờ muốn làm khổ ai.”
“Nhưng nếu đó là cặp mắt của một người vừa mới mất thì hoàn toàn có thể dùng được, chỉ có điều…” tôi bỏ dở câu nói vì tôi biết chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Đừng bao giờ nên hỏi cha mẹ cậu bé Việt Nam thêm một lần nữa.
Như đọc được ý nghĩ của tôi, bà mẹ thở dài, “Cô y tá ạ, tôi biết nỗi đau của người mẹ mất con nó khủng khiếp như thế nào. Tôi không dám đòi hỏi gì thêm. Số phận con gái tôi bị mù thì tôi sẽ hết lòng chăm sóc cho nó. Con gái tôi có nghị lực lắm, tôi tin nó sẽ vượt qua…”
Xót xa nhưng cũng rất xúc động trước những lời nói của bà, tôi nhẹ nắm lấy tay bà. Vừa lúc đó, một ông cảnh sát đang rảo bước tới, trên tay cầm một bọc giấy. Ông hỏi tôi, “Người ta chỉ cho tôi là có một cô y tá người Việt ở đây. Cô nói được tiếng Việt chứ?”
“Dạ được. Ông cần gì không?”
“Tôi muốn nhờ cô đi với tôi đến gặp gia đình người tử nạn trong tai nạn xe chiều nay. Chiếc xe bị total lost. Trước khi xe tow kéo xe đi, chúng tôi kiểm tra trong xe và tìm thấy chiếc ví này rớt trong xe. Nó thuộc về người đã chết. Tôi muốn giao lại kỷ vật này cho thân nhân của cậu.”
Ví, xe, người tử nạn… những mảnh rời rạc của chiếc hình puzzle tự nhiên ráp nối lại với nhau một cách có trật tự. Tim tôi đập thình thịch và cổ họng tự dưng tắc nghẽn. Chân tôi bắt đầu run lập cập và tay thì nổi da gà. Sao giống y hệt những điều cậu bé kia vừa nói?
Không lẽ mình vừa gặp ma sao?
Tôi lắp bắp hỏi ông cảnh sát, “Ông có thể cho tôi xem qua chiếc ví được không?”
Ông ngần ngừ một chút rồi nói, “Cũng được, nhưng trong ví không có gì quý giá hết, chỉ có tấm bằng lái xe và một ít tiền mặt vậy thôi!”
Tôi tần ngần mở chiếc ví ra. Thật vậy, trong ví ngoài một ít tiền nhỏ chỉ có tấm bằng lái xe. Tôi tò mò nhìn vào tấm bằng lái và hoảng sợ làm rơi chiếc ví xuống đất. Trên tấm bằng là hình của cậu bé vừa đến gặp tôi ít phút trước đây. Với gương mặt gầy và cặp mắt nâu trong vắt thơ ngây như đang nhìn xoáy vào tôi, như muốn nói một điều gì.
Vậy ra cậu chính là người đã chết đó sao?
Một luồng khí lạnh chạy dọc theo sống lưng của tôi. Tôi thầm thì, nhắc lại lời của cậu bé khi nãy: “Trong ví này có một vật rất quan trọng…”
“Cô nói gì?”
Tôi lượm chiếc ví lên, mở ra xem lại và lật tới lật lui. Quả thật không có gì khác ngoài vài tờ giấy $10 và $5, cùng tấm bằng lái.
Tai tôi văng vẳng nghe tiếng của cậu bé, “chị nhớ giúp em nghe chị, nhớ nghe chị…”
Tấm bằng lái!
Tôi nhìn kỹ lại tấm bằng lái lần nữa. Đây rồi, vật quan trọng mà tôi cần tìm chính là tấm bằng lái này đây.
Trên bằng lái có tên, tuổi và hình chụp của cậu bé. Còn nữa, nằm ngay ngắn ở góc phải của tấm bằng là cái sticker nhỏ màu hồng, trên có dòng chữ “DONOR” màu đen in đậm nét.
Tim tôi đập thình thịch. Như vậy là, chính cậu đã run rủi cho sở cảnh sát tìm thấy chiếc ví rơi trong gầm xe trước khi xe bị kéo đi; chính cậu đã tìm đến tôi, và đưa đẩy cho ông cảnh sát gặp tôi để mọi người có thể biết được ý nguyện của cậu. Thì ra ngay từ khi mới có bằng lái, cậu đã quyết định là nếu có điều gì xảy ra cho mình, cậu sẽ sẵn sàng hiến tặng những bộ phận còn tốt trong người cho tất cả ai đang cần chúng nên đã tình nguyện ghi tên làm người DONOR. Có phải cậu đến tìm tôi vì biết tôi là người chăm sóc cho người bạn gái thương yêu của cậu đêm nay và muốn nhờ tôi tìm cách để trao tặng cho cô gái đôi mắt của cậu như một kỷ vật cuối cùng?
