.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Học cách chăm sóc mắt hằng ngày bằng thảo dược tự nhiên



Theo dược sỹ Ngô Nghi Trân, tới từ chuyên khoa dược bệnh viện y học cổ truyền Côn Minh thành phố Đài Bắc, muốn bảo vệ và phòng ngừa các bệnh về mắt, ngoài sử dụng các loại dược phẩm chuyên dụng, uống trà cũng có tác dụng hỗ trợ rất hiệu quả.
Mắt là nơi tiếp nhận ánh sáng đầu tiên ngay từ khi thức dậy và hoạt động liên tục khi bạn đi đường, giao tiếp, đọc sách báo hay làm việc… Sau 8 tiếng nơi công sở, tất cả các bộ phận khác của cơ thể đều có thể nghỉ ngơi, nhưng mắt vẫn phải điều tiết ngay cả khi bạn xem tivi hoặc ngồi thư giãn buổi tối.
Những bệnh về mắt như tăng nhãn áp, khô mắt, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng vốn là hay xuất hiện ở người có tuổi thì này đang có xu thế trẻ hóa ở thanh niên. Theo dược sỹ Ngô Nghi Trân, tới từ chuyên khoa dược bệnh viện y học cổ truyền Côn Minh thành phố Đài Bắc, muốn bảo vệ và phòng ngừa các bệnh về mắt, ngoài sử dụng các loại dược phẩm chuyên dụng, uống trà cũng có thể hỗ trợ bảo vệ mắt rất hiệu quả. Vậy muốn chăm sóc ‘cửa sổ tâm hồn” cần chú ý những gì và dùng loại thảo dược nào để chăm sóc nó?

Trong mọi sinh hoạt hàng ngày, mắt luôn phải điều tiết liên tục ngay cả khi bạn ngồi thư giãn.

Chú ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt
Sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách mới có thể thực sự phát huy hiệu quả trị liệu tốt nhất. Những loại thuốc nhỏ mắt thông dụng trên thị trường hiện nay bao gồm thuốc nước, dịch gel và thuốc mỡ. Vậy khi sử dụng chúng cần chú ý điều gì? Dưới đây là những chú ý khi sử dụng thuốc:
1. Khi sử dụng từ hai loại thuốc nhỏ mắt trở lên cần cách nhau 5 phút.
2. Nếu dùng hơn một loại thuốc nhỏ mắt thì chờ tối thiểu là 5-10 phút trước khi nhỏ loại thứ 2. Trước tiên ưu tiên thuốc nước, tiếp đó là dung dịch dạng gel và cuối cùng là thuốc mỡ.
3. Ngoại trừ các loại thuốc đặc biệt chỉ định phải để lạnh, thông thường không cần. Để nơi thoáng mát tránh ánh sáng.
4. Tuyệt đối không được để đầu lọ thuốc tra mắt tiếp xúc với mắt vì lọ thuốc có thể bị nhiễm khuẩn không còn tác dụng. Thuốc đã mở ra dùng chỉ được sử dụng trong vòng 1 tháng, để nơi thoáng mát tránh ánh sáng.
5. Rửa tay kỹ trước khi tra, nhỏ thuốc: Để nhỏ thuốc dạng dung dịch chúng ta cần rửa tay kỹ trước khi nhỏ; ngửa đầu hay nằm xuống và nhìn lên trên; nhẹ nhàng nắm mi mắt dưới lông mi và kéo khỏi mắt để tạo thành một túi; đặt ống nhỏ giọt thẳng phía trên mắt; không để ống nhỏ giọt tiếp xúc với ngón tay, mắt hoặc bất kỳ bề mặt nào; giữ khoảng cách từ mắt đến đầu ống nhỏ giọt khoảng 2,5 cm.

Tuyệt đối không được để đầu lọ thuốc tra mắt tiếp xúc với mắt vì lọ thuốc có thể bị nhiễm khuẩn không còn tác dụng (Ảnh: OkayDoc.com)

6. Khi nhỏ mắt, tránh chạm tay vào đầu ống nhỏ giọt để không gây ô nhiễm thuốc: Cần nhìn lên trên trước khi nhỏ một giọt thuốc vào mắt; thả mi mắt ra từ từ và nhẹ nhàng nhắm mắt lại; với đôi mắt khép kín, dùng áp lực nhẹ nhàng của một ngón tay ấn vào góc bên trong của mắt 2 đến 3 phút để làm chậm thoát dung dịch thuốc; không rửa ống thuốc; không sử dụng thuốc nhỏ mắt có thay đổi màu sắc hoặc có chứa chất kết tủa;
Ngoài việc dùng các loại thuốc nhỏ mắt, còn có thể thông qua việc điều chỉnh chế độ ăn uống để bảo vệ mắt. Trong các loại dược liệu, Kỷ tử, Cúc hoa, Quyết minh tử, Tang diệp đều là những loại hỗ trợ bổ mắt hiệu quả.
Trong dân gian, Kỷ tử còn có tên là “Minh mục tử”, có nghĩa là quả sáng mắt. Theo Đông y, kỷ tử nhuận và bổ, lại có khả năng giải nhiệt nên là vị thuốc trọng yếu để bổ thận nhuận phế, sinh dịch mới và ích khí, chuyên chữa chứng can thận âm hư mà sinh nhiệt bên trong; là vị thuốc bổ tinh, sáng mắt, được coi là thượng phẩm đối với người già vốn phần âm đã hư hao bảy, tám phần; Tang diệp vị đắng ngọt, tính hàn; vào phế và can. Có tác dụng phát tán phong nhiệt, thanh can minh mục, thanh phế chỉ khái. Dùng cho các trường hợp cảm mạo phong nhiệt, đau đầu, đau mắt đỏ, viêm khí phế quản, ho khan ít đờm, khát nước khô miệng. Hằng ngày, có thể sử dụng trà Kỷ tử cúc hoa để bổ mắt, người thường xuyên bị cay mắt có thể uống trà Tang diệp, Kỷ tử. 

Có thể dùng các loại trà thảo dược để hỗ trợ bổ mắt và giúp sáng mắt (Ảnh: epochtimes.com)

Món ăn bài thuốc bổ mắt
1. Trà Kỷ tử cúc hoa
Nguyên liệu: Kỷ tử 20g, Cúc hoa 6g, Táo đỏ 3 quả
Cách làm: Rửa sạch những nguyên liệu trên, cho vào nồi thêm 1000cc nước đun sôi, sau đó giảm lửa đun thêm 10 phút, uống thay nước hằng ngày

Dùng trà Kỷ Tử, cúc hoa hằng ngày để bảo vệ mắt

2. Trà Tang diệp Kỷ tử
Nguyên liệu: Tang diệp 10g, Kỷ tử 15g, Quyết minh tử rang 10g.
Cách làm: Trần các nguyên liệu qua nước sôi, dùng 200cc nước hãm như pha trà, uống được 1 nửa lại thêm nước, uống 2 -3 lần cho tới khi nhạt.

Người thường xuyên bị cay mắt có thể uống trà Tang diệp, Kỷ tử mỗi ngày

   Cách chăm sóc mắt hằng ngày
Cho mắt nghỉ ngơi bằng quy tắc 20 – 20 – 20
Sau khi sử dụng máy tính, thiết bị di động trong nhiều giờ, mắt thường mệt mỏi vì các cơ phải hoạt động liên tục để nhận biết và quan sát nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau. Vì thế, bạn nên áp dụng quy tắc 20 – 20 – 20: cứ sau 20 phút làm việc với máy tính, hãy nhìn vào một vật nào đó trong 20 giây ở cách xa 6 – 20 m. Sự nghỉ ngơi này sẽ giúp mắt và hệ thần kinh được thư giãn, mắt điều tiết lại, hạn chế được căng thẳng, nhức mỏi mắt.

Cho mắt nghỉ ngơi bằng quy tắc 20 – 20 – 20 (Ảnh: sohu.com)

Massage cho mắt
Trước khi ngủ, bạn nên dành ít phút massage nhẹ nhàng vùng mắt, giúp mắt thư giãn và hạn chế nguy cơ giảm thị lực. Vùng da xung quanh mắt là nơi dễ bị lão hóa nhất trên khuôn mặt do vùng da này mỏng, dễ bị khô, ít các tuyến mỡ và tuyến mồ hôi. Cách thực hiện đúng là dùng ngón tay xoay nhẹ nhàng vòng quay mắt; vuốt nhẹ vùng bầu mắt trên và bầu mắt dưới; dùng tay day giữa hai chân mày và sau đó là ở huyệt hai bên cánh mũi. Nên rửa tay sạch trước khi massage để tránh gây viêm nhiễm cho mắt.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung 
Kiên Định

Trà kỷ tử – Bổ tinh, sáng mắt. Những người hay lướt web, làm việc máy tính… ai cũng cần


Trong dân gian, Kỷ tử còn có tên là “Minh mục tử”, có nghĩa là quả sáng mắt, được ví như Thiên tinh (tinh của trời), Địa tiên (tiên của đất), Khước lão (đẩy lui tuổi già)… Người chú trọng dưỡng sinh bảo vệ sức khỏe không thể không biết.
Kỷ tử – trà thượng phẩm dành cho mắt
Làm việc nhiều với màn hình máy tính và điện thoại là một trong những cách phá hủy thị lực nhanh nhất. Tránh tuyệt đối thì không thể, nhưng chúng ta có thể sử dụng một vài cách để trì hoãn mức độ suy giảm thị lực, ví dụ như trà kỷ tử.
Theo Đông y, kỷ tử nhuận và bổ, lại có khả năng giải nhiệt nên là vị thuốc trọng yếu để bổ thận nhuận phế, sinh dịch mới và ích khí, chuyên chữa chứng can thận âm hư mà sinh nhiệt bên trong; là vị thuốc bổ tinh, sáng mắt, được coi là thượng phẩm đối với người già vốn phần âm đã hư hao bảy, tám phần.

Kỷ tử – vị thuốc của trường sinh minh mẫn (Ảnh minh họa)


Các thầy thuốc Đông y cho rằng: Can là cơ quan có chức năng tàng huyết, chủ về cân, khai khiếu ở mắt; Thận tàng tinh, chủ về xương, khai khiếu ở tai. Hai cơ quan này đều nằm ở phần dưới của cơ thể (hạ tiêu), có chức năng tương hỗ lẫn nhau. Nếu Can Thận âm hư thì tinh và huyết đều thiếu nên không thể nuôi dưỡng mắt đầy đủ được mà phát sinh chứng trạng hoa mắt, mắt mờ, thị lực giảm sút…
Kỷ tử là vị thuốc vào được cả kinh Can và Thận, một mặt bổ ích Thận tinh, một mặt bổ dưỡng Can huyết nên có thể chữa được các chứng bệnh như đầu choáng mắt hoa, nhìn mờ, tai ù, điếc, lưng đau gối mỏi, di tinh, liệt dương…
Cách pha trà Kỷ tử bổ dưỡng
Không cần cầu kỳ, chỉ cần lấy 15g kỷ tử hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 – 20 phút là có ngay một thứ nước màu đỏ đẹp, thơm ngon.
Trà kỷ tử vừa có tác dụng giải khát thay trà trong ngày lại vừa có công năng phòng trị bệnh, rất tốt cho người làm việc trí óc và phải dùng máy tính nhiều.

Trà hoa cúc kỷ tử vị thơm ngon dễ uống (Ảnh minh họa)

Để lợi dụng tối đa công năng của trà Kỷ tử, tuỳ theo thể chất và chứng trạng cụ thể, người ta có thể gia thêm một số vị thuốc khác như Cúc hoa (để làm sáng mắt và chữa đau đầu, chóng mặt), Mạch môn và Ngũ vị tử (để cải thiện trí nhớ và làm cho tinh thần tỉnh táo), Thảo quyết minh, Đan sâm và Hà thủ ô ( bổ can Thận và làm hạ mỡ máu), Đương quy và Đại táo (dưỡng huyết, làm tăng hồng cầu trong máu ngoại vi), Toan táo nhân và Ngũ vị tử (dưỡng tâm an thần), Đông trùng hạ thảo (bổ thận trợ dương)…
Theo nghiên cứu hiện đại, kỷ tử là một trong những vị thuốc có tác dụng dược lý rất phong phú:
  • Cải thiện và điều tiết công năng miễn dịch của cơ thể.
  • Nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống nội tiết Hạ khâu não – Tuyến yên – Tuyến thượng thận.
  • Bảo vệ tế bào gan, ức chế sự lắng đọng chất mỡ trong gan, thúc đẩy quá trình tái sinh của tế bào gan.
  • Điều chỉnh rối loạn lipid máu, làm hạ và làm chậm sự hình thành các mảng vữa xơ trong huyết quản.
  • Hạ đường huyết.
  • Làm giãn mạch và hạ huyết áp.
  • Thúc đẩy quá trình tạo huyết của tuỷ xương.
  • Chống oxy hoá và làm chậm sự lão hoá.
  • Nâng cao sức chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu oxy, phòng chống tích cực trạng thái mệt mỏi.
  • Chống phóng xạ và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư…
Đơn giản dễ làm, một mũi tên trúng nhiều mục đích, bạn hãy thử dùng trà Kỷ tử trong dịp Tết này xem sao.
Ngoài ra, để bảo vệ đôi mắt cho người phải thường xuyên làm việc nhiều giờ với máy tính, các chuyên gia còn đưa ra một số lời khuyên:
  • Giảm chói sáng bằng cách lau sạch màn hình và đảm bảo rằng màn hình là vật sáng chói nhất trong căn phòng.
  • Ngồi cách xa màn hình một cánh tay. Không nên để màn hình nghiêng, và nên đặt màn hình ngay dưới tầm mắt.
  • Nhắc nhở bản thân chớp mắt vì thông thường khi chăm chú làm việc, đa số mọi người quên chớp mắt, chớp ít hơn hẳn so với bình thường.
  • Sau mỗi 20 phút, hãy dành cho mình 20 giây để kiểm tra xem điều gì đang diễn ra cách bạn 6m.

Tập yoga cho mắt, thay đổi tầm nhìn xa – gần nhiều lần để cải thiện thị lực (Ảnh minh họa)

  • Hãy cân nhắc mua một cặp kính mắt dùng riêng cho việc sử dụng máy tính.
  • Không nên chọn mua loại máy có màn hình quá nhỏ, hoặc cần thay những màn hình đã quá cũ.
  • Hãy lưu tâm đến chế độ ăn giàu vitamin A để bảo vệ sức khỏe cho mắt, đồng thời lưu ý ngủ đủ giấc cho mắt nghỉ ngơi.
Minh Thành


Thanh nhiệt giải độc, sáng mắt… nhờ 4 món ăn từ hoa bí ngô


Bí ngô được biết đến nhiều vì có chứa acid glutamic cần thiết cho hoạt động của não bộ, hoa bí cũng được ưa chuộng dùng trong Đông y vì có nhiều tác dụng phòng và trị bệnh.
Phấn hoa bí ngô (bí đỏ) được nghiên cứu và công nhận trên toàn thế giới về những tác dụng tuyệt vời trong việc chăm sóc sức khỏe, cải thiện giấc ngủ, bảo vệ mạch máu, tim mạch, tăng trí thông minh, cầm máu nhanh và tăng cường sức mạnh thể chất. Cả hoa bí đỏ còn tươi và hoa phơi khô đều có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, cầm máu. Thường được chuyên gia Đông y sử dụng để điều trị ho, vàng da và bệnh kiết lỵ.
Hoa bí có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng, cầm máu. (Ảnh: afamily.vn)
Hoa bí đỏ còn có tác dụng giúp điều trị viêm kết mạc, viêm vú và các chứng sưng viêm. Nó chứa chất carotene, giúp điều trị viêm hạch (u lympho) ác tính và các mầm bệnh ung thư khác.
1. Canh hoa bí ngô đường phèn
Hoa bí ngô 30 – 50g, đường phèn 5 – 10g, tất cả đem nấu canh ăn trong ngày. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, hạ khí tiêu đờm. Thích hợp trị các chứng ho đờm vàng đặc, chân tay nặng nề, ăn uống kém… hoặc có thể lấy 5 – 7 bông hoa bí ngô, một thìa đường phèn, hãm uống.
2. Canh hoa bí ngô kim ngân, long đởm thảo
Hoa bí ngô 30 – 50g, hoa kim ngân non 15 – 10g, long đởm thảo 20 – 30g. Trước tiên cho long đởm thảo vào xoong cho nước vừa đủ đun sôi 25 – 30 phút tắt bếp gạn lấy nước trên bỏ bã rồi cho hoa bí và kim ngân vào nấu thành canh, nêm gia vị vừa đủ múc ra ăn. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, tả hỏa, khứ thấp, dưỡng can mộc thoái hoàng. Thích hợp cho các chứng vàng da, viêm gan cấp, mạn tính, gan nhiễm mỡ, đau mắt đỏ…
3. Canh hoa bí ngô rau sam
Hoa bí ngô 30 – 50g, rau sam 20 – 30g, tất cả đem nấu canh ăn 5 – 7 ngày. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán huyết, tiêu thũng, mạnh trường vị, thông đại tiểu tiện và diệt khuẩn. Thích hợp cho hội chứng lỵ, viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu (đái dắt, đái buốt, đái ra máu), mụn nhọt lở ngứa, viêm đại tràng, táo bón… Ngoài ra, có thể kết hợp với đậu Hà Lan hoặc đậu đen…
4. Hoa bí ngô xào gan lợn
Hoa bí ngô 50 – 70g, gan lợn 200 – 300g đem xào ăn trong ngày. Bài thuốc có tác dụng dưỡng huyết thanh can sáng mắt. Thích hợp cho các chứng: quáng gà, suy giảm thị lực, cận, viễn thị…
Cao Sơn

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.