.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

TÁCH CÀ PHÊ MUỐI




Suốt 50 năm bên nhau, phút biệt ly ông để lại bức thư khiến bà khóc nức nở vì ‘bị lừa dối’


Tình yêu không chỉ là cảm xúc của con người, nó còn là cội nguồn của sức mạnh, của tinh thần lạc quan, của lòng dũng cảm và sự kiên cường. Tình yêu giúp chúng ta giải quyết rất nhiều vấn đề trong cuộc sống, giúp ta dễ dàng tha thứ cho những sai lầm và dẫn dắt ta tới những bến bờ hạnh phúc.

Đó là buổi tối tháng 6 lộng gió, chàng trai gặp cô gái tại một bữa tiệc ở một nhà hàng gần biển. Cô là người xinh đẹp, dịu dàng và phần lớn khách trong buổi tiệc đều chú ý đến cô. Trong khi đó, chàng trai lại là một người rất bình thường, không có gì đặc biệt, cũng chẳng ai để ý tới anh. Anh cũng dõi theo cô ngay từ khi cô bước vào.

Cuối cùng, khi buổi tiệc kết thúc, chàng trai ngượng nghịu tới mời cô gái uống café cùng mình. Cô gái vô cùng ngạc nhiên. Trước mặt cô là chàng trai có vẻ rụt rè, ngượng ngùng nhưng phong thái vô cùng lịch sự và lời mời của anh thể hiện sự quan tâm dành cho cô.
Cô gái đáp lại sự chân thành của chàng trai và họ ngồi ở một chiếc bàn nhỏ trong góc phòng tiệc. Nhưng chàng trai vì quá hồi hộp và lo lắng nên mãi không nói được điều gì, chỉ ngồi mân mê tách café, cô gái cũng cảm thấy bất tiện.
Bỗng nhiên, chàng trai gọi người phục vụ: “Xin cho tôi một chút muối để cho vào café.”
Mọi người trong phòng đều hết sức ngạc nhiên và họ đổ dồn ánh mắt về phía chàng trai. Chàng trai đỏ mặt và mặc dù lúng túng, anh vẫn xúc một thìa muối cho vào cốc café và uống.

Nhìn chàng trai điềm tĩnh uống từng ngụm café, cô gái hết sức kinh ngạc và tò mò: “Sở thích của anh thật kỳ lạ.”
Chàng trai giải thích: “Khi còn nhỏ, tôi sống gần biển. Mỗi khi chơi cùng bạn bè bên bờ biển, tôi có thể cảm nhận được vị mặn chát và nồng nồng của nước, giống như café cho muối vào vậy. Vì thế, mỗi khi uống café với muối, tôi lại nhớ về tuổi thơ và quê hương của mình. Tôi nhớ tất cả những người bạn thời ấu thơ và cả sự lam lũ, vất vả của những người dân quê tôi.” Nói rồi anh quay ra nhìn biển đêm, lắng nghe tiếng sóng dạt dào vào bờ như đang hồi tưởng và trở về miền quê yêu dấu của mình.

Nhìn chàng trai và lắng nghe những chia sẻ chân thành của anh, cô gái thực sự xúc động. Một người đàn ông yêu nơi mình sinh ra, không quên tuổi thơ vất vả, nghèo khó hẳn sẽ là một người yêu gia đình, sống có trách nhiệm và nghĩa tình. Cô gái dần cảm mến chàng trai và trở nên cởi mở hơn. Cô tâm sự với anh về gia đình, quê hương và những sở thích của cá nhân cô. Họ trò chuyện cùng nhau quên thời gian, sự xa lạ ban đầu đã trở thành sự thân quen, đồng cảm. Trước khi ra về, họ hẹn lần gặp mặt tiếp theo.

Qua những lần gặp gỡ, cô gái nhận thấy chàng trai là một người lý tưởng và phù hợp với cô. Anh tốt bụng, chân thành, ân cần, biết suy nghĩ cho người khác và anh thực sự yêu thương cô. Cô gái biết rằng mình đã tìm được người bạn đời của mình, chính nhờ vào cốc café muối.
Một năm sau lần gặp gỡ đầu tiên, họ kết hôn. Kể từ đó, mỗi sáng cô gái đều pha cho chàng trai – nay đã là chồng cô – một cốc café cùng một thìa muối. Cô biết rằng chồng cô rất thích như vậy. Suốt 50 năm bên nhau, người chồng luôn luôn uống cốc café muối và cảm ơn vợ đã thức dậy từ sớm để chuẩn bị cho mình cốc café ngon đến thế.

Sau 50 năm, người chồng mắc bệnh và qua đời. Ngày chồng mất, người vợ tìm thấy một bức thư viết cho cô được đặt dưới chiếc gối:
“Gửi vợ thân yêu!
Mong em hãy tha thứ cho lời nói dối suốt cả cuộc đời của anh. Đó cũng là lời duy nhất anh dối em trong suốt 50 năm của chúng ta, là lời nói dối về cốc café muối. Em còn nhớ lần đầu tiên anh mời em uống café không? Lúc đó anh đã quá lo lắng, anh định hỏi xin một chút đường, nhưng lại nói nhầm thành muối. Anh cũng quá lúng túng và ngượng nghịu nên đã không lên tiếng đính chính lại. Vì thế, anh đành lấy muối cho vào cốc café, cố gắng uống với vẻ mặt hài lòng và nghĩ ra câu chuyện về tuổi thơ sống gần biển để nói với em. Trong những năm tháng chúng ta bên nhau, anh đã muốn thú nhận sự thật với em rất nhiều lần, nhưng rồi anh sợ em sẽ không tha thứ cho anh. Bởi vậy, anh đã tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ nói dối em, phản bội em hay làm tổn thương em một lần nào nữa. Anh cố gắng để trở thành người chồng em có thể tin tưởng và tự hào, như một lời xin lỗi chân thành cho lời nói dối ban đầu của anh.

Bây giờ anh đã đi xa rồi, anh cũng đã có đủ can đảm để nói với em sự thật. Anh không thích café muối, anh cũng cảm thấy đây là món kỳ quặc nhất trên đời. Nhưng mỗi sáng được uống một cốc café muối của em, anh chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc hay đau khổ. Nếu được làm lại, anh sẽ vẫn hành động như vậy, để chúng ta có duyên phận ở bên nhau. Anh sẽ uống café muối suốt cả cuộc đời.”
Người vợ cầm lá thư trên tay và đôi mắt cô đẫm lệ. Cô cảm thấy hạnh phúc khi biết mình đã bị lừa dối hơn 50 năm. Có lẽ, nếu không có lời nói dối ấy, cô đã chẳng yêu và kết hôn với chồng của mình. Và nếu không có cốc café muối mặn chát và đắng ngắt mà chồng cô điềm tĩnh uống, cô đã không tìm được duyên phận của đời cô.

Khi yêu thương chân thành và rộng lượng, đúng sai thực sự không còn là vấn đề. Chàng trai trong câu chuyện trên đã dùng cả tấm lòng mình để yêu cô gái, để tự tập thói quen vốn không hề dễ chịu: uống café muối và mang lại hạnh phúc cho cô. Vậy mới hiểu, tình cảm trong sáng đơn thuần sẽ vượt qua những rào cản, những ngăn cách trong tâm hồn để đem con người lại gần nhau hơn.

Mỗi chúng ta có cơ hội gặp gỡ nhau trong cuộc sống này, dù với danh nghĩa bạn bè, vợ chồng hay hàng xóm đều do những mối cơ duyên được sắp đặt sẵn. Vậy mà, có những khi vì bận rộn với công việc và các nhu cầu cuộc sống, ta lãng quên những người xung quanh mình, và lãng quên mối duyên phận thiêng liêng của chúng ta với họ. Tuy nhiên, chúng ta luôn cần quan tâm, chia sẻ với nhau, dành tình yêu thương chân thành dành cho nhau, nếu không, cuộc sống sẽ trở nên ảm đạm, buồn phiền, giống như trái đất thiếu đi ánh mặt trời.


Têresa Ngọc Nga st





Lời hứa của người cha :

Chuyện kể rằng, năm 1989, một trận động đất 8,2 độ Richter gần như san bằng Armenia, làm hơn 30.000 người chết trong vòng 4 phút. Trong cơn hỗn loạn, có một người đàn ông dặn vợ mình ở nhà cho an toàn, rồi chạy ào đến trường, nơi con trai của ông đang học
Ở đó, ông nhìn thấy một đống đổ nát - ngôi trường đã sập hoàn toàn. Ngay lúc đó, người đàn ông nhớ đến lời hứa ông luôn nói với con mình:
- "Dù thế nào, bố cũng luôn bảo vệ con!".
Và ông bật khóc khi nhìn đống gạch vụn đã từng là trường học. Rồi ông bắt đầu cố định hướng xem lớp của con mình nằm ở vị trí nào. Góc bên phải phía sau của trường học! Ông lao đến và bắt đầu bới đống gạch đá.
Nhiều vị phụ huynh nhìn thấy người đàn ông làm như vậy, họ vừa khóc vừa kéo ông ra, kêu lên:
- "Quá muộn rồi!", "Anh không làm được gì đâu!", "Về nhà đi!", hoặc "Chúng ta phải chờ cứu hộ đến thôi!"...
Nhưng để đáp lại những lời đó, người đàn ông chỉ nói đúng một câu:
- "Giúp tôi một tay!" - và ông vẫn tiếp tục bới đống gạch, cẩn thận quẳng từng viên gạch, từng mảng tường ra ngoài.
Đội cứu hộ đến và họ cũng cố lôi ông ra khỏi đống đổ nát. - Chúng tôi sẽ lo việc này! Ông về nhà đi! Nhưng người cha vẫn dọn dẹp từng viên gạch, và chỉ đáp:
- Giúp tôi một tay đi!
Cảnh sát cũng có mặt. Họ cũng khuyên can người đàn ông:
- Anh đang trong trạng thái không ổn định. Anh có thể gây nguy hiểm cho mình và cho người khác, đề nghị anh về nhà!
Nhưng họ cũng chỉ được nghe một câu đáp:
- Giúp tôi một tay!
Một người, rồi nhiều người bắt đầu vào "giúp một tay". Họ đào bới đống gạch suốt 8 tiếng... 12 tiếng... 24 tiếng... 36 tiếng... Và đến tiếng thứ 38, khi kéo một tảng bê-tông ra, dường như họ nghe thấy tiếng trẻ con.
- Armand? - Người đàn ông gọi to, giọng nghẹn lại - và ông nghe tiếng trả lời:
- Bố phải không? Con ở đây này! Con đang bảo các bạn đừng lo, vì bố sẽ đến cứu con, và cứu cả các bạn nữa! Bố đã hứa bố sẽ luôn bảo vệ con mà...
14 học sinh trong số 33 em ở lớp của Armand được cứu sống hôm đó, vì khi ngôi trường sập xuống, một tảng bê-tông to đã chèn vào tạo thành cái "hang" nhỏ và các em bị kẹt. Armand đã bảo các bạn đừng khóc, bởi vì "bố tớ sẽ đến cứu chúng ta".

Sưu tầm.

Tình trên biên giới

Bài báo này tôi dụng ý không viết về chết chóc, buồn khổ nữa khi phải viết về trận đại dịch Corona.
Câu chuyện tình tôi sắp kể với quý vị vô cùng dễ thương, điểm dễ thương đầu tiên là cả chàng và nàng đều tin tưởng mối tình đó là mối tình cuối cùng trong đời họ; điểm dễ thương thứ nhì là điểm hẹn gặp hàng ngày của họ là biên giới giữa Đan Mạch và Đức; điểm thứ ba là tuổi tác của họ: chàng 89, nàng 85.
Từ nhiều năm nay nhiều nước Âu Châu đã trở thành quốc gia thành viên của Liên Âu, thay đổi đó giúp họ có thể gặp nhau hàng ngày mà không cần xin passport, giống như người Texas có thể lái xe lên Nữu Ước hoặc qua Cali chơi mà chỉ cần cái bằng lái xe làm căn cước.
Nàng là cụ bà Inga Rasmussen người Đan Mạch và chàng là người Đức -cụ ông Karsten Tüchsen Hansen; ngày ngày cụ bà lái chiếc Toyota Yaris xuôi về hướng Nam, trong lúc cụ ông đạp chiếc xe điện ngược lên hướng Bắc. Điểm hẹn là hàng rào biên giới Đức-Đan Mạch.
Điểm hẹn của đôi tình nhân cộng chung được 174 tuổi. (NY Times)

Cái bàn họ ngồi uống cà phê là do cụ bà Rasmussen đem đến, hai cái ghế là phần đóng góp của cụ ông Hansen. Con đường biên giới mới được chặn để ngăn con vi khuẩn Corona, mặc dù con bụi giết người đó không thích đi bộ, do đó cái hàng rào không gây được tí trở ngại nào cho nó cả.
Hai cụ ngồi trên đất Đan Mạch; vài ngày đầu cảnh sát Đan Mạch có tò mò dòm ngó, nhưng công dân Liên Âu ngồi trên lãnh thổ Liên Âu cũng chẳng phạm tội vạ gì, dù họ ngồi trên đường xe chạy, nhưng xe không chạy, vì đã có hàng rào biên giới cấm xe.
Cái xe đạp của cụ ông được báo chí Mỹ gọi là electric bike -xe đạp điện; tôi không hình dung được nó như thế nào, điện gắn ra sao? Điện có giúp cụ Hansen khỏi đạp không; tôi vào từ điển online đánh chữ electric bike và tìm được tấm ảnh này.
Electric bike - cái xe đạp điện của cụ ông Hansen trị giá $499 (Getty Images, và chiếc Toyota Yaris của cụ bà Rasmussen trị giá $17,472 (Toyota).
 Cả hai cụ đều đã hồi hưu, cho nên hai cái xe không nói lên lợi tức của họ, ngày còn trẻ cụ ông là một nông gia, và cụ bà là một bà caterer -người nấu và bán thực phẩm bà nấu sẵn cho khách mua và đem về nhà ăn.
Cụ Hansen giải thích với các phóng viên đến thăm họ trong một bữa ăn biên giới, “Chúng tôi gặp nhau mỗi ngày; ngày nào cũng gặp, không gặp thì nhớ. Trước nạn đại dịch, bả lái xe xuống thăm tôi, hoặc tôi đạp xe lên thăm bả; giờ này chính phủ rào biên giới để ngăn con virus Corona, nhưng không ngăn cách chúng tôi được.”
Cụ bà đem theo một bình thủy cà phê; họ ngồi trên đường nhâm nhi, cách hàng rào biên giới khoảng 1 thước - vô cùng an toàn, và cũng vô cùng tình tứ. Cuộc Thế Chiến Thứ Nhì cũ đến 75 năm, chỉ còn là những ký ức đã phai mờ của cả hai người tình lão niên.
Sau tuần cà phê, cụ ông Hansen đem chai Schnapps và một cái ly nhỏ ra bầy trên bàn; hai cụ uống chung một ly, hoặc nói đúng hơn, cụ bà Rasmussen chỉ nhắp môi chia xẻ một thoáng hơi men với người tình.
Chai Schnapps, một loại rượu mạnh của người Đức
Cụ ông trịnh trọng rót rượu ra ly, rồi một tay cầm cành hoa, tay kia cầm ly rượu mời cụ bà; cụ bà nhận hoa, nhận rượu rồi ôm hôn cụ ông, trước khi đưa rượu lên môi; cả hai trịnh trọng như một nàng dâu và một chàng rể.
Có thể trong tâm tưởng, họ đang cử hành hôn lễ. Trước kia, ngày chính phủ chưa đần độn rào đường biên giới để ngăn con Coronavirus, cụ Hansen thường mời cụ Rasmussen xuống Đức ăn tối; trong bữa ăn cụ bà kể chuyện vui là ngày còn trẻ cụ thường dạy con gái là “Never marry a German,” vì đó là con đường mà người Việt dạy con bằng câu châm ngôn:
Hoài con mà gả chồng xa,
Một là mất giỗ, hai là mất con.
Cụ bà có ba cô con gái, cô trẻ nhất cũng đã gần 50; các cô hỏi mẹ, “Giờ này ai cản mẹ lấy chồng Đức?” Cả hai cụ cùng có hạnh phúc gia đình kéo dài trên dưới sáu thập niên; và khi chôn người phối ngẫu, họ cũng đã bước vào tuổi bát tuần thượng thọ.
Cụ bà Rasmussen, thường tâm sự, “Tám mươi ngoài, ai còn nghĩ đến việc bước thêm bước nữa?” Cụ không nói thêm câu “Vậy mà giờ này, một ngày không gặp nhau là thấy nhớ.”
Cụ ông Hansen nói với cô phóng viên Mỹ phỏng vấn họ, “Chúng tôi bị chia cách từ ngày 13 tháng Ba năm nay, khoảng cách giữa chúng tôi không chỉ có 6 phít, mà là 20 cây số. Bữa đó bả vội vàng lái xe về Đan Mạch; lái nhanh cũng mất 15 phút.”
Từ ngày hôm sau khoảng cách chia đôi, cụ ông đạp xe điện Bắc tiến, trong lúc cụ bà lái Toyota xuôi Nam, để gặp nhau và đồng ca bài 'Tình Trên Biên Giới.' Người địa phương tôn trọng cuộc tình cuối đời của hai người cao niên; giai thoại 'cuộc pic nic’ mỗi 3 giờ chiều được truyền thông hai nước Đức và Đan Mạch kể lại qua nhiều bài tường thuật thiện cảm.
Một phóng viên kể lại là cụ ông Hansen than “We can’t kiss. We can’t make love.”
Tội nghiệp cụ; mất hai điều thích thú đó là cụ thiệt thòi bạc triệu, mặc dù suốt cuộc đời nông dân cụ chỉ biết cúi mặt xuống đất, và chưa bao giờ nhìn thấy 1 triệu bạc.
Giống như anh ký giả viết bài báo này, cũng nghèo và cũng già như cụ.

Nguyễn Đạt Thịnh









Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.