.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

NÓI CHUYỆN VỀ CHÓ

Những con vật nuôi trong nhà, được gọi là gia súc, thì chúng ta phải kể đến loài chó. Chó là một con vật khôn ngoan, thông minh, nhớ lâu và rất trung thành với chủ. Nếu ta đem so sánh với các loài gia súc khác, thì chó sống cận kề với người nhiều hơn, cha ông chúng ta có câu: “Khuyển, Mã chi tình” nên dân Tây phương, họ nuôi chó như một người bạn thân trong nhà hay là món đồ chơi rất qúi, có khi họ cho chó ăn chung một đĩa và ngủ chung một giường với chủ. Chó được nuôi trong nhà như một vật làm cảnh hoặc dùng chúng vào rất nhiều công tác.
Sau đây chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về nguồn gốc, công dụng của loài chó và xem chúng đã giúp ích gì cho con người.

Nguồn gốc loài chó:
Chó được phát sinh từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Rất hiếm tài liệu nào nói về truyền giống và sinh sản của loài chó, nhưng theo kinh nghiệm của một số người đã từng nuôi chó kể lại. Chó cái khoảng gần 1 tuổi thì trổ mã bắt đầu dậy thì. Chó cái sau khi giao hợp, thụ thai khoảng từ 61 đến 65 ngày thì sanh con. Chó cái có thể sinh sản từ 2 đến 16 con một lứa. Chó con bú sữa mẹ.
Chó nhân tạo: Nhóm 45 khoa học gia của tiến sĩ Woo Suk Hwang, Nam Hàn đã thí nghiệm thành công một con chó thụ thai nhân tạo (Cloning Technic). Họ phối thai chó mà không cần tinh trùng hay động tác giao hợp tự nhiên. Nhóm này đã lấy trứng từ một chó cái thứ 1, sau đó lấy tế bào từ tai con chó đực Afghan 3 tuổi đem cấy vào trứng, rồi cho trứng vào ống nghiệm nuôi trong khoảng 10 ngày. Sau 10 ngày họ chuyền trứng đó từ ống nghiệm vào tử cung của một con chó cái khác thứ 2 (Embryos). Qua 61 ngày phôi thai trong tử cung, Chó cái thứ 2 đã sinh ra chó con Snuppy Afghan puppy, nhìn giống như chó bố. Đây là con chó nhân tạo đi vào lịch sử phát triển thai vô tính đầu tiên trên thế giới theo công thức:
Egg + Ear cell > Chemical bath > New womb = Baby Dog cloning.
Có giả thuyết cho rằng: Chó nuôi trong nhà là nguyên thủy từ một loài chó hoang trong rừng, người ta bắt được đem về huấn luyện, thuần hóa thành gia súc.
Chó có nhiều giống và tướng mạo khác nhau: Chó Sói, Dingoes, Berger, Chichihua, Bull dog..vv..vv.
Có loại nhỏ chỉ bằng con chuột như: Chó Fox hay Chichihua, giống này phát xuất từ Mexico, cân nặng chừng từ vài trăm gram, hay một, hoặc hai kilô. Nhưng cũng có loại chó rất to, có con thân xác to bằng con bê, như chó Berger hay có loại chó cụp tai lùn English gương mặt hình thù dị dạng và to, nhưng lại hiền từ.
Theo một nhà khảo cổ cho biết, thì đảo Phú Quốc của Việt Nam là nơi phát xuất ra chó Dingoes, nơi đây chó Dingoes đã được huấn luyện thành chó giữ nhà. Một số nhà thám hiểm hay thương gia của các thương thuyền quốc tế, đã bắt Dingo đưa qua Úc Châu nuôi. Chúng được thả tự do đi hoang nên lạc vào rừng sâu, rồi trở thành những con chó Dingoes hoang dã và dữ tợn. Chúng ta quan sát kỹ những con Dingoes được giữ trong các sở thú của Úc Châu, thì thấy chúng giống hệt như chó nuôi trong nhà, ở bên VN.
Chó thuộc loài gặm nhấm, nên thích gặm xương. Mục đích chó gặm xương là giúp chúng mài răng cho bén, nhọn. Cho nên cái thú của loài chó là được gặm xương suốt ngày, không biết mỏi mồm. Muốn cho chó đỡ phá phách, ta thảy cho chúng một ít xương, chúng sẽ thích thú gặm hoài, mà không hề lưu tâm đến đó là loại xương gì? cũ hay mới.

Chó truyền giống cách nào?
Chó cái nuôi trong nhà nẩy nở tình dục bất cứ lúc nào và thường hai lần động tình trong một năm. Thời gian động tình và chu kỳ thay đổi tùy theo nhiều giống chó khác nhau, nhưng loại chó đặc biệt có chu kỳ động tình cố định, người Tây Phương gọi là "in season" hay "in heat". Ngược lại, loại chó không thuần (undomesticated canine) như chó sói chỉ động tình mỗi năm một lần vào giữa mùa Đông. Chó đực và chó cái truyền giống theo tư thế mông dính mông, hai đầu ngược nhau, người ta thường gọi là chó dính lẹo. Loài chó có một cách giao hợp độc đáo, nên có một nhà nho đã vịnh chó làm sự tình, bằng bốn câu thơ sau đây:
Bát túc chỉ địa (Tám chân đạp đất)
Nhị vĩ chỉ thiên (Hai đuôi chỉ lên trời)
Lưỡng thủ tranh quyền (Hai đầu cùng kéo)
Vô tiền vô hậu (Không trước, không sau)
Ngoài ra còn có hai câu đối:
Thủ hỏa tương giao sôi sùng sục
Âm Dương nhị khí sướng là bao
Chữa mẹo mụn lẹo trên mí mắt, ai bị lên mụn độc trên mí mắt, gọi là mắt lẹo. Người ta cho rằng, đi coi chó dính lẹo, sẽ bị mọc mụn lẹo ở trên mắt. Thuốc mách lẻo của thầy Lang vườn: Lấy một ngón tay thấm nước miếng, rồi chà ngón tay đó lên chiếu cói cho nóng, sau đó áp ngón tay nóng lên trên mụn lẹo, mụn sẽ biến đi.

Công dụng của loài chó:
Chó là con vật tinh khôn, nên chủ tín cẩn giao cho giữ nhà. Chó được phân chia thành nhiều loại như: Chó chăn trừu (Sheep Dogs), chó săn (Terrier) hay chó săn chim (Gun Dogs), chó đua (Greyhounds), chó nuôi trong nhà, làm kiểng hay làm bạn (Companion Dogs), chó canh gác (Guard Dogs).
Chó thấy người lạ tới nhà thì sủa ỉnh ỏi, đôi khi còn lồng lộn lên đòi cắn xé, làm cho những kẻ âm mưu trộm cắp khiếp vía. Chó được huấn luyện như một quân nhân, nên người Việt gọi chúng là đoàn quân khuyển. Quân đội VNCH có trường quân khuyển tại Ngã Năm Chuồng Chó trên đuờng đi Xóm Mới, trường chuyên đào tạo các chú quân khuyển, khám phá đạn dược, chất nổ, thám thính, tìm tòi các hầm trú ẩn của địch quân, canh gác công sở, đồn bót.
Các nước phương Tây đã dẫn đầu trong công tác đào tạo và xử dụng quân khuyển. Hiện nay các phi trường hay các bến tàu khắp nơi trên thế giới, nhân viên hải quan dùng chó để khám xét các loại hàng hoá. Những chú chó này đuợc huấn luyện một cách tinh sảo về lãnh vực khám xét. Chúng được các thám tử Hải Quan dùng để truy tìm những đồ quốc cấm, xâm nhập vào các quốc gia của họ.
Chó có thể phân biệt được trên một triệu mùi vị khác nhau, và nghe được tiếng động cách xa từ 200 mét đến 1 km.
Đài truyền hình SBS (đài Sắc Tộc Úc Châu) lúc 7 giờ 30 tối thứ Năm hàng tuần có show “Inspector Rex” của Aó quốc (Austria) trình chiếu nhiều đoạn phim nói về sự tinh khôn của một thám tử chó, chuyên giúp cảnh sát truy lùng tội phạm hay cứu giúp các nạn nhân hoặc tìm kiếm những người bị thất lạc.
- Chó săn, được người chủ huấn luyện đi lên rừng săn bắt các thú vật về làm thịt và đi lượm các con thú bị chủ bắn chết. Chó đồng quê được dùng để đi bắt chuột, hay đi bắt rắn. Mỗi lần thấy rắn là chó sủa inh ỏi. Có những con chó rất lanh lẹn, chúng lưa tư thế, lúc rắn sơ hở, nhảy ngay vào cạp cổ, thế là rắn chịu thua.
- Chó nông trại của Úc Châu được dùng trong công tác lùa bò và chăn trừu, còn gọi là Sheep Dogs. Mỗi con chó có thể lùa hàng ngàn con trừu hay cả trăm con bò về chuồng một cách nhanh nhẹn. Chó còn đi tìm và bắt những con trừu bị thúi lông cho chủ chữa trị. Hai con chó có thể vật một con trừu một cách dễ dàng. Một con chó cạp cổ trừu, con khác cạp chân.
- Chó được huấn luyện để hướng dẫn người mù.
- Chó đã từng là những Phi Hành Gia tiên khởi. Năm 1957 Chó được trung tâm không gian của Nga huấn luyện, tham gia vào các chương trình phóng vệ tinh vào quỹ đạo trái đất là loại chó Laika
-Chó kéo xe Eskimo sống nơi vùng Bắc Cực. Chúng được dùng làm phương tiện vận chuyển, kéo xe cho dân du mục Eskimo.
- Chó không sợ lạc. Chủ dẫn chó ra khỏi nhà, trên đường đi, chó cứ đi được vài chục mét, nó lại đứng tè một tý, đánh dấu đường đi, nên khi muốn trở về nhà, chó chỉ ngửi mùi nước đái của chính mình là tìm lối về nhà dễ dàng.

-Chó Dingoes là một một loài chó hoang dã và dữ tợn của Úc. Cách nay trên hai chục năm, vụ án Arazia Chamberlain đã làm cả nước Úc xôn xao, vì một con chó Dingo đã tha em bé Arazia đi mất, rồi ăn thịt em bé này, khi gia đình Chamberlain cắm trại trong vùng gần núi Eyres Rock, Alice Spring giữa nước Úc. Vụ án kết thúc lần đầu, toà tuyên án người mẹ đã giết con, rồi đổ thừa cho chó Dingo ăn thịt. Bà Mẹ phải đi tù vài năm. Vụ án không lối thoát, nhưng sau nhiều lần kháng án, tòa thượng thẩm Úc Châu đã xử lại và tuyến án người mẹ vô tội. Vụ án này đã làm chính phủ tốn phí hàng chục triệu dollars, những người khai thuế phải gánh chịu. Chính phủ phải bồi thường án phí cho những năm tháng tù tội người Mẹ của bé Arazia gần 2 triệu dollars. Sau khi lãnh tiền bồi thường, bà Chamberlain đã ly dị chồng, cao bay xa chạy, di cư sang Mỹ lấy chồng khác, để tránh liên lụy sau này, phòng ngừa chính phủ Úc tái xét xử, đáo tụng đình.

Văn chương về Chó
Vào thập niên 60 cuốn chuyện “Cậu Chó” của Trần Đức Lai đã được giới thanh thiếu niên hâm mộ. Lúc đó tôi đang học trung học, mượn được cuốn truyện “Cậu Chó” vội vàng trốn vào cầu tiêu của khu nhà nội trú đọc, quên cả ăn.
Chuyện chó của Cao Bá Quát. Nhờ có tài văn chương, tuy chức phận thấp, Cao Bá Quát thường hay chửi xéo các quan trên, nhưng được nhiều người mến phục, kể cả nhà vua. Một hôm, có hai viên quan cãi cọ nhau về một chuyện gì đó, đâm ra ẩu đả. Cao Bá Quát vì có chứng kiến sự kiện xảy ra, nên vua Tự Đức bắt ông viết tờ trình để vua rõ đầu đuôi. Ông Quát chơi xỏ nhà vua nên khai rằng:
Bất tri ý hà
Lưỡng tương đấu khẩu
Bỉ viết cẩu
Thử diệc viết cẩu
Thượng hạ viết cẩu
Dĩ chí đấu ẩu
Thần kiến thế nguy
Thần tẩu
Nghĩa là:
Chẳng biết vì sao
Hai bên cãi cọ
Bên này rằng: chó
Bên kia cũng: chó
Trên dưới đều là chó
Rồi họ đấu võ
Thần thấy thế nguy
Thần trốn
Cao Bá Quát còn có ẩn ý chơi xỏ nhà vua với câu: Ở đây trên dưới đều là chó. Vừa trình xong sự việc thì ông Quát vội vã cáo từ, rút lui.

Câu tục ngữ: “Chó nhảy lên bàn độc” hay “Nuôi chó, chó liếm mặt” Ám chỉ những kẻ hỗn láo với cấp trên.
Thơ Chó
Ai dại như mày, hỡi chó ơi
Lăm le bàn độc nhảy lên ngồi!
Thức đêm, dẫu có công vì chủ
Nếm bẩn cho nên tiếng để đời
Thấy kẻ ăn mày còn nghiến lợi
Theo người áo rách sủa vang trời
Này này bà đã mua riềng sẵn
Chỉ đợi cho mày béo đấy thôi

Vợ của nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan là cô giáo Trịnh Thúy Nga hiệu trưởng trường Văn Học, trường chuyện dạy các lớp Đệ Nhất, thi Tú Tài II. Lúc đó tôi đang theo học tại đây. Thầy Bích Lan dạy môn triết học cho chúng tôi đã sáng tác bài thơ tặng phu nhân:
Hôn nay Nga buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Bọn học trò chúng tôi nhái lại vần thơ, để chế nhạo thầy Bích Lan:
Nga hỡi Nga em là con chó cái
Như con mèo ăn vụng lúc đêm khuya

Sách Cung Oán Ngâm Khúc có 2 câu của cụ Ôn Như Hầu nói về hình ảnh của loài chó giống như những áng mây trên trời, hàm ý chỉ sự thay đổi mau chóng và qua đi trên cõi đời này:
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương
Giai thoại làng văn có kể lại chuyện của ông Ích Khiêm, sau khi vua Tự Đức mất đi một quan đại thần là Tôn Thọ Tường. Tôn Thất Thuyết trở nên hống hách chuyên quyền. Dưới sự lãnh đạo của ông Thuyết, các quan và tướng chỉ là một bè lũ cầu an, không ai lo toan việc nước. Ích Khiêm bực tức nên đặt ra một bữa tiệc mời tất cả các quan đại thần đến dự. Lúc vào tiệc các quan nhìn thấy trên cỗ bàn đủ các món ăn, nhưng chỉ độc nhất làm bằng một món thịt chó. Ngoài thịt chó ra, không có loại thịt nào nữa. Một số quan không thích ăn thịt chó, nên ngập ngừng đòi hỏi món ăn khác, ông Ích Khiêm trả lời: “Bẩm bữa cơm hôm nay, toàn là chó cả”. Hàm ý nói tất cả các quan đến ăn bữa tiệc hôm nay đều là chó. Tiệc hôm đó Ích Khiêm ra lệnh cho các gia nhân, khi sắp cỗ, không được bày bất cứ thứ nước gì ra bàn, mà chỉ bày thức ăn thôi. Khi các quan đã vào ăn tiệc, thấy không có rượu, nước, bèn hỏi: Sao không có nước nôi gì hết à? Ông Ích Khiêm gọi ngay gia nhân đến quát mắng: “Gia nhân đâu? Chúng bay chỉ cắm đầu lo ăn, mà chẳng lo việc nước non gì hết à!”. Thế là các quan hôm đó được một bữa ăn, mà bị chửi thậm tệ.
Chơi chữ về chó: Một ông quan Cai Tổng thái Tây đã chơi xỏ gọi các ông đồ nho là “Các thầy” nói lái là cầy thác nghĩa là chó chết. Sau này Cai Tổng bị các cụ đồ nho chơi lại: “Bẩm Cai Tổng, chúng con là dân làng, đâu dám vô lễ với Cụ Cai Tổng là vị “Có Chức” trong Tổng ta. Có chức nói lái là “Cứt Chó”. Từ đó trở đi Cai Tổng không dám xúc phạm đến các thầy đồ nho nữa và phải kính nể họ.

Thành ngữ và tục ngữ của Chó
Chó treo mèo đạy -Chó chê cứt -Chó có váy lĩnh -Chó cắn trộm -Chó ngáp phải ruồi -Chó ăn đá gà ăn sỏi -Chó nào ăn được cứt thuyền chài -Chó liền da gà liền xương -Chó dữ thì mất láng giềng -Chó chết lại thêm đồng riềng -Chó chết hết chuyện -Chó con liếm mặt -Không có chó bắt mèo ăn cứt -Lên voi xuống chó -Chửi chó măng mèo -Ẩy chó vào bụi rậm -Đừng dồn chó vào đường cùng -Chó gầy hổ mặt người nuôi. Mỗi câu tục ngữ trên đây đều có ngụ ý răn dạy người đời.
Những người ăn xài phung phí thường bị người đời mỉa mai là: Đồ chó có váy lĩnh

Vịnh chó và Sự Đời
Sáng trăng em tưởng tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời bằng cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời

Câu đối chó:
Hàm chó, vó ngựa,
Miệng đàn bà, đít trẻ con
Câu đối này đã làm cho phụ nữ tức giận, ví miệng đàn bà như cái đít của trẻ con. Chó hay cắn quàng. Còn các bà thì có cái tật hay nói, nên cứ tự động phát thanh không ngừng. Em bé hay ị bậy, muốn ị lúc nào thì ị, không cần biết nơi ị là đâu?
Khẩu vị của chó:
Người Việt cho rằng khẩu vị của loài chó là món cít, cho nên chó thấy số ta ở đâu, là đến dọn sạch. Tôi thường thấy các bà mẹ ở thôn quê Việt Nam hay gọi chó vào liếm đít em bé sau khi ị, rồi mới đưa em bé xuống cầu, bến sông hay ao để rửa.

Tướng Mạo của Chó
“Đốm đầu thì bán, đốm trán thì nuôi, đốm đuôi thì thịt”. Do đó khi đi mua chó, ta nên lựa các con chó khôn và trung thành qua các tướng mạo sau đây:
-Huyền đề: Tứ túc huyền đề là tướng quí của chó
-Đốm lưỡi: Đốm đen to trên lưỡi, là chó khôn
-Bốn mắt: 2 mắt thật phải tròn đều thì tinh nhanh.
-Đuôi cong: chó dũng mãnh. Cụp đuôi là chó nhát.
Màu của lông chó: Những con chó có màu lông sau đây, làm thịt rất ngon: Nhất bạch, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm. Một số dân ghiền Cầy Tơ thì lại cho là nhất mực. Thịt chó đen ngon hơn.
Tên chó: Người sinh năm con chó thì được đặt tên là Tuất, Vện, Khoang hay Cẩu.

Chó và các môn thể thao
Tại Nam Úc có một sân đua chó vùng Angle Park ở tây bắc của thành phố Adelaide. Mỗi tối thứ Sáu hàng tuần đều có những cuộc đua chó Greyhound thật hào hứng. Vòng quanh trong sân có một đường rầy bằng gỗ được thiết kế theo hình bầu dục và một hàng rào phía trong (rail line) giống sân đua ngựa cũng hình bầu dục và cao khoảng 1 mét. Trên đường rầy người ta gắn một con mồi giả, hình dáng giống một con thỏ thật và to. Con thỏ mồi được gắn motor điện bám vào đường rầy. Thỏ mồi tự động chạy theo tốc độ đã được set up sẵn. Thế là bày chó đua nhau đuổi theo con mồi.

Bệnh Chó dại
Chó điên hay chó dại cắn phải chích chung quanh rốn 21 ngày mỗi ngày một mũi.
Thịt chó cũng là những vị thuốc nam được phổ biến như: Cẩu nhục, Cẩu bảo, Cẩu thận hoàng
Cẩu nhục: thịt chó tác dụng bổ tỳ thận, trợ dương, cường tráng, ngũ tạng ích khí.
Cẩu thận hoàng: (thịt chó vàng) Có nội tiết tố dương, trị bệnh di tinh, liệt dương và lưng gối mềm yếu.
Cẩu bảo: hạ khí nghịch, khai thông uất nghẹn, chữa mụn nhọt, nôn mửa, nấc cục.
Cây chó đẻ dùng để chữa bệnh Viêm Gan C mãn tính

Thịt Chó
Giết chó thì phải lựa màu, thịt mới ngon như đã nói ở trên: Nhất mực, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm.
Trước năm 75 mỗi lần đi qua ngã tư Bảy Hiền đền gần cổng trại lính nhảy dù Hoàng Hoa Thám là đã ngửi thấy ngay mùi thơm của quán thịt chó Cờ Tây
Cờ Tây trên trại Hoàng Hoa Thám
Hạt vàng quấn cổ xe nhà nghêng ngang

Thịt chó được các tay đầu bếp chế biến thành nhiều món ăn hấp khẩu như: Chả chó dát mỡ chài nướng, Chả chìa, Rựa mận, Xào lăn, chó Luộc hấp cách thủy, Xáo măng, Dồi...v.vv...
Dồi chó: Làm món dồi chó phải tốn nhiều thì giờ và rất công phu. Thịt chó luộc và dồi chó chấm với mắm tôm pha nước chanh ớt, ăn với lá mơ, củ riềng và húng quế thì tuyệt cú mèo, nên dân ghiền thịt cầy đã sáng tác 2 câu thơ bất hủ:
Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không?
Xương Chó Xáo măng: Nước luộc thịt chó dùng để nấu măng tươi hay khô, ăn với bún, người ta còn gọi món này là chó xáo măng. Hiện nay các quán thịt chó bên Việt Nam còn chế ra nhiều món ăn thật hấp khẩu. Thịt Chó Đút Lò: Món này được biến theo món ăn Tàu. Người ta giết một con chó chừng gần 1 tuổi cỡ chừng 5kg. Sau khi thui, chặt bỏ đầu và chân, khoét hậu môn, lôi hết ruột gan phèo phổi bỏ. Rửa sạch bên trong, lấy giấy nhúng (tissues) luồng vào trong bụng chó lau cho khô và sạch. Băm mộc nhĩ, búng tàu, nấm mèo, hành ngò rau thơm nhồi vào đầy bụng chó, khâu hậu môn lại cho chặt, lấy lá chuối hay lá dong bọc, quấn chung quanh con chó. Nhồi trấu với đất bùn rồi đắp thật dầy bên ngoài Lá Dong đã bọc toàn thân con chó. Sau đó bỏ vào lò than hoặc trấu nung khỏang 2 hay 3 tiếng đồng hồ. Chó chín lấy ra, bóc hết các lớp bùn đã nung cứng và lá bọc bên ngoài, Thắt thịt chó thành từng khoanh đặt trên đĩa. Khi ăn nên chấm thịt chó với mắm tôm chanh ớt, húng quế, riềng thái thật mỏng và lá mơ. Nhậu món này thì tuyệt cú mèo.
Bên Việt Nam hiện nay có quán đã quảng cáo Thịt chó 9 món độc đáo. Thế mới biết làm thịt thật là kỳ công. Nên nhớ thịt chó phải dùng đúng gia vị, thì mới bắt mùi
“Con chó khóc đứng, khóc ngồi
Mẹ ơi! Đi chợ mua tôi củ riềng”
Ăn thịt chó mà thiếu củ riềng, lá mơ và mắm tôm là mất đi hương vị độc đáo của món thịt cầy.

Sống ở các nước Tây Phương, không được phép Hạ Cờ Tây, nên những dân ghiền thịt chó thường chế ra các món như: Thịt Heo giả cầy, hay Dê giả cầy.

Những người ăn thịt Chó sẽ được vào Thiên Đàng. Trên đường từ Sàigòn đi Vũng Tàu, gần khu Long Thành trước đây có quán thịt chó “Ô Kìa” Một linh mục Công Giáo thuộc Dòng Tên đã sáng tác bài thánh ca: “Phúc Thiên Đường Ô Kìa”. Bài thánh ca có những dòng nhạc như sau: Phúc người đói rách, người giúp người thương, Chúa ở cùng anh, Phúc Thiên Đàng…“Ô Kìa!”…Phúc người công chính, người ghét, người khinh, Chúa ở cùng anh, phúc Thiên Đàng “Ô Kìa” …tang tang..tính tang...tình tang… Như vậy, Ai đến ăn thịt chó ở quán “Ô Kìa.” sẽ được phúc lên Thiên Đàng
Chợ chó: Trước năm 75 ở Hố Nai, Biên Hòa mỗi tuần có một phiên chợ chó. Chó đủ loại được các lái buôn dẫn ra chợ bán. Phiên chợ này từ đầu tới cuối, chỉ bán toàn là chó còn sống. Ai muốn mua chó về nuôi hay thịt thì thả dàn mà lựa.

Nói đến thịt chó thì có rất nhiều quán mọc lên khắp nước Việt Nam ta và họ đặt ra những cái tên rất lâm ly và hấp dẫn có liên hệ đến thịt chó như: “Cây Còn”, “Nó Đây Rồi”, “Hết Xẩy”, “Nai Đồng Quê”, “Mộc Tồn”, “Cờ Tây”, “Cầy Tơ” và quán “Lá Mơ”, quán Củ Riềng..v..vv. Toàn là những tên tiếng lóng và gia vị của thịt chó.
Láng giềng bên cạnh nhà tôi có nuôi một con chó to, nó hay sủa bất thường. Bố tôi nạt nộ nó: Mày mà sủa tầm bậy, tao cho ăn của riềng bây giờ. Con trai tôi nó hỏi ông: Ông ơi! Bộ con chó nó thích ăn củ riềng hả? Bố tôi trả lời ừ! Hễ nó hay sủa tầm bậy thì đeo củ riềng vào cổ nó, là nó sợ.
Trung Quốc, Việt Nam và Đại Hàn là những nước thích ăn thịt chó. Năm 2002 Thế Vận Hội tại Seoul Nam Hàn, đã có một số nước Tây Phương tuyên bố tẩy chay, vì Hàn Quốc ăn thịt chó, nên chính quyền Hàn Quốc lúc bấy giờ phải kêu gọi dân chúng tạm ngưng Hạ Cờ Tây để chào đón các lực sĩ Tây Phương đến tham dự Thế Vận Hội.

Có lẽ dân ghiền Cờ Tây của chúng ta, rất buồn khi phải xa quê hương, sống ở các nước Tây Phương, vì chuyện cấm thịt chó, mất đi cái mục Hạ Cờ Tây là mất đi một món nhậu tuyệt chiêu. Lại còn nữa, giới mày râu chúng ta phải chịu tủi nhục vì bị coi thường không bằng con chó. Quí vị đã thấy đó, các nước Tây Phương, xếp hạng đàn ông dưới chó một bậc. Đúng là chó má thật:
Ladies first, Dogs second, Children Third rồi mới tới Men Fourth. Nhất ghệ, nhì chó, tam nhi, rồi mới tới tứ trụ.
Quí vị ơi! Nói chuyện chó thì không cùng. Tôi còn đang ngồi viết dở dang thì nhớ lại một hôm, nghe tiếng thắng gấp của chiếc xe hơi ở trước nhà, làm nổi da gà, dợn cả người. Mở cửa ra xem, thì thấy một con chó đang nằm dẫy đành đạch chết dưới gầm xe. Tôi suy tư: “Chó chết hết chuyện.”
Nghĩ vậy nên đành phải chấm hết ở đây, xin cáo lui để còn dành thì giờ chuẩn bị Hạ Cờ Tây đón Xuân.

Nhân dịp năm hết Tết đến. Tác giả xin mượn cơ hội này kính chúc quí độc giả. Một năm mới Mậu Tuất:
Gặp nhiều may mắn, dồi dào sức khoẻ. Thành công và sung mãn về mọi mặt, tinh thần cũng như vật chất.


Kính chúc
Jo. Vĩnh
Úc Châu 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.