.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

SÁU BẢNH VỀ NƯỚC...

 




Sáu Bảnh về VN, lang thang đi nhậu một mình. Vừa ngồi xuống bàn, chưa kịp kêu beer thì một cô tiếp viên beer Tiger xinh như mộng mặc váy khá ngắn bước đến gần nhìn anh với ánh mắt đắm đuối :

- Anh uống bia Tiger giùm em đi anh. Bia tình yêu đó !
Sáu Bảnh ngạc nhiên :
- Tại sao lại là bia tình yêu ?
- Thì anh hãy giải mã chữ Tiger đi. Tình Iêu Giết Em Rồi !
- À vậy hả ? Thôi đi em ! Tình yêu bạo lực quá !
Tức thì một người đẹp khác bước đến thế chỗ :
- Vậy thì anh uống bia của em đi. San Miguel dzô dzô đó. Em sẽ nhớ anh suốt đời. Khi nào quán vắng anh thì em lại thẫn thờ... Sao Anh Nhớ Mà Ít Ghé Uống, Em Lo !
- Ồ không đâu, anh chỉ là khách qua đường thôi mà.
Thấy phương thức mời khách của hai cô kia chưa được hài lòng, người đẹp thứ ba bước lên vừa đá lông nheo vừa thỏ thẻ :
- Anh hãy uống Carlsberg đi, bia này mới là sành điệu đó. Anh uống xong thì Cho Anh Ráng Lấy Sức Bế Em Ra Giường !
Quá kinh hãi, mồ hôi đầm đìa, nhưng Sáu Bảnh cũng trấn tĩnh lắc đầu :
- Uống xong thì anh xỉn mất tiêu rồi, còn sức đâu nữa em.
Cô tiếp thị thứ tư bèn bước lên ra chiêu cuối cùng hy vọng sẽ quật ngã được con tim sắt đá của anh chàng này :
- Vậy thì chỉ có Heineken thôi. Anh uống xuôi hay ngược gì cũng được, cũng là tình yêu trọn vẹn cả. Hôn Em Ít Nên Em Khều Em Nhéo... hay là ngược lại Nếu Em Khôn Em Nằm Im Em Hưởng.
Sáu Bảnh lắc đầu quầy quậy :
- Thôi xin lỗi mấy em, tình yêu mấy em sao mà sành điệu quá, anh chỉ uống Saigon thôi !
Đến lúc này thì cả 4 cô tiếp thị đều ngạc nhiên :
- Trời ! Sao anh lại uống beer đó ?
- Ồ, đây mới chính là tình yêu thiêng liêng của anh đó. Sáu Bảnh bèn chỉ vào cái nhẫn trên tay :
- Số Anh Iêu Gái Ở Nhà !

SƯU TẦM.





Bệnh đái đường.

