.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

01 tháng 4 2024

AI NUÔI MẸ KHI GIÀ?




Vừa ăn xong bữa tối, người mẹ trẻ ấy lại mở máy tính lên. Chị cặm cụi với bàn phím, có hôm khuya lắc lơ mới đi ngủ. Cậu con trai nhỏ thắc mắc: "Mẹ ơi! Sao mẹ lúc nào cũng phải làm việc thế?".

Người mẹ trẻ nhìn con mỉm cười rồi khẽ ngân nga: “Tuổi trẻ không gắng sức. Già cả phải ngậm ngùi!”.

Cậu con im lặng, mặt nghệch ra vẻ suy nghĩ một chút rồi đáp trả: “Tuổi trẻ không gắng sức. Già cả con cháu nuôi! Mẹ đừng làm nữa, mai mốt con sẽ nuôi mẹ!”.

Câu nói ngây ngô của con khiến chị bật cười, hạnh phúc. Nhưng cũng khiến chị chợt giật mình nhớ ra, ở phương xa quê nhà, chiều chiều có một người mẹ già thường lặng lẽ ra vườn quét lá rụng. Người mẹ ấy hay giở lịch, nhẩm tính, chờ đợi, ngóng trông những ngày lễ Tết đặc biệt trong năm, con cháu sẽ về thăm.

Thuở ấu thơ ấy, chị cũng từng như con trai mình luôn hứa hẹn: “Lớn lên con sẽ nuôi mẹ!”. Nhưng khi lớn lên, anh em thành gia lập thất, tỏa đi mỗi người, mỗi ngả, ai cũng bận bịu cho tổ ấm nhỏ của mình. Chẳng đứa con nào giữ được lời hứa khi xưa với mẹ…!

Có những ngày, chị điện thoại về, nghe giọng mẹ reo vui: “Năm nay, bưởi được giá lắm con ơi…!”. Mùa khác, mẹ lại phấn khởi khoe: “Mấy cây mít nhà mình đợt này, trái sai xuống tận gốc…”. Những khi về quê, con cái giúi tiền cho, mẹ chị lại lo ngay ngáy: “Ở trên đó, tụi con làm ăn có được không? Sao mẹ xem tivi thời sự nghe nói kinh tế khó khăn lắm…không có tiền thì cứ để dành mà tiêu…ở đây mẹ có vườn cây lo…”.

Thế mới ngẫm ra câu “nước mắt chảy xuôi”. Cha mẹ sẽ chẳng bao giờ nhớ đến lời hứa thuở xưa của con cái mà có nhớ thì cũng chẳng bao giờ trách móc các con đã không thực hiện lời hứa ấy. Bởi với cha mẹ, chỉ cần các con có cuộc sống hạnh phúc là đủ!

