.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2019

ANH HAI!


(Quý tặng Anh Chị DVB và Chị Yến)


Hồi học Hoàng Diệu, tôi chưa biết anh nhiều, vì anh trên tôi một lớp. Đến khi anh và anh xã tôi cùng một số đồng môn Hoàng Diệu cùng khối lớp vào đại học, các anh có dịp đón đàn em năm cuối (12) lên tham quan, thì chúng tôi có thân hơn… Năm sau, vào Năm nhất trường Đại học Cần Thơ, tôi trở thành “Cô Út” của một nhóm gồm 6 anh em, mà anh là anh Hai, và anh xã tôi là áp… út.
Tôi và chị Thủy học chung lớp, cùng ở trọ nhà chị Ba bán cơm trên đường Tự Đức (nay là Lý Tự Trọng) Cần Thơ. Có lẽ, đó là một trong những cơ duyên giúp anh Hai và chị Thủy quen nhau, rồi sau nên nghĩa vợ chồng. Chị quê xứ Thơm Rơm - Thốt Nốt, từ ngày về quê chồng sinh sống, đến nay xem như đã gắn bó gần cả đời với Sóc Trăng. Khi còn ở nhà tập thể, lẫn khi có nhà riêng, rồi mua ruộng xa tít chợ Sóc Trăng về phía Sung Đinh… chị trở thành hậu phương vững chắc của chồng nhờ việc nấu sữa đậu nành, quay rau má, vô chai, bỏ mối. Thoạt tiên chỉ khoảng ba bốn chục lít/ngày, sau tăng lên, gần chút trăm. Lúc ấy, anh Hai suốt ngày lo việc cơ quan, chị chăm sóc con cái cộng với ngần ấy việc, khá nhọc nhằn. Từ nhà đến ruộng khá xa. Muốn đi ra ruộng, phải đèo nhau trên xe, tới gởi xe tại nhà bạn Thu Hiền ở đường Chợ Gà (nay là Mai Thanh Thế) rồi lội bộ đi. Mà đâu phải đường khô ráo, rộng thênh, “hoành tráng” như bây giờ. Có khi chị cằn nhằn “Mua ruộng chi mà xa dữ vậy hổng biết nữa…” Chị nói vậy thôi chớ không hề bỏ bê mảnh ruộng. Chị vốn là người chịu thương chịu khó, hiền lành, hết dạ thương yêu chồng con…
Có lẽ cảm thương anh chị và các cháu của mình, cô em gái của anh đã đồng tình, cùng cha già rời quê nhà Tham Đôn ra Sóc Trăng để gia đình “gom về một mối”, nhằm tiện bề giúp đỡ anh, vừa tạo điều kiện cho anh Hai được ở gần cha mà yên tâm công tác… Từ ấy, việc chăm sóc ruộng nương, trồng và cắt huệ đem bán nghe má tôi kể, đa phần do cô em gái anh Hai đảm nhiệm!
Lúc nghe má nói anh Hai có miếng ruộng trồng huệ ở gần đâu miệt Sung Đinh, tôi không có ý định tìm tới nơi này tham quan. Vì mỗi lần về quê, vợ chồng tôi không có nhiều thời gian, chỉ tranh thủ tới thăm anh chị tại căn nhà ở phía sau hông trường Hoàng Diệu. Khi ấy, tôi cũng không biết gì nhiều về chị Yến, em gái của anh Hai. Chỉ thầm ngưỡng mộ chị về việc đã sẵn lòng buông bỏ sự nghiệp riêng, để đỡ đần, giúp sức cho gia đình anh trai mình…
Ký ức tôi còn lưu giữ về chuyến đi Hòa Tú, trên đường có ghé thăm ba của anh Hai tại Tham Đôn. Lúc ấy chị Yến đang làm việc ở xã (hay huyện gì đó), không có nhà. Bữa ăn hôm ấy có dĩa muối ớt chanh, và một chiếc rổ (tre, khá to) đựng đầy nhóc những con tép đất luộc đỏ au, thịt ăn ngọt lịm từ chân răng xuống tới dạ dày… Hồi đó Tham Đôn nghèo lắm, chợ xã đâu có nhóm lâu, nên cả nhà ăn tép luộc đã đời, mà tôi còn thòm thèm, xuýt xoa trong bụng “Phải chi có rau, bún, thịt ba rọi và bánh tráng cuốn, chấm tương đen xay trộn ít dưa củ cải trắng, cà rốt xắt sợi và mớ ớt bằm, đậu phọng…”. Ngày ấy anh Hai chưa cưới vợ. Ít lâu sau, ngày cưới của anh chị cách sau ngày cưới của vợ chồng tôi tròn đúng hai năm (trước Tết nguyên đán khoảng tuần lễ). Đó cũng là ngày cúng thất đầu tiên của ông Nội tôi. Nhưng bà Nội tôi vẫn bình thản cho phép “Tụi con cứ đi đám cưới tụi nó đi. Nội cũng thương hai đứa nó. Người sống và ngày cưới quan trọng hơn…”
***
Bây giờ, mỗi khi về Sóc Trăng, vợ chồng tôi thường tranh thủ tới thăm gia đình anh chị Hai. Căn nhà nhỏ phía sau trường Hoàng Diệu đã chia phần cho con trai giữa. Đứa con đầu lòng cùng gia đình nhỏ của nó thì đang sinh sống ở Sài Gòn, khá đơn chiếc vì hai con còn nhỏ, mà cha mẹ đều đi làm. Có dạo chị Thủy phải lên trên ấy phụ giúp bởi cháu nội đau bệnh, ốm yếu. Song, từ khi anh Hai bất ngờ bị tai nạn, phải điều trị mất mấy tháng mà cái chân vẫn không lành hẳn… thì chị ở nhà cho đến nay. Dù vậy, chị luôn trong tư thế sẵn sàng, hễ trên thành phố ới một tiếng là chị sẽ lên đường đi tiếp ứng.
Như vậy là, trừ con trai út độc thân, trong nhà có ba người đều ở vào độ tuổi U70. Mỗi lần chúng tôi ghé thăm, cả nhà vui phết. Nào nấu sẵn chè bạch quả, củ năng “ăn cho mát”, hoặc chặt dừa tươi “uống cho mát”. Nào hái ổi, hái rau, có khi cắt huệ, để vào bọc (có nước) “cho hoa được tươi lâu” biểu chúng tôi “khuân” về Cần Thơ… Ngoài gia đình hai bên của vợ chồng tôi, gia đình anh Hai thật sự như một gia đình ruột thịt. Mỗi khi bước vào nhà anh, tôi như có cảm giác về lại chính ngôi nhà mình - bởi không khí trong lành, nồng ấm, và vô cùng mát mẻ. Đến khi từ giã, dọc đường về Cần Thơ, tôi lại có cảm giác rưng rưng, với nỗi niềm “lại rời đi, lại nhung nhớ Sóc Trăng!” Biết làm sao! Hai con tôi được sinh ra tại Cần Thơ. Anh xã tôi dù đã nghỉ hưu, vẫn còn khối việc làm nơi ấy… Thôi thì, cứ chấp nhận, như từ mấy chục năm nay: Mỗi năm, chúng tôi sẽ về thăm quê vào những lần giỗ chạp, vào dịp Tết, hoặc vào những dịp cưới hỏi của con cháu quý đồng môn Hoàng Diệu thân yêu…
Bây giờ, có thêm lý do để chúng tôi càng thường xuyên đến với gia đình anh Hai hơn nữa. Đó là, tôi vô tình phát hiện, ngoài việc vườn, ruộng và mang sản phẩm nhà vườn ra chợ bán, chị Yến có niềm say mê duy nhất là đọc sách. Có lần chị nói với tôi rằng, quần áo đẹp chị không cần, chị chỉ mê đọc sách. Bất cứ một tờ báo hay quyển sách nào có trong tay, chị đọc cho bằng hết. Những cuốn tập san hoặc kỷ yếu qua những lần kỷ niệm thành lập trường Hoàng Diệu, chị đọc không sót chữ nào…
Vậy là, tôi có “mối” để tặng sách. Hết sách của chính mình, tôi lục thêm từ tủ sách gia đình, mang về Sóc Trăng tặng chị.
Xin cảm ơn chị Yến - người cho tôi năng lượng và động lực, tiếp sức tôi trên cuộc hành trình “trả nợ dâu”!
Nguyễn Thị Thanh Ngọc
(12-7-2019)

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.