.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

HAI ĐÔI GIÀY CŨ

 Thằng Tí là kết quả ngoài ý muốn của một đêm mua bán thân xác. Người đàn bà trẻ làm sao có thể nhớ tác giả cái bào thai là ai! 

Biết mình đã mang của nợ trong bụng, chị ta nguyền rủa cuộc đời luôn miệng và định đến nhờ một mụ phá thai lậu trục của nợ ra. Một bà chị chuyên cho dân bụi đời và gái điếm mướn quần áo và vay bạc góp, son phấn để hành nghề, vẽ đường:

- Tao cho mày vay tiền đi đẻ. Cả kho tiền đó nghen, mậy!

Người đàn bà trẻ mèo hoang lắc đầu:

- Tui không muốn vướng chân vướng tay.

Bà chị bạc góp mắng:

- Mày chừa cho người khác ngu với chớ! Mang bầu hoặc có con nhỏ, xách giỏ thiên hạ, công an có bắt cũng phải thả thôi. Kẹt quá cho mấy thằng xì ke mướn ẵm đi xin, cũng ngon. Còn nếu số đỏ gặp mấy tay cò kiếm con nít cho người nước ngoài nhận làm con nuôi, kể như trúng mánh khơi. Ít lắm cũng được năm khoẻn. Mầy ngồi không cũng có tiền vô ngon ơ. Không sướng hả, mậy?

Cuối cùng thằng Tí được đẻ ra trong toan tính lỗ lời đó!

Lúc thằng Tí lên ba, người mẹ trẻ mèo hoang gặp một cuộc tình với trai tứ chiếng trụ hình, làm nghề bốc vác ở chợ cá. Họ chung nhau thuê một căn nhà trọ, rộng khoảng mười hai mét vuông để xây tổ uyên ương. Thằng Tí trở nên dư thừa trong căn nhà bé nhỏ này. Người mẹ trẻ mèo hoang định đem cho thằng Tí lấy ít tiền, rảnh tay xây đắp cuộc tình. Người cha ghẻ thấy gương mặt nó cũng sáng sủa giữ lại. Cỡ nó sai đi mua rượu cũng được rồi. Hằng ngày thằng Tí được mẹ đưa ra chợ trút thức ăn thừa ở mấy quán ăn, khỏi tốn cơm nhà. Đôi khi còn được thực khách thương tình cho ít tiền lẻ.

Năm thằng Tí lên sáu. Sức lực của người cha ghẻ cũng trôi tuột theo dòng chảy của lượng rượu đổ vào miệng mỗi ngày. Thân thể cường tráng của một tay bốc vác ở chợ cá, giờ trông thật thảm hại. Gương mặt như bấm ra rượu, mỗi sáng chưa có xị rượu nào trôi qua cổ là tay chân run lẩy bẩy. Người đàn bà trẻ mèo hoang thấy cái bong bóng sắp xẹp hết hơi, bỏ đi. Ở vào cái tuổi hăm lăm, có người rủ rê, ứng trước tiền cho chị ta tân trang lại nhan sắc, sang tận Campuchia bán quán cà phê hay bán thứ gì chỉ có trời mới biết. Từ đó chị ta biệt vô âm tín.

Người cha ghẻ nát rượu, bây giờ, chỉ biết bấu víu vào thằng Tí. Nghề bốc vác đã quay lưng lại với anh ta rồi! Người cha ghẻ dẫn thằng Tí đến một đại lý vé số cấp ba ở cùng xóm. Anh ta năn nỉ mãi, chú Tư Đực đại lý mới bấm bụng trao cho anh ta xấp vé số trị giá năm mươi ngàn đồng. Với đứa trẻ vào đời sớm như thằng Tí, nó hòa nhập nhanh vào đội quân những đứa trẻ bán vé số trên đường phố.

Hôm nay thằng Tí về rất sớm. Vừa đếm tiền lời của thằng Tí đưa, người cha ghẻ cười toét miệng khen:

- Mày có tay mua bán quá!

Thằng Tí ra vẻ bí mật:

- Tui có mánh riêng.

Người cha ghẻ trừng mắt:

- Xạo hoài! Mày lấy chai đi đong cho tao ba xị rượu liền. Ghé bà ba Khương mua cho tao hai con cua đồng luộc với một trái cóc. Nhớ xin mắm ruốc kha khá, chút mày ăn cơm luôn thể. Muối ớt với mắm ruốc, mày thấy không? Bữa ăn của mày cũng có hai món mặn chớ bộ!

Xấp vé số dày dần lên, tăng theo lượng rượu và mồi ngày càng bén của người cha ghẻ. Muốn bán hết hai trăm tờ vé số mỗi ngày, thằng Tí lội muốn rã chân.

Đài báo bão. Mưa tầm tã. Thằng Tí lạnh tím môi, rầu rĩ đi trả lại vé số bán ế cho đại lý, theo giờ qui định vào buổi chiều. Lúc thằng Tí đợi ngớt mưa trở về nhà, cũng là lúc người cha ghẻ với một ông bạn nhậu thân hình tiều tụy nhậu với nhau từ gần trưa tới lúc chập choạng tối. Vỏ ghẹ luộc nằm vương vãi. Cuộc nhậu dường như chưa có dấu hiệu sắp kết thúc. Người cha ghẻ nhướng mắt giọng lè nhè:

- Bạn hiền! Tuy ghẹ chết muối nước đá, nhưng nhậu cũng đã. Còn hơn cua đồng ăn hôi cỏ thấy mẹ!

Thấy thằng Tí vừa bước vô cửa mình ướt men, người cha ghẻ quát:

- Giờ này mày mới vác cái mặt về. Đưa tiền đây cho tao. Chậm như rùa thiến!

Thằng Tí mắt lấm lét, móc túi đưa mấy tờ giấy bạc nó cẩn thận bỏ vào bọc ni lông cho khỏi ướt. Người cha ghẻ hất hàm:

- Có bấy nhiêu hả! Mày định ăn chận tiền tao chắc?

Người bạn nhậu nhìn anh ta, cười khinh khỉnh, cất giọng nhừa nhựa:

- Vậy mà cũng mời tao nhậu cho được. Lại còn nói không say không về. 

Nói xong, người bạn nhậu cố gắng đứng lên, liêu xiêu bước ra cửa.

Người cha ghẻ bị bạn nhậu chí cốt chọc quê. Anh ta trút nư giận dữ lên thân thể gầy còm của thằng Tí. Một trận đòn như cơn bão ngoài trời kèm theo lời văng tục ầm ĩ. Cũng may cho thằng Tí người cha ghẻ đã quá say. Nó hoảng sợ cắm đầu chạy mất khi bị phang một cái dĩa nhưng không trúng. Đêm nay nó cố chịu nhịn đói và tìm một hiên nhà nào đó ngủ tạm. Thằng Tí định sáng mai, khi người cha ghẻ hết say rượu, nó sẽ xin lỗi. Rồi mọi chuyện sẽ qua.

Trời chợt tạnh mưa. Ông già quét rác đêm đẩy chiếc xe cải tiến chở rác đến mái hiên ngồi nghỉ. Ông thấy một thằng bé đang ngồi co ro vì lạnh. Ông ra dấu cho nó xích lại gần ông, cùng choàng chung tấm áo mưa cho đỡ lạnh. Ông hỏi:

- Con ở đâu đến đây ngủ?

Thường đêm, ông quét rác ở khu vực này không thấy có nó. Ông lôi từ túi áo mưa ra một ổ bánh mì thịt bọc trong bao ni lông. Thằng Tí nhìn ổ bánh mì nuốt nước bọt. Ông già hiền từ:

- Con đói lắm phải không?

Ông bẻ chia cho nó nửa ổ bánh. Thằng Tí cầm lấy miệng lí nhí cám ơn ông. Nó nhai ngấu nghiến. Nhìn thằng Tí ăn ngon lành, ông già thương hại vuốt tóc nó:

- Mọi người thường gọi ta là già Năm. Nhà con ở đâu? Sao lại ra nông nỗi này?

Thằng Tí kể lại thảm kịch lúc chiều. Già Năm buột miệng:

- Tội nghiệp con! Nếu có chuyện bất hạnh xảy ra ban đêm con đến đây tìm ông nghe. À có bà bán xôi đang đi đến kìa. Ông cháu mình ăn thêm xôi cho ấm bụng. Thức khuya hay xót ruột lắm!

Thằng Tí không khách sáo, gật đầu với ánh mắt vui lên.

Thằng Tí ngủ quên. Lúc chủ nhà kéo cánh cửa sắt, nó giật mình thức dậy. Nó lầm lũi đi về nhà. Tới đầu hẻm, có người trong xóm gặp nó, bảo:

- Mày về nhà lẹ lên. Cha mày chết rồi! Bước ra sau hè đái, say quá té nhập thổ, chết không ai hay.

Thằng Tí sửng người, nó tất tả chạy về nhà. Nước mắt nó ứa ra.

Giờ trên đời nó đâu còn có ai thân thiết! Ước chi cha ghẻ nó đừng chết, nó đâu phải sống đơn độc. Hằng ngày tiền bán vé số đủ cho cha nó uống rượu với mồi ngon lành mà. Có người nhận nó làm con nuôi. Nhưng phần đông dân mướn nhà trọ ở con hẻm này là dân lãng tử giang hồ. Nó muốn tìm một chỗ nương thân yên lành. Thằng Tí chợt nhớ đến lời dặn của ông Năm. Nó trông cho trời mau tối sẽ đến con hẻm ngồi đợi cho đến khi ông Năm đến quét rác.

Thằng Tí ngồi dưới mái hiên ngủ gục. Tiếng chổi sàn sạt làm nó tỉnh giấc. Nó mừng rỡ kêu lên:

- Ông Năm!

Già Năm dừng chổi, nhận ra thằng Tí ông vui mừng:

- Ồ, Tí đó à! Lại bị trận đòn thê lương nữa phải không con?

Nước mắt thằng Tí chảy ràn rụa. Nó kể cho ông Năm nghe về nỗi bất hạnh và cuộc sống bơ vơ của nó. Già Năm vỗ về:

- Ông sống đơn độc cũng buồn lắm! Chiến tranh đã cướp mất vợ và đứa con thân yêu của ông. Lúc đó, nó cũng vào khoảng tuổi của con.

Từ ngày có thêm thằng Tí về ở chung nhà, già Năm hoạt bát hẳn lên. Ông chỉ dạy cho thằng Tí bao điều lạ lẫm đối với nó. Già Năm còn xin phường cho nó theo học lớp học tình thương vào ban đêm. Có thằng Tí líu lo trong nhà, già Năm ăn cơm thấy ngon miệng hơn. Ngôi nhà lá nhỏ của ông thêm ấm áp.

Thằng Tí đến ở nhà già Năm được hơn năm. Trong một bữa cơm chiều thằng Tí rụt rè:

- Ông Năm à, con muốn đi làm kiếm tiền về phụ giúp ông.

Già Năm nhíu mày:

- Con lại muốn đi bán vé số nữa à?

Thằng Tí cúi mặt:

- Lúc con còn đi bán vé số, anh Tư sửa chữa giày dép ở bên hông nhà lồng chợ kêu con phụ giúp việc và dạy nghề cho con.

Ông Năm gật đầu:

- Thật lòng ông không muốn con lăn lộn giữa chợ đời quá sớm! Gặp kẻ xấu dụ dỗ, con dễ hư. Có người đàng hoàng dạy nghề cho con, ông mới chịu cho con vừa phụ việc vừa học lấy một cái nghề hộ thân.

Thấy ông Năm bằng lòng thằng Tí mừng rơn:

- Anh Tư giỏi tay nghề và rất có uy tín với khách hàng. Con học ra nghề, ông khỏi phải đi làm nữa.

Già Năm nghe thằng Tí nói, ông xúc động rơm rớm nước mắt.

Chiều ba mươi tết. Thầy trò thằng Tí cố nán lại làm thêm. Từ sáng đến giờ, khách hàng đến rất đông. Giày dép mới mua đem kết chỉ lại cho chắc chắn có; giày cũ tân trang lại có. Ai cũng muốn mình có bộ cánh tươm tất trong năm mới. Hai thầy trò làm mỏi cả tay, thu nhập gấp mấy ngày thường.

Một thanh niên gầy nhom, da mặt bủng màu chì, đi liêu xiêu đến, gã ngồi thụp xuống cạnh anh Tư. Gã lôi trong bọc giấy ra một đôi xăng-đan còn khá mới, nài nỉ:

- Sư phụ! Mua giúp tôi đôi giày này. Tôi chỉ cần đủ tiền phê một mũi.

Anh Tư nhìn gã thanh niên nghiện ngập, lắc đầu. Gã thanh niên vẻ mặt tiu nghỉu, ngáp liền mấy cái. Thằng Tí cầm đôi xăng-đan lên săm soi, ánh mắt nó sáng lên:

- Chú định bán bao nhiêu?

Gã thanh niên linh hoạt hẳn lên:

- Rẻ thôi, mười lăm ngàn, mày có tiền mua không?

Thằng Tí moi hết tiền ra đếm. Chỉ có mười ngàn năm trăm. Vẻ mặt nó thất vọng. Gã thanh niên lật đật:

- Tao bớt cho mày thêm hai ngàn. Kẹt quá! Tao mới ép bụng bán cho mày.

Nhìn thằng Tí với ánh mắt muốn sở hữu đôi giày, anh Tư nói:

- Mua đi! Anh cho em thêm tiền. À mà chân em mang đôi xăng-đan này đâu có vừa.

Thằng Tí cười tủm tỉm ra vẻ bí mật. Tranh thủ lúc nới khách nó cầm đôi xăng-đan ngắm nghía. Nó hỏi xin anh Tư ít xi đánh bóng lại đôi xăng-đan. Trông đôi xăng-đan như mới, thằng Tí vẻ mặt vui hẳn lên.

Hơn sáu giờ chiều. Hai thầy trò dọn dẹp ra về. Thằng Tí được anh Tư lì xì thêm hai mươi ngàn nữa. Trên đường về nhà nó ghé qua một quán nhậu bình dân, mua năm ngàn vịt nấu cari và hai ổ bánh mì. Thấy người bán hoa vạn thọ không chậu còn đứng bán nán lại bên lề đường, nó ghé mua hai cây bông vạn thọ. 

Về tới nhà nó thấy cửa đã khóa. Thằng Tí mở khóa vào nhà. Trên bàn có mảnh giấy của già Năm để lại: “Ông đã ăn cơm trước, đi làm sớm. Thức ăn ông để trong tủ. Xong việc, ông về ngay. Hai ông cháu mình đón giao thừa!” 

Thằng Tí mất hứng. Nó đem cất bọc cari vịt và hai ổ bánh mì vào trong tủ. Nhiều nhà trong con hẻm, bữa cơm rước ông bà về vui xuân với con cháu, còn nhậu vui vẻ đến giờ này chưa tàn. Thằng Tí ngồi bó gối trước cửa nhìn sang. Nó nhớ đến người mẹ, giờ này không biết lang bạt nơi nào trên đất khách quê người! 

Và, bất chợt, nó nghĩ đến người cha ghẻ của nó. Giờ này ổng đang lang thang đi nhậu nơi đâu? Không có ai cúng và rước ổng về, lấy gì có mồi và rượu cho ổng nhậu. Chắc ổng đang buồn và thèm rượu dữ lắm! Thằng Tí đi vào nhà, lấy chai đi nhanh lại quán mua hai xị rượu và hai trứng hột vịt lộn. Nó bày mồi và rượu trên bàn đốt nhang vái:

- Cha ơi! Về đây ăn Tết với con và ông Năm. Con nhớ cha lắm!

Thằng Tí dường như thấy đôi mắt thèm rượu của người cha ghẻ ánh lên niềm vui. Như mỗi lần nó đem tiền lời bán vé số về kịp mua mồi và rượu cho ông khi tới cữ. Ông vỗ đầu nó khen: “Hột vịt lộn nhậu cũng bắt. Nhưng tao lại khoái hột vịt ung hơn”. “Tết mà, đâu có ai bán hột vịt thúi, cha!”.

Thằng Tí giật mình thức dậy. Tiếng nhạc mừng xuân đón giao thừa vang lên khắp nơi. Sao ông Năm của nó vẫn chưa về? Nó lấy đôi xăng-đan ra lau lại. 

Bóng một người mặc áo công nhân vệ sinh ập vào cửa. Nó mừng quá định kêu lên. Không phải ông Năm của nó. Người đàn ông trung niên hỏi:

- Cháu Tí đây phải không? Già Năm đang nằm ở phòng cấp cứu. Cháu đi ngay với chú đến bệnh viện.

Mặt thằng Tí tái đi. Nó không hình dung được phòng cấp cứu ở bệnh viện trị bệnh gì. Chuyện gì đã xảy ra với ông Năm của nó? Có phải ông Năm bị kiệt sức do lượng rác thải quá nhiều, do nhà nào cũng sửa soạn làm đẹp nhà mình? Nước mắt thằng Tí ứa ra. Nó thương ông Năm quá!

Người đồng nghiệp của già Năm dẫn thằng Tí đến phòng cấp cứu. Nó khóc òa lên khi thấy mặt ông Năm xanh xao, hai mắt nhắm nghiền. Nó gục đầu lên ngực già Năm rên rỉ:

- Ông Năm ơi! Đừng bỏ con!

Già Năm từ từ mở mắt ra:

- Con đừng khóc nữa. Bác sĩ cho biết, ngày mai ông được xuất viện. Ông chỉ bị xây xát xoàng thôi. Chẳng qua tại tuổi già, chảy tí máu là nghe mệt!

Gương mặt thằng Tí đầm nước mắt:

- Ông bị ngã té hở?

Già Năm kể cho nó nghe:

- Khoảng gần giao thừa, công việc đã xong. Một cậu trai chắc gấp đi về nhà đón giao thừa với gia đình. Do có rượu , không làm chủ được tốc độ quẹo cua bị té, chiếc xe gắn máy văng vào xe rác làm ông bị ngã. Ông chỉ bị xây xát ở tay. Cậu ấy té nặng lắm! Vái trời cho cậu ấy tai qua nạn khỏi.

Thằng Tí yên lòng:

- Mai ông được về nhà rồi! Con có mua cho ông đôi xăng-đan. Đẹp lắm!

Già Năm vuốt tóc thằng Tí:

- Ái chà! Dám sắm cả giày cho ông nữa. Ông chỉ quen mang giày vải đi làm mà thôi.

Thằng Tí phụng phịu:

- Con không biết đâu!

Già Năm cười bẹo má thằng Tí:

- Định bắt đền ông phải không? Ông có đôi giày Adidas vừa với số đo chân con. Ông được người ta cho mấy đôi vừa lớn vừa nhỏ. Ông lựa được đôi giày vừa ý nhất làm quà tặng con trong năm mới. Ông cất trong ngăn tủ bàn thờ. Vậy là hai ông cháu mình có giày diện Tết. Cũ người, mới ta. Phải không con!

 

TRẦN PHƯƠNG LANG


Một câu chuyện “thần thoại” kiểu Mỹ....


Billy Ray Harris, 55 tuổi, là một người lang thang không nhà cửa. Ông xin ăn tại đầu đường Kansas, thuộc tiểu bang Missouri miền Trung nước Mỹ. Một cô gái tên Sarah Darling đi ngang qua, cho vào trong ly của ông một ít tiền, nhưng cô không biết là chiếc nhẫn trên tay cũng vô tình rơi vào ly.

Đến lúc Billy thấy chiếc nhẫn, ông tính đem bán vì có tiệm trả tới 4.000 đô la. Đối với một người vô gia cư, đó là cả một gia tài. Tuy nhiên, Billy lại do dự… Sau mấy ngày suy nghĩ, ông quyết định sẽ đem chiếc nhẫn trả lại cho người đã mất. Hằng ngày, ông kiên nhẫn ngồi đợi người chủ của nó.

Cuối cùng, Sarah cũng nhận lại chiếc nhẫn, cô vô cùng cảm kích, bởi đó là chiếc nhẫn đính hôn của cô. Để tỏ lòng biết ơn, Sarah và người chồng tương lai quyết định sẽ kể lại câu chuyện chiếc nhẫn trên mạng với mục đích quyên tiền cho Billy, giúp ông có được một cuộc sống bình thường như mọi người.

Hai người hy vọng họ có thể quyên được vài ngàn đô-la. Không ngờ, nhiều người sau khi nghe câu chuyện đó đã rất xúc động vì lòng trung thực của người ăn xin. Ba tháng sau Sarah đã quyên được gần 190 ngàn đô-la. Billy dùng số tiền đó mua nhà, mua xe… nhưng vận may vẫn chưa dừng ở đó.

Sau khi câu chuyện của Billy được truyền thông đưa tin, người chị đã thất lạc 16 năm thấy ảnh ông trên tivi và cuối cùng đã tìm được ông. Phần Billy cứ nghĩ rằng người chị này đã qua đời.

Billy không chỉ có tiền và tìm lại được người thân mà còn có người bạn tốt là Sarah và gia đình cô. Sau khi Sarah kết hôn, cô nói sẽ kể cho con về sự gắn bó của Billy với gia đình cô. Hơn nữa, câu chuyện “thần thoại” này sẽ giúp các con cô hiểu được điều gì là đúng, điều gì là sai.

Bây giờ, khi mọi người nhìn thấy Billy, họ không quyên góp mà nắm tay chúc mừng ông. Billy nói, khi nhớ lại chuỗi ngày khó khăn, ông vô cùng cảm ơn đời đã đem đến cho ông một cơ hội, cho ông quay lại cuộc sống của một người bình thường. Ông tự hứa với mình sẽ sống thật tốt để không phụ lòng những ân nhân của ông .

Quả là một câu chuyện “thần thoại” kiểu Mỹ, thử thách về lòng tham của con người trước những cám dỗ của cuộc đời.

Đức tính “không tham lam những gì không phải của mình” là một bài học đơn giản nhưng chắc gì mỗi người trong chúng ta thực hiện được điều đó?

Le Van Quy -Thu Hương

Làng lâu đài bỏ hoang ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Những căn biệt thự như lâu đài thu nhỏ nằm im lìm tại dự án Burj Al Babas, cách thị trấn Mudurnu (Thổ Nhĩ Kỳ) không xa, vốn được được thiết kế để đón loạt khách hàng giàu có.

Nằm giữa Istanbul và Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ là một thung lũng tuyệt đẹp với những rừng thông và suối nước nóng, lại có thứ giống như trong một bộ phim Disney: Nhiều hàng dài biệt thự thiết kế kiểu lâu đài, giống hệt nhau. Ảnh: CGTV.

Nhìn gần, bạn sẽ thấy nhiều căn vẫn còn dang dở, vật liệu chất đống và không có một bóng người. Nơi này giống như một thị trấn ma, trong khi thực chất là dự án hạng sang thất bại. Ảnh: OA.

Burj Al Babas, tên của khu dự án, nằm ngay gần thị trấn Mudurnu - nơi từng là điểm giao thương trên Con đường Tơ lụa. Giờ đây, thị trấn là thủ phủ của ngành công nghiệp gia cầm, và là điểm du lịch thú vị nằm trong danh sách cân nhắc của Di sản Thế giới UNESCO. Ảnh: OA.

Đầu những năm 2000, Mudurnu và những suối nước nóng ở đây thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư và phát triển bất động sản, trong đó có Sarot - tập đoàn bất động sản đã xây hai khách sạn trong vùng. Sarot nghĩ ra một ý tưởng táo bạo: Burj Al Babas, tập hợp nhà nghỉ dưỡng hạng sang dành cho những khách hàng Ả Rập giàu có. Dự án sẽ có bể bơi kiểu Thổ Nhĩ Kỳ tráng lệ, trung tâm mua sắm, giải trí và nhiều hạng mục khác. Ảnh: OA.

Ngay lập tức, dự án đã gây tranh cãi kịch liệt trong các nhóm cư dân Mudurnu. Một số cho rằng Burj Al Babas sẽ giúp thúc đẩy kinh tế địa phương, trong khi không ít chỉ trích dự án hoàn toàn không đếm xỉa đến văn hóa, cũng như có thể gây áp lực thế nào đến hạ tầng thị trấn. Ảnh: OA.

Dù vậy, dự án vẫn khởi công vào năm 2014, với 200 triệu USD được rót ra để xây dựng 587 trong tổng số 732 biệt thự dự tính. Ảnh: OA.

Tuy nhiên, sau khủng hoảng tài chính năm 2018, khi cả thị trường bất động sản và kinh tế toàn cầu suy thái, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá, Sarot tuyên bố phá sản. Việc thi công ngừng lại. Dù nhiều biệt thự bề ngoài có vẻ đã hoàn thiện, tất cả cơ sở hạ tầng của khu dự án đều chưa xong. Ảnh: OA.


Giờ đây, Burj Al Babas nằm im lìm và trở thành một điểm tham quan cho những du khách tò mò đến thăm Mudurnu và hồ Suluklu gần đó. Ảnh: @NicholasDanfort.


Vào mùa đông, nơi này càng trở nên lạ lùng, khi tuyết phủ trắng xóa và không một ánh đèn, không một bóng người. Ảnh: @NicholasDanfort.

Chuyện vẫn chưa kết thúc, khi tập đoàn Nova của Mỹ tiếp quản dự án này. Nó vẫn sẽ là một thị trấn bỏ hoang đắt giá, hay được cải tạo lại và hoàn thiện, bắt đầu hành trình như mục tiêu ban đầu. Không ai biết rõ, và số phận của Burj Al Babas vẫn chưa được định đoạt. Ảnh: OA.

An Ngọc/Theo AO























 





Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.