.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

19 tháng 6 2022

Già Khú Đế

 


Bạn bè tôi, bỏ rẻ cũng đã tám chục niên kỷ. Người đời bảo già rồi. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc chơi ác hơn. Trong bài viết “Già Khú…Đế”, ông luận như ri: “Già khú là giai đoạn một, thêm một bước nữa thì gọi là “già khú đế”. Khú, từ điển tiếng Việt bảo là “để thâm lại và có mùi hôi”, thí dụ dưa khú, tức là một thứ dưa để lâu quá, sắp hư. “Khú đế” là “vua” của khú, hơn hẳn các khú”.

Tám chịch hay hơn nữa có phải là già khú đế không, hình như không ai trong chúng tôi nghĩ như vậy tuy mỗi lần tụ họp với nhau là một kịch bản khác. Gần như toàn thể chúng tôi đều là những vận động viên môn thể dục dụng cụ. Ông thì chơi gậy thường, ông gậy bốn chấu, ông chơi môn đẩy cái walker, có ông chơi nguyên chiếc xe lăn. Kềnh càng như vậy nhưng vẫn vui vì còn được nhìn thấy nhau. Già đâu mà già! Tuổi chỉ là những con số!

Theo phép lịch sự đương đại, người ta không nên hỏi tuổi một phụ nữ. Tôi muốn thêm vào một chút: người ta cũng không nên hỏi tuổi một người cao tuổi. Phiền phức cho các bậc quân tử lắm. Ngày xưa ngài Nguyễn Công Trứ khi bị gái nhí hỏi tuổi đã lách: ngũ thập niên tiền nhị thập tam. Năm chục năm trước tớ hăm ba!

Bậc con cháu của Uy Viễn Tướng Công ngày nay là ông Hoàng Lộc còn tổ cha hơn tiền nhân:

 cứ muốn chơi ngon hơn ngài Nguyễn Công Trứ

 bảy ba tuổi lập thiếp mà kể vô

ta tám mươi còn lăm le cưới vợ

một đời tròn vẫn ngạo nghễ trượng phu

Già khú đế mà vẫn em chã bởi vì ta cứ nhất định vẫn còn giơn. Già là chuyện của…tha nhân, ta vẫn không suy xuyển. Cái mặt ta ngày nào không soi gương, có già chi mô. Ông bạn xưa, trong thời covid giãn cách, hai ba năm mới nhìn thấy, ôi sao mà ông lại xuống cấp như dzậy? Trong mắt ta, chỉ có người khác già, ta không già, nói chi tới già khú đế. Ông bác sĩ họ Đỗ thiệt thà quá độ. Ông nói huỵch toẹt :“Già nó xồng xộc trên trời rơi xuống, dưới đất vọt lên. Không những xồng xộc nó còn gia tốc, tàn bạo như cơn sóng vỗ vào bờ đá, vội vã để mau chóng nhập vào dòng nước cuồn cuộn đuổi theo sau. Nó mạnh mẽ và tàn nhẫn tung tóe, tan tác, lắng chìm, không một chút xót thương. Nó lãnh đạm bởi nhiệm vụ nó phải thế. Nó thú vị bởi nó không phân biệt.Giàu nghèo sang hèn, da trắng da đen... Còn ta, ta chần chờ, chểnh mảng, làm ngơ. Hãy đợi đấy. Đi đâu mà vội. Không đâu! Một hôm già bỗng chuyển hệ sang già...khú, rồi khú đế đột ngột làm đảo lộn mọi tính toán... Già đến đột ngột và tàn bạo. Như một cơn động đất, không cần phải hỏi han, không cần báo trước. Như một cơn bão dữ, thổi ào qua, cuốn tất cả không thương tiếc. Khi nó khú đế, nó sẵn sàng làm ta trở nên lố bịch, buồn cười, ngớ ngẩn, đáng thương. Khi nhìn quanh những người già khú đế mà còn khỏe, ta nghĩ ta chắc cũng sẽ như họ. Còn lâu! Số người như vậy rất hiếm!”.

Già thời xưa khác thời nay. Tuổi tác nơi các cụ là cái túi kinh nghiệm sống mà người trẻ phải học hỏi để sống với đời. Ngày nay, thế giới thay đổi tàn bạo, cứ vài năm nó lại mang bộ mặt khác, kinh nghiệm là thứ không có chỗ xài, con người phải hối hả chạy theo để thích nghi. Già chỉ còn là mớ tuổi nặng chình chịch đè trên vai. Anh già, nhất là già khú đế, bị đá ra bên lề cuộc sống, chẳng còn là một con ốc trong bộ máy, chẳng còn chút giá trị kinh tế. Đành tiếc nuối tuổi trẻ. Ông Quan Dương vớt vát:

 

Trước khi anh trở thành già

Đương nhiên cũng trẻ như là em thôi 

Trước khi bết bát quá trời

Suy ra anh cũng một thời trai tơ

Thế gian biến đổi đâu ngờ

Đang ba hoa bỗng dại khờ không hay

Đang ma giáo cỡ như vầy

Trở thành cục bột trong tay em cầm

Hỏi sao kỳ lạ thế em

Anh mà biết được chết liền một khi.

Tôi đọc được một câu “danh ngôn”, không biết của ai. “Ai cũng có tuổi trẻ nhưng không phải ai cũng có tuổi già”. Phải có phúc có phần mới được già. Vậy mà dân già vẫn có mặc cảm là ăn hại đái nát, chẳng ra cái chi chi. Chỉ được cái sản xuất ra hơi là tài. Không biết sao mà anh già nào cũng cứ nổ bôm bốp một cách dễ dàng. Chẳng thua chi bò. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ đích danh loài bò thải khí nhiều gây hại cho môi trường. Họ chữa bệnh…thải bằng cách cho bò ăn những thực phẩm khiến không tạo ra khí. Chưa thấy các nhà khoa học nghiên cứu về sự tum tủm liên tu bất tận của các cụ già khú đế. Tuy cho nổ, khi thì bùm bụp lúc tỉ tê ai oán, nhưng cái sự nổ của anh già rất vô duyên. Chẳng mùi mẽ gì! Có lẽ vì người già, cũng như chai nước hoa, càng để lâu càng phai mùi.

Tôi có trong tay một số sách của nhà... già học Đỗ Hồng Ngọc: “Gió Heo May Đã Về...”, “Già Ơi... Chào Bạn”, “Những Người Trẻ Lạ Lùng”. Tập nào cũng mỏng, mỏng như những ngày còn lại của người già. Nhưng không thấy ông bác sĩ này lý giải về sự tự do tút tít này của mấy anh già (Tôi chỉ nói tới mấy anh già vì phép lịch sự, các chị già chắc cũng tỉ tê như ai). Có lẽ vì ông chuyên ngành nhi khoa! Trước năm 1975 tôi đã từng đưa con tới phòng mạch của ông nhiều lần. Bệnh nhi đông nghẹt, la khóc điếc tai. Ông là một bác sĩ chữa bệnh trẻ em rất mát tay. Có lẽ vì vậy ông làm lơ với sự tưng bừng ồn ào của mấy anh già. Từ đâu mà ông nhảy phóc từ trẻ tới già, ông đổ tội cho tôi và đồng bọn, những người mang con cháu tới phòng mạch của ông. “Tôi đo tuổi mình qua cách xưng hô của các bà mẹ bế con đến khám bệnh. Trước đây họ gọi tôi bằng anh, sau gọi bằng chú, rồi bằng bác, và rồi mới đây thôi, một chị hãy còn rất trẻ đưa bé đến khám bệnh, lúc bé la khóc, chị dỗ nín đi cho ông ngoại khám con, thì tôi mới biết mình lên đến ông ngoại rồi mà không hay”. Khi bác sĩ đã thành “ông ngoại”, chúng ta mới được đọc những bài viết về tuổi già đặc sắc của ông. Ông gọi là tuổi “hườm hườm”. Tôi yêu chữ “hườm hườm” này quá! Nghe như trái còn bám víu trên cành. 

Một trong những người hườm hườm là ông Khai Trí, một nhân vật mà người Sài Gòn xưa ai cũng biết. Ông chủ trương quên tuổi, nhất định không có cái gọi là tuổi già. Theo ông chủ nhà sách và nhà xuất bản nằm trên đường Lê Lợi này thì hồi 20 – 30 tuổi người ta còn quá trẻ, 30 – 40 thì đang trẻ, 40 – 50 hãy còn trẻ, 50 – 60 trẻ không ngờ, 60 – 70 trẻ lạ lùng và trên 70 là trẻ vĩnh viễn!

Khỏe re! Nhưng mấy người nghĩ được như vậy. Thường khi chúng ta ở độ tuổi 60 trở lên, độ tuổi theo Liên Hiệp Quốc là già, chúng ta thường quay đầu lại, tiếc cho 60 năm trước đã trôi đi mất. Tuổi hườm hườm là một khúc quanh quan trọng của đời người. Không phải mọi người tới tuổi 60 đều cảm thấy như nhau.  

Trước hết, nam nữ cảm thấy khác nhau. Chuyện này ai cũng đoán ra. Đang xí xọn, ăn diện bỗng thấy mình xuống cấp. Da dẻ nhăn nheo, mắt bớt…bồ câu, thân thể hết mượt mà, đời còn chi vui. Đức ông chồng cũng dzậy, ngớ nga ngớ ngẩn, râu tóc bạc trắng, nói năng lỗ mỗ, chẳng còn chút phong lưu rất mực của những năm xưa. Vậy là cãi nhau tía lia. Dưới mắt đức ông chồng, bóng hồng thướt tha năm xưa giờ đã hết hồng, lại thêm chút đanh đá khó ưa khiến gai mắt. Cãi không lại, im đi cho nó lành khiến trầm cảm, bực bội. Nghĩ tới thời trai trẻ huy hoàng, lịch lãm một cây mà ứa nước mắt tiếc nuối. Vậy là stress cả hai!

Lại phải tham vấn ông bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Ông viết: “Có ít nhất bốn loại stress thường gặp ở tuổi chớm già, ấy là stress về sinh lý, do những dấu hiệu hiển nhiên của tuổi tác mà dù ta tìm mọi cách để chối bỏ nó vẫn cứ lù lù xuất hiện, như tóc cứ bạc, răng cứ lung lay, lưng cứ nhức mỏi. Stress về văn hóa do cách xã hội đánh giá vai trò của người già, bởi vì người già không phải ai cũng đạt nhân như Nguyễn Công Trứ: “gót tiên đeo đủng đỉnh một đôi dì / bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”. Stress về kinh tế cũng không phải là không đáng kể, đặc biệt ở vào tuổi chớm già mà một số người công ăn việc làm không ổn định hoặc bị thất nghiệp. Và cuối cùng là stress về tâm lý, cảm thấy mình bị hẫng, bị mất đi tuổi trẻ, chỉ còn  trống vắng, chỉ còn nhàm chán”.

Chúng ta đang ăn nhờ ở đậu nơi xứ người. Khác phong tục tập quán, khác văn hóa, khác lối sống nên chuyện stress càng thêm trầm trọng. Thế hệ chúng ta, nửa đời trước sống trong nước, nửa đời sau sống nơi nước người, chúng ta dễ chơi vơi. Chơi vơi dẫn tới chới với. Đang sống trong một xã hội mà câu “kính lão đắc thọ” được mọi người tôn trọng, chúng ta bị bỏ vào một xã hội mà sự bình đẳng là kim chỉ nam của cộng đồng. Cái già của chúng ta mất giá trị trong nền văn hóa mới. Trong nước, tuổi tác được kính trọng, chúng ta tự hào với tuổi tác. Tuổi tác tỷ lệ thuận với sự kính trọng. Chúng ta tự hào khi khoe tuổi với cộng đồng. Có khi còn ăn gian, thêm một tuổi mà ta gọi là tuổi ta.

Người già bản xứ khác hẳn. Đừng hỏi tuổi họ, cả đàn ông lẫn đàn bà. Họ giấu tuổi, thứ chỉ dấu…già. Họ làm mọi cách để níu tuổi trẻ: ăn mặc đúng mốt, nước hoa ngào ngạt, đi đứng thẳng thớm, cười nói lịch lãm. Họ làm trẻ trong khi chúng ta cố làm cho già hơn. Già rồi, ăn mặc sao cũng được nhưng nói năng phải giữ ý tứ, điệu bộ phải đường bệ, thỉnh thoảng ho lên một tiếng cho oai.

Giới già chúng ta bị ném vào một môi trường sống khác biệt với môi trường đáng lẽ chúng ta phải sống. Chênh vênh thiệt chênh vênh. Chuyện nhức nhối nhất trong mỗi gia đình người Việt chúng ta nơi nước người là chuyện đưa cha mẹ vào nhà già. Người già bản xứ coi chuyện vào nhà già là chuyện dĩ nhiên. Tiện cho cả cha mẹ lẫn con cháu. Nhưng phần lớn các ông bà già người Việt lại khác. Họ thất vọng tràn trề khi con cái đề nghị đưa vào nhà già. Họ có cảm tưởng bị bỏ bê. Họ nghĩ con cái bất hiếu khi vứt các đấng sinh thành vào nơi lạ hoắc, không ai thân thuộc, không ai sáng tối vấn an. Chỗ sống của họ phải là trong gia đình, giữa con cháu, cơm bưng nước rót, được hầu hạ tới bến. Họ không cần biết tới hoàn cảnh của con cái : vợ chồng đi làm từ sáng tới tối, cháu chít đi học suốt ngày không có thời giờ hầu hạ ông bà cha mẹ như cuộc sống trong nước.

Có người cố chấp, không chịu hiểu cho con cháu. Nhưng cũng có người hiểu và chấp nhận. Trong bài “Câu Chuyện Của Một Người Già Nhưng Dành Cho Những Người Chưa Già”, tác giả Tuệ Tâm đã chấp nhận. “Ngày mai, tôi phải đi viện dưỡng lão…Không phải bất đắc dĩ, thì tôi cũng không muốn đi viện dưỡng lão đâu. Nhưng mà từ khi sinh hoạt hàng ngày không còn có thể tự xoay xở, mà con gái vừa làm việc bận rộn vừa phải chăm sóc cháu trai, không rảnh để quan tâm mình, đây dường như là sự lựa chọn duy nhất đối với tôi. Điều kiện sống ở viện dưỡng lão không tệ: một mình một gian phòng sạch sẽ, được lắp các đồ điện đơn giản thực dụng, đầy đủ các loại phương tiện giải trí; đồ ăn cũng ngon miệng; phục vụ rất chu đáo, bày trí xung quanh cũng rất đẹp. Sống trong nhà, kim chỉ cái gì cũng không thiếu, rương hòm, ngăn tủ, ngăn kéo đều đầy ắp các loại đồ dùng. Quần áo bốn mùa, đồ dùng bốn mùa, chồng chất như núi; tôi thích sưu tầm, tem sưu tầm đã thành từng chồng lớn, ấm tử sa cũng đã hơn mười cái. Còn có rất nhiều vật linh tinh cất giấu, nào là ngọc bích, hạt óc chó, vật trang sức. Đặc biệt là sách, cả một mặt tường là giá sách, chật kín đầy ắp; rượu ngon thì Mao Đài, Ngũ Lương, rượu Tây cũng phải mấy bình. Viện dưỡng lão chỉ có một gian phòng, một cái tủ, một cái bàn, một giường, một ghế sô pha, một tủ lạnh, một máy giặt, một TV, một bếp điện từ, một lò vi ba, căn bản không có chỗ để lưu giữ của cải mà mình tích lũy.Trong chớp mắt, tôi đột nhiên cảm giác được: những của cải này đều là dư thừa, chúng cũng không thuộc về mình”.

Tác giả đã cắn răng bỏ lại tất cả nhưng không tiếc nuối. Của cải trần gian là của trần gian, khi cần buông thì phải buông. Một đời tích lũy, tưởng những thứ đó là ruột thịt không bao giờ rời được nay bỗng ngộ ra những gì tưởng là của mình đều không phải là của mình. Khi sống với chúng, mình quấn quít với chúng, nhưng khi phải rời chúng, mình cũng phải chấp nhận buông.

Buông là một hành động không dễ gì thực hiện nhưng là một hành động phải làm của người biết lẽ vô thường, biết sống thuận theo lẽ trời.

Thế hệ chúng tôi, như đã nói ở trên, bỏ rẻ ra cũng tám chịch có hơn, kể như đã hưởng đủ lộc trời. Con số đó nằm trên cáo phó có thể được coi là con số đã trọn vẹn. Chúng tôi chừ như những mục tiêu bắn tỉa của anh thần cầm lưỡi hái. Nay anh tỉa người này, mai anh tỉa người khác. Trước sau cũng một ngày nào đó. Ừ thì một ngày nào đó!./.

Song Thao

05/2022


CUỐI MÙA NHAN SẮC.

Ông già Chín nói nghề bán vé số của ông thấy vậy mà có ý nghĩa ghê lắm, vì đem lại hy vọng cho người ta, vì đem lại sự giàu có cho người ta (nếu trúng số). Và nghề này có ý nghĩa nhất là trên những dặm đường phiêu bạt, ông tìm được cô đào Hồng.

Ông già Chín đi theo gánh chè của đào Hồng qua ba con đường. Già rồi, mắt mũi kèm nhèm, bốn mươi sáu năm, dễ dầu gì mà nhận ra nhau. Lòng cứ nghĩ, hình như lâu lắm rất quen nhau, nhất là cái giọng rao chè như hát, từ đôi môi đã héo queo cất lên, cong vút, ngọt ngào mà nghe mịn màng từng âm từng chữ. Ông Chín bàng hoàng nhận ra đào Hồng dù nhan sắc ngày xưa của bà không còn nữa, mặt nhăn nhúm, nám đen, cái cổ cao ngày trước bây giờ gần như đổ gục vì gánh cái gánh tâm tư mà cuộc đời chồng chất. Ông kêu hai tiếng: “Cô Hồng!” mà nước mắt rớt cái độp. Ông Chín nắm tay bà, biểu đi với ông, hỏi đi đâu, ông nói, về nhà Buổi chiều. Bà nói để bà lấy chút đồ, ông bảo khỏi, thì cuộc đời bà còn gia sản nào ngoài gánh chè oằn nặng trên vai, một cái chòi lá rách te tua cất trên ao bèo cuối hẻm.

Nhà Buổi chiều nằm ở tận cùng con hẻm Cây còng. Hẻm cụt. Nhà toàn người già, là chỗ trú ngụ cho những nghệ sĩ cải lương, nghệ sĩ hát bội một thời vang bóng. Tính ra, chỉ có ông già Chín Vũ là vô danh tiểu tốt. Nhưng ông là một trong những người sáng lập ra nhà Buổi chiều, tự ông còn đặt tên cho nó. Hỏi sao không gọi là Hoàng hôn hay Chạng vạng gì đại loại vậy, ông bảo, buổi chiều còn nắng, người nghệ sĩ còn có ý nghĩa sống trên đời. Nhà Buổi chiều nghèo, chi phí dựa vào kinh phí từ trên quận, từ lòng hảo tâm của bà con gần xa, cơm bữa nhiều ơi là nhiều rau mà ít xịu thịt. Vậy mà ai nấy đều vui, bởi cuộc sống trước đây của họ còn nghèo hơn, nghèo không thể tả, nghèo rớt mồng tơi. Người ở chùa, người bán vé số, người ngủ công viên, người hát rong, ít ai có nhà để về. Sum họp ở Buổi chiều, có khổ một tí mà còn được hát. Nghệ sĩ mà, miễn được hát, miễn hát mà có người nghe là sướng rồi.

Ðể kiếm chút đỉnh tiền phụ thêm thịt cá cho bữa ăn, ông già Chín đi bán vé số, vừa có tiền vừa tìm tung tích của anh chị em đang còn lưu lạc. Ðào Hồng lại gánh chè đi tận hang cùng ngõ ngách. Thấy mọi người ái ngại, đào Hồng bảo: “Cứ để em làm, em với anh Chín còn trẻ, còn sức khỏe...” Nói trẻ là trẻ ở trong nhà Buổi Chiều chớ ông Chín Vũ đã bảy mươi, đào Hồng cũng sáu mươi bốn. Buổi sáng, ông Chín gánh gánh chè đưa đào Hồng ra đầu hẻm, dừng dưới gốc cây còng già cóc già kiết, già tới mức nó hổng thèm trổ hoa nữa. Ông già trao đòn gánh lại cho bà, rồi đứng tần ngần nhìn bóng bà xa dần trên đại lộ, tiếng rao chè buổi sớm nghe ngọt lịm, vút cao. Sau lưng bà, còn thấy mấy tờ giấy gói bánh mì ố màu nước cà bay xà quần trên đường rồi sẵn gió đi tao tác. Ông già tạt vô quán cà phê chú Tư Bụng, kêu: “Mấy đứa bưng cho tao năm trăm đồng trà nóng coi”. Có người hỏi, sao bữa nay không uống cà phê. ông Chín Vũ cười cười, lắc đầu, cười tiếp với cái vẻ không muốn nói mà thèm nói quá trời đi:

- Ðể dành tiền mua cho cổ chai dầu thơm.

Ông già trịnh trọng thì thào. Cả quán rộ lên cười:

- Già mà còn yêu.

- Mắc yêu thì yêu - ông già cự lại, vẻ mặt sương sương không giận gì ai - Bây thì biết gì, tình xưa đó, mà mình thương người ta mà người ta đâu có thương mình.

Cạn bình trà, ông già dằn tờ giấy bạc năm trăm dưới đít ly đứng lên xếp ghế lại ngay ngắn, từ tốn rút trong túi ra xấp vé số dày, trước khi đi ông quay đầu lại:

- Tối nay lại chỗ tao coi cải lương, nghe bây.
- Tối nay tuồng gì, chú Chín?
- Lữ Bố hí Ðiêu Thuyền.
- Í tuồng đó hát rồi. Hát Nửa đời hương phấn đi.
- Bây nói sao tao chiều vậy, mà tuồng đó tao có nhớ miếng nào đâu.
- Chú cần gì nhớ, chú toàn đóng vai quân sĩ với người hầu không à. Có hát hò gì đâu.

Ông già cười khà khà, quay đi, cái lưng cong cong gù gù từ từ mịt mù.

Người trong hẻm không ai làm nghề viết văn nhưng đã biết mình nhớ cái gì khi đi xa nó, nhiều lắm, nhiều không thể kể, nhưng trong đó, chắc chắn nhớ tiếng hát là đà tỏa ra từ nhà Buổi chiều.

Những con người tính từng ngày qua để lắt lay thêm một tuổi nữa, vậy mà hát coi cũng ngon lành. Sân khấu là cái hàng ba trông ra sân rộng, luống nào trồng bông sao nhái, bông mười giờ thì trồng, chỗ trống giành cho bà con ngồi. Dàn đờn gồm cây ghi ta thùng, cây nhị cũ mè. Không micrô, nghệ sĩ ca bằng giọng của trời cho, nghiệp đãi. Ðào Phỉ tám mươi chín tuổi, đứng không nổi, diễn vai gì cũng ngồi trên ghế, ngồi trên ghế mà lẫy roi sải ngựa coi lạ hết biết. Có bữa bà lỡ ca rớt nhịp, ngồi than: “Kiểu này chắc tui sống hổng thọ quá”. Bà con trong hẻm cười cái rần, “sống tới cỡ đó còn than hổng thọ nỗi gì”. Ông già Chín không biết hát hò gì, chạy đi chạy lại, lúc thì nhắc cái ghế cho đào Phỉ, lúc thì trèo lên thay cái đèn đứt bóng tối thui, kêu quân sĩ đâu thì ông dạ, chỉ khi đào Hồng hát, ông mới ngồi nép vào đám bông lồng đèn nào đó lặng người đi, thấy đào Hồng nhớ đào Hồng, thấy đó mà nhớ đó.

Ông già Chín Vũ biết đào Hồng từ năm bà mới hai mươi mốt tuổi. Bây giờ hỏi gia cảnh ông ngày trước như thế nào, ông chỉ cười, không nói. Nụ cười nhẹ nhàng trôi trôi, chừng như ông không luyến tiếc gì. Nghe nói, hồi đó, nhà ông giàu có khét tiếng xứ Bạc Liêu. Ông là cháu nội đích tôn của hội đồng Nguyên. Từ nhỏ, gia tộc đã dành sẵn cho ông một cuộc sống no đủ, giàu sang mà không phải làm gì, cả nhà chiều chuộng. Ðược cái là ông hào sảng, rộng rãi thương người từ tấm bé. Bữa cúng đình ông mời gánh hát Sài Gòn về hát chơi. Ông thương đào Hồng từ cái giây phút đầu tiên. Người đâu mà đẹp quá chừng, đẹp tới đứng tim người ta. Ðào Hồng chưa uống cạn ly trà ông đã hỏi thẳng, không cưỡng lòng được: “Vậy chứ cô Hồng có muốn lấy chồng chưa?”. Ðào Hồng cười: “Tôi đã nguyện với Tổ cả đời theo nghiệp hát”. Chín Vũ nghe vậy, thôi không nói nữa, nhưng vẻ mặt suy tính dữ lắm. Hôm sau, khi gánh Kim Tiêu trở lại Sài Gòn, có ông công tử bỏ nhà, bỏ phú quý đi theo. Không biết hát hò, tướng mạo cục mịch, nhỏ con, ông không được lên sân khấu. Kêu quân sĩ thì ông dạ, kêu “bây đâu” ông cũng dạ, tối ngày lụi hụi kéo màn, dựng cảnh. Ăn cơm quán, ngủ sàn diễn. Cực mấy cũng chịu, miễn là ngày ngày được nhìn thấy đào Hồng đi ra đi vô, đào Hồng hát. Ông vẫn thường khì khịt bảo rằng mình bị Tổ nhập, ba ông hoàng tử Càn, Chơn, Chất đó, cũng vì đam mê nghệ thuật sân khấu mà bỏ cung son, trốn tránh triều đình, cuối cùng chết trên cây vông nem đó, thấy chưa. Có người cười, thằng Vũ bị tình nhập chớ Tổ gì nhập vô nó nổi. Nghĩ lại, tỷ dụ có cái gọi là kiếp trước, hẳn kiếp trước ông Chín nợ bà Hồng cái gì đó, lớn lắm, nên kiếp này, ông trả hoài, trả không hết.

Ông Chín đã cùng đào Hồng đi qua những năm tháng cơ cực, đắng cay. Ðào Hồng có thai, ông bầu dọa đuổi, ông Chín đứng ra năn nỉ, biểu: “Em lỡ dại...”. Ông bầu hỏi: “Của mày à?”. Ông Chín cười: “Dạ, của em chớ của ai”. “Chắc không?”. Ông bảo chắc mà lòng buồn rượi, đâu phải đứa nhỏ trong bụng đào Hồng là của ông. Ông biết ba đứa nhỏ là ai nhưng không tiện nói. Vì đào Hồng bảo: “Có biết, xin anh Chín cũng đừng nói, tội nghiệp, ảnh còn nhiệm vụ, còn công việc quan trọng phải làm”. Cô hẳn yêu người ta lắm, nên một mực bảo vệ cho người ta. Sau nầy, con đào Hồng một tay ông giữ, ông bồng. Ông dạy nó kêu ông bằng ba, đào Hồng nhìn ông rơi nước mắt. Ðó là sự biểu lộ tấm thịnh tình đầu tiên mà đào Hồng dành cho ông suốt hai năm đi theo đoàn Kim Tiêu.

Gánh hát rã nhanh, đào Hồng không đợi ông về. Nghe bà con bán đậu phộng, thuốc lá trong rạp kể lại, kép Thường Khanh bị quân cảnh bắt, đào Hồng ôm con bỏ trốn, ở lại, chỉ sợ vướng cô rồi lòng người cô yêu lung lạc. Ông Chín quay quắt đi tìm, mà người thì tản lạc đâu đâu. Nhiều lúc ông Chín tự hỏi, làm sao đào Hồng có thể sống nổi đến từng ấy năm mà không có ông đỡ đần một vai gánh mỏi.

Sau nầy, về nhà Buổi chiều, có đêm trăng sáng, ngồi bên rổ khoai lang luộc, đào Hồng có kể chuyện mình. Mọi người chung quanh đều sụt sùi, sao mà hoàn cảnh của nó y hệt mình vậy cà, hổng lẽ đời đào hát là phải vậy. Có người không lấy chồng cho thỏa nghiệp, có người như đào Hồng có con rồi, vì mê hát, vì chiến tranh mà gởi con cho người ta, đến nước nó không thèm nhìn mình nữa. Ông Chín Vũ ngồi rầu rầu, hậm hực. “Biết vậy hồi đó tui bóp mũi nó cho rồi”. Ðào Hồng bảo: “Anh Chín đừng nói vậy em thương nó không hết chớ có trách nó bao giờ. Có lúc em nghĩ, con nó có nhìn em cũng không chịu, mình nghèo quá làm gì lo cho nó nổi hả anh?” Bà không bao giờ nhắc tới Thường Khanh như chưa từng quen biết con người đó trong cuộc đời. Nhưng những nỗi nhớ niềm thương chắc còn day dứt trong lòng làm cho bà quắt queo, tàn héo. Ông Chín giật mình, cái nhan sắc ngày xưa đã đi đâu mất biệt rồi, rồi tự nhủ lòng, mình nhớ cổ đâu chỉ vì nhan sắc, vậy thì thắc mắc, đau lòng làm chi.

Ðào Hồng là người duy nhất trong mấy chị em ở nhà Buổi chiều không bao giờ lên sân khấu mà chưa hóa trang, chưa son phấn. Những ngày mới về đây, biểu bà hát, bà lắc đầu. Ai tra gạn, bà không nói, bảy chị em ai cũng nghèo, có người có son phấn cũng không dám hỏi. Ông già Chín đi theo hỏi hoài, bà nói thiệt. Ông đập con heo đất, đi chợ mua cho bà thỏi son với hộp phấn bông mai. Xong còn kêu cô bán hàng gói lại, chít bông cho cẩn thận. Bà cảm động, nhưng vẻ mặt buồn hiu, “Anh tốt với tôi chi mà tốt hoài vậy?”, làm cho ông Chín cũng buồn. Ông nghĩ: “Mình sống làm gì tới từng tuổi nầy mà không hiểu được nhau, Hồng ơi là Hồng”.

Trách thì oan, lắm khi ông cũng đâu hiểu được bà. Hồng vẫn thường soi cái gương cũ viền đồng có cán để cầm, mặt gương đã ố lấm tấm. Ông Chín thấy thương lắm, ông lén mua về tráo gương mới vào chỗ bệ cửa sổ rồi lấy cái cũ cất đi. Bà biết ngay là ông, bà giận lắm, mặt lạnh tanh: “Anh tài khôn làm gì, tui đâu có cần gương mới”. Ông cố cãi: “Nhưng cái cũ nó mờ lắm...”. “Mờ mờ tui mới thích”, bà nạt ngang. Không biết tại sao bà lại có ý thích kỳ cục vậy.

Lần đó, ông già Chín buồn, buổi chiều thôi không còn đón bà ở đầu hẻm để gánh giúp gánh chè về nhà, mà ông vẫn thường nói, dù ngắn, ông cũng muốn đỡ đần cho bà một đoạn đời. Ông biết bà còn chờ một cái gì đó, mơ hồ lắm, tiếc là bà không tâm sự với ông. Nghĩ cho cạn, bây giờ đào Hồng cũng như ngày xưa thôi, người ta có khác gì đâu mà mình giận. Sống khép kín, ít nói, ít cười, ít biểu lộ nỗi lòng lên mặt. Chỉ trên sân khấu, đào Hồng mới thỏa thuê khóc, thỏa thuê cười, mà cười sang sảng như Thái hậu Dương Vân Nga vậy nghen. Cái cười mở lòng mở dạ người ta ra.

Cái bữa cả nhà Buổi chiều được xe hơi đón đi giỗ Tổ ở nhà hát thành phố, ông Chín giữ nhà. Hôm đó có ông già lại tìm đào Hồng. Ông già tóc trắng như mây, dáng thong thả, chậm rãi, cốt cách sang trọng thấy mà ham. Ông Chín hỏi ông già kia quen sao với đào Hồng, nghe trả lời cũng như không: “Tôi với cổ là người quen cũ. Không biết ngày xưa ông đã từng quen biết đào Hồng? Có à? Ừ, thì tôi hỏi ông nè, cái nhan sắc đó làm sao mà người ta quên được, ha? Vừa rồi tôi đọc báo, thấy người ta viết về nhà Buổi chiều, tôi mừng như vừa sống dậy, thể nào cũng gặp được cố nhân”. Ông Chín ngồi tần ngần, day day cái chung trà trên tay, lòng bối rối nên nói chuyện trớ he: Ừ, tụi tui thấy vậy mà được lên báo hoài thôi” Ðến lúc khách từ giã về, ông Chín cũng không có biểu hiện gì là mình đã nhận ra người quen cũ. Thường Khanh đã già đi (ai mà chẳng vậy) nhưng cái phong thái tao nhã ung dung vẫn như ngày xưa. Sương gió cuộc đời không làm gì được ông khi ông đã sống khác cuộc sống của những người nghệ sĩ ở đây, một cuộc sống không chia ly, khổ đau, dằn vặt. Ông Chín chờ hoài, sao không nghe ông Khanh nhắc tới chuyện ngày xưa ông và Hồng từng có một đứa con, người ta dễ quên vậy sao?

Khách chờ không được, từ giã về rồi, ông Chín ngồi chèm bẹp ngoài cửa rào, nghĩ, rồi mình sẽ mất cô Hồng một lần nữa, từng tuổi nầy còn để mất nhau mà coi được sao. Ông tự nhủ lòng, thôi, bà Hồng về ông không thèm nói lại đâu.

Không nói nhưng thèm nói, lương tâm biểu phải nói, ông Chín bảo: “Không biết cô Hồng còn nhớ Thường Khanh, ảnh mới lại đây kiếm cô” . Ðào Hồng vừa xổ mái tóc cỗi cằn xơ xác ra, lặng người, tay cầm rưng rưng cái đầu tóc mượn. Lâu lắm, bà mới lơ láo ngó lên, đôi mắt ráo khô “tôi đi giặt bộ đồ”. Ra tới lu nước bà tựa người vào đó, mặt soi xuống nước bật khóc. Ước gì nước đừng trong như vậy để khỏi phải hiện lên một nhan sắc tàn phai. Không nhìn đằng sau mình nhưng bà biết, ông Chín đang chạy theo nhìn mình, bà nói khẽ: “Mai người ta tới đừng nói tôi ở đây nghen, tôi... tôi không muốn gặp”. Ông Chín đứng đó, trong lòng vừa mừng (tại cô Hồng không muốn gặp chớ không phải tại tôi ích kỷ à nghen) vừa thắt thẻo thương bà, ông bảo: “Không tránh được hoài đâu, cô à, mà có gì phải tránh né nhau, người ta, sống ở đời cốt là ở tấm lòng”.

Tránh làm sao được khi kịch bản cuộc đời đã bày ra một cảnh gặp nhau. Ông Khanh gặp bà Hồng ở đầu hẻm, lúc trời chạng vạng, khi bà quang gánh trở về. Nhìn thấy ông, bà mỉm cười, giở nón, bà hỏi: “Nghe nói ông tìm tôi?” Ông Khanh đứng chết lặng, ngẩn người ra, lòng ông đau đớn. Ðó không phải là cái nhan sắc mà ông nhớ thương, chờ đợi. Không phải đào Hồng, dứt khoát không phải đào Hồng mà ông đã ôm trong tay ấp trong lòng, đã từng che chở, bao bọc cho ông những ngày xưa cũ.

Có những vẻ đẹp không phải ai cũng nhìn thấy được. Ông Chín nói với bà Hồng như vậy, ông biểu bà đừng buồn, bà cười bảo: “Tôi có buồn gì đâu”, nhưng nước mắt bà nhỏ xuống trong khe. Người ở hẻm Cây còng không thấy ông già sang trọng đi xe hơi tìm vào nhà Buổi chiều nữa.

Bắt đầu những cơn mưa mùa ràn rạt trên mái nhà, đập ầm ầm vào hai bên vách đóng bằng thiếc cũ. Không thấy bà Hồng gánh chè ra ngõ, không còn nghe tiếng rao ngọt ngào thánh thót mà buồn thiệt là buồn của bà, cũng không thấy ông già Chín Vũ ghé quán chú Tư Bụng uống năm trăm đồng nước trà.

Ðào Hồng bệnh nặng. Ông Chín thắt lòng khi biết trong người bà nhiều bệnh như vậy. Bà như trái bầu khô chỉ còn nhờ vào chút chờ đợi mỏng manh của tình yêu thời son trẻ làm cái vỏ cứng cáp ở bên ngoài. Rồi cũng từ ngày sự thất vọng xui cái vỏ thấm mưa nắng mục ruỗng đi. Bà nhắc tới cái chết hoài, đào Phỉ nạt, “tao sống tới từng tuổi nầy mà còn không chết, bây mà chết chóc gì”; Rằm tháng ba, như thường lệ là cữ hát của nhà Buổi chiều. Ðào Hồng ốm sát chiếu nhưng vẫn đòi ra hát. Ông Chín vẽ chân mày, tô phấn thoa son cho bà rồi dìu bà ra ghế. Bà ngồi ghế mà hát. Bà hát cho Thái hậu Dương Vân Nga trước ngổn ngang nợ nước tình nhà, hát cho nàng Quỳnh Nga bên cầu dệt lụa, cho nàng Thoại Khanh hiếu thảo róc thịt nuôi mẹ chồng, cho nàng Châu Long tảo tần nuôi Dương Lễ, Lưu Bình ăn học và cho Tô Thị trông chồng hóa đá vọng phu...

Ðào Hồng hát đến lịm tiếng đi. Bà ngồi trên sân khấu gục đầu. Cái gánh nặng tâm tư này, không mang nổi nữa rồi. Khi ông Chín dìu bà xuống giường, bà đã hôn mê. Người ta hát vở cuối cho bà, cho một người nghệ sĩ chân chính. Ðào Hồng đã gặp lại rất nhiều người thân thuộc cũ, bà nghe con trai bà gọi má, nghe ba má bà nói lên lời tha thứ vì đứa con gái đã bỏ nhà theo nghiệp xướng ca, lời tha thứ bà chờ đợi ngót năm mươi năm ròng rã. Bà sung sướng trở về nhà thơ ấu, đi bắt chuồn chuồn đậu trên hàng bông bụt, cạnh mé mương...

Bông trang rụng ngoài sân.

... Có lần, ghé quán cà phê chú Tư Bụng, tôi quen với ông Chín Vũ. Ông Chín người gầy nhom, nhỏ thó, nhưng tốt bụng, xởi lởi. Ông nói với tôi rằng bỏ cả đời đi theo đoàn hát cũng không uổng, bởi vì đời ông thực có ý nghĩa. Lần đầu tiên ông đóng được vai chính, người ta hỏi vai gì, ông bảo vai con của đào Hồng, phút lâm chung của người đàn bà suốt đời ông yêu thương, ông gọi: “Má ơi!” và thấy bà mỉm cười. Chỉ vậy thôi à.. Ừ chỉ vậy thôi. Nhưng tụi trẻ bây thì biết gì chuyện tình cảm của người lớn...

Ngôi nhà Buổi chiều dành cho nhưng người ở cuối mùa duyên sắc. Ở đó có một ông già nói rằng “...tụi trẻ bây thì biết gì chuyện tình cảm của người lớn...”./. 

Nguyễn Ngọc Tư

LẤY NGƯỜI TRONG MỘNG.

Tôi tin chắc bữa cơm chiều nay sẽ tuyệt vời với món tôm rang muối mà cả hai vợ chồng tôi đều thích, chồng tôi sẽ không thể nào ngờ nổi món này lại do chính tay tôi làm, vì từ hồi nào tới giờ, lấy nhau đã sáu, bẩy năm mà tôi có bao giờ bày đặt làm những món như thế này đâu. Ngoài món tôm rang muối, tôi còn khoe anh món dưa muối mà một người bạn thân mới chỉ dẫn, dưa muối chua, dòn và thơm mùi hành đỏ, ăn như mùi dưa Tết.

Chồng tôi đi làm về, thay đồ, tắm rửa.Tôi hồi hộp chờ giây phút anh bước vào bàn ăn và ngạc nhiên, cô vợ “cả quỷnh” như anh nghĩ, từ nay sẽ là bà đầu bếp khéo tay đấy.

Quả nhiên tôi nghe anh reo lên:

- Cái gì thế này? Món tôm rang muối à?

Tôi hãnh diện đáp:

- Em làm đấy! ăn với cơm gạo thơm nấu khô là đúng ý anh nhé!

Vừa xới cơm tôi vừa kể công:

- Mỗi lần đi nhà hàng thấy anh cứ thích món này, nên em phải tìm cách học làm cho bằng được. Hôm nay em làm bếp mệt muốn chết đây…

Anh cảm động nhìn tôi mỉm cười và gắp một con tôm. Bỗng anh khựng lại:

- Hình như … hơi mặn hả em?

- Làm sao mà có thể mặn được chứ? -Tôi tự tin đáp:

- Anh ăn cả nguyên con xem hương vị thế nào?

Anh nghe lời tôi, ăn cả một con tôm và lần này thì anh nhăn mặt kịch liệt:

- Mặn chết người! Thế em làm mà chưa ăn thử à?- Em biết chắc là ngon rồi khỏi cần nếm, nên đợi anh về, hai vợ chồng cùng thưởng thức cho vui.

- Đây em ăn thử coi . Gọi là tôm rang muối, đâu có nghĩa là em đổ hết cả lọ muối vào! Giọng anh hơi khó chịu.

Tôi tự ái:

- Anh chẳng biết gì mà đã đổ tội cho em, em nấu theo sách vở đàng hoàng đó, của một đầu bếp ai cũng biết mặt, biết tên. Anh có chê thì chê ông Martin Yan, vẫn dạy nấu ăn trên ti vi, “ Yan can cook” đấy . Không tin, để em lấy sách ra cho anh xem .

Tôi hăng hái chạy đi lấy cuốn sách dạy làm bếp của Martin Yan, mở ngay trang có món tôm rang muối chìa vào mặt chồng, thách thức:

- Anh đọc đi, cho dù xưa nay em không giỏi nấu nướng, nhưng cũng có lúc không phải lỗi tại em chứ.

Anh lẩm bẩm đọc:

- Vật liệu: 1 pound tôm ướp với 1/2 thìa cà phê muối…

- Cái gì vậy? Anh đọc lại đi!  Tôi giật mình hỏi.

Anh chậm rãi lập lại:

- Một pound tôm ướp với một phần hai thìa cà phê muối, tức là nửa thìa cà phê muối, em rõ chưa?

Tôi trả lời bằng cách giật vội cuốn sách trên tay chồng và chằm chằm đọc từng chữ. Trời ơi! một phần hai thìa muối mà tôi xớn xác tưởng là… hai thìa muối! đã thế tôi còn chắc ăn cho thêm một chút muối nữa để…. trừ hao rơi rớt.

Tôi bẻn lẻn cười huề:

- Sorry! Tại…em nhìn lộn ! Nhưng không sao, em có ý kiến này, em sẽ làm cho anh một ly cối nước đá lạnh, anh vừa ăn cơm vừa uống nước là… dung hoà được ngay.

Thấy vẻ mặt còn ngơ ngẩn của anh, tôi giải thích:

- Anh nên nhớ rằng tôm rang muối, dù thế nào cũng vẫn là tôm rang muối. Cũng như một cô Hoa Hậu thế giới, dù ở nhà có đầu bù, tóc rối, có cau có gắt chó, chửi mèo cũng vẫn là Hoa Hậu thế giới!

Anh ta kinh ngạc:

- Chuyện tôm rang muối mà em ví với chuyện Hoa Hậu thế giới? Anh thề là anh không hiểu gì cả! Còn cái ly nước đá lạnh của em không cứu vãn được đĩa tôm mặn chát kia đâu!

Giọng anh chua chát:

- Ai đời tôm rang muối lại ăn với dưa cải muối? chỉ nghe hai món có muối cũng đủ thấy mặn rồi. Cái gì em xài cũng căn cơ, hà tiện, còn mắm muối thì em rất phóng khoáng, hoang tàn. Từ ngày lấy em, anh mới bị bệnh cao huyết áp, Bác sĩ bảo phải ăn lạt, ít muối.

Tôi hờn dỗi và trách móc:

Anh nói như em là ác phụ đang … giết anh không gưom không dao. Em làm món này để chiều anh, bệnh hoạn là trời gọi, anh đừng có mà đổ vạ. Còn em, từ ngày lấy anh cũng bị stress chứ sung sướng gì, đã nhiều lần vợ chồng cãi nhau vì những món cơm canh của em. Nấu món gì cũng…hồi hộp, sợ anh chê. Bẩy năm trời nấu cơm cho anh, chưa nghe anh khen lấy một câu.

- Tại…chưa có dịp thôi.

- Ý anh muốn nói em là đầu bếp tồi, có phải không?- Tự em cũng biết rồi đấy.

- Thế sao ngày xưa, hồi đang yêu em, có lần anh đến thăm em bất ngờ. Hôm đó, em đang thực hành món bánh bông lan, nướng cháy khét tùm lum, chưa kịp tẩu tán thì anh đã vào đến bếp. Bất đắc dĩ, em phải mang tác phẩm ra trình làng, anh còn đòi nếm thử và khen ngon rối rít. Thế là từ đó em yên trí anh yêu thích khả năng làm bếp của em dù … bất cứ tình trạng nào.

Chắc là chịu hết nổi, anh đổi cách xưng hô:

Khổ quá! Hồi đó tôi đang yêu, tôi khen xã giao thôi. Chỉ có thằng … khùng mới khen bánh nướng cháy khét của cô là ngon và chỉ có… người khùng mới tin vào lời khen đó. Về đến nhà, tôi đã hối hận mất mấy ngày vì đã ăn bánh bông lan khét, mà tôi tin rằng tất cả ổ bánh còn lại sau đó cô trút hết vào thùng rác, cái điều đã báo trước một tương lai bếp núc mù mịt, vậy mà hồi đó tôi đã… mù quáng cứ đâm đầu vào lấy cô.

Tôi cũng chịu hết nổi và đổi cách xưng hô: 

- Hồi đó tôi đã cảm động vì sự can đảm của anh, anh dám ăn cái thứ mà anh biết chắc tôi sẽ đổ vào thùng rác.Vì thế tôi mới lấy anh, anh tuyệt vời, anh bao dung quá, nhưng bây giờ tôi mới hiểu trong tình yêu có cả sự lừa dối.

- Ai lừa dối cô? Anh ta nổi cáu lên.

Tôi tuôn trào như thác đổ:

- Anh chứ ai! Ngày xưa ai đã thủ thỉ suốt đêm, nói chuyện qua phone làm cho tôi mất ngủ triền miên ? Để tán tỉnh tôi, đọc thơ tình cho tôi nghe…

- Hừm ! Tôi đã nông nỗi đến thế sao?

- Chính anh, anh đã lãng mạn với thơ Huy Cận như:

“ Tay anh em hãy gối đầu

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…”

Vậy mà lấy nhau rồi, đôi khi tôi muốn tìm lại giây phút lãng mạn ấy, muốn được gối đầu lên tay anh ngủ , thì anh gắt: “ Mỏi tay lắm, ai mà chịu được! Mấy thằng cha thi sĩ chỉ viết vớ vẩn. Gối kia kìa, tha hồ cho em gối đầu suốt đêm”.

Và anh đã đọc thơ Đinh Hùng, âu yếm, chở che như:

“Nếu bước chân ngà có mỏi

Xin em tựa sát lòng anh”.

Vậy mà bây giờ anh bảo rằng anh sợ nhất đôi chân của tôi khi tôi đang ngủ, chỉ vì thỉnh thoảng tôi lỡ.. đạp anh.

Anh ta cũng không vừa :

- Hồi đó cô cũng là người tình trong mộng của tôi đấy chứ, cho nên tôi mới có hứng đọc thơ tình cho cô nghe. Bây giờ, cô bé ngày xưa đã nặng thêm 20 pound kể từ ngày sinh thằng cu Tí, cô đành hanh, sảnh sẹ làm như chị hai tôi chứ không còn là người em gái bé bỏng cho tôi chở che nữa .Tối ngủ với cô cũng đủ hồi hộp và căng thẳng thần kinh, cô nằm dọc, xoay ngang, đạp lung tung không biết đâu là bờ bến, biết đâu mà tránh? Người ta sợ khủng bố ở ngoài đường, còn tôi sợ khủng bố ngay trên giường ngủ. Đàn bà con gái gì mà khi ngủ vung tay, đạp chân như múa võ. Tôi đã hiểu vì sao hồi mới cưới, tôi muốn mua giường Queen size mà cô cứ đòi King size.

Tôi khóc nấc lên:

Anh đừng có diễn tả tôi như một con mẹ vũ phu và thô lỗ như thế. Ngày xưa, anh từng gọi tôi là “ Cánh hoa Tigôn mong manh của lòng anh” mà.

- Ai bảo hồi đó cô thích bài thơ”Hai sắc hoa Tigôn” nên tôi phải nói thế.

Tôi chạy vào phòng, nằm khóc tiếp, ngày xưa, thuở đang yêu, tôi mà giận một tí là “anh ấy” theo năn nỉ, dỗ dành, bây giờ điều ấy không xảy ra nữa. Có lẽ “thằng chả” đang hì hục lục lọi trong tủ lạnh lấy mấy quả trứng ra chiên để ăn cho xong bữa tối.

Tôi cũng không biết trứng còn hay hết? Mỗi lần đi chợ, mua vài vỉ trứng để dành, phòng hờ khi nấu nướng gặp “trouble” như hôm nay thì kịp thời có món trứng cứu bồ. Thế mà cứ vèo vèo hết mấy vỉ trứng lúc nào không hay!

Tôi đóng cửa phòng, khóc mãi không ai dỗ cũng chán, bèn bấm phone gọi cho con nhỏ bạn thân ở California, tuy xa mà gần, nó tận dụng cell phone,  gọi cho tôi hàng ngày, bất cứ lúc nào, tôi chỉ việc bốc phone lên cũng đủ mỏi tay, chuyện thăm hỏi thì ít, chuyện tào lao thì nhiều, có chuyện nghe mà thất kinh như có lần nó nói: “Người tử tội, trước khi bị hành hình, muốn ăn gì được nấy. Tao cũng thế, sau này trước khi chết tao sẽ ăn cho đã thèm, thịt heo quay cả da lẫn mỡ này, gỏi cuốn tôm ,thịt ba rọi này, ăn chè đậu xanh ngọt sắc và béo ngậy nước dừa này…Mày thấy không, mình sống ở xứ đồ ăn rẻ bèo, dư thừa , mà cứ phải diet, vì sợ mâp, sợ bệnh, cho nên mình có được hưởng thụ gì đâu” .Tôi phải stop nó: “ thôi mày đừng kể nữa, làm tao… cũng thèm”. 

Lần này tôi gọi phone cho nó có lý do tâm sự đàng hoàng, mới nghe giọng tôi sụt sùi, nó đã nói:

- Mới cãi nhau với chồng hả?

Tôi kể cho nó nghe về món tôm rang muối vừa rồi và kết luận:

- Nói tóm lại, tao chỉ có một lỗi nhỏ là… nhìn lộn con số thôi. Theo tao, món tôm rang muối cũng thành công đến…99% rồi.

- Tội nghiệp mày quá trời! Tuần trước nồi cá kho cháy khét mày cũng chỉ có một lỗi nhỏ là… quên tắt bếp thôi, phải không?

- Ừ, mày hiểu tao, thế mới là bạn thân của tao! Hôm đó tao kho nồi cá ngon lành, đang để lửa riu riu cho thấm thì mày gọi phone, tao vừa tán dóc vừa đợi nồi cá cạn nước. Thế rồi… mà đúng ra lỗi tại mày nói chuyện dài quá !

Bạn tôi nịnh:

- Thôi, cho tao xin lỗi.Thế mày đã làm món gì khác cho anh ta ăn chưa?

- Anh ta đang tự phục vụ lấy, một người chồng không biết dịu dàng, bao dung với vợ thì đó là hình phạt cho anh ta đấy.

Nhỏ bạn an ủi :

- Tao kể cho mày nghe chuyện hai thằng chồng “nice” với vợ nhé. Có một bà viết thư cho mục “Dear Abby” kể rằng người chồng tuyệt vời của bà suốt 15 năm liền luôn tặng hoa cho bà dù…. chẳng có lý do gì . Bây giờ bà mới khám phá ra anh ta… đã ngoại tình. Đau chưa ! Bà này quá chủ quan, “ngủ quên trên chiến thắng”. Nếu tao là bà ta, chỉ sau một năm đầu tặng hoa cũng đủ cho tao sốt ruột mà bảo anh ta rằng: “Anh “ga lăng” như vậy là đủ rồi. Em van anh , đừng tặng hoa cho em nữa, chỉ tổ… hao tốn hầu bao của chúng mình.” Nếu nó… vẫn ngoan cố  tặng hoa nữa  là có vấn đề, vì trên đời này không có thằng chồng nào “lịch sự” và kiên nhẫn với vợ đến thế. Một chuyện nữa tương tự, tại hãng tao làm, có một cô Mỹ trắng, hai bàn tay đeo… la liệt đến 6 cái nhẫn, cô luôn tự hào, hễ có dịp là khoe với mọi người, 6 cái nhẫn là quà tặng 6 mùa Valentine của chồng, 3 cái đầu thuở đang yêu, 3 cái sau kể từ ngày lấy nhau. Hì hì… vậy mà mới đây thằng chồng đã bỏ cô chạy theo người đàn bà khác, nếu không, cứ cái đà này, mỗi mùa Valentine tặng một cái nhẫn thì cô ta sẽ… đeo vào đâu?

Tôi thở dài:

- Thì ra, lấy được người mình yêu chưa chắc là hạnh phúc !

- Thực tế luôn luôn phũ phàng mà. Các bài thơ, bài nhạc toàn là thương nhớ, xót xa những người tình cũ, những mối tình đã mất, hay những hình bóng mãi đâu đâu, chứ các ông bà thi sĩ, nhạc sĩ có mấy ai lấy cảm hứng từ vợ  từ chồng họ đâu.

Nói chuyện với nhỏ bạn xong thì trời đã tối, tôi sang phòng thằng con, cu Tí chiều nay đã ăn trước món ăn Mỹ và vào phòng chơi game nên nó không hề biết đến món tôm rang muối của mẹ đã làm nên trận cãi nhau giữa bố và mẹ. Thấy tôi ôm gối chăn sang, thằng cu Tí mới 6 tuổi đã hỏi một câu đầy kinh nghiệm:

- Mẹ lại giận bố rồi hả?

- Cho mẹ ngủ với cu Tí tối nay nhé?

Nó căn dặn:

- Ngủ thì OK, nhưng mẹ … đừng có đạp con rớt xuống giường như lần trước nghe!

Thằng con tôi nói ngây thơ và chân tình quá, tôi bối rối bào chữa với con:

Tại đêm đó mẹ ngủ thấy ác mộng, tối nay mẹ sẽ ngủ đàng hoàng tử tế hơn, con đừng lo.

Tôi sắp xếp gối chăn cho cu Tí, nằm cạnh nó, trằn trọc mãi không ngủ được, mà lỡ ngủ quên, quen chân đạp lung tung, đạp nó rớt xuống giường lần nữa thì lại thất hứa với con.

Giờ này bên phòng kia có lẽ anh ta cũng đang ngủ rồi, tôi lò dò đi ra ngoài, vào bếp, thấy dĩa tôm rang muối vẫn còn nguyên trên bàn, trông vô duyên làm sao! Tôi chỉ muốn hất cả vào thùng rác, như ngày xưa đã trút bỏ ổ bánh bông lan cháy khét. Mà thôi, chả cần, mấy năm chung sống với nhau, anh ta thừa biết tôi rồi, khách sáo, che đậy làm gì?

Tôi khe khẽ đi về phía phòng ngủ, xoay nhẹ nắm cửa, đã lock rồi, đúng là anh ta cố ý loại tôi ra khỏi cái giường King size để tha hồ nằm ngủ tối nay, một giấc ngủ bình yên, êm ấm vì tôi nghe rõ tiếng anh ta ngáy ngon lành . Tôi cảm thấy mình bị bỏ rơi, bị tổn thương quá chừng!

Anh yêu quý ngày xưa của tôi đâu rồi? anh luôn ân cần chăm sóc mỗi khi thấy tôi buồn vu vơ, hay giận hờn vô nghĩa.

Người tình hào hoa ngày xưa của tôi đâu rồi? Anh luôn ngọt ngào, âu yếm dỗ dành mỗi lúc tôi cô đơn.

Thế mà bây giờ, giá tôi có trúng gió, nằm chết queo ở đây, anh cũng không biết !

Tôi thấy mình ngu quá, tự nhiên ôm gối sang phòng con ngủ, để thành một kẻ thất thế, bại trận, đáng lẽ cái người đang mất ngủ, đang ôm gối đứng giữa nhà bây giờ là anh ta.

Tôi tức điên người lên, nhưng chẳng lẽ cứ ôm gối đi quanh quẩn trong nhà như một bóng ma? Đêm đã khuya rồi, có bao nhiêu người đang ngủ mơ thấy chuyện thần tiên , đang mộng chuyện lứa đôi? Và có bao nhiêu người đang nằm nghe người yêu thủ thỉ qua phone, những lời mật ngọt, những bài thơ tình lãng mạn ?…

Họ đang là những người tình trong mộng của nhau như tôi và anh ta ngày xưa.

Tôi bỗng thèm được nghe một bản nhạc tình nào đó, để dịu đi cơn bực tức, và để ru mình vào giấc ngủ muộn, tôi nằm ra ghế sofa, chùm chăn và mở nhạc nho nhỏ vừa đủ nghe, trời xui đất khiến thế nào, văng vẳng dội vào tim tôi câu hát “Làm sao giết được người trong mộng. Để trả thù duyên kiếp phũ phàng...”

Trời ơi, lấy được người trong mộng đã chắc gì sung sướng cả đời? mà đòi “giết” người ta khi không lấy được cơ chứ.

Tôi tắt phéng đi, không thèm nghe nữa. Bây giờ tôi chỉ ước gì “người trong mộng” của tôi mở cửa phòng ngủ ra cho tôi lên chiếc giường king size ngủ cho đúng với thói quen thường ngày và tha hồ… đạp trúng ai ráng chịu thì thoải mái biết bao.


Nguyễn thị Thanh Dương


 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.