.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

5 phát minh cực quái dị khiến nhân loại dở khóc dở cười

 

Nhiều thiên tài nổi tiếng là người đặt nền móng cho sự phát triển của xã hội nhờ những phát minh vĩ đại. Tuy nhiên đôi lúc họ lại có những ý tưởng rất điên rồ.

1. Máy bắt ma của Thomas Edison. Thomas Edison là một trong những nhà phát minh nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ và thế giới. Tổng cộng ông có tới 1.500 bằng phát minh.

Nhưng bên cạnh đó, Edison cũng có một số phát minh kì lạ, đặc biệt là máy bắt ma. Trong thời kỳ đầu của thế kỷ 20, con người thường tin vào những sự việc huyền bí, lời đồn đại về các bóng ma. Nhiều người không tráng khỏi việc lo lắng.

Edison đã thiết lập ra một thiết bị có thể bẫy các bóng ma này để tìm cách nghiên cứu "chúng". Tất nhiên là thiết bị không thành công, bởi ông không thực sự tìm thấy một vật thể bí hiểm nào.


2. Máy gây động đất của Nikola Tesla. Tesla nổi bật với những phát minh tuyệt vời như robot, điện không dây, động cơ cảm ứng... Ông cũng từng tiên đoán về sự ra đời của Internet 80 năm trước khi nó chính thức ra đời.

Tất nhiên một người cuồng phát minh như Tesla không thể thiếu một vài sáng chế điên rồ như máy phát điện kích thước bỏ túi. Năm 1898, Tesla đã thực hiện một thí nghiệm cộng hưởng cơ học trong phòng thí nghiệm ở New York.

Ông đã bị cáo buộc trong khi thử nghiệm máy dao động điện cơ (hay máy gây động đất), khiến nhiều tòa nhà xung quanh bắt đầu rung chuyển. Trong chính tòa nhà ông đứng dường như sắp đổ khiến Tesla phải lấy búa tạ phá hủy thiết bị để cứu sống mọi người trong tòa nhà.

3. Cừu 6 vú của Alexander Graham Bell. Ông là người phát minh ra điện thoại, một trong những phát minh quan trọng nhất mọi thời đại. Nhưng lẽ ít ai biết, một trong những phát minh đáng chú ý của ông chính là cừu 6 vú.

Ông đã dành ra 30 năm cuối cùng của cuộc đời và hầu hết tiền bạc của mình vào việc tìm cách lai tạo ra con cừu có 6 vú. Bell cho biết con cừu chỉ có 2 núm vú, ít hơn so với lợn và mèo.

Ông cho rằng con cừu có nhiều núm vú sẽ sinh ra nhiều con hơn và sẽ khiến cho nông dân đỡ vất vả hơn. Tất nhiên giả thuyết của ông đã không thành công dưới bất kỳ hình thức nào.

4. Tiến sĩ Yoshiro Nakamatsu - xịt nước tình yêu. Tiến sĩ Yoshiro Nakamatsu là một huyền thoại ở Nhật Bản, nắm giữ kỷ lục thế giới vì có nhiều bằng sáng chế nhất. Số bằng sáng chế của ông lên tới 3.200, gấp 3 lần Edison.

Tuy nhiên phát minh hài hước nhất của Tiến sĩ Nakamatsu chính là xịt nước tình yêu, theo cách giải thích của ông là máy xịt nước này có thể mang lại sự sảng khoái cho phụ nữ và khi đó họ không cần đến đàn ông.

Tiến sĩ Nakamatsu khẳng định đã thử nghiệm phát minh của mình trên hơn 10.000 phụ nữ, với khẩu hiệu, "Tôi không quan hệ tình dục, chỉ cần xịt nước tình yêu."

5. Nghiên cứu về thông tin liên lạc giữa các thiên hà của Joseph von Littrow. Joseph von Littrow là một nhà quý tộc yêu thích sáng chế. Năm 1819, ông trở thành giám đốc của Đài quan sát Vienna và có nhiều đóng góp trong thiên văn học.

Nhưng Littrow cũng có một ý tưởng điên cuồng đó là tìm cách cố gắng liên lạc với các loài khác trong vũ trụ. Littro đã “gửi sóng vô tuyến” vào không gian ở thế kỷ 17 bằng những ngọn lửa.

Để có được sự chú ý của người ngoài hành tinh, Littrow đề xuất đào một rãnh tròn rộng 30 km, đổ đầy dầu lửa vào và đốt nó. Tuy nhiên, nghiên cứu của ông không mang lại kết quả khả quan nào.

Lê Trang (theo Cracked)


"Đồi chocolate" - Kỳ quan thiên nhiên hiếm có nằm ở Đông Nam Á

'Đồi Chocolate' được xem như một món quà tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất nước với hơn bảy nghìn hòn đảo này.

Có hơn một nghìn ngọn đồi trải khắp trên 50 km2 tại Carmen, Batuan và Sagbayan (Bohol). Những ngọn đồi Chocolate - Chocolate Hills có kích thước khác nhau. Tuy nhiên, khi nhìn chúng từ xa, hình dạng của chúng gần như đối xứng hoàn hảo. Các ngọn đồi trông giống như một kiệt tác được tạo nên bởi bàn tay con người vậy.

Chocolate Hills

Chắn hẳn bạn sẽ tò mò tại sao nơi này có tên 'đồi Chocolate' trong khi nó hoàn toàn là tự nhiên, không hề được nhào nặn bởi bột hay ca cao. Thực tế, Chocolate Hills gồm những ngọn đồi đặc biệt, phủ cỏ xanh quanh năm, nhưng đến mùa khô, lớp cỏ xanh khô lại, biến thành màu nâu tựa như chocolate.

Nơi đây có khoảng 1.260 đến 1.776 ngọn đồi hình nón cao trung bình khoảng từ 30 – 50m, tuy nhiên cũng có một số cao đến 120m nằm trải dài trên diện tích 50km2. Và điều kỳ lạ là, màu sắc của tất cả các ngọn đồi ở đây vào tất các các mùa đều giống hệt nhau, đổi màu như nhau theo các tháng trong năm.

Có rất nhiều truyền thuyết xung quanh sự hình thành của những ngọn đồi kì lạ này. Một trong số những truyền thuyết đó là câu chuyện liên quan đến mối hận thù giữa hai vị thần khổng lồ ngày xưa, trong cuộc giao tranh họ đã ném những tảng đá và cát vào nhau hòng đánh bại đối thủ.

Cuộc chiến giữa họ kéo dài trong nhiều ngày liền khiến cả hai kiệt sức, rồi sau đó quên đi điều gì làm nguyên nhân gây nên mối hận thù này và đã trở thành bạn bè. Nhưng khi rời đi, họ lại quên dọn dẹp chiến trường mà mình gây ra, vì thế hỗn độn ngày đó đã tạo nên những ngọn đồi chocolate như ngày nay.

Ngoài ra cũng có một truyền thuyết tương truyền rằng trước đây đã có một chàng trai khổng lồ đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp, nhưng ít lâu sau vì cô gái bị bệnh và không qua khỏi khiến anh chàng vô cùng đau khổ nên đã khóc rất nhiều. Những giọt nước mắt ấy đã vô tình tạo nên ngọn đồi chocolate như bây giờ.

Tuy nhiên, theo các nhà địa chất học thì những ngọn đồi chocolate thực ra được tạo thành do sự phong hóa của đá vôi. Những ngọn đồi này từng là lớp đá trầm tích nổi lên từ mặt biển trong một quá trình vận động địa chất. Ngoài ra, hình nón của những ngọn đồi này còn được tạo thành nhờ gió cùng sự xói mòn theo thời gian.

Đồi chocolate thực sự là một kỳ quan thiên nhiên hiếm có trên thế giới, và trở thành một trong những điểm du lịch hút khách bậc nhất của Philippines bởi chính vẻ đẹp bình yên và giản dị vốn có.

Ngọn đồi chocolate này nổi tiếng đến nỗi hình ảnh của nó đã được đưa vào con dấu chính thức và là cờ của đất nước Philippines. Chính phủ Philippines đã chọn đồi chocolate là một trong những “điểm đến du lịch hàng đầu” của đất nước Đông Nam Á sở hữu hơn 7.000 hòn đảo này.

Theo Cersie/VTC News


UNESCO vinh danh hai nhà thơ: 
Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương

Hai nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam là Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương đã được UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/ năm mất.

Kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), diễn ra từ ngày 9 đến 24.11 tại Paris, Pháp. Các đại biểu thành viên của tổ chức này đã thông qua danh sách các Danh nhân Văn hóa và sự kiện lịch sử, UNESCO sẽ cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất trong niên khóa 2022 – 2023.

Tại kỳ họp này, hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương cùng với 58 hồ sơ khác đã được thông qua trong phiên họp vào ngày 23.11.

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888)


Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) tục gọi là cụ Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc TPHCM). Khi thực dân Pháp chiếm thành Gia Định, ông đã rời bỏ quê nhà Gia Định để về sống ở quê vợ Cần Giuộc (tỉnh Long An ngày nay), sau đó về Ba Tri (Bến Tre) sống cho tới khi qua đời. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học bất hủ như Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp…

Ông là một tấm gương tiêu biểu vượt lên những khó khăn của cuộc sống và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời, thể hiện đúng tinh thần Hiến chương của UNESCO. Bên cạnh đó, ông còn hành nghề đông y để chữa bệnh cứu người. Thơ văn của ông đậm tính nhân văn, khích lệ lòng yêu nước, ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, vì lợi ích cộng đồng.

Chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương qua tranh vẽ của họa sĩ Vivi Võ Hùng Kiệt

           Nữ Sĩ Hồ Xuân Hương dưới nét vẽ của Hoạ sĩ ViVi Võ Hùng Kiệt


 Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, bà được mệnh danh là “Bà chúa thơ Nôm”. Trong cuốn sách Giai nhân di mặc của tác giả Nguyễn Hữu Tiến, viết Hồ Xuân Hương là con của cụ tú tài Hồ Phi Diễn (người Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) với người vợ thứ; được sinh ra tại phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận (gần Hồ Tây hiện nay).

Thơ Hồ Xuân Hương là biểu hiện của sự vận động, lạc quan. Với tư tưởng mới mẻ cùng lối làm thơ phá cách, ngôn ngữ bình dị và sáng tạo, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều ý nghĩa, giá trị và sức sống lâu bền, từ quá khứ đến hiện tại. Các tác phẩm thơ của bà cũng mang nhiều nội dung về bình đẳng giới, đấu tranh cho  phụ nữ Việt Nam.

Trước nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương, UNESCO đã từng thông qua nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các Danh nhân Việt Nam như: kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (2015), 650 năm ngày mất của nhà giáo Chu Văn An (2019).

Theo Viên Thi.

 -Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888)
-Chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương qua tranh vẽ của họa sĩ Lê Lam


Hồ Xuân Hương: "Đồ Nọ nhìn Đồ kia"

Trần Gia Phụng

BÙI THANH VÂN VÀ CHUYỂN DU HÀNH VÒNG QUANH THẾ GIỚI NĂM 1929.....

Dạo khắp hoàn cầu (1929) là quyển sách du ký có giá trị không chỉ vì ông Bùi Thanh Vân là người Việt đầu tiên du lịch ở châu Mỹ, Nam Phi đầu thế kỷ XX mà vì các nhận xét và thông tin của ông cho ta thấy tình hình kinh tế, xã hội trên thế giới giai đoạn này, trong đó toàn cầu hóa trở thành hiện thực…

Vào đầu thế kỷ XX, người Việt ít ai có cơ hội đi ra nước ngoài quan sát học hỏi. Hai quyển sách du hành ký có giá trị về lịch sử, kinh tế xã hội trong giai đoạn này xuất bản ở Sài Gòn là Lữ Trung ký sự (1932) và Saigon - Thượng Hải - Hoành Tân (1930). Ngoài ra còn có các cuốn Tôi có đi chơi bên nước Nhựt Bổn và nước Tàu (1923) và Dạo khắp hoàn cầu (1929) in ở Huế của ông Bùi Thanh Vân, người gốc Bến Tre, làm thông ngôn trong triều đình Huế. 

Dạo khắp hoàn cầu (1929) là quyển sách du ký có giá trị không những vì ông Bùi Thanh Vân là người Việt đầu tiên du lịch châu Mỹ, Nam Phi đầu thế kỷ XX mà vì các nhận xét và thông tin của ông cho ta thấy tình hình kinh tế, xã hội trên thế giới vào giai đoạn này, trong đó toàn cầu hóa trở thành hiện thực khi khủng hoảng kinh tế xảy ra cuối năm 1929 ảnh hưởng đến mọi nơi.

Bùi Thanh Vân ra Huế làm việc từ khi còn thanh niên, quốc tịch Pháp, có viết ký sự về chuyến đi qua Trung Quốc và Nhật Bản sau khi ông về hưu. Cuốn Tôi có đi chơi bên nước Nhựt Bổn và nước Tàu có nhiều tư liệu về sự thông thương giữa Việt Nam và Hongkong. Trước đó ông còn viết các sách bằng tiếng Pháp.

Ông cũng là người thành lập Trường nhạc Pháp (École de Musique Francaise), Trường nhạc Quảng Đông (École de Musique Cantonnaise), và Trường hát bội tài tử Annam (Théâtre d’amateurs Annamite) ở Huế. 

Bìa sách "Tôi có đi chơi bên nước Nhựt Bổn và nước Tàu" (1923) và "Dạo khắp hoàn cầu" (1929) , Imprimerie Đắc-Lập, Bùi Huy Tín & Cie. Ảnh: TL

Năm 1929, lúc về hưu (nhà ông ở đường Jules Ferry, Huế), ông đi du lịch toàn cầu. Trong cuốn Dạo khắp hoàn cầu ông tả chi tiết cách thức ông sửa soạn, làm những gì ở các địa điểm, tiền gởi ngân hàng, rút từ chi nhánh ở các nước... Có các hãng tàu của Pháp, Anh và Mỹ đi vòng quanh thế giới nhưng các lộ trình thì ông không ưng và ông chọn hãng tàu Nhật Osaka Shosen Kaisha. Lộ trình như sau: Saigon - Singapore - Colombo - Durban - Cape Town (Nam Phi) - Montevideo - Buenos Aires - Rio de Janeiro - Santos - Vitoria (Nam Mỹ) - New Orleans - Galveston, Cristobal hay Colon (Bắc Mỹ) - kênh đào Panama - Balboa hay là Panama - Los Angeles (California) - Yokohama - Kobe - Hongkong - Saigon. 

Để đón tàu La Plata Maru của hãng Nhật ghé ở Singapore đi theo lộ trình vòng quanh thế giới, ông phải đi tàu từ Sài Gòn sang Singapore. 

Tàu La Plata Maru dài 133m, nhân viên 112 người toàn người Nhật nhưng đều biết nói tiếng Anh. Tàu có hồ bơi. Hành khách và nhân viên tổng cộng khoảng 1.000 người. Ông Vân là người Việt duy nhất trên tàu nhưng mua vé ở phòng hạng nhất. 

Ngoài số ít ở phòng hạng nhất đa số là người Âu, còn số người ở phòng khác là người Nhật đi qua Ba Tây (Brazil) lập nghiệp. 

Khi tàu đến Durban, ông có dịp lên bờ chơi. Thành phố có 3 vạn người da trắng và 14 vạn người da đen. Durban rất đẹp, bao quanh là núi và ban đêm đèn điện lấp lánh. Từ Durban, ông đến Cape Town, thành phố lớn của Nam Phi. Mặc dầu sầm uất và phát đạt hơn Sài Gòn, ông Vân cho rằng các dinh thự, nhà thờ  Công giáo và Tin lành ở Durban và Cape Town không bằng Dinh Thống đốc và Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn. Sở thú cũng không bằng, chỉ có viện bảo tàng là phong phú và đồ sộ hơn. 

Từ Cape Town, tàu đi đến Rio de Janeiro, thủ phủ xứ Ba Tây, ông Vân cho là Rio de Janeiro đẹp hơn Cape Town nhiều lần. Từ Rio de Janeiro tàu đi đến Santos là nơi mà tám - chín trăm người Nhật trên tàu xuống nhập cư vào đất nước mới. Tại Santos, người Nhật buôn bán trong chợ. Và từ Santos đi một ngày đường là đến vùng trồng cao su, nơi có 60.000 người Nhật sống. Ông Vân có đến lãnh sự Pháp ở Santos, vị lãnh sự nói không có người Việt nào ở Santos và ông Vân là người Việt đầu tiên trong 3 năm làm việc mà ông lãnh sự gặp ở Santos. 

Tàu La Plata Maru, một trong ba tàu lớn chở hành khách hiện đại đầu tiên của Nhật đi các nước. Tàu được Công ty Mitsubishi hoàn thành năm 1926 ở Nagasaki. Như vậy, năm 1929 khi Bùi Thanh Vân đi trên tàu này, tàu rất mới và hiện đại. Khi Thế chiến thứ hai xảy ra tàu được hải quân Nhật trưng dụng vào năm 1941 và đặt tên lại là Kanju Maru. Ngày 12.1.1945, tàu bị đánh chìm ở sông Sài Gòn do máy bay Mỹ đánh bom. Ảnh: TL 

Bắt đầu từ Santos đi Buenos Aires, thủ phủ nước Argentina thì trên tàu đã có y sĩ khám tình hình bệnh tật và xem có phải cách ly không. Tàu trước khi đến Buenos Aires phải ghé Montevideo (Uruguay) để đậu vài ngày thẩm định cách ly xem ai có bệnh, nếu không thì tàu tiếp tục đến Argentina.

Buenos Aires, thủ phủ của Argentina gây ấn tượng cho ông Vân:

Phố phường buôn bán rực rỡ như bên Tây. Ban đêm thắp đèn điện ngũ sắc trong mấy cái bản rao (quảng cáo) xinh lạ lùng như cảnh tiên.

Mấy trăm cái nhà ci-nê-ma, hát bội, múa... 

Các con đường rộng, hẹp, lót gạch bằng cây, bằng đá xanh, tráng dầu hắc.

Có xe điện chạy dưới đất. Xe điện chạy trên đường sắt trên mặt đất, mấy vạn ô tô và ít cái xe ngựa tranh nhau làm ăn. Xe điện đi gần, xa cứ giá một cắc bạc mà thôi. Xe điện chạy ngõ nào cũng có, trừ vài cái đường rộng, cấm không cho vào, để cho xe ô tô và xe ngựa qua lại mà thôi. Mấy con đường đó đẹp vô cùng…

Từ Buenos Aires, tàu đi đến thành phố La Plata bỏ hàng, hành khách được xuống bờ ở lại vài ngày. Sau La Plata, tàu trở lại Santos. Ở đây ông Vân đã đón xe lửa đi São Paulo, một thành phố lớn ở Ba Tây. Thành phố này có người Nhật và người Hoa sinh sống. Sau đó ông đến thành phố Vitoria, nơi kinh tế dựa vào canh nông và rất nhiều hoa quả.

Từ Vitoria, tàu đi đến New Orleans, thành phố cảng miền Nam Hoa kỳ. Trước khi vào New Orleans, tàu và hành khách phải được kiểm dịch ở trạm Lazaret gần cửa sông Mississippi. Sông rất rộng lớn. Đất ở gần cửa sông có nhiều rừng, bụi cây, lau, lách, sậy đều bỏ không nhưng đã có chủ là những ông triệu phú ở xa. Đất có nhiều chỗ là vũng nước, có cả cá sấu. Có heo rừng, le le, vịt, cò, ngỗng rừng, thỏ, chồn. Sau khi xông thuốc, tàu được phép đi lên New Orleans cách cửa sông 130 km. Dân số New Orleans khoảng 500 ngàn người. Có khoảng vài ngàn người Hoa và Nhật. Dân da đen khoảng 100 ngàn người. Ở nơi đây và tiểu bang này có chính sách phân cách giữa người da trắng và da màu. Trong các rạp hát, xe điện, người da trắng và da đen ngồi riêng biệt. 

Lúc này là vào tháng 7.1929, mùa hè rất nóng, ông Vân đi xe lửa từ New Orleans tới New York. Ông cho biết đây là chuyến xe lửa nhanh, nhưng tốn 38 tiếng để đến New York với khoảng cách là 1.809 km, giá vé chỉ có một bực là hạng nhứt. Giá đi và về là 200$, thuê giường ngủ trên toa xe lửa trong 4 đêm là 50$, bữa ăn 5$. Tổng cộng đi xe và ăn ở là 300$. Quang cảnh ông nhận xét là miền Nam Hoa Kỳ trồng bắp, bông dệt là phần nhiều; còn có lúa mì, trái cây... Cảnh đồng quê rất vui mắt. Khi gần tới New York, xe lửa chạy vào đường hầm dài 1.500m dưới sông Hudson. 

Vào năm 1929, thành phố New York đã có 7 triệu người, là trung tâm kinh tế của Hoa Kỳ. Ông Vân một mình đi khắp nơi từ đi bộ đến đi xe điện.

Tôi đi dạo chưn, xe ôtô, xe điện trên trời, xe điện trên mặt đất, xe điện dưới âm phủ. Cả thảy xe điện đó, giá một cắc bạc một người, bất kỳ đi xa gần.

Tôi đi các nước rồi, chỉ thấy tại New York có xe điện đi trên trời thôi. 

Có nhiều nhà ga xe lửa. Nhưng mà ga Pennsylvania và Grand Central Terminus lớn và đẹp hơn cả…

Ông nhận xét người Mỹ rất tốt và thân thiện. 

Sau khi trở lại New Orleans, tàu rời nơi đây đi đến Galveston ở bờ Đại Tây Dương. Galveston là thành phố nhỏ với 63 ngàn dân. Có xe hơi và xe điện, nhưng nhiều đường chưa đổ đá. Ở đây người nghèo dùng xe đạp nhiều hơn các thành phố mà tác giả đã đến. 

Tàu sau đó rời Galveston đi đến Cristobal ở nước Panama. Thành phố này ở bờ Đại Tây Dương cạnh vàm kinh đào Panama. Có nhiều dừa và xoài, cảnh đẹp với dân số da trắng và da đen khoảng 30 ngàn người. Người Hoa đông buôn bán và làm đủ nghề. 

Tàu La Plata Maru khi qua kinh phải đóng 15 ngàn tiền Đông Pháp, tính theo trọng tải tàu, cho Chính phủ Mỹ. Kinh dài 80km, tàu đi mất khoảng 8 tiếng. 

Kinh Panama đẹp quá. Tôi muốn qua lại đôi, ba lượt mới phỉ, vì có núi xanh, rừng xanh, làng xã hai bên, xe lửa, xe ô tô chạy một bên mé kinh. Tàu chạy chen quanh, quẹo trong kẹt núi, kẹt rừng mát mẻ…

Từ cửa kinh Miroflare của kinh Panama, ở Thái Bình Dương, tàu đi lên Los Angeles, tây Hoa Kỳ, mất 11 ngày. Los Angeles là thành phố lớn với 1,5 triệu dân trắng và đen, có mấy vạn người Nhật và Hoa sinh sống. 

Xứ nầy có hơn một ngàn cái mạch dầu lửa. Những sở máy làm dầu đông kể không xiết. Nhiều chiếc tàu chở toàn dầu đi bán xứ khác.

Khi tàu La Plata Maru cặp bến Los Angeles, nhân viên nhập cảnh xuống xét giấy thông hành. Những người da trắng được cho phép lên bờ, trong khi ông Vân và tất cả những người da vàng bị cầm giữ trên tàu. Điều này làm ông Vân rất giận và thấy bị tổn thương. Ngày hôm sau thì ông, một người Nhật và ba người Hoa đi vé hạng nhất được cho xuống bến đi dạo, còn lại tất cả những hành khách khác người da vàng đi hạng ba đều không được xuống trong bốn ngày tàu đậu ở Los Angeles.

Ông Vân đã đến thăm ông Tổng lãnh sự Pháp ở Los Angeles. Ông được tiếp đãi và mời dùng cơm, ông gởi cho ông tổng lãnh sự báo cáo về sự làm phiền của sở di trú. Ông lãnh sự nói sẽ gởi lá thư này đến ông đại sứ Pháp ở Washington.

Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài, thông gia của Bùi Thanh Vân, đứng bên trái vua Khải Định (thứ hai từ phải). Ảnh: TL

Tàu từ Los Angeles đến Yokohama mất 17 ngày, ông đến Nhật ngày 31.8.1929. Vì ông đã viếng thăm Yokohama vào năm 1923, nên ông đi xe lửa tốc hành đến Nagasaki để về nước sớm. Ông đi xe lửa đến Nagasaki để đón tàu Hawai Maru cũng của hãng Osaka Shosen Kaisha về Sài Gòn. 

*

Tổng cộng chi phí cho chuyến đi của ông Vân là 2.800$. Một số tiền không nhỏ nhưng cũng không phải là quá lớn (lương công chức khoảng 100$ mỗi tháng). Ông Vân kể lại ông học hỏi được rất nhiều.

Ông đã cho ý kiến về một vài cải cách qua kinh nghiệm mà ông học hỏi ở nhiều nước:

Cách mặc áo quần, An Nam đẹp. Đờn ông mặc theo Tây cũng hay, gọn. Đờn bà phải để tóc, đờn ông nên hớt.

Nên bãi bớt đốt pháo và giấy cúng.

Rượu và nha phiến (opium) xin bỏ giảm lần lần…

Ông Vân cũng đề nghị muốn ngăn được cờ bạc lậu thì phải mở casino chính thức để giải quyết vấn đề xã hội này và lấy được thuế. Ông cũng đề xuất bãi bỏ xe kéo. Dùng xe ngựa, xe điện thế. Xin nhà nước lập nhà băng hay là bảo lãnh nhà băng… Xin nhà nước dạy người An Nam đủ nghề nghiệp. Cho phép người An Nam đi ngoại quốc... 

Cuối cùng qua kinh nghiệm ông Vân đã chứng kiến thì người Mỹ và người Anh đối xử với người da đen rất tệ.

Quyển ký sự du lịch toàn cầu của ông Bùi Thanh Vân đã để lại cho đời sau nhiều tư liệu về các nước ở Nam Phi và châu Mỹ dưới cái nhìn của một người Việt, một người hấp thụ hai nền văn minh truyền thống Việt Nam và phương Tây. Không như những sách du hành ký khác như Lữ Trung ký sự (1932) và Saigon - Thượng Hải - Hoành Tân (1930), cuốn Dạo khắp hoàn cầu (1929) còn đưa ra những ý kiến cho nhà cầm quyền thời bấy giờ cải cách và áp dụng các ý tưởng mà tác giả đã có kinh nghiệm học hỏi qua chuyến đi vòng quanh thế giới của ông, vào các chính sách giáo dục và kinh tế ở Đông Dương. 

Nguyễn Đức Hiệp

























































Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.