.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

TẢN MẠN VỀ O HUẾ

 

Bà xã của tôi là một cô gái Huế, nói theo kiểu Huế là một o Huế. Dù cho bây giờ o Huế của tôi đã phần nào không còn là "rặc" Huế nữa, nhưng chỉ cần là sinh đủ tiêu chuẩn o Huế rồi.

O sinh ra và đi học ở Huế, nhưng lớn lên một chút thì theo gia đình dọn vào Đà Nẵng, rồi khi lên đại học thì vào Sài Gòn. Như thế là qua thời gian "chất Huế" của o cứ "loãng" dần theo mỗi chặng đường xuôi Nam. Nhưng có lai thì cũng chỉ lai một chút ở cái giọng nói nhẹ bớt đi thôi, chứ o vẫn là một o Huế chính hiệu.

Tôi gặp o khi lần đầu bước chân vào trường ĐHSP. Hình ảnh ban đầu ấy cho tới bây giờ vẫn còn in đậm trong trí tôi. Một o Huế với mái tóc đen dài buông xõa ngang lưng, với chiếc "băng đô" màu tím Huế đi kèm với cặp kính cận sẫm màu trà rất hợp với khuôn mặt của o. Chiếc áo dài trắng đơn sơ, vừa kín đáo vừa quyến rũ của o, cứ bay bay theo gió khi o ngồi trên chiếc Yamaha màu xanh đời cũ của những năm 66-67, đi đến trường vào mỗi buổi sáng sớm.

Có khi o đi một mình, có lúc o chở thêm cô bạn thân cùng lớp. Hình ảnh đó cứ lập đi lập lại mà trở thành quen thuộc, đến độ mới gần đây tôi tình cờ thấy một tấm ảnh trên "net" được chụp từ phía sau o với cô bạn gái, làm cho tôi chợt kêu lên: "Ai chụp tấm hình nầy vậy?". Cũng mái tóc đó, dáng dấp đó, chiếc áo dài đó, cũng chiếc xe cùng hiệu, cùng đời, cùng màu với xe của o.

Tấm ảnh giống đến 99,5%, khi tôi gởi tấm ảnh nầy cho cô bạn của o xem, thì cô bạn cũng kêu lên: "Tấm hình nầy chụp hồi nào vậy?". Sau đó tôi xem kỹ lại thì thấy có một chi tiết làm tôi ngờ ngợ là không có... bảng số xe và cái giỏ phía trước.

Thế đấy, tôi giật mình khi thoáng thấy lại cái hình ảnh của o hơn 40 năm trước, tôi cũng hồi hộp xôn xao giống như khi nhìn o lần đầu vậy. Lạ lắm, không biết có ai giống tôi không? !!!

Có đôi lúc, o thỏ thẻ cất giọng nhẹ nhàng như rót mật vào tai mà hỏi tôi rằng: "Sao mình không chọn một o Nam giống mình hay o Bắc, mà lại chọn o Huế vậy?". Thiệt là không biết trả lời sao, khi "thế giới đông người nhưng chỉ thấy riêng em".

Chính o cũng nhìn nhận một cách hết sức chủ quan là các o Huế.... "không đẹp" như hoa hậu, nhưng nếu làm người mẫu chụp ảnh thì.... điệu không ai bằng. Còn o Nam hay o Bắc thì tôi không dám lạm bàn, nếu lỡ nói bậy rất dễ.... cháy nhà lắm. Chỉ dám nói tới o Huế của tôi thôi, thì o "dễ thương chi lạ" !!!

Mà không phải đến khi gặp o trong sân trường đại học thì tôi mới thích cái "chất Huế" của o, với giọng nhỏ nhẹ đầy dấu nặng hay qua dáng vẻ dịu dàng khép nép rất bắt mắt của một nữ sinh Đồng Khánh ngày nào.

Tôi đã từng kể chuyện cho o nghe về việc học hành thời niên thiếu của mình.

Khi ấy vào khoảng năm học lớp đệ ngũ hay đệ tứ gì đó (lớp 8, lớp 9 bây giờ) ở trường HNC Gia Định, có một cô giáo trẻ mới ra trường về dạy lớp của tôi. Đó là cô N, dạy Anh văn. Giờ đầu tiên của cô giáo làm cho tôi rất thích thú với giọng Huế khá nặng của cô, nhưng lại rất êm tai. Các bạn trong lớp cũng hào hứng khi bỗng đâu một cô tiên thật là ngọt ngào hiền dịu lại lạc vào cái đám nam sinh quỷ quái chúng tôi.

Những giờ học sau đó của cô càng chứng tỏ cái "sức Huế" nó mãnh liệt biết chừng nào. Bọn học sinh chúng tôi cứ mong đến giờ Anh văn, cả lớp im phăng phắc ngóng cổ lên để nghe cô giáo..... nói tiếng Huế, chứ nào có thiết gì đến bài học tiếng Anh đâu. Sự trật tự của lớp tôi dành cho giờ dạy của cô giáo mới chưa bao giờ nặng lời quát mắng học trò, là một ngoại lệ hiếm có.

Nhưng rồi những ngày vui thường qua mau. Khoảng chừng ba bốn tháng sau, cô giáo N không còn dạy lớp tôi nữa vì nghe đâu cô đi... lấy chồng và đổi về trường khác.

Thế là tôi hụt hẫng, mất ăn mất ngủ nhiều tháng trời sau đó. Kỷ niệm của tuổi mới lớn nầy đã gây một ấn tượng sâu sắc trong tôi cho mãi đến bây giờ.

Từ khi tôi biết o Huế đến nay là tròn 43 năm, thời gian không dài lắm nhưng có đôi lúc tôi quên béng đi là tôi có một o Huế bên cạnh, nếu không có vài sự kiện thỉnh thoảng cứ xảy ra "nhắc nhở" tôi.

Vợ chồng tôi khi ra ngoài đi phố, đi chợ búa hay đi đâu đó chút việc, nhiều khi tình cờ gặp một dân Huế nào đó bắt chuyện, thì sau câu chào xã giao thông thường là đến câu thứ hai với giọng điệu mừng rỡ của vị khách lạ:
- "Chị là người Huế à ? Chị ở mô rựa ?"
- "Dạ, tui ở gần cầu Kho Rèn".

Rồi sau đó là những câu thăm hỏi rối rít vồn vã thân tình giữa hai người, làm như thể cả hai đã quen nhau "từ kiếp trước" rồi. Khi đó tôi bắt đầu đóng vai kẻ thứ ba nhìn hai người nói chuyện mà tôi chẳng hiểu gì cả. Chỉ nội mấy cái địa danh, mấy cái tên ông Nghè, ông Tổng gì đó đã lạ hoắc, nói chi nó được phát âm bởi giọng Huế đặc sệt thì... hết biết luôn.

Hồi lâu sau khi mãi mê với "Huế của mình", người khách lạ mới sực nhớ lại quay sang hỏi tôi:

- "Còn anh là người ở mô ?"
- "Dạ, tôi là dân Sài Gòn".
Người khách nhìn tôi như có ý tò mò, nhưng tôi đoán trong đầu anh ta đang thắc mắc là không hiểu sao tôi là dân ở tuốt trong Nam mà lại rinh được một o Huế xa lắc xa lơ "ngoài nớ".
Cái tình cảnh vừa kể trên không phải tôi chỉ đụng một lần, mà hễ gặp dân Huế đâu đó là y như rằng cái điệp khúc "Chị là người Huế à ? Chị ở mô rựa ?" lại bắt đầu và rồi..... cứ thế tới luôn !!!

Các bạn nào có bà xã là o Huế thử xem tôi nói có đúng không ? Dân Huế cứ gặp nhau là rất mừng rỡ, nhất là ở hải ngoại nầy. Họ coi như "chất Huế" là tài sản riêng của con dân đất Thần Kinh, tất cả ai có dính dáng chút xíu đến Huế là đương nhiên trở thành thân thuộc, là người trong nhà với nhau từ thời.... ông Bành Tổ !!!

Đây có lẽ là một đặc điểm trong văn hóa ứng xử của riêng dân Huế, vì tôi không thấy điều nầy ở người miền Nam hay miền Bắc. Chưa hề có một người Nam nào hỏi tôi: "Bộ anh là người Nam hả ?" !!! Tôi chỉ hay nghe nói "người Nam", "người Bắc", chứ hình như ít ai nói "người Trung". Người Nam thường không phân biệt miệt nào, còn người Bắc đôi lúc có xác định "người Hà Nội", "dân xứ Nghệ".....

Riêng "dân Huế" nhất định không cho mình lẫn lộn vào cụm từ "người miền Trung", mà phải chỉ đích danh "Huế" mới chịu. Mà cũng phải thôi, có lẽ do ở khúc giữa nầy thường bị chia vụn ra như "người Đà Nẵng", "dân xứ Quảng", "gốc Bình Định", "người Nha Trang", "dân Phan Thiết". v.v..., nên người Huế "buộc lòng" phải dành riêng cho mình một vương quốc "quý tộc".(?) Chứ chẳng phải các o Huế kênh kiệu đâu....

Mới đây có người bạn email cho tôi một truyện ngắn dí dỏm "Vợ chồng như khách khứa" của NTTD. Tựa truyện nầy phát xuất từ câu "Phu phụ tương kính như tân". Ở đây tôi không bàn đến nội dung truyện mà chỉ muốn nói đến chữ "tân" là "khách".

Tại sao vợ chồng lại phải đối xử với nhau như là khách. Đã là khách thì khách sáo rồi. Đã là khách thì còn gì là chân thật, còn gì là tình tứ lãng mạn nữa. Đã làm khách với nhau thì miệng mồm xởi lởi, rào trước đón sau, tay bắt mặt mừng, nhưng không biết câu nào là thật, câu nào là giả. Đã là khách thì phải dè dặt xem lời nào là nói suông miệng, câu nào là gài độ, khi nói bông đùa mà nghe ra như xiên xỏ !!!

Thế mà cứ bảo vợ chồng phải xem nhau như khách khứa thì quả thật chả còn tình nghĩa đầu ấp tay gối gì nữa.

Đó là chưa nói đến cái kiểu khách khứa bây giờ. Vào một ngày đẹp trời nào đó, bỗng dưng sếp vi hành đến nhà nhân viên "làm khách" khiến chủ nhà mặt mày tái mét, ngồi căng tai nghe cả buổi cũng không hiểu nỗi sếp mình muốn vòi vĩnh cái gì để mà... liệu cơm gắp mắm. Hay là gặp lúc Tết nhất thì thuộc hạ phải đến "làm khách" nhà ông chủ để chúc Tết, mà đã chúc thì phải làm sao.... coi cho được thì làm !!!

Như thế làm khách đâu phải là dễ chịu. Mình là khách của người ta hay người ta là khách của mình thì cũng chỉ là hai cách.... chết khác nhau thôi. Trong hoàn cảnh nầy tôi liên tưởng đến nghĩa khác của chữ "tân" là "cay", là cay đắng, cay nghiệt.

Cho nên tôi muốn hiểu "tân" là "mới". Vợ chồng đối xử với nhau lúc nào cũng như lúc mới biết, mới quen, mới cưới. Dù qua thời gian, vẫn giữ gìn lời ăn tiếng nói cho cẩn trọng, đúng lễ nghĩa, biết kềm chế, biết tôn trọng đừng làm tổn thương nhau, việc gì cũng đúng mực, không bất cập, không thái quá.v.v...

Nếu hiểu như thế nầy thì o Huế của tôi đúng là "tương kính như tân" rồi.

Mỗi khi tôi hỏi o một chuyện gì hoặc làm giúp o một việc lặt vặt nào đó, thì o luôn nhỏ nhẹ: "Dạ, em làm rồi mình à ", "Dạ, cám ơn mình".... Những chi tiết như vậy xem ra cũng là vặt vãnh thôi, vã lại lâu dần tôi quen rồi nên có khi không "thấy" nữa. Nhưng hễ ra ngoài nghe vợ chồng người ta ăn nói với nhau nhát gừng, không đầu không đuôi, thì tôi lại nhớ ra o Huế khác xa cái kiểu ngang phè đó.

Hỏi như vậy thì làm sao mà tôi không mê o cho được !!!

Thập niên 60 là khoảng thời gian nhiều "sóng gió" trong đời tôi. Những năm đầu là ngẩn ngơ trước cô giáo Huế ở trung học, những năm cuối là mê mẩn với o Huế ở đại học. Còn những năm lơ lửng giữa chừng thì bận.... mơ mộng đến các người đẹp trong phim "xi nê".

Vào thời đó, các rạp chiếu phim bình dân đều chiếu thường trực suốt ngày, giá vé chỉ 5 đồng xem hai phim. Những tên tuổi lớn vẫn còn "theo" tôi đến giờ như Audrey Hepburn trong phim "Roman Holiday" (1953), hay Romy Schneider trong "Sissi" (1955), hoặc những ngôi sao hạng nhì như Giorgia Moll với "The Thief of Bagdad" (1961).

Khi lớn hơn một chút thì trong bóp của tôi đã có ảnh của Sylvie Vartan, cô nàng hát bài "La plus bell pour aller danser" trong phim "Cherchez l'idole" (1964), lúc đó đang chiếu tại rạp Casino Dakao gần cầu Bông. Còn ca khúc vượt thời gian "The house of the rising sun" được ban nhạc The Animals trình diễn trong phim "Pop Gear"(1965), đã gợi cảm hứng cho tôi nuôi mộng trở thành tay trống chuyên nghiệp, nhưng chỉ mãi đến những năm gần đây tôi mới được cầm đũa chơi trên dàn "Tama" trong một thời gian ngắn.

Nhưng từ khi ra đi dạy, tôi không còn cái thú xem phim nữa, kể cả sau nầy khi có thể xem phim online tại nhà. Cho nên những cái tên mới còn nhớ được ngày càng hiếm dần, như Julia Roberts (Pretty Woman, 1990), Sandra Bullock (Speed, 1994), hay Natalie Portman (The Professional, 1994).....

Còn o Huế của tôi thì rất mê xem phim, nhất là phim bộ nhiều tập. Có lúc tôi thấy o cắm cúi rà tìm phim trên web, tôi hỏi, thì o nói: "Mình ơi, hết phim cho em coi rồi". Thì ra mấy hãng phim đó quay.... không kịp cho o coi. Vì mê phim như vậy nên chẳng những o không lạ gì các khuôn mặt Chương Tử Di, Phạm Băng Băng, hay Choi Ji Woo, Kim Hye Soo.... mà đôi khi còn nhập tâm cả lời thoại lồng tiếng trong phim nữa. Những lúc đó, o thỏ thẻ vào tai tôi:

- "Mình à,....... Huynh có thích muội không ?"
- "Trời, không thích muội thì thích ai chứ ?"
- "Vậy hả mình,......vậy còn cô bạn gái ở Văn khoa khi xưa..... thì răng? "

Nghe đến đây tôi bỗng bủn rủn tay chân. Nếu sơ sẩy thì "bể dĩa" như chơi. Thế nên nói chuyện với o phải thật cẩn thận, phải biết câu nào nên trả lời ra sao, chứ mà cứ vô tư thì có ngày sẽ dính chấu với hoạt cảnh "trắng đêm không ngủ". Lúc đang diễn cái cảnh thỏ thẻ vào tai nầy, tốt nhất là phải nhớ câu "tương kính như.... khách khứa" mới an toàn.

Nói thiệt thì o Huế của tôi cũng có uy lắm đấy, đừng tưởng là o hiền. Đôi lúc vui miệng tôi hỏi o: "Vậy chớ kho rèn ngoài nớ nó rèn cái giống gì vậy ?", thì o không trả lời mà trừng mắt nhìn tôi !!!

Đến đây, dám có người cho là tôi sinh ra ở gần "kho đạn" Long Bình lắm. Làm gì có chuyện đó. Không tin thì cứ.... đi hỏi o Huế coi.

BÙI THANH ĐOÀN

Thất Thập Khổ Như Ri.

Thời buổi bây giờ lứa tuổi các cụ 70 không còn là của hiếm nữa. Nhưng cái tuổi 70 rất lạ. Trước đó nhiều người còn thấy khá dẻo dai, khỏe mạnh tưởng chừng cứ thế mãi đến lúc ra đi. Vậy mà bước sang 70, cứ như một bước ngoặt lớn. Nhiều người nghiệm thấy đến cái tuổi này bỗng dưng cảm thấy rõ những biến đổi trong cơ thể hơn bao giờ hết.

Ngày xưa chân nhảy lò cò, vỉa hè sân gạch, tung tăng, giờ có những lúc liêu xiêu khi đứng một chân, xỏ quần, xỏ giầy thấy loạng quạng. Chắc ai cũng có cảm giác đến cái tuổi này bỗng nhức đầu, chóng mặt bất tử. Ngồi lâu đứng dậy, tê cứng lưng, chân, thành đi lòng khòng. Các khớp chẳng cần trở trời cũng long sòng sọc, kêu khùng khục, răng rắc nghe chối cả tai. Mà cái tai nào có chịu thua, nghe tiếng được tiếng không, chữ tác tưởng chữ tộ. Đôi mắt ngày xưa trong veo, tuổi trẻ mơ màng, giờ mơ huyền. Trước đọc liền hàng trăm trang sách không mỏi, giờ loạng quạng bấm phím chữ díu vào nhau, muốn viết thế này nó lại thành thế khác, người ta đọc không hiểu nổi ý mình.

Đến tuổi này, có người thì gầy đi, càng ngày càng teo, có người thì càng ngày càng phình, mà lại phình những chỗ không mong muốn mới chán ��. Cổ cao ba ngấn còn có ngấn rưỡi. Hai mí mắt bỗng mất tiêu mất một, còn cái cằm giờ lại thành hai, làm khuôn mặt trở nên phúc hậu một cách bất ngờ ��. Quá tuổi sinh đẻ từ lâu mà lúc nào bụng cũng cứ như bụng bà bầu, 4, 5, 6 tháng tùy theo, chẳng giấu được ai ��.

Rồi bệnh nọ tật kia kéo đến ầm ầm. U cục mọc lung tung, trong ngoài phát ra như nấm độc. Cả đời đã ngấm bao đắng cay, chua chát, vậy mà bây giờ ngọt ngào phát sợ, ngọt đến tận máu. Không tin xin cứ thử đường huyết, nó tăng cao không ngờ ��! Ngày xưa nhẫn nhịn thế, xếp hàng mua hàng tem phiếu hàng tiếng đồng hồ không sao, bây giờ hơi tí là bốc hỏa, mặt đỏ tía tai, nhưng chẳng làm gì được ai mà chỉ có nước ngồi... thở và uống thuốc... hạ huyết áp! Trái tim khó bảo, chẳng vì một bóng hồng hay một trang nam tử nào, mà chỉ sau một gắng sức nho nhỏ cũng cứ đập loạn lên ��.

Tiền "bạc" rất yêu, màu đen tăm tối chẳng mấy ai mê, vậy mà tóc " bạc" không ai thích, cứ muốn nó mãi đen nhánh. Dùng hết phẩm nọ màu kia mà các chân tóc cứ ngoi lên sáng trắng ��. Còn tóc để nhuộm là may. Có những người đầu cứ bị phát quang mãi đến lúc thành sân vận động. Mái tóc bồng bềnh, mượt mà hay gợn sóng một thời, nay chỉ còn trong những tấm ảnh kỷ niệm.

Lại nhìn lớp da nhăn nheo mà phát buồn. Chân chim chân cò, rãnh dọc rãnh ngang, những dấu vết thời gian chỉ ngày càng rõ nét hơn. Đôi bàn tay mịn màng bất chấp mọi loại kem dưỡng, chúng cứ gân guốc dần, khẳng khiu dần. Và cái đầu nhớ nhớ quên quên, nhìn mặt quên tên, nhớ tên quên mặt, đi chợ được dặn mua 7 thứ quên 3, suốt ngày đi tìm chìa khóa và kính!!!

Hỡi ôi! Thất thập khổ như ri, bát thập, cửu thập còn như thế nào nữa. Hu hu ����.

Hoàng Xuân Tụng

Có người con gái tên Thảo Trang
Tôi có một người bạn thân tên Nguyễn Thảo Lư. Theo tự điển Hán Việt, thảo lư là ngôi nhà nhỏ bằng cỏ, bằng tranh hay bằng lá. Nhớ lại chuyện Tam Quốc chí, khi Lưu Bị đi tìm Khổng Minh để mời người ra làm quốc sư, Lưu Bị đã phải tam cố thảo lư, nghĩa là phải ba lần đến viếng ngôi nhà cỏ của Khổng Minh để chiêu hiền đãi sĩ.
Tôi không rõ có phải vì mê tích Tàu hay không mà ba má Lư đã đặt cho anh cái tên đó. Nói chung, tên của Lư không đẹp mà cũng không xấu. Ngặt nỗi bạn bè không ai gọi anh là Thảo Lư, mà chỉ gọi anh là Thảo Khấu (giặc cỏ).

Quê Lư ở Mỹ Tho. Ba má anh có nhà cao vườn rộng, cây trái quanh năm mùa nào thức nấy. Lư ở Sài Gòn cùng với cô em gái tên là Nguyễn Thị Thảo Trang. Tên cũng đẹp mà người cũng đẹp. Những năm đó, Trang đang ở nội trú trường Gia Long áo tím. Tôi vẫn thích gọi tên ngôi trường đó là Gia Long áo tím, mặc dù vào thập niên 60 nữ sinh Gia Long đã mặc đồng phục áo dài trắng.

Sài Gòn có hai trường nữ trung học nổi tiếng, trưòng Trưng Vương và trường Gia Long. Trường Trưng Vương thì hơi nhỏ, vì chia lại một phần cơ sở của trường Sư phạm Nam Việt cũ, lại nằm liền vai sát cánh với các dãy lầu của Nha Trung học, Nha Tiểu học và trường nam Võ Trường Toản. Trường Gia Long bề thế hơn, nằm riêng biệt trong một vòng rào kín cổng cao tường. Những con đường vây quanh ngôi trường Gia Long cũng đẹp đẽ, thơ mộng và trữ tình.

Tục ngữ Việt Nam có câu nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò nhưng đối với tôi, nữ sinh của cả hai trường này đều có giáo dục. Trong những lần đi dạy thực tập tại hai ngôi trường đó, tôi vẫn nhận được sự hợp tác tốt đẹp và sự tiếp đón kính trọng từ các nữ sinh.

Tôi có một nhận xét sau đây về sự khác biệt giữa nữ sinh hai trường, không biết có đúng hay không. Hay chỉ do một vài hiện tượng cá biệt mà tôi đã vội quy nạp cho cả một tập thể? Theo tôi, nữ sinh trường Trưng Vương có vẻ dạn dĩ hơn, nói theo từ ngữ thời thượng là chơi bạo hơn. Từ trên bục giảng, tôi có thể nhìn thấy bên dưới lớp, vào những phút cuối giờ học, có nhiều nữ sinh đã tự nhiên kéo từ trong cặp ra chiếc gương soi mặt, vội vã liếc qua dung nhan và làm vài động tác trang điểm cần thiết. Hiện tượng này tôi không bắt gặp ở Gia Long trong những giờ tôi giảng dạy.

Hàng tuần vào sáng thứ bảy, Lư đến trường Gia Long đón em gái ra, đưa Trang đi dạo phố, mua sắm lặt vặt, đôi khi hai anh em đi xem hát. Buổi chiều Lư lại đưa em vào trường. Có khi hai anh em kéo nhau về Mỹ Tho thăm cha mẹ. Chiều chủ nhật trở lên Sài Gòn, Trang lại gia nhập vào cái thế giới khép kín của nữ sinh nội trú trường Gia Long áo tím.

Khi tốt nghiệp sư phạm, Lư đậu hạng thấp phải nhận nhiệm sở tận tỉnh Phan Thiết thuộc vùng II chiến thuật. Tôi được dạy ở Biên Hoà, chỉ cách Sài Gòn có 30 cây số. Trước ngày chia tay, Lư bảo tôi:
- Tao gởi con Trang lại cho mày. Ba má tao già cả lại ở xa, không thể lên thăm lên rước nó được.

Mặc dù là bạn chí thân của Lư, tôi cũng ngạc nhiên trước sự chọn mặt gởi vàng này:
- Tao làm gì được cho Trang? Vả lại mày không nghĩ là mày đã giao trứng cho ác hay sao?

Lư trấn an tôi:
- Tao có bảo mày đưa rước nó đi chơi đâu. Tao chỉ nhờ mày đến trường thăm nó cho nó đỡ tủi thân. Thỉnh thoảng nó có cần gì bên ngoài, mày mua giùm. Tiền bạc đã có tao lo.

Lư rút trong túi áo ra cho tôi xem hai cái thẻ:
- Đây là cái thẻ màu xanh để vào thăm và đây là cái thẻ màu hường để rước. Tao giao cho mày cái thẻ vào thăm. Cuối tuần nếu có rảnh, mày đến văn phòng trường đưa cái thẻ này ra, giám thị sẽ gọi nó xuống. Nó thích ăn xôi bắp, bánh cuốn chả lụa, bò bía bên chùa Xá Lợi. Khi vào thăm nhớ đem cho nó các món này giùm tao.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. À ra thế, chỉ đến thăm chứ không có rước đi chơi lỉnh kỉnh. Thôi thì “Cũng liều nhắm mắt đưa chân. Mà xem con tạo xoay vần đến đâu”.

Ngày đầu tiên đến thăm Trang, tôi vẫn còn nhớ rõ. Trời vào thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc. Con đường Phan Thanh Giản tôi đã qua lại nhiều lần, mà sao hôm nay dường như có nhiều thay đổi, hay là vì chính trong lòng tôi đang có sự đổi thay?

Đến văn phòng tôi trình tấm thẻ màu xanh, cô giám thị mời tôi vào phòng chờ, rồi lên máy gọi: Nguyễn Thị Thảo Trang, đệ nhị C3, có thân nhân vào.

Tôi đã đến Gia Long dạy thực tập vài lần, nhưng vẫn chưa biết cái giang sơn nội trú nằm ở đâu, nên giả vờ làng chàng trước cửa phòng, hút cho hết điếu thuốc đang cháy dở. Từ đó tôi nhìn thấy Trang với tà áo dài trắng xuất hiện từ dãy lầu nằm ngang ở mãi cuối sân.

Khi đến gần, Trang thỏ thẻ:
- Thưa anh. Anh Lư có dặn là anh sẽ đến.

Tôi cố diễn xuất tự nhiên cho đạt vai trò người anh thăm nuôi:
- Anh có đem bánh cuốn nóng vừa mua ở hẻm Phan Đình Phùng cho Trang đây.
- Cám ơn anh. Sao anh biết em thích bánh cuốn chả lụa?
- Anh Lư có nói. À lần sau anh sẽ đem bò bía nhá.

Trang cười khúc khích để lộ hai hàm răng trắng đều như hạt bắp, khiến tôi chợt nhớ đến bài thơ “Cần Thiết” của thi sĩ Nguyên Sa:

“Không có anh,
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp đọc
Ai lau nước mắt khi em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa.
Những lúc em cười trong đêm khuya
Lấy ai nhìn những đường răng em trắng…

Câu chuyện bắt đầu một cách vui vẻ tự nhiên, dần dần chuyển sang chuyện học hành của Trang, chuyện đi dạy của tôi, chuyện các phim xinê đang chiếu ở rạp.

Một lúc sau tôi chợt nhớ:
- Ấy chết, Trang ăn bánh cuốn kẻo nguội.

Trang lại cười, để lộ hai hàm răng trắng nõn:
- Chắc đã nguội rồi chứ còn kẽo gì nữa. Thôi để em đem lên phòng. Ăn ở đây kỳ lắm.

Con gái miền Nam khi mắc cỡ không chịu làm việc gì trước mặt con trai thì thuờng nói “kỳ lắm”. Con gái Bắc, Trung hay nói “dị lắm”. Kỳ hay dị đối với tôi đều nghe dễ thương. Lần thăm nuôi đầu tiên thật là tốt đẹp. Thảo Trang ríu rít như chim non trên cành, khiến tôi cảm thấy vui lây, vì ít ra tôi cũng đã mang lại hạnh phúc cho một người.

Những lần thăm nuôi sau diễn ra đều đặn và trôi chảy. Các bà giám thị không có gì thắc mắc về tình huynh đệ anh em như thể tay chân giữa tôi và Trang. Lư ở ngoài Phan Thiết cũng không thắc mắc về công tác thăm nuôi của tôi. Chỉ có riêng tôi là thắc mắc. Tôi cứ tự hỏi mình đã yêu Trang tự bao giờ và Trang có yêu tôi hay không.
Tôi nhớ đến bốn câu thơ của Xuân Diệu:

“Đố ai định nghĩa được tình yêu
Nào có gì đâu, một buổi chiều
Nó đến trong ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”.

Ông Xuân Diệu còn tỉnh táo và sáng suốt hơn tôi, vì ít ra ông vẫn nhớ là tình yêu đến vào “một buổi chiều”. Còn tôi, nó đến lúc nào tôi cũng không biết. Nó đến nhẹ nhàng quá, êm đềm quá, không một hồi chuông reo, không một tiếng gõ cửa.

Đến lúc chịu đựng hết nổi, tôi đánh bạo viết lá thư tình và trao cho Trang Trong giờ thăm. Tôi ra tối hậu thư “anh sẽ không vào thăm Trang, cho đến khi anh nhận được thư hồi âm qua đường bưu điện”.

Cảm ơn Thượng đế, tôi đã không phải chờ đợi lâu. Tôi nhận được thư hồi âm của Trang ngay trong tuần và nàng thú thật cũng đã thương tôi.

Ôi tình yêu của chúng tôi thánh thiện làm sao. Hàng tuần tôi chỉ được ngồi trong phòng thăm nuôi nhìn đôi mắt em trong, nhìn đôi môi em cười, nhìn đường răng em trắng, nhìn đôi vai em tròn, nhìn bờ ngực em chập chờn theo hơi thở.

Các bà giám thị đã quen nhẵn cái mặt trơ trán bóng của tôi, đã yên chí tôi là anh của Trang, nên thỉnh thoảng chúng tôi cũng được… nắm tay nhau, đá chân nhau dưới gầm bàn.

Chúng tôi lặn ngụp trong hạnh phúc chay tịnh cho đến nửa năm đệ nhất (lớp 12), năm cuối cùng của Trang ở bậc trung học. Một hôm vào thăm, Trang chợt hỏi:
- Anh có muốn em ra ngoài với anh không?

Tôi vừa mừng vừa lo:
- Làm cách nào em ra được?

Trang nói:
- Thầy Vĩnh Đễ dạy Triết có mở cours riêng dạy thêm tại nhà. Thầy nói mấy đứa nội trú muốn theo học, thầy sẽ chứng nhận với nhà trường để được phép ra học thêm.
- Nhưng khi ra ngoài thì em phải đi học chứ.
- Em có cách. Nếu anh muốn, mỗi sáng chủ nhật em sẽ ra với anh.
Cám ơn giáo sư Vĩnh Đễ. Nếu thầy còn sống trên quả đất này, thì xin thầy nhận nơi đây lòng biết ơn vô bờ bến của tôi. Thầy đã thông cảm, đã chứng nhận Trang có học cours riêng với thầy, để Trang có thể bay nhảy với tôi mỗi sáng chủ nhật.

Tình yêu của chúng tôi cứ thế mà phát triển. Mặc dù không còn ở trong giai đoạn chay tịnh, nhưng cũng không đến nỗi phản bội lòng tốt của thầy Vĩnh Đễ. Hậu quả là năm đó… Trang rớt tú tài hai. Cha mẹ nàng rước nàng về Mỹ Tho, xin cho học tại Trường nữ trung học Lê Ngọc Hân. Bây giờ thì tình yêu chuyển sang giai đoạn hàm thụ. Nàng viết thơ cho tôi. Tôi viết thơ cho nàng, nhờ địa chỉ người quen. Xuân thu nhị kỳ, nàng cho tôi một cái hẹn ở chùa Vĩnh Tràng, một ngôi chùa nổi tiếng tại tỉnh lỵ Mỹ Tho.

Tình yêu có khó khăn hơn, vất vả hơn, nhưng bù lại năm đó Trang đậu Tú tài hai và đậu ngay vào Đại học Sư phạm ban Triết (Viện đại học Đà Lạt).

Đến đây chúng tôi đã có thể công khai hóa tình yêu đôi lứa. Cha mẹ đôi bên đều vui vẻ chấp nhận. Riêng Lư, anh cười hô hố mà rằng:
- Tao biết thế nào mày cũng phải lòng nó. Đó là lý do tao nhờ mày thăm nuôi lúc nó ở nội trú Gia Long.

Bây giờ cứ vài tháng chúng tôi gặp nhau một lần. Bước chân chúng tôi đã in dấu khắp khung trời Đà Lạt: thác Cam ly, Prenn, Datanla, hồ Xuân Hương, thung lũng tình yêu, rừng Ái ân, đập Đa Thiện, chợ Hòa Bình, vườn Bích Câu. Vào những chiều mưa bay lất phất, chúng tôi nhâm nhi ly cà phê đắng ở quán Tùng hay đưa nhau đi ăn ở Mêkông. Đây là khoảng thời gian đẹp nhất, thơ mộng nhất của tình yêu. Tôi chỉ chờ đến năm cuối trước khi Trang tốt nghiệp, chúng tôi sẽ làm đám cưới. Như vậy nàng sẽ được theo về nhiệm sở của chồng, nghĩa là dù Thảo Trang đậu ra trường hạng cao hay thấp, nàng vẫn được theo về nơi tôi đang dạy.

Năm 1967, anh Lư thuyên chuyển từ Phan Thiết về quê nhà Mỹ Tho và anh đã lập gia đình. Vợ anh cũng là giáo sư Trường nữ trung học Lê ngọc Hân.

Nghỉ Tết năm 1968, Trang về Sài Gòn thăm gia đình tôi. Nàng mang theo bao nhiêu là quà cáp: trà sen Bảo Lộc cho ba tôi, cà phê Ban Mê Thuột cho mẹ tôi, hoa hồng Đà Lạt cho chị tôi, khoai lang mật cho các em tôi, và đôi má mơn mởn đỏ hồng của con gái Đà Lạt cho riêng tôi. Sau đó tôi đưa nàng ra xa cảng miền Tây để nàng về quê nhà ăn Tết.

Đùng một cái, biến cố Mậu Thân xảy ra. Gia đình tôi phải bỏ nhà ở Phú Thọ di tản đến nhà bà dì tại quận Nhất. Hết công kích đợt một, đến tấn kích đợt hai. Chúng tôi bặt tin nhau từ đó. Ruột gan tôi như dầu sôi lửa bỏng, nhưng không thể làm gì được trong hoàn cảnh toàn quốc đang… tổng công kích.

Đến khi điện thoại liên lạc đưọc với Trường Lê Ngọc Hân, ban giám hiệu cho biết anh chị Lư đã… chết. Lập tức tôi phóng xe xuống Mỹ Tho, mặc dù đoạn quốc lộ dài 70 cây số này vẫn còn nhiều nơi là vùng xôi đậu. Bước vào ngôi nhà ba gian hai chái, trên bàn thờ ngay nơi phòng khách, tôi đã nhìn thấy bình hoa tươi và những khung hình còn mới. Ảnh ba nàng, mẹ nàng, anh chị Lư và… nàng.

Lần đầu tiên kể từ khi khôn lớn tôi đã khóc òa như trẻ thơ, khóc mùi mẫn cho đến khi không còn nước mắt. Dì dượng Trang cho biết cả gia đình Trang về quê nội Cai Lậy ăn Tết. Cả gia đình nàng đã chết thảm giữa hai lằn đạn. Cả gia đình nàng đã đưọc giải phóng khỏi kiếp nhân sinh, chỉ để lại một mình tôi với những năm dài không có mùa xuân…

Đ.N.
(share từ FB anh @Nguyễn Phú Yên)

 

 



 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.