 Nguyễn Nga

NGƯỜI BÀ ĐÃ DẠY CHO CHÁU MÌNH CÓ MỘT TÌNH YÊU CAO CẢ


Đối với người VN thì đàn Piano là một vật giá trị quá cao, ngang với ô tô, không mấy ai với tới. Ngay cả ở nước ngoài cũng chỉ những nhà trung lưu mới sắm nỗi.
Do đó ước mơ có một cây đàn Piano trong nhà là một ước mơ vĩnh viễn đối với đa số trẻ em yêu âm nhạc.
Câu chuyện sau đây khá nhẹ nhàng, đem lại cho ta một cảm giác lâng lâng, thư thái :
Một anh chàng bán nhạc cụ thuê cho một hãng. Ngày nọ, anh nhận được lá thư của một bà cụ xa lạ, đề nghị mua trả góp chiếc đàn piano màu gụ đỏ, trả hàng tháng trong nhiều năm... Lá thư bị bỏ qua và những lá khác cứ đến và cứ bị ném vào thùng rác và anh chàng nghe lòng áy náy không ngừng.
Thời gian cứ trôi qua cho đến khi anh chàng bán hàng ngày xưa đã trở thành một ông chủ của một cửa hàng nhạc cụ và cũng nhận được lá thư của bà cụ năm xưa. Anh ta quyết định gửi chiếc đàn đến cho bà cụ và chắc mẫm của đi không trở lại.
Không ngờ anh ta tiếp tục nhận được tiền trong 52 tháng liên tiếp sau đó.
Và cuối cùng anh đã gặp được cháu gái của bà cụ, nay đã thành một thiếu nữ nhạc sĩ với chiếc piano ngày xưa.
Lòng tốt của anh đã đem lại kết quả không ngờ : đem lại hạnh phúc cho bà cụ, cô cháu gái và chính anh nữa.
Những hành động thiện nguyện phải chăng là liều thuốc trị những bệnh ích kỷ, ganh ghét, tham lam và khinh bỉ kẻ nghèo khó?
CHIẾC ĐÀN PIANO MÀU GỤ ĐỎ.
Khi tôi 20 tuổi, tôi bán hàng thuê cho một hiệu đàn piano ở St. Louis. Một lần, chúng tôi lại nhận được một “đơn đặt hàng” là một bưu thiếp từ vùng Đông Nam Missouri. Trên bưu thiếp đó có viết: “Xin hãy mang một chiếc đàn piano màu gụ đỏ tới cho cháu tôi. Tôi sẽ trả góp 10 đôla mỗi tháng bằng tiền bán trứng gà”.
Qua nét chữ có thể đoán được người viết là một bà cụ. Bà ấy viết câu đó lặp đi lặp lại kín mít tấm bưu thiếp, viết cả ra những diềm giấy còn thừa ở mặt trước cho đến khi chỉ còn chừa ra một khung nhỏ ghi địa chỉ.
Tất nhiên công ty chúng tôi không thể bán piano trả góp 10 đô mỗi tháng. Nên chúng tôi lờ tờ bưu thiếp đi.
Tuy nhiên, đến một ngày, ở vùng Đông Nam Missouri đó có thêm vài người đặt mua đàn piano và chúng tôi phải chở đàn đến đó. Vì tò mò, tôi muốn đến địa chỉ của bà cụ xem sao.
Gần như giống hệt những gì tôi tưởng tượng: bà cụ sống trong một túp lều lụp xụp cạnh cánh đồng. Sàn căn lều rất bẩn. Gà thì chạy lung tung: không xe, không điện thoại, không nghề nghiệp. Chẳng có gì cả trừ một mái nhà, và đó cũng không phải là một cái mái tốt. Cháu gái của bà cụ khoảng 10 tuổi, đi chân đất và mặc váy vá.
