.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

Tại sao Vạn Lý Trường Thành "2000 năm không đổ" dù chỉ được xây dựng bằng đất và đá? Bí mật nằm ở thứ vữa "bền hơn cả bê tông" mà người xưa sáng tạo nên

(Tổ Quốc) - Các nhà nghiên cứu cho rằng loại vữa “thần thánh” này đã giúp trường thành sống mãi với thời gian.

Vạn lý trường thành là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc, cũng là công trình quân sự nhân tạo dài nhất thế giới.

Công trình nghìn năm

Vạn Lý Tường Thành được xây dựng chủ yếu bằng đất và đá từ thế kỷ thứ 5 TCN cho tới thế kỷ 16. Trong đó nổi tiếng nhất phần tường do vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng, ra lệnh xây từ năm 220 TCN - 200 TCN.

Trong lịch sử, miền Bắc Trung Quốc trước kia có nhiều bộ lạc du mục sinh sống như người Hung Nô, Mông Cổ... họ thường xâm nhập và trung nguyên để cướp bóc, tàn phá. Do đó, "thế lực" này luôn là một mối đe dọa nghiêm trọng và thường trực đối với người Hán ở Trung Nguyên. 

Để người dân được sống yên ổn, từ thời chiến quốc, những nước có biên giới phía Bắc như Tần, Triệu, Yên đã phải xây dựng tường thành để ngăn chặn những bộ lạc du mục này "hoành hành".

Một đoạn của Vạn Lý Tường Thành. Ảnh: Internet

Sau này khi Tần Thủy Hoàng tiêu diệt 6 nước chư hầu và thống nhất Trung Quốc, bạo chúa này đã cho xây thêm và nối liền những bức tường thành của 3 nước thành Vạn Lý Tường Thành.  Hơn 2 triệu người đã được huy động để kết nối các bức tường kéo dài hàng ngàn dặm mà đa số là người nô lệ và nông dân nghèo. 

Họ làm việc quần quật dưới mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt và có sự giám sát của những giám công có roi vọt trong tay. Ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trong thời gian xây dựng trường thành.

Suốt 21 thế kỷ, Vạn Lý Trường Thành liên tục được bồi đắp và xây dựng. Quá trình xây dựng này chỉ kết thúc vào triều đại mới của Trung Quốc là nhà Minh (sau khi nhà Nguyên sụp đổ) vào thế kỷ 16 và 17.

Ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng trong thời gian xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Ảnh: Sohu

Vạn Lý Tường Thành có chiều dài hơn 8.000 km bao gồm cả tường thành do con người xây dựng và tường hào/rào chắn tự nhiên. Trong suốt hơn 2000 năm xây dựng, Vạn Lý Trường Thành đã chứng kiến sự thịnh suy, thăng trầm của biết bao triều đại Trung Hoa. 

Năm 1987, UNESCO công nhận Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là Di sản thế giới. Bức trường thành sau 2 thiên niên kỷ vẫn uy nghi, sừng sững ở đó như một người cận vệ trung thành, chứng kiến lịch sử Trung Quốc xoay vần.

Cũng chính vì thế mà nhiều người không khỏi thắc mắc, bức tường thành này được xây dựng từ những vật liệu gì mà bền vững tới vậy. Liệu nó có được xây dựng từ những vật liệu quý hiếm và phức tạp nào không ?

Giải mã bí mật đằng sau bức tường thành trường tồn với thời gian

Câu trả lời là không!

Trên thực tế, các chuyên gia cho biết Vạn lý trường thành được xây dựng chủ yếu bằng đất, đá. Tuy nhiên, để kỳ quan này hiên ngang đứng vững sau hơn 2000 năm chính là do một loại vữa đặc biệt được làm từ gạo nếp để lấp đầy các kẽ hở trên gạch.

Theo các nghiên cứu, loại vữa “thần thánh” này được những người thợ xây dựng cổ đại tạo ra bằng cách trộn súp gạo nếp với đá vôi đã nung nóng ở nhiệt độ cao, cho thêm nước và các thành phần khác. Cấu trúc này rất rắn chắc và không hề thấm nước. Đây cũng chính là loại vữa phức hợp đầu tiên trên thế giới được tạo ra từ nguyên liệu hữu cơ kết hợp với nguyên liệu vô cơ.

Nhà khoa học Trung Quốc Trương Băng Khiêm từng nói rằng loại vữa này là một trong những phát minh kỹ thuật vĩ đại nhất trong lịch sử, nó bền và chịu nước tốt hơn so với loại vữa bằng vôi nguyên chất. 

Vạn Lý Trường Thành vững chắc sau hơn 2000 là nhờ một loại vữa đặc biệt được làm từ gạo nếp. Ảnh:Sohu

Để khẳng định độ cứng của loại vữa này, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm tính năng của nó với các tỷ lệ gạo nếp khác nhau, sau khi đối chiếu và so sánh với vữa vôi truyền thống, họ nhận thấy: "Tính chất vật lý của vữa gạo nếp ổn định và có độ bền cơ học cao hơn. Những đặc điểm này làm cho nó trở thành vật liệu thích hợp để phục hồi các công trình kiến trúc bằng đá cổ."

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng gạo nếp có chứa một thành phần gọi là "amylopectin", một chất hầu như không tan trong nước và có độ kết dính cao giúp cho loại vữa này trở nên cứng, đặc biệt chắc chắn và không hề thấm nước.

Ngoài tường thành, vữa gạo nếp cũng được sử dụng để xây dựng những công trình khác. Ví dụ, những ngôi chùa và cây cầu cổ được xây dựng vào thời nhà Đường và nhà Tống ở Tuyền Châu, Phúc Kiến; các bức tường thành cổ ở Nam Kinh, Tây An và Kinh Châu được xây dựng vào thời nhà Minh vẫn còn nguyên giá trị sau hơn 600 năm. 

Ngoài ra, những ngôi mộ cổ từ thời nhà Minh khi được khai quật dù đã sử dụng đến cuốc, xẻng hay máy ủi, máy xúc nhưng công tác khai quật vẫn gặp không ít khó khăn vì tường xây quá chắc.

Sau triều đại nhà Tống và nhà Nguyên, việc sử dụng vữa gạo nếp ngày càng trở nên thuần thục. Tử Cấm Thành nổi tiếng ở Bắc Kinh, Vạn Lý Trường Thành, Khu nghỉ mát Núi Thừa Đức, Lăng mộ Nhà Thanh, Tường chắn sông Tiền Đường và các công trình khác của thời nhà Minh và nhà Thanh đều sử dụng loại vữa để kết dính gạch và đá. Phần lớn những công trình này vẫn còn nguyên vẹn qua hàng trăm năm, thách thức cùng thời gian kể cả khi bị tác động bởi nhiều trận động đất.

Tổng hợp

Công trình gây sốc bên bờ sông Nile: Người Ai Cập "vượt thời gian"?


(NLĐO)- Tại thành phố cổ Abydos gần sông Nile, các nhà khảo cổ Mỹ và Ai Cập vừa khai quật được tàn tích 5.000 tuổi của một... nhà máy bia quy mô công nghiệp đồ sộ, với 50.000 lít bia thành phẩm cho mỗi mẻ nấu.

Công trình gây sốc cho thấy vào thời điểm mà phần lớn xã hội loài người hãy còn chập chững trong các làng mạc thời đại đồ đá, người Ai Cập đã tổ chức cuộc sống của họ theo cách hiện đại đến không tưởng.

Theo Ancient Origins, cho dù bằng chứng về bia cổ đã được tìm thấy ở nhiều nền văn minh với niên đại 5.000-13.000 năm, nhưng đây là một trong những bằng chứng về hoạt động sản xuất bia "chuẩn" công nghiệp sớm nhất từng được tìm thấy.

Các thùng gốm lớn với nhiều công dụng khác nhau trong quy trình nấu bia được sắp xếp thành các dây chuyền khổng lồ, hoạt động nhịp nhàng với công suất "khủng" không thua các nhà máy bia hiện đại - Ảnh: Hội đồng Cổ vật tối cao Ai Cập

Theo ông Mostafa Waziri, tổng thư ký Hội đồng Cổ vật tối cao Ai Cập, các bằng chứng cho thấy nhà máy bia cổ này hoạt động vào thời pharaoh Narmer, người đã thống nhất Ai Cập vào đầu Thời kỳ Vương triều thứ nhất (năm 3150 đến 2613 trước Công Nguyên).

Nhà máy bia bao gồm 8 dây chuyền sản xuất khổng lồ, dài từ 20-35 mét, rộng 2,5 mét, chứa tối đa 80 thùng gốm được sử dụng cho các công đoạn nghiền nguyên liệu, đun hỗn hợp ngũ cốc và nước...

Nếu tất cả các cấu trúc vận hành đồng loạt, nhà máy bia này sẽ cho ra tới 50.000 lít bia thành phẩm cho mỗi mẻ nấu. Số bia này được cung ứng cho nhiều thành phố lớn thuộc đế chế.

Di tích nhà máy bia ở Ai Cập - Ảnh: Hội đồng Cổ vật tối cao Ai Cập

"Điều này thể hiện một quy mô sản xuất công nghiệp thực sự, thậm chí theo các tiêu chuẩn hiện đại" - Abydos Archaeology trích dẫn lời các nhà nghiên cứu.

Văn minh Ai Cập từ lâu đã có ma lực với giới khảo cổ vì dường như người Ai Cập đã xây dựng được một thế giới riêng với trình độ công nghệ và mức độ tổ chức xã hội vượt thời gian so với phần còn lại của thế giới. Các nhà khảo cổ nghi ngờ rằng người Ai Cập đã "công nghiệp hóa" hoạt động sản xuất ở nhiều lĩnh vực khác nữa, với nhiều di tích gây bất ngờ còn ẩn mình trong sa mạc.

Thu Anh


"Tái sinh" nàng Shep-en-Isis từ xác ướp Ai Cập 2.600 tuổi.

(NLĐO)- Shep-en-Isis là xác ướp nổi tiếng của Thụy Sĩ, có nguồn gốc từ Ai Cập cổ xưa và được cất giữ trong Thư viện Tu viện São Galo ở St.Gallen từ năm 1820. Giờ đây nhờ khoa học hiện đại, công chúng đã biết mặt nàng.

Dự án "Tái tạo khuôn mặt pháp y của Shep-en-Isis" dã đưa đến kết quả ngoài mong đợi khi đem về từ Ai Cập cổ xưa một phụ nữ 30-40 tuổi với nước da màu ô liu và nét mặt thanh tú đặc trưng của người Ai Cập.

Xác ướp Shep-en-Isis, nay thuộc sở hữu của Thụy Sĩ - Ảnh: FAPAB Research Center / Cicero Moraes

Theo Acient Origins, xác ướp này được tìm thấy trong ngôi đền nhà xác của pharaoh Hatshepsut ở lưu vực thung lũng Deir el-Bahari, bờ Tây sông Nile. Nàng nằm trong một ngôi mộ gia đình cùng với cha, một quý tộc giàu có, thuộc dòng dõi các thầy tu, được học hành nề nếp và có bằng cấp chính quy.

Chân dung nữ quý tộc Ai Cập sau khi được tái tạo - Ảnh: FAPAB Research Center / Cicero Moraes

Nàng được Thụy Sĩ mua lại và trưng bày cho đến nay. Nghiên cứu xác ướp cho thấy nàng sinh ra vào khoảng năm 650 trước Công Nguyên và qua đời khoảng năm 620 đến 610 trước Công Nguyên

Hầu hết các chi tiết đều dựa trên giải phẫu học chính xác - Ảnh: FAPAB Research Center / Cicero Moraes

Công trình tái tạo khuôn mặt xác ướp Ai Cập được đứng đầu bởi chuyên gia người Brazil Cícero Moraes, nổi tiếng trong lĩnh vực tái tạo pháp y các nhân vật lịch sử. Ông và các cộng sự đã sử dụng các bằng chứng giải phẫu từ xác ướp, kết hợp dữ liệu từ các nghiên cứu nhân chủng học và các dữ liệu khác về Shep-in-Isis để có được dung nhan hoàn chỉnh nhất.

Hầu hết các chi tiết đều có bằng chứng giải phẫu rõ ràng, chỉ có da và màu mắt là nhóm nghiên cứu phải phỏng đoán và dựa theo nước da, màu mắt của người Ai Cập thời điểm đó. Shep-en-Isis cũng được tái hiện với một khuôn mặt và đôi mắt thông minh, phù hợp với tầng lớp và nền tảng giáo dục mà nàng thụ hưởng.

Thu Anh















     

    Không có nhận xét nào:

    CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.