.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

20 tháng 6 2022

Ly kỳ về cặp chị em "kỳ phùng địch thủ" nổi tiếng nhất TG: Người lấy chồng TT Mỹ, người trở thành Vương Phi

 Ly kỳ về cặp chị em "kỳ phùng địch thủ" nổi tiếng nhất TG


Cặp chị em "kỳ phùng địch thủ" nổi tiếng nhất thế giới: Người lấy chồng Tổng thống Mỹ, người trở thành Vương phi và kết cục không ai ngờ. Hai chị em nổi tiếng đã kết hôn với hai người đàn ông quyền thế nhất thế giới và kết cục của họ lại hoàn toàn khác nhau. Họ là ai?

Đều xuất thân cao quý, sống trong nhung lụa giàu sang và kết hôn với những người đàn ông quyền lực nhất thế giới, chẳng ai ngờ rằng cặp chị em nổi tiếng nhất nước Mỹ lại là "kỳ phùng địch thủ" của nhau, họ cạnh tranh nhau từng chút một từ trang phục, tiền bạc, địa vị cho đến chuyện chồng con.

Không ai muốn làm cái bóng của ai và chẳng ai muốn bị đem ra so sánh trong vị thế thấp kém hơn. Ấy vậy mà cuối cùng, kết cục của họ lại khiến nhiều người xót xa.

Cái bóng của người khác
Jacqueline Kennedy Onassis (hay còn được gọi là Jackie) sinh năm 1929, được biết đến là vợ của cố Tổng thống Mỹ nổi tiếng John F. Kennedy. Bà trở thành Đệ nhất phu nhân Mỹ từ năm 1961 - 1963. Lee Radziwill, người em gái sinh năm 1933 của bà cũng không hề thua kém chị mình khi kết hôn với một thành viên trong hoàng tộc Ba Lan.

Trước khi trở thành "kỳ phùng địch thủ", cả hai từng trải qua tuổi thơ thân thiết, gắn bó bên nhau. Cha mẹ họ đều xuất thân từ giới thượng lưu, người cha là ông trùm tài chính đầy uy tín còn mẹ của họ là một quý bà chuẩn mực có mối quan hệ xã giao rộng rãi. Trong khi người cha có tính cách dễ chịu thì mẹ của hai chị em lại là người nguyên tắc, bà luôn uốn nắn các con phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc ứng xử, hành vi chuẩn mực của giới thượng lưu.


Từ việc học tập, cưỡi ngựa cho đến ca múa hát, mọi thứ Jacqueline đều muốn giành hạng nhất. Do đó, sự ra đời của cô em gái Lee Radziwill (hay thường được gọi là Caroline) khiến Jacqueline cảm thấy bị "đe dọa" và phải cố gắng hơn. Chính vì vậy mà càng lớn, Caroline càng phải sống dưới cái bóng quá hoàn hảo của chị mình.

Những gì Caroline đạt được đều bị đem ra so sánh với chị và bà buộc phải trở thành hình mẫu lý tưởng giống như chị gái để không phụ lòng cha mẹ. Một cô bé còn nhỏ tuổi mà phải chịu quá nhiều áp lực đôi khi cũng muốn vùng vẫy khỏi cái lồng son ngột ngạt ấy. Caroline đã từng nghĩ đến việc bỏ trốn để được là chính mình, không còn bị đem ra so sánh.


Caroline thường xuyên bị đem ra so sánh với chị mình

Bà từng chia sẻ rằng: "Vào năm 7 tuổi, khi chúng tôi ở New York, tôi từng có ý định bỏ trốn. Tôi dắt theo con chó cưng của mình và bắt đầu băng qua cầu Brooklyn nhưng tôi không thể đi được xa. Thật khó để chạy trốn khỏi gót chân của mẹ mình".

Thay vì lắng nghe tâm tư của các con, Janet Lee Bouvier, mẹ của họ chỉ muốn hai con gái trở thành "những người giỏi nhất". Caroline từng rất yêu quý chị gái mình nhưng trong lòng bà cũng cảm thấy buồn bực vì không thể đạt được thành tích giống với chị gái chẳng hạn như giành giải cưỡi ngựa hay giành điểm cao nhất trong mọi môn học.

Caroline (phải) luôn nỗ lực trở thành người giỏi nhất như chị gái

Càng lớn, Caroline càng chịu nhiều áp lực vì cái bóng quá lớn của chị gái

Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Khi tới tuổi trưởng thành, Caroline và chị gái cùng theo học trường quý tộc nổi tiếng bậc nhất ở New York. Cả hai vẫn sống trong bầu không khí cạnh tranh khốc liệt từ học tập cho đến diện mạo bên ngoài. Trong mắt mọi người, Jacqueline là một thiếu nữ xinh đẹp và sành điệu, chẳng ai để ý rằng Caroline cũng là một đóa hoa nhỏ có sắc lẫn hương không kém gì chị mình. Caroline có tài năng thiên phú về thời trang với con mắt tinh tường nhưng cái bóng quá lớn của chị gái khiến bà luôn bị "lép vế" hơn.

Caroline từng trải qua thời kỳ sụt cân và thành tích học tập xuống dốc không phanh bởi những áp lực từ hào quang của chị gái. Trong khi em gái đang loay hoay tìm con đường đi riêng thì Jacqueline đã tỏa sáng mạnh mẽ ở cả trường học lẫn sự nghiệp. Sau khi học xong bằng văn học Pháp, bà vượt qua hàng trăm người để trở thành một phóng viên của công ty truyền thông uy tín lâu năm ở Mỹ.

Khi thấy chị gái mình ngày càng độc lập, Caroline cảm giác khoảng cách của hai người ngày càng xa. Đúng lúc đó, người mẹ đưa ra lời khuyên rằng: "Tiền tài và quyền lực mới là bí quyết để đạt được hạnh phúc cả đời".

Chính vì câu nói này mà cuộc đời của Caroline đã rẽ sang một hướng khác. Học tập, sự nghiệp và diện mạo đều không bì kịp chị gái, Caroline quyết định "chạy đua" với chị trong cuộc sống hôn nhân. Caroline vội vã kết hôn trước chị mình khi làm đám cưới với nhà xuất bản danh tiếng Michael Temple Canfield vào ngày 18/4/1953.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, Jacqueline đã "đánh bại" em gái mình khi đính hôn với một trong những người đàn ông sáng giá nhất nước Mỹ lúc bấy giờ, John F. Kennedy. Chồng Jacqueline không chỉ điển trai, hài hước, thông minh mà ông còn rất giàu có. Hôn lễ xa hoa của họ được tổ chức vào tháng 9 cùng năm và được đánh giá là "sự kiện hot nhất nước Mỹ năm 1953".

Jacqueline kết hôn với Tổng thống Mỹ tương lai

Kết hôn vội vàng để giành chiến thắng trước chị, Caroline ngày càng cảm thấy chán nản với cuộc hôn nhân này. Khi chị gái sắp thành Đệ nhất phu nhân sau khi ông Kennedy giành chiến thắng trong cuộc tranh cử Tổng thống, cuộc hôn nhân của Caroline và Michael Canfield cũng đi tới hồi kết.

Ông Michael Canfield từng tìm chị vợ Jacqueline để giúp mình cứu vãn cuộc hôn nhân này nhưng chỉ nhận về câu trả lời đầy sâu cay: "Kiếm tiền đi Michael, không phải những đồng lẻ cố định cậu vẫn thu vào hàng tháng mà là tiền tài và địa vị thực sự".

Jacqueline và em gái khi còn nhỏ

Vì sự nghiêm khắc của mẹ mình mà ngay từ nhỏ Jacqueline đã được giáo dục và đào tạo trở thành một nàng tiểu thư hoàn mỹ. Jacqueline thích đọc sách, làm thơ và rất giỏi cưỡi ngựa. Bà cũng thông thạo tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, thành tích học tập luôn xuất sắc. Với sự kỳ vọng của mẹ và vì bản thân luôn muốn trở thành người tốt nhất nên ngay từ khi còn nhỏ Jacqueline đã sở hữu tính hiếu thắng, không chịu thua bất kỳ ai.

Rõ ràng, Jacqueline vô cùng hiểu em gái bởi vì cả hai đều là đối thủ ngang tài ngang sức của nhau, bà hiểu rõ em gái muốn điều gì. Việc trở thành vợ của một ông chủ nhà xuất bản không thể thỏa mãn Caroline khi anh rể là Tổng thống Mỹ.

Không lâu sau, Caroline ngoại tình với Hoàng tử Ba Lan Stanislaw Albrecht Radziwill. Bất chấp khoảng cách 19 tuổi, Caroline quyết tâm đến với vị hoàng tử này vì ông có tất cả những gì bà khao khát: Danh hiệu quý tộc, tiền tài và địa vị trong xã hội. Sau đó, Caroline ly dị và được gả vào hoàng thất Ba Lan, trở thành Vương phi cao quý Lee Radziwill.


Caroline ly hôn rồi sau đó trở thành Vương phi Ba Lan

Một lần nữa thông qua cuộc hôn nhân, Caroline lại giành vị thế ngang ngửa với chị gái: Một người là Vương phi danh giá còn người kia là Đệ nhất phu nhân cao cao tại thượng. Cả hai đều có thân phận cao quý, thu hút hết ánh nhìn của công chúng và truyền thông.

"Hãy chính là bản thân mình"
Khi thân phận và địa vị giữa hai chị em ngang hàng nhau, họ bỗng trở nên thân thiết hơn. Caroline thậm chí còn cùng chị vào ở trong Nhà Trắng. Cả hai chị em cùng đi tham dự nhiều sự kiện với nhau. Đây là giai đoạn tình cảm của hai chị em phát triển tốt nhất.

Vào ngày 22/11/1963, khi Tổng thống Kennedy đột ngột bị một tay súng bắn tỉa bắn trúng và nằm chết trong lòng vợ, cuộc sống Đệ nhất phu nhân của Jacqueline đã phải kết thúc trong đau đớn. Caroline đã ở bên cạnh chị mình giúp bà vượt qua thời kỳ khủng hoảng đen tối ấy. Bản thân Caroline cũng không khá hơn khi cuộc hôn nhân của bà với Hoàng tử Ba Lan cũng rơi vào vòng xoáy rạn nứt.

Caroline và chị gái từng có quãng thời gian thân thiết khi cả hai ngang hàng về địa vị và quyền lực

Tổng thống Kennedy tử vong ngay bên cạnh vợ mình

Hai chị em gái đột ngột rơi vào bế tắc của cuộc đời: Một người vừa mất chồng, người còn lại cũng sắp ly hôn. Tuy nhiên, cuộc chiến đấu giữa họ vẫn chưa chấm dứt. Sau khi vụ ám sát xảy ra không lâu, Caroline mời chị gái đi tới hòn đảo của người tình Aristotle Onassis của mình để giải sầu.

Aristotle Onassis tuy có tướng mạo bình thường nhưng lại rất giàu có, sở hữu vô số bất động sản và du thuyền xa hoa trên toàn thế giới đặc biệt là luôn biết cách yêu chiều phụ nữ. Caroline từng cho rằng sau khi chia tay Hoàng tử Ba Lan, bà sẽ gả cho người đàn ông này để bước sang một trang mới. Tuy nhiên, Caroline đã mắc sai lầm trầm trọng khi để người tình gặp chị gái của bà.

Ông Aristotle Onassis đã say mê vẻ đẹp của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ. Vào tháng 10/1968, mộng đẹp của Caroline chính thức bị sụp đổ khi Jacqueline và Onassis kết hôn với nhau. Đây là cú đòn giáng mạnh vào Caroline khi bà bị chính chị gái và người tình phản bội, trong chốc lát cô em gái này trở thành trò cười trong mắt mọi người.


Jacqueline và Onassis kết hôn với nhau

Bà không tham dự hôn lễ của chị gái và sau đó cũng không tham dự lễ tang của Aristotle Onassis. Từ sau thất bại cay đắng ấy, bà muốn quay trở về là một Caroline của ngày thơ bé, sống là chính mình thay vì chạy theo ân oán tình thù với chị gái. Vì mải mê đấu tranh thiệt hơn mà bà nhận ra đã đánh mất đi bản thân mình từ lúc nào không hay. Caroline bắt đầu theo đuổi thời trang và âm nhạc, tái hôn với Mick Jagger, ca sĩ hát chính của nhóm nhạc rock The Rolling Stones.

Caroline từng có thời gian thử sức làm diễn viên tuy không nổi tiếng nhưng bà cho rằng: "Chỉ cần cống hiến hết bản thân mình đã đủ để thấy hạnh phúc rồi". Ngoài ra bà còn có hứng thú với ngành thiết kế, ngôi nhà lúc về già của Caroline do chính tay bà thiết kế, nó tràn ngập hơi thở của nghệ thuật và tình yêu với cuộc sống.


Caroline tìm lại cuộc sống của chính mình sau bao toan tính thiệt hơn

Dù có hơi muộn màng nhưng cuối cùng Caroline đã tìm được cuộc sống đích thực cho mình, không còn phải chạy đua theo hình bóng của người khác. Về phần Jacqueline, bà nhận được khoản tiền 26 triệu USD từ cuộc ly hôn với Onassis. Dù sống khá giả hơn Caroline nhưng cuối cùng Jacqueline qua đời sớm hơn em gái mình. Jacqueline qua đời vào ngày 19/5/1994 sau khi bị chẩn đoán mắc một căn bệnh quái ác.

Trong khi đó, Caroline qua đời vào ngày 15/2/2019, ở tuổi 85, tại căn hộ của bà ở Upper East Side, thành phố New York. Caroline đã trải qua những đau thương, mất mát thời trẻ, để lại hết những vinh quang một thời sau lưng nhằm kiếm tìm cuộc sống bình yên lúc cuối đời. Có thể thấy rằng, khi biển cạn sông mòn, thế sự xoay vần, bà mới hoàn toàn ngộ ra một chân lý, người sống cả một đời, không vì ai khác, chỉ vì chính mình mà thôi.

Caroline đến cuối đời đã được sống là chính mình


Nguồn Internet

Gỏi Đu Đủ


Tôi bị gỏi đu đủ bò khô nắm cẳng, cho tới bây giờ. Đĩa đu đủ bò khô đầu tiên tôi ăn là ở cổng trường Dũng Lạc, bên hông Nhà Thờ Lớn Hà Nội, khoảng đầu thập niên 1950. Ngày đó trước cửa trường có nhiều hàng quà vặt, điểm đặc biệt là hầu hết người bán là đàn ông. Ừ thì là trường con trai nhưng sao người bán lại cùng dòng giống, chuyện cho tới nay tôi vẫn cứ thắc mắc. Ông nào cũng có tên không phải do cha mẹ các ông ấy đặt. Bánh mì giò chả có ông Lý Toét, ông Đại Quấy bán cái chi chi tôi quên béng mất. Nhưng ông được tôi mến mộ nhất, ngày nào cũng dúi cho ông ấy ít tiền là ông bán món đu đủ bò khô thì lại không có tên. Tay ông cầm cái kéo cắt thịt bò dập tanh tách không ngừng, như một cách rao hàng. Khi có khách, hai tay đó cầm hai chai, một nước tương đen đen, một dấm trắng có pha chút ớt hồng hồng xịt lia lịa xuống chiếc đĩa nhôm đu đủ bò khô có vương chút rau thơm rau răm xanh xanh trên mặt. Chỉ nhìn hai cánh tay khua khua đã thấy nước bọt túa ra đầy miệng.

Tôi đã chết mệt với món đu đủ bò khô từ những ngày non dại đó. Cho tới ngày nay tôi vẫn…non dại. Vẫn mê món đu đủ bò khô. Vào nhà hàng nào có bán là tôi ít khi bỏ qua. “Bệnh” này bắt nguồn từ những ngày Hà Nội nhưng nặng thêm từ khi di cư vào Sài Gòn, khi nếm mùi gỏi đu đủ của ông già áo đen trước cửa tiệm nước mía Viễn Đông nơi góc đường Lê Lợi và Pasteur. Thời sinh viên, đậu chiếc xe Goebel hai màu vàng và cam bên lề, anh chàng tuổi trẻ ngày đó nhào vào hàng ông già áo đen, bưng chiếc đĩa nhôm ra ngồi trên yên xe đắm đuối với cái vị mằn mặn, chua chua, cay cay, nồng nồng không thể có trong các món ăn khác. Đĩa gọi đĩa, thường phải ít nhất hai đĩa mới dứt áo ra đi được. Có những ngày nặng túi, hai đĩa còn chưa ra đâu vào đâu, hai đĩa tiếp nữa mới…đủ. Còn tiếc rẻ húp hết nước trong đĩa. Báo hại bữa cơm chiều đó sao thờ ơ uể oải khiến bà già đưa mắt dò hỏi.

Anh bạn trẻ tuổi Phạm Công Luận, quen trên giấy bút nhưng chưa bao giờ giáp mặt, nhắc nhớ tới ông già áo đen của thời đó. “Những anh chị tôi, lứa tuổi nay đã bước vào tuổi 60, 70 rất quen thuộc với hàng bò khô, nay gọi là gỏi khô bò của ông già áo đen bán trên đường Pasteur. Họ vẫn nhớ những buổi chiều chưa tắt nắng của Sài Gòn nửa thế kỷ trước, tan trường Sư Phạm, trường Luật là phóng xe ra ngay góc ngã tư Lê Lợi – Pasteur, ngồi trên xe gọi mấy đĩa khô bò đu đủ cùng một lúc. Từ xa đã thấy bóng ông chủ xe khô bò, luôn luôn bận áo đen nên chết tên. Phải canh làm sao để ăn được gỏi khô bò của “ông già chemise noire” hay “ông già áo đen” này dù khu đó có tới bốn người bán gỏi khô bò đu đủ bào. Không mấy ai biết tên gì, chỉ gọi biệt danh như vậy”.

Món khô bò đu đủ bào ngon như thế nào phải nghe ông tổ sư ẩm thực Vũ Bằng tán. “Có ai một chiều nào nhàn tản trên con đường Pasteur, ở ngã ba Lê Lợi, có thấy hàng toán người tề tựu ở trước chùa Chà như dự một cuộc mết tinh vĩ đại? Không, họ không phản đối gì hết mà cũng chẳng yêu cầu gì hết. Khẩu hiệu của họ căng lên ở trong lòng: họ ăn, họ uống, và uống và ăn để làm thỏa mãn cái dạ dầy nhiều đòi hỏi. Có người đứng ăn; có người ngồi ghế ăn; có người ngồi ở xe máy dầu gác chân lên hè để ăn; có người ngồi xổm trên hè để ăn; lại có người hãm xe hơi lại, thò đầu ra ngoài kêu ăn. Họ ăn gì vậy? Ăn bánh tôm; ăn bì bún; ăn bánh mì phá lấu; ăn ốc; ăn bánh canh giò heo; nhưng muốn gì thì gì, món được người ta thưởng thức nhiều nhất, nồng nhiệt nhất và thành tín nhất vẫn là món đu đủ bào, rưới rất nhiều giấm ớt lên trên. Ở cái đất quanh năm nắng chói như đây, tạng người ta nhiệt lắm, lòng lúc nào cũng cứ xót như cào: ăn cái món ấy vào mát ruột. Các ông ưa quá, mà các bà các cô lại ưa hơn; ăn một đĩa rồi lại muốn ăn đĩa thứ hai, thứ ba…thứ sáu. Chính tôi đã thấy có một bà ăn chơi sơ sơ một lúc sáu đĩa như thế rồi xuýt xuýt xoa xoa, chảy cả nước mắt nước mũi mà có vẻ như vẫn còn thèm ăn nữa. Ờ, cái món đu đủ bào trộn giấm ớt đó là gì vậy? Thưa, đó là khô bò. Đu đủ bào, trên đặt mấy miếng khô bò, tưới giấm ớt rồi rắc mấy lá ngò lên trên đó, chỉ giản dị có thế thôi, vậy mà ăn vào…phải biết! Ngon chết người đi được!”.

 Cái món ngon chết người đi được này là món ta hay món tầu, nhiều người cắc cớ đặt câu hỏi. Tác giả Lưu Khâm Hưng có vợ người Tàu thắc mắc. Ông cũng nghĩ đây không phải là món của người Hoa nên hỏi vợ cho chắc ăn. Ai ngờ bà vợ trả lời tỉnh queo: “Hồi đó đi học ăn hoài, dường như món này của người Tàu. Mấy xe bán gỏi đu đủ khô bò ở Chợ Lớn đều do mấy ông Tiều bán. Bởi vậy ăn gỏi khô bò đâu có chan nước mắm mà là chan nước tương pha giấm ớt”. Thiệt hôn? Cái món làm say đắm nhiều người Việt này là một món ngoại lai sao? Tác giả Minh Lê trong bài “Gỏi Khô Bò” đã cất công tìm kiếm. Theo ông, thành phần chính của món ăn hớp hồn này là đu đủ và bò. Đu đủ có gốc ở châu Mỹ, được mang sang trồng tại châu Á từ đầu thế kỷ 19. Trong từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhode, xuất bản năm 1651, chưa có từ đu đủ. Nhưng trong cuốn  Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản năm 1895, từ “đu đủ” đã có ở trang 327, chứng tỏ khi đó đu đủ đã khá phổ biến ở Việt Nam. Về thịt bò, dân Việt chuộng nuôi trâu hơn nuôi bò. Nhưng tới năm 1915, cụ Phan Kế Bính đã liệt kê trong cuốn “Việt Nam Phong Tục”: “Về thứ đồ ăn thì nhất là hay dùng những thịt trâu, bò, dê, lợn, gà ,vịt, chim, ếch, tôm, cá, cua, ốc..v..v..mà thịt lợn là thứ cần dùng hơn hết”. Tác giả Minh Lê viết: “Vậy vào thời điểm cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, điều kiện “cần và đủ” cho gỏi khô bò đã có, chuyện còn lại là khoảng năm nào và có ở đâu trước?Nói về miền Bắc, tôi “chộp” được câu này: “Hà Nội 1953 đã thay đổi khác đi nhiều rồi…bây giờ phố xá Hà Nội có những món ngon mới, như món thịt bò khô gồm đu đủ thái nhỏ, mùi và giấm, “lạp chín chương”, ăn vào thấy đủ vị cay chua mặn chát. Tác giả Nguyễn Duy Hảo, bút hiệu Ba Lăng, ăn gỏi khô bò từ 1948: “Thú thật là tôi không được biết rõ món đu đủ bò khô có từ bao giờ và nguồn gốc của nó cũng như do ai sáng chế ra món ăn đáng nhớ này. Riêng cá nhân tôi đã được thưởng thức món quà đặc biệt này từ năm 1948 tại cổng trường tiểu học Hàng Than Hà-Nội”.

Khô bò có cách chế biến giống với món phá lấu chiên của người Tiều nhưng người Tiều ăn phá lấu với cơm chứ không làm gỏi đu đủ. Ngoài khô bò, xì dầu là dấu ấn của người Hoa. Nhưng đu đủ bào và đậu phọng lại tương tự như món tam maak hung của người Lào và món som tam của người Thái. Không biết có nên kết luận là một người Việt nào đó đã kết hợp hài hòa các món trên để chế ra món gỏi đu đủ khô bò thần sầu mà tôi là một đệ tử không.

Tôi đã một phen thất vọng với món som tam của Thái Lan. Trong một lần tới Bangkok vào cuối năm 2019, trước khi có dịch covid, tôi đã háo hức thử món gỏi đu đủ phổ biến của Thái Lan. Tới Thái Lan mà không thưởng thức som tam, một di sản văn hóa ẩm thực của đất nước hiền hòa này là một thiếu sót to lớn. Món này được bán khắp các nhà hàng và xe bán rong tại Bangkok. Tôi order và thích thú chờ đợi. Cô hàng khá xinh bắt đầu chế biến. Nhìn mà chóng mặt với cái tay thoăn thoắt vứt nguyên liệu vào một chiếc cối. Đu đủ xanh, đậu đũa, xoài xanh, cóc Thái, cà chua, chanh, nước mắm, đậu phọng, tỏi, tôm khô, đường thốt nốt và ớt. Hình như có cả ba khía nữa. Đĩa gỏi được tôi khới khới cố ăn vài miếng rồi chịu thua. Cay xé lưỡi, cũng chua chua, chát chát, mặn mặn, ngọt ngọt nhưng đó là một thứ hầm bà lằng giã nát trong cối. Nhìn đĩa gỏi dở dang mà không dám nói năng chi. Lỗi tại tôi không biết tiếng Thái. Nếu biết som có nghĩa là chua và tum có nghĩa là giã thì tôi đã không tốn vài chục baht!

Som tum là một hóa thân tồi của gỏi đu đủ khô bò của ta. Cái miệng đã nếm qua gỏi khô bò sẽ không bao giờ rời được cái vị chua chua, cay, ngọt, mằn mặn bùi bùi của món ăn đường phố hấp dẫn này. Vét hết những sợi đu đủ, nhai xong những miếng khô bò nho nhỏ, người sành điệu phải húp cho bằng hết phần nước còn sót lại. Đây là một hậu vị, kết thúc hoàn chỉnh một thức ăn làm mê mệt những cái miệng sành sỏi. Tôi bao giờ cũng dành miếng gan nướng sém cạnh bùi, béo, cho những miếng cuối cùng. Chính miếng gan này đã gọi đĩa thứ hai, rồi thứ ba, thứ n. Hình như đã lậm món ăn dân dã nhưng ngon chết người này thì chẳng bao giờ có thể rời xa được. Không lẽ lại ví cái nghiện gỏi đu đủ khô bò này với mấy ông hít tô phe ôm ấp nàng tiên nâu nhưng tôi e rằng cả hai đều chung một quyến rũ.

Phạm Công Luận, người tương đối trẻ, sống thời nay nhưng miệt mài đi tìm những dấu vết xưa của Sài Gòn đã có duyên gặp được anh Nguyễn văn Tuynh, con trai của ông già áo đen. Anh Tuynh, người phụ cha bán đu đủ bò khô suốt 9 năm trước khi đi quân dịch, nhớ lại: Sài Gòn thời ấy không có nhiều hàng quán cầu kỳ như bây giờ. Không chỉ giới bình dân, giới có học không câu nệ phải ăn hàng quán sang trọng mắc tiền. Do đó các xe bán hàng ăn trên lề đường rất đông khách, có đủ cả sinh viên, thầy cô giáo, tiểu thương, công tư chức và quân nhân. Anh Tuynh tiết lộ cách làm khô bò của ông già áo đen: “Nhà tôi làm khô bằng lá lách bò, thịt thì bằng thịt ở má bò vì má bò có gân nên vừa mềm vừa dai, khi chín tới ăn rất thơm ngon. Lá lách bò dài như miếng gan heo, luộc chín, khứa từng khứa để khi xào nấu thì gia vị thấm vào bên trong mới ngon. Xong đem xào với sả, ngũ vị hương, muối, đường, gừng (để khử mùi nồng của lá lách bò) rồi đổ nước vào cho ngập mặt, đun hơn một giờ cho sệt lại. Sau đó vớt ra cho vào chảo chiên. Qua ba công đoạn luộc, xào rồi lại chiên nên mới có miếng sém cạnh, vừa bùi vừa giòn, ngon vô cùng”.


Nước mía Viễn Đông.

Khu nước mía Viễn Đông thời của chúng tôi là một khu ăn hàng số một ở Sài Gòn. Ngày đó chúng tôi tấp vào ăn, thấy có đủ các…bộ môn: gỏi khô bò, hủ tiếu, bò viên, bánh cuốn, bò bía, phá lấu. Người bán tấp nập, người ăn cũng tấp nập. Thấy khu bán hàng quà vặt này đông vui, chẳng ai trong chúng tôi thắc mắc. Nhưng nay anh Tuynh cho biết chính cha anh, ông già áo đen bán gỏi bò khô là người đứng ra tổ chức khu ăn uống nhộn nhịp được đặt tên không chính thức là “bến nước mía Viễn Đông”. Bến nằm trên đường Pasteur, khúc từ đường Tôn Thất Đạm đến Lê Lợi. Cha anh Tuynh đã từng dừng xe bán ở trường Chu văn An, góc đường Lê Thánh Tôn và Tạ Thu Thâu quanh chợ Bến Thành và đều bị đuổi chạy trối chết. Khi ông tới bán ở góc đường Pasteur và Lê Lợi, xế cửa hàng nước mía Viễn Đông, cảnh sát ở bót Lê văn Ken cũng đuổi. Sau khi bàn bạc với các bạn hàng cùng bán tại địa điểm này, ông đến bót Lê văn Ken xin thành lập một “bến” tập trung buôn bán, đóng thuế đàng hoàng. Ông sẽ là người thu thuế nộp lại cho cảnh sát. Vậy là khu ăn hàng của Sài Gòn thành hình. Có bốn người bán gỏi bò khô, tất cả đều là dân di cư. Ngoài ông già áo đen, còn có các ông Thung, ông Chiếu và ông Dần. Tôi luôn luôn là khách trung thành của ông già áo đen, chưa bao giờ biết các ông khác. Ông bác sĩ Lê văn Lân ngày đó có một bài thơ về “bến” Viễn Đông mang tên “Quà Rong” được nhiều người biết.

Người đi trăm nhớ ngàn mong

Người về còn nhớ quà rong năm nào

Đầu đường nghe thoáng lời rao

Là tha hồ biết quà nào rẻ ngon

Dăm bông, thịt nguội, mì giòn

Hai đồng một ổ bà con mua giùm

Anh ơi, nước mía Viễn Đông

Hai ly chưa đã, mát lòng em luôn

Thêm đĩa bò bía chấm tương

Ăn kèm phá lấu, em thương anh nhiều

Ốc sò, muối ớt, chanh tiêu

La ve, củ kiệu càng nghèo càng ham

Cóc chua, tầm ruột, ổi dầm

Thua gì xoài tượng, mới dầm đã chua.

 Bài thơ đã ghi lại một thời Sài Gòn nhộn nhịp ăn uống xôn xao. Có điều tại Bến Viễn Đông có tới bốn ông bán gỏi bò khô mà ông bác sĩ không nhắc tới món này. Thiệt là một người đãng trí!

 Tôi phải nói thêm là, những ngày hoa mộng đó, chúng tôi thường không bỏ về sau khi vét hết vài đĩa gỏi bò khô mà còn một chuyện luôn luôn chẳng bao giờ đãng trí. Đó là phải xếp hàng uống bằng được một ly nước mía Viễn Đông. Ly nước mía mát lạnh, vắt thêm trái tắc, uống vào tới đâu biết tới đó. Đó là một kết thúc hoàn hảo cho một buổi rong chơi với quà rong.

Tôi muốn kết thúc bằng một tiết lộ nho nhỏ. Bà chủ nước mía Viễn Đông hiện sống ở thành phố Montréal chúng tôi. Tôi có gặp bà một lần, chưa tiện hỏi về cửa hàng nước mía huyền thoại ngày đó thì mất liên lạc với bà. Thiệt đáng tiếc! Tiếc như gan ruột cồn cào khi nhớ lại những ngày hoa mộng đẹp đẽ đó.


SONG THAO


Vi cá mập: Sự tàn độc của con người sau một thứ ‘đặc sản’

Câu chuyện đánh bắt theo cách thức hết sức tàn nhẫn không phải là điều duy nhất gây tranh cãi cho món vi cá mập. Thứ khiến người ta lo ngại nhất chính là lòng tham vô đáy của con người.


Vi cá mập là một trong những sản phẩm có giá đắt đỏ nhất thế giới, được tiêu thụ chủ yếu tại Singapore, Hong Kong, Đài Loan và Trung Quốc. Từ xa xưa, người Trung Quốc đã coi súp vi cá mập là biểu tượng của sự giàu sang và lòng hiếu khách nên thường sử dụng trong những dịp đặc biệt như đám cưới hay tiệc chiêu đãi.

Súp vi cá mập có lẽ là một trong những món ăn có lịch sử lâu đời nhất Trung Quốc, được sáng tạo bởi một vị Hoàng đế nhà Tống từ thế kỷ thứ 10 nhằm phô trương quyền lực và sự giàu có đối với triều thần trong các buổi yến tiệc.

Kể từ đó, món ăn này được xem là một trong những biểu tượng của đẳng cấp và sự giàu sang, được tầng lớp giàu có ngày nay ưa chuộng. Và tất nhiên, biểu tượng của sự giàu có sẽ không thể mang mức giá bình thường được. Một bát súp vi cá mập bình thường được bán với giá khoảng $65 đến $120 (khoảng 2 đến 3 triệu VND).

Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau món ăn bổ dưỡng, sang trọng đó là cuộc tàn sát của loài người với cá mập. Hàng triệu con cá mập với đủ loại kích cỡ bị giết chỉ để lấy vây.

Việc lấy vây của cá mập được tiến hành như sau: Đầu tiên, chúng bị bắt và kéo lên các thuyền lớn. Ở đó, người ta có sẵn những con dao sắt nhọn để cắt vây của chúng ra khỏi cơ thể. Sau khi hoàn tất công việc đó, họ thả những con cá mập về lại biển, để chúng chảy máu đến chết. Một vài con vẫn còn sống nhưng không thể bơi được nên cuối cùng cũng yếu và chết dần. Sau mỗi cuộc đi “săn” vây cá mập, người ta lại chất đầy thành phẩm vào những container và chở về đất liền. Vây của chúng được dự trữ trong những kho hàng hoặc đem phơi khô trên các nóc nhà cao tầng.

Vi cá sau đó, hoặc là được đưa trực tiếp vào các nhà hàng để chế biến món súp “đắt nhất hành tinh”, hoặc được bán thành các lọ vi cá khô cho các hộ gia đình. Món ăn này cũng phát triển ra nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Mỹ.

Gary Stokes, một phóng viên của Hiệp hội bảo tồn động vật biển nói rằng ông gần đã sống ở Hồng Kông được gần 20 năm, và trong suốt thời gian sinh sống ở đây, chưa bao giờ ông thấy vây cá mập được bày bán công khai như ở đất nước này. Người dân ở đây thậm chí đã được cha mẹ chúng truyền lại nghề kinh doanh vây cá mập từ đời này sang đời khác.

Câu chuyện đánh bắt tàn nhẫn không phải là thứ duy nhất gây tranh cãi cho món ăn này. Thứ khiến người ta lo ngại nhất chính là lòng tham vô đáy của con người.

Súp vi cá vốn là một món ăn xa xỉ, nhưng với sự phát triển kinh tế như vũ bão của Trung Quốc, nhu cầu được thưởng thức món súp này tăng đột biến và kéo theo đó là sự gia tăng hoạt động đánh bắt cá mập. Kết quả là hàng năm, có đến hàng triệu con cá mập bị giết chết để lấy vây.

Theo giáo sư Michael McCarthy thuộc ĐH Melbourne (Australia), có đến 1/4 loài cá mập đang có nguy cơ tuyệt chủng vì bị khai thác vây cá quá mức.

Trong đó, Hong Kong chính là trung tâm buôn bán vi cá lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 50% ngành thương mại của mặt hàng này.

Ước tính 73 triệu con cá mập bị giết mỗi năm chỉ để làm thực phẩm cho món súp vi cá nổi tiếng.

Cũng vì chuyện khai thác quá mức và tính tàn nhẫn mà rất nhiều nơi đã kêu gọi tẩy chay món ăn này, thậm chí là ngay tại Trung Quốc.

GIA ĐÌNH & XÃ HỘI


Nghĩ Về Tên Những Con Sông Việt Nam.

Sông nhỏ nhất là sông Bé

Sông lớn nhất là sông Cái Lớn

Sông lạnh nhất là sông Hàn

Sông cạn nhất là sông Nông

Sông sâu nhất là sông Ngàn Sâu

Sông có phố xá nhiều  nhất là sông Ngàn Phố

Sông dài nhất là sông Trường Giang

Sông có nước trong nhất là sông Đáy

Sông bẩn nhất là sông Rác

Sông không cá tôm nào sống được là sông Luộc

Sông không cho ai qua lại là sông Cấm

Sông cai quản các sông là sông Chủ

Sông chảy nhanh như ngựa là sông Mã

Sông chảy êm đềm nhất là sông Bằng Giang

Sông chảy khó nhọc  nhất là sông Lèn , sông Nghèn

Sông không chảy  là sông Vĩnh Định

Sông chảy đến muôn đời là sông Chảy

Sông có tiếng kêu to nhất là sông La

Sông có tiếng kêu to hơn sông La là sông Gâm (gầm)

Sông dành riêng cho vua là sông Hoàng Long, Cửu Long

Sông dành riêng cho vợ vua là sông Hậu

Sông dành riêng cho thầy là sông Kinh Thầy

Sông dành riêng cho cha là sông Ba

Sông dành riêng cho mẹ là sông Cái

Sông dành riêng cho con đầu  lòng là sông Cả

Sông dành riêng cho con  là sông Con

Sông nói về tình cảm của những đứa con đối với cha mẹ ông bà tổ tiên là sông Hiếu

Sông dành riêng cho côn trùng  là sông Kiến Giang

Sông dành riêng cho chim là sông Vạc, sông Cổ Cò

Sông dành riêng cho động vật bốn chân có gạc trên đầu  là sông Đồng Nai

Sông dành riêng cho trâu là sông Kim Ngưu

Sông người đàn ông nào cũng thích là sông Mê Công (mông kê)

Sông người phụ nữ nào cũng thích là sông Son

Sông ai đang tuổi yêu cũng khoái là sông Bồ

Sông mọi người dân Việt Nam đều yêu thích là sông Thương

Sông ai cũng chê là sông Bôi

Sông ai cũng sợ là sông Ma

Sông gọi tên cà của thiếu nhi là sông Cà Ty

Sông gọi tên cà của người lớn là sông Cà Lồ

Sông gợi lên âm thanh réo rắt của nhạc cụ cổ truyền là sông Nhị

Sông mọi ca sỹ đều đam mê là sông Hát

Sông được nhiều võ sỹ ưa thích là sông Côn

Sông đẹp như trăng là sông Như Nguyệt

Sông không giữ được vẻ đẹp tinh khiết ban đầu là sông Lô

Sông giữ kỷ lục che nắng che mưa bền nhất là sông Ô Lâu

Sông giữ kỷ lục lưu giữ mọi thứ trên đời là sông Thừa Lưu

Sông ngọt nhất là sông Nước Ngọt

Sông ngọt hơn  sông Nước Ngọt là sông Mía

Sông chua nhất là sông Chanh

Sông có mùi thơm nhất là sông Hương

Sông có màu đỏ là sông Hồng

Sông có màu lam là sông Lam

Sông có màu xanh là sông Hà Thanh

Sông có màu lục là sông Lục Nam

Sông có màu đà là sông Đà

Sông đẹp như quai nón là sông Thao

Sông có quyết tâm và nghị lực cao nhất là sông Kỳ Cùng

Sông chỉ lo việc nhà nước là sông Công

Sông chỉ lo việc dạy học là sông Trường

Sông nói về nguồn gốc chữ quốc ngữ  là sông La Tinh

Sông gọi tên thủ lĩnh Hà Nội xưa mà Cao Biền phải khiếp sợ là sông Tô Lịch

Sông nhớ ơn đô đốc thủy quân cứu Nguyễn Ánh  là sông Ông Đốc

Sông quyết tâm đánh Tây đến cùng là sông Nhật Tảo

Sông chỉ tên  nước chấm dân giã của đồng bằng Bắc bộ là sông Tương

Sông nói việc uống trà chỉ ngon có lúc là sông Trà Khúc

Sông chỉ loại thức ăn mà trâu, bò, dê, ngựa đều thích là sông Vàm Cỏ

Sông gợi nhớ cái nắng gắt của tháng tám mùa thu là sông Bưởi

Sông người Chăm gọi là lau sậy là sông Đàrằng

Sông gọi tên loài hoa được yêu thích ở xứ Huế mỗi độ tết đến, xuân về là sông Hoàng Mai

Sông hiền nhất là sông Hiền Lương

Sông dữ nhất là sông Rạch Gầm

Sông đứa trẻ con nào cũng sợ là sông Tiêm

Sông đứa trẻ con nào cũng thích là sông Xoài Mút

Sông nghèo nhất là sông Gianh

Sông giàu nhất là sông Tiền

Sông mọi người nông dân đều thích là sông Lợi Nông

Sông chỉ năng lực đặc biệt của những người lính mà vị tướng nào cũng cần là sông Nhuệ

Sông khi thắp hương trước bàn thờ tổ tiên, đi lễ chùa hoặc đến nhà thờ ai cũng gọi tên là sông Cầu

Sông suốt đời theo Phật là sông Bồ Đề

Sông để có nước phải tích cóp những giọt nước mắt từ đá là sông Thạch Hãn

Sông đẹp như cảnh bình minh là sông Nhật Lệ

Sông mà thôn xã đôi bờ phải chung chi những hậu quả do sông gây ra là sông Thu Bồn (Thôn bù)

Sông không có một giọt nước, bởi nước sông đã chảy vào quên lãng là sông Lấp

Sông mà vị ngọt của Vedan trở thành vị đắng cuộc đời vì gây ô nhiễm môi trường, đem cái chết cho dòng sông và  hãng Vedan là sông Thị Vải

Sông mà kẻ thù xâm lược chỉ cần nghe tên là kinh hồn bạt vía và mọi người dân Việt Nam  rất đỗi tự hào là sông Bạch Đằng

Sông mà tuổi già ai cũng khao khát là sông An Cựu

Sông đau nỗi đau chia cắt đất nước là sông Bến Hải

Sông mà mọi thời đại, mọi dân tộc, mọi quốc gia đều ước mơ là sông Thái Bình

Sông mà tết đến  xuân về ai cũng chúc nhau là sông Như Ý !


Nguồn: Trang Huế Online - HUẾ CỐ Đ



























Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.