Tôi giải thích cho bà cụ rằng chúng tôi rất buồn vì không giúp được bà cụ. Nhưng dường như những gì tôi giải thích chẳng có hiệu quả. Cứ 6 tuần một lần, chúng tôi lại nhận được một cái bưu thiếp y như nhau: Cần có một cái đàn piano màu gụ đỏ, và thề thốt rằng bà sẽ trả 10 đôla/tháng.
Khoảng 2 năm sau, tôi mở được một công ty giao bán piano của riêng mình, và đôi khi tôi đăng quảng cáo trên báo địa phương Missouri. Tôi bắt đầu nhận được những bưu thiếp như từng nhận ở công ty cũ. Trong hàng tháng trời, tôi cũng lờ những tờ bưu thiếp đó đi, vì tôi biết làm gì cơ chứ?
Nhưng rồi, một hôm ở công ty tôi có nhập về một số đàn piano kiểu mới, trong đó có một chiếc đàn màu gụ đỏ. Dù biết mình có thể gây thua thiệt cho công ty, tôi vẫn quyết định đưa chiếc đàn lên xe ô tô chở tới nhà bà cụ và nói rằng nếu bà trả 10 đôla/tháng thì bà sẽ phải trả 52 lần. Tôi đặt piano vào nơi ít có khả năng bị dột nhất. Tôi cũng dặn bà giữ cho bọn gà đừng nhảy lên đàn piano. Rồi tôi lên xe về công ty đinh ninh rằng thế là coi như mình đã cho không một cây đàn.
Nhưng cứ 10 đôla được gửi đến cho tôi rất đều đặn mỗi tháng. Cả 52 tháng. Đôi khi không chỉ là tiền giấy mà là những đồng xu được dùng băng dính đính vào bưu thiếp.
Nhận đủ tiền, tôi không có liên lạc gì với bà cụ nữa trong suốt 20 năm. Cho đến một ngày khi đi công tác ở Memphis, tôi ghé vào một nhà hàng để dùng bữa. Ở đó, tôi được nghe thấy tiếng đàn piano hay nhất mà tôi từng được nghe. Và do một cô gái rất xinh đẹp đang chơi.
Tôi lại gần cô ấy và đứng nghe nhạc.
Khi chơi xong bản nhạc, chúng tôi nói chuyện với nhau, và thật như một điều kỳ diệu, đó chính là cô bé mặc váy vá trong căn lều nhỏ 20 năm trước.
Cô gái kể từ khi được bà đặt mua cho chiếc đàn piano màu gụ đỏ, cô đã giành được nhiều giải thưởng âm nhạc ở trường và địa phương.
Tôi hỏi cô có biết chiếc đàn piano màu gụ đỏ có ý nghĩa như thế nào không. Cô gái nói hồi đó cô còn quá nhỏ, chỉ biết có một chiếc đàn mà không hiểu gì nhiều. Nhưng tôi thì hiểu.
Cuối cùng, tôi bảo cô:
– Tôi rất mừng được gặp lại cô, còn bây giờ tôi phải đi về đây!
Và tôi thực sự phải đi về, vì bạn biết đấy, đàn ông không bao giờ muốn bị nhìn thấy mình khóc ở nơi công cộng.
“Ai đó có thể ra đi, nhưng tình yêu của họ sẽ còn lại, mãi mãi…”
CÂY ĐÀN PIANO MÀU GỤ ĐỎ
– Phần 2 –
… Một buổi chiều, khi đi học về, tôi thấy bà đang đợi trước cửa, khuôn mặt hồng lên vì sung sướng. Bà nắm chặt tay tôi dắt vào nhà, không nói gì. Nơi đó, trong căn phòng gỗ tồi tàn cũ kỹ là một chiếc piano màu gụ đỏ mà tôi thường mong ước.
