.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

*Năm Dê nói chuyện con trai “dê” con gái*

                                                         

 
*LGT: Nhân năm Dê, cô chủ nhiệm "dễ thương", Mộng Tuyền, nguyệt san Bút Tre
AZ, đề nghị tôi kể chuyện con trai ngày xưa "dê" con gái như thế nào. Mộng
Tuyền cho rằng tôi hay viết dí dỏm thì chắc vui lắm. Thú thật, viết dí dỏm
thì cũng có nhưng gốc của tôi là "nhà giáo" nên những đề tài thuộc loại
"khôi hài" thường không phải là sở trường của tôi. Sau nữa, ngày xưa tôi
cũng không thuộc loại con gái tung tăng đường phố (!) nên kinh nghiệm về
những vụ con trai "dê" con gái, tôi cũng hơi mù tịt. Tôi đã gửi mails phỏng
vấn vài ông bà nhưng mấy lão niên này nhất định không kể và còn bảo "Sống
để dạ chết đem theo!". Chả hiểu bí kíp "dê" của ông cụ này như thế nào mà
giấu kỹ thế! *
 
*Mời xem vài mẩu nho nhỏ từ kinh nghiệm rất ít ỏi của Hoàng Lan Chi trong
lãnh vực này và nếu được thì quý bạn kể cho tôi nghe kinh nghiệm "dê’ và
"bị dê" của các bạn nhé.*
 
*Hoàng Lan Chi *
 
*Năm Dê nói chuyện con trai “dê” con gái*
 
“Dê” là cách nói của người miền Nam, ám chỉ một người con trai theo đuổi,
tán tỉnh một người con gái. Nhân năm Dê, nhớ lại những chuyện “dê” ngày cũ.
Tôi có đề nghị một vài ông kể lại những “chiêu” dê của họ nhưng ông nào
cũng lắc đầu quầy quậy “*Anh chả, anh chả*”. Có ông còn viện cớ “*Sống để
dạ chết đem theo*” nữa cơ. Có vẻ các ông tướng này ngày xưa “dê không giống
ai” nên không dám thổ lộ chăng? Nếu thế thì Hoàng Lan Chi đành làm ngược
lại là hồi tưởng lại qua “nạn nhân bị dê” là …chính mình và bạn gái của
mình vậy. Mà như thế thì phải khoanh vùng lại khá hẹp. Lý do là HLC và nhóm
bạn gái của mình ngày xưa thường là “*ngoan nhất nước, con nhà lành nhất
nước”. *Ấy, sở dĩ “*ngoan nhất nước*” là vì bị ba tầng áp bức đấy thôi.
Tầng một là *gia đình*, tầng thứ hai là *học đường* và tầng thứ ba là *xã
hội*. Ngoan như thế và chỉ lo học thôi nên nhóm con gái như tôi hồi xưa
không hề biết nhảy nhót, “bum” biếc là gì. Sau nữa, đa số các ngôi trường
trung học công của VNCH thời xưa không cho trai gái học chung. Vì thế mà
sân trường đại học hay các thư viện chính là môi trường để các chàng thả
“dê”.
 
Ngày xưa, có nhiều loại “thả dê” khác nhau. Loại thứ nhất cũng khá dễ
thương. Họ chỉ lẳng lặng đi theo sau một người con gái mà họ thích. Đi theo
và có khi chả nói gì. Thế là các cô bạn bèn đặt tên như thế này: *cái đuôi*.
Chính hình ảnh đi theo lặng lẽ đó đã được nhà thơ *Phạm Thiên Thư* viết rồi
PD phổ nhạc và “*Ngày Xưa Hoàng Thị”* đã nhanh chóng chiếm được cảm tình
của giới học sinh, sinh viên thời đó.
 
*Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ*
 
*Ôm nghiêng tập vở tóc dài tà áo em bay..*
 
*Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám*
 
*Tuổi của ngàng tôi nhớ chỉ mười ba *
 
*(Thơ Nguyên Sa) *
 
Bây giờ mà đi theo kiểu đó thì chắc sẽ bị kêu là thần kinh! Một cô em họ
mail cho HLC như vầy “*Mẹ em kể ngày xưa ra đường là mỗi ngã tư đều có
người đứng đợi. Tụi em nói rằng bây giờ mà thấy vậy thì tụi em đoán chắc
thằng cha này điên hay thất nghiệp nên mới đứng đường như vậy*.”
 
Những chàng theo trường phái “*Em tan trường về, anh theo Ngọ về*” thường
là những người nhút nhát, ít nói. Tuy vậy sác xuất thành công cũng không
thấp. Sau một thời gian lẽo đẽo có khi nàng cảm động và đáp trả không chừng.
 
Ngược với trường phái trên là trường phái “nham nhở”. Hoàng Lan Chi đặt như
vậy vì đây là những ông tướng bạo mồm bạo miệng và phát ngôn nhặng xị có
khi “nham nhở”. HLC còn nhớ một ông tướng hồi đó hay trêu HLC như sau: khi
gặp HLC trong sân trường thì ông ta ong ỏng:
 
*Trúc xinh trúc mọc bờ mương*
 
*Giao xinh Giao đứng trong trường cũng xinh*
 
Còn “nham nhở” là gặp người ta cứ sán lại nói ba hoa chích chòe, nổ như bắp
rang. Tôi không hạp với loại này và dường như các bạn gái của tôi ngày xưa
cũng không hề thích các vị “nham nhở” ấy.
 
Một trường phái khác là không đi theo câm nín, cũng chẳng bạo mồm hay nham
nhở mà cứ bình thản đi bên cạnh. Dường như trước sự im lặng có vẻ hơi “ngu
ngu” của trường phái “đi theo Hoàng thị”, trước sự ồn ào của trường phái
“nổ” thì có vẻ nhóm thứ ba này đạt thành công nhiều hơn hết thẩy.


                                                                                
Nhóm này khá kín đáo. Họ có thể thích một cô nào đó và không hề “show” lộ
liễu. Họ thường chọn lại gần lúc cô có một mình và không bị bao quanh bởi
nhóm bạn gái “nhiều chuyện”. Đề tài nói chuyện của họ nghiêng về văn học
nghệ thuật nhiều hơn. Mở ngoặc một chút, những “cu cậu” chưa đến tuổi
trưởng thành, còn mê thể thao thì có vẻ sự đam mê quả bóng hay quả tạ nhiều
hơn nỗi mê đi “dê” con gái. Trở lại vấn đề, vì là đề tài văn học nên các
cậu này chịu khó thuộc thơ lắm. Đôi khi các cậu lại còn thuổng thơ người
khác tặng cho nàng. Tôi còn nhớ hồi xưa có một chàng thuổng thơ của một tác
giả và chép tặng cho tôi như vầy:
 
*Em có biết đường đến trường mấy ngả*
 
*Con đường nào anh đếm bước nhiều hơn*
 
*Gốc cây nào anh thường quen đứng đợi*
 
*Nhớ nhung gì khi bóng ngả hoàng hôn*
 
Hồi đó, tôi ngây thơ cứ nghĩ là thơ của chàng nên tôi họa lại như sau:
 
*Em vẫn biết đường đến trường nhiều ngả*
 
*Đường không em anh đếm bước nhiều hơn*
 
*Gốc me tây anh thường quen đứng đợi*
 
*Nhớ em nhiều khi bóng ngả hoàng hôn*
 
Bên cạnh đề tài văn học để ra điều ta đây có tâm hồn sâu sắc thì các cậu
hay lấy lòng nàng bằng việc chăm chỉ ghi danh hộ cho nàng, hoặc cho nàng
mượn “cours”. Ngày đó, mỗi đầu niên học sinh viên phải chen chúc nhau ghi
danh và thời gian chờ đợi có khi khá lâu. Một vài cậu thường xung phong làm
phụ Phòng Học Vụ mỗi mùa ghi danh. Vì thế, khi thoáng thấy một bóng hồng
nào đó đang con nai vàng ngơ ngác trước đám đông ghi danh thì mấy cậu này
khôn lắm, chạy ra đến bên cạnh và lấy hồ sơ của nàng vào làm dùm. Nội một
việc nho nhỏ như thế là cũng đủ cho nàng cảm động rồi. HLC nhớ hồi đó mình
cũng đang ngơ ngác nai vàng trước cửa sổ phòng Học Vụ thì một ông tướng
ngồi trong thấy và chàng kêu to “*Cô bé kia đưa hồ sơ đây*”. Mình sướng quá
đưa ngay và ấp úng “*Tôi vào giảng đường B học Hữu Cơ, anh cứ giữ dùm, cuối
giờ tôi lấy nhé*”. Ấy thế mà giữa chừng có lẽ chàng đã làm xong và phải về
hay sao không biết mà chàng ta ôm hồ sơ của tôi đi ngang giảng đường B nhìn
nhìn tìm tôi. Khi thấy được vị trí tôi ngồi, chàng tuồn xấp hồ sơ cho người
ngồi ngoài cùng và người ấy chỉ việc chuyển vào cho tôi.
 
Một chiêu khác cũng khá ăn tiền được lòng các “bé sinh viên lớp nhỏ” là cho
mượn “cours”. “Cours” là sách học không được in mà là quay roneo. Mấy ông
tướng lớp trên đã học qua, nên đưa “cours” cũ cho nàng mượn. HLC nhớ ngày
đó, mình cũng “oai” lắm vì vài lần người cho mượn “cours” không phải sinh
viên lớp lớn mà là chính giảng nghiệm viên cơ (Giảng nghiệm viên là những
vị dạy sinh viên các môn thực tập). Ông T.H.A của Vô Cơ rồi ô T.H.A của Hữu
Cơ là những vị “thầy” cho “trò” HLC mượn cours!
 
Bên cạnh chuyện trổ chiêu thức “dê” thế nào cho phù hợp với “đương sự” thì
ngày xưa các cậu cũng phải “dê cấp hai” với cả một “tập đoàn” bao quanh đối
tượng. Đó là phải theo nịnh hót lấy lòng “lũ em trời đánh” của nàng. Dường
như trời sinh ra cái “lũ trời đánh” này ranh mãnh như nhau. Chúng có đủ
mánh khóe để mấy chàng thả “dê” phải dẫn chúng đi ăn kem hay mua ô mai,
chocolat gì đó cho chúng. Tiếp đó là phải tấn công tuyến phòng thủ lô cốt
là bậc song sinh của nàng với sự trợ giúp của “lũ em trời đánh” sau khi
chúng được hối lộ no nê. Xem ra ngày xưa “dê” vất vả hơn bây giờ nhiều nhỉ?
 
Sau chuyện các chiêu thức “dê’ thì bàn đến lối tỏ tình để làm bằng chứng cụ
thể cho chuyện “dê”. Không biết thời buổi facebook bây giờ, bạn trẻ tỏ tình
ra sao sau một thời gian “dê” nhỉ? Một cậu cháu nói với tôi là không “tỏ”
gì cả, cứ nói chuyện, cứ hẹn hò đi chơi với nhau và cứ thế ngầm hiểu với
nhau là đủ. Ủa ngộ nhỉ? HLC nhớ ngày xưa, bị ảnh hưởng tiểu thuyết nên HLC
cứ ngỡ tỏ tình cũng giống như trong sách vở cơ. Nghĩa là mấy ông tiểu
thuyết gia hay tưởng tượng vầy: *Chàng cúi nhìn sâu vào đôi mắt nàng, run
run nói “ Anh yêu em”!*
 
Thật tình trên thực tế, tôi chả thấy chàng nào làm như vậy cả. Ông bố của
mấy đứa con tôi còn có một câu mà tôi “chán như con dán” vì nó chả thơ mộng
ướt át tí tị tì ti ông cụ nào cả. (Tôi chả ghi ra đây đâu. Xấu hổ chết!)
Tuy vậy thuở sinh viên tôi lại thích kiểu tỏ tình của một anh bạn. Số là
thế này, sau vài năm chơi với nhau khá thân, một hôm chàng chở tôi từ
trường về nhà và khi ngang Nhà Thờ Đức Bà, chàng thò tay ra phía sau nắm
tay tôi và nói “*Qg, anh muốn từ nay em không chơi với ai cả, chỉ chơi với
anh thôi*”. Giời ạ, lúc bấy giờ tôi vừa sợ vừa đỏ mặt. May mà chàng “hỏng”
thấy! Sau này tôi “chấm” đó là lối tỏ tình dễ thương nhất. Không có lãng
mạn tiểu thuyết *Anh yêu em* gì cả, cũng không trần tục gì hết mà chỉ giản
dị đúng kiểu con nhà lành “chăm phần chăm” và rất học trò “*Từ nay chỉ chơi
với anh thôi nhé*”.
 
Một ông tướng khác cũng có lối tỏ tình dễ thương. Chàng qua nhà tôi và đưa
tôi một cái thiệp rất đẹp. Bên trái là hàng chữ *Đoàn Dự*, dưới là tên
chàng; bên phải là *Vương Ngọc Yến*, dưới là tên tôi. Thuở ấy sinh viên ai
mà chả biết kiếm hiệp Kim Dung và mối tình say đắm của Đoàn Dự dành cho
Vương Ngọc Yến. Tỏ tình như vậy cũng hay phải không?
 
Ôi chuyện “dê” là chuyện muôn đời của con cháu Adam dành cho Eva. Thời buổi
facebook bây giờ thì có lẽ “dê” không còn là độc quyền của phe húi cua nữa
mà còn của phe kẹp tóc. Hẹn sang năm mới, Hoàng Lan Chi sẽ nói về chuyện
“dê” của phe kẹp tóc nhé.
 
*Hoàng Lan Chi 2/2015*


Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.