.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2023

Ngôi nhà Hội đồng Dư ít người biết ở vùng Nam Bộ




Với người dân Nam Bộ nói riêng và người mê cải lương nói chung, không ai không biết đến vở cải lương “Tiếng hò sông Hậu” của soạn giả Điêu Huyền. Riêng với nhân vật Hội đồng Dư, dấu ấn hiện nay của ông là căn nhà vẫn còn tồn tại ở Sóc Trăng nhưng rất ít người biết đến…


Nhà Hội đồng Dư.

Theo giới thiệu của Đại tá Đỗ Tất Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Quân sự Quân khu 9, ngôi nhà của Hội đồng Dư hiện vẫn còn nguyên hình dáng, kiến trúc (nhưng đã xuống cấp) và tọa lạc ngay trong khuôn viên trường Quân sự quân khu 9 (phường 10, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), tuổi đời của căn nhà này đã trên 100 năm.


Toàn cảnh nhà Hội đồng Dư.

Ngôi nhà này được xây dựng trên diện tích đất khoảng hơn 100m2, kiên cố theo phong cách biệt thự của người Pháp với quy mô một trệt, một lầu với nhiều phòng nhỏ cùng nhà kho, khu nhà bếp và sân thượng.


Ngôi nhà nhìn từ một góc khác.

Từ ngoài nhìn vào, ngôi nhà gây ấn tượng với mọi người bởi nét quen thuộc của kiến trúc Pháp thường thấy ở Việt Nam. Trước hết là bậc lên xuống (tam cấp) vẫn còn nguyên vẹn những hàng gạch đỏ au đã bị mòn vẹt theo năm tháng; đó là các mái vòm ở cửa ra vào hay trên tường của từng căn phòng. Cầu thang dẫn lên tầng trên uốn lượn trông rất mềm mại, mượt mà cùng hàng chục bậc thang vẫn còn nguyên.


Bậc tam cấp vẫn còn nguyên dấu xưa.

Ngoài căn nhà này, còn có một cây nhãn, một cây anh đào, một cây me tây (cây Còng), hai cây sứ trắng và một cái giếng cổ mà theo Đại tá Hùng thì tuổi của chúng cũng ngang với tuổi căn nhà. Đặc biệt, giếng nước chỉ sâu khoảng 5 – 6 mét nhưng lúc nào cũng đầy nước, trong khi cả vùng đất xung quanh trường bị nhiễm phèn thì nước giếng lúc nào cũng ngọt và mát lạnh.


Cây nhãn cổ.

Cây hoa Anh đào cổ

Cây me tây (còng).

Một trong hai cây hoa sứ.

Cây hoa sứ cổ.

“Trước đây, căn nhà này được sử dụng làm Sở chỉ huy của một đơn vị thuộc trường. Nhưng sau khi có thông báo của Pháp về tính an toàn của ngôi nhà không đảm bảo nên đơn vị không sử dụng nữa mà để nguyên vậy. Theo chúng tôi, tuy đã xuống cấp nhưng nếu được gia cố, sửa chữa thì căn nhà vẫn có thể làm điểm tham quan cho du khách bởi nó gắn liền với câu chuyện Hội đồng Dư và cô ba Phượng của một thời không quên”, Đại tá Hùng chia sẻ.

Cầu thang lên lầu.

Lối lên tầng trên vẫn còn nguyên.


Giếng cổ luôn đầy nước.

Cao Xuân Lương/Theo Tiền Phong


Bức tranh kỳ lạ trong Tử Cấm Thành gây tranh cãi suốt 300 năm, phóng đại gấp 10 lần mới khám phá được bí ẩn: Hóa ra có mối liên quan với cuộc đời họa sĩ

6 bí mật trong bức tranh 'Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai': Từ danh tính bí ẩn của cô gái cho đến hoa tai không phải là ngọc trai

Được biết, tác giả của bức tranh là Hua Yan (1682 – 1756), quê ở tỉnh Phúc Kiến. Ông là một họa sĩ nổi tiếng dưới triều nhà Thanh.

"Ong và hổ" – Bức tranh kỳ lạ gây tranh cãi suốt nhiều thế kỷ

Bức tranh "Ong và hổ" trong Tử Cấm Thành đã có lịch sử gần 300 năm kể từ khi nó được tạo ra. Tuy nhiên đến nay vẫn có nhiều tranh cãi, nghi ngờ về nội dung xung quanh bức tranh.

Ban đầu, bức tranh không phải là một tác phẩm nghệ thuật được mọi người coi trọng. Thậm chí còn bị đánh giá là một tác phẩm ngớ ngẩn, kỳ quặc khi được phát hiện vào đầu thế kỷ 18.

Đến đầu thế kỷ 19, "Ong và hổ" bắt đầu gây sự chú ý. Trong thời kỳ này, một số học giả nghiên cứu để đi tìm nội dung bí ẩn phía sau. Đặc biệt, hình ảnh con hổ trong bức tranh là vấn đề được đem ra bàn cãi, mổ xẻ.

Trong văn học, nghệ thuật và tôn giáo Trung Quốc, hổ là con vật thể hiện sức mạnh, quyền uy. Hổ được coi là linh thú bất khả xâm phạm, là biểu tượng chống lại những điều xấu xa, bảo vệ cái thiện. Hổ thường xuất hiện với dáng đứng hiên ngang, đôi mắt sắc lẹm, bộ lông dày mượt cùng các hoạt động dũng mãnh như: Vồ mồi, săn bắt, nô đùa,…

Tuy nhiên, trong bức tranh "Ong và hổ", con hổ xuất hiện rất lạ. Hổ không có dáng đi lẫm liệt mà đầu cúi phía trước, móng vuốt có miếng đệm dày giống như con mèo. Nếu không có bộ lông vằn đặc trưng, nhiều người còn lầm tưởng đây là một con mèo bị ốm. Hổ trong bức tranh "Ong và hổ" có ánh mắt sợ hãi, rụt rè; móng vuốt cụp vào trong. Trông nó vừa đáng thương vừa buồn cười!


Bức tranh "Ong và hổ" trong Tử Cấm Thành từng là chủ đề được bàn cãi

Các học giả nhận định con hổ trong tranh không tuân theo quy luật tự nhiên. Thế nhưng nhiều chuyên gia khác lại cho rằng chú hổ này là sản phẩm của trí tưởng tượng. Vì thế, Hua Yan không cần phải tuân theo quy luật tự nhiên. Họ cũng cho rằng vì là một bức tranh ngẫu hứng nên dĩ nhiên chẳng chứa đựng hàm ý sâu xa gì.

Thế nhưng, có một điều đặc biệt mà mãi về sau người ta mới phát hiện ra, đó là một con ong đằng sau con hổ. Thoạt đầu, mọi người nghĩ có lẽ do lưu truyền quá lâu nên bức tranh đã cũ, xuất hiện chấm đen nhỏ. Nhưng đó không phải là vết bẩn, vết nấm mốc. Khi mang đi trùng tu, họ đã phóng tranh to gấp 10 lần và phát hiện ra đó là một con ong nhỏ. Đến lúc này, bức tranh mới thật sự hoàn thiện và người ta vô cùng ngưỡng mộ trước tài tình của họa sĩ Hua Yan.


Đằng sau bức tranh là cuộc đời nhiều oan trái của tác giả

Nhiều người cho rằng, qua hình ảnh con hổ, Hua Yan đang ngụ ý chính bản thân. Rõ ràng ông là người có tài năng nhưng vẫn phải bán tranh để kiếm sống. Ông phải chịu đựng nhiều khổ cực, bị người đời coi thường và con hổ trong bức tranh là biểu hiện nội tâm của Hua Yan.

Tuy nhiên trong tranh, con hổ và con ong đối mặt với nhau và đấu tranh không ngừng. Điều này thể hiện tinh thần sống ngoan cường, bất khuất. Đồng thời thể hiện sự dũng cảm, kiên trì đối mặt trước mọi khó khăn, thách thức.

Tác giả Hua Yan sinh ra trong một gia đình nghèo tại tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Cha mẹ ông là nông dân và làm thêm công việc làm giấy viết. Mặc dù gia đình không khá giả giả nhưng cha mẹ vẫn cho ông học hết bậc tiểu học. Sau này khi cha mất đi, ông phải bỏ học giữa chừng, về nhà theo nghề làm giấy cùng người chú.

Từ nhỏ, Hua Yan đã yêu thích hội họa và văn học. Ông bắt đầu vẽ tranh từ rất sớm. Ngay cả khi đang làm việc, ông cũng vẽ lên bất cứ đâu như trên nền đất, tường nhà hay nền cát.

Trong một lần khi đang nguệch ngoạc trên tường, một họa sĩ đi ngang qua nhìn thấy đã rất ngạc nhiên. Sau đó, vị họa sĩ nhận Hua Yan làm học viên và đầu tư cho ông học vẽ bài bản. Nhờ đó, kỹ năng hội họa của ông được cải thiện. Hua Yan nhanh chóng trở thành một họa sĩ nổi tiếng. Các tác phẩm của ông tạo được tiếng vang lúc bấy giờ. Hua Yan còn được Hoàng đế Khang Hy đánh giá cao và ông trở thành một trong những họa sĩ phục vụ trong cung đình.


Hua Yan có rất nhiều những bức họa nổi tiếng

Sau khi tên tuổi Hua Yan được nhiều người biết đến, tranh của ông bán rất chạy. Nhưng vào năm Khang Hy thứ 12, một gia tộc tại tỉnh Chiết Giang mời Hua Yan đến để vẽ 4 bức tranh lớn treo trên tường nhà thờ tổ đường.

Tuy nhiên, do xuất thân thường dân của ông nên sau đó, họ đã từ chối thẳng thừng. Thay vào đó, họ mời một họa sĩ họ Trương đến để vẽ. Điều này khiến ông cảm thấy xấu hổ ê chề. Không chịu được, ngay nửa đêm hôm đó, Hua Yan đã cầm đuốc vẽ 4 bức tranh lên 4 bức tường của nhà tổ đường.

Hua Yan biết hành động này là phạm pháp, có thể dẫn tới thảm họa nên ông đã bỏ trốn, rời khỏi quê hương. Hua Yan quyết định tới Hàng Châu để tìm kiếm cơ hội phát triển tốt hơn. Lúc này, ông đã không còn trẻ tuổi. Nhưng nhờ tài năng của mình nên ông đã kết bạn được với nhiều người có tiếng tăm trong giới nghệ thuật.

Dưới ảnh hưởng và sự động viên, khích lệ của những người bạn, Hua Yan bắt đầu rẽ hướng sang nghiên cứu thơ ca. Ông nung nấu khát vọng trở thành người tài giỏi như họ. Nhưng đáng tiếc là ông không thành công dù đã rất nỗ lực và chăm chỉ. Sau này, để mưu sinh, ông bắt buộc phải rao bán những bức tranh cũ của mình trên phố với giá rẻ mạt.

Có thể thấy, bức tranh "Ong và hổ" là một di tích văn hóa vô cùng quý giá, là đóng góp lớn đối với hội họa Trung Quốc cổ đại. Sức hấp dẫn, độc đáo mà nghệ thuật mang lại cùng nội hàm tư tưởng sâu sắc dường như mở ra một cánh cửa bí ẩn xuyên thời gian, không gian giúp chúng ta cảm nhận được nhiều điều thú vị.

Vị Công Tôn Nữ cuối cùng của triều Nguyễn qua đời.

ANTD.VN - Bà Tôn Nữ Trí Huệ (mệ Trí Huệ), người cuối cùng giữ nghề may gối trái dựa của triều Nguyễn qua đời ở xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, lúc 21h35 ngày 24/3 ở tuổi 101.

Bà được biết đến là người hiếm hoi ở cố đô Huế còn biết may gối trái dựa, loại gối từng được các vua chúa, quan lại triều Nguyễn dùng để kê tay khi ngồi thưởng trà, ngâm thơ hay đàm đạo chính sự.

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ (1922-2023) sinh ra và lớn lên trong gia đình hoàng tộc thời nhà Nguyễn, trong đó "Công tôn nữ" là cách gọi cháu nội gái của tước Công. Bà là chắt nội của Vua Minh Mạng, cháu nội của Hoài Đức Quận Công Miên Lâm, người có công phò tá Vua Hàm Nghi và Thành Thái. Gia đình bà Trí Huệ xưa kia nổi tiếng với nghề bốc thuốc cứu người.


Mệ Trí Huệ

Người nhà của bà Công Tôn Nữ Trí Huệ chia sẻ, lúc còn nhỏ, bà Trí Huệ ở nhà phụ làm thuốc Bắc với cha. Vì là con cháu của hoàng tộc nên khi lớn lên, bà được vào cung học may vá, thêu thùa như các Công tôn nữ khác.

Nối tiếp truyền thống chống Pháp của cha ông, bà Trí Huệ tham gia giúp đỡ cách mạng. Hồi đầu kháng chiến chống Pháp, bà kết duyên với ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ hiệu thuốc tây Trung Việt (một cơ sở cách mạng tại Huế).


Bà là người nắm giữ bí quyết may gối trái dựa, loại gối từng được các vua chúa, quan lại triều Nguyễn dùng để kê tay khi ngồi thưởng trà, ngâm thơ hay đàm đạo chính sự.

Hai ông bà vừa kinh doanh, vừa bí mật cung cấp thuốc men cho kháng chiến.

Năm 1954 bà Trí Huệ về phục vụ ở phủ Kiên Thái Vương, giúp đỡ Hoàng Thái hậu Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại) việc ăn uống, may vá và được tiếp cận bí quyết may ra những chiếc gối trái dựa (loại gối có nhiều nếp có thể mở ra gấp vào tùy ý thường được vua quan sử dụng). Thời gian này, dựa vào uy thế của Hoàng Thái hậu Từ Cung, bà Trí Huệ che giấu nhiều cán bộ cách mạng nằm vùng.

Năm 1992, gia đình bà Trí Huệ trở lại với công việc ruộng nương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên làm thêm nghề may áo dài. Bấy giờ không ai cần gối tựa nữa nên bà chỉ tận dụng những mảnh vải dư để may gối cho đỡ nhớ nghề.

Tâm nguyện của mệ Trí Huệ lúc còn sống là có thể truyền nghề làm gối trái dựa cung đình lại cho những ai muốn học để gìn giữ và phát huy nghề. Học trò đầu tiên của bà là con dâu, chị Lê Thị Liền, tiếp đó là cháu gái.

Linh cữu của bà Trí Huệ sẽ được quàn tại tư gia ở xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế) và an táng tại nghĩa trang phía Bắc TP Huế.









Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.