Tất cả như tan biến đi. Trước mắt tôi, cây đàn piano như một người bạn vĩ đại dang rộng vòng tay mời gọi. Như bị thôi miên, tôi rụt rè bước tới. Mùi gỗ mới làm tôi ngây ngất. Những phím đàn trắng muốt như thiên nga xếp thành hàng dài, bình thản và duyên dáng. Tôi đưa tay nhấn xuống 1 phím đàn, rồi 2 phím, 3 phím… Những âm thanh trong trẻo, vang vọng. Căn phòng bỗng như tràn ngập ánh sáng. Tôi ngồi nhấn trên những phím đàn, say mê, cảm giác như mình là người nghệ sĩ đầy quyền năng trong bộ phim hoạt hình đã từng xem lúc trước, chỉ với tiếng đàn piano có thể làm cả khu rừng bị lời nguyền của mụ phù thủy làm héo tàn bỗng bừng sống lại.
Phải đến một lúc lâu, tôi chợt nhớ ra và giật mình quay lại: Bà vẫn đang đứng ngay cửa, mỉm cười hiền lành nhìn tôi, hai gò má nhăn nheo đẫm nước mắt…
Rồi từ đó, tôi đi học piano ở một thầy giáo già tốt bụng trong làng chung với những đứa trẻ giàu sang và xinh đẹp. Đôi lúc có những ánh mắt nhìn tôi lạ lẫm, như thể không hiểu được làm sao một đứa trẻ như tôi lại có thể hiện diện ở đây… Nhưng dường như tất cả lại tan biến khi tôi đặt tay lên phím đàn. Cuộc sống của tôi như thật sự bước sang một trang mới. Cả bầu trời mở rộng trước mắt. Những thanh âm trong trẻo làm từng ngày trôi qua tràn ngập trong ánh sáng. Tôi say sưa với những phím đàn, những giai điệu mới, những tác phẩm mới mà quên mất bà đang ngày càng gầy đi, mà không nhận ra rằng từ lúc chiếc đàn piano xuất hiện, bữa ăn của chúng tôi bỗng ít lại và có lúc dường như bà không ăn gì cả, rằng mỗi lúc nhận được tiền bán trứng bà lại lo lắng, có lúc không ngủ được. Và những khi mùa đông đến, Bà vẫn chỉ mặc một chiếc áo khoác cũ kỹ mà không bao giờ nghĩ đến việc mua một chiếc áo mới cho mình.
Thời gian trôi. Đến một ngày, tiếng đàn của tôi đã được ông chủ một nhà hàng sang trọng để ý. Ông nói rằng sẵn sàng trả lương thật cao cho tôi nếu tôi đến đánh đàn cho nhà hàng của ông mỗi tối. Mọi thứ đến như một giấc mơ, đến nỗi một lần nữa, bà tôi lại khóc…
Cho đến một ngày bà bị bệnh rất nặng. Tôi hốt hoảng, cuống quýt, lo sợ không nói nên lời. Bà chỉ nắm chặt tay tôi, thều thào: “Đàn cho bà nghe một bài, được không? Rồi bà sẽ khỏi bệnh thật nhanh thôi.”
Tôi quẹt nước mắt, đứng dậy, run rẩy bước đến bên cây đàn và hít một hơi thật sâu. Bất chợt một hơi ấm bình yên ở đâu đó chảy tràn trong ngực. Tôi nhìn qua, bắt gặp ánh mắt Bà đang nhìn tôi hiền từ, chờ đợi. Tất cả bỗng vụt tan biến như ngày xưa ấy, chỉ còn lại Bà, chiếc đàn piano màu gụ đỏ và tôi.
Và tôi ngồi xuống, đàn say sưa. “Lettre à ma mère” – Bài nhạc tôi thường chỉ đàn riêng duy nhất cho bà. Hơi thở tôi ấm nóng, tiếng đàn ấm nóng, tất cả hòa quyện như một ánh sáng kỳ diệu đưa tôi tan chảy trong tình yêu thương tràn ngập, như vòng tay ấm áp của bà lúc trước…
