Nếu tình cờ một hôm nào bạn dừng xe chờ đèn đỏ tại một góc đường nào đó và bỗng nhiên nghe có tiếng ồn ào ở gần bên. Nhìn sang, bạn thấy tài xế của hai xe ở làn bên phải đang xỉ vả nhau, tung ra đủ mọi chiêu võ mồm để tìm cách lấn át và đổ cho đối phương đủ mọi thứ tội như lái xe ẩu, trái luật, v.v… thì có nhiều khả năng màn đánh vỗ mồm đó là một cuộc nổi giận trên đường giữa hai tài xế chưa từng thấy mặt nhau bao giờ. Trong tiếng Anh gọi đó là “road rage.”
Thời gian gần đây, nhiều người trong chúng ta cảm thấy và có lẽ chứng kiến những cơn nổi giận trên đường như nói trên ngày càng nhiều hơn. Các nhà tâm lý cho biết chính tâm trạng buồn nhiều hơn vui trong cuộc sống của chúng ta khiến cho sự hung hăng dễ nổi giận gia tăng. Trải qua hai năm đại dịch, chúng ta đã phải sống trong tình trạng căng thẳng, sợ hãi, lo âu và thiếu ngủ. Chúng ta cảm thấy ngày càng thất vọngvề đủ mọi thứ, từ biến thể Covid tới cuộc sống bó buộc vì các biện pháp hạn chế từ chính quyền, từ giá xăng tới giá thực phẩm tăng cao khiến cho sinh hoạt đời thường thêm khó khăn. Rồi tới khi chúng ta nghĩ rằng đại dịch nay đã được kiểm soát thì đùng một cái chiến tranh nổ ra bên trời Âu.
Khi mà sức nhẫn nhục chịu đựng của chúng ta có hạn thì việc lái xe đi làm mỗi ngày và gặp phải một việc bất ưng ý nào đó dù rất nhỏ có thể khiến cho thùng nước sôi trào ra. Thông thường, chúng ta vội vã hoặc không đủ kiên nhẫn những khi bị kẹt xe, mà tình trạng kẹt xe thì ở bất cứ thành phố lớn nào cũng có. Và nếu chẳng may thấy một tài xế bên cạnh làm điều gì đó mà ta nghĩ rằng họ sai, thì điều đó có thể khiến ta cảm thấy rằng người tài xế đó đã phạm lỗi công bằng và làm ta bực mình. Từ bực mình biến thành giận dữ là một bước rất nhỏ và thế là cơn nổi giận trên đường xảy ra.
Các số liệu thống kê về chết người liên quan tới nổi giận trên đường tương đối nhỏ và không rõ ràng. Theo số liệu sơ bộ trong Hệ thống Báo cáo Phân tích Tử vong do các tiểu bang thu thập từ hồ sơ chính thức mà Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia (NHTSA) đưa ra, năm 2020 – là năm gần nhất mà thống kê đang có – con số tử vong chính thức có liên quan tới nổi giận trên đường hoặc lái xe hung hăng chỉ khoảng hơn 660 một chút. Năm 2019, con số đó là 505. Tuy nhiên, cơ quan NHTSA khuyên là không nên đem so sánh những con số trên mỗi năm rồi đưa ra kết luận, lý do là vì cách mà các tiểu bang phân loại tai nạn do nổi giận trên đườngmỗi nơi mỗi khác. Do đó các số liệu chính thức trên thực tế không lột tả đúng hết các vụ việc xảy ra.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nói rất rõ: Tình trạng người ta nóng giận khi lái xe trên đường có chiều hướng gia tăng. Hành vi của người lái xe trong thời đại dịch đang là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Người ta lái xe có vẻ hung hăng hơn so với trước đây, và hành vi đó cho thấy việc lái xe trên đường đang trở thành ngày càng nguy hiểm.
Cơ quan NHTSA định nghĩa nổi giận trên đường là hành vi tấn công có chủ đích bằng xe hoặc bằng vũ khí xảy ra trên đường hoặc bắt nguồn từ trên đường. Đây được coi là một tội hình sự. Lái xe hung hăng là một thuật ngữ bao quát mà cơ quan NHTSA sử dụng để nói đến những kiểu cách lái xe khiến gây nguy hiểm cho người khác, chẳng hạn như lái theo đuôi xe khác quá gần, chạy len lỏi xuyên qua dòng xe cộ hoặc lái quá nhanh so với những xe khác cũng đang chạy trên cùng một con đường.
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta nghĩ về tình trạng nổi giận trên đường như một thuật ngữ thông thường để nói đến một người lái xe nào đó khi đang trong tâm trạng tức giận. Và mặc dù biết rằng làm như vậy có thể gây ra nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn làm và hành ví đó có nguyên do của nó. Hành vi nổi giận được ví giống như nắp van xả hơi, là cách để giải toả bực tức và biểu lộ cảm xúc của mình. Trong khoảnh khắc đó người ta cảm thấy mình như đang khẳng định quyền lực của chính mình và kiểm soát được tình hình chung quanh. Nhưng trên thực tế, người nóng giận không thể tự chủ được mình. Chúng ta đã từng nghe câu thành ngữ “cả giận mất khôn.”
Có nhiều người vẫn thường tự nhủ mình là phải luôn cẩn thận không được lái xe nguy hiểm hoặc gây sự với người khác, đặc biệt là người có dáng dấp bề ngoài đáng sợ. Nhưng rồi có đôi lúc không tự chủ được và nổi giận khi đang lái xe, đặc biệt là những khi gặp một ai đó lái xe phía trước quá chậm hoặc lái cắt ngang phía trước một cách bất thình lình. Vậy thì làm sao mà không giận cho được, thế là nhấn ga cho nhanh để phóng lên ngang hàng với chiếc xe kia, rồi quay sang lườm nguýt cho bõ ghét, hoặc la thật lớn để cho tay lái xe dễ ghét kia nghe được: “Đồ lái xe tồi!” – và như vậy mới hả được cơn giận
Như câu chuyện của cô Dawn Avagliano đã từng vướng vào một vụ cãi vã với một phụ nữ khác trên một sân đậu xe trước tiệm Starbucks. Cô không nhớ ai là người bắt đầu trước, nhưng kể lại rằng cuộc cãi vã kết thúc với người phụ nữ kia ném nguyên ly cà phê vào xe của cô. Một lần khác, sau khi bị kẹt sau chiếc xe SUV màu đen đậu ngay giữa đường mất mấy phút, cô bực mình la lớn, “Này, tôi không chờ được cả ngày đâu nhé!” với người tài xế của chiếc xe đó. Hoá ra người tài xế đó lại chính là cảnh sát và chiếc xe màu đen kia cũng là xe cảnh sát – kết quả cô nhận được một tờ giấy phạt.
Nay cô Avagliano cố gắng cẩn thận hơn. Tuy nhiên, có nói rằng thông thường cô cảm thấy người nhẹ nhõm hơn khi để cho cơn giận được thoát ra ngoài.
Quả thật người ta khó có thể cưỡng lại được sự cám dỗ bộc lộ sự tức giận của mình khi đang có tâm trạng bực tức. Nhưng điều quan trọng là hãy ráng bình tĩnh khi đang cầm tay lái, và luôn tâm niệm rằng “Bình tĩnh và tiếp tục việc mình đang làm.” – hoặc tự nhắc nhở mình rằng nổi giận trên đường là điều nguy hiểm. Có nhiều cách ta có thể tự luyện bản thân để kiềm chế cơn giận: Người thì tập thiền để kiểm soát cơn giận; người khác thì tự hỏi nếu gặp cùng tình huống thì người vợ luôn lịch sự nhã nhặn của mình sẽ xử sự ra sao; có người thì ráng nở nụ cười xí xoá bỏ qua với những người tài xế chạy ẩu.
Nhiều người cho biết trước đây họ rất dễ nổi giận khi lái xe. Nhưng rồi sau khi có con nhỏ, suy nghĩ lại họ thấy phản ứng nổi giận đó có thể gây ra hậu quả tai hại. Vì vậy họ ráng tập nhẫn nhịn và bỏ qua những sự việc gây bực bình trên đường phố và tập trung vào điều quan trọng hơn: đó là những đứa con nhỏ của họ và sự an toàn của chúng.
