.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

11 tháng 5 2024

Tại sao các tượng cổ Hy Lạp thường có “của quý” bé một cách khiêm tốn?


Trong Bảo tàng Vatican ở Rome có trưng bày một trong những tác phẩm điêu khắc kinh điển nhất mọi thời đại. Đó chính là bức tượng Laocoön và các con trai.

Tác phẩm điêu khắc khoảng 2.000 năm tuổi có chiều cao hơn hai mét và mô tả vị giáo sĩ thành Troy Laocoön và các con trai của ông. Theo Trường ca Iliad và Odyssey kể lại, Laocoön chính là người đã nghi ngờ âm mưu “ngựa gỗ” của người Hy Lạp và khuyên người Troy không nên mang con ngựa vào thành.

Đây thật sự là một kế hoạch của các vị thần trên đỉnh Olympus nhằm giúp người Hy Lạp giành chiến thắng. Và Laocoön do có ý muốn can thiệp vào kế hoạch của các vị thần nên ông và các con đã bị rắn nước giết chết.

Hình ảnh cận cảnh bức tượng Laocoön và các con trai của ông tại Bảo tàng Vatican, Rome.

Câu chuyện bối cảnh của bức tượng rất hấp dẫn nhưng có một chi tiết còn tạo được nhiều sự chú ý hơn từ khách tham quan bảo tàng. Chi tiết này nằm ở “Của quý” cực kỳ nhỏ của Laocoön.

Đáng nói hơn trong bảo tàng Vatican, Laocoön không phải là bức tượng duy nhất sở hữu “của quý” nhỏ như vậy. Khắp bảo tàng có những bức tượng khác mô tả những người đàn ông lực lưỡng với bộ phận sinh dục nhỏ xíu.

Người Hy Lạp có quan niệm không mấy thiện cảm với “của quý” to

Tại sao các nhà điêu khắc thời cổ đại lại thường ban tặng cho đàn ông một “của quý” với kích cỡ khiêm tốn như vậy. Chắc chắn kích cỡ này không phải được dựa trên kích cỡ “của quý” thật ngoài đời của người Hy Lạp.

Theo các nghiên cứu khảo cổ và văn hoá cho biết, đối với người Hy Lạp và La Mã cổ đại, bộ phận sinh dục lớn bị coi là xấu xí. Hình ảnh “của quý” lớn thường được gán với các loài động vật như ngựa, bò. dê v.v… Nếu một người được mô tả có một chiếc “của quý” to lớn, anh ta thường bị xem như những kẻ man rợ, thô lỗ, phóng đãng và có thiên hướng tận hưởng khoái lạc bừa bãi.


Trong thần thoại Hy Lạp có Dionysus, vị thần của rượu vang và hưởng lạc. Ngài thường được bao quanh bởi các Satyrs, một sinh vật thấp bé nửa người, nửa dê (hoặc ngựa), luôn khỏa thân và được miêu tả là thú tính và gớm ghiếc. Họ tổ chức những bữa tiệc trác táng và giải trí hoan lạc với các tiên nữ sống trong rừng.
Những vị thần và linh hồn rừng này rất khêu gợi và bộ phận sinh dục của họ được miêu tả khá to lớn. Con trai của Dionysus là Priapos, người đã bị mẹ mình bỏ rơi trên núi do có “của quý” to bất thường. Ở đó, những người chăn cừu đã tìm thấy Priapos, nuôi nấng và tôn kính ông thành một vị thần sinh sản. Dẫu vậy, quan niệm chung của người Hy Lạp cổ vẫn là không mấy thiện cảm với “của quý” to.

“Của quý” nhỏ thể hiện trí tuệ sáng suốt và sự kiểm soát tâm tính

Những bậc thầy điêu khắc cố ý tạc những bức tượng nam giới với bộ phận sinh dục nhỏ còn mang một ý nghĩa thể hiện cho người xem biết rằng: người đàn ông này là một người có tri thức lý tính, bởi lẽ vậy mà anh ta có khả năng kiểm soát được những ham muốn của mình.

Những người đàn ông có khả năng tự chủ và biết cách kiểm soát bản thân sẽ luôn được đánh giá cao hơn. Họ hoàn toàn khác biệt so với những kẻ man rợ, buông thả và ham thú dục lạc. Đây đơn giản là một xu hướng thể hiện và khắc hoạ nhân vật của giới điêu khắc cổ Hy Lạp.


Tượng David của Michelangelo được trưng bày tại Galleria dell’ Accademia.

Dương vật nhỏ là hình mẫu vẻ đẹp lý tưởng theo góc nhìn của người Hy Lạp. Về sau, người La Mã đã tiếp tục thừa hưởng quan niệm này.

Không chỉ họ, các nghệ sĩ thời Phục hưng như Michelangelo hay Raphael cũng hưởng ứng và sáng tác ra những tác phẩm với đặc điểm nhân vật tương tự giống như thời Hy Lạp cổ. Ví dụ, bức tượng David của Michelangelo, được tạo ra từ năm 1501 đến 1504, cũng có kích thước “của quý” khiêm tốn.

Ngày nay, quan niệm của xã hội về bộ phận sinh dục nam đã thay đổi. Dương vật siêu nhỏ không còn được coi là dấu hiệu của sự xuất sắc về trí tuệ. Đối với nhiều người, dương vật lớn lại được coi là nam tính và đại diện cho sự thành công.

Theo một nghiên cứu được công bố bởi Đại học Stanford ở California, “của quý” nam giới ngày nay thậm chí còn ngày càng lớn hơn. Dữ liệu của nhóm khoa học báo cáo rằng kích thước cơ quan sinh dục nam đã tăng thêm 24% ở một số khu vực trên thế giới trong 30 năm qua. Nhưng vào thời cổ Hy Lạp, kích cỡ này có lẽ đã gây ra nỗi kinh hoàng về mặt thẩm mỹ.

Nguồn: Khoahoc.tv



Nếu như ngày nay khi nhắc đến chốn ăn chơi Phố Cổ, giới trẻ Hà Thành sẽ nhắc ngay đến “nghìn chín” trên con phố Tạ Hiện sầm uất và quẩy xuyên màn đêm. Thế nhưng ít ai biết được rằng, cũng nằm trên con phố đó, cách đây hơn nửa thế kỷ, đã có một phòng trà được mệnh danh là “tụ điểm của giới thượng lưu” Hà Nội - Phòng Trà Phúc Châu và lại còn hoạt động vào…bạn ngày.

Phòng Trà được “điều hành” bởi các tuyệt sắc giai nhân.

Tọa lạc tại số 35 Tạ Hiện, phòng trà mang tên Phúc Châu được mọi người “kháo” nhau rằng là nơi tụ họp của giới thượng lưu. Đây có phải tên chủ nhân hay không thì chẳng rõ vì đứng quầy chỉ có 2 chị em là cô Mùi và người em gái. Bà Mùi giờ cũng đã ngoài 80 tuổi, quãng cuối thập niên 50 của thế kỷ trước thì bà nổi tiếng xinh đẹp. Cô em gái nhan sắc cũng hơn người và lọt vào mắt xanh của vô số khách hàng, không ít chàng trai đã đến trồng cây si cả buổi.

Khách hàng lui tới phòng trà Phúc Châu thường là các tài tử cải lương, tuồng cổ. Cũng bởi quanh địa bàn này có các rạp Chuông Vàng (phố Hàng Bạc), Quảng Lạc (phố Tạ Hiện), Hiệp Thành (phố Đào Duy Từ). Sau một đêm trên sân khấu, các tài tử, kép hát hay dậy muộn. Sau khi ăn sáng, họ sẽ lững thững đến phòng trà Phúc Châu. Hồi đó, mấy vị này thường để tóc dài kiểu gọng kính, quầng mắt thâm do thức đêm nhiều. Họ ngồi bên ấm trà nóng mới pha, rút bao thuốc lá thơm loại Cotab hay Bastos rồi lim dim mắt nhả khói.

Quán trà của chị em bà Mùi duy trì được vài năm thì nhượng lại cho chủ mới cũng là 2 chị em, nhưng là Việt kiều từ Tân Đảo (trước đây là thuộc địa của Pháp, nay là Cộng hòa Vanuatu) về. Cô chị tên Lê còn cô em là Phai. Từ đó phòng trà Phúc Châu lại được thổi luồng gió mới do phong cách giao tiếp, trang phục thời thượng và nhất là nhan sắc trẻ trung, xinh đẹp của 2 cô chủ mới.

Cũng cần nói thêm rằng, những năm 60 của thế kỷ trước, nhà nước ta có chính sách kêu gọi kiều bào từ Thái Lan, Tân Đảo, Tân Thế Giới (tên gọi trước đây của các quần đảo New Cacedolia thuộc Pháp) hồi hương. Gia đình cô Lê, Phai về đợt đầu và ở lại Hà Nội. Từ khi 2 cô làm chủ phòng trà Phúc Châu thì khách tìm đến còn đông hơn nữa. Thành ra chủ quán phải tuyển thêm 2 cô gái cũng thuộc hàng xinh đẹp có tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ là cô Sửu và cô Ngọc để giúp việc.

Nơi tập trung của các “đại gia” Hà Nội.

Thương hiệu phòng trà Phúc Châu từ đó bay khắp Hà Nội. Nơi đây tập trung những cái tên của “giới tay chơi” ngày đó như Kiên “Hàng Giấy”, Hùng “Lan Anh”, Hùng “Hàng Cân”, Hùng “đỏ”, Hùng “đen”, Hoan “thọt”, Mão “mèo”, Phúc “xế”… Đây là các “cao bồi” mà thanh niên Hà thành lúc bấy giờ hầu như ai cũng biết tiếng. Sở dĩ gọi các tay chơi này là cao bồi vì hồi ấy dòng phim cao bồi Mỹ bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Thanh niên đua nhau bắt chước ăn mặc theo phong cách các tài tử cao bồi. Đó là quần ống túyp, áo kẻ caro, đeo kính râm, tóc để dài và trong túi áo bao giờ cũng phải có bao thuốc lá thơm loại giấy bạc như Thăng Long, Điện Biên.

Những cái tên cát cứ ở phòng trà Phúc Châu hồi ấy nổi tiếng Hà thành do tiêu tiền không cần đếm, ăn mặc đồ hiệu của Pháp, gia đình họ đều có cửa hàng, cửa hiệu lớn nằm ở các phố trung tâm. Như Hùng “Lan Anh” là một cái tên mà mỗi khi nhắc đến là giới cao bồi phải trầm trồ bởi vẻ đẹp trai, ăn nói nho nhã, tính tình phóng khoáng. Tiệm thời trang Lan Anh của cao bồi Hùng nằm ngay đầu phố Đinh Tiên Hoàng, chuyên bán các đồ hiệu u Mỹ có tiếng trong tầng lớp thượng lưu từ thời Pháp thuộc. Hay như Hoan “thọt”, con chủ tiệm vàng trên phố Hàng Bạc. Anh này người bé loắt choắt, chân đi tập tễnh, học hành không đến nơi đến chốn nhưng được gia đình giàu có nuông chiều.

Không gian văn hóa và những điểm nổi bật của phòng trà Phúc Châu.

Phòng trà Phúc Châu, ngoài biển hiệu được sơn 4 chữ khiêm tốn treo trước cửa ra vào thì bên trong căn phòng chừng 30m2 là mấy bộ bàn ghế gỗ được kê sát tường. Trong cùng là quầy hàng có tủ kính bày đủ loại bánh kẹo như bánh đậu xanh rồng vàng Hải Dương, kẹo lạc đặc sản Nam Định, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh chả, bánh nướng đặc sản Thiên Hương… Ngăn kính trên bày mấy bao thuốc lá hiệu Thăng Long, Điện Biên, Tam Đảo, Đ’Rao, Sông Hương, Cẩm Thủy. Còn trên mặt quầy đặt mấy lọ thủy tinh đựng trà mạn, bên ngoài dán giấy viết bằng mực đen “chè Đại Từ - Thái Nguyên hảo hạng”, bên cạnh là một dãy khay ấm tách trà. Các bộ ấm tách màu da lươn của phòng trà Phúc Châu được đặt làm từ Bát Tràng. Mỗi khay trà có 5 cái tách. Đằng sau quầy luôn có rất nhiều phích nước sôi Rạng Đông.

Một cô gái sẽ chuyên trách pha trà để khi khách gọi sẽ có một cô khác bê ra kèm bánh, kẹo, thuốc lá theo yêu cầu của từng bàn. Tường quán treo vài bức tranh tĩnh vật vẽ bằng màu nước. Còn bức tường trong cùng, ngay phía trên quầy hàng treo chân dung khổ lớn nữ diễn viên điện ảnh Liên Xô nổi tiếng bậc nhất lúc bấy giờ là Guốc-sen-cô. Khách đổ đến đông nhất tầm 8h, phần đông là họ đi bộ, thi thoảng mới có vài chiếc xe đạp dựng trên vỉa hè không người trông. Nhưng không khí phòng trà sẽ nhộn nhịp nhất vào lúc 9h trở đi. Lúc ấy, các cô phải phục vụ luôn chân luôn tay, đã thế còn phải trả lời, cười duyên với vài anh khách thường xuyên trồng cây si.

Mấy công tử đến muộn mặc áo chim cò, quần kaki ống tuýp nổi gân dọc, đi giày moca trắng, tóc để dài chải dầu bóng lộn, miệng phì phèo điếu thuốc thơm. Từ chủ đến nhân viên đều tất tả làm hài lòng mấy “khách vip” vì sáng nào họ cũng có mặt, khi đứng lên thanh toán thường là bằng 5 - 6 bàn cộng lại, đã thế còn không bao giờ lấy lại tiền thừa. Nhiều khi các cô Ngọc và Sỉu bị các công tử vuốt tay khen xinh khi bê đồ ra, hai nàng vẫn chỉ nhẹ nhàng rụt tay lại mà không dám phản ứng hay thể hiện vẻ khó chịu. Giờ ấy các bàn đều kín khách, không khí phòng trà mỗi lúc một sôi động với những tiếng rì rầm, chuyện trò to nhỏ, thi thoảng lại có vài tiếng cười phá lên. Hai chiếc loa thùng treo góc tường phát ra những giai điệu đầy phấn khích của “La Paloma”, “Hoa Champa”, “Dòng sông Solo”, “Java tươi đẹp”, “Dòng sông xanh”…

Nếu hôm nào mà ngoài trời mưa lạnh thì bên trong phòng trà mịt mù khói thuốc sẽ giống như một câu lạc bộ. Dân chơi đến đó không chỉ thưởng trà, chiêm ngưỡng các cô gái bán quán xinh đẹp mà còn gặp nhau làm quen, kết bạn bên bàn trà. Họ cũng làm nên “mỹ danh” đã từng tồn tại trong đời sống thị dân ở Hà Nội xưa là “cao bồi Phúc Châu”, trái ngược với những “cao bồi già” ở các quán cà phê phố cổ.

Sưu Tầm




Bác sĩ A.Yersin (ông Tư), người luôn đi tiên phong trong các lĩnh vực mới và những phát minh tối tân thời này tại Đông dương...

Trích lại một đoạn tư liệu nói về ông trong các lĩnh vực này (đề cập đến xe hơi) ...
Yersin dưới mắt người đương thời
Một số đồng nghiệp của ông Yersin tại viện Pasteur Paris và những người Pháp tại Đông Dương thấy ông phân tán trí thức lấy làm gai mắt, cho ông là một người kỳ dị. Càng gai mắt hơn nữa là ông thành công trên nhiều lãnh vực.
Luôn luôn tiên phong trong những lãnh vực mới, những phát minh tối tân, ông là một tư nhân đầu tiên có được :
- Máy phát thu bằng chữ morse để liên lạc Nha Trang, Suối Dầu, Hòn Bà ;
- Máy thu thanh tân tiến, bắt được các đài bên Pháp ;
- Kính thiên văn ;
Năm 1910, ông lại muốn tậu một chiếc phi cơ, nhưng vì Đông Dương không có sân bay, ông đành bỏ dự định này.
Trong khi công sứ tại Nha Trang chưa có xe nhà thì Yersin đã gởi mua tại Pháp chiếc Serpollet năm mã lực, chiếc xe Clément và một thuyền máy.
Hai năm sau, ông bán lại chiếc Serpollet năm mã lực cho ông công sứ Nha Trang, rồi sang Paris tậu chiếc xe Serpollet sáu mã lực đem ra Hà Nội làm lác mắt chẳng những dân cư Hà Nội mà cả chánh quyền. Viên tướng chỉ huy quân đội Pháp còn nhờ ông đưa xe đi diễn binh qua cầu Long Biên.
Tháng Giêng năm 1905, Yersin bán chiếc Serpollet sáu mã lực, tậu chiếc Serpollet mười một mã lực.
Năm 1907, ông mua một chiếc Alcyon. Năm 1912, ông mua chiếc Clément Bayard mười lăm mã lực, nhưng khi chiếc xe này không chạy được nữa, ông trở lại dùng xe đạp.
Đến năm 1925 vì cần phương tiện liên lạc giữa Nha Trang, Suối Giao, Hòn Bà...ông lại tậu chiếc Zèbre vừa mau vừa êm. Nhưng một hôm về ngang Phan Rang, ông suýt đụng một em bé, nên ông bán chiếc Zèbre, và từ đấy ông dùng lại xe đạp.
Năm 1943, vì phổi yếu, ông dùng xích-lô. Nhắc đến Yersin, ai cũng hình dung một ông cụ già khiêm tốn ăn mặc xuềnh xoàng đi chiếc xe đạp cũ kỹ, quên rằng Alexandre Yersin đã làm bực mình các giới chánh quyền bấy giờ với những chiếc ô-tô tối tân.
Luôn luôn tiên phong trong những lãnh vực mới, năm 1932, khi chuyến bay đầu tiên của hàng không Pháp nối liền Sài Gòn - Paris thì ông dùng máy bay để vận chuyển. Tháng 3 năm 1940, Yerin bảy mươi bảy tuổi, lấy máy bay về Pháp để dự buổI họp hằng năm của viện Pasteur Paris. Một cuộc hành trình rất gay go. Ngày 30 tháng 5 năm 1940, chuyến máy bay cuối cùng đưa ông về Việt Nam, trước khi quân đội Đức vào Paris....
Dưới đây là hình ảnh về một số chiếc xe của bác sĩ A.Yersin (ông Tư) tại Hà Nội và Nha Trang...

Nha Trang Xưa & Nay.
Nguồn: Những hình ảnh xưa.

Cột sắt bí ẩn 1.600 năm không han gỉ

Cây cột cao 7,2 m và nặng 6 tấn vẫn nguyên vẹn dù tiếp xúc với nắng mưa suốt 1.600 năm qua.


Cột sắt nằm ở quần thể Qutb Minar. Ảnh: Allen Brown

Bên trong quần thể Qutb Minar ở New Delhi, một tổ hợp tượng đài và tòa nhà lịch sử được xây vào đầu thế kỷ 13 ở quận Mehrauli phía nam thành phố, khách tham quan có thể bắt gặp cột sắt cao 7,2 m, nặng 6 tấn trong sân của đền thờ Quwwat-ul-Islam, theo CNN. Cây cột trụ từ thế kỷ 5 thách thức cả thời gian mà điều kiện môi trường, bao gồm nhiệt độ cao và ô nhiễm ngày càng tăng ở thủ đô Ấn Độ.

Thông thường, những công trình bằng sắt và hợp kim sắt tiếp xúc với không khí hoặc hơi ẩm oxy hóa theo thời gian và bị bao phủ bởi lớp han gỉ trừ khi được bảo vệ bằng lớp sơn đặt biệt như tháp Eiffel. Các nhà khoa học ở cả trong và ngoài Ấn Độ bắt đầu nghiên cứu cột sắt vào năm 1912 để tìm hiểu tại sao nó không bị ăn mòn. Mãi tới năm 2003, những chuyên gia ở Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) tại thành phố Kanpur mới có thể lý giải điều bí ẩn và đưa ra câu trả lời trên tạp chí Current Science.

Họ nhận thấy cây cột chủ yếu làm từ sắt rèn chứa lượng phospho cao (khoảng 1%) và không có lưu huỳnh hay magnesium, khác với sắt hiện đại. Ngoài ra, thợ thủ công cổ đại sử dụng một kỹ thuật gọi là "hàn bằng rèn". Điều đó có nghĩa họ làm nóng sắt và nện búa, giúp giữ nguyên lượng phospho cao. R. Balasubramaniam, nhà cổ luyện kim R. Balasubramaniam, tác giả nghiên cứu, cho biết phương pháp phi truyền thống này góp phần vào độ bền của cây cột.

Một lớp misawite mỏng, hợp chất của sắt, oxy và hydro, cũng được tìm thấy trên bề mặt cây cột. Lớp này hình thành thông qua xúc tác với lượng phospho cao trong sắt, qua đó tăng cường độ bền của cây cột. Balasubramaniam khen ngợi sự sáng tạo của các nhà luyện kim, mô tả cây cột như "bằng chứng sống về khả năng rèn sắt của Ấn Độ ở thời cổ đại".

Nguồn gốc của cột sắt cũng là một bí ẩn khác. Một ghi chép lưu hành rộng rãi cho biết cây cột ra đời dưới thời đế quốc Gupta, trong thời gian trị vì của Chandragupta II, hay còn gọi là Vikramaditya, vào khoảng thế kỷ 4 và 5. Theo lời kể, cây cột được dựng ở đền Varah trong hang Udayagiri, gần Vidisha ở Madhya Pradesh, như một tượng đài chiến thắng dành cho thần Vishnu. Cây cột từng có tượng Garuda, vật cưỡi của thần Vishnu, ở trên đỉnh, nhưng bức tượng đã biến mất theo lịch sử.

Ngày nay, cây cột đóng vai trò như biểu tượng của các tổ chức khoa học như Phòng thí nghiệm luyện kim quốc gia và Viện kim loại Ấn Độ. Tuy nhiên, ASI (Cơ quan khảo sát khảo cổ Ấn Độ) đã dựng hàng hào quanh cột sắt để giảm tối đa tác động của con người.

An Khang (theo CNN)

Nhà phát minh xe hơi bị lãng quên

Chiếc xe hơi đầu tiên sử dụng động cơ xăng được chế tạo bởi nhà phát minh người Áo Siegfried Marcus vào năm 1875 nhưng ông thường không được nhắc tới.


Cỗ xe thứ hai của Siegfried Marcus ở Bảo tàng kỹ thuật Vienne. Ảnh: Wikipedia

Một cái tên thường bị bỏ qua khi nhắc tới lịch sử ngành xe hơi là Siegfried Marcus, nhà phát minh người Áo từng chế tạo và vận hành phương tiện đường bộ hoạt động nhờ động cơ xăng 4 thì sớm hơn khoảng 10 - 15 năm trước khi Gottlieb Daimler, Wilhelm Maybach, và Carl Benz đưa những cỗ xe tiện ích vào hoạt động. Trong khi bộ ba thường được coi như nhà tiên phong trong ngành xe hơi, đóng góp của Marcus xứng đáng ghi nhận không kém, theo Amusing Planet.

Siegfried Marcus sinh ngày 18/9/1833 trong một gia đình Do Thái ở Malchin, ngày nay nằm ở tây bắc Berlin, Đức. Ở tuổi 12, ông bắt đầu làm việc như thợ máy tập sự. 5 năm sau, ông gia nhập một công ty kỹ thuật sản xuất đường dây điện thoại. Khi 19 tuổi, Murcus chuyển tới Vienna, thủ đô của vương quốc Áo, và bắt đầu làm việc ở vị trí kỹ thuật viên tại Viện thể chất y học. Sau đó, ông trở thành trợ lý của nhà sinh lý học là giáo sư Carl Ludwig. Năm 1860, ông bắt đầu kinh doanh riêng, mở một nhà máy sản xuất thiết bị điện và cơ khí và điều hành tới cuối đời. Tài phát minh của Marcus giúp ông sở hữu 131 bằng sáng chế ở 16 nước.

Vào khoảng năm 1860, Marcus bắt tay vào chế tạo phương tiện tự đẩy đầu tiên. Vào thời gian đó, các vùng của Áo, ngày nay thuộc Ba Lan, bắt đầu sản xuất dầu mỏ. Quá trình lọc dầu cung cấp kerosene, dầu nhớt và phụ phẩm là xăng. Marcus thí nghiệm với xăng và phát hiện khi phân tán trong không khí, xăng có thể bắt lửa, tạo ra năng lượng nổ. Đột phá này dẫn tới bộ chế hòa khí đầu tiên trên thế giới mà Marcus xin cấp bằng sáng chế vào năm 1864.

Đối với cỗ xe đầu tiên, Marcus lắp một động cơ đốt trong hai thì, sử dụng xăng làm nhiên liệu vào xe kéo 4 bánh thô sơ, nối với bánh sau. Cỗ xe cần khởi động bằng cách nâng hai bánh sau lên khỏi mặt đất và xoay tròn bằng tay. Khi sẵn sàng lăn, phương tiện được hạ xuống và để tự chạy. Marcus đã tháo dỡ cỗ xe này bởi nó quá cồng kềnh và tập trung sức lực vào tinh chỉnh thiết kế. Cỗ xe thứ hai ra đời vào năm 1875 rất đáng chú ý, trang bị động cơ xăng 4 thì, bộ chế hòa khí mới và hệ thống đánh lửa cơ bằng tia lửa điện. Phương tiện có thể đạt tốc độ tối đa 16 km/h.

Marcus nhiều khả năng cũng chế tạo cỗ xe thứ 3 và thứ 4. Những phiên bản sau đó được nâng cấp, tích hợp cơ cấu lái, phanh, li hợp và nhiều trang bị cần thiết khác. Tuy nhiên, chúng không tồn tại tới ngày nay. Chỉ có cỗ xe thứ hai vẫn nguyên vẹn, được bảo quản dưới quyền sở hữu của Câu lạc bộ xe hơi Áo và trưng bày ở Bảo tàng kỹ thuật Vienne.

Năm 1898, Marcus qua đời. Là một người Do Thái, Marcus trở thành nạn nhân dưới định hướng tuyên truyền của Đức Quốc xã. Những phát minh của ông bị phá hủy, tên tuổi của ông bị xóa bỏ khỏi sách vở giáo dục và các đài tưởng niệm công cộng về ông bị tháo dỡ. Tháng 7/1940, Bộ tuyên truyền Đức gửi thư cho ban giám đốc tập đoàn Daimler - Benz - A.G. ở Stuttgar nhằm thông báo với họ nhà xuất bản hai cuốn bách khoa toàn thư Meyers Lexikon và Grosse Brockhaus được chỉ đạo xóa tên của Siegfried Marcus, thay bằng Gottlieb Damiler và Carl Benz trong vai trò nhà phát minh xe hơi.

Đức Quốc xã cũng ra lệnh phá hủy chiếc xe của Marcus triển lãm ở Câu lạc bộ xe hơi Vienne. May mắn là một số thành viên của Bảo tàng thương mại và công nghiệp Vienne đã dự đoán trước và giấu chiếc xe phía sau một bức tường ở tầng hầm bảo tàng. Nhờ đó, chiếc xe được bảo vệ an toàn cùng với một số ghi chép về phát minh.

An Khang (Theo Amusing Planet)

Hệ thống đường ray dùng 'robot bay' chở hàng trên Mặt Trăng

Trong dự án mới của NASA, các robot sẽ lơ lửng trên đường ray Mặt Trăng nhờ công nghệ "nâng nghịch từ", vận chuyển 100 tấn vật liệu mỗi ngày.


Các robot từ tính không cần cấp điện sẽ di chuyển theo hệ thống đường ray trên Mặt Trăng. Ảnh: Ethan Schaler/NASA

Chương trình Khái niệm Tiên tiến Đổi mới (NIAC) của NASA chọn ra 6 dự án giúp thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người trên bề mặt Mặt Trăng để tài trợ và phát triển thêm. Những dự án này đã hoàn thành giai đoạn I của chương trình NIAC, cho thấy triển vọng của chúng, và bước vào giai đoạn II, IFL Science hôm 7/5 đưa tin.

Trong số những dự án này có FLOAT, dự án do Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) phụ trách nhằm xây dựng một hệ thống đường ray với những robot từ tính vận chuyển hàng hóa. FLOAT có thể đi vào hoạt động trong thập kỷ tới, dự kiến cung cấp giải pháp vận tải đáng tin cậy, tự động và hiệu quả. Hệ thống giúp di chuyển hàng tấn đất regolith (lớp đất trên bề mặt Mặt Trăng). Trong tương lai, số đất này có thể được khai thác để chiết xuất nhiều loại vật liệu khác nhau cho phi hành gia hoặc căn cứ Mặt Trăng sử dụng.


Hệ thống đường ray có thể vận chuyển 100 tấn hàng hóa mỗi ngày. Ảnh: Ethan Schaler/NASA

Ethan Schaler, kỹ sư robot của NASA, đang chỉ đạo dự án và ước tính hệ thống có thể vận chuyển 100 tấn hàng mỗi ngày. "FLOAT sẽ vận hành tự động trong môi trường Mặt Trăng bụi bặm, khắc nghiệt. Công đoạn chuẩn bị tại công trường sẽ rất đơn giản và mạng lưới đường ray có thể được cuộn lại hoặc thay đổi theo thời gian để phù hợp với yêu cầu ngày càng tăng của nhiệm vụ phát triển căn cứ Mặt Trăng", ông cho biết.

Các robot từ tính không cần cấp điện sẽ hoạt động trên đường ray gồm 3 lớp để đẩy khay hàng với tốc độ khoảng 1,6 km/h. Chúng không có bộ phận chuyển động và bay lơ lửng phía trên đường ray nhờ công nghệ "nâng nghịch từ" để giảm tối đa sự mài mòn của bụi Mặt Trăng, khác với những robot Mặt Trăng truyền thống thường có bánh xe hoặc chân.

"Những dự án đa dạng và giống khoa học viễn tưởng này đại diện cho nhóm các nghiên cứu rất tuyệt vời của giai đoạn II. Chúng tôi không bao giờ hết ngạc nhiên và được truyền cảm hứng. Nhóm các nghiên cứu mới chắc chắn mang đến cho NASA nhiều điều để suy nghĩ về những gì có thể xảy ra trong tương lai", John Nelson, giám đốc chương trình NIAC, chia sẻ.

Thu Thảo (Theo IFL Science, Telegraph)



 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.