.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Trổ tài với canh khoai tây Mỹ tôm thịt. Bún riêu cua - món quà quê.

Canh khoai tây tôm thịt là một món ăn hấp dẫn nhờ vào sự kết hợp hài hoà giữa màu sắc và hương vị của các nguyên liệu chế biến. Món ăn mang đến cho chúng ta cảm giác lạ miệng khi vị ngọt của tôm, độ mềm của thịt hoà quyện cùng vị béo thơm của khoai tây Mỹ. Hãy cùng Hội Đồng Khoai Tây Hoa Kỳ trổ tài, chiêu đãi cả nhà món ngon này nhé.

 
Thời gian chuẩn bị: 20 phút
Thời gian nấu : 30 phút
CHUẨN BỊ NGUYÊN LIỆU (PHẦN ĂN CHO 4 NGƯỜI):
Khoai tây nâu 180 gram (1 củ)
Khoai tây vàng 170 gram (1 củ)
Khoai tây tím 180 gram (3 củ)
Khoai tây đỏ 150 gram (1 củ)
Cà rốt 100 gram (1 củ)
Thịt heo 100 gram
Tôm sú 100 gram
Hành tím 4 gram (1 tép)
Mùi tàu 2 nhánh
Rau ngổi 3 nhánh
Hạt nêm 15 gram
Tiêu xay lượng vừa ăn
Nước lạnh 4 chén 1000 gram
HƯỚNG DẪN NẤU
Bước 1: Khoai tây và cà rốt rửa sạch, sau đó cắt thành những viên hình vuông vừa ăn.
Bước 2: Múc từng viên khoai tây ngâm vào nước lạnh.
Bước 3: Làm sạch tôm và thịt heo rồi trộn đều và ướp với hành tím, tiêu xay.
Bước 4: Cho nước sôi vào hỗn hợp vừa ướp, sau đó thêm khoai tây vào, đậy nắp rồi nấu lửa nhỏ trong khoảng 25 phút.
Bước 5: Nêm hạt nêm, nước mắm và tiêu xay cho vừa ăn.
Bước 6: Rắc mùi tàu, rau ngổ lên trên và thưởng thức ngay khi còn nóng
Mẹo vặt:
Để khoai tây không bị thâm, ta nên ngâm khoai với nước lạnh sau khi cắt ra.
Bạn biết không, theo các chuyên gia dinh dưỡng, trung bình mỗi củ khoai tây Mỹ nguyên vỏ không chỉ cung cấp đến 45% lượng vitamin C nhu cầu khuyến nghị hàng ngày mà còn có hàm lượng Kali dồi dào hơn cả hai quả chuối. Không chỉ vậy, khoai tây còn là nguồn cung cấp vitamin B6 và chất xơ tuyệt vời cho cơ thể, giúp bạn có cảm giác no nhanh hơn chỉ với 110 calories.
Thêm vào đó, một nghiên cứu được công bố tháng 10 năm 2014 trên Journal of American College of Nutrition chứng minh rằng ăn khoai tây vẫn giúp bạn giảm cân, kiểm soát tốt cân nặng của cơ thể.
Hiện nay tại các siêu thị ở Việt Nam (Big C, Metro, Coopmart, Lotte, Fivimart…), bạn có thể dễ dàng tìm thấy 4 loại khoai tây Mỹ là khoai tây nâu, khoai tây tím, khoai tây đỏ và khoai tây vàng. Chỉ riêng với 4 loại khoai tây này thôi, bạn đã chế biến được một bữa ăn ngon miệng cho cả gia đình rồi.
Hãy vào bếp ngay hôm nay để chế biến các món ngon từ khoai tây và và trở thành người tiêu dùng biết quan tâm đến sức khoẻ bạn nhé. Chúc bạn thành công!
Để biết các thông tin về khoai tây Mỹ, mời bạn truy cập website
United States Potato Board: http://www.potatoesusa-vietnam.com/



Bún riêu cua - món quà quê



Ngày xưa ông Nguyễn Trung Ngạn, vị quan triều Trần khi đi sứ nhớ ở quê nhà lúa đang trổ bông, cua đang béo thì ước có thể bỏ ngay đất Giang Nam mà về. Ngày nay, do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, có rất nhiều người Việt sống lâu năm ở nước ngoài, với họ mỗi khi nhớ về quê nhà hẳn nhớ đến bát canh cua đồng, nhớ đến bát riêu cua…
Chẳng cần nói ai cũng hiểu bún riêu là bún riêu cua. Cua đồng rửa sạch, bóc mai, bóc yếm, cho vào cối giã. Khi giã cua nhớ cho vào đấy mấy hạt muối để cho đỡ bị bắn, nhưng điều quan trọng là nồi riêu sẽ có vị đậm hơn lúc nêm nếm xong mới cho vào.
Cua giã tay ngon hơn xay bằng máy vì nó lấy được hết nước ngọt của con cua mà không bị lẫn quá nhiều bột vỏ. Lọc lấy nước, cho vào một ít mắm tôm. Mắm tôm cho vào khi chưa nấu thì không nặng mùi, ấy thế nhưng khi ăn người ta vẫn thích quệt vào bát một ít mắm tôm sống.
Khi nước nóng già thì lọc vào đấy một ít mẻ, sao cho vừa đủ chua. Đun vừa lửa, đừng để nó sôi bùng lên mà vỡ hết gạch cua. Gạch là lớp thịt cua nổi lên trên mặt nồi nước đang sôi. Chỉ sôi vài tấp là lớp gạch ấy đã chín đều. Cũng gọi là gạch nhưng chỉ một tí cái thứ đo đỏ, vàng vàng bám vào một góc mai cua. Người ta phải lấy tăm mà khều, khều hết cả một rổ cua mới được một lớp dính vừa đáy bát.
Phi hành mỡ, cho thứ gạch đó vào để làm nước màu. Cho vào nồi riêu đang sôi, nó tan ra thành muôn vàn ngôi sao nhỏ li ti, sáng lấp lánh. Một mùi thơm dìu dịu tỏa ra. Cái mùi thơm ấy người ta chỉ cảm thấy được thôi chứ không ngửi được một cách rõ ràng. Không có thứ nước màu ấy nồi riêu cua như chỉ có sắc mà không có hồn.
Chính vì thế mà từ xưa đến nay, ăn cua đồng, dù là nấu canh hay nấu riêu, dù chỉ có vài ba con bé tẹo, người ta không bao giờ bỏ đi cái thứ tí ti nằm ở góc mai con cua ấy.
Để tăng màu đỏ và cũng thêm vị chua người ta thường cho thêm cà chua. Người ta cũng có thể gia tăng các vị chua khác bằng một ít giấm bỗng, vài lát khế, mấy quả me hay một hai quả dọc, nhưng vị chua của mẻ thì hợp kinh khủng, không gì có thể thay thế được. Bún chần thật nóng cho vào bát, đặt lên đấy một phần gạch cua, hành, húng, mùi, tía tô rồi chan nước riêu, thế là ta được một bát bún riêu.
Bún riêu “cải tiến” có cả thịt bò tái, ăn kiều miền Nam còn có giá
Ăn bún riêu nhất định phải có rau ghém: "Bao giờ rau diếp làm đình/ Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta". Ghém riêu cua ngon nhất là rau diếp. Rau diếp thái sợi quyện vào với bún, ăn bằng nào cũng vừa. Bây giờ rau diếp ít được bán, thỉnh thoảng mới gặp ở những chợ vùng quê. Xà lách thì sẵn. Xà lách ăn thay rau diếp cũng được nhưng hơi mỏng và thiếu vị chát. Người ta cũng có thể ăn kèm với hoa chuối, thân chuối thái mỏng, giá sống, rau muống chẻ.
Tôi nhớ hồi nhỏ có lần về quê, người anh họ đi bắt được một giỏ cua đầy, tất cả chỉ nấu riêu một bữa. Nồi riêu cua đặc sít sịt. Cả một rổ rau muống thái nhỏ, ở quê không chẻ rau như ở thành phố, rau thái như thế có vẻ không được nhã cho lắm nhưng khi ăn lại có cái khoái riêng.
Múc riêu vào bát rồi thả rau muống vào ăn, cái bùi cái béo của cua trộn với cái giòn cái chát của rau, vừa húp sì soạp vừa nhai rau ráu, chẳng mấy chốc mà rổ rau hết nhẵn. Nói chung, nồi riêu cua càng đặc càng ngon thì càng được thỏa thích ăn rau. Ăn như thế cũng có thể gọi là “ăn cho sướng miệng”. Ăn cho sướng miệng như thế thì cũng chẳng hết bao nhiêu tiền mà chả lo gì béo phì hay những bệnh do thừa chất dinh dưỡng.
Cũng có khi người ta dùng bún sợi to như cái đũa, gọi là bún đũa, đặt một lớp bún vào bát rồi một lớp rau muống luộc lên trên, loại rau muống trắng luộc vừa chín tới, cọng nào cọng nấy cứ xanh ngằn ngặt, mềm như bún, thêm mấy cọng rau nhút rồi chan nước riêu. Mùa đông rau muống không ngon người ta thay bằng rau cần, ăn cũng thích.
Ngày xưa cua đồng rất sẵn. Bên bờ ruộng lúa chỗ nào cũng có thể bắt gặp một anh chàng hay một cô nàng cua thập thò trong một cái hang. Lần quanh gốc lúa cũng có thể bắt được vài ba con. Nhấc một túm bèo tây lên, rất dễ tóm được một chú cua đang giơ càng lên trong đám rễ bèo.
Cua ở nhà quê chỉ bán mớ thế nhưng đem ra thành phố thì lại bán theo từng sóc. Sóc cua được buộc rất khéo. Hai cái nan tre kẹp ngang hai bên con cua, cách mỗi con cua được quấn một sợi rơm, sóc cua như một cái thang nhỏ, đầu thang là con to nhất, cuối thang con nhỏ nhất. Một sóc cua như vậy chừng hai mươi con, giá hồi ấy chừng hai hào. Mỗi gia đình khi đi chợ thường chỉ mua hai sóc, thường chỉ dám nấu canh. Canh cua rau đay lẫn với mướp. Trời nóng, đi đâu về mệt được một bát mà húp thì tỉnh cả người.
Người ta bảo cua đồng là thứ dưỡng chất rất tuyệt vời. Ngày xưa, những người ốm yếu cần lấy lại sức, người ta thường cho uống nước cua đồng. Cua giã ra, lọc nước, cứ thế mà uống. Người ta cũng lấy cua giã ra, trộn với gừng, đắp vào những vết thương để cho mau lành. Khi một đám võ này định hạ đám võ kia, họ thề với nhau “phen này cho thầy trò nhà nó uống nước cua sống”.
Du khách nước ngoài cũng ưa thích bún riêu cua vỉa hè Hà Nội
Tôi nhớ một buổi tối dừng xe nghỉ lại thành phố Quy Nhơn. Nhờ chỉ dẫn của một người bạn, chúng tôi tìm đến một hàng ăn ở gần tượng đài Quang Trung. Bữa ăn thật là ngon. Ngon nhất là món canh cua. Rau lang chấm mắm cua cũng rất tuyệt (ở ngoài Bắc ngày xưa người ta cũng có làm mắm cua nhưng lâu nay không có nữa, thường chỉ ăn rau lang với nước mắm cáy).
Hỏi ra mới được biết cua ở hai bên bờ sông Côn có vị ngon không mấy đâu có được. Người Bình Định giỏi võ có lẽ cũng nhờ những con cua như thế cũng nên.
Phải được nhìn thấy những người phụ nữ điệu đàng bên bát bún riêu trên các vỉa hè của đường phố Hà Nội. Cuộc sống dẫu có nhiều thay đổi, người ta có thể có nhiều những thứ ngon thứ bổ hơn nhưng vẫn không thể quên đươc món quà quê xoàng xĩnh ấy. Cũng có những cố gắng làm sang lên cho bát bún riêu. Người ta thêm vào đấy nào ốc, nào bắp bò, chả viên, chả cá… cũng chẳng sao. Nhưng bát bún riêu chỉ cần cua thật ngon, thật đặc và thêm mấy miếng đậu phụ rán vàng.
Đi qua hàng bún riêu ta như bị đánh thức bởi cái mùi tanh dìu dịu của cua đồng, mùi thơm của hành phi, mùi chua của mẻ, giấm và các thứ quả chua, ta không cưỡng được lòng ham muốn ngồi lại và gọi lấy một bát. Ta bỗng bị chìm trong đủ thứ sắc màu, màu đỏ chói chang của cà chua, màu xốn xang của đậu phụ rán vàng, màu trắng thanh bạch của bún, màu xanh tươi mát của các loại rau, và thêm nữa, màu ớt và son môi.

Bún gỏi dà Mỹ Xuyên




Mỹ Xuyên ở cách trung tâm thành phố Sóc Trăng chưa đầy mười cây số, vốn nổi tiếng với thương cảng Bãi Xàu ngày trước. Về ẩm thực, ở đây có món bún gỏi dà ngon ngọt không đâu bằng.
Ai về đất Mỹ Xuyên mà chẳng nghe câu hát: Mỹ Xuyên có bún gỏi dà, có con tép đất đậm đà quê hương. Chung quanh cái tên gọi nghe rất lạ bún gỏi dà này đã có nhiều cách giải thích.
Người thì cho rằng nó có nguồn gốc từ xứ Java của Indonesia nên nói trại riết mà Java thành dà. Người khác lại lý giải: nguyên thủy của thứ bún này là một món gỏi cuốn, về sau người ta bỏ cái bánh tráng cuốn đi, gom các thứ bún, thịt, tép, rau… vào tô rồi ăn như và cơm.
Sau lại cho thêm nước xúp vào tô và trở thành món bún gỏi dà như hiện nay.
Thành phần quan trọng để có được tô bún gỏi dà ngọt ngon là tép, thịt và nước lèo. Như câu ca ở trên, tép đất Mỹ Xuyên lựa con cỡ ngón tay cái đem luộc với nước dừa tươi. Xong lột vỏ, để nguyên con màu đỏ tươi đẹp mắt mà ăn ngọt ngay. Thịt đùi heo luộc chín xắt sợi.
Nồi nước lèo hầm bằng xương heo với tép, tôm khô, nêm ít đường, ớt và nước me chua. Nước mắm ăn bún gỏi dà cũng được pha chế thật đặc biệt: tương xay nhuyễn rồi trộn với đậu phộng rang đâm nát cùng với ít tỏi phi mỡ.
Ba thứ ấy hòa lại tạo thành mùi vị rất riêng không lẫn vào đâu được. Rau ăn kèm là giá, bắp chuối thái chỉ, các loại rau thơm như quế, húng cây, húng lủi…
Các khâu chuẩn bị xong, cho giá, bắp chuối vào tô, để bún lên trên rồi chế nước lèo vào (trụng qua mấy lần cho bún chín đều) cho ngập bún, sắp thịt, tép, rau thơm lên trên.
Để khẩu vị thêm đậm đà có thể vắt thêm chút chanh cùng vài lát ớt. Bún gỏi dà phải ăn thật nóng. Muốn có tô bún gỏi dà ăn “ngậm nghe” còn cần tới kinh nghiệm trong gia giảm gia vị và cách chế biến tương xay sao cho thật khéo.
Những con tép đất lột sạch vỏ, những sợi thịt heo trên mặt nước lèo sóng sánh hương thơm, cộng hưởng với vị mặn, vị ngọt, vị chua… khiến có thể ăn hoài không biết ngán, tô bún ăn hết từ lâu mà vẫn cứ thấy thòm thèm!
THẠCH BA XUYÊN/DNSGCT

Về miền Tây thưởng thức bánh bèo chan nước cốt dừa!

Người miền Tây có đến hàng chục thứ chè, hàng chục thứ bánh ngọt, và thường khi làm bánh ngọt luôn có nước cốt dừa đi kèm. Bánh bèo nằm trong số các loại bánh quê ấy.

Không như bánh bèo Chùa Vua của Hà Nội, được gói 3 lần lá chuối để giữ nguyên màu ngọc thạch cho bánh khi chín. Cũng không giống cái bánh bèo tôm chấy, từng miếng bánh trắng ngần điểm nhụy tôm hồng được ăn trong những chén bánh nhỏ xíu với nước chấm mặn ngọt, phía trên nổi vài lát ớt xanh đỏ của đất cố đô Huế. Ở miền Tây Nam bộ, người ta thường làm bánh bèo ngọt, nhưn (nhân) đậu xanh, chan nước cốt dừa.
Ve mien Tay thuong thuc banh beo chan nuoc cot dua!
Đĩa bánh bèo nước cốt dừa (ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Bánh bèo không quá khó làm. Chỉ cần có ít bột gạo xay mịn, dằn khô, cùng ít bột mì tinh để làm phần chính của bánh. Để có thêm màu xanh và mùi đặc trưng, nhiều người cắt lá dứa thơm rửa sạch, xắt nhuyễn rồi xay chung với bột gạo.

Trộn hai thứ bột ấy lại với nhau, cùng với nước và nước đường đã nấu sôi để ấm. Bột có độ đặc vừa phải, theo kinh nghiệm dân gian, người làm bánh chỉ cần lường bằng “mắt”. Cách nhắm chừng vậy mà ít khi nào sai, hơn cả việc cân, lường như cách làm thời hiện đại.

Sau đó, bắc nồi lên bếp, nấu cho nước trong nồi thật sôi. Đặt xửng vào, xếp những cái chén lên xửng, thoa một lớp dầu dừa lên chén, chờ chén thật nóng, múc bột chế vào khoảng non nửa chén. Đậy kín nắp lại, hơi nước sôi sẽ làm cho bánh chín, mùi lá dứa thơm bốc hơi ngào ngạt. Người miền Tây có câu ca dao vui như sau:

"Con quạ nó đứng chuồng heo
Nó kêu bớ má bánh bèo chín chưa?"

Đậu xanh cà đem đãi sạch vỏ rồi ngâm mềm. Bắc đậu lên bếp nấu cho thật mềm, nhừ. Dùng dá tán nhuyễn rồi trộn thêm ít đường cho nhưn ngọt.

Dừa khô nạo vắt lấy nước cốt, thêm ít muối, chút bột mì rồi bắc chảo nước cốt lên bếp thắng cho sánh lại.
Ve mien Tay thuong thuc banh beo chan nuoc cot dua!
Bánh bèo mới hấp chín (ảnh tác giả).
Bánh hấp chín, nhắc xửng ra, dùng que tre vót mỏng nâng lấy bánh ra. Dùng muỗi múc nhưn đậu quết vào từng cái bánh đã chín. Khi ăn, xếp bánh vào đĩa, chan nước cốt dừa đã thắng, rắc thêm ít đậu phộng rang vàng, đâm nhuyễn lên trên.

Độ ngọt của đường, bột, vị béo của nước cốt dừa, chất bùi của đậu xanh làm cho người ăn vừa ngon miệng vừa no lòng. 

Trưa hè, ăn dĩa bánh bèo lòng người cảm thấy khoan khoái và dường như thấy đâu đó bóng dáng của tiền nhân ngày trước đã tạo ra món ăn dân dã mà đậm đà dư vị này.

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.