.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

17 tháng 6 2022

8 vấn đề thường gặp với bàn chân tuổi già....


Thực tế quá trình lão hóa của cơ thể bắt đầu từ rất sớm và âm thầm tác động lên các bộ phận cơ thể. Với đôi bàn chân, những thay đổi này có xu hướng phát triển dần dần khi quá trình phân chia tế bào và sản xuất collagen bắt đầu chậm lại.

 

Các vấn đề về chân liên quan đến lão hóa phổ biến nhất là những ảnh hưởng đến da, mô liên kết, khớp, móng và lưu thông máu.


1_ Khô da ở người cao tuổi



Sự suy giảm collagen trầm trọng hơn cùng với thiếu chăm sóc bàn chân phù hợp, có thể dẫn đến tình trạng gót chân nứt nẻ và sần sùi.

 

Nếu không được điều trị, như bôi kem dưỡng da, giữ vệ sinh bàn chân, da gót chân nứt nẻ có thể khiến người cao tuổi đau đớn khi đi lại hoặc thậm chí cả khi đứng. Hơn thế, nếu các vết nứt sâu, vi khuẩn có thể xâm nhập vào và gây nhiễm trùng bàn chân. Ở những người lớn tuổi hoặc người mắc bệnh tiểu đường, tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng da nghiêm trọng là viêm mô tế bào.

 

2_ Thoái hóa gân Achilles


Gân Achilles rất quan trọng cho cử động của bàn chân. Sự thoái hóa gân này có thể làm ảnh hưởng tới khả năng hoạt động linh hoạt cổ chân, bàn chân và ngón chân, thậm chí có thể ảnh hưởng tới việc đi, đứng bình thường. Nguy cơ bị rách, đứt gân này nếu người cao tuổi vận động quá mức như nhảy mạnh, chạy nhanh trên các bậc cầu thang…

 

Để phòng ngừa nguy cơ chấn thương, người cao tuổi cần chú ý thường xuyên tập các bài tập có tác dụng kéo giãn gân Achilles.


3_ Ngón chân quặp



Đó là sự uốn cong bất thường ở khớp của một hoặc nhiều ngón chân. Nguyên nhân có thể bởi việc đi giày bó hoặc cao gót nhiều năm- Sự phân bố trọng lượng không đồng đều lên các khớp và dây chằng của bàn chân. Khi tình trạng này xảy ra sẽ khiến ngón chân bị đẩy về phía trước, làm khớp ngón chân cái trở nên không ổn định và dễ tổn thương. Cứng khớp, khó chịu, sưng và đau là triệu chứng rất phổ biến.

 

Với ngón chân bị biến dạng, quặp sang ngón khác, kéo giãn có thể giúp khôi phục một số khả năng vận động nhưng không đảo ngược tình trạng bệnh. Để khắc phục, có thể dùng miếng đệm ngón chân, nẹp và giày dép vừa vặn có thể giúp giảm bớt phần nào cảm giác khó chịu và đau nhức.

 

4_ Bàn chân bẹt ở người cao tuổi.


Khi bàn chân già đi, các mô liên kết sợi được gọi là dây chằng có thể bắt đầu xơ cứng, làm giảm chiều cao của vòm chân, dẫn đến sụp vòm chân gây ra tình trạng bàn chân bẹt.


Bàn chân bẹt kéo theo hàng loạt hệ lụy cho hệ vận động của cơ thể như: sưng mắt cá trong và vòm chân, đau gót chân, cột sống, xương hông, đầu gối... Sụp vòm bàn chân cũng là một trong những nguyên nhân khiến người cao tuổi dễ mất cân bằng cơ thể, dễ té ngã.

 

5_ Thay đổi ở móng chân


Móng chân thường trở nên dày hơn và dễ gãy hơn khi ta già đi, điều này khá bình thường. Sự phát triển của móng có liên quan tới sự suy giảm hormone ở người cao tuổi. Estrogen và testosterone là các hormone kích thích sản xuất keratin và góp phần làm cho móng chân và móng tay trở nên mịn màng, vững chắc. Khi các hormone này suy giảm, có thể khiến móng của chúng ta đổi màu, nứt nẻ và hình thành các đường gờ và lớp không đồng đều.


