Tôi biết:
Đất trời
có bốn mùa: hết Xuân thì tới Hạ , rồi Thu và tới Đông ...
Con người:
có Sinh thì ắt có Tử...
Biết là một
chuyện, chấp nhận và bằng lòng với quy luật đó là một chuyện khác.
Cho dù thế
nào thì tôi cũng phải làm quen và tập sống với thực tế: cuộc đời của tôi đã
thay đổi từ khi người chồng đáng kính của tôi đi xa. Anh đã sang qua một thế giới
khác.
Trong 53
năm, chúng tôi kề cận, nhường nhịn, yêu thương và chăm sóc nhau để cùng xây dựng
cuộc sống riêng sau khi cả hai chúng tôi học xong đại học. Chúng tôi đã có một
gia đình nhỏ an vui với hai con trai. Và từ khi chúng tôi đem hai cô con gái
nhà người dưng, mang về làm hai con gái ruột nhà mình thì gia đình chúng tôi có
thêm ba đứa cháu. Nay, các con đã thành nhân, các cháu thì đã có đứa chuẩn bị
vào đại học. Hai con trai của chúng tôi đã có nghề nghiệp vững vàng, chúng đã
có nhà riêng. Chúng tôi già dặn hơn cùng với sự trưởng thành của con cháu. Hai
chúng tôi đã về hưu, vẫn cùng có nhau, tiếp tục nhường nhịn, chăm lo cho nhau
trong những năm tháng cuối đời...
Nhờ duyên
lành, tôi được học Phật khi tôi còn ở bậc trung học đệ nhất cấp. Tôi rất lí thú
nghe Pháp và thực tập theo cách sống Bi - Trí - Dũng của Phật từ lúc còn rất trẻ
đó. Tôi biết, thông hiểu và chấp nhận sự vô thường của muôn loài.
Nhưng, khi
chồng tôi nằm xuống vĩnh viễn, người bạn đời của tôi đã bỏ tôi, tôi mới chợt nhận
ra bấy lâu nay tôi như con vẹt, lập lại và nhìn mọi vật, có đó rồì mất đó
– trong cái vô thường của đất trời – nó tự nhiên, nó nhẹ nhàng như tôi đang thở,
nay, không phải như thế nữa. Với chính thực tế mất mát của bản thân, mọi suy
nghĩ trước đây của tôi về sự vô thường của một kiếp nhân sinh đã bị đảo lộn, rồi
quay cuồng.... Đây có phải là một tổn thất quá lớn trong cuộc đời mà từ trẻ cho
tới bây giờ tôi chưa hề trải qua, tôi chưa hề có kinh nghiệm? Tôi hụt hẵng, tôi
níu kéo và cố bám vào ảo tưởng: “Ông nhà tôi đi đâu đó rồi Anh sẽ về thôi
mà...”
Tôi đợi
Anh trở về, hết ngày rồi tới đêm... Một tuần, rồi hai tuần ...và tôi thất vọng...
Tôi không
chấp nhận sự thật.
Thế rồi,
tôi cũng phải ráng tập lối sống mới: một mình , tự lo thân, tự quyết định mọi
việc... Mà sao khó quá, tôi không cảm thấy dễ chịu chút nào... Bất chợt , trong
tiềm thức của tôi, hiện lên qui luật mới: học nhớ dễ hơn học quên vạn lần!... Với
tôi, không nỗi đau nào hơn nỗi đau của tuổi già bị mất người phối ngẫu. Không
có sự trống vắng nào hơn ở tuổi xế bóng bị mất người chồng( hoặc người vợ), người
đã đồng hành, đã cùng mình vượt qua bao khổ nhọc của cả một đời. Tôi không còn
ai để nói hết, nói thật... nói tất cả... những lo toan, những vui buồn tôi đang
gặp phải. Không còn ai để tôi “cằn nhằn”! Tôi vẫn thường nghe câu nói đầu môi từ
vài người bạn: “Vợ chồng tôi không cải nhau bao giờ”. Tôi không bao giờ tin những
lời nói này. Với tôi, chuyện vợ chồng tranh cải vì khác ý kiến trong một
vấn đề, đó cũng là bình thường. Ông bà mình vẫn luôn nói: chén dĩa trong sóng
còn khua thay.
Hai năm cuối
đời, ước lượng được sức khoẻ của mình, Anh đã nói với thằng cháu lớn nhất 17 tuổi:
“ Ông Nội ráng đợi ngày Con tốt nghiệp đại học, Ông sẽ có mặt trong ngày Con ra
trường. Con nhớ dẫn Ông đi ăn một bữa thịnh soạn rồi Ông Nội sẽ đi xa.” Tội
nghiệp thằng cháu không rành tiếng Việt và cũng không hiểu “đi xa” là Ông Nội sẽ
đi đâu thế mà ngày Ông Nội nằm xuống, Cháu cũng biết tại sao Ông không thể giử
lời hứa với Cháu. Và bữa ăn thịnh soạn ngày Cháu tốt nghiệp sẽ mãi mãi không
bao giờ có mặt Ông Nội nữa...
Năm nay,
mùa đông California rét buốt hơn mọi năm. Trời lạnh, cái nhà của tôi càng lạnh
hơn vì chỉ một mình tôi lẻ loi...
Nhớ lời dặn:
“Anh chết rồi, buồn lắm, em ơi. Hãy về một đứa con mà ở.”
Tôi tới
nhà con trai út ở thành phố San Francísco – đứa con gần tôi nhất - ở chơi vài
hôm. Ở đó, có con cháu vây quanh, tôi nguôi ngoai phần nào mà sao tôi vẫn nhớ,
vẫn thích trở về cái nhà nhỏ quen thuộc của tôi. Trong ngôi nhà xưa thân quen,
hằng ngày, tôi “nói chuyện” với Anh như Anh vẫn còn đó. Tôi cảm thấy Anh
vẫn loanh quanh đâu đây, bảo vệ và mang về sự bình yên cho tôi. Tôi tự do khóc,
tự do ăn, tự do ngủ... bất cứ khi nào... theo “thời dụng biểu bất thường”
trong lúc này của tôi. Và điều quan trọng mà vợ chồng tôi đã nhận thấy từ
lâu, nay, càng rõ ràng hơn, đó là: các con – các cháu của tôi, chúng có suy
nghĩ của chúng. Chúng nó trẻ. Chúng say mê công việc và theo đuổi sự nghiệp.
Chúng lo làm việc để trả nợ nhà, nợ xe... và nhất là lo việc nuôi dạy con cái.
Chúng không có cùng cách giải quyết vấn đề như thế hệ già của chúng tôi. Làm
sao tôi có thể bộc bạch hết những tâm tư sâu kín của tôi với chúng nữa.
Chồng tôi
đã có chỗ ở mới, chắc chắn rất an vui. Còn lại tôi, bơ vơ, chới với. Người đi
trước sao mà ấm áp, được mọi người lo cho đầy đủ, chu toàn.
Tôi bắt đầu
ganh tỵ với chồng tôi.
Hồi tưởng
lại vài năm sau này, khi hai chúng tôi đã về hưu và nhờ có con vi rút covid ,
chúng tôi có nhiều thì giờ ngồi bên nhau. Không biết tìm đâu ra, chồng tôi thường
đọc cho tôi nghe bài thơ xưa ( không biết tên tác giả) của người chồng già viết
tặng vợ:
...Mất
gì thì mất Bà ơi,
Xin Trời
để lại còn Tôi, còn Bà
Nếu mà
có phải đi xa
Để Tôi
đi trước còn Bà đi sau
Mong Bà
đừng ốm đừng đau
Để Tôi
có bát cơm rau sáng chiều
Càng
già, càng quí, càng yêu
Bâng
khuâng lại nhớ ít nhiều ngày xưa ....
Mất gì
thì mất Bà ơi,
Xin Trời
để lại còn Tôi, còn Bà
Tôi –
Bà nay tuổi đã già
Mà Tôi
vẫn sợ còn Tôi, mất Bà...
Thế là ước
muốn “ xin được đi trước” của chồng tôi đã được thỏa theo ý nguyện.
Chồng tôi,
cả đời là một nhà giáo đạo hạnh. Anh có chánh nghiệp. Anh có một đời sống viên
mãn. Nay, nghiệp đã trả xong, Anh ra đi nhẹ nhàng. Anh được thay cái xác mới.
Tôi tin: nhất định Anh đã đến được cõi an lành.
Rồi thì ai
cũng sẽ phải theo con đường của Anh thôi mà. Tôi cũng sẽ như thế.
Hai tháng,
... rồi ba tháng, ...
Tôi không
thể nào khoẻ mạnh trong tình trạng sống đau buồn mãi được.
Tôi bắt đầu
đọc sách nhiều hơn, nghe giảng Pháp nhiều hơn. Tôi thiền định lâu hơn. Tôi làm
vườn, công việc này chồng tôi phụ trách trước đây, tôi nào biết tới. Và tôi tiếp
tục lại các việc đang dang dở mà thời gian qua vì phải chăm sóc Anh bịnh tôi đã
xin tạm nghỉ. Tôi có Chùa Phổ Từ ở Hayward, gần nhà. Tôi có Camp Metta ở Los
Gatos. Tôi có nhiều bạn đạo rất thành thật ở hai nơi đó. Tôi có những bạn thiện
tri thức của hai nhóm Gia Đình Phật Tử Chánh Tâm và Chánh Hòa, nơi tôi đang dạy
thiện nguyện Tiếng Việt cho các em đoàn sinh và nhất là hằng ngày tôi được tu tập
qua những câu viết ngắn dưới đề mục “Morning Coffee” của Sư Bhante . Dần
dà, tôi đã lấy lại sự quân bình trong suy nghĩ. Niềm vui và sự tin tưởng vào
Chánh Pháp đã vực tôi đứng lên . Tôi nhận ra thế nào là Chơn Thường trong Vô
Thường của sự vậ , của cuộc sống. Đã có sẵn Chánh niệm và Chánh Tư Duy, tôi cảm
nhận được sự sống đang có mặt trong từng giây phút của hiện tại. Sự tiếc nuối
và suy nghĩ về mất mát trở về lại với tôi nhẹ nhàng như tôi đang thở.
Tôi đăng
ký học vẽ ở Chabot College – Hayward. Tôi tập vẽ trên giấy canvas để áp dụng vẽ
trên áo dài, niềm say mê nhất của tôi từ khi còn trẻ nhưng vì quá bận rộn phải
xếp qua một bên.
Tôi đang
suy nghĩ để xem tôi có còn thích hợp để học khiêu vũ không. Đây là môn thể dục
lý thú của tuổi già.
Tôi sẽ tiếp
tục gặp lại học trò qua hai lớp dạy thiện nguyện Tiếng Việt của tôi sau thời
gian dài dạy chúng qua zoom.
Tôi sẽ tiếp
tục dịch sách chương trình “Early Childhood Education” ( Ngành Mẫu Giáo Nhà Trẻ).
Sách tôi dịch, in ra, đã và sẽ giúp các cô giáo dạy chương trình này ở Việt Nam
làm giàu thêm kiến thức nghề nghiệp của họ.
Cám ơn Phật
pháp đã giúp Con sáng ra và chấp nhận thực tế đúng như tính chất vô thường nó
đang là.
Cám ơn Anh
đã cùng Em đi hơn nửa cuộc đời. Anh đã giúp Em hiểu được sự chịu thương chịu
khó, sự hy sinh cho một tình yêu đích thực. Anh đã để lại cho Em quá nhiều kỷ
niệm, Em chẳng thể nào quên. Em sẽ chuyển nỗi đau thành niềm thương nhớ. Anh
ơi, hãy chờ Em bên kia sông, vài năm nữa mình sẽ gặp lại, nhé Anh.
Mẹ cám ơn
hai Con Trai của Mẹ. Các Con đã giúp Mẹ tiếp tục giữ cuộc sống an nhàn như khi
Ba Mẹ có nhau.
Bà Nội cám
ơn ba Cháu yêu. Các Cháu rất ngoan, nghe lời dạy bảo của cha mẹ, học giỏi. Cám
ơn các Cháu luôn báo tin vui về việc học của các Cháu cho Bà nghe.
DT – Th H
ơi , Nh – Ng ơi ! Các Em đang đủ đôi . Đó là hạnh phúc quý báu nhất Thượng Đế
ban tặng cho riêng các Em và cho cả loài người. Các Em hãy yêu thương – chăm
sóc nhau với tất cả những gì có thể để rồi mai kia, khi một người đi xa trước,
người ở lại không có gì để hối hận...
Tôi cũng vậy.
Tôi đã là
người vợ tốt.
Tôi đã là
người mẹ tốt.
Tôi đã hết
lòng chăm sóc chồng tôi khi Anh bịnh hoạn.
Tôi không
có gì để hối hận.
Tôi phải
vui lên để được sống khỏe mạnh. Cầu mong tôi giử được sức khoẻ này lâu dài cho
tới khi nào quá yếu. Khi đó, tôi sẽ về sống cùng với con cháu.
Tôi đang
bước vào khúc quanh mới của đoạn cuối con đường và tôi sẽ thanh thản đón hoàng
hôn./.
Hayward – CaliforniaTháng Hai, 2022./Nguyễn Thị Phi Phượng
Những Ngôi Nhà Không Có Đàn Ông !
Tôi không biết có lời nguyền nào gán cho khu phố của tôi không, mà những người phụ nữ tại khu phố này đều sống đơn chiếc! Nếu không thì tại sao tính từ đầu ngõ đến cuối dãy gần chục căn nhà liền kề nhau, trong mỗi căn nhà đều do phụ nữ làm chủ, với lý do này hoặc lý do khác mà người đàn ông của ngôi nhà ấy đã nhường vô điều kiện cho phụ nữ để ra đi…
Bình thường thì không gây được sự chú ý, nhưng mùa Xuân đang đến, những ngày cuối năm sự rộn ràng đến với mọi nơi, thì chỉ thấy toàn phụ nữ trong các ngôi nhà ấy đồng loạt chường khuôn mặt đẹp như hoa với tất bật công việc từ nặng đến nhẹ để chuẩn bị đón chào năm mới. Những người phụ nữ chân không yếu, tay không mềm kia xắn tay làm những việc mà lẽ ra là của đàn ông. Vì người đàn ông của họ đã vắng trong ngôi nhà mà họ từng hạnh phúc, còn cách nào hơn là các người đẹp phải tự gánh vác công việc một mình.
Từ đầu xóm cô Ngọc đang ngồi trên mái nhà moi rác trong chiếc máng xối bị tồn đọng đầy lá cây suốt mùa mưa, rồi cô leo xuống dễ dàng với vài động tác của loài mèo.
Chị Hiền nhà kế bên thì đứng trên chiếc ghế cao sơn phết lại các cánh cửa một màu tươi mới, chị khéo léo thao tác như đang vẻ tranh không…hình.
Cô Nga kế nữa thì một mình vần những chậu cây kiểng từ vị trí này sang vị trí khác, cánh tay cô gồng lên thì các chậu kiểng chỉ việc chịu thua theo sự sắp xếp của cô.
Chị Mai đang leo lên chiếc thang tháo những tấm rèm cửa, vừa thay rèm vừa hát “…đồn anh đóng ven rừng mai, nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa…”. Giọng hát của chị không cần giàn âm thanh hổ trợ cũng hay ra phết khiến vài người đi ngang nhà phải quay nhìn vào.
Còn tôi thì chú ý tên chị được nhắc đến hai lần trong câu hát, thảo nào mà chị cứ hát mãi câu ca bất hủ ấy. Không thể không nhắc đến cô Thảo, cô đang trộn một thau hỗn hợp cát với xi măng, rồi cẩn thận trét lại những chỗ bong vỡ trên sân, cô vừa tô hồ vừa lẩm bẩm gì đó như đọc thần chú. Chiếc bay lướt nhẹ nhàng và hoàn tất công việc thành thạo như một thợ hồ chuyên nghiệp.
Còn vài chị nữa nhưng các chị cách xa nhà tôi quá, nên tôi không tiện quan sát để kể tường tận về hoàn cảnh của họ. Chỉ bấy nhiêu đó thôi có thể đủ để kết luận rằng phụ nữ xóm tôi thật giỏi, ngoài việc nhà họ còn phải làm việc kiếm tiền để mưu sinh và họ có thể làm những việc khó cũng như dễ mà không cần có sự giúp sức của đàn ông.
Đừng hỏi “Tại sao tài sắc như vậy mà không có người nào cho họ cơ hội được nâng khăn, giữ bóp?”. Có đấy! Họ đã từng có những đức ông chồng, nhưng cuộc hôn nhân không đem họ đến bến bờ hạnh phúc, thì đành vẫy tay chào nhau.
Cô Ngọc có một ông chồng ghen tuông vượt mức báo động. Cô làm việc ở một nhà hàng, nơi tiếp những ông khách thường xuyên say xỉn, cô phải nghe những câu tán tỉnh của khách khi rượu đã vào.
Chồng cô biết vậy nên mỗi khi cô về nhà trễ là có ‘trò chơi” rượt đuổi, cô thường xuyên “vút” lên mái nhà trốn. Khi hết chịu đựng nổi cô đâm đơn ly dị, cũng là lúc cô thành thạo việc leo lên mái nhà. Giờ thì đừng hỏi tại sao máng xối nhà cô luôn sạch sẽ!
Chị Hiền đúng thật là hiền, chồng chị là đệ tử của Lưu Linh, nhưng không bao giờ chị ngăn cản sở thích của chồng. Chị còn nghiên cứu nấu các món ngon cho chồng nhậu, ổng thích nhậu lúc nào chị phục vụ lúc ấy. Chị thân cò lặn lội nuôi chồng, con. Mua quà cho con là kèm rượu cho chồng.
Riết…lá gan của ổng thọ nạn, ổng gút bai cuộc đời. Chị đau khổ dày vò, chị cứ mua sơn ra mộ ổng sơn, không để một vết trầy, khi ổng sống chị tốn thời gian chăm lo cho ổng thế nào, bây giờ chị cũng “chăm sóc” mộ y như thế.
Từ đó nhà cửa của chị cũng được hưởng tài “sơn” của chị. Chị cứ ước nếu chồng chị còn sống, chị sẽ cho ổng nhậu gấp đôi, gấp ba, miễn là ổng sống trọn đời với chị. Chị không bao giờ nghĩ ra được người vợ ngoan không có nghĩa là phải chìu cả những thói hư tật xấu của chồng, vì như thế là hại chứ không phải là chu toàn bổn phận.
Chị không biết chính rượu đã đưa đường, dẫn lối ổng ra nghĩa địa! Để lại đôi mắt của chị đẹp và buồn đến nao lòng, chị nói đời chị chỉ tôn thờ một người, tình đầu là tình cuối!
Cô Nga có khuôn mặt đẹp từng nét, dáng cô cao hơn thước bảy! Ba má cô có ý muốn cô trở thành hoa hậu nên “đầu tư” rất kỹ. Sữa để cao giò, sữa làm trắng da, sữa thông minh cô đều được uống, kết quả là cô phát triển cả chiều ngang nên vỡ mộng đi thi người đẹp. Bù lại cô có một sức vóc thuộc loại vận động viên thể hình.
Cô đã quen tai với lời khen, cô không thích nghe phê bình điểm yếu của mình. Cô lấy chồng và cho rằng người đàn ông may mắn mới lấy được cô. Còn chồng cô lại nói “Sắc đẹp không bỏ vô nồi nấu ăn được!”, anh ta cần một người vợ biết tôn trọng chồng.
Cứ thế họ không ít lần cãi vã, có lần hai bên xáp lá cà với các chiêu cào, cấu, cắn và chồng cô…thua trận với thân thể đầy thương tích! Anh ta cuốn gói đi theo một phụ nữ khác có chiều ngang vừa đủ một vòng tay ôm, vừa hiền hậu nhu mì.
Tiếng dữ đồn xa, cô Nga không thể bước vào trái tim người đàn ông nào nữa, bất mãn quá nên cô tỏ ra bất cần “Đàn ông là cái mắm gì? (Cô không biết đàn ông là…mắm nhĩ! Các món ăn không thể ngon khi thiếu…mắm!). Còn các ông nghe thì càng tránh xa vì thấy cô dữ quá! Cô đành ngậm ngùi sống kiếp độc thân. Giờ chỉ có mấy chậu kiểng lãnh đủ sự lực lưỡng của cô!
Chị Mai rất là đáng thương! Chị là thợ may, bàn tay cầm kéo của chị tạo nên vô số chiếc áo đẹp, tiền cứ theo đó mà vào tủ của chị. Tiền ai chẳng thích, nhưng chị quên hết mọi việc ngoài may và may nên không có thời gian chăm sóc gia đình.
Chồng phê bình không ăn thua. Nhất là mùa cận tết thì chị không còn thời gian để dành cho chồng chị dù một cái nắm tay. Anh buồn nên hát karaoke. Hát một mình chán anh bèn đến quán Karaoke đèn sáng, từ quán đèn sáng anh chuyển sang quán Karaoke đèn mờ!
Thế rồi một ngày giật mình nhìn lại, chị mới hay rằng anh đã đi theo một cô biết hát đồng ca với anh. Chị hát hay, nhưng ngày ấy không chịu dành thời gian để hát với anh. Chị hiểu ra rằng người phụ nữ hoàn hão là người phụ nữ phải biết biến căn nhà thành mái ấm, biết chia thời gian của mình cho các công việc sao cho hợp lý, khi hiểu được như thế thì người đàn ông của đời chị đã vắng trong căn nhà có rèm cửa đẹp như cung tiên!
Chị đã mất anh rồi, giờ đến lượt chị khi buồn chỉ còn biết hát một mình “…nếu mai không nở, em đâu biết xuân về hay chưa…”
Còn cô Thảo? Cô rạch ròi công việc hẳn hoi, việc của phụ nữ thì phụ nữ làm, việc của đàn ông thì đàn ông làm. Cô phân công từng việc, ví dụ “Kiếm tiền là đàn ông, giữ tiền là đàn bà!”, “Mua sắm là đàn bà, chi tiền là đàn ông!”, “Sinh con là đàn bà, nuôi con là đàn ông!”, “Việc khó là đàn ông, việc dễ là đàn bà!”, “Hờn giận là đàn bà, xin lỗi là đàn ông!”…, thậm chí cô còn thảo ra bản hợp đồng có chữ ký của cả hai. Cứ thế cô không bao giờ làm thay cho chồng những việc mà cô đã giao hẹn từ ngày anh mới ngỏ lời cầu hôn.
Ngày chưa cưới, cô nói gì anh cũng “yes”, cưới xong thì lời hứa gió bay, anh thường “no”, có khi còn nhấn mạnh “no…no”. Hỏi sao cô cam tâm cho được. Cho đến một ngày chồng cô ủ rũ nói: “Em yêu! Chúng mình phải làm một cuộc trắc nghiệm, phải xa nhau một thời gian đã ngâm cứu lại bản hợp đồng sống chung của chúng ta.
Anh nghĩ thần kinh của anh có gì đó không ổn khi ký kết. Em cứ ở đây, còn anh sẽ ra ngoài sống. Sự cách biệt sẽ giúp chúng ta nhận ra mình cần nhau đến thế nào hoặc có cần nhau nữa không…”. Cô nghẹn ngào không nói nên lời. Đã lỡ cam kết “…xin lỗi là đàn ông!” nên cô không thể làm thay anh điều đó.
Sau này nghiền ngẫm lại bản thân, cô nhận biết mình đã quá đáng vì được yêu chìu. Những ngày vắng anh là những ngày cô ăn năn sám hối. Cô nhật tụng “I love you! My dear...I miss you…”.
Cô luôn mong một ngày nào đó anh sẽ quay về. Cô giấu nhan sắc chim sa, cá lặn của mình vào nỗi u hoài, không màng đến lời ong bướm bên ngoài. Cô hy vọng ngày anh trở lại sẽ thấy ở cô một đức tính biết sống vì người khác, không giành phần hơn cho mình. Cô sẽ là người vợ biết chia sẻ với chồng mọi việc, cô luôn tâm sự như thế…
Tôi tin câu nói của người xưa rằng “Hồng nhan…”. Ai bảo phụ nữ xóm tôi…tài sắc vẹn toàn thế chứ! Còn tôi hả? Tôi đang bận sửa điện nên không trả lời được! Nói ngắn thôi hả?
Thì tôi cũng ở xóm này, nên tôi không thoát khỏi thế giới cô đơn tình ơi! Tệ hơn nữa là tôi chưa bao giờ lọt vào mắt xanh của chàng nào mới là lạ! Nếu có “lọt”, không chừng tôi cũng rơi vào một hoàn cảnh nào đó để tiếp tục cuộc sống hẩm hiu!
Vì như đã nói, những ngôi nhà ở xóm tôi đã bị lời nguyền không có đàn ông!
Hồ Thụy Mỹ HạnhChuyện
tình..
Tôi đã chia sẻ câu chuyện này với người bạn cách đây không lâu. Hôm nay tôi muốn gởi đến quý vị. Khi quý vị đã có bạn để chia sẻ cuộc sống, dù bạn đã thành hôn hay chưa, bạn nên đọc.
Khi tôi về đến nhà và vợ tôi đang dọn bữa ăn tối, tôi cầm lấy tay nàng và nói: "Anh có chuyện muốn nói với em". Cô ấy lặng lẽ ngồi xuống, không nói một lời và bắt đầu ăn.
Tôi lại thấy đôi mắt nàng lộ vẻ khổ đau.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy không thể thốt lên lời nào. Nhưng tôi phải nói cho nàng biết những suy nghĩ của tôi. Tôi muốn ly dị. Tôi đề cập đến vấn đề một cách bình thản. Cô ấy trông chẳng có vẻ gì bực bội khi nghe tôi nói, mà chỉ hỏi tôi lý do tại sao?
Tôi làm như không nghe câu hỏi. Thế là nàng nổi giận, ném đũa về phía tôi, và hét lên: "Anh không phải là một thằng đàn ông!"
Buổi tối hôm đó, chúng tôi không nói với nhau lời nào. Cô ấy chỉ khóc. Tôi biết cô ấy tự hỏi chuyện gì xảy ra cho hôn nhân của chúng tôi. Nhưng tôi không thể đưa ra một lời giải thích nào ổn thỏa, trái tim tôi không thuộc về nàng nữa, nó đã bị Jane chiếm trọn rồi. Tôi không còn yêu nàng nữa, mà chỉ cảm thấy thương hại!
Bằng một cử chỉ thật tội lỗi, tôi đưa cho nàng giấy tờ tôi sắp xếp cho việc này, nào là tôi nhường lại xe và nhà cho nàng, và chia 30% tiền lời trong công ty của tôi. Cô ấy thoáng liếc mắt vào tờ giấy, rồi xé vụn ra từng mảnh.
Người phụ nữ này, người đã sống với tôi suốt 10 năm tròn, bây giờ trở nên xa lạ. Tôi thấy thật tội nghiệp cho cô về khoảng thời gian tiêu hao đi bao nhiêu sức lực để vun đắp gia đình, thật uổng phí, nhưng thật sự tôi không thể nói khác được, vì tôi thật sự yêu Jane.
Bỗng nhiên vợ tôi bật khóc thật to, tôi đã biết trước thế nào nàng cũng khóc như vậy. Nói cho cùng, nàng khóc làm cho tôi cảm thấy nhẹ hơn. Ý định ly hôn luẩn quẩn trong đầu tôi từ nhiều tuần nay bây giờ trở nên quả quyết và rõ ràng hơn.
Hôm sau tôi trở về nhà rất muộn, và tôi thấy nàng đang ngồi viết ở bàn. Tôi không muốn ăn tối, mà vào phòng và ngủ ngay vì tôi rất mệt sau một ngày bận rộn với Jane. Khi tôi tỉnh giấc, nàng vẫn còn ngồi viết. Tôi chẳng bận tâm, và lại quay ra ngủ tiếp.
Đến sáng, cô ấy đưa cho tôi xem những điều kiện về việc ly dị: cô nàng không muốn tôi phải đưa hoặc làm gì cho cô, nàng chỉ cần một tháng để chuẩn bị trước ngày ký giấy. Yêu cầu của nàng là trong suốt tháng đó, cả hai chúng tôi đều phải phấn đấu để sống một cách bình thường trong khả năng của mình. Lý do nàng đưa ra rất đơn giản: con trai chúng tôi phải trải qua một kỳ thi quan trọng vào cuối tháng và nàng không muốn bất kỳ lý do nào sẽ làm xao lãng con vì một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Điều này rất tuyệt đối với tôi. Nhưng rồi nàng lại thêm một điều kiện khác nữa, nàng hỏi tôi có thể nhắc lại ngày cưới tôi đã bế nàng như thế nào vô phòng tân hôn sau khi tiệc tan không.
Điều kiện thứ hai là trong suốt ba mươi ngày đó, mỗi buổi sáng, tôi phải bế nàng từ phòng của chúng tôi ra đến ngưỡng cửa. Tôi không hiểu sao cô ta lại trở nên điên rồ như vậy. Thôi thì, để cho nàng được thoải mái trong những ngày sau cùng với tôi, tôi chấp nhận những yêu cầu kỳ quái của nàng.
Tôi nói cho Jane biết những điều kiện kỳ lạ của vợ tôi về việc ly dị.
Jane phá lên cười và cũng nghĩ điều đó thật là điên rồ. Jane lại nói thêm một cách khinh miệt rằng cho dù vợ tôi có dùng những thủ đoạn gì đi nữa thì cô ta cũng phải đối mặt với việc ly hôn.
Kể từ khi tôi quyết định ly dị, vợ tôi và tôi không còn đụng chạm nhau nữa. Thế nên ngày đầu tiên khi phải bế nàng ra, cả hai chúng tôi đều thật vụng về. Con trai chúng tôi thì đi theo sau và vỗ tay, miệng không ngớt kêu lên: "Ôi! Ba đang bế mẹ kià!" Những lời đó làm cho tôi đau buồn. Từ phòng ngủ ra đến phòng khách, rồi ra đến cửa, tôi đã mang nàng trên tay khoảng 10 cây số như thế. Cô nhắm mắt lại và nhẹ nhàng yêu cầu tôi không nói đến chuyện ly hôn cho con trai. Tôi gật đầu đồng ý, và có một cảm giác kỳ lạ hầu như rất đau lòng.Tôi đặt nàng xuống, bên ngoài cửa ra vào. Nàng đến trạm chờ xe buýt để đi làm. Tôi lái xe một mình đến sở.
Sang ngày thứ nhì, cả hai chúng tôi đỡ vụng về hơn. Cô ấy nép sát vào bụng tôi. Tôi có thể ngửi thấy mùi nước hoa từ áo nàng thoảng bay ra. Bây giờ tôi mới nhớ lại là từ lâu nay tôi chưa ngắm nhìn người đàn bà này, và nhận ra rằng cô ấy không còn trẻ nữa. Trên mặt đã xuất hiện những nếp nhăn, còn tóc thì đã hoa râm rồi!
Ôi, cuộc hôn nhân của chúng tôi đã tàn phá nét thanh xuân của nàng như thế đó. Trong một thoáng, tôi tự hỏi mình đã làm gì để cô ấy nên nỗi.
Đến ngày thứ tư, tôi cảm nhận được sự thân thương lúc xưa đã trở lại. Chính người phụ nữ này đã hy sinh những 10 năm trong suốt cuộc đời của cô ấy cho tôi.
Rồi ngày thứ năm, thứ sáu, tôi nhận được sự gần gũi ngày càng trở nên thân mật hơn. Tôi không hề tiết lộ điều này với Jane. Giờ đây việc bế nàng trở nên ngày càng dễ dàng hơn khi thời gian trôi qua dần trong suốt tháng. Có lẽ công việc mỗi ngày này làm cho tôi trở nên mạnh mẽ hơn chăng.
Một buổi sáng nọ, khi nàng cố tìm áo quần để mặc, nàng thử vài chiếc áo, nhưng vẫn không thấy chiếc nào thích hợp. Nàng nói lẩm bẩm, ôi sao không có chiếc áo nào cả, cái nào cũng quá rộng.
Bỗng dưng tôi nhận ra rằng cô ấy
đã gầy đi, và đó chính là lý do tại sao bây giờ tôi có thể bế nàng trên tay dễ
dàng hơn. Điều này làm cho tôi thật bàng hoàng, cô ấy đã giấu kín bao nỗi khổ
đau cay đắng trong lòng từ bao lâu nay.
Bàn tay tôi đưa lên chạm vào đầu nàng lúc nào không hay.
Ngay lúc đó con trai chúng tôi vào và nói: "Ba ơi, đến giờ phải bế mẹ ra ngoài rồi đó ba à". Bây giờ đối với cậu bé, việc đứng nhìn cha nó bế mẹ ra cửa trở nên một phần thiết yếu trong cuộc sống rồi. Vợ tôi ngoắc tay bảo con đến gần và ôm nó thật chặt. Tôi phải quay mặt đi vì tôi lo sợ trong giây phút này mình sẽ đổi ý mất thôi. Rồi tôi ôm nàng vào lòng, đi từ phòng ngủ ra phòng khách và đến ngưỡng cửa. Nàng quàng tay vào cổ tôi một cách nhẹ nhàng và quen thuộc. Tôi ghì lấy nàng thật chặt, và cảm thấy như đây là ngày cưới của chúng tôi. Nhưng thân thể gầy mòn của nàng khiến tôi thật đau lòng.
Đến ngày cuối tháng, khi đã ôm nàng trong tay, tôi cảm thấy đôi chân mình nặng trịch, không lê bước nổi. Con trai đã đi đến trường. Tôi lại ôm nàng thật chặt và nói: "Anh không để ý rằng cuộc sống của em và anh lâu nay mình thiếu thân mật đến thế, em ạ".
Tôi vội lái xe đến sở và nhanh chóng nhảy thót ra khỏi xe mà không màng khép cổng lại. Tôi rất sợ trì hoãn thêm một giây sẽ làm tôi đổi ý, và tôi leo nhanh lên các bậc thang. Jane chạy ra mở cửa, tôi nói với cô: "Anh rất tiếc, Jane ạ, bây giờ anh không muốn ly dị vợ anh nữa".
Cô ấy sững sờ nhìn tôi, đưa tay lên sờ trán tôi. Anh có bị lên cơn sốt không vậy? Tôi đẩy tay cô ta ra.
"Anh rất tiếc, Jane ạ, nhưng anh không ly dị đâu. Cuộc sống hôn nhân giữa anh và vợ anh có lẽ trở nên chán chường bởi vì cả cô ấy và anh đều không biết đến giá trị những giờ phút bên nhau, chứ không phải tình yêu của chúng tôi đã nhạt phai. Bây giờ anh nhận ra rằng từ khi anh bế cô ấy vào căn nhà yêu thương của mình ngày hôn lễ, bổn phận của anh là phải ở bên cô ấy để lo cho cô ấy cho đến lúc cái chết chia lìa chúng tôi".
Một thoáng trôi qua, rồi thình lình Jane lộ vẻ thức tỉnh. Cô ấy giáng cho tôi một cái tát thật mạnh, đóng sập cánh cửa rồi bật khóc. Tôi đi xuống và lái xe về.
Khi về, đi ngang một tiệm hoa, tôi đặt một bó hoa thật đẹp cho vợ yêu của tôi. Cô gái bán hàng hỏi tôi muốn ghi như thế nào trên tấm thiệp. Tôi mỉm cười, đặt bút ghi rằng, "Em yêu, anh sẽ bế em ra ngoài cửa mỗi buổi sáng cho đến ngày chúng ta phải xa cách để về cuộc sống bên kia".
Chiều hôm đó tôi về đến nhà, cầm bó hoa trên tay, với nụ cười tươi tắn trên môi, chạy thật nhanh lên cầu thang... và rồi... nhìn thấy vợ tôi đơn độc nằm trên giường – Ngưng thở!
Vợ tôi chống chọi với căn bệnh UNG THƯ từ nhiều tháng nay, nhưng tôi đã làm gì? Tôi quá bận bịu bên Jane nên không còn nhận thấy điều gì nữa cả. Cô ấy biết rằng mình sẽ từ giã cõi đời trong thời gian rất gần, nên muốn ngăn ngừa những phản ứng tiêu cực của con trai, nếu như việc ly dị xảy ra. Nhất là đối với cháu, tôi vẫn là người chồng rất mực thương yêu vợ.
Bạn ạ, chính những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống là những điều quan trọng nhất trong quan hệ lứa đôi; đó không phải là căn nhà, cái xe, tài sản, ngân khoản ở nhà băng. Tất cả những thứ này chỉ tạo niềm vui với tất cả thế giới quanh ta nhưng không thể mang lại niềm hạnh phúc cho bản thân mình.
Thế nên bạn hãy dành thời gian để làm người bạn thân thiết của vợ mình và hãy thực hiện những chi tiết ấy cho nhau, điều này mang đến sự mật thiết ấm cúng cho nhau, bạn nhé.
Rất nhiều người đã thất bại trong cuộc sống, chỉ vì lý do rất đơn giản, bạn biết không? Họ không nhận thức được rằng họ đang sắp chạm đến thành công mĩ mãn, nhưng lại vội buông xuôi.
-- Theo lavitaliteverte/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét