.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2022

Ôi thời gian !!

 Thấy vợ vừa xách giỏ chuẩn bị đi ra ngoài là anh Bông biết ngay:

–         Bà đi shopping đấy hả?
–         Em đi shopping vì tuần sau chúng ta sẽ đi ăn tiệc tân gia nhà chị Lý.
Anh Bông cẩn thận dặn dò:
–  Bà có mua váy áo thì mua cho hợp người hợp cảnh. Tuần trước mình đi dự hội ngộ đồng hương tôi thấy mấy bà tuổi bắt đầu từ con số 6 số 7 mà bà thì diện váy ngắn cũn cỡn như thiếu vải của thời buổi bao cấp miền Nam Việt Nam sau 1975, bà thì chơi váy hai dây hay cổ yếm khoe vai trần hở cổ như người mẫu…
Chị Bông không để ý lời của chồng mà nũng nịu trách:
–         Em đã nhắc anh bao nhiêu lần rồi đừng gọi em là “bà” và xưng “tôi” nghe vừa gìa vừa xa lạ, nha anh…
–         Thôi, bà bớt nũng nịu cho tôi nhờ, bà không còn trẻ nữa, sắp 70  rồi..
Chị Bông vẫn nũng nịu:
–         Anh gìa thì già mình anh đi. Em…chưa gìa !
–         Bà chưa chịu gìa thì đúng hơn, các bà cố níu kéo tuổi thanh xuân, mỗi bà níu kéo mỗi kiểu. Nhưng bà cứ việc ảo tưởng đi, miễn là đừng có mặc những thứ tôi vừa kể trên. Ngứa mắt !
Chị Bông cãi:
–  Thời buổi văn minh mà anh còn khó tính. Càng già càng phải diện đủ kiểu, phải sắc màu tung tóe cho nó trẻ trung lại chứ. Em cũng thích mặc những thứ ấy, chỉ tại em mập qúa mặc vào không đẹp thôi. Nhưng em sẽ ăn kiêng… 
–         Cho dù các bà có cố gắng ăn kiêng nhưng thân hình phụ nữ về gìa không săn chắc thon gọn như tuổi trẻ mà các bà cứ vác về mấy cái áo ôm eo, áo bó sát người để lộ cà mấy tầng mỡ chảy xệ sau làn áo càng tố cáo thêm cái tuổi gìa  …
Chị Bông nhăn mặt:
–         Sao anh nói ra sự thật bẽ bàng của phụ nữ em thế. Nhưng hôm nay em đi shopping không mua váy áo gì mà chỉ mua đôi giày cao gót.
–         Hình như bà cũng có mấy đôi giày cao rồi mà?
–         Đúng thế, nhưng em cần đôi giày cao hơn nữa, vì em mới mập thêm mấy pound, phải đi giày cao để cứu bồ cái bề ngang qúa khổ. Thôi em đi đây, ở nhà nói với anh thể nào cũng…cãi nhau, em sẽ gìa thật đấy.
Chị vội vàng đi ra xe.
Có lần trong tiệm quần áo chị Bông đang hí hởn ướm thử một chiếc váy màu sắc tươi rói  lên người thì một bà Việt Nam tuổi như chị đứng chọn đồ gần đó không biết vì tò mò hay chỉ hỏi chuyện làm quen cho vui:
–         Chị định mua váy này cho cháu nội hay cháu ngoại ?
Chị Bông nhìn bà ta với ánh mắt ác cảm nghi ngờ, bà ta muốn ám chỉ mình là bà nội bà ngoại của đứa cháu mặc chiếc váy này nghĩa là mình già chát chúa rồi đây. Chị lạnh lùng trả lời:
–         Tôi chỉ…thử chơi thôi, chẳng mua cho cháu nào cả.
–         Tôi cũng đang tìm một cái áo tươi sáng như thế cho cháu ngoại. Hôm nay hàng onsale rẻ qúa.
Người Việt Nam mình ăn mặc thường theo tuổi tác, càng về gìa càng đơn giản trong khi những bà Mỹ gìa thì diện váy áo xanh đỏ và tô son môi màu đỏ tươi, màu cam rực rỡ có sao đâu
Người Mỹ thật thoải mái, bà gìa nào có khoác áo thời trang lên người họ cũng chẳng dòm ngó phán xét, bao nhiêu tuổi gìa họ cũng xưng hô “you” và “me” không phân biệt ông gìa bà cả gì cả.
                                ***************
Chị Bông mặc chiếc váy dài khoác thêm chiếc áo khoác không tay bên ngoài để che bớt vòng eo không lý tưởng của mình và đi giày cao gót cho có vẻ trẻ trung thanh tao.
Chị Lý góa chồng ở chung với gia đình đứa con trai duy nhất, hai vợ chồng nó vừa gĩa từ căn nhà cũ, xây căn nhà mới và làm tiệc tân gia, mẹ mời bạn bè của mẹ, con mời bạn bè của con, nghĩa là số lượng khách mời đông, chị Lý nói đã xin phép hàng xóm trong khu phố cho đậu nhờ xe khách trước cửa nhà của họ.
Lần đầu tiên vợ chồng chị Bông đến thành phố này, chỉ 1 giờ lái xe là đến một thành phố xa lạ hẳn.
Khu phố nhà chị Lý thật nên thơ, là những con đường dốc, là những ngôi nhà cao thấp chập chùng đẹp lộng lẫy với kiểu dáng và sân cỏ hoa lá trước nhà.
Chị Bông trầm trồ ngắm khen khu nhà.trong khi anh Bông loanh quanh tìm ra địa chỉ  thì suốt một đoạn đường xe cộ đã đậu nối đuôi nhau. Anh Bông cằn nhằn:
–         Tại bà sửa soạn lâu qúa nên bây giờ xe phải đậu xa, đã tuổi già bà còn đi giày cao gót liệu có cuốc bộ nổi không?
Chị Bông nhìn khoảng cách từ đây đến nhà chị Lý, nhìn con đường dốc ngược mà ngao ngán nhưng vẫn làm bộ hăng hái:
–         Sao lại không ! đi bộ càng khỏe chân khỏe người.
Chị Bông đếm hai vợ chồng phải đi bộ qua đúng 10 căn nhà mới đến nhà chị Lý, anh Bông biết điều khoác tay vợ nhờ thế chị Bông bước đi vững vàng tự tin hơn.
Căn nhà to lớn lộng lẫy của chị Lý nằm trên một qủa đồi nhỏ nhìn lên như một tòa lâu đài.
Đường driveway bên hông nhà dẫn vào garage dốc cao, chị Bông tưởng tượng nếu lỡ cái thắng xe mà hư hỏng thì nguy cơ chiếc xe đậu tại trước cửa garage sẽ thoải mái lăn xuống lòng đường ngay.
Chị Bông sẽ phải đi bộ lên đường driveway này đề quẹo phải gặp những bậc thềm dẫn đến trước cửa nhà, chị ái ngại lắm nhưng không dám cất tiếng than..
Từ dưới đường đi ngược lên đường driveway cũng là một cực hình cho chị Bông, đang đi chị bị trượt chân và vấp áo tí nữa thì chị sẽ thoải mái ngã lăn đùng xuống lòng đường như cái xe hư thằng mà chị vừa tưởng tượng
May mà anh Bông đã gồng tay đỡ kịp, chưa bao giờ chị Bông thấy anh Bông là điểm tựa vững chắc và hữu ích cho đời chị như lúc này.
Hai vợ chồng dìu nhau đến gần bậc thềm đầu tiên, ai nhìn vào tưởng anh chị Bông thân ái tình tứ lắm nhưng chị Bông đang thấp thỏm hỏi chồng:
– Anh ơi, làm ơn đếm giùm em có bao nhiêu bậc thềm.
Sau cú suýt bị ngã chị Bông hoa cả mắt không có thì giờ mà đếm nữa.
Anh Bông nhìn ngắm những bậc thềm và lẩm nhẩm:
– Có bốn dãy bậc thềm mỗi dãy cỡ chục bậc, đi hết dãy ngang đến cái sân rồi quẹo dãy dọc lại đến cái sân, rồi lại quẹo dãy ngang, dãy dọc lần nữa mới dẫn đến trước cửa tòa nhà..
Chị Bông cũng lẩm bẩm:
– Ối giời ! tổng cộng  bốn chục bậc thềm quanh co để bước lên, thằng cha builder nào nghĩ ra kiểu nhà hắc búa này, em thề nếu có mua nhà lần nữa không bao giờ mua nhà của nó.
– Builder này nổi tiếng xây những khu sang trọng đẹp đẽ đấy bà ạ, chắc gì bà đã có tiền mua nhà của họ chưa mà chảnh chọe. Thời buổi này nhà cửa ở Texas cũng hot không thua gì nhà California, người ta tranh nhau mua trên cả gía rao bán và kẻ có tiền mặt sẽ ưu thế hơn những kẻ cả đời túng thiếu vay nợ như bà.
Chị Bông cụt hứng :
– Thì em …thí dụ thế thôi.
