"Từ ngày xa đất Tiền Giang,
em theo anh về xứ Cạnh Đền.
Muỗi kêu mà như sáo thổi,
đỉa lềnh tựa bánh canh.
Em thương anh nên đành xa xứ,
xuôi ghe chèo Miệt thứ về đây…".
Mỗi lần nghe bài "Em về Miệt thứ" là má tôi lại chảy nước mắt. Má nhớ cái thời ông bà ngoại "cù cưa" khi mà "chịu thằng rể, quý nhà sui" nhưng ngán ngẩm cái xứ xa lắc, xa lơ, buồn nẫu ruột. Rồi hơn nửa thế kỷ làm dâu Cạnh Đền, má bỗng thấy thương người và đất nơi này, như thương mấy cha con tôi vậy…
Tôi mê đọc Sơn Nam từ nhỏ. Má tôi lại có sở thích nghe tôi đọc sách khi má con nằm trên chiếc võng đươn bằng dây bình bát, mắc bên chái nhà. Mấy bữa tôi đọc cho má nghe truyện "Hai cõi U Minh", "Nhứt phá sơn lâm"… má chặc lưỡi: "Ông già viết hay quá!". Có lần tôi đọc cho má nghe truyện "Cô Út về rừng", má khóc. Má nói, má nhớ ông bà ngoại đã đi xa, nhớ cái thuở mới về làm dâu xứ Cạnh Đền này, nhớ cái thời ăn cơm phải giăng mùng vì muỗi…
Giờ đọc lại "Cô Út về rừng", tôi thấy cụ Sơn Nam viết sao đúng nỗi lòng người Cạnh Đền đến vậy. Truyện là cuộc trăn trở, suy tư của ông bà Cả Ba miệt Bình Thủy, Cần Thơ, muốn gả con gái Út cho cậu Quỳnh, người xứ Cạnh Đền. "Chịu thằng rể, quý nhà sui" nhưng bà Cả cứ lần lựa vì sợ cái xứ ấy phát run qua câu ca dao truyền tụng từ xưa:
"Xứ đâu như xứ Cạnh Đền
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh"
Cảnh tượng ngôi nhà của cậu Quỳnh ở xứ Cạnh Đền khoảng năm 1930- 1940 được nhà văn Sơn Nam miêu tả trong truyện như vầy: "Căn nhà ngói vách ván, xung quanh có vườn tược lai rai (…). Và rừng xanh một dãy che phủ tứ phía chân trời". Bà Cả Ba lo lắng: "Ngặt cái xứ đó kỳ quái, hiểm nguy. Nội cái tên Cạnh Đền nghe cũng dị hợm".
Má tôi kể, bà ngoại cũng từng lần lựa như thế nhưng rồi thương con, ngoại tiễn má tôi lên chiếc ghe bầu rước dâu trong ràn rụa nước mắt. Bây giờ, lắm lúc tôi hỏi vui má rằng, làm dâu Cạnh Đền, má có tiếc đời con gái? "Tiếc gì tiếc, cha con bây là thứ má "có dư" sao hơn nửa thế kỷ dần xoay"- má xoa đầu tôi đáp.
***
Tôi lớn lên giữa cái mênh mông, bát ngát của xứ Cạnh Đền, giờ thuộc địa giới hành chính hai xã: Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận – Kiên Giang) và Ninh Thạnh Lợi A (Hồng Dân – Bạc Liêu). Nhà tôi nép bên con kinh nhỏ, thuộc địa phận Bạc Liêu. Đó là một mái lá nhỏ chấp chới giữa cơ man ruộng đồng hoang hóa; năn bộp, năn kim ngập ngụa trong mặt nước váng phèn vàng lự. Ngày nắng, mùi phèn hăng hắc; ngày mưa phèn xì lên mặt đất chua lè; ngày này tháng nọ trôi qua bên mùi phèn, bên tiếng vịt kêu chiều… Cũng vì vậy mà xứ tôi còn được gọi là Đồng Chó ngáp.
Từ nhỏ, tôi đã thắc mắc sao gọi là xứ Cạnh Đền và ám ảnh lời bà Cả trong truyện "Cô Út về rừng": "Nội cái tên Cạnh Đền nghe cũng dị hợm!". Cha tôi kể, xứ Cạnh Đền ai cũng biết giai thoại Nguyễn Ánh bôn tẩu ở xứ này cuối thế kỷ 18. Bấy giờ, trong nhóm người tùy tùng cùng Nguyễn Ánh có công chúa Ngọc Hạnh. Vốn thân liễu yếu đào tơ, quen trướng kín, rèm thưa, chứ không quen phong sương mưa nắng nên Ngọc Hạnh công chúa lâm bệnh, qua đời. Nguyễn Ánh vô cùng thương tiếc, chọn xứ này làm nơi gửi thân ái nữ, cho xây một ngôi đền cạnh mộ. Địa danh Cạnh Đền được lưu truyền từ đó.
Cái tên Cạnh Đền thật đẹp, ấy là "cạnh ngôi đền của Ngọc Hạnh công chúa", vậy mà bà Cả Ba lại nói "dị hợm". Cha tôi cười, cụ Sơn Nam nói có cái lý của ông. Vùng Cạnh Đền hơn nửa thế kỷ trước không thể tả nổi cảnh khó khăn, hiểm nguy, thiếu thốn. Từ xứ Cạnh Đền này, những chuyện theo "phong cách bác Ba Phi" được lan truyền. Đó là chuyện hai người đàn ông từ phương xa đến xứ này thì trời tối, đậu xuồng nán lại qua đêm. Buổi chiều, hai người luộc hột vịt ăn cơm. Vừa lột hai hột vịt định giằm nước mắm thì hai ông la oai oải: "Ngộ đời, mới bỏ hột vịt xuống, tự nhiên mất tiêu". Nhìn lại, trong tô chỉ còn… hai cục đất! Nhìn kỹ mới biết, hai hột vịt đã bị muỗi bu kín. Bởi vậy, chuyện giăng mùng để… ăn cơm, muỗi "bự bằng con gà mái" là những giai thoại một thời nói đến sự xa xăm, gian nan của Cạnh Đền.
Cha tôi kể chuyện vui, thời cha còn trẻ, thường nghe mọi người kháo nhau tiếu lâm rằng: Dân Cạnh Đền "đẻ sai" nhất nước! Bà con quê tôi lý giải rằng, Cạnh Đền xưa còn heo hút lắm, không có chỗ nơi giải trí như bây giờ. Hễ trời nhá nhem là lũ muỗi bay rợp trời, chỉ có nước "chui vô mùng cho đỡ muỗi"… Bởi vậy mà nhà văn Sơn Nam đã tả sự "đẻ sai" của cô Út trong "Cô Út lấy chồng" như vầy: "Đứa ăn thôi nôi, đứa lôi đầy tháng…". Rồi qua tâm tư của ông bà Cả Ba, nhà văn trần tình: "Ông Cả bà Cả mới hiểu thêm một sự bí mật quan trọng của tiếng "muỗi kêu như sáo thổi" ở Cạnh Đền. Nó làm hại sức khỏe con người. Nhưng nó gắn bó mối tình chồng vợ hơn ở xứ không có muỗi". Cơ hồ nghĩ lại, người ta đồn chưa hẳn đã sai, ở xứ tôi chuyện những người có tên Út Mười Một, Út Mười Bốn, thậm chí Út Hết, Út Ráng, Út Chót… mà…cũng còn em!
Đỉa Cạnh Đền cũng là một trong những ám ảnh khi ai đó đến với xứ này. Tôi vẫn hay liên tưởng. Tô bánh canh mặn nấu với cá trê trắng, nước cốt dừa thật ngon. Nhưng cứ tưởng tượng "đỉa lềnh tựa bánh canh" lại thấy… ghê ghê. Má tôi kể, hồi xưa khi mới về làm dâu xứ lạ, mấy bà chị trong xóm kể với má chuyện này: Một cô dâu nọ mới về nhà chồng làm cá lóc dưới sàn lãn ở đầu bến. Rửa cá, cắt khúc tinh tươm, cô đem lên nấu canh chua. Lên bàn ăn, khứa cá đầu tiên nàng dâu gắp mời má chồng. Ai dè, có một con đỉa quắm chặt khứa cá không chịu buông. Cô dâu run lẩy bẩy trong khi mặt bà mẹ chồng tỉnh bơ: "Chuyện nhỏ xứ này mà con. Có đỉa ngọt canh!".
Ngoài Cạnh Đền, Đồng Chó Ngáp, xứ tôi còn có tên gọi khác là Xứ Độn trâu (thuật ngữ dân gian dùng chỉ những người giữ trâu mướn mùa nước nổi). Thuở nhỏ tôi vẫn thường chăn trâu, bắt cá ở Đồng Chó Ngáp. Chuyện đỉa đeo là chuyện thường với tôi nhưng cha tôi nói không có "lai nào" thời cha còn nhỏ, làm dân độn trâu. Mỗi lần xuống đìa trâu đầm để dắt trâu lên thì đỉa đeo chỉ có nước… lấy tay vuốt ống chân vì bắt không xuể. Đầm trâu là một đầm cạn xép nước. Ông bà xưa hay mắng những thằng cháu nhỏ là "quậy như trâu đầm" là vì sau thời gian cày bừa nắng nóng, trâu xuống đầm thỏa sức quậy tung. Nước sền sệt sình, hăng hắc mùi trâu ấy là nơi trú ngụ không thể lý tưởng hơn của đỉa. Đỉa Cạnh Đền trứ danh là vì vậy.
Cha tôi kể như rên xiết, những năm thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, một công đất trồng lúa ở Cạnh Đền thu hoạch chừng 2 đến 3 giạ lúa, họa hoằn lắm mới được 5 giạ nhưng chỉ toàn lúa lửng do nhiễm phèn. Nhớ cái cảnh mót từng bông lúa teo héo, sậm đen, ai từng trải qua cũng phải chạnh lòng. Dường như không loại cây kinh tế nào sống được ở đây do phèn mặn, ngoại trừ dớn, choại và bình bát.
Ở xứ Cạnh Đền có ấp Nhà Lầu- "rốn" của Cạnh Đền, nay thuộc xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, cách nhà tôi non chục cây số. Cha tôi kể, trước giải phóng, vùng Nhà Lầu nghèo nẫu ruột, nhà cửa lưa thưa, mái lá xác xơ. Ai đi ngang cũng cười mỉa: "Như vầy mà Nhà Lầu gì trời!". Họ đâu biết đó là khát khao, là ước vọng của dân xứ Cạnh Đền quê tôi. Bây giờ, thì chẳng ai còn dám cười mỉa bởi Nhà Lầu giờ toàn… nhà lầu. Đồng Chó Ngáp bây giờ là bạt ngàn vuông tôm, bạt ngàn lúa chín, bát ngát hương đời, sức sống trào dâng. Về quê đợt rồi, nghe cha tôi kể đầy khoái chí mà tôi cũng sướng rơn: "Xứ Nhà Lầu bây giờ có câu lạc bộ… tỉ phú, đã không!". Những tỉ phú gia ấy là dân cố cựu xứ Cạnh Đền, họ thổn thức với mùi phèn, vị mặn của đất quê hương, họ trăn trở với cái nghèo, cái đói của xứ sở. Và họ tìm đến con tôm như cứu cánh cuộc đời. Người không bỏ đất, đất nặng tình người- thứ tình cảm cố tri, thâm sâu giữa đất và người Cạnh Đền giờ đã bén duyên trên những vụ mùa tôm đầy ắp.
Khẽ khàng gỡ tay lưới mới giăng về, cha tôi liên tưởng chuyện xứ Cạnh Đền. Hồi xưa, người ta đồn xứ mình như huyền thoại: nào đỉa bánh canh, muỗi thổi sáo; nào ma làm đất, quỷ bắt người… Bây giờ, một huyền thoại mới đang được viết lại: đó là sự trở mình, thức giấc ở xứ Cạnh Đền. Quăng mớ cá chốt vô rọng, cha ngoái lại nhìn tôi nói: "À mà đâu phải huyền thoại, đâu phải mơ. Đó là thành quả của sự cần mẫn của bà con xứ mình đó chớ!". Tôi nhìn cha. Tôi tin, huyền thoại ấy có ông lão 65 tuổi đứng cạnh tôi chung sức…
Theo: Đặng Duy Khôi (Báo Cần Thơ
Truyện thật ngắn, ý nghĩa thật dài
Uống chung một ly rượi mừng, chụp chung tấm ảnh... cuối cùng khi anh là chú rễ còn em chỉ là khách mời. Từ nay, hai đứa sẽ không còn có gì chung nữa, anh giờ là riêng của người ta…
BÀN TAY!
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.
Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.
NGẬM NGÙI!
Ba mất nửa năm, má dẫn hai con nhỏ về quê. Xin được mảnh đất hoang, cùng mần cỏ, dọn nền, lối xóm lạ hoắc tới tiếp dựng mái lá ở tạm. Tối, má gói bánh – nấu. Sáng, hai nhỏ út bưng bán. Má mượn xuồng đi chợ, áo thâm kim, nón lá rách.
Anh Hai ở Sài Gòn, thành đạt, giàu. Hôm về quê, anh đi dọc bờ sông, má thấy, bơi xuồng riết theo, goi tên con hụt hưởi. Anh ngoái nhìn rồi quay mặt đi tiếp. Má tủi, gạt dầm, cúi mặt khóc. Nước mắt má làm xuồng quay ngang!
TẾT!
Ngồi một mình trong căn phòng chung cư ở tầng 15, anh đón Tết một cách lặng lẽ. Ở nơi này vẫn có bánh chưng, bánh tét, vẫn có pháo, có hoa nhưng hình như vẫn thiếu một thứ gì đó.
Đã 35 cái Tết tha hương nhưng hình như trong anh vẫn còn tìm kiếm, dẫu rằng sự tìm kiếm đó ngày càng nhạt nhòa theo năm tháng. Phải chăng ‘thứ ấy’ là hương vị Tết quê nhà?
“Phải đi ngủ sớm thôi” Anh tắt đèn tự nhủ, “Mai còn phải đi làm…”
LƯƠNG TÂM!
Con ốm, nhập viện. Làm thủ tục, bác sĩ mặt lạnh tanh. Biết ý, tay mẹ run run dúi trăm nghìn vào túi “lương y”… Bác sĩ thân mật: “Nằm giường này cháu, đừng lo có bác!”. Biết đâu mẹ đang xỉu dần vì bán máu cho con. Lương tâm?
XỨ LẠ,QUÊ NGƯỜI!
Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gởi tiền về, giục các con lo học tiếng Anh và vi tính đẻ mai mốt qua đó có thể dễ dàng kiếm việc làm.
Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia đình chúng tôi, tôi hỏi anh có địa chỉ eMail chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: ” Suốt ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết đến những thứ hiện đại đó hả em?! “.
NGHĨA TÌNH!
- Bố bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường. Em phải xin nghỉ việc để về nhà phụ mẹ chăm sóc bố. Hơn năm sau, bố mất. Em lại phải đi làm xa kiếm tiền gởi về cho mẹ trả nợ nần, thuốc men. Mãi bươn chải vì chén cơm manh áo, hơn ba mươi tuổi vẫn chưa lập gia đình.
-Anh hai giục mẹ bán nhà ra ở với ảnh, có dâu có cháu cho vui tuổi già.
- Ngày về căn nhà ngày xưa đã đổi chủ, em chỉ còn biết khóc.
BÓNG NẮNG, BÓNG RÂM!
Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:
- Nhà ngoại ở cuối con đê.
Trên đê chỉ có mẹ, có con Lúc nắng, mẹ kéo tay con:
- Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.
Con cố. Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
- Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.
Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?
Trời vẫn nắng, vẫn râm...
...Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.
CÂU HỎI!
Ngày đầu tiên cô phụ trách một lớp học tình thương đa phần là những trẻ lang thang không nhà cửa.
Cuối buổi học.
- Cô ơi. Dạy tụi con hát đi cô.
- Hát đi cô.
Còn mười phút. Nhìn những cái miệng tròn vo và những đôi mắt chờ đợi, cô dạy cho tụi trẻ bài "Đi học về".
- Hát theo cô nè... Đi học về là đi học về. Con vào nhà con chào ba mẹ. Ba mẹ khen...
Phía cuối lớp có tiếng xì xào:
- Tao không có ba mẹ thì chào ai?
- ...
Cô chợt rùng mình, nghe mắt cay cay.
Sưu Tầm
Quê Người Tìm Mẹ.
Cách đây vài năm có một đứa bé 13 tuổi là con một người thợ đã mạo hiểm đi một mình từ thành Giênôva sang Mỹ Châu để tìm mẹ.
Tên cậu là Marcô. Nhà cậu nghèo. Cha làm thợ kiếm không đủ ăn nên mẹ cậu phải đi ở cho một nhà ở thành Buênox Airex, thủ đô nước cộng hòa Argentina ở Nam Mỹ Châu. Sở dĩ mẹ cậu phải đi xa như thế là vì ở bên ấy những người làm được trả công cao.
Tại thành Buênox Airex, cha cậu có một người em họ mở hiệu buôn, nên tin tức cứ do người này nhận và gửi giúp.
Năm thứ hai, ở nhà chỉ nhận được một lá thư nói bà bị bệnh rồi thôi không tiếp được tin gì khác nữa. Cha cậu viết thư hỏi người em họ, đợi mãi không thấy trả lời. Cha cậu liền viết thẳng cho người chủ nhà, thơ bị trả lại vì đề sai địa chỉ. Sốt ruột, cha cậu làm đơn nhờ toà Lãnh sự Italia ở đấy điều tra giúp nhưng cũng vô hiệu vì có lẽ mẹ cậu tưởng nghề đi ở là hèn nên đã giấu tên để khỏi phương hại đến gia đình.
Thấy cha buồn rầu, Marco quả quyết xin cha cho phép sang Nam Mỹ tìm mẹ. Cha cậu đang phân vân, may sao lại có người bà con quen với một viên quan Ba tàu thủy xin cho cậu được vé hạng ba không mất tiền nên ý định của cậu được thực hiện ngay.
Một buổi chiều đẹp về tháng tư, cha cậu đưa cậu xuống tàu. Mất 27 ngày lênh đênh trên mặt bể, cậu âm thầm chịu bao nhiêu nỗi khổ tâm: phần nhớ nhà, phần lo mẹ có khi đã qua đời, phần bị say sóng lắm khi tưởng đến phải bỏ thân trong bể cả. Một buổi rạng đông tháng năm, tàu cập bến Buênox Airex, trên sông La Plata. Sau khi từ biệt người bạn đồng hành là một ông già người xứ Lombar, cậu xách va-li lên bộ thẳng đường vào thành phố.
Cậu hỏi thăm mãi mới tìm được phố Lox Artex là nơi người chú họ tên là Mêrelli ở đấy. Đến số nhà 171 hỏi thăm thì có một người đàn bà trả lời bằng tiếng Italia :
- Ông Mêrelli đã mất một vài tháng nay. Cửa hàng bán lại cho tôi rồi !
Được tin như sét đánh bên tai, cậu xám mặt lại hỏi:
- Ông Mêrelli quen với mẹ tôi. Mẹ tôi ở cho ông Mêkinêx tỉnh này. Vậy bà có biết nhà, xin làm ơn chỉ giúp. Tôi đi từ nước Italia sang đây chỉ có việc tìm mẹ tôi.
Bà chủ động mối thương tâm, liền gọi thằng nhỏ vẫn chạy giấy cho ông Mêrelli ra hỏi, nó biết ngay và vui lòng dẫn cậu lại nhà ông Mêkinêx cách đấy không xa. Đến nơi, cậu giật chuông, một người con gái ra mở cửa. Cậu hỏi, người con gái ấy trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha:
- Nhà ông ấy đã dọn về Corđôva rồi.
- Thành Corđôva ở đâu, thưa cô? Người vú già người Italia, mẹ tôi đó, có đi theo không?
Người con gái chạy vào gọi cha. Một ông to lớn, râu đen ra hỏi đầu đuôi. Thấy vậy, ông thương tình mời cậu vào nhà, cấp cho ít tiền và viết một phong thư giới thiệu cậu với một người bạn ở tỉnh Larôxario và gửi cậu đến Corđôva. Vị ân nhân ở Labôca lại cho cậu một tấm thiếp để đưa cho một người bạn thân ở thành Rôrio. Sau 3 ngày và 4 đêm đi thuyền trên sông Parana cậu tới thành phố Rôrio vào một buổi sáng. Thành phố này ở ngay bờ sông, những bóng lâu đài tráng lệ phản chiếu xuống mặt sông coi rất ngoạn mục. Vào thành phố Rôrio, cậu có cảm giác như là lộn lại các thành phố khác mà cậu đã qua vì trước mặt vẫn thấy những phố dài dằng dặc, thẳng băng và chia các ngả trong một khoảng đất phẳng phiu, hai bên vẫn thấy nhà cửa trắng thấp và diêm dúa như những hoa trắng trên bãi bể, trên đầu vẫn thấy những dây điện báo chằng chịt như màng nhện.
Cậu tìm được đến vị cứu tinh ghi trong tấm thiếp, vào hỏi thì người quản gia đáp:
- Ông chủ và cả gia quyến vừa mới về quê ở Buênox Airex rồi.
Cậu thất vọng kêu:
- Chết chửa! Tôi làm thế nào bây giờ? Tôi một thân một mình đến đây, cần gặp ông chủ để người giúp cho một việc...
Người quản gia sừng sộ:
- Đã bảo đi vắng! Giúp cái gì? Ở đây đã thừa dân Italia lắm rồi! Mày trở về nước Italia mà xin ăn.
Cậu tủi nhục vô cùng, xách vali trở ra, óc rối bời bời. Biết làm thế nào bây giờ? Từ Rôxario đến Corđôva còn cách một ngày xe lửa nữa mà trong túi chỉ còn có vài lira.
Buồn và mệt, cậu đặt cái vali xuống hè, ngồi lên, lưng dựa vào tường, hai tay bưng mặt...
Chợt có người đến vỗ vai hỏi bằng tiếng Italia:
- Ngồi làm gì đây ?
Cậu ngẩng nhìn thì ra ông lão đồng hương đã cùng đi với cậu một chuyến tàu. Cậu kể hết sự tình, ông già nghĩ được một diệu kế.
Ông liền đưa cậu vào khách sạn "Ngôi sao nước Italia" giữa lúc những kiều dân Italia đang ăn uống. Ông giới thiệu cậu là một đứa con nhỏ đã vượt trùng dương và chịu đói khát để đi tìm mẹ. Ai cũng có lòng thương hại cậu, vì thế trong có mười phút đã thu được 40 lira.
Sáng hôm sau,cậu lên tàu đi Rôxario, chập tối thì đến nơi.
Nhờ một vị linh mục chỉ đường, cậu tìm đến nhà kỹ sư Mêkinêx gõ cửa, có một bà già cầm đèn ra hỏi bằng tiếng Tây Ban Nha:
- Hỏi ai ?
Cậu đáp:
- Tôi hỏi ông kỹ sư Mêkinêx.
Bà già khoanh tay vào ngực, lắc đầu đáp:
- Mày cũng hỏi ông Mêkinêx à? Đã ba tháng nay người ta cứ đến nhiễu mãi. Những tin đăng báo vẫn chưa đủ à! Dễ thường phải yết thị khắp các phố phường là ông Mêkinêx đã dọn đi Tucuman rồi người ta mới để yên?
Marcô phát uất nói:
- Trời ơi ! Có lẽ tôi phải chết ở đây và không được nhìn mặt mẹ tôi !... Xin bà làm ơn bảo giùm tỉnh ấy ở đâu? và cách bao xa?
- Thành Tucuman cách đây bốn năm trăm dặm.
Marcô nức nở khóc.
Bà già thương hại bảo:
- Nhà số 3 đầu phố này có người lái buôn thường chở hàng bằng xe bò đi Tucuman. Mày thử lại hỏi xem họ có cho đi nhờ không ?
Marcô lại hỏi thì người lái buôn bảo: "Hết chỗ rồi!"
Trong lưng chỉ còn 15 lira, cậu kêu van với người lái buôn xin đưa cả và đi đường có việc gì xin làm giúp.
Người lái buôn nói:
- Ta không đi Tucuman. Lần này, ta đưa hàng di Satiagơ. Vậy đến chỗ rẽ thì mày xuống. Nhưng còn phải đi bộ đến 20 ngày nữa mới đến Tucuman, mày có đi được không? Đường vắng và khó đi lắm!
- Thưa ông, được. Tôi chịu được tất cả, miễn là tìm thấy mẹ tôi!...
- Được thế hôm nay mày ngủ ở xe, mai đi sớm.
Bốn giờ sáng hôm sau, dưới trời sao lấp lánh, một đoàn xe mỗi chiếc do 6 con bò kéo cùng một đàn bò nữa để thay phiên, khởi hành trong một bầu không khí tĩnh mịch.
Khi đi đường, Marco thường bị những phu xe sai bảo và hành hạ. May nhờ được người chủ nhân đạo, bọn kia cũng không dám quá tay và mấy hôm bị chứng sốt rét, cậu được trông nom tử tế. Ngày thứ 16 là hôm cậu khỏi bệnh và cũng là hôm cậu phải rời đoàn xe để về lối Tucuman. Sau mấy câu dặn dò, người chủ xe bắt tay từ biệt.
Marco một mình lủi thủi xách vali đi về phía tây, trong dạ buồn rầu.
Nhưng một điều làm cho cậu phấn khởi đôi chút là trước mặt cậu, ở chân trời hiện ra một dãy núi dài, ngọn cao và trắng coi tựa dãy Alpes, cậu tưởng tượng như được ở gần quê hương cậu. Nhưng nào có phải là núi Alpes đâu, chính là dãy núi Anđex tục gọi là "sống lưng" của Tân thế giới, đi từ Xích địa miền Nam cho đến Bắc Băng Dương.
Hôm thứ nhất Marcô đi cho đến lúc kiệt lực rồi nằm ngủ ở cạnh gốc cây. Hôm sau lại khởi hành nhưng chậm hơn và kém phần hăng hái. Hôm thứ ba: giày rách chân đau, dạ đói! Tối đến, cậu giật mình thon thót vì người ta nói ở đây lắm rắn độc!
Mặc dầu mỏi mệt, đói khát, cậu vẫn cố đi, đi mãi, đi qua những chòm cây lạ mắt, qua những đồng mía xanh tươi, qua những đồng cỏ mênh mông, trước mặt vẫn nhìn thấy ngọn núi xanh lởm chởm trong nền trời không vẩn một đám mây.
Bốn hôm, năm hôm, một tuần lễ qua. Sức cậu đã cùng. Chân cậu đổ máu. Thì chiều hôm ấy, người ta bảo cậu:
- Tucuman còn cách đây 50 dặm.
Marcô mừng rỡ reo lên và đi rảo bước; bụng bảo dạ:
- Mẹ ơi bây giờ mẹ ở đâu? Mẹ có biết con đang ở gần mẹ không?
Khốn khổ thay cho Marcô. Nếu cậu biết rõ tình trạng mẹ cậu lúc ấy thế nào thì cậu muốn mọc ngay cánh để kịp bay đến cạnh người.
Lúc ấy, bệnh tình mẹ cậu đang ở trong thời kỳ trầm trọng.
Vợ chồng viên kỹ sư Mêkinêx đang đứng bên giường bệnh khuyên bệnh nhân nên để cho Bác sĩ mổ thì mới có cơ qua khỏi. Bệnh nhân đáp:
- Cám ơn ông bà có lòng nhân đức trông nom tôi tựa người nhà. Nhưng tôi không còn đủ sức để chịu sự mổ xẻ. Tôi sẽ chết. Xin ông bà để yên cho tôi chết. Chồng con tôi không có tin tức, chắc bị tai biến gì đây... Tôi còn sống để làm gì?
Vợ chồng viên kỹ sư cố nài hai ba lần nữa, song bà ta chỉ khóc và ngất đi.
Ông bà Mêkinêx hết sức chăm sóc cho người mẹ đáng khen ấy đã vì sinh kế của gia đình đem thân đến một nơi xa quê hương hơn 3000 dặm, sau khi chịu bao nhiêu nỗi cơ khổ gian lao!
Sáng sớm hôm sau, vali đeo trên lưng, Marcô, hốc hác và rách rưới, thất thểu vào thành Tucuman một thành phố mới mở vào hạng phồn thịnh nhất nước Argentina.
Marcô đang ngẩn ngơ chưa biết hỏi ai, bỗng thấy một cửa hàng ngoài đề chữ Italia, cậu liền đánh bạo vào hỏi:
- Thưa ông, ông có biết nhà ông kỹ sư Mêkinêx ở đâu, xin ông làm ơn bảo giúp?
Chủ hiệu đáp:
- Ông Mêkinêx không ở đây nữa.
Marcô choáng người, kêu lên một tiếng rồi ngã vật xuống đất. Chủ hiệu đỡ dậy, hỏi chuyện rồi bảo:
- Em đừng nản lòng. Ông kỹ sư tuy không ở Tucuman nữa, nhưng ở gần đây, đi bộ vài giờ thì tới nơi.
- Thưa ông, ở đâu? Ở đâu? Ở đâu?
- Ở bờ sông Salađinô. Ở đấy người ta đang xây một nhà máy làm đường, ông kỹ sư ở khu nhà bên cạnh. Đến đấy hỏi ai cũng biết.
Một người hàng xóm nghe tiếng kêu vừa chạy sang thấy vậy nói tiếp:
- Hai tuần lễ trước tôi đã vào đấy, có gặp kỹ sư.
Cậu hỏi luôn:
- Thế anh có gặp người vú già nhà kỹ sư, người Italia không?
- Có , tôi có trông thấy !
Cậu sung sướng quá vừa khóc vừa nhảy lên.
Mọi người khuyên cậu nên nghỉ ngơi cho lại sức, mai sẽ đi Salađinô. Nhưng cậu khăng khăng nói:
- Cảm ơn các ông. Tôi đi cốt để tìm mẹ tôi! Dù chết ngay giữa đường, tôi cũng đi!
Vài phút sau, vali lại đeo trên lưng, cậu khập khiễng lên đường, rồi biến trong đám cây rậm rạp. Đêm ấy là đêm ghê gớm nhất cho bệnh nhân. Bà đau đớn, rên rỉ, lắm lúc mê man. Bác sĩ bảo: bà đau về chứng bệnh thì ít mà về tinh thần thì nhiều.
Sáng hôm sau, ông bà Mêkinêx lại đưa bác sĩ vào thăm. Bác sĩ khuyên:
- Nếu bà cho mổ thì thế nào cũng khỏi, bằng không thì không còn phương gì cứu được nữa.
Bà ta lắc đầu nói trong hơi thở:
- Cảm ơn bác sĩ, tôi còn có can đảm để đợi chết, chứ không còn lúc để chịu đau đớn một cách vô ích. Xin bác sĩ cho tôi chết yên lặng thì hơn!
Xong bà quay lại trối với bà chủ:
- Thưa bà sau khi tôi chết rồi xin bà làm ơn nhờ toà lãnh sự Italia gửi ít tiền tôi để dành về cho chồng con tôi. Tôi mong rằng chồng con tôi vẫn được bình yên. Và bà nhớ bảo giúp rằng lúc lâm chung tôi vẫn nhớ đến chồng tôi, hai con tôi và nhất là thằng Marcô.
Ngoài phòng có tiếng động. Mấy phút sau, bác sĩ và ông Mêkinêx cùng vào, nét mặt có vẻ khác. Hai người nói nhỏ với nhau: "Đỡ ngay lập tức"! Bệnh nhân không hiểu sao cả. Ông Mêkinêx cất tiếng run run nói:
- Chị ơi ! Tôi có một tin hay muốn báo cho chị biết. Chị hãy định thần lại để nhận tin ấy. Tin ấy chắc chắn sẽ làm cho chị được hài lòng.
Con ngươi bệnh nhân mở rộng.
- Chị hãy sửa soạn để tiếp một người... một người mà chị yêu mến nhất, nhớ thưong nhất!
Bà Guixếpa sẻ ngẩng đầu lên nhìn tứ phía.
Kỹ sư nói tiếp:
- Người ấy đã lặn ngòi ngoi nước đến đây một cách bất ngờ... và đã ở đây rồi!
Bệnh nhân thở hổn hển hỏi:
- Ai? Ai thế?
Tức thì Marcô rách rưới, lấm láp, ở ngoài bước vào. Bác sĩ đứng trong ngưỡng cửa, cầm cánh tay cậu giữ lại.
Bệnh nhân kêu ba lần:
- Chính con tôi! Con tôi! Con tôi!
Marcô chạy vào, như có phép thần thông giúp đỡ, mẹ cậu nhỏm dậy ôm lấy cậu như một con hổ đói mồi, vừa cười vừa khóc, hôn cậu và hỏi:
- Sao con lại đến đây? Con độ này lớn quá! Ai đưa con đi? Hay con đi một mình? Con có ốm không? Chính con là Marcô của mẹ? Không phải là giấc mộng chứ? Con nói cho mẹ hay.
Nói đến đây bà chợt đổi giọng và bảo:
- Khoan đã ! Con sẽ nói sau.
Rồi quay lại bảo bác sĩ:
- Thưa bác sĩ bây giờ tôi muốn khỏi bệnh. Tôi sẵn sàng để ngài cứu cho... Xin ngài cấp cứu cho... Con hãy ra ngoài đợi một lát...
Viên kỹ sư đưa Marcô ra. Bác sĩ và y sĩ ngoại khoa mang các dụng cụ y khoa vào và đóng cửa phòng lại. Lát sau bác sĩ hớn hở ra phòng bảo Marcô:
- Mẹ con đã được cứu thoát!
Marcô liền quỳ trước mặt bác sĩ khóc nức nở nói:
- Đội ơn bác sĩ đã cứu sống cho mẹ con!
Bác sĩ đỡ Marcô dậy và khen:
- Con hãy đứng dậy. Con thực là một đứa trẻ phi thường. Chính con đã cứu sống mẹ con!
Hà Mai Anh dịch
(Tâm Hồn Cao Thượng)
Chai Dầu Gió Xanh
Tác giả Võ Quách Thị Tường Vi.
Tôi là người hành khách phút cuối của chuyến máy bay Singapore Airline #1490 với hành trình qua ngả Moscow, Singapore, rồi Tân Sơn Nhất. Cửa phi cơ đóng lại ngay sau khi tôi vào.
Đây là chuyến bay đưa phái đoàn của trường đại học nơi tôi giảng dạy đi Sài Gòn. Đoàn gồm 33 giáo sư và sinh viên do tôi hướng dẫn, có nhiệm vụ thực hiện một chương trình y tế và văn hoá giữa trường chúng tôi và một số đại học bên Việt Nam.
Sau cả tuần căng thẳng vì lo liệu đủ thứ, đã tưởng không thể bay, ngày chót khi cố thu xếp mọi việc để tiếp tục chuyến đi, vào được ghế của mình, tôi lả người mệt muốn ngất đi được. Thò tay vào giỏ xách tôi lấy ra chai dầu gió xanh, nhón ngón tay trỏ vào đầu chai, chấm chút dầu xoa vào hai bên thái dương.
Chỉ trong chốc lát, dường như cơn mệt mỏi dịu dần. Thật cảm ơn chai dầu gió xanh này. Nó và tôi, như “đôi bạn” thân thiết, bao năm qua luôn ở bên cạnh nhau. Lần này, chúng tôi cùng bay về quê xưa, mùi dầu xanh quen thuộc nhắc nhớ bao chuyện cũ.
Mẹ tôi mất khi tôi vừa 16 tuổi, tuổi đẹp nhất của thời con gái. Tôi nhớ rất rõ nhà tôi lúc ấy ở gần phi trường quân sự Biên Hoà, đêm đêm tiếng bom đạn pháo kích nghe rất gần. Ban đầu rất sợ, tôi đã tung mền và trốn dưới...gầm giường, tự làm mồi cho muỗi đói mà không hiểu là mấy tấm vạt giường mỏng manh đó làm sao mà đỡ nổi bom đạn. Riết rồi cũng quen, mỗi lần nghe pháo kích, tôi không núp gầm giường nữa mà tỉnh bơ nằm ngủ. Con người ai cũng có số, nếu tới số chết thì ở đâu cũng chết... Thời ấy, tôi đã thầm biện hộ cho cái tính làm biếng của mình như thế.
Một đêm kia, đang ngủ mê, tôi thình lình bật dậy vì một thứ âm thanh khủng khiếp. Tai ù đặc không thể phân biệt được. Mắt vừa mở thì trời ơi, thấy cả bầu trời xanh lè đang chụp xuống. Mái nhà, những bức tường đã bay đâu cả rồi.
Dần dà, tôi nhận ra tiếng la khóc chung quanh. Nghe thì mơ hồ như từ cõi nào, nhưng nhìn thì hiện ngay trước mắt: Ba tôi đang ôm mẹ tôi, máu tuôn xối xả từ người mẹ. Tôi không biết mình đang ở đâu. Mãi lát sau mới nhận ra cái tủ đựng đồ ăn gãy hết hai chân đứng chỏng chơ. Thì ra chúng tôi đang trên nền cũ của nhà bếp, chính giữa là một cái hố sâu, khói bụi đang bốc hơi. Bên miệng hố, con chó Tô Tô của tôi, mình mẩy đẫm máu, đang rên rỉ. Con chó Ki Ki thì lẩn quẩn kế bên, miệng gầm gừ thảm thiết. Đây là cặp chó mà ba tôi đã xin về nuôi được chừng 2 năm rồi.
Có cái gì ướt trên mặt tôi. Đưa tay lên vuốt mặt, thấy bàn tay toàn là máu. Thì ra tôi cũng đã bị thương trên trán và cả ngôi nhà gia đình đã trúng đạn pháo kích.
Sau đó, mẹ tôi được đưa khẩn cấp vào nhà thương Biên Hoa. Hai tuần sau, vết thương biến chứng sao đó, phải chuyển gấp lên nhà thương Cơ Đốc ở Phú Nhuận, Sài Gòn. Tôi ở lại trong nhà thương Cơ Đốc với mẹ nhiều ngày. Tại đây, tôi có dịp tiếp xúc với các y tá điều dưỡng và các vị bác sĩ hằng ngày đến chăm sóc cho mẹ, và bắt đầu cảm tình với ngành y từ đó.
Nhờ sự chạy chữa tận tậm của bệnh viện, thương thế mẹ tôi rồi cũng ổn định dần, nhưng từ khi rời bệnh viên về nhà, bà không còn khoẻ mạnh như xưa. Bà hay đau lưng, nhức mỏi, không còn sức làm việc như lúc chưa bị thương. Rõ ràng là mẹ ngày một suy yếu hơn. Dù đầu óc còn non nớt, tự tôi cũng thấy được điều này.
Thời ấy, trong túi áo bà ba của mẹ tôi lúc nào cũng có một chai dầu gió xanh mà bà thường lấy ra để xoa hay ngửi. Tôi cũng đã nhiều lần tự hỏi là dầu này có công hiệu hay không, vì chị em tôi ai nấy đều “sợ” bị bôi thứ dầu này. Khi chúng tôi bị sổ mũi nhức đầu, mẹ đều bắt chị em tôi phải bôi dầu hay cạo gió. Trời ơi, mỗi lần thấy mẹ tôi với chai dầu “mắc dịch” này chị em tôi đều chạy trốn, mặc cho bà phải kêu tên từng đứa dỗ dành.
Rồi đến một ngày không bao giờ tôi quên. Hôm đó mẹ tôi rất mệt. Khuôn mặt xanh xao, giọng nói yếu ớt, mẹ sai tôi đi chợ, mua thức ăn rau cải và dặn thêm: nhớ ghé qua hàng thuốc mua cho mẹ chai dầu xanh, vì chai dầu mẹ đang dùng gần cạn.
Tôi tung tăng đi chợ mua thức ăn như lời mẹ dặn. Trên đường về đầu óc tôi sao vẫn băn khoăn giống như mình đã quên một chuyện gì quan trọng. Cá cơm kho tiêu, canh cải bẹ xanh nấu tôm, rau muống xào, chuối tráng miệng... Đủ hết. Đâu còn thiếu món gì. Mãi tới khi về đến gần nhà, băng qua cầu Đúc, tôi mới đứng khựng lại vì chợt nhớ ra lời mẹ dặn thêm là mua chai dầu xanh cho mẹ. Tôi lật đật vòng lại, đi lên chợ để mua chai dầu. Đường lên chợ sao bây giờ thấy quá xa, tôi chạy hoài không tới...
Rồi sau cùng tôi cũng về đến nhà, nhưng sao nhà tôi lại đông người như vậy? Các cô bác láng giềng đang bu quanh ba tôi. Thấy tôi vào nhà, các em chạy lại nắm tay tôi và khóc. Ba tôi ôm tôi, nói trong tiếng nấc: má con đã chết rồi...Tôi sững sờ nhìn chai dầu xanh mà tôi đang nắm chặt trong tay. Tôi đã về muộn rồi. Mẹ tôi năm ấy chỉ có 38 tuổi.
Ít ngày sau khi mẹ qua đời, con chó Tô Tô vốn thường luẩn quẩn bên chân Mẹ, cùng bị thương trong trận pháo kích, cũng chết theo. Em tôi tìm thấy nó bỏ ăn, mãi nằm bên gốc cây măng cụt mà mẹ tôi đã trồng mấy năm về trước.
Từ đó, ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” của mình tôi đã phải đối đầu với thật nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ngoài việc nhà, nấu cơm giặt giũ, chăm sóc các em, tôi còn phải ngược xuôi lo việc chi tiêu trong nhà với đồng lương công chức giới hạn và bấp bênh của ba tôi, những việc mà khi còn me, tôi không bao giờ phải bận tâm lo lắng.
Cũng từ đó, tôi bắt đầu thân quen với chai dầu mua về cho mẹ. Dù qua nhiều dâu bể của đời, chai dầu gió xanh vẫn là người bạn đồng hành với tôi từ mấy chục năm qua.
Nghe có tiếng thầm thì chung quanh, tôi mở mắt ra. Trước mặt tôi là mấy giáo sư đồng nghiệp cùng trường và cả đám sinh viên của chúng tôi. Thấy tôi tỉnh dậy, cả đám cùng vỗ tay vui vẻ:
- Chào mừng giáo sư, chào mừng y sĩ. Chúng em vui lắm vì có cô đi cùng. Vậy là chuyến đi này là hoàn toàn mỹ mãn.
Donna, một cô sinh viên gốc người Mễ rất linh hoạt dễ thương của tôi hỏi.
- Cô ơi, mình sắp tới Việt Nam, cô hồi hợp không cô?
Nhiều em khác cùng hỏi rồi thay phiên ôm tôi để chia niềm thương cảm.
Số là mới cách đây mấy ngày, tôi gặp một tai biến rất lớn trong đời, đã tưởng không thể tiếp tục công việc với phái đoàn. Ngày cuối, khi quyết định cùng bay thì tới vào phút chót, phi cơ không còn chỗ để ngồi chung với phái đoàn của mình.
Chuyến đi đã chuẩn bị từ lâu. Các giáo sư và sinh viên tham dự ai nấy đều nao nức đợi ngày đi. Riêng tôi thì mong muốn đem lại một chương trình nào đó có lợi ích cho nền y tế của Việt Nam, nhân tiện được thăm lại quê hương, bè bạn cũ. Mọi sự xếp đặt cũng đã xong, nhưng nếu thiếu người hướng dẫn như dự tính từ bước đầu thì cũng không trọn vẹn. Vì vậy khi thấy tôi trong chuyến bay, cả đám cùng vui lăng xăng nói cười.
Nói “cả đám?” cho thân tình chứ thật ra trong phái đoàn 33 người, lớp trẻ dưới tuổi ba mươi chỉ có 12 em sinh viên, trong số này có 3 em gốc Việt, đang học chương trình cử nhân. Phần còn lại, đều lớn tuổi và già giặn hơn nhiều. Trong nhóm này có 2 em đang hành nghề y sĩ ở Houston và Dallas; một em sắp xong y sĩ ; 5 em sắp ra tiến sĩ sau khi trình luận án vào mùa hè này, và 12 em khác đang học chương trình tiến sĩ. Dù thầy bằng trò hay trò bằng thầy về tuổi đời nhưng các em rất lễ phép và rất biết kính trên nhường dưới. Như vậy phái đoàn chúng tôi 33 người cũng có vẻ thuận thảo, hùng hậu. Hy vọng chuyến đi sẽ vui vẻ thành công.
Sau khi rời khỏi công việc bên bệnh viện, đã hơn 5 năm rồi, tôi nhận làm giảng sư chính thức cho trường đại học này. Tôi cũng đã dạy bán thời gian cho trường mấy năm trước nữa. Thấy không khí dạy học vui vẻ, nhất là tiếp xúc được với nhiều em sinh viên Việt Nam, gồm cả các em sinh tại Mỹ lẫn các du học sinh, nên tôi cũng thích vì có dịp hướng dẫn và khích lệ các em.
Trong trường, các em sinh viên người Việt hay gốc Á Châu thường tìm đến tôi để hỏi ý kiến về việc học hành, hay chỉ để than thở những việc xảy ra trong đời sống hằng ngày. Không biết từ bao giờ tôi đã trở thành một giáo sư hướng dẫn cho các sinh viên gốc Á Châu ở trường đại học này. Tôi thật không ngờ mình lại trở thành một bà “gõ đầu trẻ”, loại công việc mà khi còn trẻ tôi không bao giờ mơ ước để trở thành. Năm ngoái tôi có khai giảng một khoá học mà tôi phụ trách dạy về y học và văn hoá Việt Nam. Các sinh viên ghi tên học rất đông, Mỹ có Việt có. Các em gốc Việt sau đó có đến cảm ơn tôi vì khoá học đã cho các em có cơ hội tìm hiểu thêm về nguồn gốc Việt Nam của mình.
Trạm đầu tiên xuống Moscow nghỉ ngơi chừng nửa tiếng. Cả đám sinh viên đã hăng hái mua sắm. Khi trở lại máy bay, cô cậu nào tay cũng mang theo những túi quà kỷ niệm.
Sau trạm ghé này, biết mình đang từng phút gần hơn với Việt Nam, tôi như hình dung thấy bạn bè, trường ốc và những chuyện phải làm. Một cảm giác vừa vui mừng vừa hồi hộp làm tôi nao nao trong lòng. Phi cơ đang bay trong đêm nhưng ngay sáng mai là tôi sẽ có mặt trên quê hương yêu dấu của mình, sẽ có dịp thăm viếng, gặp gỡ những nơi mà tôi đã hoạch định chương trình để bắt đầu một cuộc hành trình mới.
Vừa chập chờn muốn ngủ thì bị đánh thức bởi giọng nói vang lớn từ cái loa trên trần phi cơ. Tiếng cô chiêu đãi viên hàng không lậi đi lập lại bằng tiếng Anh giọng Tàu lơ lớ:
- Trường hợp cấp cứu!! Trường hợp cấp cứu!! Chúng tôi cần gấp một bác sĩ. Trên máy bay, nếu có ai là bác sĩ xin đứng lên giúp chúng tôi một tay... Cấp cứu! Cấp cứu!
Tôi tỉnh ngủ hẳn, quơ vội cái túi nhỏ và đi lên cabin phía trên, hỏi cô chiêu đãi viên hàng không gần nhất:
- Trường hợp cấp cứu ở đâu vậy? Tôi là y sĩ V, tôi sẽ giúp cô.
- Dạ xin y sĩ theo tôi. Bệnh nhân đang ở trên cabin hạng nhất.
Tôi đi theo cô này đến khu hạng nhất của phi cơ. Ghế ngồi ở khu này rộng rãi hơn và phần lớn các hành khách đang ngủ với những chiếc khăn che mắt phủ trên mặt cho dễ ngủ.
Bệnh nhân là một thanh niên trẻ, đang nằm sóng sượt ngay trên sàn phi cơ.. Cả người anh ta co quắp lại như hình con tôm, hai mắt nhăm nghiền, mặt đẫm những giọt mồ hôi còn đọng lại.
- Hello. Tôi là Dr. V. Tôi sẽ giúp anh. Chuyện gì xảy ra vậy?
- Dạ em đau bụng quá, không chịu nổi. Phải nằm xuống như vầy mới bớt một chút. Em bị cách đây gần một tiếng đồng hồ, tưởng là chỉ sình hơi, ai dè càng lúc càng nặng hơn.
- Em tên gì ? Tôi hỏi.
- Dạ em tên John. Em là chiêu đãi viên hàng không cho hãng máy bay, em làm ở khu hạng nhất này.
Lúc này thì hai học trò y sĩ của tôi là Patti và Mai đã đến. Patti lo cặp thuỷ đo nhiệt độ còn Mai thì giúp đo áp suất máu và hỏi về lượng đau của John.
Tôi bảo mấy người bạn đồng nghiệp của John:
- Đồ dự trữ cho trường hợp cấp cứu đâu? Làm ơn đem ra để tôi coi có gì dùng được không. Nhớ đem thêm mấy cái mền nữa để đắp cho John.
Quay qua mấy em y sĩ tôi bảo:
- Hãy giữ cho John ấm và đừng cho ăn uống gì hết. Có thể cho một vài giọt nước vào môi để giữ môi không bị khô mà thôi.
- Dạ, nhiệt độ người của John là 99.8 F. Áp suất là 160 trên 100, nhịp tim 112 và độ đau là 9 trên 10. Mai thông báo.
- Cảm ơn em. Cứ giữ cho John ấm và lấy áp suất như vậy mỗi 10 phút. Nếu thấy thay đổi, cho tôi biết.
Tôi và Patti kiểm soát cái túi cấp cứu lớn mà cô chiêu đãi viên hàng không vừa đem đến. Ngoài giấy tờ lặt vặt, chỉ thấy mấy thứ thuốc cấp cứu về tim như Digoxin, Lasix. Trong túi lớn còn một túi nhỏ chứa mấy bịch nước biển se-rum và kim, dây dùng để chuyền dung dịch này vào cơ thể.
- Patti, em chuẩn bị đồ chuyền dịch nhé. Không làm ngay bây giờ nhưng nên chuẩn bị trước. Tôi nói.
Tôi khám cho John. Mọi nơi bình thường. Chỗ đau duy nhất là vị trí dưới bụng phía tay mặt. Chỉ nhấn hơi mạnh một chút là John đã nhăn mặt kêu đau, cố đẩy tay tôi ra. Đây là trường hợp đau ruột dư mà phi cơ thì đang bay 50,000 mét trên không gian, đâu thể làm gì. Tôi suy nghĩ thật nhanh rồi bảo Tim, xếp của John, là tôi muốn nói chuyện với phi công trưởng của phi hành đoàn. John bị đau ruột dư. Cần đưa vào nhà thương để mổ và điều trị gấp để bảo vệ sinh mạng.
Tim đi một lát rồi trở lại.
- Thưa y sỹ, phi đoàn trưởng của chúng tôi nói là bây giờ máy bay đang bay qua lãnh thổ của nước Afghanistan không thể đáp xuống được, mong y sỹ thông cảm.
- Như vậy nước tới là nước nào? Và mình có đáp xuống được không?
- Dạ, để tôi đi hỏi lại phi công trưởng.
Tim trở lại lần nữa và nói.
- Nước tới là Ấn Độ và việc đáp xuống có thể được, nhưng xin y sĩ xác định lại việc cần đáp xuống vào lúc ấy, vì hiện thời bây giờ chúng ta còn phải bay 3 tiếng nữa mới qua khỏi biên giới của Afghanistan. Nếu đáp xuống theo chuyện cấp cứu thì cũng rất phiền hà và không biết bao giờ mình mới bay lên trở lại được.
Đúng lúc ấy, Patti gọi tôi lại:
- Dr. V, áp suất của John là 92 trên 60, nhịp tim 125 và độ đau là 10 trên 10. Em nghĩ là bệnh tình của John đang bị trở chứng đó giáo sư.
Tôi trở lại chỗ John nằm. Tay chân John lạnh toát, mà mặt mũi thì luôn toát mồ hôi, dù Mai đang liên tục lau mặt cho anh ta. Đúng như Patti nói, John đang trong tình trạng trở chứng, máu huyết tuần hoàn bị sụt xuống. Nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cho tính mạng.
Vây quanh John là những đồng nghiệp của anh ta, ai nấy đều lo lắng. Có mấy hành khách cũng tìm đến tò mò coi chuyện gì xảy ra. Tôi nói Tim là nên mời hành khách về lại ghế ngồi để chúng tôi có chỗ xoay trở làm việc.
- Bắt đầu chuyền nước biển đi. Mở wide open rộng ra, và giữ cho John ấm. Tôi bảo Patti. Quay qua John, tôi bắt chuyện:
- Hi John, em sao rồi, đau nhiều không? Bây giờ chúng tôi chuyền nước biển cho em nhé. Mà trước giờ em có bị bệnh gì không? Có bị cao máu tiểu đường không?
- Em đau quá Dr. V. ơi. Em trước giờ khoẻ lắm không có bệnh gì hết.
- John có gia đình vợ con gì chưa?
John gượng cười
- Dạ chưa, Dr. V. Nhưng em có bồ rồi.. Cô ấy đang chờ em ở Singapore.
- A, vậy là em phải khoẻ lại cho mau để về gặp cô bạn.
Tôi nói chuyện đùa với John để giúp em quên bớt cái đau. Phải cố giúp John không bị nặng thêm, đủ sức chịu đựng trong khi chờ cấp cứu.. Bỗng tôi chợt nhớ một việc.
- John à, tôi có một loại thuốc riêng mà khi nào cần thì tôi lấy ra dùng. Mà nó giúp tôi rất hiệu nghiệm. Nếu em muốn thì tôi sẽ chia sẻ với em?
John gật đầu lia lịa.
- Dạ bây giờ y sỹ có gì thì xin cho em dùng. Em đau quá. Em đi đường bay này thường lắm nên biết là mình không thể đáp xuống đây đuợc đâu. Em lo quá, không hiểu có qua nổi cơn bệnh này không.
Tôi mở cái xách tay nhỏ, lấy chai dầu gió xanh của mình ra mở nắp cho John nhìn.
- Đây là chai dầu mà tôi hay dùng và nó rất hiệu nghiệm. Tôi đi dâu cũng có nó. John dùng thử nhé, nếu chịu được cái mùi hơi mạnh một chút của nó.
Tôi đưa chai dầu lên mũi John. Em hít một hơi nhẹ và nói.
- Mùi này cũng dễ chịu mà. Em thích lắm.
- OK, vậy thì tôi xức cho John nhé.
Tôi xoa dầu vào chỗ đau của John ở bụng, vừa làm vừa nói chuyện. Tôi hỏi chuyện làm, chuyện bạn bè, chuyện đời sống của John ở Singapore hay ở Mỹ. Mai và Patti vẫn tiếp tục lấy áp suất và nhiệt độ trong khi John dần dà có vẻ thích thú khi kể chuyện về đời mình cho chúng tôi nghe.
Khoảng chừng một tiếng đồng hồ sau, Patti thông báo là tuy độ đau không thay đổi, vẫn ở khoảng từ 8 cho tới 10, nhưng áp suất của John đã lên cao trở lại, khoảng 140 trên 90 và nhịp tim hạ xuống còn 100 nhịp trong một phút.
- Vậy là tốt. Em cho nước biển chảy chậm lại một chút đi. Tôi bảo Patti.
Dần dà, John có vẻ tỉnh táo hơn một chút, sắc diện cũng khá hơn. Tôi khám lại John thì thấy tình trạng ruột dư của em không thay đổi gì lắm.
Tim, xếp của John, trở lại.
- Thưa y sỹ, chúng ta bắt đầu vào biên giới Ấn Độ. Phi đoàn trưởng của chúng tôi xin ý kiến y sĩ. Nếu cần ngừng lại thì phải xin phép đáp xuống, thủ tục sẽ lâu lắm mà rồi chưa biết chừng nào máy bay mới có thể cất cánh trở lại.
- Sau Ấn Độ thì sẽ tới nước nào? Tôi hỏi.
- Dạ Miến Điện rồi Thái Lan trong vòng 3 tiếng đồng hồ nữa.
- Để tôi nói chuyện với John xong sẽ trả lời câu hỏi của anh.
Tôi trình bày rõ ràng với John về những chi tiết này. John trầm ngâm rồi hỏi lại tôi:
- Y sỹ nghĩ như thế nào, em có thể chịu nổi để về đến Singapore không?
-Thật sự thì rất khó đoán trước cơ thể của John sẽ chuyển động như thế nào nhưng tôi nghĩ là sẽ còn sức chịu được vài tiếng nữa, ít ra thì mình cũng có thể đến Thái Lan. Việc chữa trị ở đó cũng tốt hơn nếu so với những nơi khác. Tôi trả lời cho John..
- Xin y sỹ quyết định cho em vậy đi.
Tôi quay lại bảo Tim.
- Cứ tiếp tục bay đi. Khi nào gần đến Thái Lan thì cho tôi biết.
Trong suốt mấy tiếng bay tiếp, John và tôi vẫn tiếp tục trò chuyện, dầu gió xanh vẫn được thoa cho John đều đều. Nhiệt độ và áp suất máu của John khá bình ổn. Bịch nuớc biển vẫn nhỏ giọt đều nhưng chậm hơn lúc trước vì áp suất của John đã cao hơn. Chúng tôi đã đưa John lên nằm trên giường trong phòng dành cho phi công. John cho biết em thấy có vẻ khá hơn lúc ban đầu một chút.
Khi bay qua biên giới Thái Lan, tôi đã quyết định không dừng lại nữa vì từ nước này về Singapore thì chỉ còn một tiếng đồng hồ mà thôi và tình trạng của John thì thấy không thay đổi mấy. Cả đêm ấy, ba thầy trò chúng tôi không chợp mắt chút nào nhưng vẫn không thấy mệt.
Rốt cuộc thì phi cơ cũng đáp xuống phi trường Singapore. Khi xe cứu thương đến phi cơ để đưa John vào bệnh viện cấp cứu, cậu ấy đã nắm tay tôi và ngập ngừng hỏi:
- Em cảm ơn Doctor V và phái đoàn của doctor đã giúp em rất nhiều. Em sẽ không bao giờ quên y sỹ V đâu. Chúc y sỹ và phái đoàn thành công trong chuyến đi này. Nếu được, xin y sỹ cho em xin luôn chai dầu gió xanh đó, có được không?
John muốn xin chai dầu gió xanh của tôi? Tôi cảm động đến sững sờ khi trao cho John chai dầu xanh trước khi từ biệt.
Phi cơ tiếp tục bay. Sắp thấy lại Sài gòn. Trong túi xách không còn chai dầu xanh. Vậy là chai dầu không cùng tôi trở lại quê mẹ. Nhưng hơn bao giờ, tôi thấy chai dầu xanh đang ở trong tim mình.
Và thấy mình muốn khóc.
Tôi biết các bạn trẻ ngày nay, như tôi thuở nào, có thể coi chai dầu xanh là thứ “mắc dịch”. Vậy mà với người Việt mình, hình như ai ai trong đời ít nhiều cũng đều biết đến nó.
Chai dầu gió xanh của mỗi người có thể khác nhau. Có thể là những kỷ niệm thời ấu thơ với người thân yêu, một lần gặp gỡ hay chia lìa, một mối tình, một ánh mắt, một nụ cười, một dáng đi, một tà áo, một giọng nói, một câu dỗ dành, một bài hát hay một lời thơ... Đôi khi bất chợt gặp lại, mùi hương nồng ấm của thứ dầu gió này có thể giúp ta dăm ba giây phút sống lại những kỷ niệm xa xưa, để tâm hồn dịu đi đôi chút giữa cuộc sống xô bồ.
Trong hành trình dài của đời người, với những bể dâu gập ghềnh trong cuộc sống, tôi thấy mình vẫn có chai dầu xanh làm bạn đồng hành và được nó trợ giúp. Âu đó cũng là niềm vui và hạnh phúc. Tôi cảm ơn nó.
Võ Quách Thị Tường Vi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét