.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2018

10 cây cầu nước “kỳ lạ” và “độc đáo” nhất trên thế giới, VN muốn xây cũng khó

Không chỉ là những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại, có giá trị trong vận tải đường thủy, những cây cầu nước "kỳ lạ" này còn trở thành những địa điểm du lịch thu hút, hấp dẫn hành khách

Cầu nước (được hiểu là “con sông này nằm trên con sông kia”) là cấu trúc cầu mang theo kênh mương để tàu bè có thể di chuyển được qua những dòng sông, thung lũng, đường sắt và đường bộ. Dưới đây là 10 những cây cầu nước “kỳ lạ” và “độc đáo” nhất trên thế giới.
1. Cầu nước Pontcysyllte – Anh
Cầu nước Pontcysyllte nằm trong hệ thống dẫn nước từ kênh Llangollen đến các mỏ than ở Denbighshire và hệ thống kênh rạch ở xứ Wales, bắc qua thung lũng sông Dee. Bắt đầu xây dựng năm 1795 và hoàn thành năm 1805, công trình này được cho là cây cầu nước dài nhất và cao nhất ở Britain. Ngoài ra, nó còn được liệt kê vào nhóm công trình Hạng mục I (Grade I Listed Building) và là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Cầu nước Pontcysyllte được xây dựng bởi Thomas Telford và William Jessop. Cầu Pontcysyllte cấu tạo gồm một máng chứa nước làm bằng thép dài khoảng 307 mét, rộng 3,4 mét và sâu 1,6 mét, nằm trên 18 trụ đỡ được xây bằng đá cao 38m.
Đường kéo tàu thuyền được gắn trên mặt nước, cùng các cạnh bên được gắn bằng những trụ đúc bằng gang. Ngoài ra, trên cầu còn có hành lang dành cho người đi bộ. Việc xây dựng kết hợp những vật liệu như thép và đá làm cho chiếc cầu trở nên nhẹ nhàng, giúp những chiếc thuyền nhỏ và hành khách có thể di chuyển dễ dàng qua nó. Khi mới được đưa vào sử dụng, cầu nước Pontcysyllte tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp khai thác tại Denbighshire. Tuy nhiên ngày nay, cây cầu nước này chỉ sử dụng để phục vụ hành khách đến thăm quan.
02. Cầu nước Håverud – Thụy Điển
Cầu nước Håverud là một trong những thành tựu kỹ thuật lớn nhất lúc bấy giờ. Giữa những năm 1860, cầu nước Håverud được xây dựng với mục đích là cây cầu bắc qua hệ thống kênh đào Dalsland, giúp cho tàu thuyền qua lại giữa hồ Vänern với khu vực trung tâm của Dasland và vùng hồ phía Tây Nam của quận Värmland.
Công trình này là hệ thống máng nước bằng thép dài 33,5m, được ghép lại với nhau bằng 33.000 chiếc đinh tán. Ngày nay, hệ thống kênh đào Dalsland là một địa điểm thu hút rất nhiều du khách bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, kết hợp với hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ và đường sắt trên cao. Du khách có thể ngồi thuyền hoặc đi bộ trên chiếc cầu nước này để ngắm nhìn dòng thác đang chảy ở phía dưới và những phương tiện giao thông đường bộ đang chạy ở phía trên.
03. Cầu nước Magdeburg – Đức
Người Đức đã khởi công xây dựng từ năm 1997 đến năm 2003 để hoàn thiện 918m cầu nước bắc qua sông Elbe nằm gần thị trấn Magdeburg. Các kỹ sư xây dựng hệ thống kênh đào đã kết nối kênh đào Elbe-Havel với kênh đào Mittelland, giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 kênh này từ khoảng cách 12km xuống còn 1km.
Được khởi công xây dựng từ năm 1905 nhưng bị trì hoãn do Chiến tranh thế giới lần thứ hai, cho đến tận năm 1997 cầu Magdeburg mới được xây dựng trở lại và hoàn thành vào năm 2003.