Mặc dù chăm sóc móng đúng cách có thể cải thiện đáng kể vẻ ngoài của móng, nhưng điều đó không đủ để ngăn hoàn toàn những thay đổi liên quan đến lão hóa. Ngoài ra, móng của người cao tuổi có thể có những thay đổi và những dấu hiệu này có thể cảnh báo một số căn bệnh như suy giáp, bệnh tim, bệnh phổi, bệnh gan, nấm móng, ung thư móng…

 

6_ Dày sừng tiết bã


Một tình trạng da phổ biến ở người cao tuổi là dày sừng tiết bã. Đây là u da lành tính và thường bị nhầm với mụn cóc,có thể gặp ở đầu bàn chân, ngón chân và mắt cá chân, ngoại trừ lòng bàn chân. Mặc dù các tổn thương này không gây đau đớn nhưng đôi khi chúng có thể gây ngứa hoặc kích ứng khi đi giày.

 

Trong một số trường hợp, dày sừng tiết bã có thể khó phân biệt với u da ác tính. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về màu sắc, kết cấu hoặc hình dạng của các tổn thương. Đây có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư da, bao gồm ung thư biểu mô tế bào đáy sắc tố và u hắc tố da.


7_ Viêm khớp


Viêm khớp dạng thấp, ảnh hưởng đến khoảng 10% nam giới và 13% phụ nữ trên 60 tuổi.  Các khớp cổ chân, mắt cá chân, khớp ngón chân cái, khớp bàn ngón chân thường bị ảnh hưởng... 

 

Ngoài ra, bệnh gút là một bệnh rối loạn gây viêm trong đó sự tích tụ của các tinh thể axit uric xung quanh khớp gây ra các cơn đau cấp tính chủ yếu ở ngón chân cái.

 

8_ Vấn đề tuần hoàn



Một trong những triệu chứng phổ biến nhất ở bàn chân và mắt cá chân ở người cao tuổi là phù. Phù thường do lưu thông kém, dẫn đến tích tụ chất lỏng ở chi dưới (đặc biệt là mắt cá chân và bàn chân).

 

Phù thường liên quan đến các bệnh gặp ở người lớn tuổi, chẳng hạn như: Suy tim; Bệnh thận mãn tính; Xơ gan và các bệnh gan khác… 

 

Sự tắc nghẽn của mạch máu có thể dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch sâu, viêm mạch bạch huyết, điển hình là phù một bên chân. Bệnh tim mạch, một  số loại thuốc và thay đổi nội tiết tố có thể gây phù ở cả hai chân.

 

Bệnh tiểu đường cũng có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu, đặc biệt là ở người già. Nếu tắc nghẽn mạch xảy ra, nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường có thể khó điều trị hơn rất nhiều, dẫn đến hình thành các vết loét không lành, hoặc hoại tử.

 

Bệnh thần kinh do tiểu đường với cảm giác như kim châm chủ yếu ảnh hưởng đến chân và bàn chân, là một hậu quả phổ biến khác của bệnh.

 

Cẩm Bình


Thoái Hóa Khớp Gối.

Đau khớp gối và đi đứng khó khăn là triệu chứng hay gặp ở người trung niên và người già. Nguyên nhân là khớp gối bị thoái hoá. Theo thời gian khớp gối ngày càng bị già đi , bị thoái hoá nhiều hơn. Cấu trúc của xương đùi, xương cẳng chân bị thưa, yếu, dịch khớp gối bị khô, hệ thống dây chằng bị yếu, nhão.

Cuối cùng dẩn đến tình trạng yếu, mõi, đau nhức vùng gối.

