.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Tây Ban Nha: Mỏ vàng lộ thiên lớn nhất Đế chế La Mã.

 

Cảnh quan những ngọn núi đỏ giữa rừng cây dẻ xanh này là kết quả của hai thế kỷ khai thác mỏ của người La Mã. Được biết đến với tên gọi Las Méd Formula, mỏ lịch sử này nằm gần thị trấn Ponferrada của Tây Ban Nha, là mỏ vàng lộ thiên lớn nhất trong Đế chế La Mã.

Người La Mã bắt đầu khai thác các mỏ vàng ở khu vực này, phía tây bắc Tây Ban Nha vào thế kỷ 1, họ sử dụng kỹ thuật dựa trên năng lượng thủy lực - ruina montium nghĩa đen là “phá hoại núi” lợi dụng áp lực nước làm sụt nở đất, để lộ vàng.

Hơn 6,5 tấn vàng đã được thu hồi mỗi năm từ các mỏ này. Sau hai thế kỷ khai thác, người La Mã đã dừng hoạt động, để lại cảnh quan hoang tàn. Hiện nay, khu vực này có nhiều rãnh nước xói mòn, tháp và hầm, tất cả được bao quanh bởi những cây dẻ xinh đẹp.


Las Méd Formula là mỏ vàng lộ thiên lớn nhất trong Đế chế La Mã.

Theo Yến Phạm/Petrotimes

Khám phá Thái Sơn - ngọn núi huyền thoại vẫn được ví với 'công cha'

Nhiều người Việt quen thuộc với tên gọi núi Thái Sơn - vẫn được nhắc tới để so sánh với 'công cha'. Kỳ thực, đây lại là một trong 5 ngọn núi linh thiêng của Trung Quốc.

Trên thực tế, nếu so sánh với đỉnh Fansipan (Việt Nam) cao 3.143 m và “nóc nhà thế giới” Everest cao 8.850 m thì núi Thái Sơn có chiều cao khá khiêm tốn khi ngọn cao nhất là Ngọc Hoàng chỉ cao 1545m so với mực nước biển. Dù vậy, Thái Sơn vẫn là biểu tượng của nền văn minh, tín ngưỡng của Trung Quốc cổ đại và cả đương đại. Ngọn núi này còn được người Trung Hoa tôn xưng là “Hoa Hạ thần sơn” (Núi thiêng ở xứ Hoa Hạ - Trung Quốc).

Với tổng diện tích hơn 420 km2, nằm ở đồng bằng sông Hoàng Hà, miền Trung của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, núi Thái Sơn bao gồm nhiều dãy núi hùng vĩ. Vì vậy, người xưa còn gọi ngọn núi này là “cột chống trời”.

Núi Thái Sơn được người Trung Hoa tôn xưng là “Hoa Hạ thần sơn” (Núi thiêng ở xứ Hoa Hạ - Trung Quốc). (Ảnh: TL)

Thái Sơn có núi non trập trùng, vách đá dựng đứng, rừng cây cổ thụ cứng cáp xanh tươi, những thác nước trong vắt tựa như những dòng suối ngọc chảy giữa đất trời lung linh huyền ảo.

(Ảnh: khoahoc.tv)

Đứng trên đỉnh của ngọn Ngọc Hoàng sẽ thấy thế núi trùng điệp dưới chân. Nếu đến đây vào những ngày đẹp trời du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng sông Hoàng Hà lấp lánh ánh vàng, những đám mây lãng đãng trên đỉnh núi và phủ khắp Thái Sơn.

Vào năm 1987, núi Thái Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. (Ảnh: TL)

Thái Sơn được cho chính là nơi cát tường phát sinh của muôn vật, biểu trưng cho quyền lực chính trị của vua chúa. Vì vậy, đây là ngọn núi linh thiêng nhất, được xếp thứ 1 trong 5 ngọn núi cao nhất (hay còn được gọi với cái tên Ngũ nhạc của Trung Quốc, bao gồm 5 ngọn núi lớn: Thái Sơn, Hằng Sơn, Hành Sơn, Hoa Sơn, Tung Sơn).

Trên đỉnh dãy núi này có rất nhiều đình đài miếu mạo và các công trình kiến trúc độc đáo khác bao gồm 20 quần thể kiến trúc, hơn 2.000 di tích lịch sử văn hóa, nhiều bút tích của các văn nhân. Đền Đại, đầm Vương Mẫu, cửa Nam Thiên, đền Bích Xá, cung Đâu Mẩu, lầu Xích Thiên... đều là các công trình kiến trúc cổ nổi tiếng và có giá trị nghệ thuật.

Đỉnh Thái Sơn có rất nhiều đình đài miếu mạo và những công trình kiến trúc độc đáo. (Ảnh: kimlientravel)

Núi Thái Sơn còn có một đặc điểm thiên nhiên nổi bật đó là thông cổ thụ và đá. Hiện nay, nơi đây có hơn 10.000 cây cổ thụ có tuổi trên trăm năm và hơn 3.300 cây có tuổi từ 330 năm đến 1.000 năm, hoặc còn nhiều hơn, đặc biệt cây Ngân Hạnh có niên đại 2000 năm tuổi được mệnh danh là "hóa thạch sống" cho hệ thực vật tiêu biểu của Thái Sơn. Cùng với cây cổ thụ là những dòng suối không lớn nhưng nước trong vắt, tinh khiết và mát rượi. Nhiều thác nước đổ từ trên cao xuống trắng xóa làm du khách sững sờ, thích thú. Nhưng nổi bật nhất vẫn là đá với đủ dáng, đủ kiểu, vách đá phẳng, dựng đứng.

Sự hùng vĩ huyền ảo của ngọn núi thiêng Thái Sơn. (Ảnh: Báo Thể thao Việt Nam)

(Ảnh: Thái Học)

Mặc dù là một di sản thiên nhiên song núi Thái Sơn lại gắn liền với đời sống tâm linh và nhiều nét văn hóa, lịch sử của Trung quốc nên đã được UNESCO xếp vào danh sách Di sản hỗn hợp của thế giới năm 1987.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Hội đồng Di sản thế giới: “Là đối tượng triều bái của các đế vương trong hơn hai nghìn năm qua, các kiệt tác nhân văn trong núi hội nhập một cách hoàn mỹ và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Thái Sơn là dòng suối nguồn về tinh thần của các nhà nghệ thuật và học giả Trung Quốc, là biểu tượng của nền văn minh và tín ngưỡng của Trung Quốc cổ đại”.

Từ những giá trị văn hóa và lịch sử trên, trong tâm thức người Trung Quốc và Á Đông nói chung từ bao đời nay, Thái Sơn biểu trưng cho sự linh thiêng, to lớn, cao cả, vững chãi, sinh trưởng, là yếu tố dương trong quan hệ âm dương, hai thành tố cơ bản của vũ trụ và cấu trúc vạn sự vạn vật. Vì vậy mà người xưa ca ngợi “Công cha như núi Thái Sơn”.

Lan Anh (T/h)

Các nhà khảo cổ kinh ngạc trước 'Thành phố Sư tử' 1.000 năm tuổi dưới đáy hồ ở Trung Quốc: Nền văn minh bị lãng quên sau trận đại hồng thủy.


(Ảnh: Kknews)

Thành phố cổ xưa này được mô tả là 'Atlantis của Trung Quốc'.

Truyền thuyết về thành phố chìm Atlantis là một câu chuyện được nhắc đến trong các văn bản cổ xuyên suốt lịch sử. Câu chuyện bắt đầu cuộc đối thoại của Plato được viết vào khoảng năm 360 trước Công nguyên.

Cho đến nay, sự tồn tại của Atlantis vẫn còn gây tranh cãi vì không có bằng chứng cụ thể nào về một vùng đất như vậy. Mới đây, một nền văn minh dưới nước cổ xưa của Trung Quốc có tên 'Thành phố Sư tử' đã được phát hiện khiến giới chuyên gia một lần nữa dậy sóng.

Nơi đây được xây dựng vào khoảng từ năm 25 đến 200 sau Công nguyên và bị nhấn chìm bởi một trận 'đại hồng thủy' vào năm 1959. Hiện tại, nó nằm ở điểm sâu nhất, cách mặt nước khoảng 40 mét. Sau nhiều thế kỷ, thành phố vẫn hoàn toàn nguyên vẹn dù đã bị nhấn chìm dưới nước nhiều thế kỷ.

Bí mật thành phố Sư tử

Thành phố Sư tử nằm ở đáy của hồ chứa gần Hồ Thiên Đảo, Chiết Giang, Trung Quốc. Một trong những người đầu tiên từng lặn xuống hồ và khám phá 'vương quốc' bí ẩn này. Anh cho biết rằng nó giống như "thế giới khác" và mô tả đây là "Atlantis của Trung Quốc".

Vào năm 2014, sau khi các nhà chức trách nhận thấy thành phố vẫn còn nguyên vẹn, họ bắt mở cửa cho khách du lịch đến thăm khu vực này bằng cách lặn biển.

Sau đó, các chuyên gia đã sử dụng công nghệ quét 3D tiên tiến để đưa Thành phố Sư tử cổ kính trở lại với cuộc sống. Theo phỏng đoán, nơi đây đã từng là một trong những thành phố hùng mạnh nhất của Trung Quốc.

Các chuyên gia cũng tạo ra những hình ảnh 3D mô phỏng một số đồ đá được tìm thấy dưới nước, hầu hết là những bức tượng lớn về sư tử. Ông Ngô, một chuyên gia trong dự án cho biết: "Tôi hy vọng rằng thông qua việc quay phim và khám phá các di tích lịch sử bị chìm sâu, những bí mật đằng sau có thể được đưa ra ánh sáng một lần nữa".

Hình ảnh được ghi lại bởi các thợ lặn (Ảnh: Kknews)

Phần lớn kiến ​​trúc được tìm thấy trong hồ có từ thế kỷ 16 và được coi là một trong những viên ngọc quý của Trung Quốc. Các bức tường thành còn sót lại cũng có niên đại từ thời kỳ này.

Theo các chuyên gia, 'Thành phố Sư tử' đạt đến đỉnh cao từ năm 1368 đến năm 1644 khi triều đại nhà Minh cai trị Trung Quốc. Những công trình đồ sộ và công phu đã cho thấy điều này. Trong đó có 5 cổng vào với diện tích bằng 62 sân bóng, 6 đường phố lớn được lát bằng đá, tất cả được kết nối với nhau.

Tại đây, các thợ lặn còn tìm thấy nhiều thanh xà bằng gỗ, cầu thang và tường gạch của những ngôi nhà không mục nát. Một số bức tường xung quanh vẫn còn nguyên vẹn và in rõ dấu vết chạm khắc.

Các lớp phù sa trên tường, vôi trong các vết nứt của tường thành được bảo quản tốt, cổng thành phía Tây có mái vòm hùng vĩ vẫn đứng nguyên vẹn và có thể đóng mở được. Đẩy cánh cổng bằng gỗ ra, những đinh tán và vòng sắt trên đó vẫn còn hiện rõ...

Lý giải về việc vì sao không trục vớt toàn bộ các cổ vật dưới đáy hồ, các chuyên gia đã lên tiếng. Theo kinh nghiệm trước đây, những vật dụng bằng gỗ được ngâm trong nước để cách ly không khí và thường có thể được bảo quản trong thời gian dài.

Ông Phương Minh Hoa cho biết: "Trước đây, gạch được làm bằng bùn trộn với vôi và các vật liệu khác. Những vật liệu này sẽ tan ra sau khi ngâm trong nước lâu ngày và dễ bị sập nếu gặp tác động mạnh". Ông cũng khẳng định hiện tại ở Trung Quốc chưa có công nghệ hoàn thiện để bảo tồn đúng cách các di tích văn hóa đã bị ngâm trong nước lâu năm.

Vì vậy, cách bảo tồn tốt nhất cho đến nay vẫn là giữ nguyên hiện trạng.

Tổng hợp Soha VN

Tìm thấy bình gốm đầy đá quý trong ngôi đền ở Colombia.

Tám chiếc bình gốm, bên trong có những bức tượng nhỏ bằng kim loại và ngọc lục bảo, đã được tìm thấy tại một thị trấn của người Muisca cổ đại nằm gần Bogotá, thủ đô ngày nay của Colombia.

Bình gốm đầy ngọc lục bảo. (Nguồn: livescience.com)

Các nhà khảo cổ học ở Colombia, do ông Francisco Correa dẫn đầu, đã tìm thấy tám chiếc bình gốm, bên trong có những bức tượng nhỏ bằng kim loại và ngọc lục bảo, trong một ngôi đền và những ngôi mộ liền kề xung quanh.

Những cổ vật mới tìm thấy thuộc một thị trấn của người Muisca cổ đại nằm gần Bogotá, thủ đô ngày nay của Colombia.

Khoảng 600 năm trước, người Muisca cổ đại (còn gọi là Chibcha) đã chế tác ra những chiếc bình được gọi là "ofrendatarios."

Muisca, một dân tộc có nền văn minh phát triển mạnh mẽ trong khu vực vào thời điểm đó, nổi tiếng với kỹ năng chế tác kim loại. Công việc của người Muisca đã truyền cảm hứng cho truyền thuyết về El Dorado - thành phố huyền thoại làm bằng vàng.

Từ năm 1537 đến năm 1540, người Tây Ban Nha chinh phục vùng đất này. Nhiều người Muisca đã bị giết trong các cuộc giao tranh hoặc qua đời do bệnh tật.

Bất chấp điều này, người Muisca vẫn tồn tại, hàng nghìn con cháu của tộc người này vẫn sống cho đến nay.

Trở lại phát hiện mới nhất, các nhà khoa học thấy rằng một số bức tượng mới được tìm thấy trông giống rắn và các loài động vật khác. Vài bức tượng khác giống người đội mũ, cầm gậy hoặc vũ khí. Ngôi đền nơi các bức tượng được tìm thấy có thể liên quan đến việc thờ cúng tổ tiên.

Ông Correa cho biết ngôi đền và những chiếc bình ofrendatarios cũng có thể liên quan đến các vị thần được thờ cúng bởi người Muisca. Ông lưu ý họ thờ nhiều vị thần, bao gồm cả những vị thần gắn liền với Mặt trăng và Mặt trời.

Người Muisca là chuyên gia trong việc chế tác kim loại. Khi người Tây Ban Nha chạm trán với quân Muisca, họ đặc biệt ngạc nhiên về các đồ vật làm từ vàng của những người này.

Không có mỏ vàng nào gần khu vực người Muisca sinh sống, vì vậy có thể họ đã trao đổi kim loại này với các tộc người khác.

Nhắc tới thành phố huyền thoại El Dorado, ông Correa cho biết người Muisca có một số nghi lễ truyền thống nhất định, trong đó thủ lĩnh sẽ bôi một loại thuốc mỡ có chứa các hạt vàng.

Ông Correa cho biết nghi lễ này truyền cảm hứng cho huyền thoại El Dorado. Buổi lễ có sự chứng kiến của người Tây Ban Nha và được ghi lại trong biên niên sử Tây Ban Nha./.

Minh Phương (Vietnam+)

































Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.