Đứng trước những bậc thềm anh Bông dọa nạt:
–         Bà bước cẩn thận nha, đừng bắt chước ông cựu tổng thống Obama mỗi khi lên bậc thang máy bay nhanh nhẹn nhảy lên từng bậc một, ông ấy thì không sao còn bà có khi ngã xấp ngã ngửa đấy, không gãy chân gãy tay cũng bầm tím mặt mày, tuổi gìa thì vết bầm tím lâu tan lâu phai lắm.
–         Ừ nhỉ, ông Obama nhảy lên bậc thang máy bay tung tăng chim sáo ghê. Tại em đi giày cao gót chứ đi giày bẹt như Obama thì cũng sẽ nhảy lên bậc thềm này có khó khăn gì.
–         Thôi bà đừng ba hoa, hãy nhìn kỹ từng bậc thềm mà cất bước lên, không phải lúc nào tôi cũng đỡ bà kịp đâu, những thủ môn giỏi vẫn có lúc chụp hụt, để bóng lọt vào lưới bà hiểu chưa?
–         Hiểu rồi !
Chị Bông cẩn thận dò dẫm bước lên từng bậc thềm dù anh Bông vẫn sát cánh bên chị. Đi qua hai dãy bậc thềm chị đã thấm mệt, phải nghỉ chân một lúc mới đi nốt hai dãy bậc thềm nữa để đến trước cánh cửa nhà, chưa kịp thở cho khỏe  thì gặp chị Lý ra vồn vã chào:
–         Mời anh chị Bông vào nhà chung vui với chúng tôi có ngôi nhà mới
Chị Bông vội nở nụ cười xã giao và một tràng hoa mỹ:
–         Khu phố này đẹp qúa, chỉ thiếu sương mù là thành phố núi mơ màng, những căn nhà vươn lên trên đồi cao hay ẩn mình dưới những con đường dốc, những bậc thềm loanh quanh làm tôi ngẩn ngơ khi đến trước cửa nhà chị đấy..
Chị Lý thành thật:
–         Cám ơn chị Bông đã khen đã thích ngôi nhà, cảnh đẹp nhà đẹp cách mấy nhưng tôi vẫn sợ những bậc thềm cao chị Bông ạ, mình gìa rồi không như con cháu mà sống với chúng thì phải theo chúng thôi, mỗi lần đi lên bước xuống những bậc thềm này tôi đều phải cẩn thận.
Anh Bông liếc nhìn chị Bông và mỉm cười đắc ý..
Vợ chồng chị Bông theo chân chị Lý vào nhà, chị Bông cố gắng giữ cho dáng điệu thoải mái dù hai bàn chân đã bị đau. Đi qua phòng khách mênh mông với cái cầu thang uốn khúc lên lầu cao chị Lý hãnh diện khoe:
–         Lát nữa rảnh tôi sẽ mời anh chị qúa bước lên lầu, các phòng trên lầu đẹp lắm có cả phòng chiếu phim rộng rãi ngồi xem phim cảm giác như ở rạp chị Bông ạ.
Nghe chủ nhà mời lên lầu, chị Bông…giật cả mình nhìn cái cầu thang chị Bông đã thấy thấm mệt . Nhưng chị vẫn phải xã giao và hoa mỹ tiếp:
– Được bước lên những bậc thang này sẽ dẫn lên một khoảng không gian gia đình ấm cúng thật tuyệt vời.
Bàn tiệc bày ngoài vườn, khi anh chị Bông được sắp xếp chỗ ngồi là chị Bông buông mình ngồi xuống ngay, việc đầu tiên là chị tháo đôi giày cao gót ra, đôi giày mới mua đi lần đầu lại đi bộ khá vất vả da giày chưa giãn nở cọ vào chân chị đau rát cả chân..
Tháo giày ra chị Bông thấy nhẹ hai bàn chân, những ngón chân của chị cũng ngo ngoe vui mừng, cũng sung sướng được tự do thoát khỏi đôi giày tù túng.
 Chị Bông bỗng ước gì được đi đôi dép bẹt và ở nhà, ước gì giờ này chỉ mặc bộ đồ bộ nằm ra ghế sofa nghênh ngang gác hai chân lên mà xem ti vi thì thoải mái và hạnh phúc biết mấy
Chị đã đi bộ một đoạn đường, chị đã leo bốn chục bậc thềm và chị đã mệt mỏi đến thế sao? Chị đã…gìa thật rồi sao?.
Những lúc đi hàng giờ trong shopping mall chị Bông đi dép bẹt mà còn mỏi cả chân hoa cả mắt, thỉnh thoảng chị phải ra dãy ghế phía sau quầy tính tiền ngồi nghỉ chân  rồi mới đi lựa đồ tiếp. Những lúc đó chị vẫn chưa tin là tuổi gìa mệt mỏi, hay chị đang tự lừa dối mình?
Có lần ra phi trường sau khi kiểm tra an ninh chị Bông biết chuyến bay ghi trên vé của mình ở gate 23 vậy mà chị đi tìm gate 32, đến nơi mới biết là mình lầm lẫn. May mà chỉ đi ngược lại có 9 gate vẫn kịp giờ bay.
Thỉnh thoảng chị vẫn nhớ trước quên sau như thế. Chị biết đó là dấu hiệu của tuổi gìa.nên càng muốn trẻ trung hóa chính mình..
Chị tiếc đã uổng công “đầu tư” đôi giày cao gót mới để tạo dáng, chẳng thấy ai khen trẻ thêm tuổi nào mà mệt cả người, đau cả chân. Tối nay về chắc phải xoa bóp chân với dầu cù là hay dầu xanh con ó.
Chủ nhà đãi tiệc kiểu buffet, thức ăn bày đủ thứ trên dãy bàn dài khách tự ý tha hồ chọn món mình thích.
Chị Bông lại phải xỏ giày và đi lấy thức ăn. Vừa đến đầu bàn ăn thì một cô gái trẻ đứng đó đã lui bước lịch sự kính cẩn :
–         Mời bác lấy thức ăn trước đi ạ, chúc bác vui vẻ và ăn ngon miệng.
“Nó gọi mình bằng bác, là mình già thật rồi” Chị Bông chua xót nghĩ thầm.
Hôm nay chị Bông  đi dự tiệc với một tâm hồn trẻ trung, điệu bộ trẻ trung mà vẫn gìa dưới mắt người khác. Chị Bông không thể đứng đây mà phân bua “Em chưa gìa” như đã từng nói với chồng khi ở nhà được. Chị gượng mỉm nụ cười biết thân biết phận..
Sau bữa tiệc chị Lý đưa anh chị Bông lên lầu, chị Bông không xỏ giày để lên thang lầu cho thoải mái. Chị Lý tinh ý :
–         Tôi cũng không dám đi giày cao gót lên lầu đâu chị Bông, tuổi gìa chúng ta cẩn thận vậy là tốt.
Thêm một người khẳng định chị Bông đã già trong buổi tiệc hôm nay.
Trước khi ra về anh Bông tế nhị bảo vợ:
–         Bà đợi tôi ra ngoài lái xe đến trước cửa nhà cho tiện.
Anh lại dìu bước vợ xuống những bậc thềm trước cửa, lúc nãy bước ngược lên dốc thì mệt, bây giờ bước  xuống dốc thì sợ đôi chân yếu không kềm giữ được sẽ ngã lao người xuống.
Chiếc xe đậu ngay dưới đường driveway chị Bông đỡ phải đi bộ thêm một đoạn đường, chị ngồi vào xe và bây giờ mới thật sự thấy riêng tư thoải mái, chỉ kéo thốc vạt áo lên cho đở vướng víu và tháo giày quăng dưới sàn xe, ruỗi đôi chân ra tận hưởng sự thoải mái này.
Anh Bông vừa lái xe vừa chuyện trò:
–         Tôi lái xe chậm cho bà ngắm cảnh nghe, thành phố này có nhiều con đường đẹp qúa.
Chị Bông vội vàng giục gĩa:
–         Thôi…thôi…thôi… anh chạy về nhà gấp cho em…
–         Chuyện gì mà bà có vẻ thấm mệt nhanh thế?.
Chị Bông thành thật hơn bao giờ:
–         Cái mệt vì đi bộ qua con đường dốc, qua những bậc thềm là chuyện nhỏ nhưng em phát giác ra dưới mắt người khác em đã gìa rồi, em chán lắm chẳng muốn ngắm nghía gì hết..
Anh Bông cũng thành thật hơn bao giờ:…
–         Chuyện bình thường, khi nào bà tuổi còn xuân xanh mà người ta nói bà gìa mới bất ngờ, Tại bấy lâu nay bà cứ khư khư ôm ảo mộng “Em chưa già”, may hôm nay bà thức tỉnh nếu không bà còn đỏng đảnh đến bao giờ.
Chị Bông dịu giọng:
–  Em sẽ không đỏng đảnh nữa. Ừ, thì em đã gìa rồi đấy
Anh Bông vui vẻ:
–         Thế thì ngày mai trở đi tôi với bà cùng gìa, lại xứng đôi vừa lứa như thuở ban đầu . /.