Khi điều trị bác sĩ thường cho thuốc giảm đau, kháng viêm, thư giản cơ, thuốc hổ trợ khớp như glucosamin…

Loại thuốc giảm đau nhẹ nhất là thuốc giảm đau ngoại vi như Paracetamol. Mạnh hơn một chút là thuốc kháng viêm Non steroid như Ibuprofen, Meloxicam, Celecoxib… Thuốc kháng viêm giảm đau mạnh hơn nữa là corticoid ( Prednisolone, Methyl Prednisolone… Thuốc giảm đau có thể xử dụng riêng lẻ hay phối hợp. Những thuốc nói trên có tác dụng giảm đau đôi khi thật ngoạn mục. Uống vào vài hôm đã thấy hết đau. Nhưng khi ngừng thuốc, cơn đau khớp lại tái xuất hiện!

Cuối cùng do uống các loại thuốc trên trong thời gian dài , người bị thoái hoá khớp vừa không hết đau do chứng thoái hoá khớp lại vừa thêm một bệnh nữa là đau dạ dày. Đôi khi có những trường hợp nặng hơn nữa là xuất huyết do tổn thương dạ dày
Các bạn biết không, có một cách khác để giải quyết đau do thoái hoá khớp hữu hiệu và hầu như không có tác dụng phụ và làm mạnh khớp gối. Đó là tập thể dục vùng gối.

Có nhiều động tác tập cho khớp gối

Theo kinh nghiệm điều trị tôi thấy có một động tác đơn giản, dễ áp dụng và có hiệu quả tốt cho người lớn tuổi bị đau khớp gối mà không có tác dụng phụ

Động tác này chủ yếu giúp hệ thống dây chằng vùng khớp gối được mạnh, dẻo dai. Các bạn xem lại hình minh hoạ sẽ thấy hệ dây chằng là phần chủ lực cho sự vận động khớp gối ( và tất cả khớp trong cơ thể  nữa ). Do đó đây là bài tập dù vô cùng đơn giản nhưng rất hiệu quả giúp khớp gối khoẻ mạnh.

BÀI TẬP THỂ DỤC KHỚP GỐI: Tay trái đặt tại thắt lưng. Bàn tay phải đặt lên tay trái. Chiều rộng 2 chân bằng chiều rộng 2 vai. Từ từ rùn gối xuống rồi đứng thẳng lên, mỗi ngày 2 lần mỗi lần ít nhất 40 lượt ( cẳng chân và đùi hợp thành một góc khoảng 120 độ = ngồi xuống giữa chừng, không cần ngồi quá thấp )

Trong khi tập động tác này, các bạn nên tập chậm và vừa tập vừa chú ý đến vùng dây chằng trước khớp gối. Buổi sáng tập đứng lên ngồi xuống 40 lần, chiều 40 lần nữa ( theo thời gian các bạn có thể tăng số lần tập ). Những bác lớn tuổi, yếu, có thể có thể tập 10 lần rồi ngồi ghế nghỉ, sau đó tập tiếp tục cho đến 40 lần. Hoặc không cần đặt 2 tay sau lưng và có thể vừa tập vừa nắm tay vào cạnh bàn cũng được

Kỳ diệu thay, chỉ một động tác thể dục "đứng lên ngồi xuống" cũng đủ cải thiện chứng đau do khớp gối bị thoái hoá ( Ngoài ra các bạn nên uống bổ sung calcim D và phơi nắng sáng mỗi ngày # 30 phút , tránh ngồi xổm vì làm căng đau dây chằng khớp gối ). Nhiều bệnh nhân đã nhận được lợi ích từ bài tập đơn giản này. Các bạn hãy thử xem!

BS Huỳnh Hải

 

Bệnh Giời Leo - Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Hỏi:

Mấy tuần trước tôi có bị nổi mụn nước, kéo dài từ trước ngực bên phải ra sau

 lưng bên phải, rất đau rát.

Bây giờ mụn nước đã hết rồi mà vẫn còn đau rát rất

 nhiều.  Người nhà tôi nói là tôi bị “giời leo.”

Tôi ở nhà rất sạch sẽ, không có đi đâu xa, và không

 bao giờ thấy bị con gì leo lên cả, mà sao lại có thể 

bị giời leo?

Xin cho biết con “giời” thường ở đâu, lớn hay nhỏ,

mà tôi bị “giời” leo hồi nào mà không hay biết gì cả?

