.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Ngàn khơi…


Truyện ngắn - Hoài Nguyễn


Từ ngày nghỉ hưu đến giờ, ông Minh mở trang Facebook và viết lách đủ thể loại trên đó như một cách tiêu khiển và giúp cái đầu đang trên quá trình lão hóa chậm bớt lại.
Bạn bè kết giao với ông thì cũng rất nhiều dạng mà đa phần ông đều chọn có cùng quan điểm, chính kiến, những người thuộc thế hệ “muôn năm cũ” với ông để giảm bớt những tranh luận vô ích vì dẫu sao cũng có thể hiểu nhau, dẫu là ảo…
Trong những người bạn kết thân trên mạng với ông, có một cô gái tầm ngoài ba mươi, nhưng ông đặc biệt chú ý, không phải vì cô ta trẻ đẹp hơn những người khác mà chỉ vì có … một đôi mắt phảng phất giống một “người quen” cũ cách nay bốn mươi năm. Chính vì đôi mắt của cô gái mà ông kết bạn chứ không có ý đồ gì, trong khi cũng còn khá nhiều người ông bỏ qua…
Cô gái này có cái tên theo nickname là “Nguyệt Minh”, không rõ là tên thật hay cũng chỉ là tên ảo nhưng cái tên Nguyệt khiến ông có ấn tượng vì người quen cũ của ông cũng tên Nguyệt – Thu Nguyệt!
Cô gái vẫn hay qua trang Facebook ông viết, đọc những bài thơ, những bài viết đủ thể loại của ông nhưng chẳng bao giờ để lại lời bình luận gì nhưng lại vào trong hộp thư và như “thông báo” lại với ông là đã đọc những bài thơ này, bài viết nọ, không khen không chê và không bày tỏ một cảm xúc nào! Cứ nhiều lần như thế khiến ông Minh càng chú ý về “hành tung” của cô gái có tên “Nguyệt Minh” này.
Một hôm nọ, ông Minh đăng bài thơ Ngàn khơi, cô Nguyệt Minh này đã chép lại nguyên bài thơ vào hộp tin nhắn:
Xưa nằm gối cỏ đếm sao trời
Nghe thoáng niềm đau chợt rụng rơi
Khi hiểu ngày qua là mộng tưởng
Giật mình sao còn mãi ngàn khơi?
Sao chuyện ngày xưa ám ảnh hoài.
Một đời sao mãi nhớ thương ai!
Dẫu cách ngàn khơi, xa vạn dặm.
Vẫn nhớ ai kia chỉ một ngày…
Đêm này nằm ngắm vạn sao rơi.
Nỗi nhớ trong em lại tơi bời.
Nhớ đêm quán nhỏ nghe giọt đắng.
Chia tay buồn chẳng nói nên lời.
Chẳng biết người đi có quay về?
Hay còn rong ruổi chốn sơn khê.
Để khuya em nhớ về xứ ấy…
Nhớ một chiều mưa giữa cơn mê…
Nhớ hoài rồi vẫn cứ ngàn khơi.
Vẫn mãi niềm đau giữa cuộc đời
Vẫn yêu, vẫn nhớ và lặng lẽ.
Còn lại chút tình thoáng chơi vơi …

Rồi sao đó Nguyệt Minh hình như có “cảm xúc” về bài thơ và họa lại chỉ bốn câu:

Nhớ lại ngày xưa thoáng chơi vơi.
Người đó, ta đây cách phương trời.
Nhớ nhung còn chỉ trong tâm tưởng.
Mãi mãi, người – ta, vẫn ngàn khơi!

Ông Minh cũng xúc động lắm, rồi sau đó những công việc bận bịu hằng ngày khiến ông rồi cũng tạm gác câu chuyện này.
**
Một hôm vẫn như mọi hôm, ông Minh mở máy tính định viết vu vơ về một đề tài nào đó, chợt thấy hộp tin nhắn có người gửi tin.
Ông mở tin nhắn xem thử của ai, thì ra là của cô Nguyệt Minh này.
Cô ta nói ngập ngừng trong tin nhắn: “Chào anh! … Đọc những bài thơ anh viết, những truyện anh viết … Em có linh tính…”
“Có linh tính về … chuyện gì thế cô?”. Ông Minh gõ vào tin nhắn.
“Dạ! Linh tính … anh là một người rất … thân quen”
“Chắc cô có… cảm tưởng vậy thôi! Mà tôi cũng vậy… Có một số người bạn trên này, tôi cũng có linh tính rất … thân quen”
“Hi! Hi! Anh lại trêu em rồi… Chắc anh người … Quảng?”
“Đúng vậy! .. Còn … cô?”
“Dạ! Em đã từng ở xứ … nẫu… hi… hi!”
Câu chuyện mới tới đó thì đột nhiên mất điện! Thế là ông Minh đành chưng hửng chẳng biết gì thêm về thông tin cái cô bạn Nguyệt Minh “bí ẩn” này.
Không hiểu do sự cố mất điện đột ngột, cô Nguyệt Minh này nghĩ là ông Minh không muốn nói chuyện với mình nữa nên đâm ra giận dỗi? Hơn tháng trời cô không nói chuyện gì với ông nữa. Ông cũng lặng thinh, xưa nay tính ông là thế, cứ im im không muốn nói gì nhiều…
Ông cũng mở xem thử thông tin về cô Nguyệt Minh này trên trang của cô ấy nhưng hầu như cũng chẳng có gì thêm ngoài vài bài thơ, nhạc tự chia sẻ ở mấy trang nào đó mà không có trang của ông. Rồi vài tấm hình dường như là phong cảnh ở nước ngoài trong đó chụp rất nhiều người có cả cái cô Nguyệt Minh như trong cái hình đại diện.
Ông quan sát và đánh giá thì cô này chỉ bằng nửa tuổi của ông, nghĩa là chỉ đáng tuổi con ông nên thôi cũng chẳng quan tâm làm gì, để dành thời gian viết lách!
Bẵng đi một thời gian hơn tháng sau thì một hôm ông Minh lại thấy xuất hiện tin nhắn của cô Nguyệt Minh này.
Lần nói chuyện sau thì ông Minh thật sự bất ngờ khi biết về cô Nguyệt Minh này!
Hai người nói chuyện rất lâu rồi “tấm màn bí mật” hé mở về mối quan hệ giữa ông Minh và cô Nguyệt Minh và thực ra đó chính là bà Thu Nguyệt, “người quen” xưa của ông Minh bốn mươi năm về trước…
***
Ông Minh ngồi và nhớ lại câu chuyện của những bốn mươi năm về trước…
Năm ấy, ông vừa đậu Tú tài toàn phần và sau bữa tiệc liên hoan của gia đình, Minh vào Quy Nhơn thăm ông bác ruột trong đấy.
Vào đến Quy Nhơn, do gia đình cô bạn cùng xóm là Hà, sau khi đậu Tú tài bán phần, không học tiếp nữa mà thi vào học Sư phạm Quy Nhơn có nhờ ông mang ít quà chuyển giúp, nên ông đến ghé thăm cô bạn này.
Hôm Minh đến đúng vào ngày chủ nhật nên nhà trường rất vắng vẻ vì hầu hết các giáo sinh tranh thủ ra phố xá rong chơi, nhưng may mắn, cô bạn Hà của Minh vẫn còn ở trong phòng của khu nội trú. Không những có Hà mà còn có một cô gái khác, sau phần giới thiệu của Hà, Minh mới biết là một cô gái cũng theo học sư phạm, tên là Nguyệt – Thu Nguyệt.
Nguyệt có gia đình ở Đà Nẵng, cha là một sĩ quan quân đội đã tử trận tại Quảng Trị, do xa nhà quá nên cũng giống như Hà đành phải ở lại, cũng chẳng đi chơi đâu.
Làm quen qua loa nhưng Minh lúc đó chợt như ngây ra vì … đôi mắt khá to của Nguyệt. Cô ấy nhìn Minh với mắt to đầy tinh nghịch như có ý dò xét mối quan hệ giữa Minh và Hà.
Sau một hồi Minh phân bua chỉ là một cô bạn hàng xóm, nhà gửi quà nên mang đến giùm, Nguyệt mới tỏ vẻ tự nhiên và nghịch ngợm “Tau tưởng anh Minh là bồ của mi, bây chừ thì không phải rồi hỉ! Tau có quyền …”. Minh nghe cô nàng nói đâm ra luống cuống và nghĩ thầm, mấy cô sao cũng bạo mồm ghê nhỉ!
Thế là Minh quen Nguyệt một cách ngẫu nhiên như thế và sau này Minh bạo dạn hơn đã ngỏ lời … với Nguyệt.
So với hai cô bạn này thì Minh lớn hơn khoảng hai ba tuổi gì đó do lúc nhỏ đi học muộn nên cả hai đều gọi Minh bằng anh và xưng em rất ngọt ngào.
Mấy ngày thăm ông bác ở Quy Nhơn thật hạnh phúc với Minh. Cứ chiều chiều, mượn chiếc xe đạp của ông anh, Minh đạp xe đến trường, khóa lại vứt đâu đó rồi vào phòng nội trú rủ cả hai cô Hà, Nguyệt ra bãi biển ngồi chơi, ngóng mây trời sóng biển và đủ thứ vu vơ. Mấy lần sau, Hà biết ý, tế nhị nên chỉ còn có Minh và Nguyệt dạo biển những khi chiều xuống…
Ở chơi nhà ông bác được tuần lễ thì Minh phải về nhà để ra Huế ghi danh vào Đại học Khoa học.
Buổi chiều cuối cùng gặp Nguyệt, Minh và cô nàng ngồi lặng lẽ trên bãi biển, thỉnh thoảng Minh nhìn thấy Nguyệt lấy ngón tay viết viết, vẽ vẽ những hình thù như hai quả tim đan xen vào nhau trên cát. Minh nhìn và chợt thấy trong lòng mình rưng rưng khi Nguyệt viết giữa hai trái tim đan xen hai chữ “Ngàn khơi”. Minh dự cảm chuyện mình chẳng rồi cũng … ngàn khơi như điềm báo trước từ Nguyệt!
Rồi Minh và Nguyệt cũng phải chia tay trong nỗi nhớ thương ghìm nén trong lòng mỗi người. Minh ra Huế học một thời gian rồi do tình hình chiến sự ngoài hỏa tuyến càng khốc liệt nên Minh theo ý của gia đình vào Sài Gòn …
Vòng đời xuôi ngược đổi thay đến chóng mặt trong khoảng một thời gian ngắn gần hai năm trời. Nguyệt ra trường về Đà Nẵng dạy học ở một trường tiểu học, còn Minh phải vào lính. Thư từ liên lạc giữa Minh và Nguyệt thưa dần và đến những ngày đầu tháng ba năm 1975 thì hoàn toàn bặt vô âm tín …
Sau năm 1975, Minh vào cao nguyên xa tít và đi dạy và bây giờ thì giã từ cái nghiệp gõ đầu trẻ.
****
Ông Minh giật mình, choàng tỉnh một giấc mơ quá xưa khi ngoài trời những cơn mưa đầu hạ rơi xuống ầm ầm kèm theo những cơn giông núi từ xa…
Đến gần khuya thì cơn mưa cũng dứt hạt và ông Minh mở máy để xem các bài vở tin tức.
Rồi ông Minh nói chuyện với Nguyệt, chuyện nhiều lắm và những câu chuyện Nguyệt kể như mạch nối với những dòng liên tưởng vừa rồi của ông.
Sau biến cố tháng tư năm 1975, Nguyệt vẫn tiếp tục đi dạy một thời gian, lấy chồng và đời sống quá khó khăn nên năm năm sau thì hai vợ chồng quyết định vượt biên. Lênh đênh trên biển hơn tuần lễ thì chiếc thuyền mong manh cập bến Phi Luật Tân và định mệnh đen đủi đã đổ ập lên đầu Nguyệt. Ông chồng trên đường vượt biển đã bị nhiễm bệnh và qua đời nơi đất khách, để lại mình Nguyệt bơ vơ chốn quê người.
Nén lại đau thương, Nguyệt phải tiếp tục sống và sau đó được đưa đi định cư ở Mỹ.
Nơi đất khách quê người, Nguyệt phải làm đủ thứ nghề nghiệp để mưu sinh và tồn tại. Sau đó lập gia đình với một người Việt đã di tản tới định cư tại Mỹ từ hồi năm 1975.
Đến năm 1985 thì hai người có một đứa con gái duy nhất, rồi người chồng thứ hai cũng qua đời sau một cơn tai biến.
Một mình Nguyệt sống lặng lẽ nuôi con ăn học, rồi Nguyệt đi làm cũng tương đối ổn định, đến nay cô con gái của Nguyệt đã có công việc làm tốt nên Nguyệt rãnh rỗi hơn trước. Chính cô con gái của Nguyệt có tên Nguyệt Minh và hình đại diện trên trang Facebook lập trang này cho Nguyệt để giải khuây lúc Nguyệt chẳng có việc gì làm. Cô Nguyệt Minh này theo Nguyệt kể là khi đặt tên con, Nguyệt nhớ đến ông Minh nên ghép luôn, đến nay Nguyệt Minh vẫn còn đơn thân mặc dù đã ngoài ba mươi rồi.
Ông Minh ngồi lặng nhìn những dòng chữ bà Nguyệt gõ, đọc chậm rãi và cảm thấy nghèn nghẹn trong cổ họng.
Bà chỉ mong ông khỏe và hy vọng sẽ có một ngày sẽ được nhìn thấy ông, dù chẳng biết để làm gì! Rồi bà xin số điện thoại của ông …
*****
Năm trước bác ruột ông Minh mất và ông đã về Quy Nhơn chịu tang. Đến tháng ba âm lịch năm này thì ông phải về mãn tang.
Ông cũng có kể chuyện này cho bà Nguyệt biết nhưng bà không nói gì.
Rồi đến ngày ông về dự lễ mãn tang ông bác. Xong việc được hai ngày, ông ở lại chơi thêm mấy ngày.
Một buổi chiều ở Quy Nhơn, ông Minh chợt nghe điện thoại reo và ông mở ra xem, đó là cuộc gọi của bà Nguyệt.
- Anh à! Em đang ở Quy Nhơn. Trước những quán ven biển phía trước trường Sư phạm ngày xưa đó… Anh có thể đến được không? Em ngồi chờ ở quán “Ngàn khơi”, bàn số 2 đó anh!
Ông Minh nghe tin Nguyệt về Việt Nam, mà lại đến nơi ngày xưa hai người từng hẹn hò, trong lòng ông thấy lâng lâng, trái tim đập thình thịch như thời trai trẻ!
Ông hình dung không biết khi đến gặp bà Nguyệt thì ông có còn nhận ra bà sau chừng ấy năm trời!
Duy có đôi mắt của bà Nguyệt thời trẻ cứ ám ảnh ông suốt cuộc đời. Chẳng thế mà khi nhìn thấy đôi mắt cô con gái Nguyệt Minh của bà, ông đã nhận ra ngay!
Ngày xưa lúc Nguyệt còn con gái, ông nhớ mãi đôi mắt và mái tóc dài ngang lưng của bà. Chắc bây giờ đôi mắt ấy vẫn còn phảng phất những nét đẹp buồn như ngày xưa, chứ có tuổi như bà thì mái tóc chắc cũng sẽ không còn như ngày nào…
Nghĩ mông lung như thế, ông vội vã tắm qua loa rồi mượn chiếc xe máy của ông anh con ông bác đi ra “điểm hẹn” với bà Nguyệt.
Đến nơi, nhìn quanh quất một lát, ông trông thấy cái quán “Ngàn khơi”, có lẽ vừa khai trương gần đây nên trông còn rất mới.
Ông gửi chiếc xe xong, đứng nhìn quanh quất như sợ có người nào quen bắt quả tang mình đang … hẹn hò với ai đó, có một chút hồi hộp xúc động, một thoáng bâng khuâng,
Ông từ từ từng bước chậm rãi vào quán, nhìn quanh quất cái bàn số 2 nhưng chỉ thấy chiếc bàn trống không!
Ông Minh vội rút trong túi ra chiếc điện thoại để định gọi lại cho bà Nguyệt, chưa kịp nhấn phím thì nghe tiếng chuông, cuộc gọi của bà Nguyệt.
- Anh cứ vào ngồi ở bàn số 2 đi…
Thế là ông cất điện thoại vào túi quần và vào ngồi ở bàn số 2 như bà Nguyệt dặn. Ông rút gói thuốc và châm lửa đốt một điếu, rít một hơi thì cô tiếp viên đến, hỏi ông dùng thứ nước giải khát gì! Ông lúng túng vì tâm trạng còn chờ thêm bà Nguyệt nữa, chưa kịp nói thì xuất hiện một cô gái trong bộ váy đen mà ông nhìn qua thì chính là cô … Nguyệt Minh trên Facebook!
- Cháu! Cháu là Nguyệt Minh… Cháu chào bác ạ!
- Ồ! À!!! Thế cháu là … con mẹ Nguyệt? Cháu là … Thế còn mẹ cháu?
- Dạ! Vâng, cháu là con mẹ Nguyệt… Và hôm nay cháu đến gặp bác thay cho mẹ cháu ạ! Mẹ cháu bị mệt bất ngờ, nhưng lỡ hẹn với bác nên cử cháu đi thay… Mong bác hết sức thông cảm và thứ lỗi cho mẹ cháu…
Ông Minh cứ như Từ Hải chết đứng!
Ông nhìn trân trân Nguyệt Minh. Nhìn vào đôi mắt thực ngoài đời chứ không phải là những tấm hình trên Facebook, sao hai mẹ con Nguyệt giống nhau như bản copy hai khuôn mặt đến như vậy!
Đôi mắt thì vẫn tròn to, đen láy nhìn ông như tinh nghịch.
Chỉ có mái tóc của Nguyệt Minh uốn lượn như sóng biển khác với mái tóc dài ngang lưng xưa kia của Nguyệt.
Ông thoáng buồn vì nghĩ thầm bà Nguyệt đã cố tình tránh né gặp lại ông vì ngại có cô con gái đi cùng chăng? Nhưng rồi ông tĩnh tâm nói chuyện lịch sự với Nguyệt Minh.
Hai người nói đủ thứ chuyện về đời sống, tình hình trong nước, về nước Mỹ nơi hai mẹ con đang sống rồi Nguyệt Minh kể là hai mẹ con cô về nước lần này là để xây mộ cho hai ông bà ngoại sau khi quy tập hai người về một nơi. Công việc cũng đã xong, ngày mai hai mẹ con vào Sài Gòn và bay về Mỹ…
Ông Minh thấy rưng rưng và thầm oán trách bà Nguyệt! Nhưng rồi ông chợt nghĩ với bốn mươi năm trời, có thể bà không muốn gặp lại ông trong hoàn cảnh của tuổi già, cái tuổi mà đôi mắt đẹp ngày xưa của bà chắc đã hằn trên khóe mắt nhiều vết chân chim và bà muốn mượn hình bóng con gái để cho ông nhớ về một thời đã xa chăng!
Ngồi hàn huyên hơn tiếng đồng hồ bên ly café và nước giải khát, ông Minh đốt hết gần gói thuốc với bao nhiêu suy nghĩ mông lung, tiếc nuối cuộc gặp gỡ … người xưa không thành! Kết thúc cuộc nói chuyện với Nguyệt Minh, cô lấy một gói quà trong chiếc túi mang theo và gửi ông Minh.
- Mẹ cháu từ Mỹ về thăm quê hương, cũng chẳng có gì hơn gửi biếu bác một chút quà mọn. Xin bác đừng chối từ…
Ông Minh buồn rầu, cầm lấy gói quà nói lời cảm ơn và cuối cùng chúc sức khỏe hai mẹ con, mong chuyến quay trở lại Mỹ bình an… Rồi ông lặng lẽ đứng lên nhìn quanh quất một lát rồi bước ra khỏi quán “Ngàn khơi”…
Ngày hôm sau hai mẹ con bà Nguyệt vào Sài Gòn thì ông cũng quay trở lại nhà trên phố núi…
******
Ông Minh về đến nhà mới mở hộp quà do Nguyệt Minh trao. Trong đó là một tập thơ do chính bà Nguyệt chép tay lại từ những bài thơ ông viết trên Facebook này, ông tính cả thảy hơn hai trăm bài! Kèm theo là một phong bì với 500 dollars mà bà Nguyệt viết trong một bức thư kèm theo trong tập thơ là số tiền này do con gái gửi cho bà, nhưng bà không có nhu cầu sử dụng, biếu ông để thuốc thang lúc ốm đau.
Rồi một cái bật lửa Zippo, vài cây bút thế thôi.
Một tuần sau, ông mở hộp thư trên Facebook và nhận được thư nhắn của bà Nguyệt:
“ Anh à! Em thật có lỗi với anh khi hôm đó em đã có mặt trong quán Ngàn khơi, nhưng em ngồi khuất bên trong, đeo kính mát khá to, chỉ em nhìn thấy anh mà ngược lại chắc anh sẽ không bao giờ nhìn thấy em vì có nhìn thấy đôi mắt ngày xưa của em đâu!
Anh cũng thay đổi nhiều quá và em, thì chắc anh cũng hình dung cũng đã già rồi, không kém gì anh! Thôi thì anh cứ cứ tưởng em như một con bé Nguyệt ngày xưa cách đây bốn mươi năm hơn là nhìn bà lão Nguyệt hom hem gần sáu mươi tuổi phải không anh…
Cái hình ảnh ban đầu lưu lại trong ký ức mỗi người vẫn không bao giờ già theo thời gian, nhưng thể xác hình hài con người thì không như vậy anh à!
Ngày xưa anh nói vẫn thích nhất đôi mắt em, thì vừa rồi, con gái em, Nguyệt Minh đã mang trọn vẹn đôi mắt ấy cho anh nhìn lại một lần nữa, có lẽ cũng là cuối cùng, cuối đời anh à! Không biết bao giờ em sẽ quay lại quê mình nữa rồi!
Còn em vẫn nhìn thấy anh một cách đầy đủ, già đi, ốm hơn xưa và anh cũng bớt hút thuốc đi… Anh hút nhiều quá đấy …
Mong anh bình thản, trở lại cuộc sống bình thường và từ nay em sẽ không… tồn tại trên thế giới ảo Facebook này nữa, anh không nên xao động vì những giấc mơ đã quá xa xôi anh nhé! Tất cả chúng ta đều đã bên kia dốc thời gian rồi anh à! Và còn nhớ nhau, mình hãy nhớ về những hoài niệm của một ngày xưa, một thời của yêu thương và nhung nhớ … Vĩnh biệt anh!”
Ông Minh đọc xong những dòng chữ, lặng người, bần thần xúc động và tự dưng hai giọt nước mắt lăn ra làm nhòe đôi kính lão…
Ông im lặng và thở dài …
Hoài Nguyễn – 22/6/2016

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.