Tôi chỉ vào chữ “DONOR” và nhờ vị cảnh sát xác minh lại với DMV. Sau khi xác nhận là cậu bé Việt Nam chính thực đã ghi danh làm người “DONOR”, nhưng đồng thời vị cảnh sát cũng thông báo rằng theo luật pháp, vì cậu bé mất khi cậu chưa đủ 18 tuổi, nên quyết định cuối cùng, cho hay không, cũng vẫn là quyết định của cha mẹ.
Phái đoàn gồm các bác sĩ, cảnh sát cùng với tôi sau khi đưa chiếc ví lại cho cha mẹ cậu và thông báo về tất cả những sự việc trên cho họ. Trong khi chờ gia đình cậu bé bàn thảo với nhau, chúng tôi đều lui ra ngoài đứng chờ.
5 phút, 10 phút trôi qua. Một bầu không khí yên lặng đến nghẹt thở.
Rồi cha mẹ cậu bé cũng bước ra. Người mẹ ôm mặt khóc, trong khi người cha nghẹn ngào nói với chúng tôi: “Thôi thì con tôi nó đã muốn như vậy, chúng tôi xin nghe theo ý nguyện của cháu. Xin bệnh viện giúp cháu làm tròn tâm nguyện, hãy giúp đỡ tất cả những ai đang chờ được giúp.”
Tôi bật khóc vì quá xúc động. Tất cả những người có mặt lúc đó đều khóc và cảm ơn cha mẹ cậu bé đã làm quyết định đau đớn và khó khăn nhưng rất cao cả này. Cảm ơn ông bà, tôi thầm thì. Trên cao kia, tôi biết cậu bé đang nhìn xuống và mỉm cười.
Những ngày sau đó, có ít nhất là cả chục bệnh nhân đang chờ thay thận, gan, tim, v.v… đã được cứu sống nhờ được ghép những bộ phận trong cơ thể cậu bé. Cô bạn gái cũng đã nhận được cặp mắt của cậu. Trên gương mặt trắng bóc và mái tóc vàng hoe, đôi mắt nâu trong veo luôn tỏa những tia sáng ấm áp dịu dàng. Đôi mắt như biết nói những lời yêu thương đến mọi người. Cậu bé đã ra đi mãi mãi, nhưng tình yêu quảng đại của em vẫn tiếp tục tồn tại.
Ngay sau cái đêm “gặp ma” trong bệnh viện đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi về bàn với chồng, và vợ chồng tôi đã cùng đi đến quyết định là ra DMV để ghi tên tình nguyện làm người “DONOR.”
Nếu một mai có người nào phải ra đi trước, chúng tôi không muốn người thân mình ở lại phải suy nghĩ để làm những quyết định đau lòng thế cho mình.
Cát bụi rồi sẽ trở về với cát bụi. Thế thì tiếc làm chi các xác thân tạm bợ này! Nếu sau khi mình ra đi mà vẫn còn có ích cho người khác thì đó chính là một niềm an ủi và hạnh phúc vô biên cho mọi người chúng ta rồi.
Diễm Vy
ALìn - Đoàn Xuân Thu
Tây ăn bánh mì vì thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất của Tây sinh sống trồng được lúa mì. Ta ăn cơm vì thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất của Ta sinh sống trồng được lúa nước. Còn như Tàu có chỗ nó ăn cơm, có chỗ nó ăn mì (sợi). Vì đất Tàu có nhiều vùng thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, từ phương Nam lên phương Bắc, nên họ trồng được cả hai thứ.
Do người Việt hầu như ngày nào cũng ăn cơm nên trong lời nói, chữ viết về cơm, nó nhiều hằng hà sa số, nhiều vô thiên lủng. Nấu bằng nếp thì gọi là cơm nếp. Gạo bị bể, nấu thành cơm thì gọi là cơm tấm. Gạo bình thường nấu thành cơm thì có: cơm trắng, cơm tẻ, cơm nóng, cơm nguội...
Còn phân biệt cơm theo cách nấu: đem cơm nguội đi chiên thì gọi là cơm chiên. (Như cơm chiên Dương Châu chẳng hạn). Gạo nấu chung với đồ ăn trong cái niêu gọi là cơm tay cầm. Cơm tay cầm là một món gồm có cơm và đồ ăn nấu, chưng cách thủy chung, dọn chung cho cả bàn, nhiều người cùng ăn. Như hải sản, gan heo, gà quay... hấp chung với cơm trắng trong cái nồi nho nhỏ có một tay cầm. Sau khi chín, muốn có cơm cháy thì để cái niêu lâu lâu một chút trên bếp lửa. Cơm tay cầm không phải là cầm tay, gặm khúc bánh mì như bà con mình tự trào đâu nhe!