Có cách gì để hết đau rát không? Bao lâu sẽ hết?

Trong bài viết về bệnh “Trái Rạ,” bác sĩ có cho biết là 

nếu đã bị trái rạ, thì sau này có thể bị giời leo.

Xin bác sĩ nói rõ hơn về việc này. 

Ðáp
Giời ăn hay giời leo, tiếng Anh gọi là shingles hoặc 
herpes zoster hoặc (đơn giản chỉ là) zoster
không phải là hiếm gặp.

Theo thống kê, có khoảng 20 phần trăm của người Mỹ
sẽ bị giời leo một lần nào đó trong cuộc đời.
Giời, là một côn trùng giống giống như con rít to. 
Có lẽ vì các tổn thương của shingles kéo dài thành 
đường giống như hình dạng của con giời, hoặc vì
 triệu chứng của bệnh giống như là vết phỏng vì bị
 con giời bò lên người, tiết ra những chất nhầy nóng
 như: acid (làm phỏng), nên người xưa nghĩ, và 
gọi bệnh này là giời leo hay chăng? 
Thực ra bệnh “giời leo” không có ăn nhập gì với con 
(ông) giời này cả.

Giời leo là hậu quả của việc tái hoạt (reactivation) 
của virus gây bệnh trái rạ(chicken pox) thường 
gặp khi ta còn nhỏ.

Virus gây ra bệnh trái rạ làvaricella zoster.

Một khi ta đã bị trái rạ, varicella zoster sẽ “nằm vùng”

 lại trong các mô thần kinh của cơ thể suốt đời.

Giời leo (shingles) xảy ra khi varicella “tái xuất 

giang hồ” khi gặp “thời cơ.”

“Thời cơ này thường là khi sức đề kháng của cơ thể
 bị yếu đi. Do đó giời leo thường xảy ra ở người
 lớn tuổi, và những người bị suy giảm miễn dịch
 như các bệnh nhân SIDA, đang điều trị ung thư,
 trong lúc đang bị stress, vânvân.

Như vậy là virus gây ra giời leo không lây, để gây
 giời leo ở người khác ngay lập tức. 

Nếu một người chưa có sức đề kháng với virus bệnh 

trái rạ, nếu bị lây virus từ người đang bị giời leo, 

người đó sẽ bị trái rạ vào lúc đó.

Giời leo chỉ có thể xảy ra rất lâu sau đó khi virus này

 tái hoạt.


Không ít người lẫn lộn giữa giời leo và bệnh 
cũng nổi mụn nước ở vùng chung quanh miệng, 
do virus Herpes simplex loại một gây ra.

Hai bệnh này bề ngoài đôi khi có thể nhìn hơi giống 

nhau, nhưng nguyên nhân hoàn toàn khác nhau.

Herpes simplex cũng thường ít gây đau đớn hơn 
bị giời leo.

Vì varicella “nằm vùng” ở các mô thần kinh, khi chúng “quậy” lên, đầu tiên bệnh nhân sẽ có các cảm giác đau như kiểu đau thần kinh, tức là tê tê, nóng nóng, rần rần, buốt như điện giựt ở vùng chi phối của nhánh thần kinh đó. 

Sau khoảng ba ngày mới phát ra các ban đỏ và mụn nước, mụn nước có khi to bằng cả bàn tay.

Vùng bị nổi đỏ và mụn nước rất đau đớn, có khi quần áo đụng vào cũng chịu không nổi. 

Ngay cả dù không điều trị, thường mụn nước cũng sẽ tự vỡ, khô mài trong vòng khoảng hai đến bảy ngày.

Mài thường tróc hẳn trong vòng một tháng.

Tùy theo mụn nước lớn hay nhỏ và cách giữ vệ sinh, có thể không để lại sẹo, hoặc để lại sẹo lớn hay nhỏ. 

Giời leo thường đi kèm với mệt mỏi, sốt nhẹ, và ê ẩm mình mẩy, như trong các trường hợp nhiễm virus khác.