Nguyễn Thị Thanh Dương.

Tưởng Rằng Đã Yên

 

Mọi chuyện rồi cũng êm xuôi. Và sẽ chìm vào quên lãng như định luật thời gian. Huấn nghĩ như vậy trong lúc một mình ngồi trên phiến đá nhìn dòng sông hiền hòa, phẳng lặng. Huấn nhìn mãi vào nơi chiếc xe mình đã lao xuống cách đây sáu tháng...Nơi đó, linh hồn Trinh, người vợ thông minh, xinh đẹp của Huấn, đã rời khỏi thân xác.

Huấn bây giờ là người góa vợ, cô đơn đi, về lặng lẽ như một chiếc bóng. Nhiều lúc Huấn tự hỏi: mình còn làm được gì, khi hạnh phúc đã chợt đến rồi chợt đi?. Ân hận không?. Hối tiếc không?. Còn nữa, Huấn không biết mình có nên vui mừng hay không, khi những cuộc điều tra, thẩm vấn của cảnh sát đã thật sự chấm dứt. Bởi vì trước sau gì Huấn cũng giữ đúng một lời khai:

 - Đêm đó, hai vợ chồng đưa nhau đi ăn ở nhà hàng Salmon House bên hướng Tây Bắc của thành phố. Trên đường lái xe về nhà, lúc đi ngang qua cây cầu, không hiểu vì lý do gì, Huấn bất ngờ bị chóng mặt, choáng váng nên lạc tay lái. Chiếc xe đâm vào thành cầu trước khi lao thẳng xuống sông. Khi đội cấp cứu đến thì đã muộn: Trinh bị chết ngộp trong xe với một vết thương nhẹ trên đầu. Huấn trồi được lên khỏi mặt nước nên thoát chết.

Điều tra viên tình nghi Huấn hoặc cố ý giết vợ, hoặc đã uống quá say. Nhân viên nhà hàng xác nhận, họ đã thấy hai vợ chồng vừa ăn vừa trò chuyện một cách vui vẻ, hạnh phúc và chàng chỉ uống một ly rượu khai vị thôi. Kết quả nồng độ rượu đo trong người Huấn cũng chứng minh như thế. Tuy nhiên, họ đã tìm tòi, lục soát tất cả những nơi và những gì họ cho là cần thiết. Họ thẩm vấn tới, họ điều tra lui, họ tìm gặp Huấn nhiều đến độ Huấn tưởng chừng như một mụt mụn nhỏ trên khuôn mặt mình họ cũng sẽ tìm thấy! Cuối cùng, họ phải đi đến chỗ kết thúc. Trinh chết là do tai nạn vì họ chẳng tìm ra được dấu vết gì khả nghi để buộc tội. Họ đã thật sự buông tha cho Huấn trở về với công việc hằng ngày của chàng.

 ****

Tối nay, Huấn đang theo dõi trận đánh dã cầu trên TV thì điện thoại reo.

- Hello!

- Hello. Xin lổi, anh là Huấn phải không?

- Phải, Huấn đây. Xin lỗi, ai gọi thế?

- Tôi là Hạnh.

- Hạnh...? Xin vui lòng nói rõ hơn, tôi quên mất cô là ai rồi.

 Tiếng cười khúc khích:

- Anh Huấn đâu có quên Hạnh... vì Hạnh là một người xa lạ, chưa từng tiếp xúc, chưa từng gặp gỡ, làm sao anh Huấn nhớ cho được?.

- Thế hỡ?. Vậy Hạnh là ai?. Tại sao gọi cho tôi?.

- Khoan đã, trước khi trả lời anh Huấn, Hạnh xin được quyền.. ưu tiên.

- Ưu tiên gì?.

- Ưu tiên được hỏi trước: Anh Huấn đã lập gia đình chưa?.

- Tại sao cô hỏi tôi câu đó?.

- Tại vì... nó khá quan trọng để Hạnh quyết định sẽ tiếp tục nói chuyện với anh Huấn hay sẽ buông điện thoại xuống ngay bây giờ. Mong anh Huấn thành thật, đừng lo ngại, Hạnh không có ý đùa giỡn gì đâu.

Khá lâu Huấn chưa có dịp nói chuyện với một người con gái nào nên cũng cảm thấy hay hay:

- Được rồi, tôi lập gia đình cách đây ba năm... nhưng vợ tôi đã qua đời trong một tai nạn.

- Anh Huấn có buồn lắm không?.

- Dĩ nhiên rồi. Câu hỏi hơi lạ đó.

- Thế bây giờ anh Huấn đã có bạn gái nào chưa?.

 Huấn cười:

- Cô Hạnh tham lam quá, chỉ xin hỏi một câu, giờ đến câu thứ hai, thứ ba. Tôi sẽ không trả lời thêm, nếu cô không cho tôi biết rõ cô là ai.

- Xin lỗi anh Huấn nghen. Hạnh là người mới đến thành phố này được tháng. Không thân nhân, không bạn bè cũng chưa có việc làm. Ngày nào cũng một mình lái xe chạy lòng vòng, buồn quá. Rồi anh Huấn biết sao không?. Hạnh chợt nghĩ ra một cách là tìm trong điện thoại niên giám tên người Việt để... làm quen. Anh Huấn thấy Hạnh tài chưa?. Hạnh đã nhắm mắt chọn ra năm tên: Phúc, Lộc, Nam, Kinh và Huấn. Lần đầu tiên Hạnh gọi người tên Lộc, đó là một anh chàng đã có gia đình. Lần thứ nhì Hạnh gọi người tên Kinh, ông này đã gần bảy mươi tuổi. Vẫn chưa nản chí, Hạnh gọi thử lần thứ ba với người tên Huấn. Bây giờ Hạnh đang nghĩ là Hạnh sẽ không cần phải gọi đến lần thứ tư nữa, phải vậy không anh Huấn?. Trừ trường hợp anh Huấn nói rằng anh Huấn không thích làm quen với Hạnh.

 - Cô Hạnh chắc thích phiêu lưu lắm?.

- Không biết có phải vậy không, nhưng khi mình muốn đạt được một việc gì, nếu không nghĩ ra cách này hoặc cách khác để thực hành thì làm sao đạt được?. Từ trước, người ta vẫn quen nhau qua mục Kết Bạn Thư Tín, bây giờ, quen nhau qua cuốn điện thoại niên giám, một phát minh mới, phải không?.

 - Tình trạng gia đình tôi, cô đã biết rồi, vậy cô nghĩ sao?.

- Hạnh đang chờ nghe cảm nghĩ của anh Huấn. Hạnh có phải là một người con gái quá táo bạo không?.

- Không đâu, người khác còn làm những chuyện khủng khiếp hơn nhiều. Tôi cảm thấy vui vui bởi vì từ ngày vợ tôi chết, tôi chưa có bạn gái. Một mình đi ra đi vào, căn nhà bỗng trở nên rộng lớn và trống vắng hơn. Có lần bạn tôi ngỏ ý giới thiệu cho tôi một cô, nhưng tôi chưa cảm thấy thoải mái nên đã từ chối. Hôm nay, cô Hạnh đến với tôi bằng một phương cách nghe ra cũng hay hay, tại sao tôi không chấp nhận nhỉ?.

 - Vậy cả hai chúng ta đều đồng ý đấy nhé?.

- Bỏ phiếu thuận! Nghe giọng nói, tôi đoán chắc Hạnh còn trẻ lắm, có thể chưa tới ba mươi. Hạnh biết tôi bao nhiêu tuổi không?.

- A.... chắc anh Huấn cũng chưa đến nỗi là ông già bảy mươi?.

- Chưa đâu, chỉ mới sáu mươi chín thôi.

 Huấn thích thú cười thật lớn. Hạnh cười theo:

- Anh Huấn đoán Hạnh còn trẻ thì đúng rồi, nhưng anh Huấn có biết dung nhan Hạnh xấu xí đến cỡ nào không?.

- Tôi nghĩ, nếu Hạnh có xấu chắc cũng chưa đến nỗi được xếp hạng nhất trong danh sách những người thiếu nhan sắc.

- Anh Huấn nói đúng đó, nhưng hình như Hạnh cũng đứng vào hạng nhì, vì mụ phù thủy đã chiếm mất hạng nhất rồi.

 Cả hai cùng cười giòn giã.

 ***

Huấn bây giờ không còn là Huấn của ngày nào vợ mới chết. Từ một giai đoạn bất an chuyển qua một giai đoạn bình thản và rồi Huấn được sống lại trong cảm giác của một người đàn ông đang yêu đời, yêu người và yêu tất cả mọi vật chung quanh mình. Sau lần thứ nhì nói chuyện qua điện thoại, Huấn và Hạnh hẹn gặp nhau. Lúc đầu Huấn chỉ tưởng tượng ra một nhan sắc khiêm nhường ở người con gái này, nếu không như vậy cô ta đâu còn độc thân đến giờ.

 Buổi đầu tiên diện kiến, Huấn đã bàng hoàng, sững sốt kêu lên:

- Hạnh đẹp quá!

 Đúng vậy, Hạnh là cô gái mang hai dòng máu Mỹ-Việt. Hạnh là một kết hợp của hai nét đẹp Á Đông và Tây Phương. Nếu muốn tìm một khuyết điểm nào đó trên khuôn mặt hay vóc dáng Hạnh sẽ không phải là chuyện dễ. Ngay phút giây đầu tiên đó, Huấn đã cảm thấy hồn mình như chết đuối trên dòng suối tóc nâu đậm, óng mượt chảy hững hờ từ bờ vai xuống tới nửa lưng. Chỉ một chút trang điểm tự nhiên thôi, Hạnh đã nhìn như một bức tranh truyền thần mờ ảo trước mắt Huấn.

 Ngày trước, Huấn vẫn cho rằng chỉ có Trinh, vợ mình mới là người con gái đẹp và duyên dáng như một nữ hoàng, nhưng bây giờ, nếu đem so sánh với Hạnh thì Trinh là người bị mất vương miện. Hạnh đã đến với Huấn như một cơn phong ba, bão táp cuốn hút đời chàng vào những mơ mộng cho tương lai. Một kỹ sư điện toán trong một công ty lớn nhất nhì trên thị trường, vừa mất người vợ xinh đẹp lại ôm ngay vào được một người con gái khác còn xinh đẹp hơn nữa, không trách sao Huấn đang ngất ngây với ý nghĩ: đúng là đời đẹp như mơ!

 Hạnh nhí nhảnh nhưng dễ thương; thông minh nhưng tế nhị. Hạnh không kiêu căng, tự phụ về sắc đẹp của mình. Huấn đưa Hạnh thăm viếng khắp nơi trong thành phố, rồi đến những vùng thôn quê. Hạnh luôn nói những lời thán phục hoặc biết ơn đối với Huấn, chẳng hạn như:

- Em thật không ngờ mình lại có được những ngày tươi đẹp như hôm nay. Vừa được rong chơi ở những nơi sang trọng, vừa được một người đàn ông lịch sự, học thức bên cạnh, lúc nào cũng sẵn sàng chìu chuộng, em còn tìm ai hơn anh Huấn nữa đây?.

 Huấn đáp lại:

- Anh mới là người may mắn đó chứ, có được một người đẹp lại dễ thương như Hạnh để đưa đi chơi chắc đâu còn diễm phúc nào hơn?.

 Trong suốt ba tháng quen nhau, chưa lúc nào Hạnh để nụ cười biến mất trên môi. Cho đến một hôm, Huấn tỏ thật lòng mình về một tình yêu mãnh liệt phát xuất tự trái tim, tự nhiên nụ cười đang tươi mát của Hạnh bỗng héo úa đi. Nàng lắc đầu, buồn bã xoay nơi khác. Huấn năn nỉ mãi, nàng cũng không nói gì hơn ngoài ánh mắt đầy suy tư, xa vắng. Sau buổi đó, Hạnh lánh mặt Huấn không một lời từ giã. Căn phòng trong chung cư của Hạnh đã trả lại. Một tuần qua rồi hai, ba tuần qua, Hạnh vẫn bặt tin. Huấn đau khổ như điên cuồng. Huấn lang thang ngoài phố để nhìn người qua lại mong gặp khuôn mặt quen thuộc của nàng. Huấn lái xe khắp các nẻo đường hy vọng sẽ bắt gặp Hạnh một nơi nào đó, nhưng mọi cách đều thất bại.

 Sau một tháng trời tìm kiếm, Huấn hoàn toàn thất vọng. Đêm nay, Huấn mệt mỏi trở về nhà sau mấy tiếng đồng hồ lái xe lang thang. Chưa kịp thay quần áo thì chuông cửa reo vang mấy lần liên tiếp như thể gấp rút lắm. Huấn mừng rỡ đến sững sờ khi khuôn mặt hiện ra nơi khung cửa chính là Hạnh. Nàng đi vội vào trong rồi ôm chặt lấy Huấn trong lúc đôi dòng lệ tuôn tràn trên má. Huấn để yên cho Hạnh khóc trên vai mình, đến khi những thổn thức lắng dần, Huấn hỏi nhỏ:

 - Tại sao em khóc?. Tại sao em tránh gặp mặt anh?.

Hạnh nghẹn ngào:

- Không phải em... tránh gặp anh, em chỉ... chạy trốn một người khác.

- Ai vậy?.

- Chồng em.

- Em có chồng?.

- Phải, nhưng anh ấy là một người vũ phu và tàn nhẫn. Em xin lỗi đã giấu anh.

 Huấn ngồi yên lặng nghe hơi thở mình nặng nề hơn. Sự thật quá phũ phàng không ngờ nỗi. Giọng Hạnh kể lễ:

- Trước khi lập gia đình với nhau, anh ấy là một người đàn ông hết sức hòa nhã, nhưng em đã lầm. Anh ấy không thể nào hòa nhã sau những cơn say. Anh ấy bắt đầu kiếm chuyện cả với những người bạn nào chỉ vô tình nhìn em hoặc nói với em một câu rất thông thường, chẳng hạn như "Hạnh có khỏe không?" "Khỏe hay không cũng là vợ tao, mày hỏi làm gì?". Mãi rồi những chuyện xảy ra đó khiến em xấu hổ. Em ngăn cản không cho anh ấy uống rượu nữa thì anh ấy bỏ nhà đi mất tiêu ba bốn ngày liền. Em đòi ra toà ly dị, anh ấy hăm dọa sẽ giết em. Em sợ quá nên bỏ nhà trốn đi. Nơi này em đã gặp anh và chúng ta đã có được những kỷ niệm không bao giờ quên. Nhưng bây giờ, em phải bỏ trốn đi nơi khác nữa, vì chồng em vừa tìm ra em ở đây. Anh ấy hăm dọa thêm rằng nếu bắt gặp người đàn ông nào đi với em, anh ấy sẽ giết chết cả hai rồi tự sát hoặc đi tù.

 Hạnh ôm Huấn chặt hơn:

- Anh Huấn ơi, em không thể nào ở lại đây, em không muốn anh bị mang họa vì em. Cuộc đời em đã sóng gió quen rồi, thà em bỏ đi chứ không thể nào trở lại với con người tàn nhẫn đó.

 Hạnh lại khóc nức nỡ hơn. Huấn không biết làm gì hơn là vuốt mãi suối tóc mềm mại của nàng. Thời gian vẫn trôi. Hạnh ngưng khóc, nhưng nàng cứ ngồi thẫn thờ. Huấn chợt nhớ ra:

- Em đã ăn gì chưa?. Em đói bụng không, để anh đi mua gì về cho em ăn nghen?.

- Thôi anh ạ, đừng đi ra ngoài bây giờ, em chưa ăn gì, nhưng không cảm thấy đói. Anh có sữa tươi cho em một ly là được rồi.

 Huấn đi lấy ly sữa đến, nàng uống một hơi hết phân nửa rồi dợm đứng lên. Huấn vội hỏi:

- Em định đi đâu vậy?.

- Về khách sạn.

-Thôi... em hãy ở lại đây với anh.

- Không nên đâu anh. Nguy hiểm cho anh lắm.

- Anh không sợ, chỉ sợ nguy hiểm cho em. Biết đâu chồng em đang rình rập đâu đó ngoài đường. Anh không thể để em đi như vậy.

- Anh không sợ chồng em sẽ giết luôn cả anh với em sao?.

- Không, vì anh yêu em. Nếu em cũng yêu anh thì...

 Huấn ngập ngừng không dám nói thêm.

- Thì sao hả anh?. Anh sẽ bằng lòng chết chung với em phải không?.

- Cũng có thể lắm chứ!.

 Hạnh mừng rỡ ôm chầm lấy Huấn và cả hai hôn nhau đắm đuối. Lâu lắm họ vẫn chưa rời nhau ra. Rồi Huấn dang tay nhấc bổng người Hạnh lên để đi thẳng vào phòng ngủ. Chàng đặt nàng nằm xuống chiếc giường nệm êm ái, cả hai tiếp tục ôm siết lấy nhau.

