.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

17 tháng 6 2022

Đây là sinh vật sở hữu cặp sừng to như ngà voi, bất ngờ với thứ chứa bên trong: Đó là gì?????

 Nếu nhìn những sinh vật dưới đây, chắc hẳn bạn sẽ phải kinh ngạc trước kích thước to lớn của cặp sừng mà chúng sở hữu. Thậm chí những chiếc sừng này có hình dạng cũng chẳng khác gì những chiếc ngà voi.

Sinh vật kỳ lạ sở hữu cặp sừng to như ngà voi trên đầu!

Chúng là sinh vật gì?

Những con bò Watusi.

Những sinh vật sở hữu cặp sừng to lớn trên chính là một loài bò bản địa ở châu Phi, có tên là bò Watusi hay còn gọi là bò Ankole sừng dài, bò Ankole-Watusi (tên khoa học: Bos taurus indicus). Đây là một loài bò có vai trò quan trọng trong cuộc sống của người châu Phi.

Vẻ ngoài của chúng không có gì đặc biệt so với các loài bò khác nếu không kể đến chiếc sừng đặc biệt to lớn này. Cặp sừng lớn giúp chúng chiến đấu và tự vệ trước những kẻ thù nguy hiểm cũng như khi giao tranh với đồng loại để giành lãnh thổ hay bạn tình.

Con bò có sừng dài nhất thế giới. (Ảnh: Guinnessworldrecords)

Một con bò Watusi trưởng thành có thể nặng từ 410 tới 730 kg, cao hơn 2,4 m nhưng cũng rất khó khăn khi giữ thăng bằng cho cặp sừng to lớn của mình. Chiếc sừng kỷ lục của một con bò Watusi tại bang Utah, Mỹ lên đến 103,5 cm (theo Guinnessworldrecords).

Đối với bộ tộc Mundari ở Nam Sudan, họ vô cùng coi trọng loài bò này, xem chúng như là của cải giá trị nhất của mình và sẵn sàng bảo vệ chúng với bất cứ giá nào, kể cả việc hy sinh tính mạng của mình hay sử dụng súng ống.

Chúng còn được xem như một loài tiền tệ, biểu tượng cho địa vị của một gia đình, người Mundari rất hiếm khi giết thịt chúng mà chủ yếu lấy sữa từ loài bò này. Chiếc sừng to lớn của bò Watusi thực chất là một kho tích trữ Calcium cho cơ thể.

Đây là nguồn dinh dưỡng chính đối với người dân bản địa, nhất là ở những khu vực khô hạn và khắc nghiệt nhất của châu Phi.
Sưu Tầm

Bên trong hang động huyền ảo từng là nơi dừng chân của các vị vua xứ chùa Vàng.

Địa điểm nằm cách Bangkok 110 km và mất 45 phút lái xe từ Hua Hin (Thái Lan).

Nằm bên trong Vườn quốc gia Khao Sam Roi Yot, tỉnh Prachuap Khiri Khan, Thái Lan, hang động Phraya Nakhon là sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên và nét chấm phá bởi bàn tay con người. Hang động được biết đến như một kho báu thiên nhiên quốc gia trên bán đảo Bắc Mã Lai.

Phraya Nakhon là một trong những hang động đẹp và bí ẩn bậc nhất Thái Lan.

Hệ thực vật tươi tốt phủ quanh hang hệt như khung cảnh trong các bộ phim.

Hang động này được cho là đã được phát hiện khoảng 200 năm trước. Còn câu chuyện ai là người phát hiện ra nơi đây đầu tiên vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi. Mặc dù vậy, vẻ đẹp tự nhiên bên trong hang động là cảnh tượng tuyệt đẹp khó tìm thấy ở những nơi khác trên mảnh đất chùa Vàng.

Sự kỳ vĩ của hang động được điểm tô bởi mái đình được xây dựng ở vị trí đón nắng từ trên trần.

Hang động được hình thành từ ba hang động với sự xói mòn tự nhiên của đá vôi mang lại một cấu trúc ấn tượng. Vào bên trong hang, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những thạch nhũ, những tảng đá hình thù kỳ dị và hệ thực vật tươi tốt.

Năm 1890, để kỷ niệm chuyến viếng thăm của Vua Chulalongkorn (Rama V), một mái đình đã được xây dựng trong khuôn viên hang động để làm nơi dừng chân cho vua và đặt tên Khuha Kharuehat.

Kể từ đó, Khuha Kharuehat trở thành một biểu tượng địa phương của tỉnh Prachuap Khiri Khan. Dọc theo bức tường buồng chính của hang động là chữ ký của Vua Chulalongkorn (Rama V) và Vua Prajadhipok (Rama VII).

Khuha Kharuehat lộng lẫy giữa hang.