Sau khi vết thương tróc mài, bệnh nhân có thể vẫn còn đau. Khoảng 10 phần trăm bệnh nhân sẽ phải chịu đựng các cơn đau kéo dài, gọi là post herpetic neuralgia. 

Các cơn đau “hậu giời leo” này có thể kéo dài nhiều tháng, đôi khi có thể nhiều năm, thường gặp hơn ở người lớn tuổi, và có thể hạn chế được bằng cách trị liệu giời leo bằng thuốc chống virus sớm và thích hợp.

Ngoài ra, một số biến chứng có thể xảy ra làm mù mắt, điếc, liệt mặt, nếu virus tấn công vào các vùng thần kinh này.

Do đó, nếu thấy giời leo lan đến gần mắt, vào tai, nên đến bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Vì virus varicella thường chỉ tấn công vào một nhánh thần kinh, nên thường bệnh nhân chỉ bị các tổn thương nói trên ở một bên của cơ thể, theo vùng thần kinh bị ảnh hưởng.

Các trường hợp “chạy giáp vòng” rất hiếm gặp.

Nếu có, thì chắc là sức đề kháng đã quá yếu, khiến cho virus có thể “nhất loạt nổi dậy” khắp nơi, và nếu bệnh nhân chết thì là vì mạng đã tận, do sức đề kháng đã không còn nữa, chứ không phải vì giời leo là chính.

Các triệu chứng đau đớn và biến chứng của giời leo, có thể được hạn chế nếu bệnh được chẩn đoán sớm, bác sĩ cho uống thuốc chống virus sớm (trong vòng ba hay trễ lắm là bảy ngày), và đủ liều.


Thuốc sẽ cần phải cho càng sớm càng tốt và với liều cao, uống đủ ngày, để có thể “dập” “bọn” virus này khi chúng chưa kịp “khuếch trương lực lượng.”

Các biến chứng cũng có thể tránh được khi được điều trị dự phòng từ sớm. 

Cũng có nhiều thuốc giúp giảm bớt các triệu chứng đau “hậu giời leo.”

Các thuốc này có nhiều tác dụng phụ và cần được khám và theo dõi cẩn thận.

Hiện nay đã có thuốc chủng ngừa giời leo. Thuốc hiện đang được sử dụng ở Hoa Kỳ có tên là Zostavax. 

Một liều duy nhất của thuốc chủng ngừa giời leo được khuyến cáo cho những người từ 60 tuổi trở lên, dù là trước đây người đó đã từng bị giời leo hay chưa.

Những người với các tình trạng đau yếu mạn tính, cũng có thể chủng ngừa thuốc này, trừ khi có chống chỉ định hay những tình trạng cần phải thận trọng khi chích ngừa thuốc này.

Các chống chỉ định (tức là các tình trạng khiến cho việc chích thuốc này có thể gây ra nguy hiểm cho bệnh nhân, do đó, họ không nên dùng thuốc này) bao gồm:

Những người đã từng bị dị ứng với các thành phần của thuốc này hoặc chất gelatin, đã từng bị sốc thuốc (anaphylactic/anaphylactoid reaction) với neomycin, bị ung thư máu (leukemia hoặc lymphoma), bị suy giảm miễn dịch, ví dụ như bị nhiễm HIV, đang bị lao mà chưa điều trị, có bầu hoặc dự định có bầu trong vòng 3 tháng.


Cần thận trọng khi chích ngừa, nếu đang bị
 các bệnh cấp tính và đang sốt, tốt nhất là chờ
khỏi bệnh hãy chích.


Tóm lại,  giời leo (shingles hay zoster) là do sự tái hoạt của virus gây ra trái rạ (chicken pox). 

Các triệu chứng và biến chứng của bệnh có thể được giảm bớt rất nhiều,  nếu được chẩn đoán và cho thuốc chống virus (và chống viêm nếu cần thiết) càng sớm càng tốt.

Chủng ngừa ở người trên 60 tuổi là cách đơn giản

 và tương đối hữu hiệu để phòng bệnh này.

 

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng




 

 

 


















 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.