Đất nước
Liechtenstein nằm lọt thỏm ở vùng Tây Âu, sát biên giới Thụy Sĩ và Áo.
Vùng đất tí hon này là nơi được du lịch ít thứ nhì tại châu Âu khi trong năm 2018 chỉ thu hút khoảng 85.000 lượt khách.
Dù không quá nổi tiếng, được bạn bè quốc tế biết đến nhiều nhưng Liechtenstein lại giàu có nhất và có muôn vàn điều thú vị.
1. Liechtenstein là quốc gia nhỏ thứ 6 trên thế giới
Dù chỉ có diện tích siêu bé khoảng 160km2, chỉ tức khoảng 1/8 thành phố Los Angeles của Mỹ, Liechtenstein vẫn chỉ là đất nước nhỏ thứ 4 tại châu Âu mà thôi. Nó vẫn lớn hơn 3 vương quốc tí hon khác là Vatican, Monaco và San Marino. Còn xét trên toàn thế giới, Liechtenstein là đất nước được công nhận nhỏ thứ 6. Liechtenstein cũng là đất nước không giáp biển, nằm hoàn toàn trong đất liền.
2. Liechtenstein chỉ có khoảng 38.000 dân
Dân số hiện tại của Thân vương quốc châu Âu này là gần 38.000 dân. Mật độ dân số của Liechtenstein cũng khá thấp, chỉ 227 người/km2. Tương tự như diện tích, về dân số, đây cũng là quốc gia ít dân thứ 6 thế giới. Thành phố lớn nhất là thủ đô Vaduz chỉ có 5.400 dân.
3. Liechtenstein là nước giàu nhất hành tinh tính theo GDP đầu người
Nhiều năm liên tiếp, Liechtenstein luôn lọt top 5 các nước có GDP đầu người cao nhất toàn cầu. Trong năm 2020, vương quốc này đã nắm giữ ngôi vô địch với thu nhập bình quân là 180.227 USD (khoảng 4,2 tỷ VNĐ), cao hơn 7 lần so với GDP trung bình toàn cầu.
Bên cạnh đó, Liechtenstein còn giàu có đến mức gần như không có nợ nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp của người dân xứ sở xinh đẹp này cũng siêu thấp, chỉ 1,5%. Năm 2016, chỉ có 406 công dân Liechtenstein thất nghiệp, bao gồm cả phụ nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản. Sự thịnh vượng của quốc gia siêu nhỏ này phần lớn đến từ dịch vụ ngân hàng tài chính
4. Hoàng gia Liechtenstein giàu nhất châu Âu
Dù kém nổi tiếng hơn rất nhiều nhưng xét về mức độ giàu có thì khó có hoàng gia nào tại châu Âu đọ được với hoàng tộc Liechtenstein. Người đứng đầu nền quân chủ tại đất nước này hiện tại là Hoàng thân Hans-Adam. Khác với các đất nước quân chủ lập hiến khác, tài sản của hoàng gia đa phần được chính phủ quản lý và có nhiều ràng buộc, khối tài sản gần 5 tỷ USD của gia đình hoàng tộc Liechtenstein hoàn toàn là tài sản cá nhân. Tài sản cá nhân của Hoàng thân Hans-Adam nhiều gấp khoảng 10 lần so với Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Hoàng tộc là chủ của Ngân hàng LGT - ngân hàng lớn nhất toàn quốc với tổng tài sản khoảng 41.9 tỷ USD. Các thành viên hoàng gia cũng nhận được sự tín nhiệm và yêu mến lớn của người dân. Mỗi năm vào ngày 15/8 và ngày Quốc khánh, Hoàng thân Liechtenstein đều mời toàn bộ người dân đến lâu đài của mình để tiệc tùng, uống rượu.
5. Liechtenstein không có quân đội
Liechtenstein là đất nước hiếm hoi trên thế giới có chủ quyền độc lập hoàn toàn mà không có quân đội. Lực lượng vũ trang bảo vệ an ninh ở đây chỉ có cảnh sát quốc gia (NPF) với quân số vỏn vẹn chỉ có 125 người (trong đó có 90 sỹ quan và 35 nhân viên dân sự hỗ trợ). Dẫu vậy, tỷ lệ tội phạm ở đất nước tí hon này vẫn rất thấp.
Vì diện tích quá nhỏ, Thân vương quốc này cũng không có sân bay và không có bất kỳ đại sứ quán nào. Muốn tới Liechtenstein, mọi người sẽ phải bay tới sân bay ở nước láng giềng Thụy Sĩ rồi đi đường bộ sang.
6. Liechtenstein là "vương quốc răng giả"
Nhỏ bé như một quận của các thành phố thông thường nhưng Liechtenstein lại là nhà sản xuất răng giả lớn bậc nhất thế giới. Nó cung cấp khoảng 20% sản lượng răng giả cho toàn cầu. Nền công nghiệp này phát triển là nhờ công ty tên Ivoclar Vivadent, nằm ở tỉnh Schaan. Mỗi năm doanh nghiệp sản xuất khoảng 60 triệu hàm răng giả xuất khẩu đi khắp thế giới.
Dành tặng
nhà khoa học tôi yêu mến
Suốt 26
năm vừa qua, hàng nghìn người vô tội bị kết án tử hình khắp 13 bang nước Mỹ đã
được giải oan và trả tự do, tất cả nhờ vào một...
Suốt 26
năm vừa qua, hàng nghìn người vô tội bị kết án tử hình khắp 13 bang nước Mỹ đã
được giải oan và trả tự do, tất cả nhờ vào một người có tên Kary Banks Mullis
Không phải
luật sư hay nhà hoạt động xã hội, Mullis là cha đẻ của chuỗi phản ứng PCR – tiền
đề tạo nên phương pháp xác định DNA trong khoa học hình sự và mở đường cho nhân
loại sống sót trước những căn bệnh virus nguy hiểm nhất.
Nhà khoa học
dị thường
Tờ New
York Times gọi Kary Mullis là nhà khoa học quái gở nhất từng nhận giải Nobel.
Trong mắt đồng nghiệp, ông chẳng khác nào một kẻ gàn tự cao tự đại. Còn theo lời
của 4 bà vợ trong đời Mullis, ông là gã đàn ông tồi.
Kary Mullis bắt đầu con đường khoa học từ năm 13 tuổi, tự mình thiết kế và vận hành một quả tên lửa cỡ nhỏ lấy cảm hứng từ vệ tinh Sputnik của Liên Xô. Với niềm đam mê hoá học và trí thông minh kiệt xuất, ông nhanh chóng lấy bằng thạc sĩ ngành sinh hoá của Trường Đại học California và hứa hẹn sẽ trở thành một hiện tượng trong giới khoa học.
Thế nhưng
ông quyết định bỏ ngang việc nghiên cứu để… làm nhà văn và tập tành kinh doanh
cửa hàng bánh. Thoát khỏi sự nghiêm túc của phòng thí nghiệm, Kary Mullis bắt đầu
chìm đắm trong rượu, chất kích thích và đàn bà, với vẻ ngoài phóng khoáng đến mức
cẩu thả - trông chẳng giống một người làm khoa học.
Quyết định
trở lại con đường khoa học sau lời năn nỉ của người bạn thân, Kary Mullis vẫn
không được lòng đồng nghiệp vì tính cách có phần đồng bóng và thói nghiện rượu
khiến ông từng động tay động chân với một người trợ lý trong trung tâm vi sinh
ông làm việc.
Thái độ cợt
nhả ấy còn theo chân ông lên tận bục trao giải khoa học ở Nhật Bản, nơi ông cả
gan buông lời tán tỉnh hoàng hậu của đất nước mặt trời mọc. Hay như chuyện ông
suýt bị bắt ở Stockholm ngay trước đêm nhận giải Nobel vì hành vi quấy rối người
qua đường cũng khiến người ta không thể cắt nghĩa.
Cuộc sống
phóng túng của ông đến từ một quan niệm kỳ lạ, rằng “không phải cứ chăm chỉ là
làm khoa học tốt đâu, bạn phải là một người ham vui”. Chính vì không bị áp lực
bởi danh vọng, hình tượng bản thân hay tiền tài, Kary Mullis thoải mái rong
chơi trong khu vườn khoa học – nơi ông như biến thành con người khác, đầy đam
mê và trách nhiệm.
Phút
ơ-rê-ka của thiên tài
Năm 1983,
Kary Mullis, khi ấy là giám đốc phòng thí nghiệm của Công ty hoá sinh Cetus,
đang nghiên cứu một phương cách giải quyết những khó khăn trong việc phân tách
nghiên cứu DNA của con người nhưng mọi thứ dường như đi vào ngõ cụt.
Vào một tối
thứ sáu nọ, Kary Mullis lái xe hơi chở bạn gái vượt hơn trăm dặm trong sự tĩnh
mịch hun hút của màn đêm. Giữa miên man suy nghĩ và tiếng ngáy đều đều của người
tình, tâm trí ông bỗng bất động với một tia sáng loé lên trong 1/1000 giây. Chiếc
xe thắng gấp và tiếng Mullis reo to trong bóng tối, đúng như cái cách
Archimedes đã từng làm: Ereuka! Ereuka! Eureka! Tại sao mình không nghĩ ra chứ?
Sẵn giấy
bút trong hộp xe, Mullis nhanh chóng phác thảo ra ý tưởng về phản ứng chuỗi
polymerase (sau đây gọi là phản ứng chuỗi PCR) giúp khuyếch đại một đoạn DNA bất
kỳ và dành trọn đêm hôm đó để vui sướng vì ông biết chắc mình sẽ giành giải
Nobel!
Những người
đồng nghiệp của Mullis đón nhận ý tưởng của ông với sự thờ ơ vì không ai tin
vào điều không tưởng mà ông vẽ ra trước mắt. Nhưng thật may mắn cho nhân loại,
Mulllis đủ nhiệt huyết và tài năng để hiện thực hoá phản ứng chuỗi PCR – một
trong những phát minh vĩ đại nhất của lịc sử loài người.
Vậy phản ứng
PCR là gì mà ghê gớm đến thế?
Nói nôm
na, PCR cho phép khuyếch đại một đoạn DNA dù là nhỏ nhất thành một chuỗi DNA có
thể dài đến vô tận. Phát minh này giúp cho việc giải mã DNA trở nên dễ dàng và
nhanh chóng, quá trình xác định tác nhân virus gây các bệnh như viêm gan siêu
vi, SARS, N5N1 hay chẩn đoán ung thư được rút ngắn từ vài tuần xuống còn vài
ngày hoặc thậm chí, chỉ vài giờ mà không cần thông qua các vi khuẩn khác.
Thời gian
được rút ngắn khiến việc lên phác đồ điều trị và nghiên cứu về bệnh hiệu quả
hơn, qua đó giúp cứu sống hàng triệu bệnh nhân. Hứa hẹn hơn, phát minh của Mullis
tạo điều kiện cho việc tạo lập bản đồ gen người có những bước tiến sâu sắc, đưa
nhân loại đến gần hơn tham vọng điều trị tất cả bệnh lý của con người.
Chưa dừng
lại ở đó, phản ứng PCR còn cho phép khoa học hình sự khiến những kẻ thủ ác phải
đền tội, trả lại công lý cho người bị oan sai. Chỉ cần một chút da hay sợi tóc
của hung thủ để lại hiện trường là đủ để lực lượng chức năng xác định đúng đối
tượng.
Gary
Dotson (tù nhân người Mỹ) là người đầu tiên trên thế giới được trả tự do nhờ
vào xét nghiệm DNA. Năm 1979, Dotson bị tuyên án 50 năm tù với cáo buộc cưỡng
hiếp và bắt cóc dựa trên chứng cứ không rõ ràng. Mãi đến năm 1988, chứng cứ DNA
chỉ ra rằng Dotson vô tội.
5 năm sau
đó, cựu binh Kirk N. Bloodsworth thoát án tử hình nhờ vào giám định DNA, cũng là
trường hợp đầu tiên. Sự xuất hiện của công nghệ DNA trong khoa học hình sự đã
đưa ra ánh sáng hàng trăm nghìn vụ án bí ẩn – điều mà Kary Mullis chẳng thể ngờ
đến trong cái đêm lái xe định mệnh ấy.
Phản ứng
PCR còn được ứng dụng trong việc xác định huyết thống cũng như danh tính của nạn
nhân trong các vụ tai nạn hoặc thảm hoạ thiên nhiên. Phát minh của Mullis là
nguồn cảm hứng cho loạt phim Công viên kỷ Jura – tác phẩm hư cấu tin rằng có thể
dùng phản ứng PCR để phóng đại đoạn DNA cổ đại của những con khủng long!
Tuy thế,
Kary Mullis lại chẳng thể làm giàu nhờ phát minh để đời của mình. Công ty nơi
Mullis làm việc trả cho ông 10 nghìn USD phần thưởng để rồi bán bản quyền phản ứng
chuỗi PCR cho một tập đoàn khác với giá 300 triệu USD.
Chán nản,
Mulllis trở về viết sách và đi thuyết giảng khắp nơi để kiếm sống, cho đến khi
một tin dữ khiến ông thức tỉnh lần nữa: Người bạn của ông qua đời vì lờn thuốc
kháng sinh.
Con đường
để lại
Cái chết của
người bạn thôi thúc Mullis nghiên cứu và phát hiện ra cách thức chống bệnh nhiễm
trùng ở người. Ông tìm thấy một loại chất có trong van tim lợn, thứ có thể ngay
lập tức đánh thức hệ miễn dịch của chúng ta. Bất kể khi nào phân tử chất này xuất
hiện trong cơ thể con người, hệ miễn dịch sẽ tự động phản ứng với chúng.
Ý tưởng của
Mullis là ông sẽ cố gắng đính kèm phân tử này vào các vi khuẩn gây bệnh cho người
để làm mồi nhử giúp hệ miễn dịch kích hoạt ngay mà không cần đợi đến vài ngày.
14 con chuột bị nhiễm bệnh than đã sống sót 100% nhờ phương pháp này của Mullis
vì hệ miễn dịch của chúng đã hoạt động ngay trước khi bệnh than kịp giết chúng.
So với phản
ứng chuỗi PCR, ý tưởng táo bạo này cũng có giá trị đột phá không kém và rất có
thể, nó sẽ là cách giải quyết triệt để tình trạng lờn thuốc kháng sinh đang ở mức
báo động hiện nay.
Bên cạnh
những phát minh để đời, Mullis còn biết đến với phát ngôn mạnh mẽ nhắm thẳng
vào giới khoa học. “Các nhà khoa học đang phá hoại thế giới này nhiều hơn là
xây dựng nó như họ vẫn nhân danh”, là câu nói rất đáng suy ngẫm của ông.
Có thể ông
đã cay đắng trải qua những góc khuất của khoa học. Hoặc có thể, đó là lời răn với
chính ông và các đồng nghiệp, rằng đừng nhân danh khoa học để đạt được những mục
đích vị kỷ mà quên đi trách nhiệm lớn lao nhất: Cải biến thế giới thành một nơi
tốt đẹp hơn.
Ngày 7-8-2019,
Kary Mullis qua đời sau một cơn bạo bệnh ở tuổi 74. Nhân loại mất đi một nhà
khoa học kiệt xuất, giới chuyên môn tiễn biệt một trong những cá tính dị thường
nhất.
Nhưng những
gì tuyệt vời nhất của Mullis vẫn ở lại trong những phòng thí nghiệm và hàng
trăm nghìn ứng dụng từ phát minh của mình. Tên ông đã, đang và sẽ có một chỗ đứng
đặc biệt trong lịch sử khoa học thế giới.
Nguồn Internet
Bài học từ thanh âm của những người đã khuất.
Becca gặp John tại bữa tiệc nướng ngoài trời do những người bạn chung của họ tổ chức. Họ đã bắt nhịp được với nhau, nhìn thấy điểm chung trong những bộ phim ưa thích và quyết định gặp nhau ở quán coffee. Một vài tuần sau đó, họ trở thành bạn của nhau, nhưng rồi Becca nhận ra mối quan hệ này đã dần trở nên sâu đậm. Cô đã phải lòng anh mất rồi.
Kết quả là? Cô bắt đầu hỏi về John nhiều hơn nữa, cô nóng lòng muốn biết thêm về anh càng nhiều càng tốt. Liệu anh có thích làm việc ở công ty xây dựng của cha anh không? Trưởng thành ở một thị trấn nhỏ thì như thế nào nhỉ? Liệu mối quan hệ giữa anh với các anh chị em trong nhà có tốt không? Anh theo đảng chính trị nào? Kỷ niệm thời thơ ấu tuyệt vời nhất của anh là gì? Liệu anh có đi nhà thờ không? Anh hy vọng điều gì ở tương lai?
Khi chúng ta yêu một ai đó, chúng ta sẽ muốn biết mọi thứ về người đó trong khả năng của mình. Trong trường hợp của Becca, cô muốn tiến sâu hơn nữa, muốn hiểu và kết nối với John, và muốn đặt mình vào cả quá khứ của anh ấy.
Và đó là một cách ví von dẫn lối ta đến với lịch sử Hoa Kỳ.
Chúng ta không thể yêu điều mình không biết
Dù hiện trạng đất nước chúng ta đang bị chia rẽ, nhưng phần đông người Mỹ đều cảm nhận được lòng trung thành của mình với tổ quốc. Chúng ta không cần thực hiện khảo sát để chúng minh cho luận điểm này. Hàng triệu người đang nhập cư vào đất nước ta, cả hợp pháp và bất hợp pháp, nhưng mỗi năm, chỉ có khá ít người Mỹ từ bỏ quyền công dân của mình và di cư đến quốc gia khác, hầu hết hành động thoái thác như vậy thường liên quan đến vấn đề tài chính và đầu tư. Dù tình hình chính trị có như thế nào, người Mỹ vẫn tin rằng mảnh đất của họ chính là mảnh đất của cơ hội và tự do.
Tuy nhiên, không như việc Becca thích John, rất nhiều người trong chúng ta thờ ơ với quá khứ của tổ quốc mình. Có lẽ rằng vì ta lớn lên ở đây, và sự quen thuộc ấy không hẳn là sự khinh thường, mà là không đủ thích thú về những tư tưởng hay sự kiện đã tạo nên hình hài chúng ta, những người dân Hoa Kỳ.
Phần lịch sử cần được dạy tại trường cho học sinh thì hoặc bị bỏ quên hoặc (tệ hơn) là chưa bao giờ được dạy, và rất nhiều người trong chúng ta mặc nhiên xem quyền được đến nhà thờ, hội đường, quyền thay đổi công việc tùy lựa chọn, quyền đi lại [trên lãnh thổ] quốc gia, và quyền làm mọi thứ ta thích trong khuôn khổ pháp luật là lẽ dĩ nhiên. Những quyền tự do này chính là phong cách Mỹ, tự nhiên [sinh ra] và không gợn bất kỳ nghi vấn nào, giống như không khí ta hít thở vậy.
Ngắn gọi mà nói, chúng ta có tai và mắt đặt ở hiện tại, nhưng lại không nhìn và không nghe được gì từ quá khứ.
Nhưng nếu chúng ta mở lòng, thì quá khứ ấy cũng có khả năng biểu đạt để chúng ta nghe và nhìn thấy chúng. Nếu chúng ta thúc đẩy tình thân với những bậc dựng nước, những vị đã xả thân trong các cuộc chiến đẫm máu để bảo vệ phong cách ta sống hiện nay, và những vị chiến đấu vì “tự do và công lý cho tất cả mọi người,” và rồi, bằng cách suy xét lời nói và hành động của những vị ấy, cuối cùng ta nhận ra rằng tổ tiên của ta đã từng hy vọng rằng chúng ta có thể giữ trọn đức tin vào phần di sản được kế thừa ấy.
Và cách duy nhất để vươn tay qua khẩu thần công thời gian và bắt tay với những vị đã đến trước ta – cách duy nhất để ta trông thấy họ và nghe được thanh âm của họ – chính là nghiên cứu lịch sử.
Một câu hỏi căn bản
Chúng ta hãy bắt đầu chuyến du ngoạn về “thời quá vãng” bằng một vài nguyên tắc cơ bản trước.
Đây là danh sách khởi động gồm 10 câu hỏi đơn giản về lịch sử quốc gia mà bất cứ người Mỹ nào đã tốt nghiệp trung học đều có thể giải đáp. Nếu bạn muốn, hãy thử kiểm tra bản thân mình và cả cháu hay cháu ngoại của bạn. Để khuyến khích tra cứu, nếu cần phải tra cứu, thì tôi sẽ không đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi này.
· Nội dung chính của Tuyên ngôn Độc lập là gì?
· Ba nhánh trong chính phủ được quy định trong Hiến pháp gồm những gì?
· Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ là văn kiện nào? Hãy kể tên những quyền đó.
· Bài hát “Lá cờ lấp lánh sao” được viết trong cuộc chiến nào?
· Tuyên ngôn giải phóng nô lệ là văn kiện nào?
· Sự kiện nào đã xảy ra tại làng Appomattox Court House, Virginia, vào ngày 09/04/1865?
· Tên của ba vị tổng thống tại nhiệm từ năm 1900 and 1960.
· Tổng thống nào đã nói, “Đừng hỏi tổ quốc làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc mình.”
· Nội dung chính của Đạo luật Dân quyền năm 1964 của Hoa Kỳ ?
· Ai là người Mỹ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng?
Những câu hỏi trên, và cả những câu hỏi tương tự như thế, dĩ nhiên hẳn là một bộ xương sống của quá khứ. Để thêm thịt, máu, gân và dây thần kinh cho những bộ xương trần trụi đó, chúng ta cần nới rộng hơn nữa tầm hiểu biết của mình về lịch sử Hoa Kỳ.
Nguồn tra cứu vô tận phục vụ yêu cầu của chúng ta
Với những ai thích chăm chú vào những sự kiện cụ thể, những thư viện và nhà sách của nước ta cung cấp hàng dài các quyển sách cho cả những người trẻ tuổi và lớn tuổi. Thậm chí đến cả những thư viện công cộng khiêm tốn nhất cũng chứa rất nhiều tập sách về lịch sử Hoa Kỳ cho những thanh thiếu niên và cả người trưởng thành, với các chủ đề đa dạng trải dài từ việc làm của các Tổ phụ Lập quốc đến những trận chiến của thời Nội chiến, và từ công cuộc mở rộng về phía tây đến những ngày dài sống trong sợ hãi của Khủng hoảng tên lửa Cuba.
Và thể loại tiểu sử cũng như thế, thể loại này trao cho ta một phương tiện tuyệt vời để mang ta đến với một nước Mỹ xa xưa hơn, đồng thời, ta cũng học được sự thông tuệ của những người đàn ông và phụ nữ đã đối mặt với những khó khăn đặc biệt của riêng họ. Quyển sách “The Boys in the Boat: Nine Americans and Their Epic Quest for Gold at the 1936 Berlin Olympics” (Tạm dịch: “Những chàng trai trên tàu: Chín công dân Mỹ và nhiệm vụ lịch sử cho chiếc huy chương vùng tại Olympics Berlin 1936”) của Daniel Brown không chỉ kể về câu chuyện của các vận động viên và tinh thần con người; mà còn khắc họa những nỗi thống khổ do Đại khủng hoảng gây ra.
Với những ai mong muốn một phương cách tiếp cận giàu trí tưởng tượng hơn, thì thể loại giả tưởng cũng mở ra một cách cửa trở về quá khứ. Quyển “A Tree Grows in Brooklyn,” (Tạm dịch: “Một cây non lớn lên ở Brooklyn”) của Betty Smith và “The Kent Family Chronicle” (Tạm dịch: “Biên niên sử gia đình nhà Kent”) và hàng trăm câu chuyện khác viết bởi các nhà văn quá khứ và hiện tại đều mời gọi lịch sử và nhóm lên trí tưởng tượng [trong độc giả]. Thêm vào đó, tiểu thuyết cho trẻ vị thành niên lấy bối cảnh nước Mỹ những năm qua, như “Across Five Aprils” (Tạm dịch: Vượt qua năm tháng Tư”) or “Roll of Thunder, Hear My Cry” (Tạm dịch: “Này những cuộn sấm, hãy nghe tôi khóc”) có thể khơi dậy niềm yêu thích dài lâu vào lịch sử.
Phần thưởng xứng đáng
Trong cuốn “Chính thống giáo,” G.K. Chesterton viết: “Truyền thống có nghĩa rằng trao một phiếu thuận cho tầng lớp hư ảo nhất, chính là tổ tiên của chúng ta. Đó chính là nền dân chủ của những người đã khuất. Truyền thống chối từ bầu chọn cho những tên đầu sỏ nhỏ bé và ngạo mạn dường như chỉ sống đời ngắn ngủi.”
Giao tiếp với những người đã khuất – nghĩa là đọc và tiếp thụ lịch sử – khiến chúng ta lùi xa khỏi kẻ mà Chesterton gọi là “tên đầu sỏ nhỏ bé và ngạo mạn dường như chỉ sống đời ngắn ngủi.”
Chúng ta hôm nay có thể thấy những lỗi lầm đáng tiếc của kẻ đầu sỏ như thế, dù những kẻ phục dịch hắn đang ngồi trong Quốc hội hay làm việc trong hội đồng trường học địa phương của chúng ta, chuyến viễn hành đến quá khứ của chúng ta có thể phá hủy chứng mê muội bản thân và nỗi tự kiêu ngạo mạn ấy. Những bài học và ví dụ từ lịch sử cho chúng ta một cái nhìn lâu dài hơn, một ống kính viễn vọng nhìn xa hơn tiêu đề tờ báo hay cả lần bầu cử tiếp theo.
Hành trình về quá khứ tương tự cũng có thể trấn an ta trước những du khách sợ hãi hay mỏi mệt đang chán nản về thời đại họ sống. Chúng ta sau đó nhận ra rằng những người đã đến trước ta không bị chìm trong một vài thời hoàng kim, mà biết đối diện với những nỗi khó nhọc. Hiểu được những khúc mắc của họ có thể giúp ta nhìn thấu những khó khăn hiện tại của bản thân mình.
Thêm vào đó, cho phép mình tràn ngập quá khứ có thể ban cho ta sức mạnh và đức hạnh. Điển hình như đọc về tính kiên cường của Ulysses Grant trong cuộc chiến Shiloh khi ông vực dậy tinh thần của đội quân đã bị đánh bại dưới quyền chỉ huy của ông để rồi đạt được chiến thắng trong ngày hôm sau, [sự kiện này] có thể khiến ta tràn đầy cảm hứng để đứng vững chãi trước những gian khổ của cá nhân.
Tính liêm khiết của những người đàn ông và phụ nữ như Thượng nghị sĩ Robert Taft và Harriet Tubman nhắc nhở ta về tầm quan trọng của những nguyên lý trong một thế giới trượt dốc này. Quyển sách “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” viết về gia đình nhà Ingalls và cuộc sống đầy khó nhọc nơi biên giới của họ, sách có thể truyền cảm hứng về lòng kiên trì cho những người trẻ của chúng ta khi đối diện với những vấp ngã trong cuộc sống.
Bảo tồn nền cộng hòa và phục dựng nền văn hóa của đất nước đồng nghĩa với việc chúng ta phải hiểu về đất nước của mình. Để hiểu Hoa Kỳ, chúng ta phải nghiên cứu lịch sử, cả mặt tốt và mặt xấu từ quá khứ của chúng ta.
Và với hiểu biết ấy, một tình yêu vững bền với bản chất thật sự của ta và với con người ta muốn trở thành sẽ nảy sinh.
Jeff Minick _ Hạnh Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét