.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

ƯỚC VỌNG CUỐI ĐỜI NGƯỜI



 Ba anh em cùng bước vào thang máy để lên tầng 3 của bệnh viện. Tảo vẫn thắc mắc:

- Không biết bố muốn nói gì với chúng ta nhỉ?

Tùng, người anh cả thì chậm rãi chép miệng:

- Người bệnh nào cũng thế, cảm thấy mình sắp lìa cõi đời nên muốn trăn trối, có khi chả có gì quan trọng cả.

Tiên trầm lặng mà chín chắn hơn:

Anh Tùng và Tảo ơi, em nghĩ là bố sẽ trăn trối điều quan trọng đấy, vì bố dặn dò chỉ 3 anh em chúng ta thôi, không cần dâu, rể…

- Anh đoán là bố muốn trăn trối về chuyện ma chay, tính bố vốn giản dị.

Họ ngưng nói khi thang máy mở cửa, ba anh em bước vội về phòng số 312. Bây giờ là 8 giờ tối, nhưng buổi tối không có ý nghĩa nghỉ ngơi trong bệnh viện, bất cứ lúc nào cũng có kẻ đau đớn bệnh hoạn, có kẻ nhắm mắt lìa đời và các bác sĩ, y tá, y công thì thấp thoáng đi lại các dãy hành lang hay trong từng phòng bệnh nhân.

Ông Nguyên đang nằm trên giường, dường như ông đã chuẩn bị tinh thần và chờ đợi các con đến, ông mỉm cười hài lòng:

 - Các con đã đến, bố vui lắm. Nào ngồi xuống đây với bố…

Tùng và Tảo kéo ghế lại gần giường bố, còn Tiên không có ghế nên ngồi bên mép giường, Tiên lên tiếng trước:

- Bố bảo chúng con đến đây, chắc có điều gì cần dặn dò?

Ông Nguyên khẽ lắc đầu:

- Tâm tình thì đúng hơn, đời bố không có ai tri kỷ, bố sắp lìa đời xin 3 con làm tri kỷ với bố chỉ lúc này thôi, có được không?

Tảo sốt ruột:

- Vâng ạ, chúng con xin nghe.

- Ừ, bố chẳng muốn làm mất thì giờ của các con..

Ông Nguyên khép mắt lại vài giây như để tâm tư bình lặng trước khi ông bắt đầu nói một câu chuyện, giọng ông rõ ràng và tràn đầy cảm xúc:

- Bố biết bệnh tình mình không còn sống được bao lâu nữa, ung thư gan giai đoạn cuối thì sẽ bùng phát tới cái chết nhanh chóng lắm, hôm nào còn tỉnh táo thì biết hôm ấy. Ngày mai, ngày kia có thể bố sẽ suy sụp, đi vào hôn mê, vào nỗi đau đớn và vào cõi chết. Nên bố muốn tâm tình với các con lúc bố đang tỉnh táo như thế này.

Ông Nguyên ngừng để thở và nói tiếp:

- Bố bắt đầu câu chuyện đời bố nhé. Ngày xưa bố đã quen và yêu tha thiết cô Song, mẹ các con. Cô Song có vẻ đẹp ngây thơ, mảnh mai và yếu đuối khiến bố chỉ muốn giang tay ra ấp ủ cô, cho cô nương tựa suốt cả đời, cô Song cũng yêu bố. Hai người lấy nhau hạnh phúc đẹp như mơ.

Là phụ nữ nên dễ mủi lòng, Tiên rưng rưng muốn khóc khi nghe bố nhớ đến hình ảnh mẹ:

 - Giờ đây mẹ đã nằm dưới suối vàng rồi. Tội nghiệp bố qúa!

Tảo nhanh nhẩu mong làm vừa lòng bố:

- Chúng con sẽ mua phần đất cạnh mộ mẹ để bố mẹ sẽ mãi mãi bên nhau, từ lúc sống cho đến khi cả hai trở về với cát bụi.

Ông Nguyên hốt hoảng kêu lên:

- Không, không… các con đừng vội mua đất ấy, hãy im để nghe bố kể tiếp. Lấy nhau rồi sống chung một thời gian bố mới biết cái làn da trắng mong manh, cái dáng người mảnh mai yếu đuối như cơn gío hờ ấy là do cô Song bị bệnh tim, hai vợ chồng trẻ hạnh phúc được những năm đầu, đã sinh liên tiếp 3 đứa con, mỗi một lần sinh con là mỗi lần cô Song hao mòn sức khỏe, bác sĩ khuyên cô Song không nên sinh đẻ nhiều vì bệnh tim không cho phép. Càng thêm tuổi, càng ốm yếu bệnh hoạn thì tính tình cô Song càng thay đổi, cô Song bé bỏng dễ thương của bố đã trở thành một bà vợ đảm đang nhưng lắm lời và khó khăn đến cay độc với bố. Bà Song làm chủ mấy cái hụi, ăn tiền đầu, ăn tiền chồng theo và kiêm luôn cho vay nợ lãi trong xóm, lợi tức bà Song kiếm ra nhiều hơn đồng lương nhà giáo ba đồng ba cọc của bố dạo đó. Thế nên bố bị lép vế.

Giọng ông Nguyên não nề kết luận:

        - Tình yêu trước hôn nhân và sau khi thành tình vợ chồng là hai khung trời khác biệt. Sống bên vợ mà bố không có tiếng nói của mình, bà Song lấn lướt chỉ huy chồng, hiếp đáp chồng, bố dần dần khép mình thụ động như một diễn viên tự biết mình kém tài lùi vào hậu trường sân khấu.

 Tùng an ủi:

         - Con biết mẹ khó tính, nhưng chắc là mẹ vẫn còn tình thương yêu cho bố mà.

 Tiên bào chữa cho mẹ:

         - Khi thành vợ chồng thì cuộc sống đối diện thực tế nên mẹ mới thay đổi, mà ai cũng thế cả. bố ạ.

Ông Nguyên cay đắng:

         - Cho dù các con nói đúng, nhưng với bố sự thay đổi tính nết và cách đối xử của bà Song đã dần dần giết chết tình yêu ban đầu của bố. Bố chỉ thấy một bà vợ vô tình, tham lam và coi thường chồng. Sang đến Mỹ cuộc sống có bao nhiêu thứ thay đổi nhưng tính nết bà Song vẫn không hề thay đổi, bà kiểm soát, ngăn chặn khi bố cần gởi tiền về giúp đỡ thân nhân ruột thịt của bố còn ở Việt Nam. Trời ơi, vậy còn tình nghĩa gì không? Thân nhân của bố cũng là ruột thịt máu mủ của các con đấy…

Tảo thẳng thắn:

         - Thế sao bố vẫn chịu đựng?

Ông Nguyên mỉm cười buồn:

         - Tình yêu của bố đã biến thành tình thương hại, mẹ các con là một người đàn bà bệnh hoạn, nay ốm mai đau, bố nỡ lòng nào làm tan nát gia đình cho bà ấy đau khổ thêm? và vì các con, vì những hệ luỵ của cuộc đời…

Tảo nói như vừa tìm ra một điều lạ lùng:

        - Thì ra thế! Có những cuộc hôn nhân người ngoài nhìn vào tưởng đẹp đôi, gia đình hạnh phúc, nào biết bên trong là ngậm đắng nuốt cay. Mẹ đã mất 2 năm nay mà bây giờ chúng con mới được nghe một sự thật đau lòng phơi bày.

         - Vợ chồng là duyên mà cũng là nợ đấy con, chả thế mà người ta gọi là “duyên nợ” hay “nợ duyên”. Có lẽ kiếp trước bố mang nợ mẹ con rất nhiều nên kiếp này bố phải sống với bà ấy đến hết cuộc đời để trả cho xong nợ. Hai năm qua lòng bố rất thanh thản đối với mẹ các con, mong là dưới suối vàng bà Song cũng thanh thản vì bao nhiêu năm qua bố chưa làm điều gì sai trái, lầm lỗi, phản bội bà.

        - Vâng, chúng con hiểu tính độc đoán của mẹ và cảm nhận được sự chịu đựng của bố. Đây là tất cả những gì bố muốn trao gởi với chúng con tối nay phải không?    

 Ông Nguyên tha thiết: 

       -  đây là ước vọng to lớn nhất của đời bố, là niềm vui bố sẽ mang theo khi chết. Các con nghe đây…

Cả ba anh em đều đồng thanh “dạ” một tiếng và im lặng nghe ông Nguyên nói tiếp:

        - Bố xin các con đừng chôn cất bố cạnh mộ mẹ con, bố nhấn mạnh và nhắc lại điều này. Cả đời bố đã chịu đựng làm cái bóng bên bà ấy rồi, lần này hãy cho bố được quyền lựa chọn, hãy hỏa thiêu và tung nắm tro tàn của bố ra sông ra biển để bố được tự do tan biến giữa trời đất bao la vô cùng vô tận này.

Giọng ông trở nên hờn tủi:

       -  Các con có biết đâu những ngôi mộ vợ chồng nằm cạnh nhau mà chắc gì cuộc sống khi sinh tiền họ đã hạnh phúc với nhau? Bố không muốn đẹp đôi hình thức như thế. Thôi đã khuya rồi, bố cần nghỉ ngơi, các con về nhà đi, rồi  mai kia bố có ra đi hãy cho bố được toại nguyện. Cám ơn các con đã đến và lắng nghe bố tâm tình.

Tiên cẩn thận kê lại chiếc gối và đắp lại tấm chăn cho bố gọn ghẽ rồi ba anh em rời khỏi phòng bệnh. Mỗi người một ý nghĩ một suy luận nhưng có lẽ trong thâm tâm cả ba đều cảm nhận nỗi đau buồn của bố, của một người chồng bị vợ đanh đá chỉ huy và đối xử bất công đến nỗi phút cuối cùng của cuộc đời bố chỉ ước vọng duy nhất là đừng chôn cạnh mẹ cho ông được… thoát thân.

         - Chúng ta sẽ hỏa thiêu bố và rải tro cốt ra biển theo ước vọng của bố các anh nhé. Tiên nói

Tùng và Tảo cùng thốt lên:

         - Nhất định rồi và mong là bố sẽ được thanh thản vui cho đến kiếp sau.  

       Nguyễn Thị Thanh Dương


Câu chuyện: Người thợ may trên thiên đường



Một người thợ may chạm ngõ thiên đường nhưng lại phải trở về hạ giới vì hành động sai lầm của mình.

 

Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa nhắc nhở chúng ta về những truyền thống và giá trị đạo đức đã được trân trọng và gìn giữ trên khắp thế giới. Chúng tôi hy vọng những câu chuyện và thông điệp trong loạt bài này sẽ khiến trái tim và tâm trí của độc giả được thăng hoa.

 

Câu chuyện này là một trong rất nhiều những câu chuyện được kể trong chương trình “Những câu chuyện về trí tuệ cổ xưa” đã ngừng phát hành của Đài phát thanh Hy Vọng, hiện được chuyển thể và đăng tải tại đây để quý độc giả cùng thưởng thức. 

 

Mời bạn đọc câu chuyện dưới đây và du hành vào một thế giới khác!


Câu chuyện xảy ra vào một ngày đẹp trời. Chúa muốn tản bộ trong khu vườn thiên đường, và yêu cầu tất cả sứ đồ và thánh đồ đi cùng Ngài, chẳng còn ai ở lại ngoại trừ Thánh Peter.



Chúa ban lệnh không cho phép ai được bước vào thiên đường trong thời gian Ngài vắng mặt, vì vậy Thánh Peter đã đứng ở cổng và canh gác. Không lâu sau, có ai đó gõ cửa. Thánh Peter hỏi ai đang ở cửa và rằng anh ta muốn gì.

 

Một giọng nói nho nhỏ cất lên, “Tôi là một thợ may nghèo túng và trung thực, xin mạn phép được bước vào.” 


“Trung thực thật đấy!” Thánh Peter đáp. “Giống như tên trộm đang trên giá treo cổ. Những ngón tay của nhà ngươi đã bị dính vào nhau, và ngươi đã ăn cắp vải của người khác. Ngươi sẽ không thể bước vào thiên đường được nữa. Chúa đã cấm ta cho phép bất cứ ai bước vào trong thời gian Ngài rời khỏi đây.”

 

“Ôi, cầu xin Ngài thương xót,” người thợ may van nài. “Chỉ là những mảnh vải vụn tự rơi xuống dưới bàn, đó không phải là ăn trộm, và không đáng để Ngài kể tội. Hãy nhìn tôi xem, tôi đang bước đi khập khiễng và nổi nhiều mụn rộp ở chân để lên được đến đây. Tôi không thể quay trở về nữa. Xin hãy để tôi vào, và tôi có thể làm những công việc dơ bẩn. Tôi có thể chăm trẻ, giặt tã cho chúng, lau dọn những chiếc ghế chúng chơi đùa và vá lại những bộ quần áo rách của chúng.”


Thánh Peter rủ lòng thương, mở hé cổng thiên đường đủ để người thợ may khập khiễng nghiêng người bước vào. Người thợ may phải ngồi ở góc sau cánh cổng, và được yêu cầu ở yên đó, yên lặng và tĩnh mịch, để Chúa không nhận ra sự có mặt của hắn khi Ngài trở về, nếu không Ngài sẽ nổi giận.

 

Người thợ may vâng lời, nhưng ngay khi Thánh Peter bước ra khỏi cánh cổng, ông ta đã đứng dậy, cùng với sự tò mò choán đầy tâm trí, và đi nhìn ngắm mọi ngóc ngách của thiên đường, xem xem có gì ở đó. Cuối cùng, ông ta đến một nơi có rất nhiều chiếc ghế quý giá và đẹp tuyệt mỹ. Và ở nơi trung tâm, một chiếc ghế làm toàn bộ bằng vàng ròng được cẩn đá quý lấp lánh đang ngự ở đó. Chiếc ghế này cao hơn hẳn những chiếc ghế khác, và trước đó còn có cả một chiếc ghế nhỏ kê chân cũng được làm bằng vàng ròng. Đó chính là chiếc ghế mà Chúa sẽ ngồi khi Ngài trở về, và cũng từ nơi đó, Ngài có thể nhìn thấy tất cả mọi sự việc diễn ra trên trái đất. 

 

Người thợ may đứng sững sờ, và chăm chăm nhìn vào chiếc ghế một thời gian rất lâu, bởi ông ta thích chiếc ghế đó hơn hẳn những chiếc ghế khác. Cuối cùng, ông ta không thể kiềm chế được tính tò mò của mình nữa, và đã leo lên rồi ngồi xuống chiếc ghế ấy. Từ nơi đó, ông ta có thể thấy mọi việc trên trái đất. 


Ông ta chợt nhận ra có một người đàn bà già nua xấu xí đang giặt giũ cạnh một dòng suối. Bà ta len lén cất hai chiếc khăn choàng cổ sang một bên. Chứng kiến cảnh ấy, người thợ may đùng đùng nổi giận, ông ta vớ lấy chiếc ghế kê chân bằng vàng và ném xuống tên trộm già ấy, từ thiên đường xuống trái đất. Khi chẳng thể lấy lại chiếc ghế nữa, ông ta lặng lẽ lẻn ra khỏi ghế, [quay lại] ngồi xuống vị trí của mình phía sau cánh cổng và vờ như chẳng có điều gì xảy ra. 



Khi Chúa và cùng các cận thần trở về, Ngài đã không nhận ra sự có mặt của người thợ may phía sau cánh cổng, nhưng khi Ngài ngồi xuống chiếc ghế của mình thì nhận thấy chiếc ghế kê chân đã biến mất. Ngài hỏi Thánh Peter về chiếc ghế, nhưng Thánh không biết. Rồi Ngài hỏi liệu Thánh có cho phép ai bước vào đó không. 

 

Thánh Peter trả lời, “Thưa, con không biết ai đã ở đây, chỉ trừ một tên thợ may khập khiễng vẫn ngồi sau cánh cổng kia.”

 

Rồi Chúa truyền người thợ may đến diện kiến Ngài, và hỏi liệu ông ta có lấy chiếc ghế kê chân không, và đã để nó ở đâu rồi.

 

“Ôi, thưa Chúa ,” người thợ may hào hứng đáp, “Trong cơn nóng giận, con đã ném nó xuống trái đất, vào mụ già đang ăn cắp hai chiếc khăn quàng cổ khi đang giặt giũ kia.”


“Ôi chao, thật là một kẻ vô dụng,” Chúa thốt lên, “Nếu ta cũng phán xét ngươi như cách ngươi đã làm, thì ngươi biết điều gì sẽ xảy ra với mình chứ? Ta đã không còn nổi một cái ghế, trường kỷ, hay ghế kê chân từ lâu rồi, chẳng còn gì cả, ngay cả cây gạt bếp lò cũng chẳng còn nữa, mà đã ném chúng hết xuống những kẻ mang tội rồi. Ngươi không thể ở lại thiên đường một chút nào nữa, mà phải bước ra khỏi cánh cổng kia một lần nữa. Từ nơi đó, hãy quan sát xem liệu ngươi sẽ đi đâu về đâu. Tại nơi thiên đường này, sẽ không ai phải chịu sự trừng phạt, chỉ ngoại trừ một mình ta, Đức Chúa Trời thôi. 


Thánh Peter đã phải đưa người thợ may ra khỏi thiên đường một lần nữa, và bởi vì đôi giày của ông ta đã mòn và đôi chân đầy mụn rộp, người thợ may cầm lấy một cây gậy và đi đến nơi chờ đợi, nơi có những người lính tốt bụng đang ca hát và vui đùa ở đó. 

Câu chuyện trên được chuyển thể và đăng tải dưới sự cho phép của Đài phát thanh Hy Vọng, được sản xuất lại từ quyển sách “Truyện cổ Grimm” viết bởi [hai anh em] Jacob và Wilhelm Grimm.

THIÊN MINH

Không Phàn Nàn


Trong đời sống, đã biết bao lần chúng ta phàn nàn. Buổi sáng đi làm kẹt xe. Đến sở gặp đồng nghiệp ăn nói vô duyên, mếch lòng. Ông chủ mặt mày khó chịu, gắt gỏng. Về nhà vợ than phiền chuyện cơm áo. Con cãi lời, hỗn láo. Cánh tay đau nhức khó ngủ.

Nói chung hữu thân thì hữu khổ. Nhưng khi còn có việc làm, thì mới có đồng nghiệp, có ông thủ trưởng. Còn có xe để bị kẹt, còn có vợ để nghe mè nheo, còn có con để chê là nghịch tử. Còn có cánh tay để đau nhức. Trên đời này rất nhiều người không có gì, kể cả hai cánh tay, và sự thật là có người bất hạnh, không có luôn cả hai chân nữa.
Ít người cho mình có một đời sống hạnh phúc hoàn toàn. Không bất mãn chuyện này thì cũng khổ vì chuyện kia. Mỗi cuộc đời có bao nhiêu chuyện bất như ý, mỗi ngày có bao nhiêu giờ phút bực mình, đáng cho ta phàn nàn, than vãn!

Anh họ tôi có con trai sợ vợ, để vợ lấn lướt tìm cách đuổi cha mẹ chồng ra khỏi nhà, mà không có được một phản ứng gì. Tuy không đến nỗi lâm thảm cảnh của người vô gia cư, nhưng vợ chồng anh thất vọng, buồn bã đến nỗi mang chứng trầm uất, nhiều khi tỏ thái độ không thiết tha đến cuộc sống nữa. Ví như, trường hợp của một gia đình khác, đứa con trai ngay từ hồi còn bé bị té từ trên giường cao hai tầng xuống, tổn thương não bộ, phải sống đời thực vật từ nhỏ đến nay đã gần 40 tuổi, khổ đau là chừng nào. Trong khi anh chỉ có một thằng con bất hiếu, sợ vợ, nhưng anh cũng có khả năng thuê được nhà ở, có chiếc xe đi, lại còn có chị bên cạnh trong tuổi già, cuộc đời đâu đến nỗi bi đát.

Ông bạn già tôi, hơn ba mươi năm về trước, gửi đứa con trai vị thành niên, theo một người bạn đi vượt biên. Sang đến đảo, người bạn đổi tên đổi họ con anh, nhận là con mình. Khi gia đình anh sang định cư tại Mỹ, thì con anh đã lớn, tốt nghiệp đại học, nhưng đã trở thành đứa con của một gia đình khác, xem người đưa mình vượt biển là mẹ và cũng không còn biết người bạn tôi là ai. Vợ chồng người bạn tôi coi đây là một biến cố lớn lao trong đời, canh cánh bên lòng mỗi khi nghĩ đến chuyện mất con, đứa con mình đã tốn công sinh dưỡng, bây giờ xem mình như là những người xa lạ. Thật ra thì, bạn tôi không hề mất con, đứa con mình sinh ra, vẫn còn đó, mạnh khỏe, bình an, thành đạt, có một mái gia đình êm ấm. Có khác chăng là quan niệm “con tôi,” “vật sở hữu của tôi” nay vì nó thuộc về người khác, nên nó làm cho tôi đau khổ.

Tôi nhắc lại một chuyện cũ, vợ chồng ông bạn tôi sang Mỹ, nhà có mỗi hai cô con gái thì lớn lên, một cô lấy chồng Mỹ, một cô lấy chồng Trung Đông. Bạn tôi có hai ông rể giỏi giang, những đứa cháu xinh dẹp, dễ thương, nhưng lòng luôn luôn phiền muộn, thường mỗi khi nói đến chuyện con cái, gia đình, thì y như là khơi lại mối thương tâm, khiến bạn tôi không vui, tỏ ra bất mãn với hoàn cảnh. Rất nhiều gia đình sau Tháng Tư, 1975 có con gái mất tích giữa đại dương ngày vượt biển, phải chi được đổi lấy một hoàn cảnh của người bạn kia, thì gia đình họ sẽ vui sướng hạnh phúc bao nhiêu!

Em tôi sang Mỹ chậm, con cái không có cơ hội và cũng thiếu may mắn trong chuyện học hành, lớn lên, đứa thì làm công nhân hãng xưởng, đứa thì bưng phở trong nhà hàng, đứa thì chạy xe hàng xuyên bang. Nhìn quanh bạn bè, con ai cũng thành đạt, ông em sinh ra tự ti mặc cảm, tránh xa thiên hạ, không muốn giao thiệp với ai, không muốn nói đến chuyện gia đình. Những đứa con gia đình này, không có tội lỗi gì, cũng không cần phải mang mặc cảm như bố. Bao nhiêu người chết sông, chết biển, mình mang được cả gia đình trọn vẹn sang đây, ai cũng có công ăn việc làm ổn định, sống lương thiện, không vướng trộm cắp, ma túy. Bao nhiêu người mơ ước có cuộc đời như mình mà không được.

Có ông bạn gặp bà vợ lắm điều, không hợp ý, ông vò đầu bứt tai than khổ, tưởng như đang sống dưới mấy tầng địa ngục. Nghĩ lại, có người vợ mất sớm, thân già vò võ một mình, quạnh hiu biết chừng nào. Có người thì vợ đau yếu, vào ra bệnh viện, thập tử nhất sinh, giờ lại phải vào nhà dưỡng lão, ông phải vất vả vào ra hàng ngày. Còn có vợ bên mình, không còn ngọt bùi như thời xuân sắc, nay dù có điều bất như ý, thì cũng còn có nhau, bao nhiêu người mơ ước cảnh đời này mà không được.

Khi người ta bất như ý, người ta có thói quen oán Trời trách Đất. – “Trời ơi sao tôi khổ thế này?”- “Sao Ông Trời bất công quá vậy!”- “Thật là Ông Trời không có con mắt!”- “Ông Trời ơi, xuống mà coi nè!”
Cam chịu bình thản, thì người theo đạo Phật tin vào Nhân Quả và cái Nghiệp. Đời này thấy mình sao thì biết kiếp trước mình ăn ở làm vậy! Người Công Giáo thì tin đã có Chúa an bài, là do ý Chúa, chết cũng là do Chúa gọi về!
Người bình dân thường đổ cho tại cái số, giàu nghèo, no đói, sướng khổ đều do số Trời định, khi đã được Nam Tào, Bắc Đẩu ghi sổ rồi, thì “có chạy Trời cũng không khỏi,” cứ an phận thủ thường, ung dung tự tại mà sống!
Xin kể một chuyện bên Tàu: Đức Khổng Tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp ông Vinh Khải Kỳ ngao du ngoài đồng, mặc áo cừu, thắt lưng dây, tay gẫy đàn cầm vừa đi vừa hát.
Đức Khổng Tử hỏi: “Tiên sinh làm thế nào mà thường vui vẻ như thế?”
Ông Vinh Khải Kỳ nói: “Trời sinh muôn vật, loài người quý nhất mà ta được làm người. Trong loài người đàn ông quý hơn đàn bà mà ta được làm đàn ông.  Người ta sinh ra có đui què, non yểu mà ta hoàn toàn khỏe mạnh, nay đã chín mươi tuổi. Đó là ba điều đáng vui, có gì mà phải lo buồn”.
Lại xin kể một chuyện bên Tây: Từ đầu năm đến nay, hàng chục người đã thiệt mạng khi tìm cách vượt qua sông Rio Grande, nơi mực nước dâng lên cao nhất trong 20 năm qua, để tìm cách đến Mỹ.
Đoàn “caravan di cư” bất hợp pháp hơn 7,000 người áp sát biên giới Mỹ. Trạm biên phòng Del Rio ở Texas hôm tuần qua đã báo cáo, chỉ từ Tháng Sáu tới nay họ bắt giữ hơn 1,000 người Haiti.
Mới đây lại thêm một bức ảnh chấn động lương tâm thế giới ghi lại cảnh tượng một người cha và con gái người El Salvador bị chết đuối, nằm úp mặt xuống nước tại bờ sông Rio Grande ở biên giới Mỹ – Mexico khi tìm cách bơi qua sông. Họ là những người đang tìm cách đến Mỹ và hy vọng sống được trên đất Mỹ, như chúng ta.
Liệu chúng ta có nên phàn nàn nữa không? 

 

Huy Phương

 
















 


Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.