Sau khi hợp nhất nước Đức, những tuyến đường giao thông trên nước được ưu tiên xây dựng lại. Năm 1997, công trình này được xây lại, kéo dài trong 6 năm với chi phí lên tới 500 triệu euro. Cây cầu nước Magdeburg này sẽ kết nối cảng nội địa của Berlin với các cảng nằm dọc trên sông Rhine. Với tổng chiều dài 918 mét, cây cầu cần 24.000 tấn thép và 68.000m khối bê tông gồm 3 đoạn dài 228m, rộng 34m và sâu 4,25m. Ngày nay, cầu nước Magdeburg được xem là cây cầu nước hiện đại nhất thế giới.
04. Cầu nước Ringvaart Haarlemmermeer – Hà Lan
Nằm gần Roelofarendsveen (thị trấn nằm phía tây Hà Lan), kênh đào Ringvaart bắc qua đường cao tốc A4 bằng một cây cầu nước. Cầu nước Ringvaart Haarlemmermeer được xây dựng vào năm 1961, do vậy nó là một cây cầu nước lâu đời nhất ở Hà Lan. Năm 2006, công trình xây dựng hoàn thành xong hai phần: hướng về phía đông có làn đường cao tốc mới mở rộng theo phía bắc và hướng về phía tây là đường sắt cao tốc HSL-Zuid mới. Cây cầu nước này dài 1,8km.
05. Cầu nước Pont du Sart – Bỉ
Cầu nước Pont du Sart là cây cầu mang nước từ kênh Centrumkanaal (nằm phía Tây Vương quốc Bỉ) vượt qua giao lộ đường N55 và N535 gần thị trấn Houdeng-Goegnies.
Hệ thống dẫn nước này được xây dựng bằng bê tông có chiều dài 498m và rộng 46m, trọng lượng khoảng 65.000 tấn được nâng đỡ bởi 28 trụ bê tông và đường kính mỗi trụ là 3m.
06. Cầu nước Veluwemeer – Hà Lan
Veluwemeer là cầu nước cắt ngang đường cao tốc N032 nằm gần thị trấn nhỏ Harderwijk, miền Đông Hà Lan. Nó là một phần nhỏ của hồ Veluwemeer, đồng thời giúp kết nối phần đại lục của Hà Lan với hòn đảo mang tên Flevoland (được biết đến là một trong những công trình nhân tạo vĩ đại nhất thế giới).
Cầu nước Veluwemeer có chiều dài 25 mét, mỗi ngày có khoảng 28.000 lượt xe cộ đi qua. Cây cầu nước này được mở cửa thông xe vào năm 2002.
07. Cầu nước Briare – Pháp
Cầu nước Briare mang nước từ kênh đào Latéral à la Loire vượt qua sông Loire đến sông Seine của Pháp. Từ giữa năm 1896 đến năm 2003, cầu nước Briare được xem là hệ thống cầu dẫn nước dài nhất thế giới cho đến năm 2003, cầu nước Magdeburg tại Đức được đưa vào sử dụng đã lấy đi vị trí số 1 của nó.
Cầu nước Briare được xây dựng trên 14 trụ cầu. Những trụ cầu này là những dầm thép đơn hỗ trợ kênh thép chứa hơn 13.000 tấn nước, có độ sâu 2,2m và rộng 6m cho phép tàu thuyền cùng lưới rộng 1,8 mét có thể đi qua được. Chiều rộng của cầu nước là 5,2 mét và chiều dài của hệ thống dẫn nước này là 662,7 mét.
08. Cầu nước Naviduct Krabbersgat – Hà Lan
Cầu nước Naviduct Krabbersgat ở Hà Lan là hệ thống dẫn nước hỗ trợ tàu bè qua lại giữa hồ Markermeer và hồ Ijsslmeer, được tích hợp bởi một cơ chế khóa 2 chiều vì mực nước giữa 2 hồ có sự chênh lệch cao thấp. Đây là dự án lớn độc đáo gồm một tàu khóa với một đường hầm giao thông đường bộ được hình thành để giảm bớt tắc nghẽn giao thông cho cả xe cộ lẫn giao thông du lịch biển.
