.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2021

ĐÁ MÒN NHƯNG DẠ CHẴNG MÒN - TIỂU TỬ

Vợ chồng tôi dọn về ở trong cái làng nhỏ này đã hơn ba tháng. Mấy đứa con của chúng tôi nói : Ba má già rồi mà ở trong Paris đâu có tốt. Nội cái không khí ô nhiễm cũng đủ làm cho ba má bịnh lên bịnh xuống hoài. Vậy là chúng nó kiếm mua một cái nhà ở xa Paris . . .

Nhà có đất chung quanh, có mấy cây pomme, mấy cây cerise. Hồi dọn về là đầu mùa xuân , mấy cây đó trổ bông màu hường màu trắng đầy cành. Ở mấy nhà hàng xóm cũng vậy, hoa nở rộ hầu như cùng một lúc, nên trông thật là đẹp mắt.

Biết là mùa xuân nhờ hoa nở và chồi non, chớ thật ra thời tiết ở Pháp mấy năm gần đây đi . . . trật lất. Mùa xuân mà cứ tưởng như mùa thu, cứ mưa lất phất rồi hết mưa là trời đổ sương mù. Cứ như vậy kéo dài đến bây giờ, theo trong lịch, là đã đầu mùa hè mà vẫn còn nghe lành lạnh!

Hôm nay tự nhiên trời bỗng trở nắng. Nắng thật ấm, thật trong. Người ta vội vã mang đồ ra phơi đầy sân : quần áo, drap, mền . . . Đủ màu sắc, đủ cỡ, coi vui nhộn như một ngày lễ!

Tôi cũng thấy phấn khởi, bèn rủ nhà tôi đi chơi một vòng. Bởi vì từ ngày dọn về đây, ngoại trừ những lúc phải “xẹt” ra tiệm thịt, lò bánh mì, hàng rau cải v.v. . . chúng tôi cứ ru rú ở trong nhà vì thời tiết xấu. Nhà tôi không chịu đi, nên tôi đi mình ên . . .

Làng này tuy nhỏ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ. Ở đâu cũng thấy trồng bông : dọc theo vỉa hè, ở các ngã ba ngã tư, mặt tiền nhà phố . . . Giữa làng là một nhà thờ nho nhỏ nằm trên một vuông đất cao hơn mặt đường gần một mét, cũng trồng đầy bông.

Chảy ngang qua làng là một con suối nhỏ, rộng độ mươi thước, chui dưới cây cầu đá rối uốn khúc quanh quanh trước khi rời làng xuôi về phía dưới. Hai bên bờ suối là hai con đường tráng xi-măng chạy dọc theo hai hàng cây. Rải rác, có mấy băng gỗ đóng thô sơ, nhưng vẫn nằm giữa những lùm bông đầy màu sắc. Có nơi, không hiểu sao người ta đặt băng gỗ nằm cạnh bờ nước giống như làm chỗ ngồi cho người đi câu!

Tôi ngồi xuống một cái băng cạnh bờ nước. Vì không nằm dưới tàn cây nên ở đó đầy nắng. Tôi đốt điếu thuốc rồi nhìn quanh : chẳng có ai hết. Nhớ lại, dân trong làng chỉ đổ ra đường vào ngày chủ nhựt, bởi vì ngày đó nhóm chợ lộ thiên và lại là ngày phải đi Lễ nhà thờ. Còn ngày thường thì chỉ có mấy ông già bà già đi khệnh khạng trên hè phố hay dọc bờ suối khi nào trời tốt. Hôm nay, trời tốt đó chớ, nhưng sao chẳng thấy ai đi. Tự nhiên, tôi cảm thấy bơ vơ lạc lõng . . . Lại nhìn quanh, chỉ thấy xa dưới kia là gác chuông nhà thờ một mình đứng cao lêu nghêu!

Con suối không sâu, nước trong nhìn thấy đáy. Dòng nước chảy nhanh nhanh. Khi gặp mấy tảng đá lớn, nước bắn lên trắng xóa coi thật sinh động, nhìn không chán.

Lòng suối đầy đá cuội tròn tròn. Cũng có những cục đá to nhưng chẳng có viên đá nào còn góc cạnh. Viên nào cũng nhẵn thín.

Nhìn nước chảy, nhìn đá mòn, tôi bỗng nhớ đến hai câu chót của bài học thuộc lòng thuở nhỏ :

“Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ. . .”

Hai câu thơ đó không có gì hết, vậy mà nó làm tôi ứa nước mắt ! Không phải nó chỉ nhắc tôi thời thơ ấu, thuở học vui học buồn bằng quyển “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, mà nó còn nhắc tôi một cái gì sâu đậm hơn là kỷ niệm, một cái gì to rộng mênh mông hơn là không gian thời gian, một cái gì mà trong cuộc đời lưu vong này tôi vẫn mang mểnh trong tâm tư, giống như một chất ma túy: nó nhắc tôi quê hương, cái quê hương xa cách ngàn trùng!

Tính ra, tôi bỏ xứ ra đi đã hơn hai mươi bốn năm. Một phần tư thế kỷ! Trôi nổi đó đây với nhiều âu lo dằn vật, thêm tuổi đời cứ chồng chất mãi lên. . . nên ký ức bị xói mòn theo năm tháng. Đến nỗi chuyện gì xảy ra hôm tuần rồi, hôm tháng trước. . . có khi không nhớ! Vậy mà hình ảnh của quê hương vẫn còn nằm nguyên đâu đó ở trong lòng, với những kỷ niệm vụn vặt của năm sáu chục năm về trước! Chỉ cần một chất xúc tác là nó bật lên rõ rệt, không thiếu một chi tiết, làm như mình đang sống trong đó mới hôm qua hôm kia. . . Tình yêu quê hương sao mà kỳ diệu như vậy được?

Nơi tôi sanh trưởng cũng là một cái làng nho nhỏ. Nó không ngăn nắp sạch sẽ, không được trang hoàng bằng những bông hoa đầy màu sắc như ở đây. Cũng không có con suối nhỏ chảy ngang để hai bờ được nối với nhau bằng cây cầu đá. . .

Làng tôi nằm bên tả ngạn một con sông lớn, quá lớn nên thấy cái làng như nhỏ xíu ! Con sông đó có cái tên chẳng chút gì ‘văn chương’ : sông Vàm Cỏ. Trong làng chỉ có một con đường tráng nhựa : đó là đường liên tỉnh, cũng còn được gọi là “con lộ cái” nối xóm trên xóm dưới. Ngoài ra, toàn là đường đất mà tiền thân của chúng nó là những con đường mòn, nối xóm Nhà Máy, xóm Lò Heo qua xóm Lò Gạch, xóm Chùa … Cho nên những con đường trong làng đều chạy cong cong quanh quanh!

Làng tôi cũng có chợ nhà lồng, ngày nào cũng nhóm, nhưng chỉ nhóm có buổi sáng. Nằm cạnh chợ là “Nhà Việc”, nơi . . . làm việc của những “nhà chức trách” trong làng. Xế xế về phía con lộ cái là trường tiểu học với hàng rào cây bông bụp, lá xanh um láng mướt.

Làng tôi không có nhà thờ nhưng có một ‘kiểng’ chùa nằm trên một khu đất cao, có rào tre xanh chung quanh. Hồi tôi còn nhỏ, thấy cũng nằm xa dân chúng, vắng vẻ u tịch (hồi đó, tôi ít dám đi ngang qua đó một mình vì . . . sợ ma!) Về sau, dân chúng càng ngày càng đông, nhà cửa cứ xây cất tiếp nối nhau kéo dài ra hướng chùa, rồi “đi” xa hơn về phía con lộ cái. Vì vậy, chùa bị lọt trũm giữa khu nhà dân, không còn biệt lập như trước.

Nhà cửa trong làng nhỏ lớn gì cũng có hàng rào. Phần nhiều là hàng rào cây xương rồng và cây bông bụp (cũng gọi là bông lồng đèn) Xương rồng cũng trổ bông lai rai, hoa trắng nõn nà mỏng manh như lụa, khác hẵn với thân cây mang đầy gai góc! Còn bông bụp thì cứ nở thè lè đỏ cây. . .

Đó! Làng tôi đó! Quê trân! Chẳng chút màu mè. Vậy mà sao tôi vẫn thương.

. . .Thương những con đường đất mà hai bên là bờ cỏ may. Đến mùa, cọng cỏ may đưa bông lên tua tủa tím ngắt, chỉ chực bám đầy ống quần nào bất chợt đi ngang.

. . .Thương những đoạn đường quằn, mùa mưa nước ngập phải xăn quần tém áo để đi qua, trong lúc trẻ con một lũ ở truồng nằm lăn chập chũm, tóe nước nhau cười vui như hội.

. . .Thương bờ sông Vàm Cỏ với những cây dừa trồng không thẳng hàng, cũng không chia đều khoảng cách, giống như “mạnh ai nấy trồng”! Mấy cây dừa đó, nằm quá gần bờ nước nên rất nhiều cây thiếu đất để giữ gốc, chúng nằm dài ra phía sông cách mặt nước độ một đôi thước rồi uốn mình đưa ngọn đứng thẳng lên cao. Vậy mà cũng đơm bông kết trái! Trẻ con thường trèo lên đó để phóng xuống nước nô đùa lặng hụp, và dân ở dọc bờ sông hay đem mền chiếu ra vắt lên đó để phơi.

. . .Thương con đường lên chùa có hai bờ tre xanh lả ngọn giao nhau làm cho con đường giống như một cái hang mát rượi. Ở đó, mỗi trưa đứng bóng, những người dọn hàng từ chợ về nhà thường dừng chân núp nắng, và chiều chiều đường vắng cũng thấy thẫn thơ một cặp gái trai . . .

. . .Thương cả cây phượng nằm bên bờ đường trước nhà ông Cả. Thân nó to bằng ba người ôm, gốc rễ lấn luôn ra mặt đường. Ai đi qua cũng phải bước vòng để tránh! Đó là cây phượng độc nhứt ở trong làng. Không biết ai trồng và tại sao lại trồng ở đó? Chỉ biết hằng năm vào mùa thi là cây trổ hoa đỏ trời. Sau đó là hoa rụng đỏ đất.

. . .Và còn thương nhiều thứ nữa, kể biết bao giờ cho hết!

Nhà tôi ở trong Xóm Mới. Gia đình tôi nghèo. Cha tôi trồng rau cải, mẹ tôi hằng ngày gánh xôi ra ngồi bán ngoài chợ. Cha mẹ tôi chỉ có hai đứa con trai : tôi và thằng Cu, nhỏ hơn tôi sáu tuổi. Cha tôi chết bịnh hồi mẹ tôi sanh thằng Cu . . .

. . .Nhớ hoài, thời tôi học tiểu học. Sáng nào, sau khi húp tô cháo với miếng đường thẻ, tôi ôm cặp đựng sách vở mà ông nội tôi làm bằng giấy dầu để khỏi bị ướt nước mưa, đi theo mẹ tôi ra chợ. Vì phải đem thằng Cu theo – lúc đó nó được hơn hai tuổi – mẹ để nó ngồi trong một cái thúng, gióng ở đầu đòn gánh phía trước, còn lá chuối, xôi, nhưn, dừa nạo v.v… vồn trong một thúng gióng ở đầu sau. Mẹ gánh như vậy mà bước chân đi sai sải. Đòn gánh nhún lên nhún xuống làm thằng Cu khoái lắm. Lâu lâu, mẹ đổi vai, đầu đòn gánh nhún xuống hơi sâu và tưng lên hơi cao làm anh ta cười hắc hắc để lòi bốn cái răng cửa nhỏ xíu. Những lúc đó, anh ta thuờng gọi tôi để khoe : “Hai ! Hai ! Coi nhè ! Coi nhè!”.

Tôi học chỉ có buổi sáng. Mẹ tôi bán ở chợ cũng vậy. Trưa, chợ tan sớm hơn trường học, mẹ gánh thằng Cu đến ngồi đợi tôi dưới cây trứng cá gần cổng trường. Thấy tôi ra, thằng Cu đứng lên, vừa nhảy tưng tưng trong cái thúng vừa la : “Hai! Hai!”. Anh ta ở truồng – lúc nào cũng ở truồng – bên trên bận áo bà ba vải đen của bà nội may cho, đầu đội cái nón hình chóp bằng lá chuối mẹ xếp rồi ghim bằng cọng chân nhan . . . Mẹ đưa tôi gói xôi (đã thành lệ, ngày nào mẹ cũng chừa cho tôi một gói) tôi ngồi xổm cạnh mẹ, vừa ăn vừa đút cho thằng Cu. Ăn xong, tôi chạy qua bên kia đường xin một gáo nước ở nhà thầy giáo Hiển, rồi mang cho ba mẹ con uống (vì trong trường chỉ có một lu nước, không đủ cho đám học trò nên thầy Hiển đặt trước nhà thêm một lu. Vào giờ ra chơi, học trò bu qua đó đông như kiến.) Uống xong, mẹ gánh thằng Cu bước đi thông thả, tôi lon ton chạy theo song song . . .

Hồi đó, vì phải chạy lúp xúp nên có lần tôi nhìn xuống bước chân của mẹ, coi mẹ đi cách nào mà mình cứ phải chạy theo lúp xúp! Mẹ đâu có bước lẹ, mẹ bước đều. Mẹ đi chân không, mỗi bước chân của mẹ giậm xuống làm tung lên một chút bụi đường. Tôi nhìn chỉ thấy có như vậy. Bây giờ, hơn sáu chục năm sau, ngồi ở trời Tây này, tôi đâu cần nhìn mà sao vẫn thấy được – thấy rõ – hai bàn chân của mẹ. Hai bàn chân to bề ngang, mấy ngón chân chè bè không bao giờ xếp lại được. Hai bàn chân xấu xí đó chưa từng đụng tới đôi giày đôi dép. Hai bàn chân chỉ biết có đôi guốc dong khi rửa chân đi ngủ, hay khi đi dự dám giổ, đám tang . . . Hai bàn chân đó đã bám lấy đất để đứng vững một mình nuôi hai thằng con, hỏi sao không chè bè cục mịch cho được?

Tôi bồi hồi nhớ lại lần tôi lau rửa đôi bàn chân của mẹ. Đó là hồi mẹ tôi mất sau một thời gian dài nằm bịnh ở nhà thương (Mẹ ngã bịnh từ ngày hay tin thằng Cu chết trận ở Đắc Lắc…) Tôi lau chân mẹ lần đó là lần đầu và dĩ nhiên cũng là lần cuối cùng. Tôi lau gót chân nứt nẻ. Tôi lau lòng bàn chân chai mòn. Tôi lau những ngón chân tròn cứng như những hòn sỏi. Tôi lau chân mẹ bằng suối nước mắt và bằng tất cả sự thận trọng như khi lau một món đồ thật là trân quí…

Tôi đốt điếu thuốc, thở một hơi khói dài. Lại nhớ hồi học lớp nhứt, có hôm tôi bắt chước bạn bè lén hút thuốc. Mẹ tôi thấy được, lôi tôi vào nhà bắt đứng khoanh tay để “hỏi tội”: “Hai ! Ai cho mầy hút thuốc, hả? Ai dạy mầy hút thuốc, hả? Mầy bắt chước ai, nói tao nghe coi? Mới có bây lớn đó mà bày đặt hút thuốc!”. Rồi mẹ chụp cây chổi chà dựng gần đó: “Tao phải đánh mầy cho mầy chừa.” Mẹ vừa nói “Chừa nè!” vừa đập cây chổi lên đít tôi thật mạnh. Cứ mỗi một câu “Chừa nè!” là một phát chổi. Mẹ đánh một lúc rồi liệng cây chổi, trèo lên bộ ván, ngồi co chân, rút cái khăn rằn đấp lên mặt khóc. Tôi đứng chết điếng, nghe mồ hôi chảy dài theo xương sống, không thấy đau ở đít mà đau ở đâu trong lòng. Bởi vì đó là lần đầu tiên tôi làm cho mẹ tôi khóc. Tôi mếu máo, rặn ra mấy tiếng : “Dạ . . . con xin chừa . . . “

Vậy mà lớn lên, khi ra đời, tôi đã . . . không chừa! Tôi tập tành hút thuốc hồi tôi đi lính, bởi vì “ở tiền đồn trời khuya đêm lạnh, ta chia nhau điếu thuốc ấm lòng”. . . Mỗi lần về phép, chẳng bao giờ tôi dám hút ở nhà vì trận đòn chổi chà thuở nhỏ vẫn còn đeo theo ám ảnh! Tôi hút ngoài đường . . .

Một hôm, đang đứng hút thuốc với mấy thằng bạn cùng xóm, bất thần mẹ tôi đi qua. Tôi vội vã liệng điếu thuốc xuống đất. Mẹ tôi dừng lại, mỉm cười : “Mầy làm cái gì vậy, Hai? Mầy lớn rồi chớ bộ còn con nít sao. Bây giờ, mầy có hút thuốc, tao cũng đâu có bắt mầy chừa!” Rồi bỏ đi một nước!

Mẹ tôi như vậy đó. Quê mùa mộc mạc như làng của tôi, vậy mà tôi vẫn thương. Tôi thương, đâu cần mẹ tôi phải đẹp, quê hương tôi phải sang. Tôi thương, vì tất cả đều gắn liền với tôi từ thuở tôi ra chào đời. Tôi đã quen thở, quen sống trong vòng tay của mẹ, giữa lòng quê hương; đã lớn lên trong cái thật thà chân chất đó. Cho nên hình ảnh của mẹ, của quê hương đã ghi sâu vào lòng tôi đến độ khi thiếu vắng, tôi thương tôi nhớ. Và tình thương đó vẫn chưa thấy mòn, mặc dầu bây giờ tôi đã ngoài bảy mươi . . .

* * *

Mặt trời đã lên cao. Thấy có vài người hứng nắng bên bờ suối. Tôi đứng lên đi về nhà mà miên man nghĩ: “Những hình ảnh mà mình vừa gợi lại khi nãy sao mà dễ thương như vậy. Mình phải viết ra để cho nó có chỗ đứng bên ngoài ký ức, cho các con các cháu của mình thấy và hiểu tại sao hơn hai mươi bốn năm sống trên đất Pháp, cha và ông của chúng nó không nói ‘thương nước Pháp’ mà cứ nhắc hoài người mẹ đi chân đất và cái làng quê mùa không có đến hai con đường tráng nhựa!”

Vào nhà, tôi đi thẳng lại bàn viết. Vợ tôi chắc đang nấu bếp nên nghe phất ra thơm phức mùi thịt kho tiêu. Tôi lấy xấp giấy trắng, không cần đốt điếu thuốc, không cần hớp mấy ngụm nước trà để trợ hứng. Bởi vì cái hứng đang ở ngay trong tôi, căng đầy . . .

Tôi cầm bút nắn nót viết cái tựa bằng chữ hoa: “ĐÁ MÒN NHƯNG DẠ CHẲNG MÒN”...

Tiểu Tử

Bên Gốc Mai Già Xuân Vắng Vẻ


Bên gốc Mai già Xuân vắng vẻ
Âm thầm thiếu nữ khóc hoa mai
(J. Leiba, 1912-1941)

Trong văn hóa Đông phương, từ cả mấy ngàn năm nay, khi tiết trời vào buổi lập Xuân, luận bàn về hoa cảnh thiên nhiên thì đa số các thi nhân mặc khách, văn sĩ nho gia vẫn xếp hoa Mai vào loại quý nhất trong ngàn hoa. Cũng không phải vô cớ mà bao nhiêu họa sĩ, điêu khắc gia từ bao đời vẫn xem Mai là hoa quý đứng đầu trong bảng xếp loại tứ hữu: Mai, Lan, Cúc, Trúc. Theo thời gian, quan điểm đó đã trở thành mặc nhiên như một lời xác nhận bởi vì hoa Mai mãi mãi là hoàng hậu giữa ngàn hoa xinh đẹp. Từ một hệ thực vật lạ kỳ của thiên nhiên, mai đã biết chen vào đời sống con người nhờ vẻ đẹp mỏng manh nhưng cao sang. Ở vị thế khởi đầu cho chu kỳ sinh thái của vạn vật, vẻ đẹp của mai có thể làm tăng thêm những ước vọng thăng hoa của con người, vừa làm dịu đi những nhọc nhằn vất vả trong đời sống. Hơn thế nữa, trong một chừng mực nào đó, mai là tác nhân tô điểm sự thanh cao cho cuộc sống chúng ta về khía cạnh thẩm mỹ và nghệ thuật.

1. Hoa Mai Trong Ký Ức:

Sách vở từ ngàn xưa và những công trình nghiên cứu khoa học của những nhà khảo sát thực vật hôm nay đều đi đến một kết luận tương đối giống nhau trong cách phân loại hoa Mai. Với tên gọi khoa học Dohna Harman, Mai được phân thành 3 loại là Hoàng Mai, Bạch Mai và Hồng Mai. Riêng Ochna Integerrima thuộc họ Hoàng Mai.

Tại Việt Nam, bạch mai được tìm thấy ở Sài Gòn, Gia Định và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên theo học giả nổi tiếng Vương Hồng Sển thì nguồn gốc xuất xứ của giống mai trắng được xác định là từ xứ Chùa Tháp Cao Mên, được du nhập vào miền Nam nước Việt theo một trình tự thời gian lâu dài.

Hồng mai một thời được tìm thấy nhiều tại Cao nguyên Trung phần. Ngày nay còn lại rất ít tại Lâm Đồng, Đà Lạt. Riêng mai Trường An hay còn gọi là mai tứ quý, tuy có đặc điểm nở hoa nhiều mùa khác nhau nhưng vẫn được xếp vào dạng Hoàng mai vì màu sắc, mùi vị và quá trình sinh thái không khác với mai vàng. Mai tứ quý còn được hiểu như là biểu tượng của tình bằng hữu và được đặt tên từ một điển tích khá dễ thương trong văn học Trung Hoa. Về điển tích của mai Trường An, trong số báo Xuân trước đây, tôi đã có dịp đề cập về sử tích và đặc tính của loại mai nầy cũng trong một bài viết về hoa mai và mùa Xuân.

Trong ba loại Mai vừa kể, Hoàng Mai mãi mãi vẫn là hoa Mai rực rỡ nhất, tươi đẹp nhất, đài các nhất và tốn nhiều tâm sức nhất cho các văn nhân, thi sĩ và họa sĩ. Do đâu và vì sao? Câu giải đáp cũng tương đối giản dị vì mai vàng từ hàng ngàn năm nay, trong nếp sống văn hóa Đông phương, các nhà mỹ học và nghệ thuật cây cảnh dân gian đều mặc nhiên nhìn nhận mai là hoàng hậu trong các loài hoa. 

Nét quyến rũ kín đáo, đài các nhưng mảnh mai gợi cảm của hoa mai đã nói lên đầy đủ những điều mà người đời muốn ca tụng loài hoa vương giả. Mai vàng giữ được màu sắc thuần khiết nhất - màu vàng rực rỡ thắm tươi như biểu tượng cho vương quyền và bản sắc cao ngạo - cho dù chỉ một lát nữa thôi, mai sẽ lìa cành rơi rụng theo từng cơn gió nhẹ mùa Xuân. Dù mảnh mai, nhỏ bé, Mai vẫn vươn thẳng và mạnh mẽ trong gió mưa, kiêu hãnh khoe sắc vàng tươi thắm. Đặc điểm của hoa mai là dù rơi rụng tơi tả trong gió mưa vẫn không phai nhạt màu sắc. Vì thế, Mai là biểu tượng cho người quân tử, kẻ sĩ bất khuất với cốt cách phi phàm, ẩn sâu một tâm hồn lãng mạn, thanh tân nhưng luôn luôn phảng phất mùi hương cao quý.

Bên gốc Mai già Xuân vắng vẻ
Âm thầm thiếu nữ khóc hoa mai.
 
Theo tôi thì thiếu nữ khóc hoa mai vì thương tiếc cho một loài hoa vương giả nhưng suốt kiếp vẫn âm thầm và cô đơn. Đài các, rực rỡ tươi thắm biết bao mà phải cay đắng chịu cảnh sớm nở chóng tàn. Có phải vì hoa đẹp lộng lẩy quá, kiêu sa quá nên bị tạo hóa đố kỵ giở thói ghen tương. Và nếu “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” là một điều có thực như thi hào Nguyễn Du đã viết trong truyện Kiều thì hoa mai dù là hoàng hậu của muôn loài hoa cũng đành chịu chung số phận nghiệt ngã trước sự hờn ghen của hóa công mà thôi. 

Suốt thời kỳ ấu thơ, người viết có nhiều cơ hội theo gia đình cư ngụ suốt dải đất miền Trung. Nhất là những năm cuối cùng của giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1950-1954) tôi theo gia đình về Bình Định và có dịp sống nay đây mai đó ở Hoài Ân, Kim Sơn, An Lão, Thiết Đính, Bồng Sơn, Hoài Nhơn dọc theo sông Lại Giang rồi Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước...

Trong mớ ký ức hỗn độn, nhỏ nhoi và lụn tàn của mình hiện tại. Tôi chỉ còn lưu lại chút ít hình ảnh những năm theo gia đình chạy xa vùng giao chiến để tránh lửa đạn, nhất là bom đạn thả xuống từ máy bay của quân Pháp. Tuổi thơ ngày ấy vô tư không biết sợ chiến tranh và những hệ lụy bi thảm của nó. Tuổi thơ của tôi là những ngày rong chơi trên những cánh rừng mai bạt ngàn, những đồi sim bát ngát ở những địa danh vừa kể. Cho đến tận bây giờ, sau mấy chục năm bể dâu của lịch sử dân tộc với những thăng trầm của dòng đời. Tôi vẫn nhớ như in, sắc vàng tươi thắm rực rỡ của những cánh rừng mai bạt ngàn năm xưa vào những ngày đầu Xuân có gió về se lạnh

Có một điều rất thú vị mỗi khi đọc sử liệu và địa dư chí Việt Nam, ta lại bắt gặp rất nhiều thôn xã, núi non trùng tên như Bạch Mai, Hoàng Mai, Hoàng Sơn, Mai Sơn.... dẫu rằng chúng ở cách xa nhau, có khi cả trăm cây số, khác tỉnh, khác miền. Ông bà của chúng ta ngày xưa hình như có thói quen rất mộc mạc, đơn sơ, giản dị khi đặt tên cho khu vực thôn làng mình đang ở. Điều gì đó đặc biệt đập vào mắt họ nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày, họ sẽ dùng nó đặt tên cho nơi mình cư ngụ để thể hiện tình cảm của mình đối với đất đai nơi chôn nhau cắt rốn và cũng sẽ là nơi trưởng thành của nhiều thế hệ tiếp nối.

Tôi nhớ ở Tuy Phước (Bình Định) có nhiều thắng cảnh thiên nhiên rất đẹp, gợi cảm, dễ lôi cuốn lòng người như Kỳ Sơn, Phụng Sơn. Đặc biệt gần Kỳ Sơn có thôn Hoàng Mai rất xinh đẹp nằm ven triền đồi thoai thoải dưới chân núi Mai Sơn bốn mùa xanh thẳm. Chỉ riêng tên gọi Hoàng Mai thôn và tên núi Mai Sơn không thôi, đã gợi cho ta biết bao hình ảnh xinh đẹp khiến ta hình dung được một điều rất rõ là khu vực ấy có rất nhiều mai vàng.

Thực ra, ngọn Mai Sơn không lớn, cũng không có nhiều cây to nhưng sắc núi xanh thẳm quanh năm. Dưới chân núi Mai Sơn có ngọn suối nhỏ nước trong veo, chảy từ từ trong lòng cát trắng mịn. Dọc suốt triền đồi thôn Hoàng Mai có giống mai vàng mọc thành rừng.  Mỗi độ Xuân về, cả một không gian rộng lớn chìm ngập trong sắc vàng tươi thắm của hoa mai. Điểm đặc biệt hơn nữa là dưới chân ngọn Mai Sơn, nằm giữa rừng Mai xinh đẹp bạt ngàn là mộ phần của nhà văn, nhà thơ, nhà viết tuồng người Bình Định nổi danh trên văn đàn Việt Nam hơn trăm năm trước là học giả Đào Tấn (1845-1907). 

2. Đào Tấn Và Mối Tình Chung Thuỷ Với Hoa Mai. 

Đọc lịch sử Việt Nam, chúng ta biết Đào Duy Từ (1572-1634) là một bảo quốc công thần của Chúa Nguyễn (đàng Trong), người xây dựng 2 chiến lũy nổi tiếng Trường Dục và Lũy Thầy (Nhật Lệ) thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh. Họ Đào sau thời gian tạm cư ở Hoài Nhơn, Bồng Sơn, đã dọn về Tuy Phước, Bình Định làm nơi định cư cho dòng tộc. Đào Tấn ra đời ở đó năm 1845. Khi trưởng thành, Đào Tấn bước vào quan lộ rất sớm. Ông từng làm Phủ Doãn Thừa Thiên dưới triều vua Tự Đức. Tổng đốc Nghệ An, Hà Tỉnh, Thượng thư bộ Công, bộ Hình rồi bộ Binh dưới thời các vua Đồng Khánh, Thành Thái. Là một sĩ phu có tinh thần yêu nước, Đào Tấn dùng văn thơ, tuồng tích để đề cao, ca ngợi nghĩa khí của những anh hùng trong các phong trào chống thực dân Pháp như Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu nên bị Nguyễn Thân, đang làm quan Lại bộ Thượng thư nhưng thân Pháp, dèm pha với triều đình nên Đào Tấn phải cáo quan về hưu.

Chuyện kể về nhà văn Đào Tấn thì có nhiều huyền thoại rất đẹp. Qua những tác phẩm của ông còn để lại cho đời, chúng ta có thể hiểu rõ thêm được một điều, Đào Tấn là người yêu thích hoa mai rất mực. Ông không giải thích lý do tại sao nhưng qua những sáng tác văn học, ta thấy ông yêu hoa mai như yêu quê nhà, như yêu bằng hữu, như yêu người tình. Và theo tôi nghĩ, rất ít có người yêu hoa mai, gắn bó và thủy chung với hoa mai như học giả Đào Tấn. Nhiều bài thơ ông để lại cho đời ẩn chứa sâu sắc những hệ lụy về kiếp sống mong manh của con người. Tôi xin trích mấy câu thơ ông viết với nội dung giống như một lời từ biệt. Giống như một di ngôn thì đúng hơn vì ông muốn mai sau, một khi vĩnh biệt cuộc sống, sẽ được an táng trong rừng mai sắc vàng muôn thuở tại quê nhà để ông được mãi mãi ở bên cạnh loài hoa mà suốt đời ông yêu thích và đắm say.

Non mai vườn thọ tìm xong, 
Đá cao đứng tựa ung dung mĩm cười.
Mai Tăng ngày gởi xương mai
Hồn mai cùng giấc mộng dài nở hương.
(Bản dịch của Quách Tấn) 

Những câu thơ tuyệt đẹp chất chứa những điều mơ ước đơn sơ nhưng sâu thẳm. Nhẹ nhàng như chính cuộc sống hiền hòa với lòng yêu mến thiên nhiên của ông.

Trong 4 câu thơ trích dẫn trên, ta đã thấy Đào tiên sinh sử dụng đến 4 chữ mai. Điều đó cho thấy ông yêu mai biết là nhường nào. Màu sắc và vẻ đẹp của hoa mai hình như đã thấm rất sâu vào dòng thơ và cuộc đời của Đào tiên sinh. Chữ Mai Tăng trong câu thứ ba chính là bút hiệu của Đào Tấn. Nếu có dịp được về thăm quê nhà của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Có dịp về lại Tuy Phước đầu mùa Xuân để thăm viếng mộ phần nhà văn nổi tiếng Đào Tấn giữa rừng mai nở vàng rực rỡ. Chắc hẳn chúng ta sẽ vô cùng yêu mến nhà thơ hiền lành đã sống một đời phong nhã đầy lãng mạn giữa thiên nhiên với một cốt cách phi phàm. Đào Nguyên trong nỗi nhớ của Lưu Nguyễn ngày xưa, trong mộng tưởng của nhân gian chắc cũng không có gì khác biệt với Hoàng Mai Thôn dưới chân núi Mai Sơn của Đào Tấn. Ta thử đọc lại hai câu hát gợi hình tuyệt hay trong tuồng Trầm Hương của học giả Đào Tấn đã để lại cho đời:

Gió hương thổi lọt hoàng bào
Kiều mai tuyết điểm động Đào giăng mây.
(Trầm Hương. Đào Tấn)

Nếu không yêu hoa mai, chắc chắn nhà thơ Đào Tấn đã không lấy bút hiệu Mai Tăng, Mộng Mai. Nếu không yêu hoa mai, ông đã không có những bài thơ ca tụng vẻ đẹp thanh thoát của hoa mai. Và nếu không quý trọng hoa mai như một bằng hữu thì Đào tiên sinh đã không có những dòng thơ từ biệt giống như lời di chúc cho gia đình và bạn bè để mai sau một khi lìa đời, được gởi thân xác trong rừng mai yêu dấu.

Trở lại với hoa mai. Mai mãn khai chỉ rực rỡ với đời trong vài ngày là rụng bay theo từng cơn gió đầu Xuân nhưng mầm sống kế tục đã bắt đầu bằng những nụ hàm tiếu sơ khai cùng những nụ xanh căng tràn nhựa sống, vươn lên mạnh mẽ với lá xanh mượt mà để nối tiếp những mùa Xuân bất tận. Màu hoa vàng rực rỡ, tươi thắm trong sắc xanh đang đâm chồi của lá, là hình ảnh của dòng thời gian vĩnh cửu và bất tuyệt. Ngoại trừ mai Trường An có đặc tính nở bốn mùa. Vòng sinh thái của Mai là một chu kỳ khép kín. Mai ra nụ, nở hoa là khởi đầu cho một năm mới trong vòng xoay của vũ trụ.

Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Tiền đình tạc dạ nhất chi mai
(Mãn Giác Thiền Sư – Cáo Thị Tật Chúng)

Chớ ngại Xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai
      (Bản dịch của Ngô Tất Tố)
 

3. Thay Cho Lời Kết:   

Tìm về núi cũ xem mai nở
Mộng bén ngàn xa hạt điểm canh.
  (Quách Tấn - Mộng Ngân Sơn)
Từ một vùng đất nổi tiếng về hoa mai, thi sĩ Quách Tấn đã viết hai câu thơ tuyệt hay để tặng người đời hay viết cho chính tâm sự của riêng ông. Chỉ biết một điều, Quách Tấn là người hiểu biết tường tận sông núi quê nhà và yêu thiết tha từng ngọn núi, con sông mà ông đã có dịp ghé thăm. Ông am tường và yêu thích dòng văn học cổ điển. Là một kẻ sĩ đúng nghĩa của học thuyết Nho giáo về đạo làm người. Nhiều năm dấn thân vào chốn quan trường có lẽ đã làm cho ông thấm mệt nên ông muốn lãng du vui thú yên hà. 

Núi cũ trong câu thơ chính là quê nhà yêu dấu và hoa mai là bằng hữu ông muốn đi tìm. Và cũng từ núi cũ đó, được ngắm nhìn mai nở mới là mộng ngân sơn mà ông một đời ấp ủ. Quả thật ông đã đi nhiều, biết nhiều, hiểu rộng và đã nhìn xa hơn những điều ta hiểu biết và suy tưởng. 

Nghêu ngao vui thú yên hà.
Mai là bạn cũ, hạc là người quen.

Chúng ta vừa có dịp tản mạn về hoa mai với những đặc điểm khác thường so với các loài hoa khác. Hoa mai với vẻ đẹp đài các được ban phát từ tạo hóa, đã thành một loài hoa vương giả trong muôn loài. Nếu hoa mai đối với Đào Tấn là người tình chung thuỷ, một đời đắm say thì với Vương Điện, Thạch Đào, hoa mai tượng trưng cho sự mềm mại, duyên dáng và trữ tình làm tăng thêm nét thẩm mỹ trong nghệ thuật hội hoạ dân gian và ý nghĩa cuộc sống nhân loại. 

Ở một khía cạnh khác, chúng ta lại thấy Phạm Hiệp, Lục Khải, Quách Tấn xem hoa mai như một bằng hữu trong đời. Một bằng hữu để san sẽ cô đơn và làm dịu nổi đau trong cuộc sống đầy phong ba và bất trắc. Riêng với Cao Bá Quát, ta lại bắt gặp một ý niệm rất khác biệt về hoa mai. Ông quan niệm hoa mai luôn làm đẹp cho đời, một bằng hữu đúng nghĩa nhất và chưa bao giờ phản bội con người. Chỉ có con người với lòng tham lam và đố kỵ mới biết cách để phản bội nhau. Bởi vậy ông chỉ “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” vì ngưỡng mộ ngạo khí bất phàm của nó. 

Viết về mùa Xuân và hoa mai thì vô cùng, mặc dầu đã có biết bao nhiêu người đề cập đến từ cả ngàn năm nay. Tôi chỉ gợi lại một vài hình ảnh về hoa mai để thấy được phần nào bản sắc đặc thù của văn hóa Đông phương và tình tự dân tộc. Mùa Xuân và hoa mai là hình ảnh tiêu biểu cho hành trình thăng hoa trong vòng xoay của vũ trụ. Cho nên cứ mỗi độ Xuân về, mơ ước đầu tiên của tôi là có được một cành mai đầu mùa tươi thắm để cắm trên bàn thờ Gia tiên với lời nguyện cầu cho sự trường tồn, thăng tiến của đất nước và hạnh phúc, dân chủ, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Lê Tấn Dương
Đặc san Lâm Viên




 

Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.