Tác giả cho biết bà 59 tuổi, cư trú tại San Jose, hiện đang làm cashier. Bài Viết Về Nước Mỹ sau đây được ghi chú “Viết theo lời kể của một người quen tình cờ”.
Tôi là một bà già quê dốt đặc cán mai, nửa chữ bẻ đôi mà hỏi tui còn hổng biết, làm sao mà nói được tiếng Mỹ
Những người quen biết, ai gặp tui cũng hỏi thăm sao tui hay quá vậy. 
Thật ra, chuyện tui “tự nhiên “ được chữa khỏi con mắt bị hỏng, lãnh tiền trợ cấp và được ở nhà housing thiệt hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng của tui và tất cả những người quen biết với tui. 
Tui qua Mỹ theo làn sóng vượt biên, cũng nhờ gia đình tui là nghề đánh cá, một chiếc tàu vượt biên lớn sợ “bể” đã cho tui đi “chùa” nghĩa là không phải đóng “cây”.
Thuyền tui đi lại gặp may nên chẳng gặp một thằng cướp biển nào, khi đến đảo lại được “bốc” vô Mỹ rất nhanh.
Thế là tui được ở một đất nước mà mọi người đều mơ ước. Tui nghe nói nhiều người có tiền mà đi hoài không được, nhiều khi còn bị bắt giam cả mấy năm, ở tù phải lao động cực khổ không thua mấy ông sĩ quan học tập cải tạo.
Một hôm, cũng như mọi ngày, tui đi bộ để vừa chiêm ngưỡng những nhà cửa sang trọng với những bãi cỏ xanh và đủ loại hoa đẹp rực rỡ như cảnh tiên.
Đang đi bỗng mắc đái không chịu được, sẵn thấy chân cầu có vẻ kín đáo, tui bèn bước vội đến đó, nhìn trước nhìn sau thấy coi bộ hổng có ai dòm, chỉ có xe hơi chạy nườm nượp hàng hàng lớp lớp, yên chí lớn, ai mà thèm dòm đít bà già. Thì tui đã quen làm như vậy khi ở Việt Nam mà!
Tui ung dung ngồi chồm hỗm xuống, khoai khoái dễ chịu vô cùng. Vừa đứng lên thì xe cảnh sát ở đâu bất ngờ trờ tới, thắng nghe một cái réec, ra dấu biểu tui để hai tay lên xe, tui vừa để lên thì nó lấy hai tay tui bẻ quặt ra đàng sau, tui nghe một tiếng “cắc” rồi cảm thấy hai cổ tay lạnh ngắt, thì ra tui đang bị còng tay.
Tui sợ điếng người nhưng đành chịu vì có biết tiếng Mỹ nào đâu mà nói với chẳng nói. Mấy ổng dìu tôi vô xe, thật ra mấy ổng vừa dìu vừa đẩy thì đúng hơn vì tui thấy sợ quá, không muốn vô xe cảnh sát chút nào.
Mấy ông cảnh sát đưa tui tới một chỗ gì mà thấy rùng rợn lắm, chỗ nào cũng có máy móc thấy ngộp, muốn xỉu.
Một ông đi đâu một hồi rồi trở lại với một ông khác, nhìn thấy ông này tui càng sợ hơn vì ổng mặc cái áo choàng màu xanh và lại còn đeo mặt nạ màu xanh, không biết họ sẽ làm gì tui đây!
Tự nhiên tui nổi gai ốc khắp người. Ông mới ra dấu biểu tôi nằm vô giữa máy rồi ấn hết nút này đến nút khác, một hồi cái đầu tui bị kẹp chặt, tui cố cựa quay mà hổng ăn thua gì.
Tui nhắm mắt lại thật chặt, bụng nghĩ là chắc tụi nó cho tui lên máy chém, tui niệm Chúa niệm Phật lung tung.
Biết vậy thà ở Việt Nam cho sướng hơn, muốn đái đâu cũng được, cùng lắm thì bị chọc quê chứ làm gì mà tới phải lên máy chém!
Nhớ lại hồi còn ở Việt Nam, mỗi lần đi xe đò, lâu lâu xe đậu lại là mấy ông mấy bà mạnh ai nấy đái: mấy ông thì cứ đứng đái đại lề đường, còn mấy bà thì kiếm lùm cây.
Tui tưởng mình đã chết, chợt nghe hai bên đầu được nới rộng dần, rồi có người lay tôi dậy. Thì ra tui vẫn còn sống! Để chắc ăn, tui lắc thử cái đầu và sờ vào cổ không thấy máu me gì cả. Hú hồn!
Rồi có một người Việt Nam đến, ông ta tự giới thiệu là thông dịch, họ đua nhau hỏi tại sao tui có sẹo trên mặt phía trên con mắt bên phải, họ nói trong óc của tui có dấu vết tổn thương nặng. Hèn chi tui nhức đầu hoài. Họ hỏi tui nhiều câu lắm.
Kết quả gởi về tận nhà cho biết tui bị thần kinh và bị mù một mắt. Họ còn gởi cho tui nhiều giấy tờ khác nữa. Nhờ những giấy tờ này mà sau này tui được hưởng đủ thứ giúp đỡ: được Mỹ chữa khỏi con mắt bị hư, được cấp thuốc uống không mất tiền, rồi lại còn được ở nhà housing đến bây giờ, mỗi tháng tui còn được lãnh một món tiền nho nhỏ, tui xài tiện tặn, lâu lâu gởi về chút đỉnh cho bà con, hàng xóm.
Nhưng xin bà con đừng bắt chước tui mà đái ngoài đường à nghen! May mà họ tưởng tui điên. Người không điên làm sao dám làm chuyện đó ở xứ văn minh lịch sự này!
Tui nghe người ta nói tội đái bậy bị phạt rất nặng mà còn bị ghi vào lý lịch suốt đời. Nước Mỹ có nhà vệ sinh sạch và tiện nghi lắm, bởi vậy nên nó được đặt tên là “Rest room” là “nhà để nghỉ” đó mà.
Nghe nói đi xa vài chục dặm là có một “rest area” để khách du lịch đi vệ sinh và nghỉ ngơi thoải mái không những thế còn có những bàn ghế bằng đá, có thùng đựng rác khắp nơi và nhất là có phong cảnh rất hữu tình. Vậy thì đái bậy bị phạt nặng cũng phải.
Tui cũng muốn nói thêm điều này, vì đây là điều tui rất khoái: người nào đến xứ Mỹ cũng biến thành người lịch sự, đi đâu làm gì cũng “get line” chớ không có thói quen chen lấn như ở nước mình nên bà con cứ yên tâm.
Tui bây giờ cũng lịch sự lắm.
Mỗi lần kể chuyện này, tui chỉ muốn đi tìm lại hai ông cảnh sát Mỹ để nói lời cám ơn đã còng tay tui lúc đó. Nếu không thì làm gì tui có ngày nay.

Sưu Tầm

Sợ Vợ

Trong tiếng Việt gần như không có thuật ngữ ”sợ chồng” . Mặc dù xã hội không thiếu những người đàn bà coi chồng như chúa tể trong gia đình. Ấy vậy mà cái thuật ngữ SỢ VỢ, từ ngàn xưa, đã trở thành phổ biến, coi như một trong những thuộc tính quan trọng của đàn ông. Từ SỢ VỢ gợi lên một hình ảnh đáng yêu, dí dỏm, thơ mộng và… hiền triết. Socrate là một triết gia lớn của nhân loại nhưng ông ta cũng là một người sợ vợ. Câu nói nổi tiếng của ông, từ hơn hai ngàn năm nay đã được giới mày râu nhâm nhi một cách thú vị:

- Bạn hãy lấy vợ đi, vì bề nào cũng có lợi. Nếu lấy được một người vợ hiền thì bạn là một người đàn ông hạnh phúc, còn nếu lấy phải một bà chằn thì bạn sẽ thành một triết gia.

Như thế lấy vợ thật là tuyệt diệu! Bạn tôi, có rất nhiều người thuộc trường phái sợ vợ. Có người mới lấy vợ về đã sợ, có người sợ dài dài trong suốt vài chục năm chung sống. Phó thường dân cũng sợ vợ mà người có chức quyền cũng sợ vợ. Người ít học lẫn các bậc trượng phu trí thức đều thuộc lòng câu ”nhất vợ nhì trời”.

Chẳng hạn như anh bạn bác sĩ của tôi lấy vợ đã ngoài hai mươi năm. Bữa kia hai ông bà rủ nhau đi chợ mua sắm các thứ để kỷ niệm ngày đám cưới.

Người vợ bảo:

- Anh giữ tiền nhé. Em mua cái gì thì anh chi.

Người chồng cất tiền vào túi áo. Nhưng khi hai người đến đầu chợ thì bà vợ lại cằn nhằn:

- Ðến chỗ đông người mà sao anh lớ ngớ như một thằng ngố vậy? Anh không biết bọn móc túi đầy trong chợ à?

- Ðừng lo, người chồng nói, chúng nó không làm gì được anh đâu.

Bà vợ ngắm nghía đức ông chồng một lúc rồi quyết định:

- Ðưa hết tiền đây. Anh giữ tiền, mất như chơi.Người chồng vâng lời, đưa tiền cho vợ. Bà ta bỏ tiền vô ví, cầm chắc trong tay.

Hai người bước vô chợ, đi vòng vòng ngắm nghía hàng hóa một hồi, cuối cùng bà vợ quyết định mua một bộ đầm 130 ngàn. Nhưng khi móc ví trả tiền thì mới hay là ví đã bị rạch và gói bạc biến mất.

Anh chồng nhỏ nhẹ nói:

- Phải chi lúc nãy em để anh giữ tiền thì đâu đến nỗi.

Bất ngờ bà vợ túm lấy cổ áo chồng, gầm lên:

- Ðồ ngu ! Tại sao tôi bảo anh đưa tiền cho tôi giữ mà anh cũng đưa? Anh phải biết ngăn cản tôi chớ. Thế mới gọi là đàn ông chớ, đàn ông gì mà vợ bảo sao nghe vậy để đến nỗi mất hết tiền. Lỗi của anh sờ sờ như thế mà còn đổ cho người ta. Ðàn ông gì mà hèn quá vậy !

Bị nắm cổ áo ngay giữa chợ, anh chồng mắc cỡ quá, năn nỉ:

- Anh xin lỗi. Buông anh ra đi. Ðừng làm thế ở chỗ đông người.

Nhân vật thứ hai là một người tướng

tá đạo mạo. Buổi trưa nóng nực, tình cờ tôi gặp anh ta trong một quán nước. Thấy cổ tay anh ta bị những vết xước chằng chịt như có ai lấy dao lam cứa hàng trăm nhát trên đó, tôi bảo:

- Ủa, tay của ông sao vậy?

Anh bạn vốn là một nhà giáo. Trước khi trả lời câu hỏi, anh ngó lui ngó tới xem có học trò ngồi chung quanh không, rồi rỉ tai tôi:

- Vợ nó ngắt.

- Trời đất ! Ngắt mấy ngày mà nát bấy cái cổ tay vậy?

- Có một đêm thôi. Ðêm kinh hoàng. Mất ngủ.

- Sao ông không kháng cự?

- Vì mình có lỗi.

- Lỗi gì?

-Bị bắt quả tang đi chơi với bồ nhí.

- Thì cứ xin lỗi và hứa không quan hệ lăng nhăng nữa là được rồi. Việc gì mà phải nằm im chịu trận âm thầm trong đêm như thế?

Anh bạn giáo viên thở dài, xổ cái ống tay áo xuống, cài măng sét để che những móng vuốt đàn bà, đoạn phân trần:

- Nhà chật, con cái nằm ngủ sát bên cạnh. Vợ chồng cãi nhau sợ chúng nghe, chúng nó buồn, còn mình làm cha cũng sợ mất uy tín, vì thế mà cả bà vợ lẫn mình không ai nói một tiếng. Cuộc trừng phạt vì thế đã diễn ra quằn quại trong đêm tối, nhức nhối trong âm thầm.

Nhân vật thứ ba là một anh nhà văn.

Ngày nọ tôi đến nhà anh ta chơi, vừa bước vào nhà đã nghe tiếng cãi vã phía trên cầu thang. Tôi vừa định lên xem chuyện gì thì thấy anh nhà văn hối hả chạy xuống, phía sau là một cô vợ trẻ cầm con dao thái thịt đuổi theo bén gót. Ðể bạn khỏi ngượng tôi nép vào gầm cầu thang, trốn. Cô vợ vung dao chém một nhát, anh nhà văn né kịp, cây Ðồ Long Đao chém vô tường nhá lửa. Cô vợ trẻ phóng lưỡi dao về phía đức ông chồng nhưng hụt.

Một trận quyền cước tiếp theo sau. Anh bạn nhà văn nép vô xó chịu đòn, lưng áo bị xé toạc, hằn in dấu cán chổi của trận đòn ngày hôm trước. Lúc ấy tôi bèn xuất hiện can ngăn, đỡ đòn cho bạn. Bà vợ trẻ cúi xuống nhặt con dao, dứ dứ trước mặt chồng mấy cái rồi bỏ đi.

Tôi dìu anh bạn lại ngồi nơi cầu thang. Hỏi vì sao bị cô vợ bé đánh quá xá vậy, thì đáp:

- Tối hôm qua mình về với bà cả và mấy đứa nhỏ.

- Thế bà Hai có đồng ý không?

- Mình có xin phép nghiêm chỉnh.

- Vậy tại sao lại bị đánh?

Anh bạn kéo chiếc khăn tay ra hỉ mũi sồn sột, sau đó ho khan lên mấy tiếng rồi mới trả lời:

- Ðó là tại vì lúc ra đi thì mình khỏe mạnh mà khi trở về thì mình bị cảm cúm. 

Bà Hai hỏi:

- Anh về nhà làm gì mà bị mất sức dữ vậy?

Nhưng mình có làm gì đâu mà mất sức. Nói đến đó thì anh bạn hắt xì hơi mấy cái liên tiếp, rồi lại phân trần:

- Ông nghĩ coi, cảm cúm có khi là chuyện trái gió trở trời.

Trên đây là ba mẩu chuyện sợ vợ với ba nhân vật khác nhau, ba tình huống khác nhau.

Bạn đọc chớ vội chê họ là những kẻ hèn nhát đần độn. Anh bác sĩ trong mẩu chuyện thứ nhất sợ vợ chẳng qua vì lòng độ lượng, không muốn hơn thua với đàn bà, thật đáng khen thay !

Anh giáo viên trong mẩu chuyện thứ hai sợ vợ vì mục đích vô cùng cao cả đó là ngại ảnh hưởng xấu đến con cái, thật đáng kính thay !

Còn anh nhà văn trong mẩu chuyện thứ ba thì láu cá hơn nhiều. Hắn sẵn sàng đưa lưng ra chịu đấm để được… bắt cá hai tay

Đào Hiếu

 


Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.