.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2022

Phùng Há – Trăm năm nhìn lại

                                                  Bà Phùng Há lúc trẻ (file photo)
 

Ông Trương Nhân Trưởng, người làng Phú Lạng, huyện Hạc Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Những năm cuối thế kỷ XIX, ông đi làm thuê cho một vựa trái cây ở Quảng Tây, một buổi tối, ông nghịch ngợm lấy viên pháo nhét vào bím tóc của một người bạn rồi châm tàn thuốc lên ngòi pháo, pháo nổ, bím tóc bay mất. Chuyện chỉ có vậy, nhưng ông bị nhà chức trách truy nã về tội mưu sát, phải rời bỏ nhà cửa, vợ con và tổ quốc để làm kẻ lưu vong sang Việt Nam. Đến Mỹ Tho, ông làm nghề mua bán thịt bò. Tại đây, ông kết hôn với bà Lê Thị Mai, một thôn nữ đẹp người đẹp nết ở làng Điều Hòa và sinh được bảy người con, bốn trai ba gái.

Câu chuyện về ông sẽ không được ai biết đến, sẽ không có gì để kể thêm. Nhưng chính cái ngã rẽ vô tình của cuộc đời ông lại là cội nguồn của nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há. Khác với những người Hoa khác, con cái của ông Trưởng lớn lên đều được ông đưa về cho bà vợ lớn ở cố hương để học ngôn ngữ và lễ nghi Trung Quốc, sau đó muốn ở lại hay trở qua Việt Nam thì tùy theo điều kiện và ý thích của mỗi người.

Năm 1915, ông Trưởng qua đời trong khi đang trở thành một người giàu có ở Mỹ Tho: Một lò gạch, một xưởng cưa và một trang trại nuôi bò. Cô Bảy Phùng Há lúc bấy giờ mới lên năm tuổi. Ông Trương Tích Kỳ, con trai đầu của ông Trưởng cùng với chú ruột là Trương Nhân Bá đã lập mưu chiếm đoạt cơ ngơi bằng cách giao cho bà Mai cùng với cô Bảy và người em út là Trương Nguyệt Hảo mang bộ hài cốt hỏa táng của ông Trưởng về Hạc Sơn an táng và ở lại bên ấy để thọ tang.

Bà Phùng Há trong một vở diễn (file photo)

Năm ấy, ở Quảng Đông xảy ra trận dịch đậu mùa, hàng ngàn người thiệt mạng, trong đó có Trương Nguyệt Hảo. Cô Bảy thoát chết nhưng mang trên gương mặt trẻ thơ lốm đốm vết rỗ hoa mè. Sống trong cảnh làm thiếp mà không chồng, bà Mai không chịu nổi những tập tục, lễ nghi phong kiến hà khắc của gia đình Tàu mà mọi quyền hành nằm trong tay bà chánh thất, bà Mai khóc thầm trong đau khổ, muốn trốn về quê mà túi lại không tiền.

Hiểu được cảnh ấy, người con gái thứ tư của bà là Trương Liên Hảo, đang làm dâu một nhà hào phú ở Hạc Sơn, đã lén chồng bán của hồi môn để mua vé tàu cho mẹ và em về nước. Trên chuyến tàu Tây hôm ấy, mấy bà đầm phát hiện Cô Bảy Phùng Há mắc bệnh đậu mùa, họ la chóe lên, hành khách xôn xao, thủy thủ đoàn kéo cô quăng xuống biển, mẹ cô lạy lục van xin, những hành khách người Việt và người Hoa đứng ra ngăn cản. Cuối cùng họ đồng ý cho cô đi nhưng hai mẹ con cô phải cách ly, ngồi vào một góc xa phía sau hầm máy.

Về đến Mỹ Tho, bà Mai mới tá hỏa ra rằng mình không còn quyền hành gì trong ngôi nhà cũ, vì tất cả cơ nghiệp của ông Trưởng đã thuộc về người em chồng và đứa con trai. Sống trong nhà mình mà con trai và con dâu luôn nặng lời chửi em mắng mẹ. Một hôm, Trương Tích Kỳ ném cho bà Mai hai chiếc vé tàu và mấy đồng lộ phí buộc bà và Cô Bảy Phùng Há trở về Hạc Sơn. Bà Mai tức tưởi, nghẹn ngào dắt con gái về làng cũ Điều Hòa, tá túc trong căn chòi xơ xác của người mẹ mù lòa. Bà bị suy sụp rồi lâm bệnh.

Bà Phùng Há và Bạch Công Tử (file photo)

Cô Bảy Phùng Há – cô bé Trương Phụng Hảo lúc ấy – đành phải chạy ra tìm anh Hai để xin tiền lo thuốc thang, ăn uống cho mẹ và ngoại. Trong cơn say sượu và thuốc phiện, ông Kỳ đã không cho tiền mà còn nặng lời trách mắng vì đã không về Hạc Sơn theo ý muốn của ông. Cô chạy sang nhà của cha mình mà bây giờ đã thuộc về tay người chú ruột để khóc than, ông Nhân ném cho một đồng rưỡi, ông hứa mỗi tháng sẽ cấp cho mẹ con cô từ một đồng rưỡi đến hai đồng.

Bà ngoại qua đời, hai mẹ con cô tiếp tục sống trong căn chòi hiu quạnh, xác xơ, bữa rau bữa cháo. Dù trong cảnh nghèo đói, khổ đau, nhưng bà Mai vẫn vắt kiệt sức mình trong một tiệm thêu để cho con gái được đến trường. Một người bạn cũ của ông Trưởng đã giúp Cô Bảy được vào học miễn phí ở trường Ecole Jeunes Filles – một trường tiểu học của Pháp tại Mỹ Tho. Và tại nơi đây, Cô Bảy Phùng Há đã bắt đầu nổi tiếng về năng khiếu ca hát của mình. Nhưng cũng chính vì cái năng khiếu ấy mà cô đã bị đuổi ra khỏi trường khi chưa học xong chương trình tiểu học.

Hôm ấy, bà Đốc học La Fuste đi vắng, bà Giáo Kỳ vốn mê giọng hát của Trương Phụng Hảo nên tổ chức cho cô hát trong giờ học của bà. Phòng học nằm cạnh ven đường nên khi cô hát, người qua đường cũng đứng lại xem, rồi những tràng pháo tay vang lên. Bất ngờ, ông Chánh thanh tra Ty giáo huấn ghé qua, ông buộc tội học trò Trương Phụng Hảo làm mất trật tự học đường. Bị đuổi học, Cô Bảy Phùng Há chợt nhớ lời một nữ tu hồi cô còn học bên trường Giồng: “Con hát hay lắm, nhưng chính giọng hát của con sau nầy sẽ làm khổ đời con”.

Bà Phùng Há (ngồi) trong một vở diễn (file photo)

Thật ra, lúc ấy nếu cô không bị đuổi học thì cũng không còn điều kiện nào để học. Mẹ cô vì lao lực lẫn lao tâm mà kiệt sức, nay ốm mai đau. Để có từng bữa ăn cho hai mẹ con, Cô Bảy phải lặn hụp dưới từng con rạch, dòng sông để kiếm từng con cá bống, con tép, con cua, đi móc từng trái dừa thuê cho các chủ vườn để mua cho mẹ từng thang thuốc bắc.

Một hôm, có bà láng giềng tốt bụng đã giới thiệu cô vào làm công cho lò gạch của ông Bang Hoạch. Cứ in một trăm viên gạch, cô được trả ba xu. Với sức vóc của cô bé lên mười, mỗi ngày cô kiếm chưa được mười xu, nghĩa là chưa đầy một cắc bạc. Nghĩ mình từng là con của ông chủ lò gạch, bỗng dưng lại trắng tay, giờ phải ngồi in từng viên gạch, chắt mót từng đồng xu ở một lò gạch khác, lòng cô cứ ngậm ngùi, buồn chán cho thân phận, cô vừa làm vừa nghêu ngao hát như một sự giải bày. Nhưng mỗi lần cô hát thì cả nhóm thợ lắng nghe. Tiếng hát của cô đã gieo vào lòng người một niềm cảm xúc đến nao lòng. Mấy chị bảo: “Từ nay em không phải làm nữa, cứ vào đây ngồi hát cho mấy chị nghe, mấy chị sẽ làm thay phần việc cho em”.

Như vậy là, tiếng hát của cô đã nuôi sống mẹ con cô từ năm mười một, mười hai tuổi, để rồi từ nơi ấy, từ cái lò gạch ấy, tiếng hát của cô mỗi ngày cứ vang lên, bay cao và bay xa hơn, khắp mọi miền Tổ quốc, vượt cả không gian và cả thời gian để trở thành cây đại thụ của nền nghệ thuật sân khấu nước nhà.

***

Có những lúc cô đang hát say sưa thì bất chợt nhìn thấy một người đàn ông đứng trước cửa lò gạch nhìn vào, say sưa nghe cô hát. Rồi cũng bất chợt một buổi chiều khi đi làm về thì thấy người đàn ông ấy đã có mặt trong nhà cô. Mẹ cô cho biết đó là ông Hai Cu, chủ tiệm vàng kiêm bầu gánh Tái Đồng Ban ở Mỹ Tho. Gánh Tái Đồng Ban đang gặp sự cố, con trai ông, kép hát Hai Gỏi vừa mới qua đời, người tình của anh là Cô Năm Phỉ, đào chánh, đã buồn bã ra đi.

Trong khi ông đi tìm đào thay cho Năm Phỉ thì có người nói với ông rằng “Trong lò gạch của ông Bang Hoạch có con bé xẩm lai hát còn mùi hơn cô Năm Phỉ”. Ông không tin nhưng vẫn tìm đến để cầu may. Nhưng ngay từ hôm đầu tiên đứng ngoài cửa sổ lò gạch trộm nhìn nghe cô hát, ông đã bị hốt hồn. Một lần, hai lần, rồi ba lần…, cứ đứng lặng người nhìn cô say sưa hát, tiếng hát thanh cao, khi trầm khi bổng, khi quặn thắt lòng người, đôi mắt cứ lững lờ, rười rượi nỗi sầu tư, chơi vơi trong cõi hư vô khiến cho ông Hai như muốn thốt lên rằng, con ơi, con không chỉ là một thiên thần bé bỏng mà là dấu hiệu của một tài năng.

Bà Mai không bằng lòng cho con mình đi theo Tái Đồng Ban bởi hai lẽ: Thứ nhất, Cô Bảy chỉ mới mười ba tuổi; thứ hai, mới mười ba tuổi mà đã dấn thân vào con đường “xướng ca vô loài” thì ắt phải hổ danh trong cái nhìn phong kiến lúc bấy giờ. Nhưng Cô Bảy thì cương quyết: “Con không chịu nổi cái lò gạch, con phải đi hát để có tiền nuôi mẹ, ai cười chê mặc kệ, họ cười chê chớ họ có giúp mình đâu khi mẹ đói, mẹ đau”.

Ông Hai ra giá tám cắc bạc cho mỗi đêm hát, ngày nuôi hai bữa cơm. Cô Bảy nghe mà mừng trong bụng khi nghĩ đến cái thực tại ngồi ép gạch suốt ngày chưa được một cắc, cơm thì bữa đói bữa no, mẹ ốm đau không đủ tiền mua thuốc, nợ nần chồng chất không biết trả đến kiếp nào. Cô nói với ông Hai: “Con đồng ý nhưng xin ông hai điều kiện: Thứ nhất ông cho mẹ con theo gánh hát để con chăm sóc; thứ hai, ông cho con mượn trước năm mươi đồng để mẹ con trả nợ”.

Từ cái ngả rẽ bất ngờ của buổi chiều hôm ấy, Cô Bảy Phùng Há trở thành đào chánh của Tái Đồng Ban thay cho Cô Năm Phỉ và nổi danh với nhân vật Thúy Kiều. Năm ấy, năm 1924, cô mới tròn mười ba tuổi. Từ một quyết định giản đơn: “Đi hát để kiếm tiền nuôi mẹ”, Cô Bảy Phùng Há đã trở thành ngôi sao sáng rực của bầu trời sân khấu cải lương, và, cũng chính cô là người đã góp sức, góp công, góp cả lòng tâm huyết để nâng niu, nuôi dưỡng nền nghệ thuật nầy từ buổi sơ khai cho đến lúc trưởng thành, đứng trên đỉnh vinh quang.

Hơn nửa thế kỷ đắm mình với ánh đèn sân khâu, làm rạng rỡ tên tuổi của hàng chục đoàn hát, từ Tái Đồng ban đến Trần Đắc, Huỳnh Kỳ, Phụng Hảo, Phước Cương, Thầy Năm Tú, Việt Kịch Năm Châu…, hóa thân với hàng trăm nhân vật, mà nhân vật nào, dù nam hay nữ, dù danh tướng hay mỹ nhân cũng được Cô Bảy Phùng Há cũng lột tả đến tận cùng tính cánh và số phận. Oai phong, lẫm liệt với Lữ Bố, Phạm Lãi, An Lộc Sơn; đằm thắm, kiêu sa, ngọt ngào, ai oán với Vương Thúy Kiều, với Nguyệt Nga, với Dương Quý Phi, với Tô Ánh Nguyệt…

Những mề-đai, Huân chương, Huy chương của Chính phủ Pháp, của Toàn quyền Đông Dương, của Thống đốc Nam kỳ, của Vua Bảo Đại, Vua Miên, Vua Lào, Vua Thái Lan, của Trung Hoa, Hungagi, Ba Lan, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Tiệp Khắc… chứng tỏ một tài năng sân khấu cải lương đã vượt không gian quốc gia, làm rạng rỡ nền nghệ thuật nước nhà.

Thế nhưng “hồng nhan đa truân”, cuộc đời bà không có mối tình nào trọn vẹn. Ngay từ những năm đầu đến với Tái Đồng Ban, sắc đẹp của bà đã làm ngẩn ngơ hai người thầy, một người dạy ca và một người dạy diễn: Huỳnh Thủ Trung và Năm Châu. Khi Năm Châu đang ôm mối tình câm chưa kịp nói ra thì Huỳnh Thủ Trung tuyên bố cưới cô Phùng Há. Năm Châu thất tình ra đi. Cô Bảy Phùng Há sống với Huỳnh Thủ Trung có một người con rồi chia tay vì không chịu nổi người chồng suốt ngày ngồi trong quán rượu, những chuyện ngoại tình, những trận đòn roi. Khi đang lưu lạc với một đoàn cải lương ngoài Bắc, được tin Cô Bảy Phùng Há thôi chồng và chuyển qua đoàn khác, ông Năm Châu trở về, tìm gánh hát Trần Đắc với hy vọng nối lại tình xưa. Nhưng đò tình thêm một lần lỡ chuyến. Cô Bảy Phùng Há đã làm vợ của Bạch Công Tử và lập gánh hát Huỳnh Kỳ.

Bà Phùng Há (ngồi) (file photo)

Bạch Công Tử – tức Lê Công Phước, còn gọi là George Phước, con trai của Đốc Phủ sứ Mỹ Tho Lê Công Sũng – sau khi chiếm được trái tim của Cô Bảy Phùng Há đã bỏ ra năm trăm đồng trả nợ cho cô, chuộc cô ra khỏi gánh Trần Đắc, lập gánh Huỳnh Kỳ cho cô làm chủ gánh.

Thời ấy, giao thông cách trở, các gánh hát lưu diễn phải thuê ghe lườn vận chuyển sân khấu, công nhân và đào kép. Bạch Công Tử đã trang bị cho Huỳnh Kỳ bốn chiếc ghe chài, ba chiếc chở đồ đạc, đào kép và công nhân, một chiếc dành riêng cho đào chánh kiêm chủ bầu Phùng Há với đầy đủ tiện nghi như một tòa lâu đài di động. Có tiền bạc, có phương tiện, Cô Bảy Phùng Há chiêu mộ những đào kép nổi danh, Huỳnh Kỳ thống lĩnh nghệ thuật sân khấu cải lương khắp Nam kỳ lục tỉnh.

Nhưng chỉ được bảy năm, Bạch Công Tử sa vào con đường ăn chơi sa đọa, bao nhiêu tiền của ông ném vào sòng bạc, tiệm hút, gái tơ. Huỳnh Kỳ suy sụp, đào kép lần lượt bỏ đi, Cô Bảy ôm hai đứa con đau ốm cùng với bốn chiếc ghe chài nằm chơi vơi dưới chợ cầu Ông Lãnh. Trong cảnh khốn cùng, một người quen giúp cô ẵm con đi tìm chồng thì gặp Bạch Công Tử đang vui sống với một cô gái khác, một giai nhân nổi tiếng tên là Marie Anne Nhị ở khách sạn Minh Tân. Ông không quan tâm đến con mà lại trách mắng cô thiếu lịch sự, làm như thế là mất mặt ông với bạn gái của mình. Cô nuốt nước mắt ra về. Rồi cả hai đứa con lần lượt chết trên tay cô trong cảnh không tiền chạy chữa, cô đành phải chia tay với Bạch Công Tử để làm lại cuộc đời.

*****

Người chồng thứ ba của Cô Bảy Phùng Há là kiến trúc sư Hoàng Phi, con trai một quan huyện ở Gò Công, cũng là bạn thân với Bạch Công Tử. Sau năm 1945, Bạch Công Tử vừa bị phá sản, vừa nghiện ngập, vừa lâm bệnh ngặt nghèo không tiền chạy chữa. Nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ, Cô Bảy xin phép chồng đem ông về nuôi dưỡng trong nhà tại số 3 đường Ngô Tùng Châu, Sài Gòn. Năm 1950, Bạch Công Tử qua đời trong cảnh không có đất để chôn. Cô Bảy lại xin phép chồng đưa ông về an nghỉ trên đất nhà chồng ở Gò Công, và nhờ người con riêng của chồng trông coi mộ.

Hỏi vì sao cô chia tay với ông Hoàng Phi, cô không nói. Cô chỉ nói đó là một người trí thức và tử tế. Với nghệ sĩ Năm Châu, Cô Bảy cho rằng đó là một chuyện tình buồn và đẹp, cứ chập chờn, chập chờn như con đò lỡ chuyến suốt sáu mươi năm. Năm 1953, ngẫu nhiên cô và Năm Châu đầu quân trở lại gánh Trần Đắc. Vở Mộc Quế Anh đã đưa ngôi vị của Phùng Há-Năm Châu thành đôi bạn diễn ăn ý số một của sân khấu cải lương.

Cô cảm nhận đó là tình yêu, cả hai đã trút cạn tình yêu cho nhau qua vai diễn, những điều khát khao mà chưa bao giờ được nói với nhau. Nhưng khi bước ra phía sau bức màn nhung thì cô cảm nhận được ánh mắt chừng như mất vui, chừng như có chút hờn ghen của nghệ sĩ Kim Cúc, bạn cô, cũng là vợ của nghệ sĩ Năm Châu. Biết lửa gần rơm rồi sẽ cháy, cô rời gánh Trần Đắc, lặng lẽ ra đi để bảo vệ hạnh phúc của bạn mình. Cô hiểu tình yêu của nghệ sĩ Năm Châu đối với cô càng ngày càng sâu nặng. Ông viết những vở tuồng Nợ Dâu, Men Rượu Hương Tình, Sân Khấu Về Khuya như để gởi gấm, để giải bày, như để hờn trách sự lạnh lùng, bạc bẽo của cô.

Ông Năm Châu và bà Phùng Há (file photo)

Ngày nghệ sĩ Năm Châu hấp hối, Cô chạy như điên, lê lết trên từng bậc cầu thang trong bệnh viện. Bất chấp sự có mặt của mọi người, cô ôm chầm lấy ông, cô gào thét: “Khoan, anh khoan hãy đi, anh hãy nghe em nói rồi mới yên lòng ra đi, em biết anh hận em, nhưng em không phải là kẻ vô tình, em làm như vậy là em hy sinh vì hạnh phúc của gia đình anh, vì vợ con anh. Anh biết không, tới giờ phút nầy em vẫn yêu anh…”

Chồng, con, và cả những người tình cũng lần lượt đi về bên kia thế giới. Theo thuyết giáo của nhà Phật, khi ta sống, cái gì ta cho thì cái đó chính là tài sản, ở lại với ta. Phải chăng, những thứ quý giá mà cô đã cho, đó chính là những vai diễn, những môn sinh mà cô đã nhọc công đào tạo để làm nên một thế hệ cải lương vàng son, vang bóng một thời. Một ngôi chùa Nghệ sĩ, một nghĩa trang nghệ sĩ với bốn trăm ngôi mộ và gần bốn trăm bộ hài cốt, cô như người tự nguyện đi trước về sau, níu kéo thời gian đến tuổi 99 để làm điều đó, làm cho trọn tình trọn nghĩa với thế hệ mình và cả thế hệ cháu con. Phải, tất cả những gì mà cô đã cho, tất cả đã và đang ở lại với cô, bây giờ và mãi mãi.

VÕ ĐẮC DANH

Xưởng đúc tiền Hoàng Gia Anh vừa cho ra lò đồng xu khổng lồ

Xưởng đúc tiền Hoàng gia Anh vừa cho ra lò đồng xu khổng lồ để mừng 70 năm Nữ hoàng trị vì


Chụp lại hình ảnh,

Bà Clare Maclennan của Xưởng đúc tiền Hoàng gia Royal Mint cho biết: "Đây là một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt mà sẽ đưa di sản của dịp đại lễ này qua nhiều thế hệ sau"

Một đồng coin khổng lồ đã được Xưởng đúc tiền Hoàng gia (Royal Mint) ra mắt để kỷ niệm Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng.

Đồng coin nặng 15kg do một nhà sưu tập giấu tên người Anh đặt hàng với giá tiền không được tiết lộ, và thiết kế trên cả hai mặt được Nữ hoàng chuẩn thuận.

Có đường kính 22cm, đây là đồng coin lớn nhất mà xưởng đúc tiền Royal Mint ở Llantrisant ở nam xứ Wales, đã sản xuất trong hơn 1100 năm qua.

Đồng coin này có giá trị ước tính 15000 bảng Anh và mất gần 400 giờ để đúc.

Do nghệ sỹ đúc tiền John Bergdahl thiết kế, xưởng đúc tiền cho biết đồng coin này được "làm bằng tay với tiêu chuẩn cao nhất".

'Tuyệt tác'

Một mặt của đồng coin khắc họa chữ EIIR cùng vương miện, xung quanh là hoa hồng, hoa thủy tiên, cây kê và cỏ ba lá, biểu tượng của bốn xứ thuộc Vương quốc Anh.

Mặt kia mang hình ảnh Nữ hoàng cưỡi ngựa.

Chụp lại hình ảnh,

Đồng coin vàng trên máy cắt laser

Bà Clare Maclennan từ Xưởng đúc tiền Hoàng gia nói:

"Đồng tiền xu đặc biệt này, làm bằng vàng chất lượng cao, là tuyệt tác trong bộ sưu tập Đại lễ Bạch kim, kết hợp tay nghề tinh xảo nhất và cải tiến tuyệt vời nhất bắt nguồn từ di sản truyền thống đúc coin cho các vương triều. Nó được đúc để kỷ niệm 70 năm quan trọng mà Nữ hoàng trị vì."

Người đặt hàng đúc đồng tiền này nói: "Là một khách hàng lâu năm của Royal Mint, tôi đã đầu tư vào những đồng coin độc đáo và thú vị đánh dấu các khoảnh khắc trong suốt triều đại của Nữ hoàng. Chúng sẽ được giữ trong gia đình tôi cho nhiều thế hệ."

Nước Anh đang chuẩn bị cho dịp cuối tuần bắt đầu sớm, từ thứ Năm 02/06 đến hết Chủ Nhật 05/06/2022.

NGUỒN INTERNET.

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA THỨC ĂN VIỆT VÀ TÀU

Thật ra, tôi rất ngại khi cầm viết ghi lại những câu hỏi đã trả lời cho những bạn bè người nước ngoài khi họ hỏi tôi: Người Việt Nam ăn uống thế nào? Hay là cách nấu ăn của người Việt có khác người Trung Quốc hay chăng?

Vì đó chỉ là những phần nhận xét đã được nhanh chóng đúc kết để đưa ra những câu giải đáp kịp thời chớ không phải do một sự sưu tầm có tính cách khoa học. Trong câu chuyện, một vài bạn trong báo Tuổi Trẻ thấy nhận xét sơ bộ của tôi có phần nào lý thú, nghe vui tai, nên nhờ tôi ghi ra thành văn bản. Nể lời các bạn, tôi xin gởi đến các bạn đọc vài mẩu chuyện có thật về cách ăn và nấu ăn của người Việt chúng ta, và xin các tay nghề nấu ăn trong nước đừng cười tôi dốt hay nói chữ, dám múa búa trước cửa Lỗ Ban, đánh trống trước cửa nhà Sấm.

Trong một buổi tiệc, một anh bạn Pháp hỏi tôi: “Chẳng biết người Pháp và người Việt Nam ăn uống khác nhau như thế nào?” Tôi rất ngại so sánh… tôi trả lời… vì so sánh là biết rõ rành mạch cả hai yếu tố để so sánh. Thỉnh thoảng, tôi có ăn uống theo người Pháp nhưng làm sao biết cách ăn của người Pháp bằng người Pháp chính cống như anh. Tôi thì có thể nói qua cách ăn uống của người Việt chúng tôi. Để cho anh dễ nhớ, tôi chỉ đưa ra ba cách nấu ăn của người Việt, rồi anh xem người Pháp có ăn như vậy chăng?

 Người Việt chúng tôi ăn toàn diện, ăn khoa học, ăn dân chủ.

1. Ăn toàn diện:

Chúng tôi không chỉ ăn bằng miệng, nếm bằng lưỡi, mà bằng ngũ quan.

Trước hết ăn bằng con mắt, và do đó có nhiều món đem dọn lên, nhiều màu sắc chen nhau như món gỏi sứa của chúng tôi chẳng hạn: Có giá màu trắng, các loại rau thơm màu xanh, ớt màu đỏ, tép màu hồng, thịt luộc và sứa màu sữa đục, đậu phộng rang màu vàng nâu, v.v… Có khi lại tạo ra hình con rồng, con phụng, trong những món ăn nấu đãi đám hỏi, đám cưới.

Sau khi nhìn cái đẹp của món ăn, chúng tôi thưởng thức bằng mũi, mùi thơm của các loại rau thơm như húng quế, ngò, hoặc các mùi đặc biệt của nước mắm, của cà cuống.

Răng và nướu đụng chạm với cái mềm của bún, cái dai của thịt luộc và sứa, cái giòn của đậu phộng rang để cho xúc cảm tham gia vào việc thưởng thức món ăn sau thị giác và khứu giác.

Rồi lỗ tai nghe tiếng lốc cốc của đậu phộng rang, hay tiếng rào rào của bánh phồng tôm, hay tiếng bánh tráng nướng nghe rôm rốp. Sau cùng lưỡi mới nếm những vị khác nhau, hòa hợp trong món ăn: lạt, chua, mặn, ngọt, chát, the, cay, v.v…

Chúng tôi ăn uống bằng năm giác quan, về cái ăn như thế gọi là ăn toàn diện.

2. Ăn khoa học:

Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu, nhất là ở Nhật Bổn thường hay sắp các thức ăn theo “âm” và “dương”. Nói một cách tổng quát thì những món nào mặn thuộc về dương, còn chua và ngọt thuộc về âm.

Người Việt thường trộn mặn với ngọt làm nước mắm, kho thịt, kho cá, rang tép, ướp thịt nướng, luôn luôn có pha một chút đường; mà ăn ngọt quá như chè, ăn dưa hấu hay uống nước dừa xiêm thì cho một chút muối cho âm dương tương xứng.

Người Tây khi ăn bưởi thật chua lại cho thêm đường, đã âm lại thêm âm thì âm thịnh dương suy, không đúng theo khoa học ăn uống.

Người Việt phần đông không nghiên cứu về thức ăn, nhưng theo truyền thống của cha ông để lại thành ra ăn uống rất khoa học.

Người Việt chẳng những để ý đến quân bình âm dương giữa các thức ăn mà còn để ý đến quân bình âm dương giữa người ăn và thức ăn. Khi có người bị cảm, người nấu cháo hỏi: Cảm lạnh (bị mắc mưa, đêm ra ngoài bị cảm sương) thì nấu cháo gừng vì cảm lạnh (âm) vào người phải đem gừng (dương) vào chế ngự. Nếu cảm nắng (bị mặt trời làm cho sốt) thì dương đã vào người phải nấu cháo hành (âm).

Lại nghĩ đến âm dương giữa người ăn và môi trường; mùa hè thời tiết có dương nhiều nên khi ăn có canh chua (âm) hoặc hải sâm (âm); mùa Đông thời tiết có âm nhiều nên ăn thịt nướng. Ta có câu: Mùa Hè ăn cá sông, mùa Đông ăn cá biển.

Quân bình trong âm dương còn thể hiện qua điếu thuốc lào. Thuốc lá phơi và đóm lửa (dương) hít một hơi cho khói qua nước lã trong bình (âm) để hơi khói thuốc vào cơ thể, nguồn hút có cả dương và âm, không kể nước đã lọc bớt chất nicotine có hại cho buồng phổi.

Chẳng những cân đối về âm dương mà còn hàn nhiệt nữa: Thịt vịt hay thịt cá trê (hàn) thì chấm với nước mắm gừng (nhiệt). Cách ăn của người Việt Nam khoa học, vì phù hợp với nguyên tắc âm dương tương xứng hàn nhiệt điều hòa. Ngoài ra, trong một món ăn thường đã có chất bột, chất thịt, chất rau làm cho sự tiêu hóa được dễ dàng.

3. Ăn dân chủ:

Trên bàn dọn bao nhiêu thức ăn, nhưng chúng tôi có thể ăn những món chúng tôi thích, hoặc phù hợp với vấn đề bảo vệ sức khỏe của chúng tôi. Ăn ít hay ăn nhiều thì tùy theo sức chứa bao tử của chúng tôi, chớ không phải ăn những món không ăn được, hay là ăn không nổi. Như vậy, cách của người Việt Nam rất dân chủ.

Anh bạn người Pháp thích chí cười to: “Ăn toàn diện, chúng tôi chưa nghĩ đến là về thính giác, ăn mà nghe tiếng động là vô phép nên ăn bớt ngon. Ăn khoa học, thì chúng tôi chỉ nghĩ đến calori mà không biết âm dương và hàn nhiệt. Còn ăn dân chủ, thì hoàn toàn thiếu sót, vì đến nhà chúng tôi có một thực đơn mà mỗi người một đĩa, ăn không hết sợ vô phép nên nhiều khi không ngon lắm hoặc quá no cũng phải cố gắng ăn cho hết. Tôi xin hoàn toàn hoan nghinh cách ăn của người Việt Nam.”

 Về cách ăn uống Việt Nam lại có thêm:

1. Ăn cộng đồng:

Thức ăn đầy bàn mà có một nồi cơm, một tô nước mắm để mọi người cùng xới cơm và chan nước mắm ở một nơi.

2. Ăn lễ phép:

Con lớn lên đã theo học ăn, học nói, học gói, học mở. Học ăn là trước nhứt, khi ăn phải coi nồi, ngồi coi hướng.

3. Ăn tế nhị:

Ăn ớt từ cách cắn trái ớt, có khi phải ăn ớt xắt từng khoanh, ớt bằm, ớt làm tương. Nước chấm, nhứt là ở miền Trung rất tinh tế, ăn món chi phải có nước chấm đặc biệt món nớ: bánh bèo, bánh lá, bánh khoái đều có nước chấm khác.

4. Ăn đa vị:

Một miếng nem nướng đã có vị thịt, riềng, muối, tỏi, hành cuốn vào bánh tráng lạt lạt, có chút bún, rau thơm, ớt (cay), chuối sống (chát), khế (chua), tương (ngọt, mặn, cay) có pha hột điều hay đậu phộng xay (béo). Ăn có năm vị chánh: Ngọt, mặn, chua, cay, béo; có cả ngũ sắc đen (tương), đỏ (ớt), xanh (rau), vàng (khế chín), trắng (bánh tráng, bún). Ăn một miếng mà thấy 5 màu, lưỡi nếm 5 vị và có khi hơn thế nữa.

Một lần khác, một anh bạn của tôi khai trương một tiệm ăn lớn tại Paris. Anh có mời đài phát thanh và báo chí đến để cho biết rằng tiệm của anh có cả thức ăn Trung Quốc và Việt Nam.

Các phóng viên muốn biết Việt Nam và Trung Quốc nấu ăn có khác nhau như thế nào. Hai đầu bếp Việt Nam và Trung Quốc được mời ra để báo chí hỏi thì hai người đều khẳng định là cách nấu ăn rất khác, nhưng phải xuống bếp coi mới thấy.

Nhà bếp nhỏ không chứa được mấy chục phóng viên, và ai cũng ngại hôi dầu hôi mỡ, nên ông chủ tiệm nhờ tôi tìm câu trả lời cho các nhà báo. Tuy không phải là một chuyên gia về nghệ thuật nấu bếp, nhưng tôi cũng phải tìm câu trả lời thế nào để cho các nhà báo bằng lòng. Tôi mới nói rằng, tôi không đi vào chi tiết, nhưng chỉ đưa ra ba điểm khác nhau trong cơ bản.

1. Người Việt Nam thường dùng bột gạo, trong khi người Trung Quốc thích dùng bột mì. Cho nên, Việt Nam có phở, hủ tiếu, bún thang, bún bò, bún riêu; mà người Trung Quốc thì chuyên về mì nước, mì khô, mì sợi nhỏ, mì sợi lớn, mì vịt tiềm. Người Việt làm bánh đùm, bánh xếp, bánh cuốn, bánh hỏi; người Trung Quốc thì bánh bao. Chả giò người Việt Nam cuốn bằng bánh tráng bột gạo; còn người Trung Quốc thì cuốn tép trong bánh bằng bột mì.

2. Nước chấm cơ bản của người Việt nam là nước mắm làm bằng cá; còn nước chấm của người Trung Quốc là xì dầu làm bằng đậu nành.

3. Người Việt thì thường pha mặn ngọt; người Trung Quốc thích chua ngọt.

Chỉ nói đại khái như vậy mà các phóng viên đã hài lòng; về viết bài tường thuật nêu lên những điểm khác nhau ấy. Ông Giám Đốc Tạp Chí Đông Nam Á, sau lời nhận xét đó, cho phóng viên đến phỏng vấn tôi thêm và hỏi tôi có biết yếu tố nào khác đáng kể khi nói về cách nấu ăn của người Việt khác người Trung Quốc ở chỗ nào. Tôi trả lời cho phóng viên trong 40 phút.

Hôm nay tôi chỉ tóm tắt cho các bạn những điểm chính sau đây:

1. Về rau: Người Việt tuy có ăn rau luộc, hay xào; nhưng thích ăn rau sống, rau thơm, mà người Trung Quốc không ưa ăn rau sống, cải sống, giá sống.

2. Về cá: Người Trung Quốc biết kho, chưng, chiên như người Việt Nam. Nhưng người Trung Quốc không làm mắm như người Việt. Có rất nhiều cách làm mắm và ăn mắm: Mắm thái, mắm nêm, mắm ruốc, mắm tôm, v.v… Các nước Đông Nam Á cũng có làm mắm nhưng không có nước nào biết làm nhiều loại mắm như người Việt.

3. Về thịt: Người Trung Quốc biết quay, kho, luộc xào, hầm như người Việt, mà không biết làm nem, bì và các loại chả như chả lụa, chả quế, v.v…

4. Người Trung Quốc ít có phối hợp nhiều vị trong một món ăn như người Việt. Khi chúng ta ăn một món ăn như nem nướng thì có biết bao nhiêu vị: Lạt lạt của bánh tráng, bún; mát mát ngọt ngọt của dưa leo, và đặc biệt của giá sống trộn với khế chua, chuối chát, ớt cay, đậu phộng cà bùi bùi, có tương mặn và ngọt. Người Việt trong nghệ thuật nấu ăn rất thích lối đa vị và tất cả các vị ấy bổ sung cho nhau, tạo ra một vị tổng hợp rất phong phú.

Cái ăn chiếm phần khá quan trọng trong đời sống của chúng ta. Khi dạy dỗ một trẻ em thì phải cho nó học ăn, học nói, học gói, học mở để biết ăn, nói với người ta.

Ra đường phải biết “ăn bận” hay “ăn mặc” cho phải cách phải thế. Đối với mọi người, không nên “ăn thua” làm chi cho bận lòng.

Làm việc gì phải cẩn thận “ăn cây nào, rào cây nấy”.

Trong việc tiêu tiền phải biết “liệu cơm, gắp mắm” và dẫu cho nghèo đi nữa “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.

Không nên ham ăn quá độ vì “no mất ngon, giận mất khôn”.

Ra làm ăn phải quyết tâm đừng “cà lơ xích xụi” chạy theo “ăn cò” người khác. Phải biết “ăn chịu” với người làm việc nghiêm túc thì công việc khỏi bị “ăn trớt”.

Không nên “ăn gian, ăn lận” hay bỏ lỡ cơ hội thì “ăn năn” cũng muộn.

Trong cuộc sống nên tìm việc làm hữu ích cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước đừng để mang tiếng “ăn hại” “ăn bám” người khác.

Khi đàn chơi phải biết lên dây đàn cho “ăn” với giọng ca, hòa đàn cũng phải “ăn” với nhau, “ăn ý”, “ăn rơ” thì mới hay.

Các bạn thấy chăng? Cái “ăn” cũng khá quan trọng nên mới lọt vào một số từ ngữ của tiếng nói Việt Nam. Tuy chúng ta không như người Trung Quốc “dĩ thực vi tiên”, nhưng phải có ăn mới làm nên việc, vì “có thực mới vực được đạo.”

 Giáo sư Trần Văn Khê
















 

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

NGƯỜI NÔNG CẠN THÌ LẮM LỜI - KẺ VÔ DỤNG THÌ HAY TỨC TỐI.

 Nhìn thấu 8 điều thiếu sót của đời người dưới đây: Vận xấu xua đi, vận tốt sẽ đến!

1. Tài không đủ thì tính toán nhiều

Mỗi khi có sự việc xảy ra mà chúng ta phải hao tâm tổn tứ suy nghĩ, cân nhắc, tính toán… có nghĩa kiến thức của chúng ta chưa đủ, năng lực của chúng ta còn hạn hẹp.

Tình trạng này gặp rất nhiều, đặc biệt là ở người trẻ. Bởi lẽ, khi có thời gian rảnh rỗi, họ hoặc là lười biếng, hoặc là tận hưởng cuộc sống, chỉ lo ăn lo ngủ, mà không hề nghĩ đến việc đọc sách trau dồi, học hỏi bổ sung thêm kiến thức cho mình, cho nên khi gặp vấn đề thì lập tức lo lắng rối loạn không có cách giải quyết.

Hãy nhớ rằng, chỉ có học hỏi, tích lũy, không ngừng phát triển bản thân thì chúng ta mới có đủ tự tin đối mặt với sự việc. Khi cần quyết đoán có thể quyết đoán, cương – nhu hài hòa, gặp tình huống nào cũng có thể ứng biến hóa giải.

2. Hiểu không đủ thì suy nghĩ, lo lắng nhiều

Kiến thức là kết quả của quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm mà hình thành, cũng là thể hiện tầm nhìn rộng lớn, và những phán đoán cho tương lai. Nhận thức tương lai mơ hồ như màn sương mỏng bắt nguồn từ nỗi bất an trong suy nghĩ, bản thân loay hoay với mớ kiến thức nông cạn, cách nhìn hạn hẹp mà thành.

Thật ra, nếu như đầy đủ kiến thức, trí tuệ mở mang thì sẽ hiểu tương lai chẳng qua là hiện tại kéo dài, chỉ cần chuyên tâm sống cho tốt hiện tại thì sẽ tiêu trừ hết thảy những lo ngại, nghi hoặc kia.

Muốn cải biến tình trạng này, bản thân phải nâng cao trí tuệ, phải có tầm nhìn rộng lớn, mà cách tốt nhất chính là chăm chỉ học hỏi, ham mê đọc sách.

3. Uy không đủ thì tức giận nhiều

Nhiều khi bạn tức giận là bởi vì cảm thấy người khác không tôn trọng mình, cho nên cần sử dụng những thủ đoạn cực đoan để lôi kéo sự chú ý của người khác. Càng tức giận như thế càng cho thấy chính mình thiếu hụt trí tuệ, lòng nhân từ. Đây là biểu hiện của không đủ uy tín.

Người càng không có thực lực, dễ dàng nổi giận thì tính khí lại càng thất thường đến kinh ngạc. Một khi họ đối mặt với thất bại, đối mặt với bất lợi liền dễ dàng sinh ra tức giận phẫn nộ, mà phẫn nộ tức giận lại càng dễ khiến cho người khác chỉ trích, ghét bỏ.

Người không có thực lực, dĩ nhiên càng dễ gặp thất bại. Trái lại, những người có tấm lòng bao dung, sự điềm đạm, bình tĩnh, khi gặp vấn đề khó khăn sẽ bình thản đón nhận và tìm cách giải quyết cho tới khi đạt được kết quả mong cầu. Những người như vậy sẽ nhận được lòng kính trọng chân thành từ người khác.

4. Tin tưởng không đủ thì nói nhiều

Cổ nhân từng nói:

“Người có uy đức thì ít lời, người gian giảo mới dùng nhiều lời để nói.

Người có tu dưỡng, lời nói đơn giản ngắn gọn, cũng không bàn luận tùy tiện.

Người nông cạn nóng vội thì lời nói thao thao không ngừng, cũng thích nói chuyện vô căn cứ.

Người quân tử, có tu dưỡng, có uy danh, ăn nói thận trọng, từ tốn hẳn là hiền nhân.”

Lời lẽ ba hoa chỉ dành cho những người không có tài năng, phải dùng cái miệng “hót hay” của mình để lấp liếm cho trí tuệ. Nếu bạn tin tưởng vào bản thân, tin tưởng vào những thành tựu, mối quan hệ bạn xây đắp, thì hãy để nó “tự nhiên diễn ra như vốn có”, thay vì tô vẽ ảo diệu giả dối bằng chiếc “lưỡi không xương”.

5. Dũng không đủ thì làm nhiều

Người không có dũng khí, làm việc luôn sợ hãi rụt rè, không dứt khoát, chỉ có thể làm được những việc lao động thường ngày, đã định là một đời bình thường.

Còn người có dũng khí thật sự là dựa vào nội tâm có được một phần khí khái, can đảm, chỉ cần có một chút khích lệ là tựa như hồi trống trận, lập tức tinh thần hăng hái, làm nên thành công, việc nhỏ mà công tích rất lớn.

Sự khác biệt giữa người vĩ đại và người bình thường chính là, người vĩ đại thường chỉ cần một khích lệ tinh thần nho nhỏ cũng có thể lấy ra dũng khí, biết tập trung tinh lực để đi thực hiện cho tốt một việc, mà người bình thường lại chia tinh lực ra để đi làm rất nhiều việc, kết quả việc gì cũng không nên.

Năm tháng qua đi không dấu vết, đời người ngắn ngủi. Cùng với phương thức làm nhiều mà được ít của cuộc sống bình thường lặng lẽ, không bằng hãy tập trung tinh lực, cố lấy dũng khí, làm cho tốt một việc mà đạt được thành tựu to lớn.

6. Nhìn không thấu thì xem xét nhiều

Trong quá trình làm việc, thường có rất nhiều công việc lặt vặt, khiến chúng ta hoa cả mắt. Mà đây chính là biểu hiện cho việc “nhìn không thấu”, nhìn không rõ mọi việc, cũng biểu hiện trình độ trí tuệ.

Một người thông minh, tất cả thể hiện ở những chi tiết nhỏ như:

– Hãy sửa tất cả những gì chúng ta nói “không đúng” thành “đúng”. Không nên dễ dàng phủ nhận người khác, trước hết hãy khẳng định quan điểm của đối phương, rồi sau đó mới đưa ra những kiến giải của riêng mình.

– Có thể cùng bạn bè đùa giỡn, nhưng tuyệt đối không được lấy sở thích của họ ra đùa giỡn.

– Lần đầu gặp mặt, nhất định cố gắng nhớ tên đối phương. Rất nhiều người nói rằng không thể nhớ tên của đối phương, kỳ thực không phải là không nhớ được, mà là vì không để ý.

– Cho dù có tức giận cỡ nào, cũng không nên nói những lời gây tổn thương đối phương, kể cả là người thân, người quen.

– Nhìn thấu, nhưng không cần nói ra, hãy lưu cho người khác một con đường. Phát hiện đối phương nói sai hoặc nói dối, không nên vạch trần trực tiếp.

7. Lý không đủ thì tranh luận nhiều

Người hiểu đạo lý không cần nhiều lời tranh luận, thời gian rồi sẽ chứng minh lý lẽ đúng đắn của họ. Trái lại người vô lý, đã không hiểu ngọn nguồn lý lẽ, lại còn dùng nhiều lời nói khéo léo, hoa mỹ, kỳ thực chẳng qua là để che lấp bản chất trống rỗng của mình. Những người này trong tâm thường có quá nhiều tạp niệm, tư tưởng danh lợi lại quá lớn, nếu mà sự nghiệp không thành, thì sẽ thân bại danh liệt chẳng còn gì.

Mà có người lại lựa chọn ẩn mình giấu tài, không thể hiện mình có tài năng xuất sắc, trình độ và năng lực của mình chưa đạt đến, thì càng sẽ không dễ dàng theo đuổi coi trọng danh lợi, mà là yên lặng tích lũy đợi chờ, chờ cơ hội đến sẽ thực hiện, lúc ấy nhất định ra tay sẽ thành công.

8. Tình cảm không đủ thì lễ nghi nhiều

Lễ nghi là chỉ những quy tắc quan hệ giữa người với người, người càng xa lạ càng phải dùng lễ để xử sự, đối đãi.

Trong xã hội hiện đại, nhiều khi món quà giống như vật thế thân của người tặng. Vừa không muốn mang tiếng thất lễ, vừa tranh thủ ghi dấu ấn với người nhận, thì nghi lễ quà tặng được “đôn” lên hàng đầu. Điều đó chỉ càng thể hiện tình cảm của bạn dành cho người nhận vô cùng hời hợt, nhạt nhẽo.

Đây không chỉ gói gọn trong phạm vi công sở, quan hệ với sếp, mà trong cả mối quan hệ gia đình, nhiều khi bạn sẵn sàng tặng cha mẹ món quà hàng chục triệu đồng, nhưng lại không thể dành cho họ cuộc trò chuyện, thăm gặp kéo dài 30 phút. Bận rộn, không có thời gian… là một trong số hàng tá lý do được đưa ra, nhưng hãy thử nhìn sâu vào chính mình, phải chăng do bản thân bạn không đủ tình yêu thương, sự trân trọng, vị nể dành cho họ. Nghi lễ, quà cáp được thay thế cho tình cảm, thử hỏi liệu mối quan hệ ấy có được bền lâu?

Người đáng để khâm phục chính là khi nhận thức được những thiếu sót của chính mình thì họ sẽ cố gắng để thay đổi, cố gắng tìm cách bổ sung vào cho đầy đủ, nhờ đó mà có thể trở thành ưu thế của bản thân. Mưa tạnh thì trời trong, chính là mong muốn đạt được những thành tựu càng cao hơn trong cuộc sống.

SƯU TẦM

Cuộc sống không bán vé khứ hồi

 Một bài học hay ngày thứ 6 trong cuối tuần.

Tất cả rồi cũng sẽ trở thành quá khứ vậy tại sao ta không sống hết mình để có một quá khứ tuyệt vời nhất.

1. Đừng phí phạm thời gian để tìm hiểu xem người khác đánh giá bạn như thế nào. Bạn không cần quan tâm đến họ, bạn chỉ cần làm tốt công việc của mình, sống một cuộc đời hạnh phúc và thoải mái. Kể cả nếu bạn có bận tâm đến những lời người khác nói về mình, bạn cũng không thể kiểm soát được hết chúng, vậy thì chẳng việc gì phải đánh đổi những giây phút quý báu của bản thân để nhận lấy những lời bàn tán vô nghĩa.

2. Bạn không thể nào hạnh phúc nếu cứ để những thứ thuộc về quá khứ làm phiền cuộc sống hiện tại. Buông bỏ quá khứ khiến bạn có thể sống trọn vẹn và ý nghĩa hơn cho ngày hôm nay.

3. Khi còn trẻ còn khỏe, ai cũng có suy nghĩ phải tìm được một công việc thật tốt, nỗ lực hết mình vì nó để kiếm được nhiều tiền lo cho cuộc sống giàu sang hạnh phúc. Nhiều người đã chấp nhận đánh đổi cả gia đình, bạn bè, sức khỏe chỉ vì công việc. Nhưng đổi lại thì sao, khi bạn ốm đau, công việc trì trệ, nhiều người sẽ la mắng nhưng gia đình thì không bao giờ quay lưng lại với bạn. Kiếm tiền cũng tốt nhưng gia đình là điều vô giá mà không một đồng tiền nào có thể mua được.

4. Hãy đi gặp những người mà bạn muốn gặp. Theo đuổi những người mà bạn thích. Làm những việc mà bạn muốn. Nhân lúc mặt trời còn đang chiếu rọi, nhân lúc gió chưa thổi to, tuổi trẻ chưa qua đi. Hãy làm điều bạn muốn đừng để mọi thứ trở thành tiếc nuối.

5. Thời gian là miễn phí nhưng nó vô giá. Bạn không thể sở hữu nó, nhưng bạn có thể sử dụng nó. Bạn có thể dùng nó, nhưng bạn không thể giữ nó. Một khi bạn làm mất nó, bạn sẽ không thể nào có lại được nó.

6. Không có gì chắc chắn rằng bạn sẽ làm một công việc đến hết đời, hay được một người yêu mãi mãi. Trong xã hội nhiều ồn ào này, bạn phải luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận cái mới mà không thể thỏa hiệp.

Chúc mọi người thật an lạc và hạnh phúc

 SỰ THẬT MỘT KIẾP NGƯỜI

- Một ngày rất ngắn, ngắn đến mức chưa nắm được cái sáng sớm thì đã tới hoàng hôn.

- Một năm thật ngắn, ngắn đến mức chưa kịp thưởng thức sắc màu đầu xuân thì đã tới mùa đông giá lạnh.

- Một cuộc đời rất ngắn, ngắn tới mức chưa kịp hưởng thụ những năm tháng đẹp thì người đã già rồi.

- Sự việc luôn luôn đến quá nhanh mà hiểu ra thì quá muộn, cho nên chúng ta phải học cách trân trọng: trân trọng tình thân, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình yêu, tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình đồng loại...

Vì một khi đã lướt qua, thì khó có thể gặp lại.

* Sau 20 tuổi thì đất khách và quê nhà giống nhau vì đi đến đâu cũng có thể thích ứng.

* Sau 30 tuổi thì ban ngày và ban đêm giống nhau vì mấy ngày mất ngủ cũng không sao.

* Sau 40 tuổi thì trình độ học vấn cao thấp giống nhau, học vấn thấp có khi kiếm tiền nhiều hơn.

* Sau 50 tuổi thì đẹp và xấu giống nhau vì lúc này có đẹp đến mấy cũng xuất hiện nếp nhăn và tàn nhang.

* Sau 60 tuổi thì làm quan lớn và quan bé giống nhau vì nghỉ hưu rồi cấp bậc giống nhau.

* Sau 70 tuổi thì nhà to và nhà nhỏ giống nhau vì xương khớp thoái hóa không thể đi được hết những không gian muốn đi.

* Sau 80 tuổi thì tiền nhiều và tiền ít giống nhau vì có tiêu cũng chẳng tiêu được bao nhiêu tiền.

* Sau 90 tuổi thì nam và nữ giống nhau vì không thể làm nổi chuyện gì nữa.

* Sau 100 tuổi thì nằm và đứng giống nhau vì đứng dậy cũng chẳng biết làm gì?!

Vậy nên: trước hay sau, trẻ hay già, giàu hay nghèo, sang hay hèn, quan hay dân dù là bất cứ ai đều giống nhau.

Hãy sống và giữ cho mình thứ tồn tại bất biến là: Niềm tin, Tình người và Nhân nghĩa.

SƯU TẦM

 

Người xài đồ thừa.


Chị Bông đi chợ mang theo cái iPhone đến một cửa hàng bán phone nằm trong chợ Việt Nam để sửa chữa. Chị có cái iPhone, mỗi lần con đổi phone mới là người mẹ được thừa hưởng cái cũ kẻo bỏ không uổng phí, nên iPhone đời nào chị cũng đều có xài.
Hôm qua chị bạn từ xa gọi đến và than phiền là sao tôi gọi phone nào bà cũng không bốc, từ phone nhà đến iPhone, bà dùng iPhone để làm gì? Thiên hạ tận dụng iPhone, ai gọi đến bất cứ lúc nào cũng có mặt, mail hay text vừa nhận được trả lời nhanh như chớp. Khoe bạn bè những hình ảnh thơ mộng đóa quỳnh nở đêm qua, chiếc lá vàng rơi chiều nay hay thực tế ăn uống như miếng heo quay da giòn vừa lấy từ trong bếp ra, hũ dưa chua, hũ cà pháo vừa mới muối, v.v…
Nhưng chị Bông thì không.
Có bao giờ chị Bông mang kè kè iPhone bên người đâu, chị để nó trên bàn vì những số phone này chỉ cho người trong gia đình và vài bạn bè thân mà thôi. Những cú gọi phần nhiều là quảng cáo, có khi phone reo lên liên hồi inh ỏi làm chị Bông chạy tất tưởi đến bốc phone và nghe họ xổ một tràng tiếng Anh không ngừng nghỉ, chị kiên nhẫn lắng nghe chỉ để chờ cơ hội được nói xen vào một tiếng “Thank you” rồi cúp phone cho đỡ phũ phàng. Thế nên nhiều khi phone reo, dù phone nhà hay iPhone chị chẳng thèm đoái hoài nếu đang bận rộn.
Nhờ bạn than phiền chị Bông mới nhớ ra đem chiếc iPhone đi sửa, chẳng hiểu sao phone vừa charge đầy để không một lúc cũng tự động hết, hay có khi đang nói chuyện phone bỗng tắt ngỏm như người đang khỏe mạnh bỗng bị cú đột qụy bất tỉnh.
Cửa hàng bán và sửa chữa cell phone hôm nay đông khách, ngẫu nhiên sao mà toàn mấy ông bà cao niên, dĩ nhiên cửa hàng Việt trong khu chợ người Việt thì khách hàng cũng toàn là người Việt. Chị Bông đứng sau lưng một bà và nghe bà nói với chàng trai trẻ nhân viên bán hàng:
– Cháu xem giùm bác cái iPhone này bệnh gì mà những cuộc gọi đến nó không reo.
Chàng nhân viên nhanh chóng xem phone và chỉnh sửa chỉ trong một hai phút:
– Phone bác không hư hỏng gì, cháu đã chỉnh lại nút âm thanh mà chắc bác đã vô tình đụng vào làm nó tắt đi thôi.
Chàng trai trả phone lại cho khách, có vẻ như chấm hết một dịch vụ để còn tiếp người khách hàng khác. Nhưng chắc đã từng “đau khổ” vì phone không reo, bà khách năn nỉ:
– Vậy cháu thử gọi phone bác xem nó có reo không để bác yên tâm.
Chàng nhân viên chiều lòng khách:
– Vâng, số phone bác là gì?
Bà già lúng túng:
– Bác…bác... không nhớ rõ lắm, hình như là ( 817) 834-hay… 348 gì đó…
Chàng trai kiên nhẫn đợi bà khách lục lọi trí nhớ, nhưng bà đành chịu thua:
– Cháu đợi bác, bác lục trong ví xem còn mảnh giấy ghi số phone không nhé.
– Thôi, thôi, bác khỏi tìm giấy tờ cho mất công, cháu tìm còn nhanh hơn bác.
Mấy ông bà cao niên không nhớ số cell phone của mình là chuyện thường tình, có người còn không nhớ cả số an sinh xã hội của mình nữa, phải ghi trong mảnh giấy khi cần thì móc ra.
Chàng nhân viên lấy phone bà khách hàng gọi cho phone của mình, hiện ra số, chàng gọi lại phone bà khách và nó reo lên giòn giã làm bà hài lòng:
– Tốt rồi. Bao nhiêu hả cháu?
– Xin bác 20 đồng.
Chị Bông nhận xét nếu bà này nhận lại phone ngay sau khi chàng nhân viên chỉnh âm thanh xong thì không mất đồng nào, rõ ràng thái độ cậu ta lịch sự không hề muốn tính tiền vì công sức chẳng là bao. Nhưng tại bà đòi hỏi thử đi thử lại làm mất thì giờ của cậu ta nên mất 20 đồng ngon lành. Tháng này tiền hưu hay tiền già của bà sẽ mất 20 đồng vì cái tội quá cẩn thận cho cái iPhone.
Bà hí hửng cất phone vào giỏ xách và tự động giải thích với chị Bông đang đứng cạnh bà chờ tới lượt:
– Phone nào mới ra lò là con tôi bỏ phone cũ ngay nên tôi bảo con không xài nữa thì cứ gởi về cho mẹ. Con ở xa nên mỗi lần phone trục trặc chẳng biết hỏi ai, lại ra tiệm thôi. Thời buổi hiện đại mình cũng phải có iPhone với người ta chứ.
Chị Bông giật mình. Sao mà con nhà ai giống con nhà mình thế. Hai ông bà lù khù đứng sau lưng chị Bông cũng góp lời than thở:
– Nhà tôi có 3 đứa con cơ, vợ chồng tôi từ giờ đến cuối đời xài những đồ chúng nó bỏ cũng chưa hết, từ iPhone, iPad đến những thứ khác, trong khi bao người khốn khó ở Việt Nam chẳng có cái gì để xài, còn mình cái gì cũng có để xài phí phạm.
Không ngờ có nhiều cha mẹ xài đồ thừa của con đến thế, lại có cảnh xài đồ thừa bất đắc dĩ như hai vợ chồng người anh họ chị Bông, phải lái chiếc xe đời mới hai cửa, kiểu thể thao do thằng con chán chê đòi mang ra dealer đổi xe khác, tiếc rẻ chiếc xe mới sẽ bị mua với giá thấp nên hai vợ chồng “điều đình” với con, mua lại xe nó với gía cao hơn và dùng xe này. Chiếc xe thể thao màu đỏ bóng loáng “nghênh ngang” đậu trước sân nhà của hai vợ chồng già lù khù chỉ dùng để đi chợ và đi khám bác sĩ gần nhà, nào dám lái đi xa.
Chị Bông đưa cái iPhone cho chàng nhân viên và “khai bệnh”:
– Phone đang nói thì tắt ngúm và màn hình đen ngòm.
Chàng trai tháo gỡ cái phone chỉ trong nháy mắt là tìm ra nguyên do:
– Phone này “pin” chết rồi. Thay mới 20 đồng.
Chị Bông đồng ý, chỉ trong vài phút là nhân viên làm xong:
– Xin cô 20 đồng.
Chị Bông từ từ mở bóp để có thời gian nhờ vả thêm:
– Nhân tiện cháu…liếc qua giùm cô xem phone có vấn đề gì nữa không?
– Mọi thứ tốt khi ta thay “pin” mới rồi cô ạ.
– Cám ơn cháu nhé. Tại cô nghe nói tụi Apple khi ra iPhone mới nó “làm hư” cái cũ cho mình hết xài để phải mua cái mới. Nhưng cô không bao giờ từ bỏ cái cũ miễn là vẫn xài được.
Chị Bông trả tiền xong thì hai vợ chồng đứng sau tiến lên. Chị Bông bước ra tới cửa còn nghe vợ chồng họ nói với nhau:
– Lần này sửa nhớ hỏi cách edit hình, ông nhé. Hình mình chụp sẽ trẻ đẹp hơn đấy, các bạn tôi đưa hình lên Facebook, lên diễn đàn, ai cũng tươi trẻ như mới đi thẩm mỹ viện về.
– Biết rồi. Mình hỏi con mấy lần xong lại quên, hỏi đi hỏi lại làm nó bực mình. Hỏi tiệm người ta vui vẻ chỉ dẫn có tốn tí tiền cũng đáng.
Ra khỏi tiệm phone, chị Bông vào chợ, đi qua khu trái cây thấy những vỉ mận màu đỏ hấp dẫn quá, chị Bông dừng chân lại, cầm lên xem xong bỏ xuống ngay vì giá… cháy bỏng tay, những $4.99 một pound. Chẳng tội vạ gì phải thèm, phải mua cái thứ trái cây bình dân rẻ mạt này ở Việt Nam sang đây với gía đắt đỏ thế. Ở Việt Nam những thứ mận đủ loại như mận sọc, mận da người, mận đỏ chót như son đều rẻ bèo, bày ê hề trên mẹt, trong rổ hay nằm khiêm nhường trong gánh hàng rong.
Một bà đang đẩy xe chợ tới gần quầy trái cây và reo lên:
– Ủa, chị Bông đó hả?!
Chị Bông nhìn ra cũng reo lên:
– Ủa chị Hằng! Bông đây, bọn mình ai cũng bận rộn, thỉnh lình gặp nhau nơi chợ búa thế này. Mừng ghê.
Chị Bông quên vỉ mận, ngắm nghía chị Hằng, chiếc quần màu hoa xanh đỏ ngắn tới nửa bắp chân, chiếc áo rộng hở vai bó lại ở dưới, cặp mắt kính râm xếch xếch tạo khuôn mặt trẻ trung nhí nhảnh. Chị Bông khen:
– Mỗi lần mình gặp đều thấy Hằng “mô đen” thêm, trẻ đẹp thêm ra.
Chị Hằng ra vẻ khiêm nhường:
– Thế mà chồng nói mình ăn mặc như đứa dở hơi, già rồi mà diện đồ thời trang giới trẻ.
Mở chiếc túi xách tay chị Hằng lôi ra chiếc iPhone và vui vẻ khoe:
– Coi nè, túí xách tay Gucci, iPhone quả táo cắn này là quà sinh nhật các con tặng, còn các thứ quần áo, mỹ phẩm, giày dép hàng hiệu từ đầu tới chân mình dùng hằng ngày đều là… đồ thừa của con gái út. Bông và mình quá thân, quá hiểu nhau nên mình khai ra hết đấy.
– Biết rồi, nên Hằng lộng lẫy một trời hàng hiệu.
Vợ chồng chị Hằng làm kinh doanh giàu có, ba đứa con đều được cha mẹ chia gia tài hậu hĩ, họ thừa tiền để an hưởng tuổi về hưu, thế mà người mẹ nhận quà của các con tặng với niềm vui sướng hãnh diện, xài đồ dư thừa của con với vẻ quý hóa nâng niu.
Chị Hằng hào hứng mở iPhone:
– Nè Bông, xem hình cháu nội, cháu ngoại mình, dễ thương ghê chưa?
Chị Bông ngắm hình và khen:
– Đứa nào cũng chóng lớn và đáng yêu quá.
– Nữa nè Bông, một đống hình vợ chồng mình đi cruise mùa hè năm ngoái.
Chị Bông xem lướt qua hàng mấy chục tấm hình và khen tiếp:
– Ôi thích quá.
– Nữa nè Bông, hình vợ chồng mình mới đi du lịch Châu Âu.
Nhìn cả đống hình ảnh lướt nhanh qua ngón tay chị Hằng, chị Bông hoa cả mắt lên, thoái thác:
– Thôi để lần khác mình xem hình Châu Âu, bây giờ mình phải mua đồ và về nhà gấp.
Chị Hằng giới thiệu:
– Vợ chồng mình đang kế hoạch sẽ đi Nhật Bản mùa hoa anh đào. Tha hồ cho bồ xem hình từ Châu Âu tới Nhật Bản nha. Hẹn tái ngộ.
Hai người chia tay mạnh ai nấy đi. Chị Hằng lại điệu đàng đẩy chiếc xe chợ với chiếc túi xách hàng hiệu để trên xe thuận tiện cho chị khoe chiếc túi xách và sẵn sàng móc iPhone ra gọi vớ vẩn cho ai đó để khoe chiếc iPhone đời mới có nhãn hiệu quả táo cắn.
Chị Bông bỗng thấy lòng vui vui khi nghĩ đến mình, đến chị Hằng, đến mấy khách hàng vừa gặp trong tiệm sửa cell phone lúc nãy và những ông bà nào đó cùng trang lứa, những người thích xài đồ thừa của con cái. Chưa chắc vì họ nghèo không đủ khả năng mua sắm. Họ có thể cho con món tiền lớn nhưng vẫn sống khiêm nhường tiết kiệm, của con cái cũng như của mình, đồ còn tốt thì còn dùng tội gì bỏ lãng phí.

Nguyễn Thị Thanh Dương

 Bấm Và Quẹt


Tôi tắt Iphone để ngủ. Quyết định sẽ không bị quyến rũ bởi nhiều thứ trong này. Thời đại điện tử, tất cả hỉ nộ ái ố đều nằm trong cái iphone nhỏ xíu bằng bàn tay khép lại. Nó tuy nhỏ nhưng nắm vận mạng tiền bạc của con người. Thư từ, giấy tờ, nhà băng, cổ phiếu và tất cả những gì thuộc về cá nhân quan trọng cũng nằm trong đó.  

Tôi lan man nghĩ đến mình. Cả đời không nghiện gì nhưng về già hình như tôi nghiện Iphone. Phải công bằng một chút là tôi nghiện internet. Cái desktop, ipad, Iphone là người tình không có không được. Qua thăm con cũng rinh kè kè cái laptop nặng trịch đi theo. Qua khu vực security ở phi trường lụi hụi lôi nó ra để kiểm tra, rồi lại bỏ nó vào carry one lôi đi. Mệt muốn ná thở. Khổ cái thân già là không thể nào rinh nổi cái carry one đó bỏ lên khoang hành lý trên đầu. Lần nào đi chơi cũng áy náy phải nhờ người giúp. Kéo vali vào máy bay, tới ngay ghế ngồi, tìm xem có chàng trai nào vai to cao lớn, đẹp trai ngồi hoặc đứng kế đó để cười tình : ' Please...please". Lúc xuống máy bay cũng vậy, đứng lên chờ , miệng cười ruồi,  chọn anh chàng nào đứng gần đó dáng thân thiện để "Xin một tay...please" để đem cái của nợ xuống dùm. Thiệt là quê xệ. 

Có một lần tôi đi Nhật, không muốn phiền hà nhờ vả người khác, tôi bỏ laptop vào hành lý ký gửi. Qua tới Nhật về nhà mở vali ra tôi thấy hải quan đã mở vali tôi ra lục soát, họ có để lại trong đó tờ giấy kiểm tra hàng hóa. Con tôi nói tại má bỏ laptop vào trong này. máy rọi thấy lạ nên họ đã mở ra kiểm tra. 

Mấy đứa con trai đều ở xa, mỗi lần đi thăm đều kỳ kèo mẹ ở lại chơi ít nhất cũng ba tuần. Cả hai thằng con biết ý mẹ, lúc nào cũng xếp đặt phòng riêng  có bàn để laptop, cái ghế dựa để mẹ ngồi cho thoải mái. Thằng lớn còn đem cái monitor thật to gắn thêm vào cho mẹ dễ đọc.

Hàng ngày con đi làm, cháu đi học, bà già trầu ngồi ở nhà mình ên. Không chơi với người tình mặt trắng thì biết làm gì cho hết ngày giờ. Thế là mở laptop ra, chuyện thế giới, chuyện nội địa, chuyện chiến tranh , bão lụt, chính trị, văn chương nằm hết trong đó. Ngồi chơi lâu cũng mệt, tắt laptop lên giường. Lại có tin nhắn thế là tôi lôi Iphone ra quẹt. Thật lạ! ngồi thì buồn ngủ, nằm quẹt lại tỉnh rụi. Cho nên với ánh sáng của màn hình mắt không yếu không khô, người không mất ngủ mới là chuyện lạ. 

Có những điều tuy rằng tai hại nhưng với thời đại mới không dùng Internet sẽ không giải quyết được cuộc sống hàng ngày. Cả thế giới đều phủ phục dưới sự lãnh đạo tối ưu của Google. Cả thế giới đều tình nguyện bị theo dõi, bị khống chế nhưng vẫn cám ơn bất tận. 

Này nhé trong mùa dịch, người cách ly người. Học sinh không đến trường cửa hàng đóng cửa. Tất cả đều phải liên lạc với nhau trên màn hình qua Iphone và qua internet. Cháu tôi nhỏ xíu mới vô mẫu giáo mà cũng được nhà trường trang bị một cái laptop. Các cháu lớn ở nhà,  tới giờ là vào phòng đóng cửa lại học trên máy. Thầy cô không cần đến trường, học trò không cần tới lớp. Cô giáo có thể vừa chăm con vừa dạy học. Học trò cũng có thể vừa ăn trong giờ mà không bị phạt. Tất cả đều đáp ứng cho tình hình hiện tại. Nhưng rồi kết quả học tập không biết có đạt được tốt đẹp không?  Đành thôi. 

Thời kỳ Covid cha mẹ cách ly con cái. Muốn mua gì quẹt cho con. Con mua xong đem thức ăn cho cha mẹ cũng quẹt báo tin cho mẹ. Tới cửa rào bấm chuông và đặt thức ăn trước cửa nhà. Khi thấy cha mẹ ra nhận đồ đứng bên kia đường đưa tay vẫy vẫy.  Cha mẹ bấm phone quẹt "Thank you" Chuyện thật như đùa, sự hiếu thuận, tình gia đình thời Covid thể hiện như vậy đó. 

Thời đại tin học cộng thêm dịch bệnh Coronavirus thế giới đảo lộn chẳng có gì là không thể xảy ra. Tất cả mọi việc và cuộc sống trên đời này đều bấm và quẹt trên màn hình là giải quyết được hết. Người thật  hay là người ảo cũng chỉ liên lạc với nhau qua bấm và quẹt. 

Bà bác sĩ gia đình của tôi cả năm chưa lấy hẹn cho tôi gặp mặt một lần ở văn phòng. Lý do dịch bệnh giảm thiểu tối đa gặp mặt. Ông Bác sĩ chuyên khoa cũng "Text " gửi qua phone order đi xét nghiệm và chụp hình. Kết quả cũng "text" trên messages là "Kết quả tốt. không cần gặp" rồi gửi order cho tái xét  nghiệm năm sau. 

Hôm qua tôi đi thử máu theo order của bác sĩ để tuần sau gặp ông ta. Con gái cũng làm đủ thủ tục ở nhà rồi. Trung tâm Quest Diagnostic gửi cho tôi trên iphone  để tôi check in 20 phút trước giờ hẹn. Tôi bấm vô "I am here of Quest " theo yêu cầu. Nhưng tới bãi đậu xe bấm vào vẫn chưa cho check in. Vào tận nơi văn phòng bấm lại mới được và tên mình hiện lên TV với giờ hẹn. Rất nhiều người đứng đó cầm iphone quẹt quẹt rồi hỏi y tá. Có người bỏ về.. có người lúng túng không biết làm sao.Tôi nghĩ với lối làm việc hiện đại, thật khó khăn cho những người không biết sử dụng internet, nhất là những người lớn tuổi và lẩm cẩm như tôi. 

Chúng tôi là những người không còn trẻ. Vợ vật lộn chợ đời trong thời buổi quản lý thị trường, lao động là vinh quang. Chồng tù cải tạo ở trong rừng sâu không hề thấy ánh sáng văn minh và con người lịch sự. Qua đến xứ Mỹ hai bàn tay trắng, hai vợ chồng cong lưng cày hai ba job để có được một mái nhà, lo cho con học đến nơi đến chốn. Con học xong, đổ đạt ra trường và bay đi xa. Nhiều khi nhớ con, tôi gọi hỏi thăm mà quên đi mỗi tiểu bang, hay quốc gia múi giờ đều khác. Có những lúc con còn đang say ngủ, nhận facetime của mẹ mà bên đó tối om. Tôi đành xin lỗi con rồi chúc nó ngủ ngon. Có lúc quên canh giờ gọi con đang giờ làm. Con quẹt lại : "Mẹ ơi! con đang bận, con sẽ gọi lại sau giờ làm việc" 

Nhớ ngày xưa, khi con tôi học đại học, cùng nhóm bạn lắp ráp làm và bán computer. Chúng tự làm cho mình cái máy theo ý và thảy cái laptop cũ cho tôi. Thú thật tôi không thể tin được có cái dụng cụ tuyệt vời như vậy. Tôi mày mò vào máy và hỏi con cách sử dụng. Tất cả những gì lúc đó lạ lẫm tôi chưa từng biết. Cháu chịu khó chỉ từng chút mà tôi như lạc vô mê hồn trận quên trước quên sau. Có lẽ trong đầu con nghĩ rằng sao dễ như vậy mà mẹ mình không biết. Tôi phải bảo con nói chậm rồi ghi ra giấy làm từ từ từng bước. Bây giờ thỉnh thoảng xem lại thấy cũng vui vui. 

Tôi bắt đầu mày mò vô mail và viết trả lời ...không có dấu. Mặc ai đoán sao cũng được vì tôi đâu biết phải làm sao đánh chữ Việt. Một lần trả lời Email cho một người học trò, em gọi phone lại cười ngất khi thấy tôi trả lời email không dấu. Tôi cũng không rành để có thể theo em từng step mà download Unikey. Con trai tôi đang học High School, cháu theo chỉ dẫn để gắn cho tôi bảng đánh bằng tiếng Việt trên máy. 

Phải nói chưa có lúc nào tôi vui và say sưa viết như thế. Thật lâu...rất lâu, có đến mấy chục năm tôi không dùng đến chữ nghĩa. Tôi chỉ biết làm việc kiếm tiền, quán xuyến gia đình, chăm mẹ chồng, chồng và con cái. Tôi chưa bao giờ được sống cho riêng tôi. Bây giờ có cái máy xinh xắn này làm bạn, tôi như có thêm sức sống để yêu đời. 

Những lúc quá căng thẳng vì những áp lực... tôi mở máy, hít sâu và tay tôi bấm phím. Những suy nghĩ trong đầu tôi được dịp nhảy múa trên màn ảnh nhỏ. Khi có việc cần phải làm ngay, tôi bỏ đó đi làm. Trở vào trang giấy vẫn còn chờ đợi. Chưa có người bạn nào chung thủy và tốt như computer. Không phàn nàn, không nóng giận. Chờ đợi và chia sẻ. 

Chỉ ở màn hình và những con chữ tôi đã tìm lại bạn bè từ lâu lắm không gặp. Tôi có thể đi du lịch khắp cùng thế giới. Tôi kết bạn với những người chưa bao giờ tôi biết mặt ở khắp năm châu. Tôi học hỏi rất nhiều ở những người bạn phương xa tài giỏi. Mặc dù là ảo nhưng tôi đã có một  tình bạn rất thật và rất tốt. Một tình bạn đối xử với nhau chân thành ở tấm lòng, sự cảm thông, hợp ý. Tình bạn này không đặt vấn đề giàu nghèo hay địa vị xã hội. Mạng lưới Internet đó đã khiến tôi lặn lội qua tận Canada,Texas, Oregon, Virginia ...để gặp mặt và chúng tôi thành những người thân như trong một gia đình.  Vùng Riverside nắng như thiêu đốt nhưng tôi biết giờ này ở Úc trời đang mưa. Cây mận nhà anh Năm Sanh trái từng chùm chi chít và bầy dơi về lùng sục mỗi đêm. Tôi có thể biết được giờ này bên Pháp đang có biểu tình hay Canada tuyết đang rơi thật nhiều trắng cả vùng trời. Nhờ Internet tôi đã về với trường xưa, gặp lại thầy cô, bạn bè và chia sẻ vui buồn. Internet đã cho tôi một năng lượng sống, một không gian tĩnh lặng bình yên để tâm sự. 

Tuy nhiên trong cái hay vẫn có những cái tiêu cực, nhiều nữa là khác. Mọi người đều biết những cái không tốt và nguy hiểm từ Facebook, Youtube, Instagram...cho nên mình phải biết chọn lựa và dừng lại kịp lúc. Đừng quá say mê trên mạng ảo cũng đừng quá tin vào những quảng cáo hay những tin tức không đáng tin cậy mà có ngày hối hận không kịp.

Phải công nhận khoa học kỹ thuật tiến bộ khôn lường. Ngày nào một cái phone cùi bắp cũng đã quá hay. Không còn gửi thư chờ đợi cả tháng trời thư mới tới. Chỉ một cú phone bên kia đầu dây xa nửa vòng trái đất đã nghe rõ câu trả lời, tin tức biết ngay tức khắc.

Ba tôi mất tại Việt Nam (ba tôi đi tu và mất tại chùa). Ngày làm lễ phát tang, chúng tôi bên này con cháu tụ tập về nhà tôi và cùng thực hiện các nghi thức phát tang đồng loạt với bên Việt Nam. Từng hồi chuông tiếng mõ, tiếng tụng kinh của rất đông chư tăng ni, những lời thầy thuyết pháp, chúng tôi hiểu rõ hơn về sinh tử và sự vô thường. Chúng tôi có cảm giác gần gũi gia đình hơn,  cùng chịu đại tang và cùng nhau chí thành cầu nguyện.

Thế giới mỗi ngày mỗi tiến bộ mà óc tưởng tượng của chúng ta không thể nghĩ tới. Khó tin như chuyện Tôn ngộ Không bay trên mây. Như tiên thánh có thể thấy người dưới trần gian.Thuận phong nhĩ có thể nghe ngàn dặm...Iphone thời nay có thể thấy rõ người đang trực tiếp nói chuyện với mình. Đi chơi vòng quanh thế giới có thể Livestream cho người ở nhà cùng thưởng ngoạn. Con cái có thể biết cha mẹ đang ở đâu, làm gì, nhà mình có ai vào không và từng ngóc ngách trong nhà ngồi ở văn phòng có thể nhìn thấy rõ ràng. Những cái bấm, quẹt thay đổi từng giờ. Con người mập có thể lên hình đẹp như tiên nga. Con có thể ở Ý ở Đức ở Nhật order thức ăn cho mẹ, nhà hàng mang tới tận nhà. Sự hiếu để, chăm sóc dễ dàng như trong một giấc mơ.

Vì vậy, cả thế giới bấm và quẹt. Quẹt đem niềm vui đến với người khác. Bấm để báo một tin không lành. Bấm một cái có thể chuyển tặng một số tiền rất lớn. Quẹt sai một cái tiêu tan hết số tiền trong ngân hàng hay Facebook mình bị mất sạch.

Chỉ một cái Iphone nho nhỏ, ta chỉ cần hai ngón tay bấm và quẹt ta có thể đi khắp năm châu. Nó có thể khiến ta vui buồn, giận ghét. Nó khiến ta quên ăn mất ngủ. Nó chiếm hết thời gian của mọi thành viên trong gia đình. Trong nhà không còn cười vui nói chuyện hay tâm sự với nhau. Mỗi người mỗi cái iphone và sống trong ốc đảo của mình. Mỗi người có bạn bè riêng, cuộc sống riêng và nép mình vào đấy để tìm hạnh phúc riêng tư. Để thấy người tàng hình trong đó tốt hơn cha mẹ. Ngọt ngào hơn người chồng, người vợ trong nhà. Người trong đó hiểu ý mình hơn bất cứ ai và yêu mình hơn cả mạng sống của người ấy...Thế là lao vào cuộc tình xa để bỏ cả học hành và sập bẫy. Cuộc sống ở thời đại internet muôn màu muôn sắc khiến con người sống ảo vui hơn sống thực, say mê theo nó quên hẳn với những người yêu thương trước mặt.

Hãy coi Iphone là phương tiện chứ không phải là người thân. Laptop, Iphone hư, mất ta có thể mua một cái mới, người thân mất ta không thể tìm lại được. Khi không cần thiết hãy tắt Iphone, ngừng bấm và quẹt. Dành một chút thời gian nghe cha mẹ tâm sự và cùng cha mẹ đi dạo một vòng để người già thấy mình được quan tâm chăm sóc.

.....

Tôi đã chấm dứt bài viết này ở đây. Thế nhưng có một điều tôi muốn chia sẻ. Một sự chia sẻ rất ngại ngùng và khó khăn mà tiếng miền Trung gọi là "ốt dột" tiếng miền Nam mình gọi là "mắc cỡ hay quê xệ"

Tháng 5 tôi đi cruise với nhóm học trò cũ mà tôi coi như em gái. Có em đã hơn 40 năm tôi chưa gặp lại. Mấy cô trò đi chơi vui lắm. Để có thể chung phòng nói chuyện cho đã, chúng tôi chọn 4 người một phòng dù không có balcony cũng không sao.

Trước khi đi chơi tôi dặn hết con, cháu, bạn bè đừng gọi phone hay nhắn tin vì tôi sẽ không mua internet trên tàu. Tôi muốn dùng thời gian để nghỉ ngơi, chơi với các em cho thỏa thích.

Thường mỗi khi đi cruise, khi tàu ghé đất liền internet trong iphone sẽ hoạt động trở lại và khi ấy là dịp liên lạc báo tin cho gia đình. Tàu rời bến là phải bấm đóng Airplane Mode để bên ngoài có gọi cũng không được.

Thế nhưng, các bạn biết thế nào không? Sau 7 ngày rong chơi trên biển, tàu ghé vào cảng Long Beach tôi mở Iphone ra để gọi về nhà thì phát hiện tin nhắn trong Messages của AT&T báo là tiền tôi xài phone đang vượt qua 200$.00. Tôi hết hồn và sực nhớ khi tàu rời bến hôm qua tôi quên không đóng Airplane Mode và cách đây vài hôm khi đang ngủ tôi thấy điện thoại mình có internet. Cứ tưởng tàu cặp bến đất liền, tôi nằm mở Facebook ra xem và post hình mấy cô trò trên tàu. Coi đồng hồ thì chưa tới giờ tàu cập bến. Tôi vội vàng tắt phone và kể cho các em biết và ngạc nhiên không hiểu vì sao? Lúc ấy tàu cũng cập bến rồi, phone các em ấy cũng đã hoạt động.

Điện thoại này do con trai mua tặng mẹ và cháu trả bill hàng tháng nên tôi lâu nay cứ thế mà xài. Về nhà thấy tin nhắn con trai:

-  Mẹ ơi! cẩn thận, AT&T nói mẹ xài điện thoại vượt quá 200$00". Tôi đành nhắn lại:

-  Mẹ cũng mới biết và mẹ đã về nhà rồi.  Tôi kể cho con biết tôi sử dụng điện thoại như thế nào.

Thật lòng tôi cũng không biết tôi đã vô tình bấm hay quẹt sai lúc nào để điện thoại nhảy qua đường dây quốc tế. Tôi không gọi phone hay xài Youtube hoặc Facebook khi tàu chạy giữa biển. Con tôi và bạn bè cũng không gọi vì tôi đã dặn trước rồi. Vậy thì do đâu đường dây điện thoại viễn liên charge số tiền này.

Con tôi gọi phone hỏi thăm sức khỏe mẹ và an ủi tôi:

- Không sao! Mẹ đừng lo, con sẽ trả. Mẹ đi chơi vui là được rồi

Thế nhưng vài ngày sau, khi nói chuyện cháu cười cười hỏi tôi:

- Mẹ biết đường dây điện thoại charges bao nhiêu nhiêu không? " Tôi trả lời  đầy tự tin:

-Khoảng 220$. Nó cười mà tôi thấy thật là tội nghiệp:

- Hơn 500$ đó mẹ

Thật lòng tôi không tin được. Tôi nói con gọi hỏi kỹ và khiếu nại. Cháu nói con gọi mấy lần mà không được gì hết. Mỗi lần con gọi nó tính tiền viễn liên mắc lắm mẹ ơI. Thôi con trả cho rồi.

Trời ơi! Đi chơi 7 ngày mua vé chỉ có hơn 300$ mà tiền điện thoại không gọi, không xài phải trả hơn 500$ quả là chuyện tệ hại nhất của tôi từ trước tới giờ.

Con gái tôi khi biết chuyện, tới phiên nó khiếu nại và nó trả lời với tôi như vầy:

- Má không gọi phone, không viết mail và gửi đi. Má không mở Youtube hay Facetime, nhưng đường line internet của Iphone vẫn hoạt động. AT&T charge mình giá cao vì giữa biển là không phận quốc tế có rất nhiều hãng điện thoại sử dụng dịch vụ. AT&T phải trả chi phí nối kết đường dây viễn liên đó. Không biết có đúng như vậy hay không, nhưng đành phải ký check  cho trả tiền cho xong.

Bây giờ tôi đã sáng mắt ra và biết cái lỗi của mình. Tôi viết thêm phần này để các bạn thấy cái sai của tôi mà tránh. Nếu đi cruise, đi Âu Châu hay bất cứ nước nào ngoài Mỹ, các bạn có thể mua đường line phone của hãng mình trước. Hình như AT&T giá 10$ một ngày và quy định xài như thế nào đó (Con tôi sẽ mua cho tôi trong chuyến đi Âu Châu sắp tới)

Khi các bạn đi cruise nhớ đóng lại Airplane Mode bằng cách gạt nó qua màu xanh như vậy sẽ không ai gọi vào được. Nhất là cẩn thận đừng bấm hay quẹt bất cứ cái gì mình không biết hay không hiểu trên Iphone.

Một lần lẩm cẩm tôi đã mất đi hơn 500$ mà không dám gọi một cú phone cho con. Nếu xài thả ga thì tôi cũng không tiếc làm gì. Nhưng thôi! Một bài học để nhớ đời Đừng bấm sai, quẹt bậy trên Iphone có ngày trả tiền sặc máu.

 

Nguyễn thị Thêm

Kỷ Vật Từ Biệt - Pierre Bellemare.

Linn Anderson, hai mươi lăm tuổi, trông duyên dáng, hùng dũng, khỏe mạnh trong bộ quân phục quân đội Hoa Kỳ. Ngày 4 tháng 9 năm 1949, Linn ngồi một mình trong nhà hàng Hokkaido tại cảng biển San Francisco.

Ðó là việc đầu tiên Linn thực hiện khi đặt chân trở lại mẫu quốc Hoa Kỳ với lý do đơn giản là nàng nhớ nước Nhật, nơi nàng vừa từ biệt sau một năm rưỡi công tác tại đó. Sau Thế chiến thứ hai, cũng như nhiều phụ nữ Mỹ khác, Linn tình nguyện đi theo đoàn quân viễn chinh Hoa Kỳ đến Nhật, với chức danh nữ thư ký quân đội.

Thời gian phục vụ ở Nhật, Linn đã trải qua những ngày tuyệt vời hơn cả mong đợi với nhiều kỷ niệm không thể nào quên trong đời. Nàng đã xem nhiều thứ, học hỏi vô số điều. Nhật Bản, so với Mỹ, là một đất nước rất xa về địa lý và rất khác biệt về văn hóa. Nàng muốn dùng bữa tại nhà hàng Nhật để ôn lại, đắm mình vào thế giới vừa tuột khỏi tầm tay: hương vị những món ăn, những buổi lễ hội ẩm thực, nghi thức dọn bàn ăn…

Chủ nhà hàng Hokkaido tiến đến bàn của Linn Anderson, nụ cười tươi trên môi. Hai bàn tay nắm lại, ông cúi người chào khách:

– Xin chào. Rất hân hạnh được đón tiếp quý khách tại nhà hàng chúng tôi.

Linn Anderson cười và gật đầu đáp lễ. Trước đây nàng hơi ái ngại trước kiểu cách chào hỏi “quá cầu kỳ” của người Nhật, nhưng giờ thì nàng đã quen rồi.

Cuộc trò chuyện giữa hai người bắt đầu. Linn thuật lại cảm nhận của nàng về nước Nhật trong thời gian làm việc tại đó. Chủ nhà hàng giải thích nhà hàng vừa được khai trương gần đây nên khách đến chưa đông. Nhưng tình trạng này sẽ nhanh chóng qua thôi. Sau những câu xã giao, Linn lấy trong túi xách ra một tấm lụa với những dòng chữ màu đỏ. Từ khi nhận “kỷ vật” này, nàng rất nóng lòng muốn biết ý nghĩa của nó.

– Ông có thể dịch cho tôi nội dung những dòng chữ viết trên tấm lụa này không?

Ông chủ người Nhật lướt qua dòng chữ và hỏi:

– Linn Anderson là ai vậy?

– Là tôi!

– Tôi xin chúc mừng cô.

– Chúc mừng tôi, về việc gì?

– Thì về việc cô thành hôn chứ còn gì nữa.

– Ông nói gì tôi không hiểu?

Chủ nhà hàng Hokkaido rất ngạc nhiên.

– Cô đã kết hôn với Sato Ikeda vào ngày 02 tháng 08 năm 1949. Ðó là nội dung ghi rõ trong tấm lụa này.

Gương mặt của Linn Anderson bỗng tái mét.

– Anh ta dám làm chuyện đó ư ?

Ông chủ nhà hàng vẫn còn sững sờ trước sự việc tréo ngoe này.

Linn ấp úng:

– Tôi là nạn nhân của một trò đùa cợt đáng xấu hổ.

Rồi nàng vội vàng đứng lên.

– Xin lỗi ông, tôi phải đi gặp luật sư của tôi ngay…

John Campbell, ba mươi tuổi, quen biết Linn Anderson lúc cả hai phục vụ trong quân đội. Sau khi giải ngũ, anh về hành nghề luật sư tại San Francisco. Tuy trẻ tuổi nhưng anh đã thu hút lượng thân chủ khá đông. Cuộc viếng thăm có phần bất ngờ của nữ đồng đội khiến anh rất vui pha lẫn ngạc nhiên.

– Ồ Linn! Thật là dễ thương khi em không quên bạn cũ!

Nhưng nàng tỏ vẻ không vui trước sự niềm nở của John.

– Em đến gặp anh với tư cách là một luật sư, John…

Rồi nàng lấy tấm lụa ra cho John xem.

– Có một người đã chế giễu em, John. Anh ta cưới em mà em không hề hay biết. Anh có thể cho em biết hậu quả của sự đùa cợt này nghiêm trọng đến mức nào?

John Campbell chỉ vào tấm lụa chi chít chữ Nhật hỏi:– Em định nói tấm lụa này là giấy kết hôn với tên em trong đó?

– Ðúng vậy.

– Vậy thì anh rất tiếc, nhưng nó thật sự có hiệu lực. Từ khi chúng ta chiếm đóng nước Nhật, hai bên đã ký hiệp định tương tác về các văn bản hành chánh.

– Ðiều đó có nghĩa là… em đã có chồng sao?

– Về mặt pháp lý thì hoàn toàn đúng.

– Nhưng không thể được, John! Người ta nói với em rằng buổi lễ hôm đó có ý nghĩa hoàn toàn khác với lễ thành hôn. Vậy là người ta đã lừa dối em. Một cuộc hôn nhân như thế không thể nào có hiệu lực!

– Em hoàn toàn có lý. Tuy nhiên trường hợp lừa dối, luật pháp sẽ hủy bỏ với điều kiện có bằng chứng cụ thể…

– Thật là tệ hại! Bây giờ thì em phải làm gì đây?

John Campbell đặt hai tay lên vai Linn Anderson, ấn nhẹ cho Linn ngồi xuống ghế và nói:

– Em đã làm đúng khi đến gặp anh bởi đó là nghề của anh mà… Nào, em hãy thuật lại sự việc từ đầu!

Linn lau nước mắt nói:

– Cám ơn anh đã chỉ dẫn.

Rồi Linn Anderson kể lại thời gian nàng công tác ở Nhật với cương vị là một thư ký cho một vị tướng Mỹ. Ðến Tokyo vào đầu tháng 01 năm 1948, nàng không thể nào quên ngày đầu tiên đặt chân lên đất nước mặt trời mọc: tuyết rơi khắp nơi phủ trắng mặt đất, mái nhà; bầu trời trong veo… Ðó là hình ảnh tuyệt đẹp đầy ấn tượng …

Nơi làm việc của nàng là Nagoya nằm về phía Nam của Tokyo. Tại đây nàng quen biết Sato Ikeda. Như những người đứng đầu doanh nghiệp quan trọng khác lúc bấy giờ, Sato Ikeda phải liên lạc với lực lượng chiếm đóng và Linn chính là người tiếp đón Sato Ikeda. Ðó là một chàng trai lớn hơn nàng 1-2 tuổi, nét mặt buồn buồn như đang suy tư điều gì đau khổ và bí mật. Ikeda tự giới thiệu tên mình sau khi nghiêng mình cúi chào rất lịch sự theo kiểu Nhật, một kiểu chào mới mẻ và lạ lẫm đối với nàng. Sau vài câu xã giao, nàng hỏi:

– Doanh nghiệp của ông hoạt động trong ngành nào?

– Nuôi ngọc trai, thưa cô.

Sự trầm trồ, quan tâm thể hiện rõ trên nét mặt của Linn.

– Cô có vui lòng đến thăm trang trại nuôi ngọc trai của tôi không?

– Rất hân hạnh được ông mời…

Vài ngày sau, Linn đến viếng trại nuôi ngọc trai. Nàng thật sự bị mê hoặc bởi thế giới ngọc trai do con người sáng tạo ra. Ikeda rất vui trước sự thán phục của Linn.

– Cô có muốn tôi làm hướng dẫn cho cô không?

– Ðể làm gì ?

– Ði thăm viếng khắp nước …Nhật!

Linn gật đầu đồng ý và Ikeda đã làm đúng lời hứa. Vào ngày cuối tuần, Ikeda đậu xe chờ Linn trước cửa sở làm để đưa nàng đi thăm đất nước Nhật Bản. Nước Nhật cổ kính với đình, chùa, bảo tàng… và cả nước Nhật hiện đại với những dấu tích chiến tranh gần như khắp nơi: những chàng trai trẻ mù lòa, cụt tay, cụt chân, những phụ nữ góa chồng và những khu phố bị san phẳng. Giờ thì Linn đã hiểu vì sao nét buồn luôn phảng phất trên gương mặt của Ikeda.

Nhưng lúc nào Ikeda cũng thể hiện là một người đồng hành thoải mái, hiểu biết rộng rãi về nền văn hóa Á Ðông bên cạnh người bạn gái đến từ nước Mỹ. Thỉnh thoảng đứng trước một cảnh đẹp tự nhiên, Ikeda ngâm vài câu thơ toát lên tâm tư tình cảm của dân tộc anh. Cùng với thời gian tình cảm giữa hai người trở nên sâu đậm hơn. Ðối với Linn đó là tình bạn, sự đồng cảm sâu sắc. Linn tin rằng tình cảm Sato Ikeda dành cho nàng cũng là tình bạn… cho đến một ngày Chủ Nhật của tháng 7 năm 1949…

Linn vừa thông báo với Sato nàng quyết định quay về Mỹ. Ngay lúc đó Ikeda thố lộ tình yêu đối với Linn và xin cầu hôn nàng, điều mà nàng không hề chờ đợi. Linn không muốn làm khổ chàng trai Nhật và cũng không thể chấp nhận lời cầu hôn.

– Không thể được anh Ikeda ạ. Mỗi chúng ta thuộc về một đất nước quá cách biệt, xa xôi.

– Không đâu, Linn. Tình yêu của chúng ta là có thể!

– Nào anh Ikeda. Khi cầu hôn em, anh có nghĩ rằng anh sẽ đến sống với em ở nước Mỹ không.

– Tất nhiên là không… Anh không thể rời bỏ nước Nhật.

– Còn em thì cũng không thể sống suốt đời tại đây.

Ikeda không đáp lời Linn. Chàng chỉ cúi đầu biểu hiện sự đồng tình…

Ba tuần sau, ngày 02 tháng 08 năm 1949, họ lại gặp nhau. Cả hai đều hiểu rằng đây là lần gặp nhau cuối cùng. Sato Ikeda trao cho Linn chiếc hộp nữ trang đựng một chuỗi hạt trai tuyệt đẹp. Rồi chàng nói với giọng hơi run:

– Em có muốn cùng anh đến ngôi đền Nagoya không? Ðó là một tập quán của người Nhật để nói lời từ biệt người thân.

Linn Anderson chấp nhận lời đề nghị của Ikeda. Nàng rất cảm động cùng Ikeda đến ngôi đền. Một vị hòa thượng đang chờ họ tại đó. Buổi lễ “từ biệt” được tổ chức trong tiếng kinh cầu của vị hòa thượng, khói nhang và mùi hương của vỏ cây đàn hương đang cháy trong lò. Theo hướng dẫn của Ikeda, thỉnh thoảng Linn nghiêng mình, cúi đầu, chắp tay xá… Buổi lễ “từ biệt” kết thúc không lâu sau đó. Vị hòa thượng đến trước mặt Linn, nắm hai tay vào nhau, cúi đầu 3 lần. Ngài lấy ra từ trong túi áo cà sa tờ lụa với mấy dòng chữ màu đỏ. Sato Ikeda nói với nàng:

– Em hãy cẩn trọng cất giữ bên mình tấm lụa này, xem nó như một kỷ vật quý báu…

Ðến đây, Linn chấm dứt câu chuyện kể. Luật sư John Campbell tỏ vẻ xúc động.

– Linn này. Có một điều làm anh khó hiểu. Việc lừa gạt này không phù hợp tí nào với tính cách của nhân vật Sato Ikeda mà em mô tả trong câu chuyện. Mặt khác, mưu mô mà Ikeda hành xử sẽ không hy vọng mang lại cho anh ta bất kỳ lợi ích nào.

Linn ngồi tư lự.

– Em cũng nghĩ vậy, em không thể tin nổi. Theo anh thì Ikeda làm điều đó vì mục đích gì ?

– Anh không biết. Cách hành xử của Ikeda quả là khó hiểu. Chắc phải đợi thời gian trả lời thôi…

Ngay trong ngày hôm đó, John Campbell liên lạc với Nagoya và anh nhận được câu trả lời mà anh mong đợi. Lập tức anh nhấc điện thoại lên thông báo kết quả cho nữ đồng đội xưa.

– Linn này! Anh biết tại sao Sato Ikeda đã cưới em… Thật không thể tưởng tượng! Anh không mấy khó khăn để tìm ra câu trả lời. Hiện tại ở Nagoya, người ta đang bàn đến câu chuyện này, và nhà chức trách Hoa Kỳ đang tìm em để thông báo sự việc.

– Việc gì?

– Khi em biết được sự thật, em sẽ hiểu rõ vấn đề…

Rồi John im lặng.

– Anh John, em xin anh hãy kể cho em nghe đi. Tại sao anh lại do dự, im lặng?

– Anh lo sợ em sẽ bị cú sốc… Sato Ikeda đã chết!

– Chết rồi ư!

– Vâng, anh ta đã tự tử chết. Thật là khủng khiếp. Sato Ikeda đã tự tử theo kiểu Nhật: hara-kiri, tức là mổ bụng tự sát…

Bên kia đầu dây, Linn hét lên một tiếng. Nàng cố xua đuổi hình ảnh ghê rợn vừa xuất hiện trong đầu: Sato cầm kiếm samurai tự rạch bụng. John nói tiếp:

– Anh hiểu rất khó khăn cho em vượt qua trạng thái bàng hoàng này. Nhưng hãy nghe anh kể tiếp. Sato Ikeda đã để lại một bức thư giải thích hành động của anh ta. Em hoàn toàn đúng khi từ chối lời cầu hôn. Một cuộc hôn nhân như thế là không khả thi bởi hai người thuộc về hai xã hội hoàn toàn khác biệt. Anh ta cám ơn em đã dành cho anh ta những giây phút hạnh phúc.

Linn Anderson đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác đến độ nàng không thốt lên được lời nào. Luật sư lại tiếp:

– Trong bức thư từ biệt, Sato Ikeda giải thích rằng chết vì tình yêu là điều anh mong ước. Một trong những người ông của Sato đã tự tử vì bố mẹ phản đối ông cưới người phụ nữ trẻ mà ông ta hết lòng yêu thương. Sato rất tôn sùng người ông này và anh ta rất hạnh phúc được hội ngộ ông nơi chín suối…

Ngưng giọng trong giây lát, luật sư John đi đến kết luận gây sốc nhất:

– Sato Ikeda không tự tử vì tuyệt vọng. Tất cả thành viên trong gia đình anh đã lìa đời trong chiến tranh. Do đó người thừa kế khối tài sản của anh là người thân duy nhất hiện nay, đó chính là em, Linn Anderson!

– Là em?

– Ðúng vậy, vì em là người vợ hợp pháp của Sato. Hôn lễ và tấm lụa “kỷ vật từ biệt”, giấy chứng nhận kết hôn hoàn toàn hợp pháp, được chính quyền Nhật công nhận. Toàn bộ tài sản của Sato Ikeda thuộc quyền sở hữu của em, giang sơn nuôi ngọc trai bây giờ là của em!

Linn Anderson như nghẹt thở trước những tin bất ngờ này vừa lọt vào tai nàng: người đàn ông tự tử chết theo cách khủng khiếp nhất, hara-kiri, đã biến nàng trở thành nhà tỷ phú chỉ trong tích tắc…

– Anh John, thật tình em không muốn khối tài sản đó!

– Anh hiểu em. Nhưng tài sản đó không thể vô chủ.

– Em nghĩ giải pháp tốt nhất là dùng nó để giúp những nạn nhân chiến tranh của nước Nhật.

– Thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu sẽ phức tạp đấy…

– Vâng em biết. Anh giúp em thực hiện thủ tục nhé.

Bên kia đầu dây im lặng trong giây lát, rồi giọng nói cảm động của Linn nói tiếp:

– Anh John! Sato đã không lừa dối em. Ðó chính là “Kỷ vật từ biệt”!

 

Đào Duy Hòa Phỏng Dịch từ nguyên tác “Souvenir d’adieu”





CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.