.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Tư, 19 tháng 5, 2021

Khai quật hài cốt công nhân xây Kim tự tháp: Giới khảo cổ 'lật ngược' hiểu lầm lớn nhất lịch sử về kỳ quan này!

Những bằng chứng mới vừa giúp hóa giải một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử khảo cổ.

Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra để trả lời cho câu hỏi "Ai đã xây Kim tự tháp?", bao gồm đội quân hùng hậu của nô lệ người Do Thái, những cư dân của thành phố đã mất Atlantis hay thậm chí là những ý tưởng hoang dã hơn như người ngoài hành tinh.Tuy nhiên, không có lý thuyết nào trong số những lý thuyết này có đủ bằng chứng thuyết phục.

Theo các chuyên gia về Kim tự tháp, tất cả các phát hiện khảo cổ đều cho thấy một sự thật là chính những người Ai Cập cổ đại đã xây dựng nên Kim tự tháp, nhưng những người này đã sống như thế nào, họ được trả lương ra sao và họ được đối xử như thế nào là một bí ẩn mà các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu.

Trong khi đó, hậu thế vẫn thường suy luận rằng Kim tự tháp Ai Cập đều được xây dựng bởi những nô lệ bị bóc lột và làm việc cật lực trong hàng chục năm.

Kim tự tháp có thật sự được xây dựng bởi các nô lệ?

Dựa trên việc giải mã các văn tự có trong giấy papyrus, các chuyên gia cho rằng những người công nhân xây Kim tự tháp thực chất là những người làm nông nghiệp theo mùa. Họ tham gia vào việc xây dựng và vận chuyển nguyên vật liệu xây Kim tự tháp trong khoảng thời gian nông nhàn.

Theo Pierre Tallet, giáo sư Ai Cập học tại Đại học Paris-Sorbonne, người đang giải mã các tờ giấy papyrus, cho biết các công nhân được ăn theo một chế độ rất hợp lý.

Ngoài chế độ ăn uống lành mạnh, các tờ giấy papyrus còn mô tả các thành viên trong nhóm làm việc thường xuyên nhận được hàng dệt may, "có lẽ được coi là một loại tiền vào thời điểm đó", Pierre Tallet nói.

Giấy papyrus tiết lộ nhiều sự thật về Kim tự tháp

Nhóm chuyên gia đang khai quật một thị trấn ở Giza - nơi có các công nhân xây dựng Kim tự tháp Menkaure sinh sống và thường xuyên lui tới - cho biết đã tìm thấy bằng chứng cho thấy cư dân cổ đại của thị trấn này từng nướng một lượng lớn bánh mì, giết mổ hàng nghìn con vật và nấu một lượng lớn bia.

Dựa trên xương động vật được tìm thấy tại địa điểm, và xem xét nhu cầu dinh dưỡng của công nhân, các nhà khảo cổ ước tính rằng khoảng 4.000 lbs. (1.800 kg) động vật - bao gồm cả gia súc, cừu và dê - bị giết mổ trung bình mỗi ngày, để cung cấp thức ăn cho công nhân.

Hài cốt của các công nhân được chôn cất trong các ngôi mộ gần Kim tự tháp cho thấy các công nhân được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế sẵn có vào thời điểm đó.

Chế độ ăn uống phong phú của những người xây dựng Kim tự tháp, kết hợp với bằng chứng về việc chăm sóc y tế và nhận hàng dệt may như một hình thức thanh toán, đã khiến các nhà Ai Cập học nhìn chung đồng ý rằng những người lao động không phải là nô lệ.

Nguồn: Livescience

Lý giải tên gọi đặc biệt của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Có thể nói, tên gọi Phan Rang – Tháp Chàm là cái tên hy hữu, khi một công trình kiến trúc cụ thể được dùng để đặt tên cho một địa danh hành chính quy mô cấp thị xã - thành phố.

Là thủ phủ của tỉnh Ninh Thuận, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được cả nước biết đến qua hình tòa tháp Po Klong Garai kỳ vỹ của người Chăm. Tên gọi Phan Rang - Tháp Chàm có nguồn gốc từ đâu?

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, tên gọi Phan Rang bắt nguồn từ địa danh Chăm cổ là Pangdarang hay Pandaran. Địa danh này chỉ cả một vùng rộng lớn gồm Ninh Thuận, Bình Thuận đến giáp Đồng Nai hiện nay.

Trong sử liệu Việt Nam, địa danh hành chính đạo Phan Rang xuất hiện từ năm 1697 dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu. Địa danh hành chính tỉnh Phan Rang xuất hiện năm 1901 khi Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Phan Rang với tỉnh lỵ cũng là Phan Rang.


Địa danh hành chính ghép Phan Rang - Tháp Chàm xuất hiện năm 1948 do chính quyền Cách mạng ở tỉnh đặt. Cụ thể, vào tháng 8/1948, vùng 5 được đổi thành thị xã Phan Rang – Tháp Chàm. Tên gọi Phan Rang – Tháp Chàm chính thức được biết đến từ đó.


Trong cái tên “Phan Rang – Tháp Chàm”, “Phan Rang” có nguồn gốc từ “Pangdarang” như đã đề cập ở trên. Còn "Tháp Chàm" chính là sự tôn vinh tháp Po Klong Garai, di tích Chăm nổi tiếng nhất Việt Nam khi đó (thánh địa Mỹ Sơn lúc này chưa được dân chúng biết đến rộng rãi).


Có thể nói cách đặt tên Phan Rang – Tháp Chàm là trường hợp đặc biệt, khi một công trình kiến trúc cụ thể được dùng để đặt tên cho một địa danh hành chính quy mô cấp thị xã - thành phố.


Từ 1976 đến 1991, khi tỉnh Ninh Thuận hợp nhất với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bình Tuy thành tỉnh Thuận Hải thì Phan Rang – Tháp Chàm trở thành thị xã thứ hai thuộc tỉnh Thuận Hải, sau thị xã Phan Thiết.


Trong giai đoạn này có 4 năm Phan Rang và Tháp Chàm tách thành hai thị trấn, đó là giai đoạn 1977-1981. Đến năm 1981 thị xã Phan Rang – Tháp Chàm được tái lập.


Năm 1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập, thị xã Phan Rang - Tháp Chàm trở thành tỉnh lỵ tỉnh Ninh Thuận. Ngày 8/2/2007, thị xã Phan Rang – Tháp Chàm trở thành thành phố theo Nghị định của Chính phủ.


Ngày nay Phan Rang - Tháp Chàm là thành phố có tên dài nhất trên bản đồ hành chính Việt Nam. Gắn liền với tên gọi Phan Rang - Tháp Chàm, tháp Po Klong Garai luôn là địa điểm thu hút khách tham quan hàng đầu của thành phố này...

Quốc Lê


Lăng mộ Võ Tắc Thiên có gì bí mật về phong thủy?

Trong lịch sử gần 3.000 năm của lịch sử phong kiến Trung Quốc, Võ Tắc Thiên là một người phụ nữ cực kỳ đặc biệt.

Trong gần 3.000 năm của phong kiến Trung Quốc, Võ Tắc Thiên là một người phụ nữ cực kỳ đặc biệt. Trở thành Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất được sử sách công nhận, những gì Võ Tắc Thiên đã làm thực sự là một đòn đau giáng vào cái thể chế phong kiến với tư tưởng trọng nam khinh nữ cố hữu ở xứ sở hàng tỷ dân. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của Võ Tắc Thiên đối với Trung Quốc không chỉ là khi bà còn sống.

Nhiều người tin rằng, ngay cả khi đã chết, Võ Tắc Thiên vẫn có những ảnh hưởng rất lớn tới vận mệnh quốc gia. Chẳng nói đâu xa, nhiều người tin rằng ngay Càn Lăng - nơi Võ Tắc Thiên lựa chọn làm nơi chôn cất của mình - cũng đã hàm chứa không ít những bí mật…

1. Tháng 2 năm 705, Võ hậu ốm nặng không còn lo việc triều chính được nữa. Nhân cơ hội đó, tể tướng Trương Giản Tri dẫn đầu các quan văn võ trong triều, thực hiện cuộc chính biến, xông vào hậu cung, bắt giết hai anh em Trương Xương Tông - những kẻ đang được Võ hậu vô cùng sủng ái - rồi buộc Võ hậu phải hạ chiếu nhường ngôi lại cho Thái tử Lý Hiển. Lý Hiển lên ngôi một lần nữa, sử gọi là Đường Trung Tông, Võ hậu lui xuống làm Thái thượng hoàng rồi qua đời vào tháng 11 năm đó.

 
              Lăng mộ Võ Tắc Thiên có gì bí mật về phong thủy?

Khi lâm chung, Võ hậu yêu cầu Lý Hiển dùng thụy hiệu cho bà là Hoàng hậu chứ không phải Hoàng đế, do vậy bà không có miếu hiệu như những vị Hoàng đế khác. Võ hậu cũng yêu cầu chôn mình ở Càn Lăng cùng với chồng mình là Đường Cao Tông Lý Trị, đồng thời dựng trên mộ bà một tấm bia trống (gọi là Vô tự bia) với ý rằng, công tội của bà sẽ do đời sau phán xét.

Cho tới nay, người ta vẫn chưa thể lý giải vì sao một người phụ nữ đầy tham vọng như Võ Tắc Thiên - người đã dám phá bỏ cả một vương triều lừng lẫy, tự lập nên vương triều của dòng họ mình - đến phút cuối cùng lại quay về thân phận một người vợ, yêu cầu “hợp táng” cùng chồng là Cao Tông. Tuy nhiên, các nhà thì tin rằng, một trong những nguyên nhân khiến Võ Tắc Thiên lựa chọn Càn Lăng làm nơi chôn cất của mình chính là vì địa thế cực kỳ đắc địa của khu lăng mộ này.

Càn Lăng được xây dựng trên đỉnh núi Lương Sơn, nằm cách huyện thành Thiên Càn 6km về phía Bắc. Nơi đây cách Tây An - kinh đô thời Đường - khoảng 160 dặm, tạo thành thế hô ứng với các dãy núi Cửu Tông, Kim Túc, Ta Nga, Nghiêu Sơn… Khác với vị trí Chiêu Lăng do chính Lý Thế Dân - ông vua nổi tiếng triều Đường - tự lựa chọn, người ta nói rằng, vị trí của Càn Lăng được lựa chọn một cách cực kỳ chuyên nghiệp. Người lựa chọn vị trí xây dựng Càn Lăng chính là Thái sử lệnh Lý Thuần Phong - vị quan chịu trách nhiệm về âm dương và thiên văn của triều đại nhà Đường.

Thời nhà Đường, nhân tài rất nhiều, trong hay chốn cung đình đều không thiếu vắng những người tài năng. Lý Thuần Phong là một trong những nhân tài loại đó. Sử chép, họ Lý là một trong những nhà thiên văn và số học cổ đại có tiếng của Trung Quốc. Ông ta cũng là người để lại không ít những tác phẩm mà ngày nay giới nghiên cứu và thiên văn cổ đại Trung Quốc coi là sách giáo khoa gối đầu giường. Cùng thời với Lý Thuần Phong lúc bấy giờ còn có một người khác tài danh không kém, gọi là Viên Thiên Canh. Giống như họ Lý, họ Viên là một tay cao thủ về việc âm dương bói toán.

Viên chính là người đã giúp Lý Thế Dân lựa chọn vị trí xây dựng Chiêu Lăng. Người đương thời tin rằng Viên là một “thần nhân”, bởi lẽ gần như không có việc gì Viên dự đoán mà xảy ra sai lệch. Nói theo lối hiện đại, vào thời bấy giờ, Lý Thuần Phong và Viên Thiên Canh được coi là những đại trí thức, những nhân vật quyền uy bậc nhất về học thuật trong triều Đường.

Lý Trị vốn là con trai thứ 9 của Lý Thế Dân, do Hoàng hậu Trưởng Tôn sinh ra. Năm 649, khi Lý Thừa Càn bị phế, Lý Trị lên ngôi, trở thành Đường Cao Tông Hoàng đế. Sau khi lên ngôi không lâu, theo thông lệ cũ của nhà Đường, Lý Trị phái Lý Thuần Phong và Viên Thiên Canh thay mình đi tìm một nơi đất tốt để xây dựng mộ phần.

Theo những gì sử sách còn ghi lại thì họ Viên và họ Lý đã đi tới không ít nơi song vẫn chưa tìm được vị trí ưng ý. Mãi tới một hôm, sau khi Viên Thiên Canh tới Quan Trung, quan sát thiên tượng vào giờ Tý, mới phát hiện trên dãy núi xuất hiện một luồng khí màu tím xông thẳng lên sao Bắc Đẩu. Khí màu tím xuất hiện trong quan niệm chính là điềm lành. Lần theo luồng khí màu tím này, Viên Thiên Canh đã tìm được vị trí xây dựng Càn Lăng ngày nay. Lúc bấy giờ, để đánh dấu, Viên Thiên Canh đã chôn xuống dưới đất một đồng tiền bằng đồng.

Một điều trùng hợp là sau đó, Lý Thuần Phong cũng tìm tới nơi đây. Tuy nhiên, khác với Viên Thiên Canh, họ Lý lựa chọn Lương Sơn do những phân tích kỹ càng về địa thế của ngọn núi này. Sau khi nghiên cứu địa thế ngọn Lương Sơn, Lý Thuần Phong phát hiện ra rằng, hai đỉnh phía Đông và Tây của Lương Sơn nằm ở thế đối diện nhau, vì vậy nếu nhìn từ xa thì ngọn Lương Sơn trông giống như cặp vú của người phụ nữ.

Nếu nhìn rộng hơn nữa thì toàn bộ khu vực Lương Sơn giống như một người phụ nữ quý tộc đang say giấc nồng. Sau khi dùng các mảnh đá sắp xếp thành sơ đồ bát quái để tính toán, Lý Thuần Phong cũng xác định vị trí đặt lăng mộ ngay đúng chỗ mà Viên Thiên Canh đã lựa chọn.

Sau khi nhận được tin báo của họ Lý và họ Viên, Lý Trị lập tức cử người cậu của mình là Trưởng Tôn Vô Kỵ tới xem xét một lần nữa rồi mới đưa ra quyết định. Sử chép, khi tới nơi, Trưởng Tôn Vô Kỵ không khỏi kinh ngạc khi đầu của cây cọc sắt mà Lý Thuần Phong đóng xuống đất để đánh dấu chọc đúng vào ô vuông bên trong có đồng tiền mà Viên Thiên Canh đã chôn.

2. Do Lương Sơn - nơi xây dựng Càn Lăng - có địa thế rất giống với bộ ngực của người phụ nữ nên người dân địa phương nơi đây còn gọi núi Lương Sơn là Nãi Đầu Sơn. Ngọn núi này nhìn gần thì rất kỳ vĩ nhưng nhìn xa lại rất thấp. Viên Thiên Canh cho rằng, nơi đây âm khí nặng hơn, vì vậy nếu như không tính toán cẩn thận thì long mạch nhà họ Lý sẽ bị một người phụ nữ làm cho tổn hại.

Lý do mà Viên Thiên Canh đưa ra dường như rất hợp lý. Ngọn Lương Sơn nằm ở phía Tây của núi Cửu Tông, trong khi đó, long mạch của nhà Đường thì nằm ở phía Đông Cửu Tông. Vì vậy, Viên cho rằng, Chiêu Lăng - nơi chôn cất Lý Thế Dân - chính là phần đầu của long mạch triều Đường. Theo quan niệm truyền thống về thì vị trí xây dựng lăng mộ cho Lý Trị phải nằm dưới phần “đầu rồng” này. Như vậy, vị trí mộ lý tưởng nhất phải thuộc các dãy núi Kim Túc, Ta Nga, Nghiêu Sơn… Tuy nhiên, nay lại có một người phụ nữ ngồi ở trên đầu của những người đàn ông dòng họ Lý.

Xét về địa thế thì cả hai mặt Lương Sơn đều có nước vây quanh, là nơi tàng phong tụ khí, đích thực là một vị trí đắc địa về . Các nhà đương thời đều thừa nhận điều này. Người ta nói rằng, dãy Lương Sơn vốn là phần “dư âm” của long mạch từ thời Chu, vì vậy những người dân bình thường chọn đất này làm nơi i táng thì có thể đảm bảo ba đời giàu sang, phú quý. Tuy nhiên, đối với triều đại nhà Đường, ba đời e là quá ngắn ngủi. Hơn nữa, đại thế của Lương Sơn lại không hô ứng với của Chiêu Lăng vốn đã được Lý Thế Dân lựa chọn. Sự không hô ứng này khiến vương khí bị đứt đoạn, e là chỉ sau ba đời sẽ bị cản trở.

Trưởng Tôn Vô Kỵ và Lý Thuần Phong đều nói đây là mảnh đất tốt, ngàn năm có một, trong khi đó Viên Thiên Canh thì lại kiên quyết khẳng định rằng nơi này không thích hợp. Đứng trước hai ý kiến hoàn toàn trái ngược, Lý Trị lúc bấy giờ cũng không biết quyết định ra sao. Khi đó, Võ Tắc Thiên mới là Chiêu nghi, nghe được chuyện này mừng lắm. Viên Thiên Canh từng dự đoán rằng, triều đại nhà Đường sẽ bị một người phụ nữ họ Võ xâm phạm.

Lý Thế Dân cũng vì lý do này mà giết không ít người họ Võ. Hơn nữa, khi trước, họ Viên khi mạo của Võ Tắc Thiên đã nói rằng: “Nếu như không phải là nữ giới thì nhất định sẽ là chủ thiên hạ”. Như vậy, địa thế của Lương Sơn chẳng phải là ứng với những gì Viên Thiên Canh đã dự đoán hay sao? Nghĩ vậy, Võ Tắc Thiên đã tìm mọi cách khuyên Lý Trị không nên do dự, nghe theo lời của cậu là Trưởng Tôn Vô Kỵ.

Lý Trị vốn là người nhu nhược nên chẳng mấy chốc đã bị Võ Tắc Thiên thuyết phục, việc lựa chọn vị trí xây dựng Càn Lăng được quyết định. Người ta nói rằng, Viên Thiên Canh sau khi biết chuyện đã thở dài mà than rằng: “Người thay nhà Đường không ai khác chính là Võ Chiêu nghi”. Lời nói của Viên sau này quả nhiên ứng nghiệm.

Mặc dù không nghe theo lời của Viên Thiên Canh, tuy nhiên những ý kiến của một bậc “đại sư” như Viên cũng khiến Trưởng Tôn Vô Kỵ và Lý Trị cảm thấy lo lắng. Vì vậy, sau khi lăng mộ được xây xong, Lý Trị muốn tìm một cái tên thật cẩn thận để lấy lại cân bằng với những khuyết điểm trong địa thế của lăng mộ. Lúc bấy giờ, có vị đại thần kiến nghị đặt tên lăng là “Thừa Lăng”, lấy ý kế thừa long mạch của Chiêu Lăng. Tuy nhiên, Trưởng Tôn Vô Kỵ lại căn cứ theo vị trí của Lương Sơn là nằm về phía Tây Bắc, theo Dịch lý thì nó thuộc cung Càn, vì vậy kiến nghị đặt tên là Càn Lăng.

Viên Thiên Canh chẳng nói là Lương Sơn âm khí quá nặng hay sao? Như vậy, đặt tên là Càn Lăng càng hợp lý vì Càn chính là thuộc dương, ở trên, Khôn ở dưới, thuộc âm, cả hai kết hợp lại là “Âm dương tương hợp định càn khôn”. Lý Trị nghe Trưởng Tôn Vô Kỵ giải thích vô cùng xuôi tai, vì vậy quyết định đặt tên lăng là Càn Lăng.

Tuy nhiên, việc đặt một cái tên đầy “dương khí” cho lăng mộ cũng không giúp Lý Trị và triều đại nhà Đường thoát khỏi “lời nguyền”. Đúng như dự đoán, sau khi Lý Trị qua đời, Võ Tắc Thiên bắt đầu từng bước thâu tóm quyền lực trong triều đình.

Tới tháng 9 năm 690, Võ Tắc Thiên chính thức lên ngôi Hoàng đế, trở thành Nữ hoàng duy nhất trong chế độ phong kiến Trung Quốc. Các nhà cho rằng, chính địa thế của Càn Lăng đã giúp Võ Tắc Thiên làm nên sự nghiệp lẫy lừng như vậy và chính vì thế nên đến cuối đời, Võ Tắc Thiên đã quyết định được chôn cất tại Càn Lăng chứ không phải vì muốn hợp táng với Đường Cao Tông Lý Trị.

Theo Khỏe và Đẹp































Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.