.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

NHỚ CÁ CHÁY LÀ NHỚ VÀM TẤN, SỐC TRĂNG...

 


- Theo bộ Đại Nam quấc âm tự vị của ông Huình Tịnh Của (in năm 1895) thì: “cá cháy là một thứ to vẩy, nhiều xương, cái bụng đầy những trứng”.
Nói như vậy quá vắn tắt vì đó là tự điển; ngoài đời tôi xin thêm: “trứng ấy ăn ít thì thấy ngon đến thèm khao khát, nhưng nếu tham ăn ăn quá nhiều thì nhớ đem tã theo mà lót, không thì sẽ làm xấu dọc đường vì trứng có nhiều chất dầu”. Và tôi cũng xin thêm Vàm Tấn do tiếng Miên Péam Senn mà có. Từ “Peam” (cửa sông lớn) biến ra Vàm, không có trong tự điển Bắc Việt, và từ “Senn” biến ra “Tiến” trong Nam đọc “Tấn”, nay Vàm Tấn đã hoàn toàn Việt.
Nếu xứ Vĩnh Long có con cá thu nhiều thịt ít xương và rất ngon, thì miệt Hậu Giang có con cá cháy đến mùa gần Tết có nhiều sa mù thì cá ở biển lên sông Hậu Giang đẻ trứng sanh con, chỉ có trong mùa gần Tết và chỉ có nhiều từ Vàm Tấn (Đại Ngãi) đến Trà Ôn (Cần Thơ – nay là Vĩnh Long), và miệt Cái Côn Cau vùng Kế Sách (Sốc Trăng) chớ không lên xa hơn nữa. Cá cháy đặc biệt, vớt lên khỏi nước là chết tức khắc và lại mau ươn và mau trở mùi hơn những cá khác, vì trong bụng nó no nóc những trứng nên mau sình, con cá trống cũng thế, lên khỏi nước là cá bủn thịt phải ăn cấp kỳ không thì mất ngon. Ngày nay nhờ ướp nước đá và nhờ có máy bay chuyên chở mau lẹ, nhưng khổ nổi bây giờ ít vớt được, chớ chầu xưa con cá quý này chỉ ăn tại chỗ và cũng không có cách rộng chứa hay làm cách nào đem xa được, trừ phi kho nấu sẵn là họa may nhưng cũng ít ngon rồi. Cá cháy phải ăn một lửa mới thấy hương vị của nó.
Mà ông Trời xanh cũng ngộ: như năm nào mới đây tôi ra biển Vũng Tàu mua được một con cá cháy trống, tưởng được lộc Trời dành, mừng húm, ngờ đâu khi nướng dầm nước mắm có trộn beurre, thế mà thịt cá chai ngắt, lạt phào, ăn không ngon lành như con cá Hậu Giang. Biết được, chẳng qua đó là con cá “trái mùa”, đang sống trong nước biển mặn, nên săn cứng thịt mất mùi béo không như con cá “đúng mùa” ở nước ngọt, đang khi trời vừa ráo mưa có sa mù dày đặc mỗi buổi sáng hay mỗi hoàng hôn, ấy là mùa cá cháy trứng lên sông cái để sanh đẻ và chỉ đẻ nội khúc sông từ Vàm Tấn đến Trà Ôn, chớ không đi xa hơn nữa. Đặc sắc nên phân biệt là con cá cháy ở Cần Thơ, giờ lưới cá và bắt cá là chạng vạng lúc nhá nhem tối vào con nước đầu hôm, khiến nên muốn ăn nó phải thức đợi đem cá về và như vậy chỉ nấu cháo và ăn gỏi. Cũng bởi thức chờ cá lâu lắc nên sanh ra thú phong lưu cắc tê cầm canh hay chà bài thín cầu sát phạt đồng tiền để chờ con cá. Khác với cá cháy vớt tại Vàm Tấn (Sốc Trăng) bắt vào lúc tang tảng sáng, trời vừa bình minh, nên thờ giờ thuận tiện, những bà nội trợ Sốc Trăng (Ba Xuyên) trở bữa dễ dàng hơn các bà mạng phụ Cần Thơ (Phong Dinh). Mua được cá về, nếu đó là cá đực trống thì cứ để nguyên con cặp gắp nướng trên lửa than riu riu, cá gần chín thoa hai muỗng beurre Bretel thứ thiệt, xoa vào vẩy cho đều trước khi dầm cá vào nước mắm (phải kén đúng nước mắm Hòn tức nước mắm Phú Quốc thượng hảo hạng), có nêm ớt tỏi cay thơm tùy thích, ấy là món ăn độc vị tuyệt diệu nhứt trên thế gian, và khi ăn nó xin nhớ đừng gỡ vẩy bỏ đi uổng lắm – nhứt là trong lúc sinh hoạt đắt đỏ như hiện nay, cô bác cứ tin tôi nhâm nhi thứ vẩy cá cháy có thoa beurre khi còn trên lửa, rồi nhắp chút rượu nhẹ (Sauterne tỷ dụ), chẳng những vẩy cá thơm ngon béo bổ không còn món sơn hào hải vị nào bì kịp, thêm được khi ta nuốt chút ít vẩy khét vào bụng, chất thán khí này trị được mỡ dầu của trứng cá, “ngồi đâu muốn ngồi một chỗ, vì nó rịn không hay!” Con cá nướng ăn chưa hết, để vài giờ sau cá thấm nước mắm có tỏi ớt, nếu sẵn xoài sống bằm gia vị vào, thì thôi là ngon đến bưng đầu. Bữa ấy dầu bài xấu thua sạch túi, về nhà cha mẹ làm nghiêm, vợ con giận lẫy, cũng không phiền. Cổ nhơn có nói: “Khi lành cho nhau ăn cháy, khi dữ mắng nhau cạy nồi”. Mà cạy nồi thật vì đã thua hết tiền, nhưng cơm nguội ăn với một miếng cá dư, mút mắp khi bụng đói hay múp một miếng xương xóc biết lừa đừng cho vướng cổ là một nghệ thuật chỉ có người thua bài mới biết thưởng thức! Ai cười tôi thô tục tôi xin chịu.
Ấy là khi nói về con cá cháy không trứng. Khi mua được con cá mái có trứng thì món ngon nhứt là kho mẳn một lửa ăn xổi với bún lớn cọng của chợ Sốc Trăng có bán, hoặc kho nước dừa nêm vừa miệng để hâm đi hâm lại ăn được lâu ngày, ăn cho đã thèm, hoặc kho khô ít nước để tiện chuyên chở biếu xén họ hàng, khi gởi Sài Gòn hoặc gởi xa ra Huế chẳng hạn, nếu kịp chuyến bay, còn như bây giờ dẫu gởi đi Tây cũng dễ như chơi. Tôi thú thật sau nầy có bề nào tôi nhứt định không lên trển đâu vì xét mình không xứng đáng, lại nữa lên làm gì để ngó mặt nhau mà lần chuỗi hột buồn lắm, thà theo ông theo bà xin được về nằm tại xứ cá cháy trong rẫy mộ nhà, dẫu không ăn vào miệng, nhưng nội cái nhớ thèm và ăn bằng tưởng tượng cũng đủ sướng!
[…] Nhưng nói gì thì nói, món cháo nhắc đời phải là cháo cá cháy ở Cần Thơ. Cách nay trên ba mươi năm tôi làm việc tại tòa bố tỉnh nầy và được mời qua dùng một bữa cháo cá cháy nơi xóm Vạn Chài bên kia sông ngang chợ. Đã biết hễ cá cháy thì xương nhiều thêm cái nạn xương cá cháy có nhánh đôi, y như cây giầm nạng hai của dân cấy dùng xóc mạ. Láo ăn và hốp tốp, xương cá xốc vào cổ thì có môn trợn mắt buông đũa kêu trời. Nhưng ở xóm Vạn Chài năm ấy họ mời tôi đã một bữa gỏi cá cháy và cháo cá cháy thịnh soạn, cho đến nay tôi chưa ăn được lần thứ hai ngon như vậy. Ban đầu họ mời khai vị Martel – uống với nước Perrier, thấy họ dọn rau sống và mắm nêm, tôi hồ nghi và nói thầm trong bụng cá cháy xương không làm sao ăn gỏi chấm mắm nêm cho được? Ngờ đâu khi nhập tiệc tôi hân hạnh được cô chủ nhà tiếp đũa dạy cách ăn cá. Cá cháy vừa chai được luộc chín nóng hổi dọn ra nguyên con.
Mỗi vị khách là có một con cá dọn trong dĩa bàn lớn hình bầu dục (trong Nam gọi là hình hột xoài). Cô chủ nhà dùng đũa gỡ vẩy cho sạch, rồi giụm hai chiếc đũa trên cổ con cá, nhấn mạnh cho đũa lút xuống thịt rồi kéo mạnh đôi đũa về hướng đuôi cá. Tức thì thịt cá rẻ làm hai, xương theo xương và thịt theo thịt, bày ra hai đường thịt nuộc lưng (filet) trắng nỏn, không một chút xương dính theo. Khách lựa thịt nuộc ấy cặp với bánh tráng rau sống tha hồ thưởng thức món ăn đặc biệt nầy mà họ gọi là gỏi cá cháy. Ăn sơ ba miếng thì nhà dưới đã lên triệt dĩa cá xuống, dọn cá khác lên, tha hồ đánh chén. Ăn hủy của, chỉ ăn thịt cá phi lê làm vầy thì xa xỉ quá, thảo nào cô chủ nhà chẳng khoe có cách ăn cá cháy không mắc xương. Tôi đang rủa thầm và tiếc của, té ra trong khi khách nhâm nhi món gỏi cá thì nhà dưới đã đem cá ăn mứa lúc ban nãy xuống rúc (rút) xương tỉa thật kỹ rồi mới thả thịt cá lựa ấy vào nồi cháo.
Có người dạy tôi rằng lấy sợi chỉ trắng giăng hai tay rồi kéo trên thịt cá cháy lụn vụn khi nãy thì bao nhiêu xương xóc đều dính theo chỉ và ta sẽ có thịt hết xương thả vào nồi cháo, nghe vậy mà tôi chưa thí nghiệm bao giờ. Cũng có người đồn muốn nồi cá cháy thêm ngon, phải để một cục gạch mới trong nồi khi kho cá cháy, nhưng tôi không bảo đảm và chỉ sợ nồi cá kho có mùi gạch mới!
Nồi cháo chín, lại dọn ra và tô cháo nầy mới ngọt làm sao! Nhưng nếu nhà ít tiền thì làm sao đãi khách một cách xa xỉ như thế ấy? Bữa đó mỗi vị khách được đãi hai con cá, ăn thịt phi lê cặp rau sống làm gỏi, và ăn cá rúc xương nấu cháo.
Mua cá cháy nếu ham rẻ tiền gặp thứ cá chợ trưa, đem về ăn, thì không có món cá nào dở tệ bằng. Cái mùi tanh của con cá cháy ươn, khi ăn một lần thì tởn tới già. Mùa nào gặp nó thì trọn mùa ấy ăn cá cháy không còn thú vị nữa.
Còn nói về trứng cá cháy, theo ý tôi, trứng cá muối đóng hộp, món ăn đặc biệt của người Nga, gọi là caviar, tuy ngon và rất đắt tiền, nhưng không sánh bằng trứng cá cháy và không khoái khẩu dân Việt đâu. Một khứa cá cháy có trứng, kho một lửa, ăn và với bún, ớt xoài chua với một mớ giá đậu xanh lót dưới tô thì đối với hộp caviar tôi không đổi. Nói đến trứng cá cháy tôi bắt thèm. Tôi nay không sợ ăn nhiều phá bụng và ăn nhiều ngồi đâu trịnh đó! Ăn cho vừa phải thì có làm sao.

Trích “Ăn cơm mới nói chuyện cũ” của VƯƠNG HỒNG SỂN / 8 SÀI GÒN

7 hòn đảo nguy hiểm bậc nhất trên thế giới, dẫu đẹp cũng không thể du lịch.

Thế giới là một nơi siêu kỳ lạ và có những hòn đảo được bao phủ bởi thứ động vật hoặc hóa chất nguy hiểm. Nơi này không dành cho con người và dù có đẹp cỡ nào cũng không phải là nơi để du lịch.

1. Đảo rắn

7 hòn đảo nguy hiểm bậc nhất trên thế giới, có nơi không dành cho con người

Có hàng ngàn con rắn độc đầu lưỡi vàng sống trên một hòn đảo có tên Ilha da Queimada Grande (đảo Rắn). Nơi này nằm ngoài khơi bờ biển Brazil.

Bạn biết không, chỉ cần một vết cắn của một trong số 2.000-4.000 cư dân trên đảo cũng đủ tiễn bạn về với tổ tiên trong vòng một giờ. Chính vì nguy hiểm như vậy nên chính phủ Brazil đã cấm tất cả mọi người ra đảo, trừ các nhà nghiên cứu có giấy phép đặc biệt. Nhưng việc cứ mỗi mét vuông một con rắn như vậy thì cũng không ai muốn đến đó.

2. Đảo Ramree

7 hòn đảo nguy hiểm bậc nhất trên thế giới, có nơi không dành cho con người

Nếu đảo Ramree gần hơn với bờ biển của Myanmar (Miến Điện), nó sẽ không còn là một hòn đảo nữa. Nó chỉ cách đất liền một dòng nước mỏng và điều đó gần như không đủ. Đây là nơi sinh sống của một quần thể khủng long thời tiền sử siêu lớn, đó là cá sấu.

Những con cá sấu ở đây có thể dài tới 6m, nặng hơn 900kg và có cú đớp mạnh nhất so với bất kỳ loài động vật nào từng được thử nghiệm. Không rõ có bao nhiêu quái thú cổ đại này sống trên đảo Ramree, nhưng câu trả lời là "Rất nhiều".

Vào ngày 26/1/1945, một nhóm lính Nhật đã tận mắt chứng kiến mức độ nguy hiểm của hòn đảo. Khoảng 1.000 binh sĩ rút lui vào đầm lầy ngập mặn của đảo, khoảng 20 người sau đó đã bị bắt và 500 người biến mất dạng. Những người sống sót kể lại nhiều câu chuyện đáng sợ về đồng đội của mình trở thành nạn nhân của cá sấu như thế nào.

3. Đảo Miyake-Jima

7 hòn đảo nguy hiểm bậc nhất trên thế giới, có nơi không dành cho con người

Không thể phủ nhận Miyake-Jima rất đẹp, và nó nằm ở Thái Bình Dương ngay ngoài khơi bờ biển Nhật Bản. Nó nằm trong một khu vực được gọi là Biển Quỷ, giống như phiên bản của Tam giác Bermuda ở Thái Bình Dương. Mọi người khi lên đảo phải chuẩn bị sẵn mặt nạ phòng độc mọi lúc có thể.

Mối nguy hiểm ở đây đến từ ngọn núi lửa đang hoạt động. Nó đã phun trào sáu lần kể từ đầu thế kỷ 20. NASA cho biết vào tháng 6/2000 một vụ phun trào đã buộc  toàn bộ 3.600 cư dân phải sơ tán. 

Đến năm 2005, lệnh sơ tán mới được dỡ bỏ và 10 năm sau, cuộc sống đã trở lại bình thường ... ngoại trừ nhiệm vụ tiếp tục về mặt nạ phòng độc. Lệnh báo động có thể phát ra bất cứ lúc nào bởi núi lửa đang rò rỉ một lượng lưu huỳnh dioxide lớn lên không trung.

4. Đảo Isola della Gaiola

7 hòn đảo nguy hiểm bậc nhất trên thế giới, có nơi không dành cho con người

Hòn đảo nằm ngoài khơi nước Ý này khiến bạn tin vào những lời nguyền. Vào đầu thế kỷ 19, một cư dân đơn độc sống trên đảo tên là Il Mago. Một ngày nọ, anh ta biến mất. Những người tiếp theo lên sống trên đảo liên tục gặp điều chẳng lành như phá sản, biến mất, đuối nước, quyên sinh...

Sau này, chính phủ Ý đã biến nơi này thành một khu bảo tồn biển và những truyền thuyết thì vẫn được lưu truyền.

5. Quần đảo Marshall

7 hòn đảo nguy hiểm bậc nhất trên thế giới, có nơi không dành cho con người

Có một thời, quần đảo Marshall đẹp đến khó tin. Chúng vẫn đẹp lộng lẫy nhưng đã từng là nơi diễn ra 67 vụ thử hạt nhân từ năm 1946 đến 1958.

Vào năm 2019, các nhà khoa học từ Đại học Columbia đã nghiên cứu lượng bức xạ vẫn còn sót lại và phát hiện nhiều thập kỷ sau khi các thử nghiệm kết thúc, một số nơi chứa mức plutonium cao hơn từ 10 đến 1.000 lần so với mức được tìm thấy ở các khu vực xung quanh sự cố lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima. Các hòn đảo vẫn có mức phóng xạ cao gấp 10 lần so với những gì được tìm thấy ở Chernobyl. Ngay cả trái cây được trồng trên đảo cũng bị nhiễm phóng xạ cao.

6. Đảo Treasure

7 hòn đảo nguy hiểm bậc nhất trên thế giới, có nơi không dành cho con người

Năm 1940, San Francisco tổ chức Triển lãm Quốc tế Cổng Vàng. Có rất nhiều công trình xây dựng dẫn đến một sự kiện lớn như vậy trong đó có việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo được đặt tên là Đảo Treasure . Sau đó, hòn đảo này do Hải quân Mỹ tiếp quản.

Đến năm 1997, đồn Hải quân đóng cửa, thành phố mua lại hòn đảo và bắt đầu tái phát triển nó thành các khu nhà ở. Mọi thứ đều tốt đẹp cho đến năm 2020, cư dân trên đảo Treasure đệ đơn kiện Hải quân, chính quyền San Francisco và California.

Thì ra, trong Chiến tranh Lạnh, nơi này là một trung tâm huấn luyện. Các quân nhân được huấn luyện về khử nhiễm. Hàng tấn vật liệu phóng xạ như cesium-137 và radium bị đổ lên đảo và bỏ đi. Vì vậy mà cư dân ở đây phải chịu đựng tỷ lệ bệnh tật cao bất thường và họ khởi kiện.

7. Quần đảo Magdalen

7 hòn đảo nguy hiểm bậc nhất trên thế giới, có nơi không dành cho con người

Quần đảo này nằm ở giữa Vịnh St. Lawrence và về lý thuyết thì nó là một phần của Quebec. Theo truyền thông, những cư dân trên đảo ngày nay đều là hậu duệ của những người đã sống sót sau các vụ đắm tàu ở vùng nước nông của đảo.

Nhiều bản đồ còn chưa hiển thị hòn đảo nên các thuyền trưởng vô cùng bất ngờ khi thấy nó xuất hiện sau làn sương mù, thời tiết bão tố. Ở đây cũng không có ngọn hải đăng nào và cát trên đảo có xu hướng dịch chuyển nên rất khó để xác định vị trí của nó.

Ngày nay, quần đảo là nơi sinh sống của khoảng 12.000 người và họ gần như bị cô lập hoàn toàn. Khi vùng nước xung quanh hòn đảo của họ đóng băng, không có cách nào để đến hoặc rời khỏi hòn đảo.

(Theo Grunge)


Loại lá cây tưởng chỉ có thể bỏ đi được người Nhật hô biến thành món đặc sản thơm ngon.

Tempura là một món ăn có lịch sử lâu đời tại Nhật Bản, thường được sử dụng trong các bữa ăn nhẹ hoặc bữa tiệc. Nguyên liệu để làm nên món tempura cũng khá đa dạng, từ rau củ, hải sản hay thậm chí một số các loại nguyên liệu kỳ lạ khác như lá cây hay hoa cũng đều có thể được tẩm bột chiên giòn. Do đó người Nhật thường hay nói đùa “Tất cả mọi thứ ở Nhật Bản đều có thể dùng để làm tempura”.

Một trong số những món tempura kỳ lạ nhất ở Nhật Bản phải kể đến món tempura Momiji hay còn gọi là tempura lá phong. Đây là món ăn vặt rất được ưa thích, xuất hiện nhiều trên các đường phố ở Nhật Bản.

Thông thường, lá cây phong không thường xuyên được sử dụng làm thực phẩm bởi hương vị không có gì đặc biệt và giá trị dinh dưỡng không cao. Vậy nhưng chẳng ngờ, chỉ cần được tẩm bột và chiên giòn, chúng lại có thể trở thành một món ăn vô cùng hấp dẫn.


Người Nhật truyền tai nhau rằng, món ăn độc đáo này đã có từ cách đây 1300 năm. Tương truyền có một nhà sư khổ hạnh đã nhặt nhưng chiếc lá phong rụng, đem đi ướp với muối, sau đó nhúng bột và chiên giòn trong dầu cải. Không ngờ rằng hương vị của món ăn này lại vô cùng độc đáo, từ đó tempura lá phong bắt đầu được lưu truyền rộng rãi.


Thực ra để có thể làm ra món tempura lá phong cũng không hề đơn giản. Công đoạn để chuẩn bị nguyên liệu đã mất tới cả năm trời. Bên cạnh đó, không phải loại lá phong nào cũng có thể ăn được, người Nhật thường chỉ dùng lá phong vàng chứ không dùng lá phong đỏ để làm tempura. Lý do là vì lá phong vàng có gân lá mềm hơn và dễ ăn hơn, bên cạnh đó chúng cũng không bị đổi màu khi chiên giòn.


Những chiếc lá phong được lựa chọn là loại lá to, có hình dáng đẹp và gân lá mềm.  Sau khi đem về, chúng sẽ được rửa sạch và được ủ với muối trong vòng một năm để mất đi vị hăng của lá, giúp cho lá mềm hơn và gia tăng hương vị của món ăn.


Khi lá được ướp muối đủ độ, người ta mới dùng nó để tẩm trong một hỗn hợp bột được trộn với đường và vừng sau đó chiên giòn trong chảo dầu sôi. Sau khi hoàn thành, lớp bột rán bên ngoài giòn tan, thơm phức. Vị mằn mặn của lá phong hòa quyện với vị ngọt của lớp bột tempura tạo thành một hương vị tuyệt vời.


Những chiếc bánh tempura lá phong thường được phục vụ trong những bọc giấy gói xinh xắn để thực khách có thể dễ dàng mang đi. Người Nhật thường hay thưởng thức món bánh vừa xinh xắn vừa ngon miệng với một tách trà nóng và ngắm lá phong rơi. Đây là một trong những hoạt động ưa thích mỗi mùa cây thay lá của người dân nơi đây.


Nguồn: http://danviet.vn/loai-la-cay-tuong-chi-co-the-bo-di-duoc-nguoi-nhat-ho-bien-thanh-mon-dac-san-t..




























Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.