Sau văn sĩ miền Bắc tràn vô Sài Gòn, xài chữ lung tung! Tụi nó gọi ‘cơm tay cầm’ là ‘cơm niêu’.
Ngay cả nhà báo Lê Văn Nghĩa, vỗ ngực khoe dân sanh đẻ tại Chợ Lớn, nhưng trong bài ‘Chợ Cũ ở Sài Gòn’, ông dám đặt bút viết ‘cơm tay cầm’ còn được gọi là ‘cơm thố’ (?)
Viết trật lất! Cơm thố chỉ là gạo (không có đồ ăn), chưng cách thủy trong thố nhỏ cho tới chín mà thôi.
Cơm thố Sài Gòn khu Chợ Cũ, lừng lẫy một thời, trên đường Tôn Thất Đạm quận Nhứt, thoạt kỳ thủy là của người Tàu gốc Quảng (Đông). Cơm thố người Quảng gọi là ‘chung phàn’. Chung là cái thố, phàn là cơm. Xực là ăn. Xực phàn là ăn cơm. Xực ‘chung phàn’ là ăn cơm thố. Còn ‘cẩu xực xí quách’ là Thằng Cẩu (hoặc con chó) ăn xương!
Thố như chén, dĩa, tô, tộ. Nghèo thì mua bằng sành làm ở lò gốm ở miệt Lái Thiêu. Giàu thì mua thố làm bằng sứ như chén kiểu Giang Tây làm tuốt ở bên Tàu.
(Nhậu sừng sừng, cầm đũa ngà khỏ vào thành chén, giữ nhịp cho em hát, nó kêu bong bong: “Anh ơi chiều nay một trăm phần trăm”). Thố có nhiều cỡ, lớn nhỏ. Thố có loại có quai, loại không quai, loại có nắp, loại không nắp.
Nồi dùng để hấp cơm thố phải bự chà bá mới được. Bên trong nồi, đặt nhiều cái xửng bằng tre có nhiều lỗ thoát hơi, lớn bằng ngón tay cái. Trên cái xửng sắp nhiều cái thố đựng gạo. Dưới đáy nồi là nước sôi, bốc hơi lên ngùn ngụt. Gạo dùng nấu cơm thố: như gạo Sóc Nâu, gạo hột dài, gạo Nàng Hương Chợ Đào, Long An.
Cho ít gạo, đã vo sạch để ráo nước, vào từng cái thố. Châm nước vào thố một lần thôi. Mỗi bao gạo mới mua, nấu một lần là biết ý để gia giảm lượng nước sao cho cơm chín không khô, cũng không nhão.
Vào tiệm cơm thố, phổ ky bưng lên, ăn bao nhiêu thố tính tiền bấy nhiêu. Mỗi thố cơm độ một chén cơm nhỏ chút tẳn, và vài lần là hết. Bởi hấp cho cố, xài cái thố lớn bành ki nái đựng nhiều gạo, thì chỉ có hơi nước của nồi súp de (chaudière) trên xe lửa mới làm gạo chín hết thành cơm.
Cái vụ hấp nầy người Quảng (Đông) xài nhiều. Nhứt là món nào ăn nóng mới ngon, như hấp bánh bao. Mía cũng hấp luôn! Còn người Việt thì hấp bánh bò, hấp khoai mì. Xôi cũng hấp. Như vậy hấp, chưng cách thủy chỉ là một cách làm chín thức ăn bằng hơi nước.
Muốn đổ bánh bò, em yêu cần cái chung. Muốn cho chàng ăn cơm thố thì em yêu cần cái thố! Thố cũng như chén dĩa là do mấy lò gốm làm chén, dĩa ở miệt Lái Thiêu nơi có đất sét tốt.
Tuỳ theo cách nấu mà ta có các loại cơm khác nhau! Nấu bằng nồi đồng thì có cơm cháy giòn giòn, thơm thơm, ăn với tép mỡ rắc đường cát trắng. Bù lại cơm thố dẻo và giữ nóng lâu, lúc nào nó cũng bốc khói. Ăn cơm thố đã điếu nhứt là lúc trời cuối năm trở lạnh.
Đồ ăn cơm thố cũng giống đồ ăn cơm thường. Chỉ cần ba món: canh, mặn (kho) và xào. Nên giàu nghèo đều xơi cơm thố được hết ráo! Hao xu nhiều hay ít là do giá của đồ ăn. Hẻo lúi thì ăn cơm nhiều hơn là ăn đồ ăn.
Cả chục thố cơm chỉ với một dĩa cá khô kho mặn, hay dĩa thịt kho. Rủng rẻng thì cơm thố với những món mắc tiền, cao lương mỹ vị: (mà giờ nhà báo bây giờ hay viết là món ăn cao cấp. Món ăn chớ đâu phải chức vụ mà có thấp có cao vậy mấy cha?). Như: cá hấp, gà nướng, bồ câu quay, gà ác tiềm thuốc Bắc.
Còn hổng giàu cũng hổng nghèo, đứng chàng hảng thì ăn cơm thố với canh cải bẹ xanh, sườn xào chua ngọt, ‘hầm vĩ chưng hột vịt’ hoặc ‘hầm vĩ chưng giấm đường”. (Hầm vĩ là cá lù đù trộn chung hột vịt rồi hấp hoặc chưng, ăn với dĩa rau sống, dưa leo).
***
Hồi xưa, bị tổng động viên Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, đi lính, vô quân trường Quang Trung rồi Thủ Đức, tui ăn cơm nấu bằng chảo đụn, xúc bằng xẻng, có bỏ thêm Vitamin B1, gọi là cơm nhà bàn! Nhà bàn là nhà ăn có nhiều dãy bàn dành cho Sinh viên Sĩ quan Trường Bộ Binh Thủ Đức ăn cơm.
‘Cư an tư nguy’ trên phù hiệu của Trường Bộ Binh Thủ Đức thành ‘Cứ Ăn Tự Ngủ’ với cái bụng đói! Chính vì vậy, KBC tức Khu Bưu Chính của Trường Bộ Binh là 4100, bốn ngàn một trăm; tụi nó giễu, đọc trại đi là ‘bốn người một mâm’. Vì một phần ăn, hỏa đầu quân dọn ra một mâm cho 4 đứa (một ‘carré’, tiếng Pháp, một hình vuông) 4 cục thịt. Mỗi đứa một cục bằng ngón tay cái, đủ nhét kẽ răng. Tạ ơn cái ‘gô’ (lon sữa bột Guigoz) tép rang, cá hay thịt chà bông (để lâu được) của em yêu. Chúa Nhựt nào chàng bị cắm trại, là nàng cụ bị mang lên Khu Tiếp Tân cho chàng ăn dặm thêm với cơm cho đỡ đói.
Còn tui xui rủi là con Bà Phước trong cái thời đường trường xa, con chó nó tha con mèo. Nhưng Trời không hại người ‘gian’! Nên lúc đi chiến dịch Hiệp định Paris, 27 tháng Giêng 1973, ngừng bắn da beo tại xã Tân Phú Trung, quận Bình Đại, tỉnh Kiến Hòa, tui ‘cua’được ‘A Lìn’. Em là Tàu lai, dân Chợ Cũ Sài Gòn về thăm má ở quê chợ xã. Tui hỏi: ‘Lìn’ tiếng Việt nghĩa là gì? Em cong cái mỏ, cái mỏ nho nhỏ, cái mỏ cong cong: “Lìn là Liên, là bông Sen. Thơm lắm nhe anh!”. Em nói đúng. “Liên thơm thiệt!”
Hết chiến dịch 4 tháng, tui trở về Trường Bộ Binh Thủ Đức ở đồi Tăng Nhơn Phú; cũng là lúc A Lìn trở lại Sài Gòn đi học. Về phép cuối tuần Thứ Bảy, tui ghé thăm em. Đã hết những ngày ăn chực cơm do em nấu ngon hết biết ở quê. Giờ chàng phải ăn cơm nhà bàn! Cảm thương chàng nên em dắt chàng đi Chợ Cũ ăn cơm thố.
Với tui, cơm thố, cơm thường, món nào cũng được nếu do chính tay em Lìn dấu yêu nấu như ngày cũ trước khi mất Sài Gòn. Nhưng đau đớn thay, tù cải tạo ra, tui trở về Chợ Cũ để hy vọng gặp lại được Lìn. Hy vọng Lìn sẽ dẫn cái thân tàn ma dại của tui đi ăn cơm thố, một lần thôi cũng được, để bù lại những ngày đói khổ trong tù; thấy cái gì nhúc nhích là ăn.
Làm tài tử ‘Xô Xích Le’ tức chạy ‘xe xích lô’ tìm em hoài mà không gặp được người xưa. Cuối cùng, tui mới hay Lìn, tức Liên của tui ngày cũ đã xuống thuyền ra biển biệt tăm hơi. Đôi ta mất nhau từ độ ấy.
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét