.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Dân Sài Gòn Với Tuyệt Chiêu “Sà Bì Chưởng ” !



“Sà Bì Chưởng” nói lái của Sườn Bì Chả, là bộ “tam sên” huyền thoại của món cơm tấm Sài Gòn, món mà nhìn theo khía cạnh văn hóa ẩm thực, là “chưa ăn coi như chưa đặt chưn tới Sài Gòn”, Tại sao lại là cơm tấm và tại sao lại kèm bộ “tam sên” ? , đó là cả một câu chuyện dài gắn liền nhiều biến cố văn hóa và lịch sử nữa, ở góc độ một người yêu thương Sài Gòn, tôi chỉ viết về những cảm nhận bên lề món cơm tấm nổi danh thiên hạ này.

Cơm tấm, dĩ nhiên là cơm nấu bằng tấm, tấm trong tấm cám, là một phế phẩm, là những hạt gạo bể trong quá trình xay xát gạo. Ngày xưa, thời lúa gạo đầy bồ, tấm thì dành nuôi gà, cám thì dùng nuôi heo, rồi gà heo lại nuôi người, chưa ai nghĩ dùng tấm để ăn. Sau ở miền tây nước nổi mấy tháng liền, gạo ăn cũng hết mà đất không có để thả gà, dân tình bèn dùng tấm nấu ăn thử, thấy ngon, tự đó có món cơm tấm ra đời. Cơm tấm xưa chỉ là dân cắt lúa, vác lúa mướn hoặc dân làm đồng xa nấu ăn, vừa chắc bụng lại vừa ngon miệng. Gạo tấm nở ít, lại dính nhựa gạo và còn nhiều bụi cám nên rất khó nấu, nhưng nấu đúng cách ăn kèm món gì cũng ngon, no lâu và rất bổ, thường được dùng nấu bữa sáng, vừa đỡ ngán vừa no luôn tới trưa.


Rồi người Pháp qua đầy Sài Gòn, có xe đò lục tỉnh, xe lửa Mỹ Tho, Hóc Môn, có đò khách xuôi Bến Nghé, Chợ Lớn, có đường xá hàng quán mọc dài theo lộ xe, theo từng thị tứ… món cơm tấm bắt đầu được chuộng nhiều hơn, như một bữa sáng chợ, tuy nhiên để cho nó trở nên văn minh tây phương, có thể bán cho dân buôn, công chức hãng sở, cho lính Pháp, hay lính Mã Tà, cho người Hoa, người Ấn… món cơm tấm không giống, hoàn toàn không giống một món cơm bình thường, nó được phục vụ trong dĩa, ăn với muỗng nĩa chứ không dùng chén đũa truyền thống.

Thời này, cũng tương tự như bánh mì Sài Gòn, cơm tấm là một biểu tượng mang tính huyền thoại của giao thoa văn hóa ẩm thực đông tây nam bắc, cơm tấm ăn bằng dĩa với muỗng nĩa, ăn kèm thịt nướng kiểu người Pháp, bì thính của người Bắc và chả chưng của người Hoa…. ngoài thành phần chánh, là tấm để nấu cơm, và “sườn bì chả” vay mượn, thì người Sài Gòn đưa vào món cơm tấm hai thứ tuyệt vời, hai thứ quyết định độ quyến rũ của món ăn huyền thoại này, đó là nước mắm chua ngọt và mỡ hành. Nước mắm chua ngọt và mỡ hành thường dùng ăn kèm bánh hỏi heo quay, nhưng khi kết hợp với cơm tấm tạo ra một món ăn ngon “bá đạo”, chính mỡ hành làm cho hạt tấm, cùng với vị cám nồng, trở nên béo và thơm hơn, bớt rời rạc hơn, và nước mắm chua ngọt sẽ thõa mãn tất cả các yêu cầu còn lại của mọi cái lưỡi, dù khó khăn đến đâu chăng nữa khi người Mỹ đến Sài Gòn thì cơm tấm là món ăn đường phố được phổ biến nhiều rồi, các tiệm cơm tấm lớn bắt đầu hình thành chớ không còn chỉ là hàng quán bờ bụi hẻm hóc bờ kinh bến xe nữa. Món cơm tấm trở thành món điểm tâm được ưa chuộc bậc nhứt Sài Gòn, từ công hầu vương tướng cho đến xích lô ba gác đều dùng được, và đi kèm với dĩa cơm tấm sườn bì chả bốc khói thơm lựng mỗi sáng, là ly café đá Sài Gòn, cũng huyền thoại không kém. Café đá kiểu Sài Gòn không thể nhái được, nó pha bằng vợt, bột café phải rang khen khét với vị bắp cháy kèm một giọt mắm nhỉ và một mẩu bơ nhỏ, đá được bào mịn, café được oánh cho lên bọt trắng… kiểu vậy. Sáng dậy làm đúng hai món này coi như đã đến Saigon 

Sau này, kinh doanh cơm tấm phát triển mạnh mẽ, lượng tấm tự nhiên không đủ cung ứng nên người ta “xay lại” gạo thành gạo bể, dùng thay gạo tấm, cái này làm dở cơm tấm đi rất nhiều, bởi gạo bể do xay lại sẽ thiếu mất phần nhựa gạo và bột cám, làm hạt cơm tấm lúc này không còn ngon như trước, dù dẻo hơn và thơm hơn, nhưng không ngon hơn. Giờ cơm tấm cũng đa dạng hơn rất nhiều, ngoài món chính là sườn bì chả thì có gà, ốp la, mực, đậu, lạp xưởng… nhưng chỉ là phục vụ khách ăn trưa, ăn tối, chớ điểm tâm thì dứt phát phải là “sà bì chưởng” mới đúng điệu…

Sườn nướng là thành phần cơ bản, là anh cả của bộ tam quyền lực “sà bì chưởng”, quán nào lựa sườn đẹp, ướp sườn ngon, nướng sườn đều, mềm vừa, thơm lựng, ngọt lịm… là quán đó đông liền. Nhiều quán đông bán mỗi ngày mấy thau sườn ướp, có quán mà hai con bé quạt than nướng sườn đứng kế nhau mà quanh năm không nhìn thấy mặt nhau vì khói bay mịt mù. Miếng sườn đẹp là có miếng xương, dải thịt dày mềm, có một viền mỡ mỏng… có nhiều cách để ướp sườn ngon các bạn có thể tham khảo trên mạng, riêng cá nhân tôi, tôi hay dùng nước mắm ngon kết hợp với sữa đặc hiệu “ông thọ” thay cho đường, bảo đảm sườn mềm và thơm ngất trời, ngọc hoàng thượng đế còn muốn bỏ xuống trần gian.

Buổi sáng mấy quán cơm tấm thường đặt đầu hẻm, lò than đốt trước, rồi khi đặt miếng sườn đầu tiên lên, thằng cha chủ quán mới lấy cái quạt máy, chơi ác đạn chĩa quạt vô lò đẩy khói bay thẳng vô hẻm, luồng khói than cuộn theo mùi sườn nướng thơm dậy trời theo con hẻm vào từng nhà, đánh thức khứu giác của từng người. Rồi như một phép màu, lần lượt cư dân hẻm sẽ ra, người đóng bộ đi làm hãng sở, trẻ nít đồng phục đến trường, ghé qua mần dĩa cơm tấm, lứa sau là các bạn làm khuya dậy trễ hay người già tập thể dục về, vô quán hoặc ra ngồi quán café cóc gần đó, đưa ba ngón tay cho chủ quán, vậy là có dĩa “sà bì chưởng” qua tới bàn café…đó là cách mà chưởng pháp “sà bì chưởng” vận hành cả cái Sài Gòn nầy.

…Nhiều người đi xa nhớ Sài Gòn, cũng chưa biết mình nhớ gì, bị trúng chưởng rồi mà, nên tôi chắc rằng, họ nhớ mùi sườn nướng buổi sáng, nhớ lúc đóng bộ ra đầu hẻm, đưa ba ngón tay gọi “sà bì chưởng”, kèm ky café đá khen khét, lật tờ nhựt trình đầy tin cướp giựt truy nã, rồi chéo chưn ngồi nghe tiếng xe cyclo máy chạy ầm ì, vậy thôi, mà nhớ….

Theo Đàm Hà Phú



MẸ TÔI CHƠI FACEBOOK

Cách đây 5 năm , một hôm mẹ bảo tôi : " Mày mua cho mẹ cái điện thoại thông minh đi . Hôm nay đi họp lớp ai cũng chấm chấm - lướt lướt... Còn tao cứ bấm bấm cái cục gạch , ngượng hết cả người... Mang tiếng con làm giám đốc !!!
Thế là tôi tức tốc mua ngay cho mẹ một cái sam sung E 100 , màn hình khủng . Phải mất 3 tối để hướng dẫn mẹ cách thao tác , cách viết chấm phẩy... Hòm hòm thì mẹ lại bảo : "Mày lập cho mẹ cái phây búc ! " . Tôi gãi đầu " Mẹ toàn bạn già , ai ở trên fb đâu mà lập fb làm gì ?" - " Mày đừng đùa , bạn tao toàn trên fb kìa . Hôm nọ gặp nhau chúng nó còn hỏi "nick" mày là gì để còn gửi lời kết bạn ?!"
Thế là tôi lại mất 3 tối lập fb cho mẹ . Hướng dẫn mẹ lai chim - còm - đăng ảnh - viết sờ ta tu... . Ối giời.. Dạo mới vào fb mẹ ngày nào cũng chụp mâm cơm rồi : " mời mọi người ăn trưa " - " Mời mọi người ăn tối "
Đầu tiên mọi người cũng hào hứng vào lai rồi bình luận rôm rả : " Cơm ngon quá - Chị nấu ăn khéo ghê - Ôi ngon thế..."
Sau ngày nào cũng " Mời mọi người ăn cơm" mọi người vừa no vừa chán nên lai và còm cũng thưa thớt dần . Mẹ lại ngẩn ngơ mất mấy ngày tìm đề tài . Không biết tang cái gì lên cho hót . Tôi gợi ý : "Thời trang đi mẹ . Con thấy các bà bây giờ trình diễn thời trang trên phây ghê lắm "
Thế là các bộ sưu tập váy bướm được tung tít mù lên fb . Đầu tiên là váy dài - váy ngắn - Váy xóe - váy bó - váy hoa - váy màu...Like rồi còm cứ ào ào như sôi . Lần này mẹ tỉnh hơn . Không bị sa đà lâu về váy . Mẹ chuyển sang áo dài . Thế là lại đi may đi mua áo dài . Chụp sen , chụp đào , chụp cúc họa mi , chụp dưới nắng , chụp dưới mưa , chụp dưới lá rụng.... Kính thưa các kiểu chụp . Áo nào cũng chỉ chụp một lần rồi bỏ xó không chụp đến lần hai ( như thế mới sành điệu không đụng hàng). Báo hại tủ quần áo quá tải . Gãy cả sào treo trong tủ
Cứ ít lai ít còm là mẹ lại chuyển kênh ngay . Tiếp đến là khoe đi du lịch . Ảnh lên rừng xuống bể lôi ra đăng hết . Có cái từ đời nảo đời nào , nhưng ai hỏi "chị đi du lịch à ?" Mẹ cũng trả lời ngon xoét " Ừ , chị vừa đi " (đúng là sinh cái điện thoại ra để nói dối mà)
Tiếp theo là khoe chơi thể thao . Mẹ lên bà Triệu mua ngay một cái xe đạp . Lên bờ hồ nhờ mấy người cùng thể dục chụp hộ mấy kiểu (ở các góc độ của hồ gươm) rồi đăng phây... Gớm lại cơn mưa lai với cả còm . Mẹ suốt ngày hý hoáy trả lời bình luận , thì giờ đâu mà thể dục với chả đạp xe . Thế
là xe đạp lại vứt xó
Ối giời , cứ coi thường các cụ ... Hóa ra các cụ còn nhiều chiêu trò hơn cả thanh niên . Các cụ không "chém gió" mà "chém bão" nhé . Ảnh toàn chụp 360° cứ gọi là lung con mẹ linh . Chả ai bảo 60 - 70 tuổi . Các "anh 50" trên fb toàn gọi mẹ là "em" ... ặc ặc
Chưa hết đâu , mẹ bắt đầu tập tọe làm thơ ( mẹ bảo họ thấy tao trả lời bình luận có chất thơ nên đưa vào mấy trang thơ liền )
Đầu tiên thì cũng vài câu thơ con cóc . Đại loại :
- Hôm nay trăng sáng ngời ngời
Tôi ngồi bên cửa tơi bời nhớ ai"
Thế mà hót hòn họt luôn nhớ . Lai rồi còm cứ gọi là như mưa như gió . Vậy là mẹ nổ thơ như pháo hoa . Nói của đáng tội , càng làm , thơ mẹ càng hay ( nghe nói hồi nhỏ đi học mẹ cũng giỏi văn lắm) Bây giờ thì thơ mẹ nổi như cồn . Lượng chia sẻ lên đến vài trăm . Nhiều kẻ còn copi rồi đạo thơ của mẹ nữa . Hồi đầu bị đạo thơ mẹ cũng tức lắm . Cũng tìm vào tận tường của đứa đạo thơ để "đấu tranh" ... Mãi rồi cũng thôi . Bây giờ có ai mách , mẹ chỉ cười " Thơ hay người ta mới đạo . Không hay ai đạo làm gì ? Thôi kệ !"
Nhiều hôm mẹ mở fb rồi ngồi cười một mình . Thằng con 3 tuổi của tôi thấy bà cười thì tò mò " Có cái gì trong điện thoại mà bà cười thế ? Cho con xem ?"
Hai zaa... Chuyện fb của mẹ thì còn nhiều lắm . Lúc nào rỗi dãi tôi lại kể cho mà nghe ... Nhưng của đáng tội từ ngày có fb mẹ vui vẻ yêu đời hơn. Tính cách trẻ trung hẳn . Dù gì thì cũng phải cảm ơn phây búc

Bài và ảnh Đỗ Xuân
20/8/2020



Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.