.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

CHUYỆN 20 ĐÔ LA



– Bố ơi, con có thể hỏi bố một câu được không?
– Được chứ, gì vậy? – Người cha đáp.
– Bố, một giờ làm việc bố kiếm được bao nhiêu tiền?
– Đó không phải là chuyện của con, tại sao con lại hỏi bố như vậy?
– Con chỉ muốn biết một giờ bố kiếm được bao nhiêu tiền thôi mà, nói cho con nghe đi, bố – Cậu bé nài nỉ.
– Nếu con cần phải biết thì bố nói đây, bố làm được 20 USD một giờ.
– Vậy hả bố – Cậu bé cúi mặt đáp – ...Con có thể mượn bố 10 USD được không?
Người cha nổi giận: “Nếu con vay tiền bố chỉ để mua đồ chơi vớ vẩn hay mấy thứ vô bổ gì đó thì hãy đi ngay về phòng, lên giường nằm và suy nghĩ xem tại sao con lại có thể ích kỷ như vậy. Bố phải làm việc vất vả suốt cả ngày rồi, bố không có thời gian cho những trò trẻ con như thế này đâu”.
Cậu bé lặng lẽ đi về phòng, đóng cửa lại. Người đàn ông ngồi xuống và càng tức giận hơn khi nghĩ đến những điều con trai mình vừa hỏi: “Tại sao nó lại dám hỏi mình những câu hỏi như vậy chỉ để xin tiền thôi nhỉ?”.
Khoảng một giờ sau, khi đã bình tĩnh lại, anh nghĩ có lẽ mình hơi nghiêm khắc với con. Có thể nó thật sự thiếu 10 USD để mua thứ gì đó và thực ra nó đâu có thường hay xin tiền mình. Anh tiến về phía phòng con trai và mở cửa.
– Con đã ngủ chưa, con trai? – Anh hỏi.
– Chưa bố ạ, con vẫn còn thức.
– Bố nghĩ có lẽ lúc nãy bố quá nghiêm khắc với con. Hôm nay là một ngày dài và bố đã trút sự bực mình lên con. Đây, 10 USD mà con đã hỏi – Người cha nói.
Thằng bé ngồi bật dậy, mỉm cười và reo lên: “Ôi, cảm ơn bố!”. Rồi nó luồn tay xuống dưới gối lôi ra mấy tờ giấy bạc nhàu nát. Nhìn thấy tiền của thằng bé, người đàn ông lại bắt đầu nổi giận. Thằng bé chậm rãi đếm từng tờ bạc một rồi ngước nhìn bố nó.
– Tại sao con đã có tiền rồi mà còn xin bố nữa ? – Người cha nói trong giận dữ.
– Bởi vì con không đủ..., nhưng bây giờ thì đủ rồi ạ… Bố ơi, bây giờ con có 20 USD, con có thể mua một giờ của bố không? Ngày mai bố hãy về nhà sớm, con xin bố, con muốn được ăn tối cùng với bố – cậu bé nói.
Người cha lặng người. Anh vòng tay ôm lấy cậu con trai bé nhỏ và cầu xin sự tha thứ.
Đây chỉ là một lời nhắc nhở rất ngắn ngủi gửi đến cho tất cả những ai đang làm việc vất vả cho cuộc sống của mình. Chúng ta đừng để thời gian vuột mất khỏi bàn tay mà hãy dành thời gian cho những người thực sự quan trọng với chúng ta, những người gần gũi với chúng ta nhất. Hãy luôn nhớ chia sẻ giá trị một giờ của bạn cho tất cả những ai mà bạn yêu quý.
Bởi, nếu ngày mai bạn ra đi, công ty nơi mà bạn đang làm việc sẽ dễ dàng thay thế người khác. Còn gia đình và bạn bè của chúng ta sẽ cảm thấy mất mát rất lớn trong suốt quãng đời còn lại. Hãy suy nghĩ về điều này bởi chúng ta luôn tự ép mình dành nhiều thời gian cho công việc hơn là gia đình.
Bạn thân mến, bạn nên biết và hiểu điều nào là quan trọng hơn.

Sưu tầm

ÔNG BIẾT TÔI LÀ AI ?
Một bữa đang ngồi trong quán cà phê ở Sài Gòn, thì tôi bị một người đàn ông gây sự và cuối cùng ông ta quăng ra cho tôi câu hỏi : “Ông biết tôi là ai không ?”
Quả thật lúc ấy, tôi không biết ông ta là ai thật. Ông không phải là một tài tử, một nhà văn, hay một chính trị gia nổi tiếng để tôi phải biết. Tôi đành ngồi đó, chịu thua ông, không có câu trả lời.
Ít lâu sau, tôi được cho biết ông là đàn em của một quan chức lớn, và nhờ đó, ông thỉnh thoảng đem chút “hào quang” vay mượn được để hù dọa những người yếu bóng vía như tôi.
Sang đến Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng bị hỏi câu hỏi đó, mà đau cho những người đó, cả Mỹ lẫn Việt, tôi không bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi đó của họ cả. Họ thì nghĩ tôi phải biết họ, mà thật tình, tôi thì không hề biết họ bao giờ. Và cứ mỗi lần bị những nhân vật như thế cật vấn, thì tôi chỉ biết ngẩn mặt ra, giả bộ lục lọi cái trí nhớ thảm hại của tôi để tìm câu trả lời cho người nổi tiếng nhưng vô danh và không ai thèm biết đó.
Mấy tháng trước, trong chuyến về lại Los Angeles, California , tôi phải ghé lại Newark, New Jersey để đổi máy bay. Phi cơ của tôi bị trễ hơn một tiếng. Hành khách có một số rất bực bội vì công việc bị xáo trộn do sự chậm trễ của máy bay gây ra.
Tại quầy bên cạnh cổng 112, một tiếp viên dưới đất của công ty đang cố giải quyết những yêu cầu, khiếu nại của khách hàng thì bỗng nhiên một hành khách có vẻ tức tối lắm, lấn lên phía trên, len qua mặt mấy người khác và ném tấm vé lên quầy.
Ông ta nói lớn rằng ông ta muốn được cho bay chuyến sớm nhất và phải xếp cho ông ta ngồi hạng nhất. Người tiếp viên trả lời rằng cô xin lỗi về những phiền nhiễu mà chuyến bay gây ra cho ông, nhưng cô cũng phải giải quyết những hành khách tới trước và hứa là sẽ giúp ông khi đến lượt ông.
Nhưng ông khách không bằng lòng, ông hỏi như hét vào mặt cô, rõ ràng là để cho các hành khách khác cũng nghe được. Ông hỏi đúng câu mà tôi cũng bị hỏi mấy lần : “Cô biết tôi là ai không ?” (Do you know who I am ?).
Thì ra người Mỹ, trẻ và xinh như cô tiếp viên cũng bị hạch hỏi bằng câu đó chứ chẳng riêng gì tôi. Tôi liền cố lắng tai nghe xem cô tiếp viên ở quầy trả lời như thế nào để biết mà ứng phó sau này.
Người phụ nữ này, vẫn tươi cười, cầm chiếc micro của hệ thống khuếch âm lên và nói lớn bằng giọng rành rẽ rằng: “Ở quầy 112, có một vị hành khách không biết mình là ai, quí hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước hay thân thế của ông, xin tới quầy 112.”
Ông khách tự nhiên, vì chính câu hỏi của ông, biến thành một bệnh nhân tâm thần, một người mắc Alzheimer, một người lãng trí, tâm lý, thần kinh thác loạn, lẫn lộn bản thể, không còn nhớ mình là ai, tên gì, ở đâu nữa. Và lúc ấy thì đám hành khách đang sốt ruột đứng trước quầy đều phá ra cười.
Ông khách điên tiết, chỉ mặt người tiếp viên ở quầy và bật ra một câu chửi thề tục tĩu : “Đ.M. mày”( F,,k you) .
Người phụ nữ ở quầy, không một chút giận dữ, bằng giọng bình thản, trả lời ông nguyên văn như thế này : “I’m sorry, sir, but you’ll have to stand in line for that, too”.( Thưa ông, chuyện đó, chuyện ông đòi giao hợp với tôi, ông cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mới được.)
Chao ôi, hay biết là chừng nào ! Thế mà tôi không nghĩ ra từ bao nhiêu năm nay để mà ấm ức không nguôi.
Bây giờ, nếu người đàn ông ngày xưa ở Saigon hay dăm ba người khác đặt lại câu hỏi đó với tôi, thì tôi đã có ngay được câu trả lời học được của người tiếp viên phi hành ở phi trường Newark, New Jersey hai hôm trước.

Bùi Bảo Trúc (Blog Alan Phan)

GIẤC MƠ CUỘC ĐỜI!





DANH!



Thuở sinh tiền, bà nội tôi hay nói “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”… Còn thời nay, thời đại 4.0, tôi thường nghe có người hay dùng câu cửa miệng “Bất cứ ai, làm việc gì, cũng nhằm mục đích - hoặc là Tiếng, hoặc là Tiền…” Mấy năm ra làm việc ngoài thành phố theo lời mời “hỗ trợ nhân sự”, chắc đâu chút chục lần ông xã tôi nhận được các cuộc alo từ ai đó (hoàn toàn không quen biết) mời mọc, rủ rê “Làm quy trình vinh danh cho cơ quan nơi anh đang là thủ trưởng”. Anh nhã nhặn đáp “Cơ quan tôi không có nhu cầu”, hoặc “Tôi chưa thấy mình xứng đáng”. Cho đến khi ai đó còn đưa ra đề nghị “Vinh danh dòng họ Trần” thì anh nổi sùng thật sự, mặc dù tính anh vốn hiền lành, cởi mở!

Riêng tôi, có lần tham dự một cuộc thi thơ lục bát với chủ đề ca ngợi quê hương… Nói thiệt lòng, khi ấy tôi muốn thử “vượt lên chính mình” (hay “vượt thoát ao làng”) để xem mình đang ở đâu, kẻo không khéo lại mắc bệnh tâm thần phân liệt, cứ nghe có ai đó nói bên tai những lời dễ gây ngộ nhận và ảo tưởng!… Hết hạn nộp bài ít lâu, ban tổ chức vừa gọi điện vừa gởi thư thông báo, đại ý bài thơ tôi đã được chọn đưa vào chung kết để xét giải, đồng thời sẽ được chọn in vào tuyển tập, góp mặt cùng các nhà thơ “có trình” trên cả nước. Tập thơ ấy có giá bốn trăm ngàn! Tự dưng tôi nhớ ngay lời của nội… Và không dám mua!

