.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

17 tháng 7 2024

XÍ LẮT LÉO…









 

Nói về cái chết thì dân Nam Kỳ có hằng hà sa số chữ ám chỉ nó. Tuỳ vào tâm trạng và sự kính trọng người chết mà xổ chữ.
Kể nè:
- Chết, tử, đi, từ trần, lìa đời, qui tiên, nhắm mắt xuôi tay, về chốn suối vàng.
- Chết ngắc, chết queo, ngủm cù đèo, ngủm củ tỏi, xí lắt léo, đứt bóng, rụng nụ.
- Đi bán muối, đi đứt, xuống vùng dưới.
- Tịch, đi chầu diêm chúa.
- Mặc chemise gỗ.
- Đứt dây nứng.
- Vô nghĩ mát nhị tì.
- Rồi đời, xong đời, ngoẻo, ngủm, tiêu, tiêu đời, toi đời, tiêu tán đường, toi mạng, lên đường, ăn đất, đi toi, đứt chến.
Có nột chuyện vui kể cho nghe:
Ông chủ tiệm vàng Kim Xí đi qua Đức thăm con. Chiều thì bà Tám hột xoàn ghé qua hỏi thì con nhỏ ở đợ trả lời tỉnh queo:
- “Ổng đi Đức rồi mợ ơi!”
Bà Tám hột xoàn nghe đi Đức cứ nghĩ “đi đứt”, dân Miền Nam thì đức hay đứt phát âm y chang, nghĩ tới nợ nần chưa giải quyết xong bả xám mặt hỏi dồn “Trời ơi, đi đứt hồi nào?” thì được trả lời: ”Hồi 2 h chiều”.
Bà Tám bắt đầu sụt sịt: ”Ổng nằm ở đâu?chừng nào đem về? lo hậu sự chưa? chừng nào chôn?”
Con ở đợ bắt đầu hú hồn:” Bà nói gì vậy bà Tám? Ai chết mà chôn?”
Bà Tám: “Mày mới nói ổng đi đứt, ổng xí lắt léo, ổng đứt bóng, ổng bán muối, ổng ngủm cù đèo..”
Trong bài này xin giải thích hai chữ đơn giản
1. Xí lắt léo:
Xí lắt léo là Tiếng Tiều, nguyên bổn là Xí í-léo 死 了nghĩa là đã chết, dân Miền Nam đọc trại thành xí lắt léo.
Ở Sài Gòn mà bạn nghe ai đó "xí lắt léo" là bạn hiểu là người đó đã chết, vừa chết . Người thuật lại ông nọ bà kia xí lắt léo là nó không coi trọng mấy người đó là mấy.
2. Đi bán muối:
Khi nghe người Nam Kỳ nói ông bà nào vừa “đi bán muối” tức vừa chết thì thắc mắc sao lại nói vây?
Đi bán muối có thể hiểu như sau:
Một số người đoán là có thể là từ “Diêm Vương"mà ra. Trong Hán Việt diêm có nghĩa là muối ăn, diêm cũng có nghĩa là địa ngục.
Diêm Ma La Già là âm Tàu phiên âm từ tiếng Phạn "यमराज" Yamarāja-Quả ma nhật hạ, gọi tắt là Diêm La vương hoặc Diêm vương (閻王) là chúa tể của địa ngục.
Diêm là âm phủ, địa ngục.
Nhưng chữ diêm âm phủ nó khác chữ diêm là muối.
Người Nam Kỳ xưa ít chữ, nhưng phân biệt rất rõ ràng,không lộn chữ bao giờ .
“Đi bán muối” ám hỉ chết có hơi hám của cái nghề bán muối thời xưa.
Trong lịch sử VN chánh quyền đánh thuế muối không nhiều.
Thời nhà Minh đô hộ Bắc Việt những năm 1407-1427, đặt ra thuế muối, và Bắc Hà vào thời Chúa Trịnh Cương (1709-1729) , Chúa Trịnh Doanh (1740-1767) có đánh thuế muối. Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn không đánh thuế này.
Pháp qua đánh thuế muối và gần như độc quyền làm muối, rượu và thuốc phiện.
Nhiều bạn lý giải vì cấm đoán nên những người bán muối gánh đi bán muối khắp nơi rất “nguy hiểm”, có khi đi lâu không thấy về. Thành ra người nhà,làng xóm kêu đi bán muối là chết.
Cái này cũng không đúng.
Nam Kỳ là đất thuộc địa, thành ra sự cấm đoán muối không ác nghiệt như hai xứ bảo hộ Trung Kỳ và Bắc Kỳ.
Trong thư tịch, truyện cổ Nam Kỳ xưa ta không thấy cảnh người dân Nam Kỳ khổ vì muối, vẫn sống dồi dào, có khi khó nhưng không khốn cùng và nghề bán muối không phải là nghề nguy hiểm của Nam Kỳ .
Thành ngữ “Đi bán muối” là từ cửa miệng của dân giang hồ Nam Kỳ mà ra , và nó dính líu tới vùng chợ Cầu Muối Sài Gòn.
Chợ Cầu Muối xưa là một cái kho chứa muối, ghe tàu từ Trung Kỳ chở muối mắm vô đổi lúa gạo. Khu cảng này sau thành chợ đầu mối của Sài Gòn luôn đông người và lộn xộn đủ loại người.
Lâu ngày xuất hiện “Giang hồ chợ Cầu Muối “,'Du đãng chợ Cầu Muối”.
Khu chợ này luôn có cảnh tranh giành mối lái với nhau, giang hồ huyết chiến với nhau, đánh lộn đ-âm ch-ém nhau bị thương,chết hàng ngày thành quen.
Thành ra ai vô khu chợ Cầu Muối kiếm ăn coi như vô đất dữ,sống chết thành quen.
Các đại ca du đãng xưng hùng, xưng bá đ-âm ch-ém nhau như phim.
Chết ở chợ Cầu Muối được giang hồ tam sao ra thành thuật ngữ “Đi bán muối”.
Từ du đãng, thuật ngữ đi bán muối lan ra xã hội Nam Kỳ.

NGUYỄN GIA VIỆT
8 SÀI GÒN


Hình: Đình Nhơn Hòa chính là đình Cầu Muối.




Elizabeth Taylor: Nước Mắt Và Nụ Cười

Nhắc đến Elizabeth Taylor, người ta lại nghĩ ngay đến vai diễn để đời nữ hoàng Cleopatra và những cuộc hôn nhân đình đám của bà. Nhưng điều đọng lại trong lòng bạn bè, người thân và những người hâm mộ trung thành của bà lại là ấn tượng về một Elizabeth Taylor mạnh mẽ nhưng cô độc.

Taylor đã trải qua tám cuộc hôn nhân. Hôn nhân đầu tiên của bà là vào năm 1950 với đại gia giàu có Conrad Hilton Jr. Khi đó, Elizabeth Taylor chỉ mới 18 tuổi, độ tuổi nhiều mơ mộng và dễ dàng bị choáng ngợp bởi những xa hoa, phù phiếm.

Chính Taylor cũng từng nói: “Nếu có sai lầm thì đó là khoảng thời gian khi tôi 18 đôi mươi”. Cuộc hôn nhân của họ kéo dài chưa đầy hai năm. Sau này, Elizabeth Taylor đã chia sẻ trong quyển hồi ký năm 1965 rằng: “Chúng tôi đã có tuần trăng mật ở châu Âu kéo dài hai tuần. Tôi phải nói rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi cũng chỉ có trong hai tuần đó. Sau đó mọi thứ đã tan vỡ. Thô lỗ và tàn bạo”.

Trong cuốn hồi kí Elizabeth dit tout (Elizabeth nói hết tất cả) của mình, Elizabeth chia sẻ: “Cuộc đời của tôi hạnh phúc cũng có nhưng gian truân cũng nhiều”.

Cuộc hôn nhân đầu tiên thất bại nhưng Elizabeth Taylor vẫn cứ tái giá và tái giá đến bảy lần. Những người hời hợt sẽ cho rằng Elizabeth Taylor dễ dãi và phóng túng. Nhưng thật sự đó là một người đàn bà mỏng manh, một tâm hồn cô đơn nhưng luôn cố tỏ ra mình không hề cô độc.
“Khi tôi không còn là một người phụ nữ xuân sắc, tôi không muốn mình chỉ dừng lại ở những mối tình lãng mạn. Tôi mong muốn được kết hôn. Chỉ có hôn nhân mới bảo chứng cho tình yêu” - Elizabeth Taylor từng chia sẻ. Đó là lý do vì sao Elizabeth Taylor chấp nhận kết hôn rồi lại ly hôn...

Xinh đẹp, tài năng, giàu có và quyền lực là tất cả những gì Elizabeth Taylor có được. Nhưng lớp vỏ bọc hoàn hảo đó vẫn không che giấu được khát khao cháy bỏng của người đàn bà luôn mong muốn tìm được tình yêu trong mơ của mình. Trước mỗi cuộc hôn nhân, Elizabeth Taylor luôn ca ngợi người chồng của mình nhưng bà vẫn không giấu nỗi sự cô đơn, yếu đuối của bản thân. Điển hình là cuộc hôn nhân với chính trị gia John W. Warner.

Chính bà là người đã ủng hộ hết mình chiến dịch tranh cử của John W. Warner vào năm 1978 nhưng rồi chính bà là người quyết định ly hôn khi không chịu được nỗi cô đơn luôn rình rập mình. “Là vợ của một thượng nghị sĩ không phải là chuyện dễ dàng. Tôi rất cô đơn” - Elizabeth Taylor nghẹn ngào.

Mặc dù vậy, Elizabeth Taylor không phải chưa bao giờ có được hạnh phúc trọn vẹn. Mối tình được xem là đẹp nhất và lâu bền nhất của bà chính là với Richard Burton, bạn diễn trong phim Nữ hoàng Cleopatra. Cả hai luôn là tâm điểm của báo giới. Họ mang tình yêu mãnh liệt của mình vào những vai diễn và thể hiện bằng những món quà đắt tiền, những kỳ nghỉ xa xỉ. Nhưng 10 năm qua thật nhanh. Taylor và Burton cãi nhau nảy lửa và quyết định chia tay.

Nhưng sau đó chưa đầy một năm, họ lại tái hôn rồi lại chia tay. Elizabeth Taylor lại trở về với nỗi cô đơn của mình. Nhưng mãi sau này Elizabeth Taylor vẫn nhắc đến Richard Burton bằng một tình yêu nồng nàn và mãnh liệt: “Nếu Richard còn sống, tôi muốn kết hôn với anh ấy lần thứ ba”.

SƯU TẦM


MAY MÀ CÓ EM ĐỜI CÒN DỄ THƯƠNG
KÝ ỨC PLEIKU VÀ VŨ HỮU ĐỊNH
Trương Đình Tuấn
Thi sĩ Vũ Hữu Định làm bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ” vào năm 1970 khi bị đày lên Pleiku để làm Lao công đào binh. Bài thơ sau đó được nhạc sĩ Phạm Duy – “ông vua” phổ nhạc của Việt Nam đã lấy nguyên bài thơ làm ca từ không bỏ hoặc thêm bớt một từ nào cả. Bản nhạc nhanh chóng được công chúng đón nhận:
phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên.
Vũ Hữu Định đã tiết lộ với bạn bè là “em” trong bài thơ này chỉ là nhân vật mà anh đã… nhặt được trong tưởng tượng trong giây phút linh hiển nhất của mình là khi làm thơ.
Khi Phạm Duy “chắp cánh” cho bài thơ bằng một bài hát bất tử, cả nhà thơ và nhạc sĩ đã đội vòng nguyệt quế cho Pleiku, một miền cao nguyên trung phần quanh năm sương phủ núi đồi, một vùng thủ phủ của quân khu 2 nên lính đóng quân nhiều hơn thường dân ở. Nếu không có bài thơ này thì ít ai biết đến một thành phố xa xôi “quanh năm mùa đông” và những người yêu thơ không thuộc nằm lòng câu: May mà có em đời còn dễ thương.
Bài thơ gắn liền với tên tuổi của Vũ Hữu Định, nhắc đến tác giả là người ta nhớ Còn Chút Gì Để Nhớ và ngược lại. Thi sĩ Kim Tuấn là lính đóng quân gắn bó nhiều năm ở Pleiku, từng làm nhiều bài thơ cho phố núi sương mù này đã thốt lên về Vũ Hữu Định:
“Mình từng ăn dầm ở dề ở đây mà chẳng làm được tích sự gì, vậy mà bỗng dưng một gã giang hồ từ đâu đó ghé chơi đã làm bài thơ nổi đình nổi đám cho Pleiku!”
Như vậy mới biết là một địa danh nào đó để cho nhiều người biết đến phải nhờ đến âm nhạc và thi ca. Những cung bậc tài hoa của nghệ thuật đã gây cảm xúc và lưu lại “chút gì để nhớ” để thôi thúc độc giả một ngày nào đó sẽ làm du khách được ghé thăm.
Bài thơ được đăng trong báo Khởi Hành năm 1970, được lọt vào mắt của Phạm Duy, và nhạc sĩ đã tìm lên đến Pleiku để gặp Vũ Hữu Định, người lính đào ngũ hai năm rồi bị bắt đày lên cao nguyên để phục dịch chiến trường.
Trong một buổi chiều họp mặt nhiều văn nghệ sĩ của Pleiku, trong đó có tác giả của “Còn Chút Gì Để Nhớ” – Vũ Hữu Định. Anh mặc cái áo màu xám khắc sau lưng bốn chữ LCĐB (Lao công đào binh). Trong giới văn nghệ, người ta quí trọng tài năng của nhau chứ không phân biệt người đương thời quan cách và kẻ làm tội nhân. Phạm Duy đã rút giấy bút ra từ túi áo và kẻ rất nhanh những dòng nhạc, rồi hát thử cho mọi người nghe bài Còn Chút Gì Để Nhớ và sau đó bài hát đã nổi tiếng ngay sau khi phát hành.
Thi sĩ Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung (1942- 1981) sinh tại Thừa Thiên. Đã từng sống nhiều nơi ở Cao nguyên và Đà Nẵng, anh sống nghèo túng trong khoảng đời ngắn ngủi của mình, có tật mê rượu và thường giang hồ lang bạt đi đây đi đó.
Anh đã có nhiều thơ đang rải rác ở các báo với nhiều bút hiệu khác nhau và cuối cùng tên Vũ Hữu Định mới được nhiều người biết đến sau khi bản nhạc Còn Chút Gì Để Nhớ ra đời.
“Giang hồ đâu cần ai phong ấn”
Chỉ trong chuỗi ngày giang hồ của mình, Vũ Hữu Định để lại cho đời một bài thơ làm nhiều người biết và để ý đến phố núi Pleiku. Tác phẩm đôi khi do ghi lại tình tiết của đời tư của nghệ sĩ, và nghệ phẩm không phải xuất xứ từ salon, từ chăn êm nệm ấm, mà từ nỗi đày ải nhân gian mà tác giả đã trải qua.
Một địa danh vốn ở ngoài đời đã đẹp, khi đi vào thi ca và âm nhạc sẽ trở thành nên thơ hơn, làm du khách muốn đến thăm hơn. Như bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử và bài nhạc Ai Lên Xứ Hoa Đào của Hoàng Nguyên.
Tôi đã có một đôi lần ghé lại Pleiku, từ con dốc cao đổ vào trung tâm, đã thấy “quanh năm mùa đông” ở trên từng màn sương ướt màu thông xứ sở cao nguyên. Không thể không nhớ đến một gã giang hồ làm thơ Vũ Hữu Định tài hoa bạc mệnh đã từ giã cuộc chơi trần thế vào năm 39 tuổi.
Tôi đi trong hoài tưởng về một Pleiku ngày ấy đã được Vũ Hữu Định khoác lên cho chiếc áo thi ca, đi loanh quanh hết mấy con đường không còn mù bụi đỏ như xưa để có đúng là “đi dăm phút đã về chốn cũ” không?
“Xin cảm ơn một mái tóc mềm” nào đó của Vũ Hữu Định đã cho chúng ta những hình dung về một phố núi cao nguyên Pleiku ngoài đời và một miền sương mù bất tận trong thơ. Một mái tóc mềm dẫu không có thật ở ngoài đời cũng kệ, cũng đủ làm cho May Mà Có Em Đời Còn Dễ Thương.
Sinh thời Vũ Hữu Định không có thi phẩm nào được xuất bản. Phải tới năm 1996, thi phẩm Còn Một Chút Gì Để Nhớ của anh, gồm 45 bài, mới được ấn hành, do sự đóng góp (công và của) của bằng hữu, nhất là của Trần Từ Duy.
Một đêm thơ Vũ Hữu Định được tổ chức tại Phú Nhuận để ra mắt thi phẩm, qui tụ rất đông bạn hữu và người hâm mộ, và nhờ đó, bà Kim Vân, vợ nhà thơ, đã tu sửa được cho chồng một nấm mồ khang trang tại nghĩa địa Gò Cà, Đà Nẵng. Bà là nhân vật trong bài thơ Cảm Ân Người Vợ Khổ của Vũ Hữu Định:
Lần nào em sinh nở
Anh cũng trên đường xa
Lần này em sinh nở
Anh cũng không có nhà.
Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh tại Thừa Thiên, 1942, mất 16 tháng 1 Tân Dậu (1981) bên bờ Sông Hàn, Đà Nẵng.
Trương Đình Tuấn

Tất cả cảm xúc


Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.