Kiến trúc khổng lồ này có chiều dài 125 mét và chiều rộng 25 mét. Bên cạnh đó, 1.450 m3 đất được di dời đi thay vào đó là 20.000 m3 bê tông. Cầu nước Naviduct Krabbersgat được khánh thành vào năm 2003.
09. Cầu nước Edstone – Anh
Cầu nước Edstone là một trong ba cây cầu nước nằm trên 6km của kênh Stratford-upon-Avon ở Warwickshire. Khác với những cây cầu nước khác, đường kéo tàu lại nằm ở phía dưới đáy kênh. Với chiều dài là 145m, cầu nước Edstone là cây cầu dẫn nước dài nhất nước Anh. Nó chảy qua một đường nhỏ nằm giữa đường sắt Birmingham và đường sắt North Warwickshire.
10. Cầu nước Langdeel – Hà Lan
Cầu nước Langdeel nằm trên đường cao tốc N31, gần thành phố Leeuwarden ở phía bắc Hà Lan. Cầu nước này cùng tên với hệ thống kênh chảy qua.
Bắt đầu xây dựng năm 2004, cây cầu nước Langdeel được hoàn thành vào năm 2007. Cầu dẫn nước này có độ sâu 2,78 mét (9 ft), rộng 25 mét (82 ft) và dài 110 mét (360 ft). Ngoài ra, nó còn được xây trên ba hàng cột bê tông.



Bishnoi: Bộ tộc 500 năm không ăn thịt, lấy tự nhiên làm nhà và sống trung thành với Đức Tin


Trải qua hơn 500 năm lịch sử, bộ tộc Bishnoi vẫn giữ những đạo lý và nguyên tắc từ xa xưa mà tổ tiên để lại. Họ sống hài hòa với tự nhiên, yêu thương muôn loài và cây xanh như những người bạn…
Với dân số khoảng 300.000 người, tập trung sinh sống chủ yếu ở vùng sa mạc Thar (bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ), Bishnoi theo tiếng địa phương có nghĩa là 29 (“Bish” là 20, “noi” là 9). Điều này biểu thị cho số điều trong giáo luật mà những người theo đạo Hindu phải tuân theo. Giáo luật này do đạo sư Jambheshwar Bhagwan lập ra cách đây khoảng 540 năm.
Đàn ông Bishnoi mặc quần áo màu trắng, tượng trưng cho sự khiêm tốn và biết chăm lo cho gia đình.
Theo nhiều tài liệu ghi chép, vào thời điểm đó thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột giữa người Hồi giáo và người Hindu, dẫn đến sự thù địch giữa các tầng lớp, tôn giáo trong xã hội. Trước tình huống này, đạo sư Jambheshwar thuyết phục mọi người, cách duy nhất để hòa giải là tôn trọng tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống.
Theo truyền thuyết, khi đang ngồi thiền dưới gốc cây ở ngôi làng Jhamba, đạo sư Jambheshwar đã giác ngộ. Ông đã tìm ra nguồn nước giúp những người dân ở ngôi làng Jhamba thoát khỏi cảnh hạn hán sau hơn 20 năm và nuôi ý tưởng xây dựng một cộng đồng không chỉ chung sống hòa thuận với nhau mà còn với tự nhiên và muôn loài. Xã hội đó chính là tiền thân của bộ tộc người Bishnoi hiện nay.
Tự nhiên là nhà, thú nuôi là bạn
Trong những điều luật của bộ tộc Bishnoi, có một điều luật nghiêm cấm việc săn bắt và giết thịt các loài động vật, kể cả vật nuôi hay hoang dã. Họ cũng có quy định riêng về cách đối xử với các loài động vật này. 
Cuộc sống thường ngày của người Bishnoi có thể miêu tả ngắn gọn bằng 8 chữ “Tự nhiên là nhà, thú nuôi là bạn”
Ví dụ, khi gặp những con động vật bị thương, người Bishnoi sẽ đem chúng về và giao cho những thầy tu chữa trị trước khi thả chúng về với tự nhiên. Những người phụ nữ Bishnoi cũng sẵn sàng nuôi dưỡng những con thú non bị bỏ rơi như hươu, nai hay linh dương. Họ cho những con thú này bú chung dòng sữa với con của mình. Bởi vậy, trong những ngôi làng của tộc người này, hình ảnh những con thú mải mê bú sữa của những người phụ nữ đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Khi những con thú lớn lên, chúng lại trở thành những người bạn thân thiết của những đứa trẻ.
Phụ nữ Bishnoi sẵn sàng nuôi dưỡng những con thú non bị bỏ rơi
Ngay từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ đã dạy cách không được làm đau hay sát hại động vật. Người Bishnoi còn sẵn sàng chia sẻ nguồn lương thực ít ỏi của mình với những loài động vật trên vùng đất sa mạc cằn cỗi. Những bát nước và các loại ngũ cốc hay rau củ được đặt rải rác khắp các con đường trong làng và ven bìa rừng, để những con thú có thể tự do đến ăn.
Những đứa trẻ và động vật trở thành bạn bè thân thiết.
Người Bishnoi cũng có nuôi một số loại gia súc như bò và dê để lấy sữa hoặc dùng trong vận chuyển chứ không bao giờ giết thịt. Khi những con vật này già yếu, họ vẫn tiếp tục nuôi dưỡng chúng cho đến khi chúng chết một cách tự nhiên.
Ngoài ra, người Bishnoi cũng có những quy định về cách đối xử với các loài thực vật. Họ không bao giờ chặt hay nhổ cây đang sống, cho dù để lấy gỗ làm vật liệu xây dựng hay củi đốt. Người Bishnoi chỉ chặt những cây đã chết hoặc cành cây khô để làm củi, phục vụ cho việc bếp núc. Nếu không kiếm đủ củi, họ sẽ thu lượm phân trâu bò, phơi khô để làm chất đốt, chứ tuyệt đối không chặt cây rừng.
Hình ảnh những con thú mải mê bú sữa của những người phụ nữ đã trở nên quá đỗi quen thuộc.
Năm 1847, khi quân đội Hoàng gia đến khu rừng của những người Bishnoi để chặt cây, lấy gỗ xây cung điện, những người Bishnoi đã kiên quyết bảo vệ cánh rừng của mình. Tuy nhiên, họ không chống đối bằng bạo lực, mà chỉ kêu gọi quân lính hãy dừng việc chặt cây. Cuối cùng, 363 người Bishnoi đã bị giết chết khi nỗ lực cứu cánh rừng.
Cuộc sống giản dị nhưng hạnh phúc 
Cuộc sống của người Bishnoi hết sức giản dị nhưng trang phục lại vô cùng bắt mắt. Họ cho rằng, phụ nữ là biểu tượng của sự sáng tạo, nên sẽ mặc những bộ đồ sáng màu như cam đỏ, xanh…Họ cũng đeo khuyên to bản trên mũi như một cách để làm đẹp. Đàn ông Bishnoi mặc quần áo màu trắng bởi nó tượng trưng cho sự khiêm tốn và thắt lưng buộc bụng, biết chăm lo cho gia đình. 
Người Bishnoi yêu thương động vật như người thân.
Người Bishnoi sống bằng nông nghiệp. Khi một cặp vợ chồng mới lấy nhau, họ phải tự tạo dựng cuộc sống của mình với hai bàn tay trắng trên mảnh đất cằn cỗi. Họ sẽ đào giếng để lấy nước trồng lương thực và các loại rau củ khác. Người phụ nữ sẽ có nhiệm vụ quản lý ngân sách, còn công việc kiếm sống nuôi gia đình là trách nhiệm của đàn ông.
Ngoài ra, người Bishnoi thường sống trong xóm nhỏ được gọi là Dhannis. Đó chỉ là vài túp lều tròn với mái tranh, “tường” bao quanh được làm từ bùn đất. Theo họ, cách làm nhà này sẽ đem đến cho họ sự thoáng mát, nhất là khi phải sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở sa mạc.
Những cư dân Bishnoi vẫn dành ra một lượng nước để chăm sóc và tưới cho cây trồng.
Đặc biệt, bộ tộc Bishnoi sống rất sạch sẽ. Mặc dù ở sa mạc Thar rất khan hiếm nước nhưng họ vẫn tắm gội sạch sẽ hàng ngày. Hầu hết mọi người đều vô cùng tiết kiệm nước, trẻ em phải ngồi tắm trong những cái chậu. Tuy nhiên, những cư dân này vẫn dành ra một lượng nước để chăm sóc và tưới cho cây trồng.
Thoạt nhìn, cuộc sống của những cư dân trong bộ tộc Bishnoi không được sung túc và khá giả lắm, nhưng có một điều bất ngờ là ai cũng hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình và cảm thấy rất hạnh phúc. Câu trả lời chính bởi: Người Bishnoi không truy cầu vật chất nên sẽ không có cảm giác thiếu thốn.
Một thầy tu đang trị thương cho động vật
Đa phần con người chúng ta đang quá coi trọng những giá trị vật chất. Nhìn vào cách sống của một số người, ta có cảm giác như vật chất là tất cả những gì họ có và mong muốn có. Họ tích lũy tiền bạc, của cải để trở nên giàu có. Họ sử dụng những giá trị vật chất để đổi lấy niềm vui trong cuộc sống, và tin rằng đó là cách duy nhất để hạnh phúc. Nhưng mà, tiền của không tự nhiên có được mà cần phải tìm kiếm. Vì thế đôi khi, khát vọng kiếm thật nhiều tiền có thể khiến ta đánh mất những niềm vui khác trong cuộc sống.
Người Bishnoi thường sống trong xóm nhỏ được gọi là Dhannis.
Người Bishnoi không lựa chọn cách sống đó. Họ hài lòng với đời sống vật chất còn nghèo nàn, an nhiên đón nhận những gì cuộc đời mang lại. Họ có sự kết nối chặt chẽ với tự nhiên, giàu lòng trắc ẩn và sẵn sàng sẻ chia với muôn loài. Quan trọng hơn tất cả, họ có Đức Tin và luôn sống trung thành với những điều được chỉ dạy. Vậy nên, thế giới nội tâm của họ không bao giờ thiếu thốn mà ngược lại luôn được lấp đầy bởi tình yêu thương và lòng biết ơn.
Thế giới nội tâm của họ không bao giờ thiếu thốn mà ngược lại luôn được lấp đầy bởi tình yêu thương và lòng biết ơn.
Thừa nhận rằng, tiền bạc, vật chất đều là những yếu tố cần thiết đối với mỗi người. Nhưng, khi ta ra đi, những thứ ấy lại chẳng thể mang theo được. Chúng ta luôn vất vả, lo toan, tranh đấu để giành lấy những thứ ấy. Đó là vì lẽ gì?
Đã bao giờ bạn tự hỏi: Điều gì là giá trị nhất? Đối với người này là tiền bạc, người kia là sức khỏe, người khác là tình yêu…
Chúng ta chẳng thể nào tìm được một câu trả lời chung cho tất cả: Sự phá sản là đau khổ của người này nhưng có thể chỉ là trải nghiệm của người khác. Việc thăng chức đối với người này là hãnh diện nhưng có thể là nỗi lo âu của người kia. Nơi đây cái chết nặng tựa núi sông, nơi kia nhẹ tựa lông hồng. Có thể đối với người này một đồng tiền vàng giá trị hơn cả sinh mạng, nhưng đối với đa phần người khác, hàng vạn đồng tiền vàng cũng không mua được một sinh mạng.
Hạnh phúc của tự tại, an nhiên…
Cho nên, dù bạn giàu hay nghèo, thành công hay thất bại, sống ở một xã hội văn minh hiện đại hay ở một bộ tộc thiểu số, đó đều không phải là những yếu tố quyết định hạnh phúc. Chúng ta có quyền theo đuổi thứ mình thích, nhưng hãy biết dừng đúng lúc, buông bỏ nếu điều đó vượt quá giới hạn của bản thân. Đừng cố nắm giữ điều không thuộc về mình, bởi chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn hạnh phúc cho riêng mình – hạnh phúc của tự tại, an nhiên…
Bishnoi - Bộ tộc 500 năm không ăn thịt, sống hài hòa với tự nhiên
 
(Nguồn ảnh: Life Positive)
Hiểu Minh

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.