Ngộ cái là, sau đó trong vòng hai ba năm tôi đã ba bốn lần nhận được thư mời tham gia cuộc thi thơ nào đó - của nhiều tổ chức khác nhau, do nhiều tiến sĩ khác nhau, ký tên với danh xưng “Viện trưởng”… Dĩ nhiên, trong thư nêu rõ mục đích, yêu cầu, chủ đề cuộc thi. Quan trọng, thư nhấn mạnh các tác phẩm dự thi sẽ được tuyển chọn in sách, và yêu cầu người dự thi mua sách… Trời! Việc in sách, mua bán sách, hay tặng sách chưa hề bị mất đi ý nghĩa cao quý và sáng trong vốn có. Sao tôi như vừa cắn phải hạt sạn to đùng, nghe keng két và ê buốt tới tận cùng… 

Phải chăng bởi đất nước còn nghèo nên phong trào xã hội hóa được nhiều người yêu thích, vinh danh? Ví như, có nhiều người dù là đại gia - như Bầu Đức, một điển hình nổi bật trong đóng góp cho nền bóng đá nước nhà. Hay chỉ là “thiểu gia” trong đóng góp công sức, của tiền vào việc xây cầu, hiến đất cất trường học, hoặc phục vụ ở những tổ bếp từ thiện trong bệnh viện… Có phải họ làm vì “Tiếng” hay vì “Tiền”? Bầu Đức vốn nổi tiếng từ lâu, hà cớ gì phải đi tìm, mời, và móc tiền túi của mình trả lương cho một Thầy Park đang gây sốt trong giới túc cầu cả nước và quốc tế! Có một thực tế là, báo chí không thể nào đưa đầy đủ mọi tấm gương “mỗi người vì mọi người” hay “nhiều người vì một người” - bởi lẽ đa phần trong số họ đã chung tay bằng cả tinh thần tự nguyện, thành tâm, và lặng lẽ… Quan trọng là, họ không đòi hỏi, cũng không cần được vinh danh!

Ngẫm nghĩ rồi nhiều khi tôi lẩn thẩn tự hỏi, sao không ai vinh danh “Bà nội trợ” vậy ta!
À, cũng phải thôi. Bởi, đó là những người bà, người mẹ, người vợ, người chị, người con dâu, thậm chí là người chồng biết hy sinh, nhường bước cho vợ mình tiến lên trong sự nghiệp trước… với những công việc có tên lẫn không tên, công khai lẫn lặng thầm. Mà những người thân yêu của họ, cũng như toàn xã hội, đôi khi đã vô tình xem đó là sự đương nhiên - một mặc định trong lập trình của tạo hóa!

16-7-2019
Nguyễn Thị Thanh Ngọc


BIỂN HÁT




Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Dấu "Hỏi Ngã" Trong Văn Chương Việt Nam



Văn hóa Việt Nam của chúng ta vô cùng phong phú. Một trong những nguồn phong phú vô ngàn mà trên thế giới không ai có, đó là ý nghĩa về dấu hỏi ngã Thật thế, dấu hỏi ngã trong tiếng Việt đóng một vai trò quan trọng. Viết sai dấu hỏi ngã sẽ làm đảo ngược và có khi vô cùng tai hại cho văn chương và văn hóa Việt Nam.
Chúng tôi xin đơn cử một vài trường hợp như sau : Danh từ nhân sĩ, chữ sĩ phải được viết bằng dấu ngã để mô tả một vị chính khách có kiến thức văn hóa chính tri... , nhưng nếu vô tình chúng ta viết nhân sỉ, chữ sỉ với dấu hỏi thì ý nghĩa của danh từ nhân sĩ sẽ bị đảo ngược lại, vì chữ sĩ với dấu hỏi có nghĩa là nhục sĩ và như vậy sẽ bị trái nghĩa hoàn toàn.
Một chữ thông thường khác như là hai chữ sửa chữa, nếu bỏ đi dấu hỏi ngã sẽ có nhiều ý khác nhau: sửa chữa (sửa dấu hỏi, chữa dấu ngã) tức là chúng ta sửa lại một cái gì bị hư hỏng, thí dụ sửa chữa xe hơi. Nhưng nếu cho dấu ngã vào thành chữ sữa và dấu hỏi trên chữ chửa tức có nghĩa là sữa của những người đàn bà có thai nghén.
Người sai lỗi nhiều nhất về viết sai dấu hỏi ngã là người miền Nam và Trung (người viết bài này là người miền Trung). May mắn nhất là người thuộc miền Bắc khi sinh ra là nói và viết dấu hỏi ngã không cần phải suy nghĩ gì cả. Nhưng khốn nỗi có khi hỏi họ tại sao chữ này viết dấu hỏi chữ kia lại đánh dấu ngã thì họ lại không cắt nghĩa được mà chỉ nở một nụ cười trên môi...
Bài viết này nhằm mục đích đóng góp một vài qui luật về dấu hỏi ngã của tiếng mẹ đẻ Việt Nam chúng ta
Dấu hỏi ngã được căn cứ vào ba qui luật căn bản: Luật bằng trắc, chữ Hán Việt và các qui luật ngoại lệ.

A. LUẬT BẰNG TRẮC
Qui luật bằng trắc phải được hiểu theo ba qui ước sau.
1. Luật lập láy
Danh từ lập láy tức là một chữ có nghĩa nhưng chữ ghép đi theo chữ kia không có nghĩa gì cả.
Thí dụ: vui vẻ, chữ vui có nghĩa mà chữ vẻ lại không nghĩa, chữ mạnh mẽ, chữ mạnh có nghĩa nhưng chữ mẽ lại không hề mang một ý nghĩa nào hết, hoặc chữ lặng lẽ, vẻ vang...
2. Luật trắc
Không dấu và dấu sắc đi theo với danh từ lập láy thì chữ đó viết bằng dấu hỏi (ngang sắc hỏi).
Thí dụ:
Hớn hở: chữ hớn có dấu sắc, thì chữ hở phải là dấu hỏi.
Vui vẻ: chữ vui không dấu, thì chữ vẻ đương nhiên phải dấu hỏi.
Hỏi han: chữ han không dấu, như thế chữ hỏi phải có dấu hỏi.
Vớ vẩn: chữ vớ là dấu sắc thì chữ vẩn phải có dấu hỏi.
Tương tự như mắng mỏ, ngớ ngẩn, hở hang,...
3. Luật bằng
Dấu huyền và dấu nặng đi theo một danh từ lập láy thì được viết bằng dấu ngã (huyền nặng ngã).
Thí dụ:
Sẵn sàng: chữ sàng có dấu huyền thì chữ sẵn phải là dấu ngã.
Ngỡ ngàng: chữ ngàng với dấu huyền thì chữ ngỡ phải để dấu ngã.
Mạnh mẽ: chữ mãnh có dấu nặng, do đó chữ mẽ phải viết dấu ngã.
Tương tự như các trường hợp lặng lẽ, vững vàng,...

B. CHỮ HÁN VIỆT
Văn chương Việt Nam sử dụng rất nhiều từ Hán Việt, chúng ta hay quen dùng hằng ngày nên cứ xem như là tiếng Việt hoàn toàn. Thí dụ như các chữ thành kiến, lữ hành, lãng du, viễn xứ,... tất cả đều do chữ Hán mà ra.
Đối với chữ Hán Việt được sử dụng trong văn chương Việt Nam, luật về đánh dấu hỏi ngã được qui định như sau:
Tất cả những chữ Hán Việt nào bắt đầu bằng các chữ D, L, M, N và V đều viết bằng dấu ngã, các chữ Hán Việt khác không bắt đầu bằng năm mẫu tự này sẽ được viết bằng dấu hỏi.
Thí dụ:
Dĩ vãng: hai chữ này phải viết dấu ngã vì dĩ vãng không những là hán tự mà còn bắt đầu bằng chữ D và V.
Vĩ đại: vĩ có dấu ngã vì chữ vĩ bắt đầu với mẫu tự V.
Ngẫu nhiên: chữ ngẫu dấu ngã vì áp dụng qui luật Hán Việt nói trên.
Lẽ phải: lẽ dấu ngã vì chữ L, phải dấu hỏi vì có chữ P.
Tư tưởng: chữ tưởng phải viết dấu hỏi vì vần T đứng đầu.
Tương tự như: lữ hành, vĩnh viễn,...
Để có thể nhớ luật Hán tự dễ dàng, chúng tôi đặt một câu châm ngôn như thế này:
"Dân Là Vận Mệnh Nước"
để dễ nhớ mỗi khi muốn sử dụng qui luật Hán tự nói trên.

C. CÁC QUI ƯỚC KHÁC
1. Trạng từ (adverb)
Các chữ về trạng từ thường viết bằng dấu ngã.
Thí dụ:
Thôi thế cũng được.Trạng từ cũng viết với dấu ngã.
Xin anh đừng trách em nữa. Trạng từ nữa viết với dấu ngã.
Chắc anh đã mệt lắm rồi. Trạng từ đã viết với dấu ngã.
2. Tên họ cá nhân và quốc gia
Các họ của mỗi người và tên của một quốc gia thường được viết bằng dấu ngã.
Thí dụ:
Đỗ đình Tuân, Lữ đình Thông, Nguyễn ngọc Yến...
Các chữ Đỗ, Lữ, Nguyễn đều viết bằng dấu ngã vì đây là danh xưng họ hàng.
Nước Mỹ, A phú Hãn,...
Các chữ Mỹ và Hãn phải viết bằng dấu ngã vì đây là tên của một quốc gia.
3. Thừa trừ
Một qui ước thừa trừ ta có thể dùng là đoán nghĩa để áp dụng theo luật lập láy và bằng trắc nói trên.
Thí dụ:
Anh bỏ em đi lẻ một mình. Chữ lẻ viết dấu hỏi vì từ chữ lẻ loi mà ra, chữ loi không dấu nên chữ lẻ viết với dấu hỏi.
Anh này trông thật khỏe mạnh, chữ khỏe ở đây có dấu hỏi vì do từ khỏe khoắn mà ra, khoắn dấu sắc thì khỏe phải dấu hỏi.

D. KẾT LUẬN
Văn chương là linh hồn của nền văn hóa, viết sai dấu hỏi ngã có thể làm sai lạc cả câu văn, đó là chưa kể đến nhiều sự hiểu lầm tai hại cho chính mình và người khác cũng như các việc trọng đại. Không gì khó chịu cho bằng khi đọc một cuốn truyện hay nhưng dấu hỏi ngã không được chỉnh tề.
Một ký giả người miền Nam trong câu chuyện thân mật tại một quán phở thuộc vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã thành thật công nhận điều thiếu sót và tầm quan trọng của dấu hỏi ngã trong văn chương Việt Nam. Và cũng chính vị ký giả lão thành nói trên đã khuyến khích chúng tôi viết bài này trong mục đích làm sống lại sự phong phú của nền văn chương, văn hóa Việt Nam chúng ta, nhất là đối với những thế hệ trẻ hiện đang lưu lạc trên xứ người.

Cao Chánh Cương


Biển học thật là mênh mông
 
Thứ 2 , thứ 3 , thứ 4 
Tiên đề thứ tư của Euclid nói rằng: “mọi góc vuông đều bằng nhau”.
Góc vuông là góc …90 độ.
Nhưng tại sao góc vuông 90 độ? Số 90 loài người lấy ở đâu ra?
Đó là do các nhà toán học Sumerian cổ đại (nay là Nam Iraq) phát minh ra Cơ số 60 (sexagesimal: base 60) khoảng 3000 năm trước. Rồi truyền cho các nhà toán học và thiên văn Babylon cổ đại ở Lưỡng hà.
Các nhà toán học cổ đại rất thích con số 60 này, vì nó dễ dàng chia hết cho rất nhiều con số khác. Nếu bạn là nhà buôn có 60 con cừu, hoặc 60 cái chum, bạn dễ dàng chia nó cho 1, 2, 3, 4, 5, 6, 10, 12, 15, 20, 30, và 60 nhà bán lẻ khác. (Số 2,3,5 còn là ba số nguyên tố, điều mà sau này Euclid rất thích.)
Đặc biệt là 60 nó chia hết cho 12. Số 60 cũng là số bé nhất chia hết cho 1,2,3,4,5,6.
Các nhà thiên văn Ai Cập cổ đại quan sát bầu trời nhận thấy chu kỳ (một năm) dài khoảng 360 ngày, trong đó mặt trăng mọc và lặn 12 lần. Đây là lý do chúng ta một năm có 12 tháng. Và sau này là một ngày có 12 giờ.
Người Babylon truyền Cơ số 60 cho người Ai Cập. Hẳn là các nhà toán học Ai Cập rất thích con số này. Họ phát minh ra “độ góc (degree)”.
Góc đầy (toàn bộ vòng tròn) là góc mà trong quan sát thiên văn của người Ai Cập là góc mà trái đất nhìn trọn một vòng bầu trời. Vậy nên góc đầy là 360 độ. Họ chia đôi để có góc 180 độ. Rồi chia đôi lần nữa để có góc vuông 90 độ.
Người Ai Cập truyền kiến thức của mình cho nhà khoa học đầu tiên của loài người: Thales.
Sau này khi đồng hồ ra đời, người ta chia một vòng đồng hồ thành 60 phút, và 12 giờ. Vì 60 chia hết cho 1,2,3,4,5,6 nên chúng ta dễ dàng có các khoảng thời gian 30 phút, 20 phút, 15 phút, …
Có ai biết tại sao chiều quay của kim đồng hồ lại như bây giờ không? Đó là vì ngày xưa người ta dùng đồng hồ cát, bóng của kim đồng hồ quay theo chiều như vậy ở Bắc Bán Cầu. Nếu các nhà khoa học cổ đại mà ở Nam Bán Cầu, hẳn đồng hồ sẽ quay theo chiều ngược lại.
Thế còn các nhà thiên văn Babylon phát hiện ra những gì?
*
Vùng đất nằm giữa sông Tigris và Euphrates có tên gọi trong tiếng Hy Lạp là Mesopotamia, nghĩa là Lưỡng Hà (nằm giữa hai con sông). Trên vùng đất ấy cách đây khoảng 5000 năm có người Babylon và Assyria sinh sống.
Bằng mắt thường họ quan sát và nhận ra quy luật chuyển động của bảy “hành tinh” (với họ Mặt Trăng cũng là một hành tinh như Mặt Trời). Người Babilon và Assyria dùng tên của bảy hành tinh để đặt tên cho cho bảy ngày. Và cũng từ đó mà về sau này người Hy Lạp cổ đại có bảy nốt nhạc.
Kiến thức thiên văn và toán học của người Babylon và Ai Cập cổ đại, nhờ giao thương và chinh phạt, lan truyền qua Hy Lạp, Ấn Độ và Ba tư.
Ngày nay tên của các ngày trong tuần vẫn còn dấu vết trong những ngôn ngữ như Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha …
Chủ nhật là Mặt Trời (Sun, Sunday), Thứ hai là Mặt Trăng (Moon, Monday), Thứ ba là Sao Hỏa (Mars, Mardi), Thứ 4 là Sao Thủy (Mercury, Mercredi), thứ năm là là Sao Mộc (Jupiter, Jeudi), thứ sáu là Sao Kim (Venus, Vendredi), thứ bảy là Sao Thổ (Saturn, Saturday). (Xem thêm Bầu trời chiều ẩn giấu).
Trong tiếng Hindi cũng vậy. Ví dụ Raviwar (Chủ nhật) có Ravi là Sun, hay Somwar có Som là Moon. (Tuesday= Mangalwar (mangal = Mars), Wednesday: Budhwar (Mercury), Thursday : Guruwar (Jupiter), Friday : Shukrawar (Venus), Saturday: Shaniwar (Saturn), Sunday: Raviwar (“Sun”), Monday: Somwar (Moon).)
*
Nhưng tại sao ở Việt Nam chúng ta gọi tên các ngày trong tuần là thứ hai, thứ ba, thứ tư…?
Đó là vì trong tiếng Bồ Đào Nha tên của ngày trong tuần là số thứ tự (ordinal number): thứ hai, thứ ba thứ tư … Các giáo sĩ Bồ Đào Nha đã mang tên gọi đó vào trong tiếng Việt. Ngôn ngữ “chợ phiên” của thương cảng Bồ Đào Nha đã đi vào ngôn ngữ của thương cảng Đàng Trong (Hội An) và ở lại với chúng ta đến ngày hôm nay. (Xem thêm Hội An, Kẻ Chàm, Nước Mặn)
Thứ hai: Segunda-feira (trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa đen là phiên chợ thứ hai: second fair).
Thứ ba: Terça-feira (nghĩa đen là phiên chợ thứ ba: third fair)
Thứ tư: Quarta-feira (ta có thể thấy chữ quarta quen thuộc, nó chính là phiên chợ thứ tư)
Thứ năm: Quinta-feira, Thứ sáu, Thư sáu: Sexta-feira, Thứ bảy: Sábado, và Chủ nhật: Domingo.
Tại sao Monday lại là phiên chợ thứ hai mà không phải thứ nhất. Đó là vì thứ nhất là ngày của Chúa, tức là Domingo. Từ này có gốc Latin là domini, nghĩa là God’s day. Trong tiếng Việt là Chúa Nhật (Chủ Nhật).Còn thứ bảy thì sao, thứ bảy tiếng Bồ Đào Nha là Sábado, vay từ tiếng Do Thái Sabbath.
Trong lịch Do Thái tuần bắt đầu từ ngày thứ Một và kết thúc bằng ngày thứ Bảy. Tên các ngày trong tuần là số thứ tự: Rishon ראשון, Sheni שני, Shlishi שלישי, Revi’i רביעי
Hamishi חמישי, Shishi שישי, Shabat שבת, có nghĩa là first, second, third, fourth, fifth, sixth, và Sabbath.
Chúa Kitô chết ngày thứ sáu và sống lại ba ngày sau, tức vào ngày Một. Dương lịch (lịch tây) do các nhà truyền giáo của Giáo hội Công giáo truyền vào nước ta nên còn được gọi là Công lịch, còn ngày Sunday được gọi là Chúa nhật (ngày của Thiên Chúa, đấng làm Chủ bầu trời, để tránh xung đột với Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn làm chủ mặt đất lúc bấy giờ). Sau này Chúa nhật bị chuyển hóa thành Chủ nhật.
*
(Lịch sử các con số rất thú vị. Bài viết này mới nói đến số 90, số 360, số 12 và số 7. Thế còn số 0, số i, số âm … ở đâu ra và ý nghĩa của chúng thế nào với loài người? Đặt gạch, từ từ viết tiếp.)

Blog 5 xu

EM KẾT NGHĨA…



Tết năm 1981, con gái tôi mới gần bốn tháng tuổi. Theo lời giới thiệu của chồng, tôi tìm gặp một kỹ thuật viên trung cấp nông nghiệp vừa làm việc vừa học tại chức (ở Trường Đại học Cần Thơ) và đã tốt nghiệp đại học… để viết bài báo Xuân cho tòa soạn. Hôm ấy là chủ nhật, em vẫn vào nông trại làm việc. Còn ông xã tôi phải tháp tùng để ẵm giúp con gái lúc tôi trò chuyện cùng em, và cũng để tôi có thể cho con bú mẹ đúng giờ…
Em là anh Hai trong một gia đình có chín anh em, gồm bảy cô em gái nằm khúc giữa… Cả chín - dù gái hay trai đều đẹp, mũi cao, thẳng, miệng cười có duyên. Khi em rời quê Ô Môn đi học tại Cần Thơ, ba má em đã cố gắng mua cho được miếng đất khá rộng trong con hẻm xeo xéo cổng Khu 2 trường đại học. Lúc tôi gặp gỡ em lần đầu để viết về em - một tấm gương phấn đấu vượt khó trong học tập và thành đạt - dường như căn nhà ấy còn lợp lá, vừa đủ cho em cùng các em mình (đang theo học ở Cần Thơ) náu nương nhau trên con đường đi tìm tri thức. Cạnh nhà có chiếc ao khá rộng hình chữ nhật. Tôi đã từng chứng kiến những ngày đầu em cật lực đào ao và cả lúc “sên” ao, mình mẩy lấm lem sình đất. Ngày ấy dáng vẻ em thư sinh, ốm yếu hơn so với sau khi có vợ cho tới bây giờ… Lúc ngắm em mím môi xắn từng leng đất hất nhịp nhàng lên bờ vườn, tôi như trông thấy được quyết tâm, sức mạnh và tương lai của các anh em. Với sự gương mẫu, tình thương yêu của cánh chim đầu đàn là em, các em của em đã tuần tự trưởng thành, học giỏi, hết lòng yêu thương, đùm bọc nhau, đồng thời chăm chút cho mảnh vườn cùng mái ấm gia đình!
Theo thời gian, em trở thành em kết nghĩa của chồng tôi. Ba má em cũng xem chúng tôi như con cái trong nhà. Có lần, bác Hai gái kể chuyện hồi mua bán đồ hàng bông ở chợ quê. Bà nói mê nhứt là bán Tết, hàng họ có bao nhiêu cũng bán sạch veo buổi chợ ngày cuối năm. Hồi mấy em mới đi Cần Thơ học, hằng tuần bác trai (lâu lâu thì bác gái) đều xuống thăm, chi viện đồ ăn đủ trong tuần cho mấy anh em. Lúc đầu tôi chưa biết bác gái nhiều vì bác bận buôn bán ở quê. Còn bác trai thì tôi thường gặp, vì chính bác đã cùng con trai đầu lòng làm “chủ xị” trong việc gây dựng, chăm sóc miếng vườn nhà… Sau, hai bác về ở hẳn tại Cần Thơ, căn nhà và miếng vườn cũng nhiều lần thay da đổi thịt và biến thiên theo quá trình qui hoạch đô thị. Chín anh em của em đều thành danh, nên người và hầu hết đều làm việc, đóng góp không ít công sức vào công cuộc phát triển của Cần Thơ, Hậu Giang - nhất là em…
Tốt nghiệp đại học xong em tiếp tục làm việc tại trường. Và, từ là một công nhân nông trại, em chuyển sang công tác bên vườn quả, rồi học lên, học lên nữa… cho tới khi có học vị tiến sĩ (mấy năm rồi). Tôi biết, muốn trở thành giảng viên đại học, chí ít cũng phải là thạc sĩ. Em không chỉ muốn mình đứng vững trên chính đôi chân của mình. Em còn phải làm gương cho các em mình noi theo và cùng đi theo cái đầu tàu anh Hai - mà theo nếp nhà, các em em vẫn còn xưng “con” với người anh khả kính của mình.
Tôi không muốn nhắc về em thông qua thành tích chuyên môn. Tôi chỉ nhớ về em bởi em là một người con hiếu thảo với mẹ cha; một người anh, người bác, người cậu tuyệt vời của “bầy” em, cháu của em. Riêng, với chúng tôi, em là đứa em kết nghĩa - gần bốn chục năm qua vẫn một lòng son sắt, thủy chung với người anh không ruột rà, huyết thống! Mỗi mùng 3 Tết, em thường đến nhà tôi với chút ít quà đậm đà tình nghĩa. Khi thì đôi chai rượu nhẹ. Lúc vài chục quít không hạt (nếu tôi nhớ không lầm thì đó là kết quả đề tài nghiên cứu khoa học của em - đã đi vào cuộc sống. Lỡ chị có nhớ sai thì chị xin “say sorry” với em nhe!)… Vấn đề không phải là quà. Quan trọng là khi tới em “đòi” ăn với gia đình, hoặc chí ít là với chồng tôi, một tí tôm khô củ kiệu hay ít thịt kho hột vịt kèm bánh tét nhưn mỡ đậu xanh… Cũng có động đũa mấy đâu. Ba ngày xuân, nhà ai cũng đầy tràn các món ăn quen thuộc ấy. Chỉ là để nhâm nhi với chồng tôi và nói cho ông ấy nghe bao thứ chuyện trên đời! Có khi còn trao đổi, “tham vấn” chuyện làm giàu - muốn giàu thêm bạc tiền hay giàu thêm tri thức - để lựa chọn hướng đi, khi cuộc sống vô tình đưa đẩy em chần chừ trước ngã ba đường…
Lúc bác trai còn sống, cả nhà tôi thường đến chơi với gia đình và thăm bà ngoại em, nhất là vào các dịp giỗ chạp, tết nhứt hay những khi gia đình có hỷ sự. Hai con tôi gọi ba má em là ông bà nội nuôi. Ngày tôi rời khu tập thể trường đại học về ở nhà riêng mới mua, ba và em đều tới mừng tân gia. Trước đó, khi nghe tôi báo tin đã mua và sắp dọn nhà em ngạc nhiên lắm và chạy ngay tới, hỏi xem giấy tờ nhà. Sau khi tận mắt trông thấy giấy tờ và nhà cửa còn nguyên xi, không bị chủ trước lừa, gỡ lấy đi bất cứ thứ gì… em thở đánh khì và cười cả miệng lẫn mắt, phán “Chị giỏi thiệt!”. “Có giỏi gì đâu em. Lù khù ông cù độ mạng…” tôi trả lời và kể em nghe “Anh của em phải mượn tiền của bạn của thầy gởi về cho chị mua nhà… Nếu lỡ bị lừa, chắc chết!” “Trường chuyển hộ cán bộ từ tập thể khu Hai về khu Một sao chị không về mà phải đi mua nhà ở ngoài?” “Em coi, một mình chị với hai đứa nhỏ trên một chiếc xe đạp, ngày bốn lượt đi về, trong khi khu Một cách cơ quan chị ba bốn cây số, chị biết phải làm sao! Vừa bất tiện đi lại đưa đón con đi học, đi nhà trẻ, vừa sợ tai nạn giao thông!”
Cảm động nhất là ba em cũng đến chúc mừng nhà mới (chỉ 40 mét vuông, trong một hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, cách cơ quan tôi và hai trường học của con chưa đầy hai cây số). Khi đó con trai tôi lên ba, còn chị nó mười ba... Những năm về sau này, khi con trai tôi học lớp chín, lớp mười mỗi khi có dịp đến chơi, ông hay nhắc các con tôi “Ông thấy má tụi con có tóc bạc, và cái lưng hơi còng hơn trước rồi đó. Những lúc ba con đi học vắng nhà tụi con phải nghe lời và quan tâm giúp đỡ mẹ nghe hông…” Từ ngày ông mất, nhất là từ ngày má em nhớ nhớ quên quên, bẵng mấy năm nay vợ chồng tôi ít khi đến thăm bà và các em! Song, mùng 3 Tết năm nào em cũng đến với vợ chồng tôi, trừ khi có chuyện quá đột xuất…
Hôm nay nhớ chuyện xưa, tôi muốn nói với em cùng gia đình em lời xin lỗi! Dù em và các em em chắc là không trách cứ chi đâu. Bằng chứng là mới gần đây thôi, khi em gái em cưới dâu, tôi bệnh và bận giữ cháu ngoại không đi được, em ấy cứ tiếc hoài, còn căn dặn chồng tôi “Chừng nào rảnh anh phải đưa chị tới nhà em chơi nhe. Em nhớ chị lắm!”
Chị xin cảm ơn em và những đứa em rất đáng yêu của em. Và, xin chúc má sống khỏe, vui, trường thọ cùng con cháu trong một đại gia đình hạnh phúc!

Nguyễn Thị Thanh Ngọc
* Tặng NBP và gia đình em!

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

NỬA ĐỜI VỀ SAU ....



Nửa đời về sau, hãy học cách cúi mình và trở nên bình thản.
Đến một độ tuổi nào đó, chúng ta cần phải nghĩ thoáng một chút, biết yêu bản thân mình nhiều hơn một chút, và quan trọng là hãy chăm sóc, nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp, một trái tim trầm tĩnh, rộng lượng. Đây sẽ là cách sống tốt nhất cho nửa quảng đường còn lại của cuộc đời.
Nửa đời về sau, hãy học được cách trầm tĩnh
Có đôi khi bị người khác hiểu lầm, đừng tranh luận, hãy lựa chọn giữ im lặng. Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện đúng sai khó có thể nói rõ ràng, thậm chí căn bản là không có hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Cho nên, nếu không muốn nói, thì đừng nói. Khi mà có nói nhiều cũng vô ích, có lẽ im lặng là lời giải thích tốt nhất.
Nửa đời về sau, hãy trở nên bình thản
Con người đến độ tuổi nào đó, tự nhiên không còn thích những gì ồn ào náo nhiệt, tâm thái bình thản giúp cho cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ.
Mặc kệ là đời sống vật chất dư dả hay bần cùng, chỉ cần nội tâm bình thản, chính là sống một cuộc đời hạnh phúc.
Nửa đời về sau, hãy học cách cúi mình
Bạn bất đồng ý kiến với với con cái, nói chuyện mâu thuẫn với bạn bè, những điều này cũng không sao cả. Nghĩ thoáng một chút, chấp nhận buông bỏ, cho dù là cúi người xuống nói lời xin lỗi thì có sao?
Lúc này bạn cũng có thể về lau nhà, lấy ra một đống giẻ lau, cúi người lau sạch sàn nhà trước mặt mình. Trong lúc lao động, bạn sẽ nhận ra tâm trạng và suy nghĩ của mình dần lắng xuống.
Nửa đời về sau, hãy đừng cảm thấy hối hận
Cuộc đời là một con đường dài với vô số ngã rẽ, và ta luôn phải lựa chọn không ngừng. Nhưng cuộc đời không có cơ hội nào lặp lại, lựa chọn rồi thì đừng hối hận, cũng đừng nói câu muốn làm lại từ đầu…
Mỗi lựa chọn đưa ra không có thực sự tốt hay thực sự tồi, chỉ cần biết cuộc sống là tác phẩm độc nhất vô nhị của chúng ta, thì sẽ không phải hối tiếc nếu ngày đó mình không làm như vậy.
Nửa đời về sau, hãy tiếp tục học tập
Đọc sách xem báo, thư pháp hội họa, ca hát khiêu vũ,… đều là một trong những thứ chúng ta nên tiếp tục học!
Mang theo bên mình một chiếc máy nghe nhạc, dù là buổi sáng ở nhà hay ra ngoài tập thể dục, luyện khí công vừa nghe nhạc vừa làm việc khác. Như vậy có thể đem đến cho cuộc sống rất nhiều niềm vui, khiến cho tâm tình khoan khoái dễ chịu.
Nửa đời về sau, hãy giữ gìn sự đơn thuần
Suy nghĩ quá nhiều, ngược lại càng làm cuộc sống thêm phức tạp, “đơn thuần” thật ra chính là một ân huệ mà trời cao ban cho chúng ta.
Sống đơn thuần ở hiện tại, đơn thuần cảm nhận mùi thơm của đồ ăn, đơn thuần nhận ra niềm vui của vận động, đơn thuần cùng bạn bè nói chuyện trên trời dưới đất. Đừng suy nghĩ quá nhiều, cuộc sống thật ra luôn cần những niềm vui đơn giản.
Nửa đời về sau, hãy thỉnh thoảng buông thả bản thân
Mỗi ngày ăn trái cây rau quả, thực phẩm lành mạnh, có phải là có lúc cũng thèm thịt cá? Vậy thì cứ ăn đi!
Thực phẩm lành mạnh có lợi cho cơ thể, nhưng thỉnh thoảng cũng nên buông thả bản thân một chút. Cuộc đời không nên gò ép bản thân mình quá, ngẫu nhiên phóng túng thì càng bình dị, gần gũi.
Nửa đời về sau, hãy luôn ăn mặc đẹp
Yêu cái đẹp nên là điều mà chúng ta theo đuổi cả đời, tuyệt đối đừng vì suy nghĩ mình lớn tuổi mà không muốn trưng diện nữa.
Hãy nhân lúc lưng còn thẳng, chân còn khỏe, hãy mặc thật nhiều bộ đồ xinh đẹp, đến những nơi đẹp đẽ nhất, chụp những tấm hình rực rỡ nhất!
Nửa đời về sau, đôi lúc hãy ngờ nghệch một chút
Có những chuyện, cần hờ hững thì hờ hững, điều gì không làm rõ được thì không cần làm rõ, người nào cần lướt qua thì cứ lướt qua.
Nếu như chỉ biết nhớ không biết quên, chỉ biết tính toán mà không biết cho qua, chỉ biết khôn khéo mà lại không biết vụng về… sẽ chỉ làm cuộc sống của chúng ta luôn nặng nề, phiền não.
Nửa đời về sau, hãy thường xuyên chúc phúc cho người khác
Chúng ta đối đãi với người khác thế nào, họ cũng sẽ đối đãi với ta như vậy. Cho nên, hãy thường xuyên khen ngợi bạn bè, con cháu của mình, thậm chí cả người xa lạ cũng đừng tiếc một lời chúc phúc!
Thời điểm bạn làm cho người khác vui vẻ, bạn sẽ nhận ra rằng mình còn được nhân đôi niềm vui. Sống ở hiện tại, tận hưởng cuộc sống ở hiện tại, đó chính là phương thức sống tốt đẹp nhất!

degiocuondi

HÃY TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC


Ngày nọ, một ông lão ăn mày quần áo rách tả tơi, đầu tóc bù xù, trên người bốc ra một mùi hôi khó chịu đứng trước một cửa tiệm bánh ngọt náo nhiệt. Những vị khách mua hàng đứng bên cạnh đều bịt mũi, nhíu mày, tỏ rõ thái độ ghét bỏ và khó chịu với ông ấy.
Nhân viên bán hàng quát to: “Đi ngay! Đi ngay đi!”
Người ăn mày lập cập lấy ra mấy đồng tiền lẻ bẩn thỉu và nói: “Tôi đến mua bánh ngọt! Loại nào là nhỏ nhất?”.
Ông lão chủ tiệm bánh ngọt đi đến, niềm nở lấy ra một chiếc bánh ngọt nhỏ và đẹp đẽ từ trong tủ kính đưa cho người ăn mày, rồi cúi người thật sâu xuống, nói: “Cảm ơn quý khách đã mua hàng! Hoan nghênh lần sau lại tới!”.
Người ăn mày vẻ mặt thất kinh rời khỏi cửa tiệm, dường như anh ta chưa từng được đối xử tôn trọng đến như vậy ở trong đời…
Cháu trai người chủ tiệm bánh thấy lạ liền hỏi: “Ông nội! Sao ông lại niềm nở với người ăn mày bẩn thỉu đó như vậy ạ?”.
Chủ tiệm bánh giải thích: “Mặc dù đó là một người ăn mày nhưng cũng là khách hàng. Ông ấy vì để ăn được bánh ngọt của chúng ta đã không tiếc tiêu những đồng tiền khó khăn lắm mới kiếm được. Thực sự là rất khó có được! Nếu ông không tự tay phục vụ ông ấy thì sao có thể xứng đáng với phần ưu ái của ông ấy giành cho chúng ta đây?”.
Cháu trai lại hỏi: “Đã vậy thì sao ông lại còn thu tiền của ông ấy ạ?”.
Người chủ tiệm bánh nói: “Ông ấy hôm nay đến đây là khách chứ không phải là đến ăn xin đâu cháu ạ! Đương nhiên, chúng ta phải tôn trọng ông ấy chứ! Nếu như ông không thu tiền của ông ấy, thì chẳng phải đã vũ nhục ông ấy rồi sao?
Nhất định phải nhớ kỹ, phải tôn trọng mỗi một khách hàng của chúng ta, cho dù đó là một người ăn mày. Bởi vì hết thảy những thứ chúng ta có đều là do khách hàng cấp cho”.
Cậu bé nghe xong có phần hiểu nên gật gật đầu.
Ông chủ tiệm bánh này chính là ông nội của nhà kinh doanh, tỷ phú Nhật Bản – Yoshiaki Tsutsumi. Tỷ phú Tsutsumi từng nói: “Năm đó, mỗi cử động của ông nội đối với người ăn mày đó đều khắc sâu vào trong tâm trí của tôi”. Về sau, Tsutsumi đã kể lại rất nhiều lần câu chuyện này cho nhân viên của mình nghe để họ học tập cách tôn trọng khách hàng.
Bạn tôn trọng người khác không phải vì họ là ưu tú, mà chính là thể hiện rằng bạn là người ưu tú.

Theo phunugiadinh




AI CÒN NHỚ ĐẾN TÔI KHÔNG?

TRANH NGUYỄN SƠN



GIÁ TRỊ CỦA BÓ RAU



Người phụ nữ hỏi thằng bé: “ bé bán mớ rau này giá bao nhiêu?”
Thằng bé trả lời: “3000₫ một bó, thưa bà.”
Người phụ nữ liền nói: “6 bó 12000₫, không bán tôi mua chỗ khác.”
Thằng bé nói: “ Bà Cứ mua với cái giá mà bà muốn. Có thể đây là khởi đầu tốt, bởi từ sáng tới giờ con vẫn chưa bán được bó nào.”
Người phụ nữ lấy những bó rau và rời đi, lòng thầm đắc thắng.
Bà ta ngồi trên chiếc ô tô ưa thích của mình, tới một nhà hàng sang trọng để dùng bữa với bạn bè. Ở đó, bà và người bạn gọi bất cứ món ăn nào họ thích.
Sau đó, bà ra quầy thanh toán. Hóa đơn trị giá 1.950.000₫ trả tới 2 triệu và còn dặn người chủ nhà hàng không cần thối lại.
Tình huống này xem ra khá quen thuộc với người chủ cửa hàng, nhưng thật quá nhẫn tâm với thằng bé nghèo khổ kia.
Vấn đề mấu chốt ở đây là: Tại sao chúng ta cứ phải tỏ ra quyền lực với những người nghèo khó? Và tại sao chúng ta luôn hào phóng với những người thậm chí không cần đến sự hào phóng của chúng ta?
Có lần tôi đọc được ở đâu đó một câu chuyện:
“Bố tôi có thói quen mua những thứ đồ nho nhỏ với giá cao từ những người nghèo khó, mặc dù ông không hề cần đến. Thỉnh thoảng ông thậm chí còn trả thêm tiền cho họ. Tôi bắt đầu để tâm đến hành động này và hỏi bố tại sao lại làm như vậy? Bố tôi bèn nói: “Đó là quỹ từ thiện được bao bọc bởi phẩm giá, con yêu ạ.”
Có thể bạn sẽ không chia sẻ thông điệp này, nhưng nếu bạn nghĩ rằng mọi người cần biết đến nó, vậy hãy lan tỏa nó.
Sưu tầm
Nguồn: Người Trẻ Teresa

LÒNG MẸ VÔ BỜ
(Coppy từ fb Nguyên Thọ)
Bài đọc cảm động tận đáy tim!

Không ai muốn đến gần, nhưng tình yêu của cô bị bịnh aids đã khiến tôi bật khóc!
Thông tin bệnh nhân AIDS chuẩn bị nhập viện sinh con đã khiến cả khoa sản náo loạn. Các y tá đồng thanh nói: “Ai sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp bị lây nhiễm?” Ngay cả một số bác sĩ cũng phản đối: “Nếu bệnh nhân khác bị lây nhiễm qua dụng cụ phẫu thuật và giường chiếu thì phải làm thế nào?”.
Sau một hồi tranh luận, cuối cùng bệnh nhân cũng được sắp xếp vào chiếc giường số 13, phòng cách ly đặc biệt của khoa sản. Khi trưởng khoa phân công trực ban, không ai muốn nhận vào trong đó. Cuối cùng chỉ còn lại tôi – một y tá vừa tốt nghiệp ba tháng, nơm nớp lo sợ bước vào căn phòng.
Vừa vào tới phòng, người mẹ sắp sinh mỉm cười với tôi. Tôi cứ nghĩ rằng những phụ nữ mắc loại bệnh này hẳn sẽ phấn son trang điểm lòe loẹt. Nhưng không phải vậy, cô cũng như những người phụ nữ bình thường khác, khuôn mặt hiền từ, mái tóc dài ngang vai, chân đi đôi giày búp bê…
“Cảm ơn cô!” Một giọng nói trong veo và nhẹ nhàng, cô là một phụ nữ bình thường nhưng lại mắc căn bệnh không hề bình thường chút nào.
Thì ra người mẹ trẻ tại giường số 13 này là một cô giáo trung học phổ thông. Một hôm trên đường từ trường về nhà, cô bị tai nạn xe hơi. Vì mất quá nhiều máu nên cô phải truyền máu gấp và không may bị nhiễm HIV. Đến tận khi cô đi khám thai, bác sĩ mới phát hiện cô đã mắc phải căn bệnh thế kỷ. Cuộc đời cô đã bước sang một ngã rẽ mới, ảm đạm và mờ mịt với kết cục buồn phía trước. Đáng thương nhất là đứa bé trong bụng, nguy cơ bị lây nhiễm cũng rất cao, xác suất không dưới 20% đến 40%. Người mẹ không còn hệ thống miễn dịch, vì thế các biến chứng trong quá trình sinh là vô cùng nguy hiểm.
Khi chồng cô đến đã khiến cho cả khoa một phen kinh ngạc. Chồng của một phụ nữ bị AIDS thì trông thế nào nhỉ? Khác xa với tưởng tượng của chúng tôi, chồng cô là một nhân viên văn phòng giỏi máy tính, đeo kính cận, cao ráo, lịch sự, và có phong thái rất đĩnh đạc.
“Anh à! anh đoán xem con chúng ta sẽ giống em hay giống anh hơn?” Tôi đang trải ga giường, nghe thấy những câu nói nhỏ nhẹ nỉ non của đôi vợ chồng trẻ thì sống mũi cay cay, nước mắt bắt đầu rơm rớm. Thì ra họ là một gia đình hạnh phúc. “Tất nhiên là giống anh rồi, nếu là con gái thì mới giống em chứ!” Cô vợ nghe vậy còn phụng phịu làm nũng ra điều không chịu. Khi tôi bước ra khỏi phòng bệnh, nước mắt tôi chảy dài, trái tim tôi chua xót vô cùng.
Hàng ngày cô ấy phải uống nhiều loại thuốc khác nhau để kiểm soát lượng virus HIV, hầu như ngày nào cũng phải lấy máu và truyền dịch. Hai cánh tay đầy đặn, nõn nà nay đã chi chít những vết kim tiêm. Tôi là y tá mới ra trường, vốn sống còn ít ỏi lại khá “nhát gan”. Nhất là những lúc lấy máu, tôi vẫn thường làm cô ấy đau đến chảy nước mắt, nhưng cô chưa bao giờ nổi cáu với tôi, chỉ âm thầm cắn răng chịu đựng, thỉnh thoảng còn mỉm cười nói ‘không sao’.
Chỉ vài ngày sau khi cô nhập viện, tôi dần dần rất thích cô ấy.
Tuy còn vài ngày nữa mới đến ngày sinh, nhưng cả khoa đã chuẩn bị sẵn sàng. Cô năm nay đã 31 tuổi lại mang trong mình căn bệnh AIDS, nên bệnh viện cả trên lẫn dưới đều trong trạng thái đề phòng cao độ.
Nhưng bản thân cô lại rất bình tĩnh, hàng ngày đều đọc sách và nghe nhạc, còn viết thư tình hoặc vẽ tranh tặng con yêu.
Một hôm tôi đánh bạo hỏi, tại sao cô lại sinh đứa bé ra, rằng cô có biết nguy cơ lây nhiễm là rất cao? Cô vừa mỉm cười vừa trả lời tôi: “Con tôi đã đến với tôi, đó là duyên nợ, hơn nữa tôi không có quyền cướp đi sinh mệnh của bất kì ai.” Tôi do dự, nhưng vẫn quyết đinh hỏi: “Nếu cháu bị nhiễm HIV thì sao?” Cô ấy im lặng một lúc, sau đó tiếp tục nói: “Nếu không thử thì con tôi sẽ không có cơ hội sống nào.” Tâm trạng tôi vừa buồn vừa xót xa, không khí trong căn phòng trở nên ngột ngạt.
Khi tôi chuẩn bị ra ngoài, cô đã nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, đôi mắt rưng rưng và nói:“Tôi muốn nhờ cô một việc, khi tôi sinh con dù có xảy ra chuyện gì, chồng tôi nhất định sẽ cứu lấy tôi. Nhưng tình trạng của tôi cô cũng biết rồi đó, vì thế nếu thực sự xảy ra chuyện xấu, xin hãy cứu lấy con tôi.” Tôi cảm động ôm cô và khóc, cô đúng là một người mẹ thực sự.
Dưới ánh đèn huỳnh quang nhạt màu, cô nằm yên lặng trên bàn mổ, thân dưới không ngừng chảy máu, nước ối vẩn đục đã ộc ra. Điều này có nghĩa là thai nhi đang lâm vào tình trạng nguy hiểm vì thiếu oxy. Thể chất của cô vô cùng đặc thù, không hề có phản ứng với thuốc tê, chỉ có thể chọn mổ sống để lấy thai nhi ra và chấp nhận hy sinh người mẹ. Hai là tiêm thuốc gây mê, nhưng đợi khi thuốc có tác dụng thì em bé trong bụng đã bị ngạt thở hoặc bị sốc vì liều gây mê quá cao, nhưng chỉ như vậy mới có hy vọng cứu được người mẹ. Cả hai trường hợp đều khiến bệnh viện và gia đình lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Cô nắm chặt tay tôi, đôi mắt nhìn tôi như van nài, giọng nói yếu ớt nhưng rất kiên quyết: “Cứu lấy con tôi, nhanh cứu lấy con tôi, không cần phải quan tâm đến tôi…!”Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cái nhìn tuyệt vọng đến vậy, trong một căn phòng cũng tuyệt vọng như thế. Một người phụ nữ không thể gây tê, cũng không thể gây mê khi mổ đẻ, bao nhiêu bác sĩ đứng đó đều bất lực.
Con dao phẫu thuật nhanh chóng được đưa xuống bụng dưới, lớp da, lớp mỡ, lớp cơ, niêm mạc rồi tử cung… Người mẹ co giật từng cơn, toàn thân giãy giụa, quằn quại, mắt trợn ngược, khuôn mặt biến dạng vì đau đớn, miệng cắn chặt chiếc khăn trắng và rên lên từng cơn xé lòng. Tôi không thể chịu nổi khi chứng kiến những giọt nước mắt của cô rơi xuống lã chã. Và tôi biết, đó không chỉ là đau đớn mà còn là tình yêu của người mẹ. Đến tận hôm nay tôi mới hiểu vì sao làm con phải hiếu thảo với cha mẹ. Bởi mỗi đứa con chào đời là biết bao nhiêu đau đớn, biết bao nhiêu nhọc nhằn, thậm chí là hy sinh cả tính mạng của mẹ.
Cuối cùng, thai nhi đỏ hỏn cũng được đưa ra và khóc lên tiếng khóc yếu ớt đầu đời. Người mẹ vừa ngất lịm đi, đột nhiên nghe thấy tiếng khóc của con nên cô cố gắng hé mở đôi mắt liếc nhìn về phía con yêu, nhưng rồi mí mắt sưng húp nặng trịch lại vội vã cụp lại. Tôi vội vàng tháo đai cố định ở chân và tay cho cô, vì gồng mình vật lộn với cơn đau, cổ tay cổ chân cô đều rớm máu. Hai mắt tôi đẫm lệ, trái tim tôi cũng như thắt lại…
Thật khó để tin rằng đây là một người mẹ AIDS, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng nhìn thấy con trai của mình. Đôi mắt cô nhắm lại và sẽ không bao giờ còn mở ra được nữa. Cô bị nhiễm trùng nặng và không thể cầm được máu nên đã mãi mãi ra đi.
May mắn là em bé âm tính với virus HIV. Tôi tin rằng ở trên cao kia, cô cũng đang mỉm cười mãn nguyện.
Khi làm vệ sinh phòng bệnh, tôi đã tìm thấy một lá thư dưới gối của cô, bên trong còn vẽ một bức tranh ông mặt trời, bên dưới mặt trời là một đôi tay nhỏ. Cô viết cho con trai rằng: “Con yêu, cuộc sống giống như mặt trời, hôm nay lặn xuống ngày mai nhất định sẽ lại lên.” Tôi không thể ngăn những giọt nước mắt, cuộc sống thật quá mong manh và cũng thật mạnh mẽ. Người mẹ nào mà chẳng thương con? Vậy cớ sao chúng ta lại phải phân biệt đối xử?
Cuối cùng tôi đã hiểu, cô cũng như những người mẹ bình thường khác, dũng cảm để giành lấy sự sống cho con.
Khi đứa bé được xuất viện, cháu nằm yên bình trong vòng tay cha. Ban đầu đứa trẻ khóc rất to, giống như biết mẹ nó sẽ không bao giờ còn quay về nữa. Nhưng nó chợt ngừng khóc khi tôi đặt bức thư lên ngực. Dường như trong lòng bé cũng đang mỉm cười khi nhận lấy cuộc sống vĩnh cửu này. Mai này lớn lên em sẽ biết rằng, mẹ của em là người mẹ vĩ đại nhất trên đời.

Nguồn: Hong Tran Fwd email (From: Tran Ho email).
Ảnh: Minh họa.

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

HAI BÀ NỘI…!





Từ khi hiểu chuyện, tôi biết mình có hai bà nội. Bà nội ở Sóc Trăng là người sinh ra bác Hai và ba tôi. Bà nội ở Phú Lộc thì sinh từ chú Tư A. cho tới chú Kh. (thứ tám, là út). Thỉnh thoảng ông nội lên Sóc Trăng. Có khi bà nội Phú Lộc cũng theo cùng ông, đi Sóc Trăng khám bệnh…
Nhà tôi nấu cơm tháng cho quý thầy cô Hoàng Diệu ở trọ tại nhà (hoặc trọ nơi khác, chỉ đến dùng cơm rồi về). Việc nấu nướng, chợ búa do má tôi đảm nhiệm. Ngày ngày, nội tôi “ngồi sòng” tứ sắc tại nhà. Ông nội tôi không thích điều này. Mỗi lần ông lên Sóc Trăng, gặp tại trận thì sòng bài phải dẹp ngay tức khắc. Nhiều lần như vậy, mấy bà rủ nhau đi “múa quạt” nơi khác. Trong đó có nhà của bà nội bạn H., học cùng khóa trường Hoàng Diệu với tôi. Những lúc ấy ông nội buộc má tôi phải đi tìm bà nội về liền (nói theo bây giờ là ngay và luôn), không “oỏng đơ” gì ráo…
Dù có hai vợ, nhưng trong gia đình ông nội tôi là số Một. Nhất là những khi ông nổi nóng hoặc tức giận lên, thì cả nhà ai cũng im thin thít. Khỏi nói, mỗi lần vậy, tôi đều leo lên giường, trùm mền kín mít. Cũng có khi bà tôi cãi lại ông, hoặc nói mát mẻ “Tui đã ly thân với ông từ khi ông rước bà nhỏ về mà. Lúc ấy, tui mới hơn ba mươi chớ mấy. Ông có vợ con riêng rồi thì phải để tui tìm niềm vui khác chớ. Tui đánh bài đâu phải bằng tiền của ông…” Có khi, nội nói “Tại con Vú thằng A. nó hiền, tui không nỡ nói động tới… Ông làm quá, thì ông bỏ tui luôn đi. Sao tui nói hoài mà ông hổng chịu? Ông nói số ông hai vợ, nếu tui bỏ ông thì cũng như không… Mà, tui nói, ông lên đây làm gì? Hai người giùm ơn đi…” Chú Tư A. do nội Phú Lộc sinh ra, nhưng nghe nói hồi nhỏ chú khôi ngô lắm, nên nội Sóc Trăng làm khai sinh nhận chú là con, và chú ở luôn tại Sóc Trăng, đi học…
Có lần, nội Phú Lộc lên khám bệnh, đang nằm trong buồng của một chị dưới quê lên trọ học, nghe nội Sóc Trăng tôi nói vậy thì lệ cứ lặng lẽ rơi dài, ánh mắt nhìn tôi vô cùng buồn bã mà miệng thì cố nở nụ cười!
Tôi thương quý cả hai bà nội. Mỗi dịp nghỉ hè về quê chơi, tôi tha hồ được nội Phú Lộc làm cho ăn món mà tôi thích nhất - khoai môn “ngào pà”. Còn nữa, ăn cơm với dưa muối chấm nước tương giằm tí ớt hiểm. Nội Phú Lộc muối dưa leo đèo, hoặc làm dưa cải “tùa xại” rất ngon. Đó là nguồn thu nhập của bà. Ngoài ra, bà còn nuôi giấm bán. Và nhận “luôn”, đơm nút áo dài, làm khuy các loại áo quần khác nữa… Tôi không thể nào quên hình ảnh bà ngồi khòm khòm, cắm cúi, miệt mài, tay thoăn thoắt vắt khuy, đơm nút… với chiếc kính lão trễ trên sống mũi. Phải nói, tôi chưa thấy ai làm khuy và đơm móc quần tây chắc và khéo, đẹp cho bằng nội Phú Lộc của tôi. Chiếc ghế bố (tấm vải bố có nẹp hai đầu để luồn hai khúc gỗ tròn đặc ruột, ngáng vào hai cái rãnh ở hai đầu ghế) là chỗ ngồi cố định của bà. Lúc hàng nhiều, bà còn làm vào buổi tối, bên cái đèn trứng vịt - lúc nhà không có điện! Khi tôi mười bốn mười lăm tuổi, có dịp ngồi phụ xếp những chiếc áo quần lúc bà đơm nút xong, bà hay nói với tôi “Nội mong mình sống cho được tới khi con và cô Bảy con có chồng…” Tôi cười cười “Nội phải chờ cho có cháu cố nữa chứ!” “Chắc hổng kịp đâu con!” Cô Bảy nhỏ hơn tôi hai tuổi, áp út. Còn cô Năm thì lớn hơn cô Bảy bốn tuổi. Chắc bà nội đinh ninh mình sẽ có đủ thời gian lo, tiễn cho cô con gái lớn theo chồng... Nên ao ước được nhìn ngày con gái nhỏ vu quy. Và, cả tôi nữa… Lúc ấy tôi nghe vậy chớ không để ý gì. Vậy đó rồi bà… “đi”, khi cô Bảy tôi mới lên tuổi mười lăm. Thì ra bà đã mắc bệnh lao phổi nặng!



Từ nhỏ, tôi ngủ chung với bà nội Sóc Trăng, cho đến ngày đi lấy chồng. Thường, dưới gối nằm hoặc dưới góc nệm bà hay để tiền. Nhưng tuyệt nhiên tôi không hề tò mò, đếm hoặc “nhón” lấy một đồng nào. (Thói quen này “đeo” tôi mãi đến nay, tôi không biết trong bóp của chồng có bao nhiêu tiền, hay hình ảnh, hoặc bất cứ vật gì trong đó…) Trong phòng ngủ có chiếc tủ quần áo bằng gỗ cao to, chứa đồ của hai bà cháu, và cái tủ sắt “bốn vú” khóa chữ. “Mật mã” là bốn chữ cái đầu tên tôi. Xâu chìa khóa tủ sắt cũng nằm dưới nệm. Khi cần lấy gì trong tủ sắt, nội kêu tôi mở khóa. Thời bao cấp khó khăn, nội tôi bán chiếc tủ sắt cho một cơ quan có nhu cầu. Chiếc tủ quần áo, và cái gạc-măng-giê - ngày tôi dọn vào ở nhà tập thể bên Khu 2 Trường Đại học Cần Thơ, nội nhứt định biểu tôi nhận, gọi là “chia của”. Trải bốn lần dọn nhà, cái tủ quần áo ấy hiện giờ tôi đã chuyển giao cho vợ chồng đứa con trai. Còn cái gạc-măng-giê, lúc nội còn sống, tôi đã xin phép bà cho tôi tặng một chị làm chung cơ quan, và bà tôi đồng ý!

Sau 30-4-1975, nội tôi nghỉ đánh bài và tự nấu ăn để trường chay. Lúc đó không có nhiều người ăn chay, và thực phẩm chay không phong phú như bây giờ. Bà tự nghĩ ra và nấu những món như: bắp chuối luộc bóp giấm, để rau răm, đậu phọng đâm nhuyễn - ngon không kém gỏi gà. Canh chua chuối xiêm chín nấu với nửa miếng tàu hũ, phần còn lại kho khô rắc tiêu… ơi, ngon thiệt là ngon. Nội Sóc Trăng trước thường xuyên “múa quạt”, song tôi nhớ rõ, mỗi dịp xuân về, chính tay bà làm từ A tới Z các món mứt: cà, mãng cầu, dừa… Một hai năm đầu sau đổi mới, bà còn làm mứt bưởi, mứt cà… cho con gái bảy tám tuổi của tôi bưng rổ đi bán dài theo xóm. Có một loại mứt nội tôi chuyên làm đãi khách, đó là mứt mận. Mứt mận không làm dẻo như mứt chùm ruột hay mứt cà, mà có nước để dùng chung với nước đá. Những ai từng ăn món này của nội, đều khen “Mứt mận còn ngon hơn trái vải đóng hộp. Bởi nó có vị chua chua chứ không ngọt “toàn phần” như trái vải…” Má tôi và tôi đều được bà dạy “bí kíp” làm các loại mứt, bánh, như bánh gan, bánh bò nướng sao cho có nhiều rễ tre; bánh thửng sao cho nở tai đều, to; bánh khoai mì, bánh đậu xanh, sao cho mịn, mềm, không quá ngọt, quá béo mà ăn đến quên thôi; vân vân… Nhưng nói thiệt, hiện giờ, tôi cũng khá “hư hỏng” rồi, bí kíp đã đánh rơi mà không chú tâm tìm lại - vì rất sợ các loại thức ăn ngọt!
Bà không chỉ dạy tôi một chữ “Công”. Các chữ còn lại, bà dạy tôi tất tần tật. Ví dụ, bà nói “Con gái không cần tô son đánh phấn, chỉ cần ăn mặc sạch sẽ, gọn gàng, kín đáo, không được mặc áo sát nách ra đường. Con gái chỉ nên nói thích, không nên nói sướng, khoái, đã…” Hồi chưa có chồng, biết tôi cũng có… hơn hai người để ý, bà thường nói “Là con gái, không để mình mắc nợ ai. Nhứt là, nợ tình khó trả…” Nhớ mấy tháng đầu về làm dâu, tôi ốm hẳn. Bà cô (em ông nội) tôi nói với nội, biểu má tôi qua xin má chồng cho tôi được về nhà ít lâu để tẩm bổ, sau đó sẽ quay lại nhà chồng. Nội tôi lắc đầu “Con gái, xuất giá tòng phu… Hơn nữa, mình cũng phải nghĩ cho mẹ chồng của nó…” Lúc chồng tôi đi học nước ngoài, những khi thấy tôi có vẻ buồn phiền, lo lắng, nội hay nói về “tình tấm mẵn”, về “gừng càng già càng cay”, hoặc “vợ chồng già càng thương nhau hơn”. Ba tôi vốn là tài xế, ngoài má tôi là vợ, ba còn “đèo bòng” có con rơi. Nội hay nhắc má tôi “Ớt nào là ớt chẳng cay. Nhưng… chồng giận thì vợ bớt lời…”. Nội dạy dâu mà cũng là dạy cháu. Tôi thấm lời bà, như giọt nước nhỏ đều vào tảng đá, tạo thành vết hõm sâu và mặt nước cứ từ từ dâng cao, lóng lánh ánh mặt trời…
Không thể kể hết những điều nội đã dạy tôi từ thời con gái, đến (và sau) khi có chồng. Bà nội tôi học ít, nhưng thuộc nhiều thơ ca, và thường vận dụng vào việc dạy dỗ con cháu. Nội hay đọc thơ Lục Vân Tiên, Truyện Kiều, có khi còn “Trống trường thành lung lay bóng nguyệt/ Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây…”, hoặc ca bài Dạ cổ hoài lang “Từ là từ phu tướng/ Bảo kiếm sắc phán lên đàng/ Vào ra luống trông tin chàng/ Năm canh mơ màng/ Ôi, gan vàng quặn đau í a…”
Đặc biệt nội tôi là người bản lĩnh. Có người kể, hồi ông nội tôi bị bắt về tội “tiếp tế Việt Minh”, bà tôi đã dám vào tận sân tòa đánh trống kêu oan, và “biện hộ” cho chồng. Chuyện là, khi ông nội tôi làm chủ hãng xe đò, đúng là có đóng góp cho cách mạng đánh Tây. Nhưng, cũng có khi xe đò của nội bị “đàng mình” đốt phá… Vì họ không cùng đường dây, nên người thì ghi nhận “công”, còn người khác thì “trị" tội... Nhưng, với lý lẽ và bằng chứng, nhân chứng rõ ràng do bà nội tôi đưa ra, ông nội tôi “thoát” tội!
Thú vị nhất với tôi là việc, có lần má nhận được và xé thư (qua bưu điện) của chàng trai nào đó gởi cho tôi, nội biết chuyện, rầy má “Là cha mẹ cũng không có quyền làm vậy. Thơ gởi ai người đó coi” Có lẽ nhờ vậy mà lần em trai tôi phát hiện trong bìa bao sách của một bạn nam (đồng môn Hoàng Diệu) gởi cho tôi như có gì cồm cộm, nó giật phắt và vừa chạy vừa la lên “Vú ơi, có người gởi thư cho chị Hai” Lúc ấy, má tôi nhìn sang nội, trả lời “Ai gởi cũng được, gởi chị Hai thì chị Hai đọc, làm gì mầy giựt rồi la làng lên vậy? Trả cho chị Hai đi... "

***
Gần ba chục năm rồi, sau ngày nội Sóc Trăng của tôi lên đường cỡi hạc, tôi vẫn không hiểu nổi: Sao mình có thể chạy xe tốc hành dưới trời nắng như đổ lửa, mà chỉ chín mươi phút thôi là đã về tới Sóc Trăng (vượt thời gian nửa tiếng so với bình thường). Hôm ấy, chồng tôi chở hai đứa con. Còn tôi chạy một mình, toàn bang ra giữa lộ. Nắng chói lóa. Mà trước mắt tôi như có lớp sương mù dày đặc buổi ban mai!

(15-7-2019)
NGUYỄN THỊ THANH NGỌC

Chàng trai Việt trở thành triệu phú nhờ món gỏi cuốn (Australia)

Từ món ăn yêu thích, Nguyen Bao Hoang đã sáng lập chuỗi cửa hàng đồ ăn Việt với doanh thu trên 40 triệu USD mỗi năm.
 

Để phát triển chuỗi nhà hàng ẩm thực Việt tại Australia, Bao Hoang phải làm việc 120 giờ mỗi tuần. Ảnh: Good Food. 
Nguyen Bao Hoang là một trong ba nhà sáng lập, kiêm CEO của chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh Rolld ở Australia. Hiện Rolld có mặt ở khắp các trung tâm thương mại và trở thành thương hiệu ẩm thực quen thuộc tại Australia.
Những năm đầu thập niên 1980, bố mẹ Bao Hoang rời Việt Nam sang định cư tại Australia. Sinh ra và lớn lên tại xứ sở chuột túi nhưng Bao Hoang luôn có mối liên kết sâu sắc với văn hóa Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực.
Sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý Trị liệu tại ĐH Melbourne, Bao Hoang làm nhượng quyền thương hiệu trong lĩnh vực sức khỏe khoảng 10 năm. Yêu thích ẩm thực Việt, Bao Hoang ấp ủ đam mê và mong muốn giới thiệu ẩm thực Việt đến bạn bè quốc tế.Từ nhỏ Bao Hoang luôn được thưởng thức các món ăn thuần Việt do mẹ và các dì chế biến. Những món ăn đơn giản như bánh mì, gỏi cuốn, phở luôn xuất hiện trong thực đơn hàng ngày của Bao Hoang và anh ăn không bao giờ biết ngán.


Năm 30 tuổi, Bao Hoang bỏ công việc ổn định, mức thu nhập tốt để khởi nghiệp nhà hàng ẩm thực Việt. “Tôi đã nói chuyện với anh họ về ý tưởng kinh doanh chuỗi thức ăn đường phố mang hương vị Việt và anh ấy rất thích. Vậy là chúng tôi lên kế hoạch mở nhà hàng Rolld đầu tiên”, Bao Hoang chia sẻ.
Năm 2012, Bao Hoang cùng anh họ Tin Ly và người bạn học cấp một, Ray Esquieres, góp số vốn 180.000 AUD mua lại quán cà phê Italy ở thành phố Melbourne để khởi nghiệp. Tháng 5/2012, nhà hàng chuyên kinh doanh thức ăn nhanh hương vị ẩm thực Việt ra đời có tên Rolld.


Ba đồng sáng lập của Rolld (từ trái sang): Nguyen Bao Hoang, Tin Ly và Ray Esquieres. Ảnh: FB Rolld.

Chỉ 6 tháng sau, Bao Hoang đã mở thêm được nhà hàng thứ hai. Không có kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực nhưng bằng đam mê và hương vị Việt độc đáo, nhà hàng của Bao Hoang đã chinh phục được những thực khách khó tính nhất.
 Ban đầu, Bao Hoang mục tiêu hướng tới khách hàng là nhân viên văn phòng của các công ty xung quanh có nhu cầu ăn trưa nhanh gọn và tốt cho sức khoẻ. Xây dựng phong cách giản dị, thiết kế đơn giản, các món ăn có lợi cho sức khỏe, Rolld dần thu hút nhiều người tìm đến và trở thành khách hàng thân thiết. Thương hiệu ẩm thực Rolld dần trở nên quen thuộc với người Australia.
Toạ lạc tại khu văn phòng nhộn nhịp, Rolld là nhà hàng đặc trưng với các món ăn quen thuộc của người Việt như: gỏi cuốn, bánh mì, phở, cơm tấm… Ngay ngày đầu khai trương, Rolld phục vụ hơn 150 thực khách và mới 13h30, nhà hàng đã hết sạch đồ ăn. Chỉ vài tuần sau, số lượng khách hàng đến với Rolld tăng lên 1.000 khách mỗi ngày.
Theo Bao Hoang, công thức tạo nên thành công của Rolld là mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình. Người tạo ra công thức món ăn là mẹ và dì, bố quản lý việc giao hàng, vợ anh làm giám đốc thương hiệu, trong khi anh trai và chị gái giúp quản lý cửa hàng.

 

Nhà hàng Rolld hiện bán nhiều loại gỏi cuốn khác nhau được chế biến từ rau củ, thịt, hải sản. Ảnh: FB Rolld.
Hiện nay, chuỗi nhà hàng Rolld có hơn 700 nhân viên, mỗi năm bán ra khoảng 6 triệu chiếc nem cuốn, chiếm 50% doanh thu của chuỗi cửa hàng. Ngoài ra, các món ăn Việt khác như bánh mì, phở, bún bò Huế cũng được thực khách yêu thích.Rolld nhanh chóng trở nên nổi tiếng và Bao Hoang dần mở rộng chuỗi 66 nhà hàng tại các thành phố lớn của Australia. Những năm qua Rolld liên tiếp đạt mức tăng trưởng khoảng 800%doanh thu mỗi năm đạt 40 triệu AUD (gần 30 triệu USD).
Mở rộng chuỗi cửa hàng nhanh chóng với số vốn nhỏ là thách thức lớn đối với Bao Hoang. Bao Hoang lựa chọn nhượng quyền thương hiệu Rolld để mở rộng và tìm kiếm thêm nhà đầu tư. Đến nay, 70% chi nhánh của Rolld do Bao Hoang và hai người đồng sáng lập sở hữu, số còn lại là chi nhánh nhượng quyền.
“Để gây dựng một thương hiệu ẩm thực tại Australia là điều không đơn giản. Vì vậy, khi khởi nghiệp chúng tôi phải phát triển thương hiệu thật mạnh để đảm đảm đứa con tinh thần không bị chết yểu”, ông chủ người Việt chia sẻ.
Mục tiêu của Bao Hoang đến cuối năm 2018 là Rolld có 100 nhà hàng chi nhánh. Đồng thời, anh cũng lên kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, cụ thể là Philippines và Mỹ.

Theo Ngôi Sao

Hồi ức về xe đò xưa – Vì sao người miền Nam gọi là “xe đò”, “lơ xe”?



 Theo nhà văn Sơn Nam, đồng bằng Nam bộ sông nước chằng chịt, ngày xưa phương tiện đi lại chủ yếu bằng đò ghe, cho đến thập niên ba mươi, người Pháp thành lập vài hãng xe chở khách đi miền Tây. Thời ấy đường bộ chưa phát triển, xe đến bến khách phải chuyển tiếp bằng đò ghe nên người ta gọi là xe đò cho tiện.
Người miền Bắc gọi xe đò là xe khách hoặc xe ca, còn người Trung lại gọi xe đò giống như người Nam. Một số người giải thích vì hầu hết các chủ nhà xe đi miền Trung là người Sài Gòn nên “xe đò” trở thành phương ngữ chung cho tiện. Nhà văn Sơn Nam nhắc tới kỷ niệm thời học sinh trung học từng đi xe đò từ Rạch Giá về Cần Thơ mà ông có nhắc lại trong tập “Hồi ký Sơn Nam”:
“…Tiền xe từ Rạch Giá đến Cần Thơ là một đồng hai (120km) nhưng nhỏ tuổi như tôi chỉ tốn có 6 cắc. Tôi lên xe ngồi để người phụ xế sắp đặt chỗ ngồi cho gọn, khép nép, chung quanh xe là nhiều người rao hàng để hành khách ăn buổi sáng vì buổi trưa mới đến bến Cần Thơ. Tôi còn nhỏ, ba tôi cho riêng tôi 2 cắc, rất tủi thân vì trong khi ấy gia đình khá giả dám trả 1 đồng hai (hai chỗ dành cho trẻ con rộng rãi hơn) lại dành cho con một cái bánh bao to để ăn dọc đường. Xe khách bóp kèn inh ỏi, chạy vòng quanh để tìm kiếm khách…”
Thời kỳ đầu xe đò do người Pháp làm chủ toàn là loại xe nhỏ chở khách chừng hơn hai mươi người. Nhưng chỉ một thập niên sau, người Việt giàu có tham gia mở công ty lập hãng, nhập cảng máy, khung gầm từ châu Âu châu Mỹ, đóng thùng thành xe đò loại lớn chở hơn năm chục hành khách, cạnh tranh ác liệt trong giai đoạn đường bộ được mở rộng và phát triển ở các tỉnh miền Tây và Ðông Nam Bộ.
Giao thông kết nối khắp nơi, nhu cầu đi lại của người dân càng nhiều, tạo thành thời vàng son của xe đò. Chiến tranh Ðông Dương nổ ra, Nhật vào chiếm miền Nam, xăng dầu khan hiếm, bị giám sát chặt chẽ, ngành xe đò suy giảm, một số hãng xe hoạt động cầm chừng và phải thay đổi nhiên liệu cho xe hoạt động.
Ông Sơn Nam kể: “Xe ô tô chở khách phải dùng “ga”, hiểu là than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe phía sau. Trước khi cho xe nổ máy thì quạt cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt, gây sức ép cho máy xe chạy, gọi “Autogène”, theo mô hình của Kỹ sư Thịnh Hưng Ngẫu chế tạo ở Sài Gòn”.
Hình ảnh chiếc xe đò nhỏ chạy bằng than đốt trong cái thùng phía sau xe được lặp lại từ năm 1975 đến 1985 – thời kỳ khan hiếm nhiên liệu, chắc người Sài Gòn tuổi trung niên trở lên đều biết rõ. Mỗi lần chui vào cửa xe phía sau là đều phải cẩn thận với cái thùng than cháy nóng được treo dính ở đuôi xe. Thường thì người ta chỉ cải tiến xe đò lỡ – tức là loại xe Renault cũ xì từ giữa thập niên 50.
Tuy giới lái xe gọi đó là xe đò hỏa tiễn nhưng nó chạy chậm hơn xe chạy xăng hoặc dầu. Có lúc xe chạy ì à ì ạch khi than cháy không hết, lơ xe phải dùng thanh sắt mở lò đốt cời than. Hoặc thỉnh thoảng gặp đường vồng xóc, than văng ra khỏi cửa thông không khí, rớt xuống đường cháy đỏ rực. Vô phúc cho chiếc xe đạp nào chạy phía sau tránh không kịp, cán phải cháy lốp xe.
Xe đò hỏa tiễn chạy những đường ngắn như Sài Gòn – Long Khánh, Chợ Lớn – Cần Giuộc – Gò Công, Sài Gòn – Long An, còn xe đò dài vẫn chạy bằng xăng dầu, nhưng không còn nhiều như trước.
Trên mui phía đầu xe thường có thùng phuy nước dùng để làm nguội máy, kế tiếp là nơi chở hàng hóa, xe gắn máy, xe đạp cho khách buôn chuyến và khách đi tỉnh xa.
Tôi còn nhớ mãi lần đầu được đi xe lô về quê bên ngoại ở Càn Long, Trà Vinh. Năm đó tôi chín tuổi, đi cùng với người anh bà con. Xe lô có bãi xe ở Bến Bạch Ðằng và Bến Chương Dương. Bãi xe lô hay nhiều bãi bến xe đò khác khắp nơi trong thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn đều nằm hai dãy dọc theo đường phố. Phòng vé là một cái quầy hay cái bàn gắn tấm biển to đề tên từng hãng xe, chạy lộ trình nào. Riêng xe lô không cần bán vé, khách đến bãi xe còn chỗ trống cứ lên, đủ người thì bác tài chạy. Loại xe này gọi đúng tên là “Location”, sơn màu đen, kiểu xe ô tô chở chừng bảy tám người nhưng bác tài cố nhét thêm hành khách.
Xe lô chạy nhanh hơn xe đò vì không bắt khách dọc đường, không lên xuống hàng hóa cồng kềnh, lại có khi qua cầu tạm không cần bắt hành khách xuống cuốc bộ. Ðể gió lùa vào cho hỉ hả đám hành khách ngồi chật cứng như nêm, lại thêm giỏ xách túi bị, va li lỉnh kỉnh, bác tài mở cửa sau bung lên cột chặt lại, người ngồi phía sau ngó ra phố phường. Xe chạy ra khỏi Phú Lâm, nhìn cảnh đồng lúa xanh tươi hai bên đường, lòng cảm thấy phơi phới mặc dầu lâu lâu tôi phải nhấc mông trở cẳng vì bị ngồi bó gối.
Nói là đi xe lô thì hành khách không cần xuống bộ qua cầu tạm, chứ lần đó tôi vẫn phải xuống cuốc bộ như bao chuyến xe đò khác. Tôi mới ca cẩm, xe lô cái nỗi gì, có mà “lô ca chân” theo lời hát của một tuồng cải lương trên truyền hình. Sau năm 1968, cuộc chiến ngày càng ác liệt, cầu đường nhiều nơi bị đánh phá, có nơi phải dựng cầu tạm, đầu cầu có đặt trạm kiểm soát của quân cảnh hay cảnh sát.
Ðường về Trà Vinh chỉ hơn 160 cây số mà qua mấy chục cây cầu, lại phải chờ phà Mỹ Thuận. Ði xe lô cho được nhanh mà về đến nơi phải mất năm sáu tiếng đồng hồ, huống hồ chi hành khách đi miệt Hậu Giang, Cà Mau xuống ở bến xe còn phải đón đò về nhà ở vùng U Minh, Miệt Thứ mất cả ngày đường. Chỉ có xe thư tức là xe đò làm nhiệm vụ giao nhận thư từ bưu phẩm chuyển cho bưu điện tỉnh mới được ưu tiên, không phải lụy phà hay bị cảnh sát xét hỏi.
Bây giờ xe đò tiến bộ hơn nhiều, xe có máy lạnh, ghế nằm thoải mái cho khách đường xa, duy chỉ không có phòng vệ sinh trong xe, lại còn tặng thêm nước uống, khăn ướt lau mặt. Xe chạy nhanh nhờ có cầu qua hai con sông Tiền và sông Hậu, tôi ngồi xe Mai Linh chạy một lèo về tới chợ Cà Mau chỉ mất sáu tiếng đồng hồ. Nếu không kể đến loại xe dù bắt khách dọc đường, thì xe đò là phương tiện đi đường xa tương đối rẻ tiền.
Trước năm 1975, Xa cảng miền Tây là bến tập trung các xe đò về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh đó lại có bến xe Chợ Lớn đi về Cần Giuộc, Gò Công, Lý Nhơn, về sau bến xe này gộp lại với Xa cảng miền Tây mở rộng thành Bến xe miền Tây nằm trên đường Kinh Dương Vương quận Bình Tân.
Còn bến Miền Ðông dành cho xe đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc trên đường Petrus Ký trước kia thì gộp lại với hai bến xe nhỏ là Nguyễn Cư Trinh đi lộ trình cao nguyên và Nguyễn Thái Học đi Long Hải – Vũng Tàu – Phan Thiết, rồi sau đó vài năm chuyển về bến xe Văn Thánh, và cuối cùng yên vị tại Bến xe miền Ðông trên đường Ðinh Bộ Lĩnh hiện nay.
Nhưng nghe đâu hai bến xe này sẽ phải dời ra xã Tân Túc huyện Bình Chánh và Suối Tiên Q. 9 để có diện tích rộng hơn, đáp ứng được cho nhu cầu ngày càng tăng. Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến Bến xe An Sương, bến này đúng ra có xe đi Tây Ninh – Bình Phước – Bù Ðăn – Bù Ðốp, vùng Tây Trường Sơn, nhưng cũng có xe đi vài tỉnh thành của cả ba miền, do hai bến xe miền Ðông và miền Tây nhỏ hẹp.
Ai cũng có kỷ niệm lần đầu đi xe đò. Mỗi chuyến xe chuyên chở nỗi niềm hoài niệm. Có người nhớ chuyện tiền vé như nhà văn Sơn Nam. Có người lòng phơi phới nhìn thấy phong cảnh đồng lúa xanh tươi chạy dài bên quốc lộ như tôi. Cũng có người nhớ mùi mồ hôi, mùi xăng dầu giữa nắng gió miền Trung. Nhớ bến bãi ồn ào í ới ngày xưa. Và cũng có người tuổi đời chồng chất, nhớ cảnh xuống xe qua cầu xe lửa Bến Lức, Tân An thuở xa lắc xa lơ.
Tại sao gọi là ”Lơ” xe đò?
Đầu thế kỷ 20, Saigon chỉ mới nhập một vài chiếc xe ô tô sử dụng cho ngành bưu chính để chuyên chở thư từ và bưu phẩm đi các tỉnh lân cận: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Tân An do người Pháp lãnh thầu. Tới năm 1908 tại Sài Gòn đã có khoảng 30 xe đò kiểu còn thô sơ, để chở khách tuyến Lục tỉnh. Thường một chiếc xe có 1 phụ xế lo soát vé, bốc vác hành lý cho hành khách. Chữ ”Lơ” xe đò là từ tiếng Pháp: Contrôleur, có nghĩa là người soát vé mà ra.
Nguồn: Yên Huỳnh


CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.