Vậy ta phải làm gì để có thể bình tĩnh phía sau tay lái? Thực ra điều này không khó làm nhưng các chuyên gia tâm lý khuyên ta phải có sẵn một kế hoạch. Chẳng hạn, nếu gặp phải một tài xế lái ẩu cắt làn đường và chen vào ngay trước mũi xe của ta, thay vì nổi giận thì hãy hít vào một hơi thật dài và đừng đếm xỉa tới người tài xế đó. Kết quả nghiên cứu cho thấy nếu có chuẩn bị sẵn một kế hoạch liên kết một tình huống cụ thể với một hành động cụ thể thì có nhiều khả năng giúp ta sẽ làm theo đúng từng bước trong kế hoạch và tránh được những hậu quả không hay.
Các chuyên gia tâm lý còn khuyên là mỗi người cũng sẽ cần có sẵn một kế hoạch dự bị để đối phó với cơn giận nếu trong trường hợp cơn giận nổi lên: Giảm sự kích động bằng cách hít một hơi dài hoặc đếm từ 1 tới 10 trước khi có phản ứng. Đánh lạc hướng bản thân bằng cách nghĩ về một điều vui vẻ nào đó. Tự tách khỏi bản thân mình về mặt tâm lý bằng cách nói chuyện hoặc khuyên nhủ chính mình ở ngôi thứ ba, giống như một người ngồi bên cạnh nói cho mình nghe: “Mặc kệ cái tên cà chớn đó đi.”
Thêm điều nữa là hãy dựa lưng vào thành ghế. Kết quả nghiên cứu cho thấy hành động dựa lưng vào thành ghế có thể làm nguôi cơn giận.
Sự nổi giận trên đường nếu không kiềm chế có thể đưa tới nhiều hậu quả khốc liệt: người bị thương tật, người thiệt mạng, người tù tội. Thế nên khi gặp phải tình huống đó ta phải tự hỏi mình rằng điều gây bực mình kia có đáng cho ta biểu lộ cơn giận hay không. Nếu câu trả lời là không thì hãy bỏ qua và chỉ một vài phút sau thì những đám mây mù trong đầu sẽ tan biến mất, đầu óc sáng suốt trở lại và mọi sinh hoạt chung quanh trở lại nhịp độ bình thường cố hữu của chúng như chưa từng có chuyện bất bình nào xảy ra. Một sự nhịn, chín sự lành là vậy.
Chìa Khóa Của Sức Khỏe
Vận động
hay thể dục thể thao, là việc mọi người trong chúng ta bất kỳ tuổi tác nào,
cũng cần nên thực hiện thường xuyên mỗi ngày để mong duy trì được một sức khỏe
tốt.
Tại sao
chúng ta cần phải vận động?
1- Tốt
cho tim mạch:
Vận động,
thể dục thể thao giúp cho tim được khỏe mạnh, giảm nguy cơ các bệnh về tim mạch,
giúp điều hòa hoặc làm giảm áp huyết động mạch, nhờ vậy giảm nguy cơ bị tai biến
mạch máu não.
2- Giảm
mập và béo phì:
Vận động
thường xuyên sẽ làm tiêu mỡ, làm giảm cholesterol xấu LDL, giảm chất béo xấu
triglyceride, tăng cholesterol tốt HDL.
Vận động,
tập thể dục và chơi thể thao cộng với một sự dinh dưỡng thích nghi sẽ giúp vào
việc làm giảm cân một cách hiệu quả.
3- Giảm
nguy cơ xuất hiện bệnh tiểu đường loại II, hoặc làm giảm thiểu triệu chứng của
nó:
Vận động
và tập thể dục thường xuyên sẽ làm tăng sự tiêu thụ đường glucose trong máu bằng
cách gia tăng sự hấp thụ đường từ máu vào trong các tế bào.
4- Tốt
cho phổi:
Vận động
thường xuyên sẽ giúp cho việc hô hấp được tốt hơn, phổi được khỏe và làm tăng
dung lượng oxy đem vào cho các hoạt động biến dưỡng của cơ thể.
5- Giảm
đau lưng:
Vận động
đúng cách giúp vào việc tăng thêm thể lực và sức chịu đựng của các bắp cơ vùng
lưng, giãn gân giãn cốt, đồng thời giúp các khớp xương được dẻo dai và chuyển động
được dễ dàng hơn.
6- Ngừa
được chứng loãng xương (osteoporosis):
Vận động
và tập thể dục thường xuyên, nhất là các môn thể dục nặng như cử tạ chẳng hạn sẽ
giúp vào việc tạo xương và làm tăng mật độ xương lên.
7- Có
thể làm giảm nguy cơ xuất hiện của một số cancers:
Như cancer
tiền liệt tuyến, cancer tử cung và cancer vú.
8- Giúp
tinh thần bớt căng thẳng, giảm stress, bớt tình trạng trầm cảm và chán đời:
Việc vận động
và tập thể dục thường xuyên, nhất là tập cho đổ mồ hôi sẽ khiến não tiết ra nhiều
serotonin và dopamine. Hai chất nầy giúp chúng ta bớt phiền muộn và trở nên yêu
đời và tự tin hơn. Sự gia tăng chất dopamine trong não còn có khả năng giúp
phòng ngừa bệnh Parkinson nữa. Ở những người thường hay bị suy nhược tinh thần
và hay chán đời, nồng độ serotonin và dopamine trong máu của họ ở một mức rất
thấp.
9- Tạo
ra cảm giác thật sảng khoái, dễ chịu:
Sau một buổi
tập thể dục khá lâu và mệt nhọc toát mồ hôi, não sẽ tiết ra chất beta
endorphin, đây là một loại ma túy còn được gọi là morphin thiên nhiên giúp
chúng ta bớt đau nhức, giảm mệt và cùng với chất serotonin tạo một cảm giác sảng
khoái khỏe khoắn vô cùng tận. Sau khi tắm xong, bảo đảm là bạn sẽ cảm thấy đói
bụng ăn cơm rất ngon và ngủ thẳng giấc.
Thế nào
là vận động?
Vận động
là không có ngồi lì một chỗ, mà phải đi đứng, nhúc nhích thường xuyên.
Nếu có dịp
đi bộ thì nên đi bộ. Trong các thương xá, trong metro, thay vì đi thang máy
chúng ta nên chọn cầu thang thường để đi lên hoặc đi xuống.
Tập thể dục
cũng có nhiều phương pháp. Tùy theo tình trạng sức khỏe và tuổi tác của mỗi người
mà mình áp dụng một môn thể dục thích nghi.
Tài chi,
khí công, yoga, aerobic, múa, khiêu vũ, bơi lội, đạp xe máy, quần vợt, bóng
bàn, vũ cầu, đánh golf, chơi banh, chạy bộ jogging, v..v… tất cả đều tốt cho sức
khỏe.
Đi bộ, nhất
là đi nhanh, là môn dễ nhất và rất tốt cho tim mạch, đặc biệt là đối với các bạn
khá lớn tuổi.
Muốn đạt
được kết quả tốt thì cần phải có sự chuyên cần và phải tập luyện thường xuyên
và đều đặn.
Mỗi ngày tập
một giờ là lý tưởng nhất, còn không thì hãy cố gắng tập 3 ngày trong một tuần lễ
và mỗi ngày tối thiểu là 30 phút. Ngoài ra làm vườn, cắt cỏ, xúc tuyết (làm vừa
sức mình), đổ rác, quét nhà, hút bụi, rửa xe cũng như xách giỏ đều là vận động
và rất thư giãn.
Tất cả đều
rất tốt cho sức khỏe thể xác và cả cho sức khỏe tinh thần nữa!.
Đi bộ rất
thích hợp cho những người cao tuổi
Đi bộ, nhứt
là đi nhanh rất được khuyến khích.
Đi bộ làm
giảm mỡ, xóa đi mọi ưu phiền, mọi căng thẳng tinh thần stress, cũng như giúp cải
thiện chức năng hệ tim mạch.
Cần nhất
là phải có một đôi giày cho tốt và cho êm chân.
Tùy theo sức
khỏe của mỗi người mà đi. Mỗi ngày nên đi một giờ, và đi đều đặn 7 ngày trong
tuần là tốt nhứt.
Chạy bộ rất
thích hợp cho những người còn sức khỏe
Nếu sức khỏe
khá, không có vấn đề tim hay đau đầu gối thì chạy bộ cũng rất tốt.
Nên chạy đều
đặn mỗi ngày.
Lúc chạy
giữ đầu cho thẳng, chạy vừa sức mình, thong thả, không tréo tay trước ngực lúc
chạy…
Vừa chạy vừa
có thể nói chuyện với người khác mà không cảm thấy đứt hơi.
Đó là vận
tốc mà bạn cần phải giữ.
Luyện tập
để tăng cường bắp cơ
Bên cạnh
việc đi bộ và chạy bộ, cũng còn một lối tập khác không kém phần quan trọng.
Đó là vấn
dề luyện tập để tăng cường các bắp cơ (musculature) cũng rất cần thiết đối với
các bạn lớn tuổi.
Trong tình
trạng bình thường thì bắt đầu vào tuổi 25 thì các khối cơ bắt đầu tan dần
(sarcopénie) theo tỉ lệ trung bình 1% mỗi năm, và đặt biệt nhất là đối với những
nhóm cơ nào ít hoạt động nhất.
Vào tuổi
50, chúng ta mất đi 25% khối cơ và được thay thế bằng mỡ, bởi lý do nầy sự biến
dưỡng cơ bản của chúng ta bị đình trệ đi và chúng ta dễ bị mập ra.
Thật ra mỗi
ngày có thể nói rằng hầu như tất cả các nhóm cơ trên thân thể ta bị khiếm dụng
bởi những tiện nghi vật chất của thế kỷ 21… Nào là cầu thang máy tự động, xe
hơi, xe gắn máy, ngồi lì bên computer, v.v… Tất cả những phát minh này giúp
chúng ta khỏe đi nhiều, nhưng ngược lại cũng làm cho chúng ta làm biếng vận động.
Nên biết rằng
khối cơ rất thiết yếu để giúp chúng ta giữ đuợc sự tự chủ về hoạt động trong một
thời gian lâu dài.
Cơ teo,
cơ yếu dễ bị té ngã
Khoa học
đã chứng minh rằng có một tương quan theo tỉ lệ nghịch giữa tử số bất kỳ một
nguyên nhân nào và sức chịu đựng của lực cơ.
Tuổi già
không phải là một trở ngại trong việc luyện tập các bắp thịt cho nở nang ra.
Nếu các bạn
đang sống tại Bắc Mỹ, thì nên ghi tên theo học một khoá rèn luyện thể hình ở một
club thể dục nào dó. Chúng ta sẽ được chỉ dẫn tường tận trong các cách tập luyện.
“Khiêu
vũ Dưỡng Sanh”
Nói đến nhảy
đầm hay khiêu vũ thì có một số người sẽ bĩu môi, nói thế nầy thế nọ vì mặc cảm,
vì thành kiến…
Ngày nay
xã hội đã thay đổi nhiều. Tại Việt Nam nhảy đầm không còn là món độc quyền của
giới trẻ nữa.
Lớp người
lớn tuổi hơn cũng nhảy đầm như điên cho vui đời và để cho ra vẻ mình cũng có nếp
sống văn minh mới như mọi người vậy.
Rồi người
tuổi tác cao thuộc tầng lớp ông bà ngoại, ông bà nội, 6-7 bó trở lên cũng nhào
vô xạp xình bước tới bước lui ẹo qua ẹo lại trước để rèn luyện sức khỏe sau để
cho vui tuổi già… Đó là khiêu vũ dưỡng sanh.
Nhảy đầm
đã trở thành một cái mode, một lối giao tiếp xã hội cũng như là một lối thể dục
rất tốt cho thể xác và cho tinh thần của những người tuy có tuổi nhưng lòng vẫn
còn xuân…
Nhảy đầm
giúp làm giảm thiểu nguy cơ các bệnh thoái hóa trí não, sa sút trí tuệ
(dementia) mà đặc biệt là bệnh lú lẫn Alzeilhmer.
Science
Daily April 10, 2009 có đăng bài Dance Your Way To Successful Aging (Nhảy Đầm Tốt
Cho Tuổi Già). Gs Jonathan Skinner, thuộc Queen’s Univ. Belfast, Ireland, đã thực
hiện một cuộc khảo cứu về vấn đề nhẩy đầm ở người cao tuổi và đã đưa ra những kết
quả hết sức là lạc quan.
– Rất có lợi
về mặt giao tiếp xã hội, bớt cảm thấy trống vắng cô đơn, ngừa được trầm cảm.
– Lợi ích
về mặt thể chất. Nhảy đầm bắt buộc phải vận động cho nên giúp làm giảm bớt đau
nhức xương cốt.
– Lợi ích
về mặt thần kinh trí não (mental). Đọc sách, viết lách, đánh cờ, chơi Monopoly,
Puzzles, chơi ô chữ cross words, mots croisés, đánh bài, chơi nhạc, karaoké và
nhảy đầm dều là những hoạt động có tính cách kích thích trí não vì vậy giúp ngừa
được một số bệnh tật và làm chậm phát triển các bệnh thoái hóa thần kinh, gây
sa sút trí tuệ và lú lẫn.
– Nhảy
Tango thường xuyên rất tốt để giúp cải thiện sự linh hoạt và cân bằng (balance)
động tác ở những bệnh nhân Parkinson
– Nhảy
Waltz giúp người đau tim mau hồi phục sau cơn bị heart attack, theo lời bác sĩ
Ý. Associated Press. Nov 12,2006
Đừng
quên Thiền và Thở cho đúng cách
(Sưu tập bởi
Cư sĩ Nguyên Giác đăng trong website Thư Viện Hoa Sen)
Thiền Và
Vô Niệm (Cư Sĩ Nguyên Giác)
https://thuvienhoasen.org/a10304/thien-va-vo-niem-cu-si-nguyen-giac
Trong một
rừng trường phái Tài Chi Dưỡng sanh với vô số Thầy tài ba như ngày nay, tập
Pháp Bát Nhã Khí Công để duy trì một sức khỏe tốt có thể là một pháp chúng ta cần
nên quan tâm đến.
Nhưng cho
dù có theo một lối tập nào đi nữa thì cũng nên nhớ rằng điều quan trọng là phải
có sự chuyên cần và phải tập đều đặn mỗi ngày.
Thứ nhất
là ăn uống điều độ:
Tránh ăn
muối, đường, chiên xào… Nên ăn gạo lức, hay bánh mì nâu (oat, whole grain,
multigrain…), ăn trái cây nhiều, uống nước prune juice hàng ngày…
Buổi chiều
ăn nhẹ, và không ăn vào buổi tối.
Thứ nhì
là tập pháp Bát Nhã Khí Công:
Pháp Bát
Nhã Khí Công này là vô tướng, nhưng giữ gìn sức khỏe rất linh diệu. Có những
người vừa nghe vài phút là làm được, nhưng có người nghe cả năm trời cũng không
hiểu, không tập được!
Tất cả đều
nằm sẵn trong Thiền. Chỉ cần 2 khẩu quyết nên nhớ nằm lòng:
Câu đầu
(1) là nói về thể, về tánh, về chân không, về vô tướng, Vô Hình.
Câu sau
(2) là nói về dụng, về tướng, về diệu sắc, về hữu tướng, Hữu Hình.
Khẩu
quyết:
(1) “Có
ai không? Không ai hết.” (Vô ngã, vô tướng, vô chiêu, vô hình)
(2) “Khi
thấy chỉ có cái thấy, khi nghe chỉ có cái nghe, khi đi chỉ có cái đi, khi ngồi
chỉ có cái ngồi…” (Chứ không hề có ai thấy, ai nghe, ai đi, ai ngồi…
Nhưng là một lực có ứng dụng, có hữu tướng, hữu hình)
Tập như
thế này:
Trước tiên
là thở đều đặn, thở dịu dàng, giữ cảm giác về hơi thở, giữ cảm giác về môi trường
chung quanh.
Khi nghĩ tới
bài Bát Nhã Tâm Kinh, sẽ thấy không có ai đang thở, không có mũi đang thở, lập
tức thấy làn da toàn thân đang thở, thì là Thai Tức, hay Anh Nhi Tức, là phép
thở của bào thai trong bụng mẹ.
Ngay khi vừa
nhẩm trong đầu câu số (1) rằng không hề có ai trong thân ngũ uẩn của mình, lập
tức có thể cảm nhận rằng thân mình là một khối năng lực đang sinh diệt (nói
theo nhà võ là chuyển biến giữa lực âm dương, yin yang.) Khi đó, đưa tay ra nhè
nhẹ là thấy liền “không hề có ai đưa tay ra, mà chỉ là một khí lực đang
chuyển động.” Tương tự, khi nhúc nhích lưng là thấy “không hề
có ai nhúc nhích lưng,” mà thấy liền khí lực chạy chạy sưởi ấm sau
lưng.
Cứ giữ cảm
giác về luồng khí lực vô ngã đó hoài cả ngày, tức là Khí Công Tối Thượng của Bồ
Đề Đạt Ma, chữa vô số bệnh. Tập được là khó lắm, vì đây thực sự là Thiền Tông.
Ai tập được, trong vài ngày là thấy tiến bộ liền. Tập cả Động Công suốt ngày,
và Tĩnh Công (ngồi Thiền, chỉ cần thẳng lưng, chân xếp thoải mái) nửa giờ mỗi
ngày. Ban đêm, nằm trên giường ngủ, hình dung toàn thân thư giãn, lặng lẽ, y hệt
như chết, sẽ thấy không có ai đang nằm, chỉ thấy hơi thở lặng lẽ vô thường. Tập
vài ngày, sẽ thấy giảm rất nhiều bệnh.
Phần nói
trên là Vô Chiêu. Phần sau là Hữu Chiêu, là pháp tập thể dục. Viết ra giấy thế
này sợ là khó hiểu. Cần phải biết cách đưa tay ra dẫn khí lực cho cụ thể.
Nguyễn
Thượng Chánh, DVM
Thực phẩm đông lạnh không hết hạn sử dụng...
Nếu bạn giống tôi, bạn có thể coi thực phẩm trong tủ đông của mình là lựa chọn thứ hai, một lựa chọn dự phòng khi bạn không thể nghĩ đến bữa ăn kế tiếp hoặc khi bạn không đến cửa hàng tạp hóa. Tôi luôn nghĩ rằng thực phẩm đông lạnh không tốt bằng thực phẩm tươi sống, vì vậy tôi đã thực hiện một khảo sát nho nhỏ và điều tôi rút ra thật sự đáng ngạc nhiên.
Trong một số trường hợp, thực phẩm đông lạnh thực sự tốt cho sức khỏe hơn thực phẩm tươi sống. Đúng rồi; trong khi trái cây và rau vừa hái là tốt nhất, sản phẩm đông lạnh có thể bổ dưỡng không kém, và đôi khi còn hơn cả đồ tươi. Đồ tươi mua trong cửa hàng chỉ thực sự tốt khi được thu hoạch trước khi chín hoàn toàn. Sau đó, nó được đóng gói, vận chuyển và dự trữ tại cửa hàng tạp hóa của bạn.
Thực phẩm tươi được đông lạnh nhanh ngay sau thu hoạch vẫn giữ được chất dinh dưỡng
Thực tế là thực phẩm thường mất hầu hết các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất trong ba ngày đầu tiên sau khi thu hoạch. Ngược lại, sản phẩm đông lạnh được chọn khi vừa chín tới và được đông lạnh nhanh trong vòng vài giờ sau khi thu hoạch vẫn giữ được chất dinh dưỡng khi được rã đông.
Một nghiên cứu năm 2013 xem xét giá trị dinh dưỡng của sản phẩm tươi và đông lạnh cho thấy rằng cả hai đều giống nhau về mặt dinh dưỡng vào ngày chúng được mua. Tuy nhiên, sau năm ngày, thực phẩm đông lạnh thực sự có hàm lượng vitamin A, vitamin C và folate cao hơn so với thực phẩm được giữ trong tủ lạnh.
Dưới đây là một số điều bạn có thể chưa biết về thực phẩm đông lạnh:
Bạn có thể làm đông lạnh lại thực phẩm đông lạnh đã rã đông.
Điều này đúng, nhưng chỉ khi thực phẩm được rã đông đúng cách trong tủ lạnh – không để ngoài nhiệt độ phòng. Thực phẩm được rã đông bằng cách để ra khỏi tủ lạnh nhanh chóng nhiễm vi khuẩn có thể gây bệnh cho bạn. Nhưng thật tốt khi biết rằng nếu bạn đã rã đông đúng cách một món đồ đông lạnh và sau đó đổi ý, nó có thể quay trở lại tủ đông. Làm mát có thể thay đổi hương vị hoặc kết cấu, nhưng vẫn an toàn để ăn.
Quá trình đông lạnh không giết chết vi khuẩn
Trong khi chúng ta đang nói về vi khuẩn, bạn nên biết rằng quá trình đông lạnh không giết chết vi khuẩn, việc đóng băng vi khuẩn chỉ khiến nó không hoạt động. Nếu thực phẩm của bạn có vi khuẩn khi bạn cho vào ngăn đá, thì khi bạn rã đông thực phẩm, chúng vẫn còn đó.
Thực phẩm đông lạnh không hết hạn sử dụng
Đúng vậy, bạn có thể tìm thấy một gói đậu Hà Lan hoặc ngô đông lạnh được chôn sâu trong tủ đông của mình từ một thập kỷ trước và nếu nó được bảo quản đúng cách, bạn có thể ăn được. Tôi sẽ ăn nó chứ? Có lẽ là không, nhưng nó sẽ không làm tôi ốm. Rất có thể chất lượng và hương vị đã bị ảnh hưởng, nhưng vấn đề là thực phẩm được đông lạnh đúng cách có thể ăn được vài tháng, thậm chí một năm hoặc hơn sau khi chúng được cho vào tủ đông.
Làm thế nào để bạn đông lạnh đúng cách?
Một số hướng dẫn đơn giản bao gồm đảm bảo tủ đông của bạn ít nhất là 0 độ F hoặc lạnh hơn, để thực phẩm đã nấu chín nguội trước khi cấp đông và gói thực phẩm càng kín càng tốt.
Thực phẩm đông lạnh có thể giúp bạn tiết kiệm
Trái cây và rau quả đông lạnh được hái và đông lạnh khi chúng vào mùa, có thể có giá thấp hơn so với mua sản phẩm trái mùa. Ngoài ra, đông lạnh thực phẩm có thể giúp giảm lãng phí thực phẩm. Thay vì vứt những thức ăn thừa mà bạn sẽ không ăn trong vài ngày, bạn có thể cất chúng vào tủ đông.
Một lời cảnh báo
Trong khi sản phẩm đông lạnh có xu hướng giữ giá trị dinh dưỡng lâu hơn so với thực phẩm tươi, một số loại rau đông lạnh đóng gói và nhiều bữa ăn đông lạnh có thể chứa nhiều natri. Tin tốt là ngày nay các nhà sản xuất thực phẩm đang lắng nghe nhu cầu của người tiêu dùng muốn các bữa ăn đông lạnh có hàm lượng natri thấp, ít calo, ngũ cốc nguyên hạt và thực vật. Điểm mấu chốt là dù là thực phẩm tươi hay đông lạnh, bạn cần phải đọc nhãn.
Trong suốt mùa hè, tôi ăn hầu hết các sản phẩm tươi từ một khu vườn chung của cộng đồng. Tuy nhiên, khi thức ăn thừa, tôi sẽ không ngần ngại đặt những mẻ bánh pesto hoặc những ổ bánh mì bí xanh làm từ nguyên liệu tươi rói trong vườn vào tủ đông để thưởng thức sau này. Bây giờ tôi biết rằng nếu đông lạnh đúng cách, những thực phẩm này cũng sẽ bổ dưỡng vào tháng Giêng như ngày tôi đông lạnh chúng vào tháng Tám.
Lynn Jaffee _ Thu Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét