.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2023

3 kỳ tài toán học tiêu biểu sử Việt: Người được vua thán phục, người nổi tiếng với bài toán cân voi

 Đây đều là những người được hậu thế ghi danh nhờ học giỏi toán và là những người đầu tiên đặt nền móng cho nền Toán học Việt Nam và để lại những công trình mà thế hệ trẻ ngày nay vô cùng ngưỡng mộ.


Vũ Hữu – thần đồng toán học thế kỷ XV

Vũ Hữu (1437 – 1530), người làng Mộ Trạch, tổng Thì Cử, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Từ nhỏ Vũ Hữu đã thể hiện năng khiếu tính toán hơn người. Cứ hễ ở làng có vụ việc gì tranh chấp, kiện tụng liên quan đến đất đai đều nhờ ông tính toán, phân xử giúp. Hơn thế, với những phương pháp sáng tạo vượt trước thời đại, Vũ Hữu đã biết ứng dụng các phép đo lường phức tạp, mà mãi sau này, con người mới tìm ra nguyên lý và phổ biến rộng rãi.


Khi Vũ Hữu 23 tuổi (năm 1463), ông đã đỗ Hoàng Giáp và được vua Lê Thánh Tông trọng dụng. Con đường quan lộ của ông cũng bắt đầu từ đây, Vũ Hữu lần lượt được thăng chức từ Khâm hình viện lang trung, Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Lễ trong triều đình nhà Hậu Lê, sau được tặng phong Thái bảo.

Công trình toán học ông để lại cho hậu thế nổi bật là Lập Thành Toán Pháp (立成算法). Sách này gồm cách đo ruộng, tính diện tích ruộng; hình vẽ các thửa ruộng có hình phức tạp và cách tính diện tích loại ruộng này; cách tính bằng bàn tính, bằng phép cửu chương, cửu quy; một số bài tính đố, có cho biết đáp số. Đây cũng là quyển sách toán học cổ nhất nước ta.

Theo sách "Kể chuyện trạng Việt Nam", bấy giờ, vua Lê Thánh Tông thấy mấy cổng thành Thăng Long xây dựng từ thời Lý đã hư hỏng nhiều, muốn xây lại. Vua sai các đại thần đo đạc nhưng cả tháng vẫn không tính được số gạch cần thiết để xây thành. Biết Vũ Hữu có tài tính toán, đo đạc, vua cử ông đến dự toán số gạch cần xây.

Sau khi đo đạc xong, ông thưa với vua rằng: "Thần đã tính toán kỹ, không thừa không thiếu một viên gạch". Một viên quan tỏ ý nghi ngờ, ép ông vào thế khó: "Đã vậy xin quan Lang trung làm cam kết, nếu sai lệch sẽ bị trị tội". Kết quả đúng như tính toán của Vũ Hữu, không thừa không thiếu viên gạch nào để xây thành khiến vua và các quan lại trong triều thán phục.

Lương Thế Vinh – Vị trang nguyên giỏi toán nhất trong lịch sử Việt Nam



Lương Thế Vinh (1441 – 1496) là vị trạng nguyên giỏi toán nhất trong lịch sử Việt Nam, ông sinh ra ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, trấn Sơn Nam, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.và có năng khiếu tính toán từ nhỏ.

Theo sách Đại Việt Sử ký toàn thư, năm 1463, Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên khoa Qúy Mùi, dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ông được vua trọng dụng, bổ làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Sái phu trong hội Tao Đàn, Thượng thư bộ Hình, Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Lễ, sau được tặng phong Thái bảo. Ngoài ra ông còn dạy học ở Quốc Tử Giám, Sùng Văn Quán và Tú Lâm cục - những trường cao cấp thời bấy giờ đào tạo nhân tài cho đất nước về văn chương và toán học.

Lương Thế Vinh nổi tiếng với bài toán cân voi. Theo sách "Kể chuyện sứ thần Việt Nam", khi sứ nhà Minh là Chu Hy thách đố cân một con voi, ông đưa voi lên thuyền rồi đánh dấu mép nước. Sau đó, dắt voi lên, đổ đá hộc xuống thuyền cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả. Chu Hy thán phục nhưng vẫn tiếp tục đố ông đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ quyển sách. Khi nghe ông nói chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra ngay kết quả, Chu Hy ngửa mặt lên trời than rằng: "Nước Nam quả lắm người tài!".

Nguyễn Hữu Thận – Nhà toán học nổi tiếng triều Nguyễn



Nguyễn Hữu Thận (1757-1831) có hiệu là Ý Trai, quê ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ vùng quê nghèo, thường hạn hán, lũ lụt. Cảm thương nhân dân thống khổ, trong chuyến đi sứ nhà Thanh, Nguyễn Hữu Thận nghiên cứu, cải tiến phép lịch. Sau khi về nước, ông trình với vua Gia Long, bắt tay biên soạn lịch "Hiệp Kỷ" có độ chính xác hơn, giúp nông dân cày, cấy kịp thời vụ. Ngoài xây dựng lịch, ông rất chú tâm nghiên cứu toán. Năm 1828, ông hoàn thành bộ "Ý Trai toán pháp". Đây là bộ sách toán nổi tiếng của nước ta đầu thế kỷ XIX.

Ngoài "Ý trai toán pháp", Nguyễn Hữu Thận còn dịch các quyển sách toán học của Trung Quốc để phổ biến tại nước ta.

Theo SHTT&ST

Về ngôi làng thời phong kiến có 7 tiến sĩ đỗ đạt trong hơn nửa thế kỷ.

Chỉ trong vòng 69 năm, dưới thời kỳ phong kiến, làng Lê Xá (Hải Phòng) có tới 7 người đỗ tiến sĩ. Dù hiện tại, cuộc sống ở nông thôn còn nhiều gian khó, nhưng người dân trong làng vẫn đang từng ngày động viên con cháu phát huy truyền thống hiếu học của thế hệ cha ông.

Nhiều tiến sĩ thời phong kiến được Hải Phòng vinh danh

Từ xưa đến nay, nói đến "làng tiến sĩ", hầu như mọi người đều nhắc đến làng Mộ Trạch (ở xã Tân Hồng, H.Bình Giang, tỉnh Hải Dương), đó là ngôi làng nổi danh nhất cả nước, với 36 tiến sĩ khoa bảng trong các kỳ thi thời phong kiến. Nhưng, ít người biết rằng, ở Hải Phòng cũng có một "làng tiến sĩ", sử sách còn lưu lại đến ngày nay, đó là làng Lê Xá (xã Tú Sơn, H.Kiến Thụy).

Theo các bậc cao niên trong làng Lê Xá kể lại, từ xưa, khi mới khai hoang lập ấp, dân chúng đặt tên cho vùng đất này là ấp Hướng Dương, mong muốn quê hương mình như loài hoa luôn hướng về phía mặt trời, chịu đựng được sóng gió của biển cả.

Vì là ngôi làng cổ, được thành lập sớm nên thiết chế làng xã ở làng Lê Xá khá chặt chẽ. Người dân Lê Xá cũng như bao ngôi làng trên khắp Việt Nam, cũng chỉ sinh nhai với nghề trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm. Học để thành tài, đi lên bằng chính bàn tay, khối óc của mình chứ hoàn toàn không có thần tích hay thần phả nào lý giải cho sự học ở vùng đất này. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân làng Lê Xá nói riêng và xã Tú Sơn nói chung vẫn tạo mọi điều kiện cho con cái ăn học đàng hoàng với quan niệm "một đấu vàng không bằng nang chữ".


Nơi thờ tự thành hoàng làng và các vị tiến sĩ làng Lê Xá

MINH PHONG

Chính vì vậy, suốt thời phong kiến, xã Tú Sơn trở thành trở thành vùng đất khoa bảng nổi tiếng, nhất là làng Lê Xá. Chỉ trong 69 năm, từ năm 1469 đến năm 1538, làng Lê Xá có tới 7 người đỗ tiến sĩ. Dưới thời phong kiến, làng nào, xã nào chỉ cần có một người đỗ tiến sĩ, tiếng thơm vang xa và lưu truyền mãi. Vì thế, làng Lê Xá được nhiều biết đến với cái tên "làng tiến sĩ".

Người khai khoa của "làng tiến sĩ" Lê Xá là cụ Nguyễn Nhân Nghiêm đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 29 tuổi tại khoa thi năm Kỷ Sửu (1469) dưới triều vua Lê Thánh Tông và làm tới chức Đô cấp sự trung Bộ Công.

Sắc phong của vua Khải Định năm 1924 cho đình làng Lê Xá

MINH PHONG

Khoa thi năm Giáp Thìn (1484), cụ Bùi Phổ khi đó mới 25 tuổi đã đỗ Hoàng giáp. Năm 1495, vua Lê Thánh Tông lập Hội Tao đàn và mời cụ tham dự, 5 bài thơ của cụ Bùi Phổ được Lê Quý Đôn đưa vào tuyển tập Toàn Việt thi lục.

Cụ Trần Bá Lương đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm Kỷ Mùi (1499) dưới thời vua Lê Hiến Tông. Khi được cử làm Phó chánh sứ sang Trung Quốc cụ đã có bài biểu dâng lên vua Minh và được Phan Huy Chú đưa vào bộ Lịch triều hiến chương loại chú.

Tại khoa thi năm Nhâm Tuất (1502), đời vua Lê Hiến Tông, cụ Phạm Gia Mô đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lễ.

Cụ Lê Thời Bật đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ tại khoa thi năm Tân Mùi (1511) dưới thời vua Lê Tương Dực, sau ra làm quan cho nhà Mạc với chức Thượng thư, tước Văn Uyên hầu.

Đặc biệt, tại khoa thi năm Mậu Tuất (1538), dưới thời vua Mạc Thái Tông, làng Lê Xá có 2 vị đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ là cụ Hoàng Thuyên và cụ Nguyễn Huệ Trạch.


Bia thờ các vị tiến sĩ làng Lê Xá

MINH PHONG

Để vinh danh tinh thần hiếu học cũng như công ơn của các vị tiến sĩ làng Lê Xá với đất nước, ngày nay, tại TP.Hải Phòng, một số tiến sĩ như Bùi Phổ, Trần Bá Lương, Phạm Gia Mô đã được chính quyền thành phố đặt tên tuyến đường, phố.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Đồng Duy Cường, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết, ngoài 7 vị tiến sĩ đỗ đạt dưới thời phong kiến ở làng Lê Xá, tại làng Nãi Sơn cũng có 2 tiến sĩ đỗ đạt cùng khoa thi năm Đinh Sửu (1757) là cụ Bùi Đình Dự và Nguyễn Quang Biểu, nâng tổng số tiến sĩ đỗ đạt thời phong kiến trên địa bàn toàn xã Tú Sơn là 9 người.

Giữ gìn truyền thống hiếu học

Theo ông Đồng Duy Cường, để góp phần gìn giữ, tiếp nối truyền thống hiếu học quý giá của làng Lê Xá nói riêng, xã Tú Sơn nói chung, thời gian qua, đại diện chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp các đoàn thể, đại diện các thôn tổ chức "thăm nhà đột xuất" vào buổi tối tới nhà các cháu học sinh có học lực kém để kiểm tra việc học hành, động viên gia đình và các cháu.



Lãnh đạo xã Tú Sơn đang tìm lại tư liệu lịch sử của làng Lê Xá

MINH PHONG

Bên cạnh đó, xã Tú Sơn còn huy động các nguồn xã hội hóa trao học bổng, xe đạp tặng các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập. Đồng thời, khen thưởng kịp thời những cháu đạt được thành tích cao, nổi bật trong học tập.

Ông Nguyễn Văn Anh, Trưởng làng văn hóa Lê Xá cho hay, truyền thống hiếu học đã thấm vào máu thịt của người dân làng Lê Xá. Đến nay, nhiều gia đình dù hoàn cảnh có phần còn khó khăn nhưng vẫn chắt chiu, dành dụm những gì tốt đẹp nhất mong con cái ăn học thành tài.

Trong số đó, có thể kể đến gia đình ông Đặng Văn Trường. Bản thân ông Trường đi làm bảo vệ, vợ ở nhà trồng rau nuôi gà, nhưng vẫn gắng gượng nuôi 2 con ăn học đại học. Hay ông Nguyễn Văn Biềm (đã mất) từng mò cua, bắt ốc cùng vợ nuôi 2 con hoàn thành chương trình đại học.

Ước vọng có nơi trang trọng để thờ tự các tiến sĩ

"Tôi nghe các cụ kể lại, ngày xưa, làng có ngôi đình rất to, và các vị tiến sĩ được người dân trong làng thờ tự tại đây. Tuy nhiên, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thực hiện chính sách tiêu thổ thời chiến, đình làng đã bị phá dỡ, đến nay vẫn chưa thể khôi phục lại được", ông Anh bùi ngùi.


Do đình làng Lê Xá chưa được xây dựng lại, nên nơi thờ tự thành hoàng làng, các vị tiến sĩ, liệt sĩ đang phải thờ tạm trong khuôn viên của nhà văn hóa

MINH PHONG

Do không còn đình làng, hiện tại, thành hoàng làng, 7 vị tiến sĩ dưới thời phong kiến, cùng hơn 60 liệt sĩ đang được thờ tạm tại Nhà văn hóa Lê Xá được xây dựng trong khuôn viên đình làng trước kia. Trước tình cảnh này, người dân trong làng, con em xa quê hương không khỏi chạnh lòng.

Ông Nguyễn Văn Anh chia sẻ, nhiều năm nay, vấn đề xây lại đình làng đã được đưa ra tại nhiều cuộc họp của làng. Mọi người mong muốn chung tay góp công, góp của để xây dựng nơi thờ tự thành hoàng làng, các vị tiến sĩ, các anh hùng liệt sĩ.



Ông Nguyễn Văn Anh bùi ngùi khi đến nay đình làng Lê Xá vẫn chưa thể xây dựng lại được

MINH PHONG

Về nguyện vọng xây lại đình làng của người dân làng Lê Xá, ông Đồng Duy Cường thông tin, UBND xã Tú Sơn đã đề nghị UBND H.Kiến Thụy đưa vào quy hoạch dành 2.000 m2 ở khu vực đình làng Lê Xá cũ, nay thuộc khuôn viên Nhà văn hóa Lê Xá, để huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng đình làng mới. Khi hoàn thành đây sẽ là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu học, điểm kết nối cộng đồng, nhất là con em xa quê khi trở lại quê hương được thấy lại cảnh quen thuộc "cây đa, bến nước, sân đình".

Xác ướp nghìn tuổi chứa 1,2kg phân trong bụng và ăn châu chấu sống trước khi chết

Các nhà khảo cổ học người Mỹ đã đào được một xác ướp cách đây khoảng 1.000 năm vào năm 1937. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, xác ướp này còn có 1,2 kg phân khô trong bụng, trong đó chứa cả những con châu chấu.

Các nhà khảo cổ học ở Hoa Kỳ từng phát hiện ra một xác ướp đã qua đời một cách bi thảm do chứng táo bón nghiêm trọng, dẫn đến khó tiêu và thiếu hụt dinh dưỡng.

Theo "Live Science", xác ướp được phát hiện ở Nam Texas vào năm 1937. Các nhà khảo cổ suy đoán rằng xác ướp lẽ ra phải được làm khô tự nhiên do khí hậu khô cằn. Mãi đến năm 2003, khi các nhà khảo cổ học tiến hành nghiên cứu bằng công nghệ tiên tiến hơn, mới phát hiện xác ướp có vẻ như đã phải chịu đựng nhiều đau đớn trong suốt cuộc đời của họ.


Khu vực khô cằn nơi chôn cất khiến thi thể người đàn ông được ướp xác một cách tự nhiên.

Nhóm nghiên cứu do Reinhard đứng đầu đã công bố kết quả trên tạp chí y khoa "Memórias do Instituto Oswaldo Cruz", họ tìm thấy khối phân được làm khô bằng không khí nặng 1,2 kg trong bụng xác ướp và cũng có một lượng lớn phân nát trong ruột chứa thành phần "phytolith", có thông tin cho rằng phytolith là một cấu trúc trong thực vật. Bởi vì nó không được cơ thể con người hấp thụ, nên thường có thể đi qua hệ tiêu hóa một cách nguyên vẹn. Có thể thấy rằng, có áp lực rất lớn trong ruột của xác ướp.

Nhiều kết quả khác nhau cho thấy xác ướp đã bị táo bón nghiêm trọng trong suốt cuộc đời của mình, và kết quả là ruột không thể tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng, dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng. Các nhà khảo cổ học tin rằng xác ướp bị "bệnh Chagas" do "Trypanosoma cruzi" gây ra, khiến hệ tiêu hóa của ông bị tắc nghẽn và làm phình đại tràng của ông thành kích thước gấp 6 lần bình thường, tình trạng suy dinh dưỡng khiến ông không thể tự ăn hoặc thậm chí đi là bộ.

Các nhà khảo cổ học cũng suy đoán từ những con châu chấu chưa được tiêu hóa trong dạ dày xác ướp mà gia đình và bạn bè ông đã cho ông ăn trước khi qua đời.

Theo Bảo Vệ Công Lý.



Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.