Khuha Kharuehat được xây dựng theo cách có thể giúp nơi đây nhận được toàn bộ ánh sáng mặt trời, xuyên qua mái hang.

Ánh sáng chiếu vào càng tăng thêm sự huyền ảo, kỳ bí bên trong hang động.

Đó cũng chính là hình ảnh tráng lệ được nhiều người mong chờ nhất trên hành trình khám phá hang Tham Phraya Nakhon, khi một phần hang động được ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống, và mái đình vàng rực rỡ được bao quanh bởi một bên là cây cối xanh tươi, một bên là những nhũ đá lấp lánh.

Khoảnh khắc ấn tượng này diễn ra đẹp nhất vào lúc 10 giờ đến 10g30 sáng mỗi ngày, và có thể thay đổi tùy theo mùa trong năm.


Du khách sẽ trải qua một hành trình đi bộ tốn nhiều sức để đến được hang động, thế nhưng, với phần thưởng là cảnh quan tuyệt đẹp bên trong hang thì hoàn toàn xứng đáng với từng giọt mồ hôi bỏ ra.

Cersei(Tổng hợp)


Chuyện hài hước về nguồn gốc cái tên “sầu riêng” ở xứ ta.

Một người ngoại quốc tới Nam Việt từ đầu thế kỷ thứ XIX kể chuyện trong tập ký ức của ông là đời ông đã phải một mẻ khiếp sợ, ấy là ông đã bị bắt buộc ăn trái sầu riêng, nhưng ông cũng thú rằng hết sợ rồi quen và hết quen thành ra mắc nghiện. Ấy là nghiện ăn trái sầu riêng.

Năm ấy ông mới bước chân tới Sài Gòn còn gọi là Tây Cống, thì được mời tới dự tiệc tại dinh một vị đường quan. Vì xã giao ông phải tới, và muốn biết phong tục của xứ ta, ông lấy làm sung sướng mà tới. Người Trung Hoa cho ông trọ đã rỉ tai cho ông tường qua về xã giao của ta thế nào và khuyên ông phải ăn hết thảy những món ăn nào mà chủ nhân mời mình. Người ta mời mà mình từ chối, ấy là khách khinh chủ đấy.

Ông khách ngoại quốc sau khi y phục chỉnh tề, nhảy lên xe ngựa tới dinh dự tiệc. Thôi không thiếu một sơn hào hải vị nào, toàn những thức ăn mà ông chưa từng được thấy ở nước nhà bao giờ, chủ mời ông ăn món gì, ông đều không từ chối. Mà món gì cũng ngon thật, vì nó lạ miệng. Đến khi tráng miệng ông thấy gia nhân mang ra một dĩa lớn trên bày một thứ gì màu vàng nhợt, to bằng hột gà. Chưa để lên bàn ông đã ngửi thoảng thấy mùi giống như trứng hư hệt như phó-mát “ca-măm-be” của người Âu châu.

Một điều lạ khiến ông chú ý là sau khi các dĩa kia đã bày ở trước mặt quan khách thì gia nhân lại đặt ở giữa bàn một cái đỉnh đồng nhỏ trong đốt trầm và hương khói tỏa lên nghi ngút. Mùi trầm hương đánh át hẳn mùi dĩa thức ăn tráng miệng kia. Chủ nhà trịnh trọng đứng lên mời khách chiếu cố xơi đồ tráng miệng. Ông khách ngoại quốc đưa mắt nhìn xem bạn đồng bàn ăn uống ra sao. Người ta làm gì ông cũng làm vậy. Ông thấy người ta thò năm đầu ngón tay vào cái bát bằng bạc đựng chút xíu nước, trên thả vài lá chanh rồi rửa năm đầu ngón tay để lấy đồ tráng miệng. Ông khách phương xa theo xã giao cùng thò tay đón lấy một miếng, cầm hơi rồi cho vào miệng. Mùi trầm thơm tho át cả mùi rượu, mùi thực phẩm. Ông nhai để nuốt. Nhưng chao ôi!

Ông thấy nó làm sao ấy. Trong miệng ông có một thứ ăn nhun nhũn, mềm mềm và cái mùi nó mấy lạ làm sao. Không ra mùi thịt ôi, chẳng giống mùi phó-mát, nó là một mùi khó tả. Đã cho vào miệng, ông nhai rõ nhanh rồi nín hơi lấy sức nuốt, nhưng ông càng cố gắng nuốt thì lương trí ông không cho, có cái gì nó giữ món ăn mới lạ ở cổ ông. Vẫn cầm hơi, ông ráng sức một lần nữa, đem hết sức bình sinh mà nuốt, mồ hôi toát ra ở trên trán. Thế rồi may mắn cho ông lúc khó khăn ấy, chủ nhân đến trước mặt ông, trịnh trọng hỏi ông ăn phẩm vật có ngon không. Để có thể trả lời, ông nuốt đến ực một cái, thế là cái của nợ ấy, từ mồm ông đã chui tọt vào bao tử ông rồi, khiến ông tươi tỉnh đáp lại lời chủ nhân: “Thưa ngài món ăn này thật là ngon, tôi chưa từng được thưởng thức bao giờ.”

Thấy khách nói vậy, chủ nhân theo lối Á Đông nhất định chiều quý khách, đến gần khẩn khoản mời ông cùng ăn nữa…

(Tranh trong “Văn hóa nguyệt san” số 7, tháng 10-11/1955)

Mồ hôi trán ông lại đổ ra, nghĩ đến phải ăn nữa, quả tim ông đập như trống đánh, hai tai ông ù lên, mắt ông hoa cả đi. Để khách không từ chối, chủ nhân trịnh trọng lấy một miếng để ăn và miệng mời khách. Ông khách của chúng ta thật khó nghĩ, không biết ăn làm sao nói làm sao. Thôi đành:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Để xem con tạo xoay vần ra sao?


Thế rồi như một cái máy, với một bộ mặt vui vẻ, ông thò tay lấy một miếng rồi đồng thời với chủ nhân, ông tươi cười cho vào miệng, để tươi tỉnh nhai rồi tươi tỉnh nuốt. Hết miếng này đến miếng khác, chủ và khách “xơi” hết cả đĩa! Ăn xong, mồ hôi ông khách ra ướt hết cả áo lót mình, như thể tắm dưới sông. Chủ gọi lấy nước chè tàu nóng rồi cùng khách uống và đàm thoại. Ông lấy làm lạ là sau khi uống nước chè tàu, ông thấy vị chè với vị trái cây kia hòa hợp với nhau tạo thành một hương vị đặc biệt, nó thoảng thơm ở trong miệng ông mãi và nó không ghê sợ, không lợm giọng như lúc đầu ông ăn. Ông hỏi chuyện chủ nhân về cái trái gì mà ngon vậy.

Chủ nhân cho mang ra một trái to bằng đầu người, vỏ xù xì mà ông gọi là “trái mít gai”, vì vị nó giống vị mít, hình nó giống hình trái mít. Khách là một nhà bác học chuyên về thảo mộc; ông đã chu du thiên hạ, tham dự nhiều đoàn thám hiểm nghiên cứu về cây cối năm châu. Trông thấy trái này, ông nhận ngay là một trái cây mà ông đã thấy mọc ở Mã Lai và thổ dân vẫn lấy để tế thần rồi mấy ăn. Chủ nhân hỏi khách có biết tên trái này là gì không? Nhớ đến tên mà thổ dân Mã Lai đã bảo ông, ông nói, với giọng người ngoại quốc mới học tiếng Việt:

Trái này là trái Dâu-riăng của người Mã Lai.

Chủ nhân và mọi người đều nhắc lại cái tên là lạ Dâu-riăng ấy. Rồi sau bữa tiệc “vô tiền khoáng hậu” ấy đối với nhà khoa học ngoại quốc kia, tiếng Dâu-riăng được truyền khẩu, một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn nghìn, nó đến chợ, nó qua mồm các người nông dân, và tới đầu thế kỷ hai mươi, cái tên thực thụ Mã Lai của trái ấy là Doerian hay Durian, qua một nhà thảo mộc học nói tiếng Việt thành ra Dâu-riăng rồi qua bao nhiêu năm nay đã có cái tên ngộ nghĩnh là Sầu Riêng.

Trái Sầu Riêng thuộc về loại cây bông (gòn) họ man-vát- và tên khoa học là Durio zibethinus, trong có nhiều chất bổ như bột (11%), đường ngọt (16%), đạm chất (7%), dầu béo (3%), khoáng chất (1%), và sinh tố A nữa.

Như vậy ăn trái Sầu Riêng kể ra rất bổ tuy cái vị nó bùi, nhưng mùi nó lạ lùng khiến cho ai đã quen thì ưa, và đã ưa đâm ra nghiện. Còn những ai chưa quen thì cho cái mùi ấy nó mạnh làm sao, nó khó ngửi làm sao, và ai có ăn trái ấy là theo “nhân tâm tùy thích”. Xin giữ lấy mùi ấy cho mình nếu muốn thưởng thức lấy toàn hương vị của nó thì phải biết uống nước chè tàu, phải biết ngâm thơ, và phải có nghị lực, theo như câu hát nơi đồng ruộng vùng Lái Thiêu thuộc tỉnh Thủ Đầu Một là nơi sản xuất ra nhiều Sầu Riêng:

Trái chi hương vị lạ đời,
Sầu Riêng ấy trái dễ mời khó ăn.


Nguyễn Công Huân

 

 














 





Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.