 Một lúc sau, Huấn ngồi nhổm dậy, vói tay qua chiếc bàn nhỏ ở cạnh đầu giường để lấy điếu thuốc đốt hút. Hạnh vẫn nằm im với chiếc mền kéo ngang nửa ngực. Huấn phà khói thuốc vào không khí rồi xoay lại nhìn nửa vùng ngực đang phô bày, cảm thấy vẫn còn thèm úp mặt lên đó. Đầu óc Huấn làm việc thật nhanh, quyết định cũng thật nhanh:

 - Em tưởng rằng anh sẽ bằng lòng chết chung với em dưới bàn tay của chồng em à?. Anh đâu có dại dột như vậy.

Hạnh mở to mắt:

- Nghĩa là sao?. Anh nói nếu em cũng yêu anh... Em bây giờ đâu còn ai thân thích ngoài anh ra, nếu không yêu anh thì yêu ai?. Hơn nữa, nếu không yêu anh, em đâu dễ gì nằm với anh như vầy. Vậy thôi, để em ra đi.

 Huấn vội vàng ôm lấy đầu Hạnh:

- Đừng hiểu lầm anh, cưng. Ý anh muốn nói là cả hai chúng ta không nên dại dột để hắn ra tay trước. Mình phải hành động trước khi hắn hành động.

- Em chưa hiểu.

- Hắn có thể giết mình được thì mình cũng có thể giết hắn được vậy.

 Hạnh chớp chớp mắt nhìn Huấn:

- Ừ nhỉ?. nhưng... mình sẽ đi tù chung thân?.

Huấn cười nhẹ:

- Mình phải khôn chứ em. Mình đâu có công khai giết đâu mà đi tù?.

- Mướn người à?.

- Mướn người cũng thua. Anh muốn nói là mình phải xếp đặt chương trình hành động. Em nghe anh hỏi đây, em có dám ra tay không?. Chỉ có một mình em mới làm được chuyện này, nếu em bằng lòng anh mới nói ra.

- Để em suy nghĩ.

 Hạnh nằm im trong giây lát rồi chồm người lên lấy chiếc ví tay của nàng trên đầu giường mở ra. Hạnh soi lại mặt mình trong chiếc gương nhỏ và chải lại những sợi tóc lòa xòa trước trán bằng chiếc lược nhỏ màu đen. Huấn yên lặng nhìn và chờ đợi. Sau khi để mọi thứ vào chỗ cũ, Hạnh nói:

- Được rồi, em sẽ làm. Nếu em không giết hắn thì hắn sẽ giết em. Em giết người để tự tồn và được tự do chung sống với anh. Anh nói đi.

 Huấn nghiêm nét mặt:

- Này nhé, em hãy giả vờ như thể em bằng lòng trở về với hắn. Rồi em sắp đặt một ngày cho hai người đi ăn tối ở một nhà hàng nào đó bên hướng Tây Bắc. Em cố ép cho hắn uống rượu càng nhiều càng tốt, nhưng em đừng uống vì em sẽ là người lái xe về. Rồi khi xe chạy ngang qua cây cầu, em giả vờ như bị lạc tay lái, để chiếc xe bay qua thành cầu, bay thẳng xuống sông. Trước đó, em phải nhớ chuẩn bị hai điều: thứ nhất là khóa cánh cửa bên hắn; thứ hai là nhanh tay mở cánh cửa bên em khi chiếc xe vừa bay xuống nước. Như vậy em sẽ có thể thoát ra ngoài dễ dàng và nước sẽ tràn vào xe nhanh hơn. Hắn đã say ngất ngư thì không thể nào phản ứng kịp thời. Chỉ cần năm phút kẹt trong xe, linh hồn hắn sẽ vĩnh viễn rời khỏi xác. Còn em sẽ trồi lên mặt nước chờ đội cứu cấp tới.

 Hạnh chăm chú nghe, nhưng chưa nói gì. Huấn bồi thêm:

- Cách này vừa dễ, vừa an toàn, em không phải trực tiếp cầm một thứ vũ khí nào để giết người. Không có bằng chứng nào để kết tội em, tất cả chỉ là do tai nạn.

- Anh nói đúng, cách này dễ quá, nhưng sao anh biết chắc là cảnh sát sẽ để yên cho em mà không điều tra?.

- Họ sẽ điều tra chứ em, nhưng em cứ bình tĩnh giữ đúng một lời khai như sau: đêm đó chồng em uống rượu quá nhiều nên em phải lái xe về. Khi xe chạy ngang trên cầu, chồng em đã bất ngờ giành giựt tay lái nên chiếc xe mất thăng bằng, lao xuống sông. Chồng em không thoát ra được nên chết ngộp trong nước, thế thôi. Đâu có ai làm nhân chứng.

 Hạnh vuốt lưng Huấn:

- Có chứ anh.

- Ai?.

- Anh đây nè! Nhưng thôi, em chỉ nói chơi thôi. Anh có chắc là em sẽ không bị đi tù?.

- Em sẽ hoàn toàn vô tội, anh bảo đảm.

- Nhưng anh ơi, cảnh sát có trăm phương ngàn kế để tìm ra sự thật.

- Đâu phải vụ giết người nào họ cũng tìm ra hết đâu. Em còn nhớ anh đã nói rằng vợ anh chết do một tai nạn không?. Tai nạn hắn sắp chết cũng giống như tai nạn vợ anh đã chết vậy.

 Hạnh mở mắt thật to:

- Nghĩa là anh đã giết vợ bằng cách đó và cảnh sát đã không kết tội được anh?.

- Đúng vậy.

- Tại sao anh giết chị ấy?.

- Trinh đã ngoại tình trong lúc anh vẫn yêu nàng hết lòng.

- Anh tàn nhẫn quá...

- Trinh đã tàn nhẫn với anh trước. Trinh đã giới thiệu với anh rằng gã đó là anh họ của Trinh và hắn vẫn thường ghé nhà chơi, kể cả những lúc không có anh ở nhà. Sau đó, anh khám phá ra, hắn chính là gã nhân tình cũ của nàng. Như vậy, mỗi lần hắn đến không có anh ở nhà thì hắn và Trinh đã làm gì?. Anh phải có thừa thông minh để hiểu rằng họ đã làm chuyện tồi bại chứ.

- Sao anh không chọn giải pháp ly dị?.

- Ly dị thì anh cũng là người thua cuộc, Trinh sẽ thuộc về hắn và hắn sẽ hưởng phân nửa tài sản mà anh phải chia cho Trinh.

- Anh có bắt quả tang lần nào chưa?

- Dĩ nhiên họ cũng phải thông minh để không bị bắt quả tang chứ em.

- Anh đã kết tội tử hình một người mà không có bằng chứng.

- Thôi em ơi, đừng nói chuyện đó nữa, hãy nói chuyện mình đi. Em có đồng ý giết hắn bằng cách đó không?.

- Đồng ý. Bây giờ em cần ngủ để mai còn tỉnh táo hành động. Anh cũng phải đi làm nữa. Ngủ đi anh.

- Mình ngủ.

 ***

 Huấn đang ngồi trong văn phòng. Đột nhiên cánh cửa bị xô mạnh. Hai người đàn ông ập vào thật nhanh:

- Ông Nguyễn Minh Huấn, chúng tôi được lịnh bắt giữ ông vì tình nghi giết người.

 Trong lúc mắt Huấn mở lớn, chiếc còng sắt lạnh lùng tra vào cổ tay Huấn kéo về phía sau lưng.

- Tôi không hiểu gì hết?.

- Ông có quyền giữ im lặng. Những gì ông nói, có thể được dùng để kết tội ông trước tòa án.

 ***

 Trong phòng điều tra, Huấn được nghe lại một đoạn băng ghi âm, bắt đầu là tiếng nói của Hạnh:

“- Được rồi, em sẽ làm. Nếu em không giết hắn thì hắn sẽ giết em.” “Em giết người để tự tồn và được tự do chung sống với anh. Anh nói đi.”

“-Này nhé, em hãy giả vờ như thể em bằng lòng trở về với hắn…”

 Cả người Huấn bắt đầu toát mồ hôi. Sắc mặt Huấn từ từ đỏ rần lên trong lúc tiếng nói của Huấn và Hạnh vẫn tiếp tục phát ra từ cuộn băng cho tới đoạn cuối cùng không sót một chữ nào của cuộc đối thoại đêm đó.

“- Đồng ý. Bây giờ em cần ngủ để mai còn tỉnh táo hành động. Anh cũng phải đi làm nữa. Ngủ đi anh.”

"- Mình ngủ."

 Cuộn băng chấm dứt bằng một tiếng động khô khan, sắt lạnh. Huấn bàng hoàng cất tiếng:

- Thì ra... các ông đã... đặt máy ghi âm... trong phòng tôi?.

- Không. Hồ sơ của anh, chúng tôi đã xếp lại. Chúng tôi đã tin rằng anh là kẻ vô tội, nhưng một người khác đã căn cứ vào lá thư này mà nhất định rằng vợ ông chết không phải do tai nạn. Người đó đã bằng lòng bỏ tiền ra mướn thám tử tư tiếp tục cuộc điều tra. Ông có muốn đọc lá thư không?.

- Có.

 Huấn bắt đầu lướt mắt qua những dòng chữ rất quen thuộc của Trinh.

" Em van anh đừng đến gặp em nữa. Anh nên cố gắng quên em. Em đã có chồng tức là em đã chọn cho mình một hướng đi rõ ràng. Tại sao anh không chịu hiểu như vậy?. Ly nước đã đổ xuống đất, anh không thể nào hốt lại được. Huấn là một người chồng rất tốt, xứng đáng để cho em kính trọng. Em vô cùng hối hận vì đã giới thiệu anh là anh họ em, nhưng ngoài cách đó ra, em đâu thể nào nói anh là người tình cũ?. Em đâu ngờ là anh dám ngang nhiên đến gõ cửa tìm em trong lúc Huấn đang ở nhà. Tưởng đâu chỉ lần đó thôi, ai ngờ anh cứ tiếp tục đến, nhưng mà gặp nhau để làm gì nữa?. Anh vịn vào lý do là anh họ thì có quyền đến thăm, sai bét rồi anh ơi! Lương tâm em đang cắn rứt vì đã nói láo chồng em.

 Gần đây, Huấn có thái độ khó hiểu lắm. Huấn không nói gì hết, nhưng em đoán là Huấn đã tìm ra việc em gian dối, lỡ rồi, em không biết phải làm gì. Đôi lúc, em có thể nhìn thấy trong mắt Huấn tia sáng của một kẻ sắp làm một việc gì đó khủng khiếp lắm, như giết người chẳng hạn. Huấn sẽ giết ai, anh hay em?. Từ giác quan thứ sáu, em linh cảm một điều nguy hiểm sẽ xảy ra cho em, không sớm thì muộn.

 Anh hãy bỏ thành phố này, đừng bao giờ trở lại gặp em. Em van anh, trăm ngàn lần, hãy tìm quên ở một người con gái khác. Tình đã xa, anh đừng mong gì ở em nữa, coi như đây là lời cuối cho nhau. Vĩnh biệt".

 Huấn buông thõng cánh tay, lá thư rơi xuống đất. Nhân viên điều tra đi đến, cúi lượm lá thư lên và nói:

- Bây giờ tôi xin trả lời cho xong câu hỏi của ông lúc nãy: Văn phòng thám tử tư đã dựng lên một vở kịch. Trong đó, nam diễn viên là ông và nữ diễn viên chính là nữ thám tử mỹ miều, duyên dáng tên Hạnh. Cô ta đã thi hành công tác này quá tuyệt vời. Những gì ông nói đều được ghi âm, nhưng chỉ có đoạn băng ông vừa nghe là đáng giá thôi.

Huấn nhớ lại, Hạnh đã lấy ví tay trên đầu giường để soi gương và chải tóc khi chàng bắt đầu nói.

 

Hồng Hoang

 BIẾT SỐNG

 Chị kể hồi ở Sài Gòn hay tới một quán cháo vịt ngon muốn xỉu, nhưng tới hơi trễ chút là phải chịu bụng đói ra về. Bởi quán chỉ bán đúng sáu con vịt, không thêm không bớt. Khách có kì kèo hay đòi nằm vạ cũng chỉ nhận được nụ cười, “chịu khó mai quay lại”.

Hỏi khách quá chừng đông sao không bán thêm, chú chủ quán cười, nhiêu đây là đủ. Nhưng đủ cho cái gì, chú không nói thêm.

Ngồi quán đó, chị nhớ quán bán bánh canh cua của má nổi tiếng xóm hẻm hồi xưa. Mỗi ngày nấu đúng bảy chục tô, hỏi mua tô thứ bảy mươi mốt về làm thuốc cũng hên xui.

Sáng dọn chưa ấm chỗ, vèo cái hết nồi bánh, bà dành cả thời gian còn lại của ngày để nằm võng nghe Thái Thanh, hoặc dẫn con Chó đi chơi dài xóm. Chó, là tên của con vịt xiêm cồ.

“Sống như má mình không phí cuộc đời. Đâu phải giàu mới vui”, nhắc tới đó chị bùi ngùi. Người ra thiên cổ lâu rồi, nhưng ký ức động đậy như người vẫn đi lại quanh đây.


Chị nói người sống ung dung kiểu vậy giờ ngày mỗi hiếm, nhưng không phải không có.. Họ đang ở đâu đó, chừng như vô nhiễm với cơn khát tiền. Ở Hội An chị biết một quán nước nhỏ nằm dưới giàn cát đằng, cà phê ngon, trà gừng hết xẩy mà đúng bong mười giờ là đóng cửa.

Sau bữa trưa, anh chị chủ dành thời gian đọc sách, nghe nhạc, chơi với mấy đứa cháu nhỏ. Nhiều sáng khách đông, hết chỗ ngồi, nhưng sân vẫn để trống không chẳng kê thêm bàn. Sân là khoảng thở của ngôi nhà, không phải chỗ để chen chúc bán mua lấy được.

Nhắc mấy chuyện đó, không phải nói khơi khơi, mà chị đang nhắn thằng em thời cào hốt này vẫn còn những người “biết sống”. Vì tuần sau là giỗ má. Vì thằng em vừa chặt cây khế, cơi thêm một tầng lầu, chồm lan can ra che gần hết lộ hẻm. Nó nói không lấn được phần đất, thì lấn trời.

Tiền xây nhà nó kiếm được từ quán bánh canh má để lại, mở bán từ sáng sớm tới khuya. Nó thuộc kiểu được mười ba đồng, thì phải kiếm thêm bảy đồng cho chẵn hai chục. Giàu cái đã, chuyện khác tính sau.

Cũng là con má nhưng tánh thằng em ngược một trời một vực. Tại sao bà chỉ bán bảy chục tô bánh canh, bà giải thích rồi, nhiêu đó đã đủ lời để xoay xở trong nhà, lại còn dư chút đỉnh để dành khi bất trắc. Mấy chục năm, bà hài lòng với việc giữ gia cảnh mình gói gọn trong hai chữ “đủ ăn”.

“Nhưng làm nhà giàu sướng hơn chớ, má ?”

“Giàu nghèo gì phải vui mới được”.

Chữ vui đó cũng minh mông, với mỗi người nó có nghĩa khác nhau. Với bà chủ tiệm tạp hóa Linh Thông là buôn bán luôn tay, mặc dĩa cơm tấm khô queo và ly cà phê đá tan trắng nhợt tự hồi nào. Vui của ông chủ chuỗi cửa hàng điện máy là mở thêm vài chi nhánh mới. Của quán nhậu Tăng Ba là khách nào ra khỏi đó cũng xùng xình say. Hay với vợ chồng thằng em, không vui nào bằng nghe tiếng những tờ giấy bạc sột soạt lúc nửa đêm.

Nhưng có những người như má, vui bởi được nằm thong thả nghe Thái Thanh hát “bể sầu không nhiều nhưng cũng đủ yêu”, vui vì nhà có cây khế chua cho trái gần như quanh năm. Chua tới con nít bụi đời không thèm hái. Nhưng khế chua được cái trái lớn, mọng nước, dài cánh khía sâu. Má hái mớ trái chín vàng chất lên cái rổ tre cạn lòng, là đẹp bừng lên bàn ăn trong bếp.

Đó là ngôi nhà rất đẹp, trong ký ức con cháu. Không có hoa tươi (như bà nói hoa chỉ đẹp khi còn nguyên cành nguyên gốc), nhưng nhà vẫn được chưng diện bằng những thứ ít ai ngờ. Cái rổ tre lúc nào cũng đựng gì đó, khi thì những trái muồng khô, lúc khác, trái bàng.

Không phải loại trái cây ăn được, chúng rụng đầy công viên, chỉ cần cúi lượm một chút là đầy rổ. Nhìn thấy cái đẹp trong thứ tưởng chừng vô dụng, trăm phần trăm chẳng phải người sống gấp sống nhanh.

Mấy thứ trái tức cười trong rổ tre của má, cũng là thứ mà chị nhớ, vào buổi chiều nào đó ghé thăm ngôi nhà xiêu xiêu gần cửa Gió. Xóm chài, buổi trưa vắng người. Trên bộ vạc sau nhà có một nắm trái so đũa nằm trên mo cau. Hỏi thứ này ăn được sao, một thằng nhỏ cười, hông đâu cô, con để vậy cho đẹp. Trưng ở sau nhà, nên chắc chắn không vì khách, đẹp này cho mình..

Mớ trái gà chê dê nguýt nọ không phải được mang về bởi một phụ nữ nào, mà từ thằng nhỏ cháy nắng đen thui. Nghe thằng nhỏ nói, chị đoán sau này nó sẽ vác cây đờn đi ca tài tử, sau một ngày đánh bắt mệt lả.

Nửa đêm về nó đứng ngoài hè một lúc lâu, vợ hỏi sao không vô, nó nói trời nhiều sao quá, nhìn thêm chút nữa. Thằng nhỏ cũng có thể trở thành một anh giám đốc thiệt ngầu, nhưng mỗi cuối tuần anh tắt điện thoại, chở con ra đồng thả diều, ngắm bèo trôi sông.

Đó là một người sẽ tận hưởng được nhiều vẻ đẹp trên đời, bất kể giàu nghèo. Như má. Một người đàn bà mà khi nhắc tên ai cũng buột miệng kèm theo mấy chữ, “sao mà biết sống quá xá”.

Cái khái niệm biết sống này cũng vô chừng, mỗi người mỗi kiểu, nhưng nhìn một lượt, chừng như người biết sống là biết đủ. Khi đó tham vọng thôi sôi réo, họ trọn lòng lắng nghe những tiếng thì thầm ở quanh mình.

Nhưng đó không phải là kiểu sống mà vợ chồng thằng em chọn. Nó nói ai cũng tà tà vậy thì sao nước mạnh được. Mạnh, là phải có tiền, nhiều tiền, rất nhiều tiền. Có tiền mua gì cũng được. Mua vũ khí. Mua bằng hữu. Không thiếu nợ, và khỏi phải lấy đất đai ra trừ cấn nợ.

Chị hiểu nó muốn ám chỉ chính sự gì đây, cười, “nói thì hay, bữa rồi có vài trăm ngàn tiền thuế mà kì kèo trả giá”. Người giàu nhiều, mà đất nước vẫn nghèo, là vậy. Tới cái nắp cống ngoài đường cũng bị lấy cắp. Ai cũng vơ vét cho mình, sẵn sàng ôm tiền bỏ chạy.

Hồi buổi chụp giựt bắt đầu, ngó tiền lẻ nhét đầy tượng Phật, chị không nghĩ thời thế kéo dài như vậy. Lâu đến mức không tin là mình chờ được ngày kết thúc. Sóng trước sóng sau cứ hớt hãi. Nhỏ cháu chị mua sách dạy làm giàu về gối đầu giường, dù ba nó nói cần gì đọc, chỉ cần chui vào cơ quan nhà nước, lên cao, thì đường nào cũng giàu.

Ngó mớ tựa rất kêu kiểu như “làm giàu không khó”, “Hai mươi bảy cách trở thành tỉ phú”, chị biết trong đó không có câu nào khuyên người ta biết thả lỏng tắm mình trong mùi hoa ban đỏ trong đêm. Mùi hoa nhẹ lắm, hít thở nhanh không cảm nhận được.

Chị nhắc con nhỏ cũng có những cuốn sách chỉ cách người ta sống chậm, cách kháng cự lại lòng tham lúc nào cũng đói khát của chính mình. Ở hai bên con đường một chiều đi tới miền khuất mặt, nhiều thứ đẹp lắm, chạy nhanh thở gấp thì không thấy được đâu

Nguyễn Ngọc Tư.






Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.