Nốt nhạc cuối cùng vang lên. Tiếng tim tôi như vẫn còn đập theo một giai điệu nào đó, nồng nàn, chan chứa. Một lúc sau, tôi quay lại nhìn: Bà đang nằm, nhắm mắt, bình yên. Tôi lặng lẽ đến bên đắp chăn cho bà thì bàng hoàng nhận ra: Bà đã ra đi, mãi mãi…
Rồi cuộc sống của tôi lại trôi đi, chỉ khác là không còn Bà nữa. Đôi lúc, tôi vẫn thường lấy tiếng piano để bù đắp khoảng trống quá lớn trong tim mình, nhưng dường như càng cố gắng lấp đầy, tôi lại càng thấy trống trải hơn, tuyệt vọng hơn. Tôi nép mình, lặng lẽ với những tiếng đàn, và tách mình khỏi tất cả.
– Tiếng đàn của cô tuyệt quá. Nó làm tôi nhớ đến bà Margaret ở vùng này...
Tôi giật mình quay lại: Một người đàn ông đứng tuổi, có lẽ từ vùng khác tới, đang đứng nhìn tôi.
Tôi ngạc nhiên: “Ồ, thưa ông, đó chính là bà của cháu. Nhưng làm cách nào mà ông biết bà của cháu vậy?”
Người đàn ông lặng đi một chút như bất ngờ, rồi nói: “Ngày xưa, chính tôi là người đã bán chiếc đàn piano màu gụ đỏ cho bà của cháu.”
Đến lượt tôi như lặng đi. Trong ký ức non nớt của tôi là một người đàn ông ăn mặc lịch sự đến nhà và nói với bà một điều gì đó, và khi ông ấy quay mặt đi, bàn tay bà bỗng nắm chặt vai tôi, run run, …
“Thế bà của cháu bây giờ thế nào rồi?” - Câu hỏi đột ngột cắt đứt dòng suy nghĩ trong tôi. Và khi người khách biết rằng bà tôi đã mất, khuôn mặt ông bỗng buồn rười rượi.
Một lúc lâu sau, ông nhẹ nhàng hỏi:
”Thế cháu có biết ngày xưa bà cháu đã làm thế nào để mua được chiếc đàn trị giá như thế này vào thời đó không?”
– Lúc đó cháu còn quá nhỏ, bà cũng không kể cho cháu biết…
Người khách rưng rưng:
– Để có được chiếc đàn này, bà cháu đã phải mua trả góp bằng tiền bán trứng gà hàng tháng trong suốt hơn 4 năm đó.
Tôi bàng hoàng, cổ họng như nghẹn lại, nước mắt chợt trào ra. Những ký ức ngày xưa tràn về: những bữa cơm bà chỉ lặng lẽ gắp đồ ăn cho tôi, những mùa đông bà co ro trong chiếc áo cũ ra thăm chuồng gà và những lúc bà nhìn tôi say sưa bên cây đàn, hiền từ, lặng lẽ…
Tôi ôm lấy mặt mình, bật khóc. Người khách vòng tay ôm lấy tôi, dịu dàng: “Hãy sống thật xứng đáng với những gì cháu đã được nhận. Ta tin cháu sẽ làm nên những điều kỳ diệu, như bà của cháu” …
Và thời gian lại trôi đi…
* * *
Tôi mở một lớp dạy piano cho một trại trẻ mồ côi trong làng, những đứa trẻ kém may mắn hơn cả tôi lúc trước. Cuộc sống của tôi giờ đây lại tràn ngập ánh sáng, tràn ngập tiếng cười. Và có những lúc, khi ôm lấy những đứa trẻ, tôi chợt cảm nhận được hơi ấm vòng tay của bà trọn vẹn như trước. Và tôi nhận ra: “Ai đó có thể ra đi, nhưng tình yêu của họ sẽ còn lại, mãi mãi…”
✍️ PV (3/2021)
♻️ Từ cô Loan Trinh


CHIA CÁCH TÌNH THÂM

Anh em đều tha phương cầu thực, chỉ mình chú Sáu bám giữ đất quê. Còn nhớ trước ngày giỗ cha, chú Sáu dậy từ mờ sáng, quét từ sân ra ngõ sạch sẽ, tinh tươm. Chú mở rộng hai cánh cửa nhà, pha một bình trà và ngồi chờ đợi những người anh em phương xa về thăm.
Nhưng lần lượt từ anh lớn đến em út đều đi ngang, về tắt, tránh né qua ngõ nhà chú. Buồn tím ruột bầm gan, chú Sáu lại xách cái ghế ra sân, canh chừng ai đi qua, vẫy tay như con mèo thần tài vẫy khách.
Ngượng ngùng quá, thằng Út đành chở vợ con tạt vô. Nhưng ngồi chưa nóng chỗ, nó bảo có việc bận rồi xin phép chở vợ con đi ngay. Chú Sáu nhìn theo khói xe máy của em, lòng buồn hiu hắt.
Tối ấy sẵn hơi cay trong người, lăm le cây búa tạ trong tay, chú Sáu đi thẳng ra cửa. Một tràng dài tiếng động thình thình vang lên đinh tai, nhức óc. Vợ chú hoảng hốt chạy ra, gào thét.
- Uống quá…hóa điên hả? Sao lại đi phá nhà mình?
Đôi mắt đỏ hoe, chú Sau ngồi bệt xuống thềm nhà, giọng bức xúc.
- Có phải bà nói gì…làm mất lòng anh em tui nên họ mới không tới nhà tui nữa không?
Thím Sáu sửng sốt, sau câu nói như kết tội của chồng. Thím vội phân bua.
- Tui thề…tui mà nói nặng nhẹ ai nửa lời, ra đường cho xe cán tui đi!
Như chợt nhớ ra, lời vài người hàng xóm xì xào vào tai mình, vợ chú liến thoắng.
- Có mấy người hàng xóm, họ nói từ ngày mình xây nhà lớn, anh em ông ganh ghét, đố kỵ nên mới không thèm qua. Họ bảo…con gà tức nhau tiếng gáy…!
- Thôi. Đừng có mà đổ dầu vô lửa! Anh em tui có khi không nghĩ vậy nhưng bởi miệng mấy người hay đặt điều, thêu dệt để tui nghĩ xấu cho anh em mình!
Vợ chú Sáu gân cổ cãi lại.
- Vậy chứ sao trong đám giỗ, anh Hai lớn tiếng chỉ trích vợ chồng mình thích phô trương, xây nhà to để khoe mẽ…
Choang. Trong tai chú Sáu lại vang lên tiếng cái ly vỡ dưới đất, hôm thằng Út dằn mặt vợ. Bởi cô em dâu cứ mỉa mai chồng: “Anh hay chê anh Sáu nghèo mà giờ nhìn đi, người ta nhà cao cửa rộng. Tính ra, cái bếp nhà mình còn chưa bằng cái phòng ngủ của vợ chồng anh…”.
Chú Sáu nằm bóp trán, nhớ về những ngày xưa. Ngày mà ở chính mảnh đất này, chú vẫn còn ở trong ngồi nhà tranh, vách đất, cái giường gỗ, bốn chân đã lúc lắc. Mỗi đợt gió đánh vào vách, cả ngôi nhà lại rung lắc theo. Ấy vậy mà, đám giỗ nào của cha mẹ, anh em cũng kéo về nhà chú quây quần, sum vầy, cười nói rổn rảng bên nhau. Để sáng hôm sau, họ ngủ xếp lớp như cá mòi từ trong nhà ra đến ngoài sân. Ký ức ấy khiến lòng chú bình yên như cảm giác được thấy mặt trời mọc mỗi sáng mai.
- Mà cũng tại ông cứ im lặng nên anh em không hiểu hoàn cảnh mình…Hay ông nói thật cho họ biết, căn nhà này là tiền thằng con trai mình đi xuất khẩu lao động, nó dành dụm gởi về cho mình xây nhà. Mà thật ra, mình còn thiếu lại tiền vật liệu, chưa trả hết. Không phải nhà mình giàu có gì đâu…
- Thôi, bà đừng có làm rối chuyện lên nữa. Càng giải thích lại càng xích mích!
Chú Sáu cằn nhằn vợ, bởi không muốn lòng rối ren những ý nghĩ không hay về anh em.
Buổi tối, chú Sáu ngồi trước sân, ngắm nghía ngôi nhà mới, mùi sơn cửa vẫn còn vương lại, miệng thầm thì: “Anh em như chân cùng tay. Ai giàu mình mừng, ai đói mình thương. Họ không đến…chắc không phải tại ngôi nhà này đâu…”. Nghĩ vậy mà sao nước mắt chú Sáu vẫn chảy ra….!?
✍Tác giả: Nguyễn Nga



Tất cả cảm


Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.