.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

Tiếng Việt, Tiếng Anh

 – Where are you, Andy, Jimmy? Come back here. Hurry up!

Tôi ngẩn người khi vừa nghe ai đó gào to giữa chợ một tràng tiếng Anh với âm hưởng đầy chất Việt Nam. Nhưng tôi không ngạc nhiên vì tiếng gọi con khơi khơi giữa chợ như ở giữa sân nhà chị ta, mà vì tôi thấy cái giọng nói này quen quen, lâu lắm rồi tôi mới được nghe lại.

Tôi hướng theo tiếng nói đó và trông thấy đúng là một người đã quen, liền bước vội lại, nhìn kỹ hơn và không khỏi reo mừng:

– Ủa! Bông đó hả Bông?

Bông nhìn tôi, cũng mừng rỡ không kém. nhưng nó hạ thấp giọng chứ không gào rổn rảng như hồi nãy:

– Bông hoa gì! Bây giờ tao tên là Barbara rồi. Nhớ nghe, đừng gọi là Bông nữa, quê lắm.

– Ủa Bông… À quên, Barbara, mày không còn tên là Lê thị Bông nữa hả?

– Đã bảo tao đổi tên là Barbara rồi mà, Barbara Le, hiểu chưa? Họ Lê, không có dấu thành Le, mày muốn hiểu là… le te hay le lói gì cũng được. Hồi năm ngoái thi đậu quốc tịch, đổi tên luôn, dù gì cũng lên chức công dân Mỹ rồi.

Lúc đó, hai thằng con chạy lại, chắc vừa chạy đuổi nhau trong chợ nên cả hai đứng thở không ra hơi. Bông tiếp tục cho hai thằng con một bài học ngay giữa chợ bằng tiếng Anh của mình:

– What were you doing over there? I told you not to…

Bông khựng lại, quay ra hỏi nhỏ tôi:

– Chữ “quậy phá tùm lum” tiếng Anh là gì hả? Tao muốn nói với tụi nó là không được quậy phá tùm lum trong chợ người ta.

– Tao không biết, để chốc về nhà tao dò tự điển.

– Trời ơi, tao cần ngay bây giờ. Hồi xưa học chung ESL với mày, tao thấy mày biết nhiều từ ngữ lắm mà.

– Nhưng ai mà học cái từ “quậy phá tùm lum” này. Đùng một cái, mày hỏi, chữ ở đâu mà ra lẹ vậy?

– Thôi được.

Bông quay ra hai thằng con, cao giọng:

– Do not do that any more. OK?

Hai thằng con hiểu ý mẹ, đứng yên.Tôi phục Bông sát đất, không cần biết nhiều từ vẫn giải quyết được vấn đề, vẫn nói tiếng Anh cho người khác hiểu như thường. Giống như trường hợp một người bạn của tôi, bảo lãnh thằng em sang Mỹ, tiếng Anh nó biết lõm bõm và chủ yếu chỉ cần hai từ “this, that” mà được việc. Ông anh giao cho thằng em trông coi một cửa hàng bán cá kiểng. Khách hàng muốn mua gì, thì anh ta chỉ vào từng món và hỏi:

– This one?

Nếu không phải, liền chỉ sang cái khác:

– That one?

Cuối cùng cũng bán đúng món hàng khách muốn mua mà không cần biết loại cá ấy, loại thức ăn cho cá ấy tên gì.

Tôi hỏi Bông:

– Nếu không thể nói bằng tiếng Anh, sao mày không nói tiếng Việt cho tiện?

– Trời ơi, tao kỵ nói tiếng Việt Nam với con tao, phải để tụi nó giỏi tiếng Anh chứ, chêm ba tiếng Việt vô làm gì cho tụi nó nhức đầu! Hồi xưa tao với mày học ESL khổ cực thế nào!

Tôi nhớ hồi mới sang Mỹ, gặp người Mỹ nói chỉ… mỉm cười, đó là kế “hoãn binh” để đoán mò xem họ nói gì và suy nghĩ câu trả lời. Hên thì trúng. Có khi bế tắc, họ đi rồi mới chợt hiểu ra hay đoán mò ra, chẳng lẽ lại gọi “Ôí ông ơi, bà ơi, tôi hiểu rồi. Lại đây tôi trả lời cho mà nghe nè”. Và một chuyện tôi còn nhớ đời, tôi làm tại một hãng ráp đồ điện tử, rất chăm chỉ, kỹ lưỡng. Một hôm tôi vừa bóc miếng gum cho vào miệng nhai thì ông cai trông thấy, nhưng không nói gì, cũng đã làm tôi lo ngay ngáy, vì luật hãng cấm ăn uống trong giờ làm việc.

Hôm sau, tôi bị gọi lên văn phòng ông manager, cõi lòng tôi tan nát, phen này coi như tôi bị đuổi việc. Nhưng ông manager mời tôi ngồi, nói chuyện rất thân thiện, ông nói gì, trình độ tiếng Anh ESL của tôi làm sao mà hiểu nổi. Nhưng để đáp lại tấm lòng tử tế của ông, mỗi câu nói ông đợi tôi trả lời, tôi đều nói OK với tất cả lòng… biết ơn, không ngờ người Mỹ tử tế thế, công nhân có lỗi mà họ khiển trách rất lịch sự, dịu dàng. Một tuần lễ sau, ông cai đưa tôi một tờ giấy, ghi rõ tôi sẽ đổi sang làm ca tối bắt đầu từ tuần tới, tiếng Mỹ tôi nghe không rành, nhưng đọc là tôi hiểu liền. Tôi thắc mắc quá, khi không họ đổi tôi xuống ca tối mà không hỏi ý kiến tôi gì cả? mà chỉ một mình tôi bị đổi, hay họ trừng phạt tôi về tội vi phạm kỷ luật đã ăn trong giờ làm việc hôm nọ? Mấy người bạn Việt Nam làm cùng ca cũng xúm vào bàn luận, cho là tôi bị “trả thù”, bị “xâm phạm quyền tự do dân chủ”, bị “kỳ thị”, v.v... Tôi bèn nhờ một anh giỏi tiếng Anh dẫn lên gặp ông manager để khiếu nại, với bộ mặt đưa đám và sưng sỉa. Thì ra, hôm ông manager nói chuyện với tôi, ông đã khen tôi làm việc giỏi, ông hỏi ý tôi có thể chuyển xuống ca tối không vì họ đang cần một người thợ giỏi như tôi và ông sẽ lên lương cho tôi 50 cent một giờ. Tất cả, tôi đều OK vui vẻ. Ông đã cảm ơn sự hợp tác “mau lẹ” của tôi.

Tôi trở về thực tế nói với Bông:

– Mình khác, tụi nhỏ khác. Mình qua đây lớn tuổi rồi, tiếng Việt đầy đầu, chỗ đâu mà vô tiếng Anh? Còn tụi nó sinh đẻ ra ở đây, lớn lên ở đây. Lo gì?

– Sống ở Mỹ phải Mỹ hoá mày ơi, vợ chồng tao đều vô quốc tịch Mỹ, hai con sanh ra tại Mỹ. Cả nhà Mỹ hết trơn rồi. Thôi mày cho tao địa chỉ, bữa nào đến nhà chơi, mấy năm nay mới gặp lại mà, bây giờ tao đi kiếm lọ mắm tép chua đây.

– Ăn món gì vậy?

– Bánh tráng cuốn thịt heo luộc với mắm tép chua, rau thơm, ngon hết biết!

Nói xong Bông dắt hai con ra thẳng quầy nước mắm, nước tương. Chiều nay về nhà, cái gia đình Mỹ hoá ấy, nói toàn tiếng Anh ấy, gia đình bà Barbara Le, sẽ tha hồ thưởng thức món mắm tép chua, đặc sản của Việt Nam, chẳng liên quan đến Mỹ một tí nào.

*

Nghe tiếng chuông reo, thằng Cu Tí của tôi chạy ra mở cửa, Cu Tí nói:

– Mẹ cháu đang ở trong bếp, mời hai bác vào nhà.

Tôi vội vàng lau tay, bước ra phòng khách, đó là gia đình chị Bông:

– Mời cả nhà ngồi chơi. Cu Tí, con lên lầu nói ba xuống có khách nhé!

– Dạ, để con lên gọi Ba.

Cu Tí nhanh nhẩu chạy đi, Bông ngạc nhiên:

– Mày dạy nó nói tiếng Việt rành quá vậy?

Bông ái ngại tiếp:

– Nói giỏi tiếng Việt là ảnh hưởng đến tiếng Anh đó.

Chồng của Bông ngắt lời vợ:

– Em chỉ lo xa – Anh ta phân bày với tôi – bà ấy sợ con dở tiếng Anh, nên không cho tụi nhỏ học tiếng Việt đã đành, mà còn ra luật lệ là ở nhà vợ chồng phải nói tiếng Anh khi có mặt hai con. Thiệt tình bực mình hết sức, nhưng bả thích thì chiều, không lẽ cãi lộn tối ngày vì vụ này? Thà mình nói giỏi tiếng Anh, mình dạy nó, không sao. Đằng này mình nói thì chậm, âm hưởng thì sặc mùi Việt Nam, người Mỹ nghe có khi còn hoang mang không hiểu gì cả, thì dạy cái nỗi gì?

– Coi như mình… dợt tiếng Anh cho chính mình đi. Bông bướng bỉnh giữ vững lập trường của mình.

Chồng Bông phân bày:

– Thằng Andy đó, mới 9 tuổi đầu mà đã nói với mẹ nó khi nào con 18 tuổi sẽ ra khỏi nhà sống tự lập một mình, thấy mẹ buồn, nó… gia hạn thêm một năm nữa là 19 tuổi. Em vẫn muốn các con sống với em theo phong tục tập quán người Việt Nam, con cái gần gũi, gắn bó với gia đình với cha mẹ, anh em, nhưng tiếng Anh đâu mà giảng giải cho tụi nó hiểu? còn tiếng Việt thì chúng nó lại không biết gì. Hiểu ngôn ngữ mẹ đẻ cũng sẽ hiểu được tập quán quê hương đó.

Chồng tôi ra tới phòng khách, hai ông bạn cũ gặp nhau, mừng rỡ. Trước đây hai gia đình ở cùng một apartment, cùng một hoàn cảnh mới qua Mỹ, nên chúng tôi chơi với nhau khá thân. Sau này vợ chồng Bông dọn đi thành phố khác và mất liên lạc, nay mới gặp lại.

Thằng Andy, Jimmy thì nhanh chóng làm bạn với Cu Tí, Cu Tèo nhà tôi, cùng lứa tuổi, nên chúng nói chuyện, đùa vui thoải mái.

Bông kín đáo để ý đến bọn trẻ và thốt lên:

– Bốn đứa nói tiếng Anh, nghe mà sướng cả tai.Tao cứ tưởng là…

– Tưởng Cu Tí, Cu Tèo biết nói tiếng Việt thì dở tiếng Anh chứ gì? Đấy mày xem, có dở đi tí nào không?

Chồng Bông lại được dịp phân bày:

– Tôi nói hoài mà bà ấy không nghe.Tháng rồi cả nhà mới về Việt Nam, hai thằng con thật khổ vì không hiểu và nói đựoc tiếng Việt, được ông bà, chú dì xúm vào hỏi chuyện, nhưng tụi nó cứ ngố mặt ra, thiếu điều muốn khóc, mẹ nó phải đứng ra thông dịch cho đôi bên, rồi chúng e ngại khi đối diện với họ, vô tình mà chuyến đi chơi xa, về quê hương của chúng mất hết ý nghĩa và hứng thú. Hai đứa đều nói lần sau không về Việt Nam nữa.

Bông khoe:

– Vậy mới vui chớ, bà con thấy hai thằng nhỏ nói ngọng ngịu vài chữ tiếng Việt cũng không xong, họ cười rần rần, cứ hỏi cho nó nói… lung tung chơi. Ai cũng nói tụi nó thành Mỹ con rồi. Hai đứa nó thèm ăn hamburger, sáng sớm mấy bà dì phải xách xe chạy ra phố mua hamburger và sữa tươi cho chúng.

– Tại em bày đặt, muốn mọi người đối xứ với chúng như đối xử với người Mỹ, chứ chúng nó không có hamburger cũng không chết đói. Có bữa bà Ngoại cho tụi nó ăn bánh cuốn, mỗi đứa xơi hết một dĩa đó.

– Theo tôi cứ tập cho các cháu nói tiếng Việt, ăn đồ Việt, càng hay chứ sao. Chồng tôi góp ý.

Chồng Bông tuôn ra những ấm ức mà anh tin rằng có người nghe và đồng tình:

– Biết thêm một ngôn ngữ là phong phú thêm cho đời sống, huống chi đó là ngôn ngữ của quê hương, dân tộc mình. Không thấy người Hoa đó sao? hồi ở Việt Nam, tôi thấy có những trường dạy tiếng Hoa cho người Hoa. Họ làm ăn, sinh sống trên đất Việt, thậm chí lấy vợ, lấy chồng Việt Nam, nhưng vẫn không để con cháu quên ngôn ngữ dân tộc của họ, nguồn gốc của họ.

Tôi tán thành:

– Điều này rất đúng, hồi tôi qua Canada chơi, dạo phố Tàu ở Toronto, thấy những thanh niên người Hoa đứng rao hàng ơi ới bằng tiếng Việt Nam, nhưng khi gặp khách hàng người Canada, họ đổi sang nói tiếng Anh lưu loát. Vậy mà lát sau lại thấy họ nói chuyện với đồng hương bằng tiếng Hoa ngon lành. Họ biết ba ngôn ngữ, thật là tiện dụng và hữu ích.

Chồng tôi tiếp lời:

– Chưa biết chừng gặp khách hàng dân Quebec, họ lại nói tiếng Pháp nữa đấy.

– Trong các nhà hàng, chợ búa người Việt Nam, ngoài tiếng Việt, các cô thu ngân, bồi bàn nếu cần lại nói tiếng Anh với khách hàng đó thôi. Biết hai, ba ngôn ngữ càng dễ giao thiệp, dễ xin việc làm. Chồng Bông bổ sung thêm.

.

Chồng tôi dung hoà:

– Thật ra, chúng ta đang sống ở Mỹ, nói tiếng Mỹ, sống theo phong tục Mỹ là điều rất đúng. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nên duy trì những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình, ngôn ngữ là cây cầu nối tuyệt vời nhất. Chúng không thể yêu quê hương nếu không nói và hiểu được tiếng Việt. Thử tưởng tượng anh David Nguyễn hay cô Tammie Trần nào đó, dù họ sinh ra và lớn lên ở Mỹ, thành công ở Mỹ, nói tiếng Mỹ như người bản xứ. Nhưng nhìn họ, người ta biết ngay là người Mỹ gốc Châu Á, gốc Việt Nam, thì không thể nào họ phủ nhận được nguồn gốc của mình.

Tôi nói với Bông:

– Tao mong cho Cu Tí, Cu Tèo của tao giỏi tiếng Việt càng tốt, chúng nó mới chính là người dạy tiếng Anh cho vợ chồng tao. Sau này trong cuộc sống, sẽ có nhiều dịp cần nó thông dịch, giảng nghĩa cho mình đấy.

Bông ậm ừ:

– Mày nói cũng có lí, để từ từ tao tính.

Khi hai vợ chồng Bông chuẩn bị ra về, Bông quen miệng gọi hai con:

– Andy, Jimmy. Come here! Go home!

Bông chợt ngại ngùng sửa lại:

– Andy, Jimmy! Lại đây con! Con chào hai bác đi!

Hai đứa nhìn mẹ, ngẩn tò te. Chắc chúng ngạc nhiên vì lần đầu tiên nghe mẹ nói tiếng Việt với chúng trước mặt người khác? Thằng Cu Tí thấy chúng ngẩn ngơ, chịu không nổi, lanh chanh xen vào:

– Say good bye to my mom, my dad.

Andy, Jimmy hiểu ra, chúng chào chúng tôi:

– Good bye!

Gia đình người Mỹ gốc Việt Lê thị Bông, tức Barbara Le ra khỏi nhà tôi. Tôi hi vọng rằng một ngày nào đó hai thằng “Mỹ con” kia sẽ không còn nghệt mặt ra với đồng hương của mình nữa. Chúng sẽ nói và hiểu được tiếng Việt Nam.


Nguyễn thị Thanh Dương




Đính kèm là hình của Nguyễn Thị Thanh Dương ( Đeo kiếng trắng ) ăn với bạn ở Dallas , TX , USA .


Sau Ly Hôn 



– Vợ cũ của anh hiện sống có tốt không?
– Sau khi ly hôn, cô ấy đã lấy một người nước ngoài, cuộc sống rất hạnh phúc.
– Cô ấy không quay lại thăm con sao?
– Không có! - Anh bạn trầm ngâm trả lời.
– Lạ nhỉ, Cô ấy không yêu con? Những đứa con do mình sinh ra mà? Thật khó hiểu! – Tôi thắc mắc.

Anh bạn tôi bắt đầu uống rượu và kể với tôi nhiều chuyện về cuộc hôn nhân đã qua của anh ấy và người vợ cũ…

– Vợ tôi là một người phụ nữ tốt, mặc dù trước khi cưới, cô ấy rất thích đi chơi, hội hè… Nhưng sau khi kết hôn đã thay đổi nhiều, cô ấy quán xuyến rất nhiều việc trong cuộc sống sinh hoạt gia đình.

Khi đứa con đầu tiên ra đời, anh bạn tôi thường xuyên đi sớm về muộn, nói là vì còn bận giao tiếp, công việc làm ăn. Người vợ thông cảm với chồng, nghĩ người chồng đã rất vất vả với công việc ở bên ngoài nên một câu trách móc cũng không có.

Rồi đứa con thứ hai ra đời, anh bạn tôi càng về nhà muộn hơn, thường xuyên, thậm chí còn qua đêm ở bên ngoài. Người vợ hi vọng cậu ấy có thể dành ra một chút thời gian ở bên gia đình, nhưng cậu ấy luôn viện lý do vì bận công việc, vì sự nghiệp. Mẹ chồng lại là một người phụ nữ có tư tưởng bảo thủ, bà cho rằng mọi việc khiến cho con trai bà hành xử như thế đều là do vợ đã làm không tốt. Bà đối xử với con dâu bằng thái độ rất lạnh nhạt, có phần hà khắc.

Kết hôn 8 năm, khi mọi việc trở nên quá sức chịu đựng thì cô ấy nói với chồng:

– Em không thể tiếp tục sống như thế này nữa anh à!
– Em lại muốn kiếm chuyện gì đây?
– Kết hôn 8 năm rồi, anh có bao giờ nghĩ rằng đã làm được gì cho gia đình này? Đã làm được gì cho em?

Anh bạn tôi gào lên trong cơn say:
– Bao nhiêu năm nay tôi vất vả kiếm tiền vì các người, vì cuộc sống mà dốc sức làm việc, như thế còn chưa đủ sao?

Cô vợ cay đắng:
– Anh cho rằng như thế là đủ rồi sao? Những điều một người vợ mong muốn ở người chồng chỉ là như thế thôi sao?

Anh bạn tôi cười khẩy:
– Vậy thì cô còn muốn cái gì nữa? Ai cho cô không phải lo lắng gì đến cái ăn cái mặc, không phải lo cơm, áo gạo, tiền? Mỗi ngày chỉ ngồi ở nhà đợi chồng, muốn làm cái gì thì làm, hỏi có mấy người phụ nữ nào được như cô?

Người vợ đau lòng nói trong nước mắt:
– Thì ra bấy lâu nay anh nghĩ về em như thế! Kết hôn từng ấy năm, anh rốt cuộc không nhìn thấy những công sức mà em đã bỏ ra, những buồn khổ mà em đã chịu. Anh không biết vì sao mà các con anh bỗng nhiên lớn lên và có hiểu biết, ngoan ngoãn… anh nghĩ những đồng tiền anh đem về là đủ để mọi thứ được như hiện nay sao?
– Nói như cô có nghĩa là tôi không có công sức gì? Không lo cho cô? Người cho cô tiền để tiêu là ai? Các con lớn lên, ngoan ngoãn như bây giờ nếu không từ những đồng tiền tôi vất vả kiếm được thì từ đâu?
Cô vợ im lặng để kết thúc cuộc nói chuyện… không phải vì không đủ lý lẽ mà vì cô ấy quá hụt hẫng khi hiểu được suy nghĩ của chồng về vợ, về cuộc sống gia đình, cô cho rằng đã đến lúc phải chọn lựa… Cuối cùng, cô ấy đưa ra yêu cầu ly hôn, ly hôn vô điều kiện, không tranh giành nuôi con, cũng không cần tiền, chỉ muốn rời xa người chồng mà cô đã lãng phí cả tuổi thanh xuân, người chồng không biết quan tâm đến cô.

Kể chuyện đến đây thì anh bạn tôi cúi đầu không nói tiếp. Tôi cũng nghĩ cậu ấy đã uống quá nhiều, tôi lấy tay vỗ vỗ lưng cậu ấy…
– Cậu có biết không? Sau khi ly hôn, tôi cũng muốn vì bọn trẻ và vì bản thân mình mà tìm một người có thể thay thế mẹ chúng. Nhưng chỉ là tôi muốn chứ bọn trẻ đều không muốn.
Tôi hỏi anh ấy:
– Có phải điều quan trọng nhất là vì bọn trẻ không thích nên anh cũng không muốn đúng không?

Anh bạn tôi gật gật đầu… Anh ta bắt đầu lầm bầm:
– Tôi bây giờ mới biết được rằng con cái không tự nhiên mà lớn lên được! Tôi cũng phát hiện ra Mẹ tôi thường hành xử rất vô lý và rất không công bằng với con dâu… Tôi không ngờ việc nhà vất vả như thế, rồi vì hai đứa trẻ mà cô ấy không thể lo cho bản thân những điều cơ bản nhất, ngay cả gặp gỡ bạn bè hay đơn giản chỉ là về thăm nhà cũng rất khó khăn….hóa ra cái nhà vệ sinh sạch sẽ cũng là có nguyên nhân!!!

Anh bạn tôi bắt đầu khóc lóc… Tôi nhìn anh ấy và suy về tình yêu, hôn nhân…

- Có một số người đàn ông không bao giờ học nổi cách yêu thương một người phụ nữ.

- Có một số người đàn ông cần người phụ nữ chỉ là bởi vì họ thiếu một người bảo mẫu, chỉ là vì thiếu một người giúp việc hay là để sinh con nối dõi tông đường.

- Có những người sau khi ly hôn, đến một ngày ngồi trong nhà vệ sinh mới phát hiện ra điều mà anh ta chưa bao giờ biết đến… Anh bạn của tôi không thể hiểu được nhà vệ sinh cũng cần phải cọ rửa, đến khi chính mình làm họ mới hiểu được người phụ nữ đã vất vả như thế nào! Nếu không vì yêu, không lấy anh ta, thì cô ấy chưa chắc đã khổ.

Có một số người, đánh mất đi rồi mới thấy tiếc…. Thế nên, hãy biết trân quý những người mình yêu thương…

Sưu tầm

Hai bà Mẹ

Tôi có hai bà mẹ.

Mẹ ruột sinh tôi ra quê quán ở làng An Cựu tỉnh Thừa Thiên tận ngoài Huế xa lơ xa lắc,cả thời thơ ấu tôi chỉ được nghe mẹ kể về cái làng nghèo nàn khổ sở này mà mãi đến nay vẫn chưa một lần tôi được đặt chân đến hay ghé về thăm.

Đời sống của mẹ thuở ấy thật là khổ cực. Mỗi khi có dịp được rời bỏ cái làng mà mẹ hay nói chó ăn đá gà ăn muối để mà đi nơi khác tìm kế mưu sinh thì không một ai tỏ ý ngần ngại hay e dè.

Đúng lúc đó, ba của chúng tôi từ Thanh Hóa trôi dạt đến xứ này… rồi gặp mẹ. Hai người yêu nhau bỏ làng đi theo sóng người di cư vào nam lập nghiệp… đi mãi… đi mãi đến

Đà Lạt thì dừng chân.

Lúc đó theo mẹ kể nhà nghèo lắm. Mẹ sinh ra anh hai tôi, đứa con đầu lòng kháu khỉnh dễ thương. Người chủ Pháp nơi ba tôi đang làm việc mãn hạn quay về cố hương muốn xin anh làm con nuôi và mang anh về đất Pháp nhưng mẹ cương quyết chối từ dù ông ta hứa hẹn sẽ tặng một món tiền to để bù lại.

Mẹ vẫn nói dù nghèo đói đến đâu cũng là núm ruột của mình làm sao chia cách được.

Chúng tôi lần lượt được sinh ra trong tình yêu thương của ba mẹ và cũng trong cảnh khốn khó nghèo nàn.

****

Năm anh hai tôi lên 10 tuổi, hàng ngày đi học về anh phụ mẹ mang từng bó chổi dùng để quét nhà theo mẹ đi rao bán. Còn mẹ, mỗi ngày như mọi ngày chiều đến với chiếc rổ con con mẹ ghé tạt vào những đám cỏ bên đường hái nào là rau sam (cọng tròn lá mập dày ăn như rau mồng tơi), rau dền mọc hoang rồi hái thêm ít đọt bí, bông bí, đọt su ngoài giàn… rồi những rau gì có được bà mang về rửa sạch, bắc lên bếp một nồi nước to chờ nước sôi bỏ vào đó vài ba con tôm khô đã giã nhỏ nhừ đến không hề thấy được trong nồi canh rồi rổ rau tươi tắn cũng cho vào nêm nếm lại với mắm muối tiêu hành là xong một nồi canh cho bữa cơm chiều.

Mẹ gọi đó là nồi canh Tập Tàng (tên này có lẽ do mẹ đặt ra). Món ăn độc nhất mà gia đình tôi có được vào mỗi buổi chiều. Cơm thì mẹ ráng lo đầy đủ còn thức ăn thì luôn luôn thiếu. Mấy anh em chúng tôi (lúc đó mới có 4 anh chị em) chan canh vào chén cơm húp sùm sụp. Khi cơn đói kéo đến thì ăn món gì cũng ngon lành.

Cứ như vậy, mỗi ngày như mọi ngày với cơm và nồi canh Tập Tàng anh em chúng tôi dần dần khôn lớn lúc nào không hay.

******

Năm tôi lên lớp nhất, thời đó các trường tiểu học đều được tính từ lớp năm, tư, ba, nhì rồi nhất. Cuộc sống của gia đình tôi nhờ mẹ tảo tần, nhờ ba đã tìm được một chân lái xe đưa rước những con cái của các gia đình giàu có đi học và đón về. Bữa ăn đã có nhiều thêm thịt cá, mẹ vẫn nhớ tuy không thường xuyên như xưa món canh

Tập Tàng vẫn được bày lên bàn. Mẹ nhắc chúng tôi đừng quên lúc hàn vi mà phải ráng học cho nên người, phải cố vươn lên đừng như ba mẹ đã sống qua.

*****

Mấy năm dài sau đó, anh em chúng tôi giờ đã có hết thảy là bảy anh chị em. Nhà càng lúc càng phát đạt. Ba mẹ mua nhà, mua xe, sắm sửa hàng quán. Lâu lâu nồi canh quen thuộc vẫn được dọn lên, giờ mẹ không đi hái nữa mà mua ở chợ, những lúc cười vui bà lại nói ăn canh Tập Tàng cho mát tì mát vị… không mất mát vào đâu.

Anh hai tôi ngoài những buổi đi học, giờ rảnh rang anh đi tập võ nghệ, cứ tết đến là anh đi với nhóm múa lân của trường Tân Sanh ở đường Phan Đình Phùng ba ngày tết biểu diễn khắp nơi. Khi về đến nhà, anh gọi đám em ra xếp hàng và… tháo giày bata ra lấy những đồng tiền được chia trong lúc múa lân lì xì lại cho chúng tôi.

Ui! Đồng tiền bốc mùi vớ thum thủm vậy mà chúng tôi cầm lấy vui ra mặt, hít hà với niềm sung sướng vô biên. Hạnh phúc cho gia đình chúng tôi, êm ấm cho anh em chúng tôi không bút nào kể xiết.

****

Năm tôi chuẩn bị đi thi Tú Tài thì tai biến xảy ra. Chuyến xe mang ba mẹ và anh hai tôi đi Sàigòn đã vĩnh viễn không mang người thân của chúng tôi trở lại, mới hôm qua tôi còn tung tăng với đám bạn học cùng trang lứa, hôm nay tôi đã thật già.

Tang lễ xong, với  tài sản của ba mẹ để lại tôi quyết định đi theo con đường kinh doanh của mẹ ngày trước, phần lo cho các em tiếp tục đến trường. Cứ hàng hai tháng một là tôi lại về Sàigòn mua hàng lên Đà Lạt, lớp bán sỉ, lớp bán lẻ, công việc tốt đẹp và trôi chảy chắc là nhờ ba mẹ đã phò hộ cho chị em chúng tôi.

Mỗi lần về đến Sàigòn tôi tá túc nơi bà chị đỡ đầu. Một lần, hai lần thì má của chị ngỏ ý nhận chúng tôi làm con nuôi dù bà cũng đã có đàn con mười đứa.

Tôi đã bật khóc lên khi bà xưng là má và gọi tôi là con. Nước mắt chảy dài như thầm nói một

lòng biết ơn và quý trọng của tôi đến với bà và cả gia đình này.

Bà mẹ nuôi của chị em chúng tôi người sinh trưởng ở Mỹ Tho. Xứ này con gái đẹp lắm, khéo

léo bếp núc và đa số dịu dàng phúc hậu.  Bà cũng vậy, ngày ngày lo đi chợ nấu ăn, cơm nước cho chồng cho con không một lời thở than hay buồn phiền gì cả. Đêm đến, bà quỳ thắp nhang lạy Phật xin ơn trên phù hộ cho đám con ruột, đám con nuôi bình an, mạnh khỏe.

*****

Từ đó, công việc kinh doanh của tôi cũng có phần nhẹ nhàng và bớt đi lại như xưa. Chị hai và các em thay tôi đi đặt hàng hóa, má cho người đi nhận hàng và gửi lên Đàlạt. Tiền hàng chưa kịp thanh toán má đã nhanh chóng ứng trước đến khi tôi về thì trả lại, mọi chuyện lo lắng không hề phân biệt con nuôi, con ruột, bà một lòng giúp đỡ thương yêu chúng tôi, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ khi nào.

Một lần về đến Sàigòn, chưa kịp bỏ túi hành lý, vài ba ký mận và dâu mang từ Đàlạt làm quà.

Má tươi cười từ trong bếp mang ra một rổ rau ghém thật lớn:

- Hãy thay quần áo, rửa mặt rồi các con ra ăn cơm. Hôm nay má làm món Mắm Dà Rao !

Cái món ăn lạ lùng này đối với tôi quả là tôi chưa hề nghe qua lần nào, nhìn chị hai như thầm hỏi… thì ra món Mắm Và Rau.

Món ăn ngon tuyệt này của má đã làm tôi nhớ suốt đời như nồi canh Tập Tàng của mẹ khi xưa. Người Sàigòn nói: "Đi dzô, đi ra, đi dzìa"… Còn tôi với âm hưởng vừa Thanh Hóa, vừa An Cựu Thừa Thiên lại vừa Đà Lạt nên cứ: "con đi vô, con đi về"…..

Cả nhà xúm nhau chọc tôi mãi với những lời nói trên.

Quay lại món Mắm Và Rau. Xem này: Đầu tiên là lấy ra vài lát mắm thu, mắm cá lóc hay loại mắm gì khác mà tôi chưa được biết, mắm được lọc kỹ cho hết xương, băm nhỏ mắm với cà chua, thịt ba chỉ, trứng, hành lá, gia vị tiêu hành mắm muối… rồi rắc lên mặt một ít ớt màu đỏ cho bắt con mắt xong đem chưng cách thủy.  Qua món rau ghém mới thật là công phu, cầu kỳ. Tôi nhìn vào thấy nào là bắp chuối bào nhỏ, giá tươi, xà lách, điên điển, bông súng, rau thơm, hành ngò, dưa leo…vv…vv... Nhìn rổ rau đã thấy cơn đói kéo đến cồn cào.

Má chỉ nồi cơm, tô mắm chưng, rổ rau ghém:

- Tụi con ăn đi, khi nào nấu món này thì má cũng lo hai nồi cơm lớn, cứ ăn cho ngon miệng.  

Rồi má chỉ qua tôi:

- Còn con mới ăn lần đầu thử coi món này có hạp khẩu vị hay không?

Quả thật lời má không sai, tôi ngồi cạnh chị hai. Một chén cơm, hai chén cơm, ba chén cơm… tới chén thứ tư thì có hơi đỏ mặt vì cứ đưa chén qua cho chị hai hoài. Biết ý chị nheo mắt và cho tôi thêm một chén đầy vun.

Bốn chén cơm trong đời lần đầu tiên tôi ăn một hơi quên nghỉ. Sao mà ngon và tuyệt đến như vậy mặc dù chỉ có cơm, chén mắm chưng và rổ rau ghém mà thôi.

*****

Thời gian vùn vụt trôi qua.

Tháng tư năm 1975, má nhắn bọn tôi về gấp để cùng rời khỏi Việt Nam, nhưng tờ điện tín đã lưu lạc phương nào trong cơn biến loạn.

Tháng 10 năm 1978, chúng tôi đang trong trại tạm cư ở Phi Luật Tân, Má đánh sang một điện tín:

- Tụi con hãy ở đó chờ, ba đang lo giấy tờ bảo lãnh tụi con đoàn tụ.

Nhưng rồi số phận chúng tôi lại định cư không gần má mà lại đi xa tận nơi đây.

Mười năm sau, tôi thu xếp đem các cháu sang thăm ông bà ngoại, gia đình anh chị hai và tất cả mọi người trong nhà. Má vẫn dịu dàng phúc hậu, kể lể chuyện xưa nhắc nhiều món Mắm Và Rau. Má cười:

- Qua đây lâu nay phải ăn kiêng con ơi! Cá mặn ăn nhiều cao máu, thịt ba chỉ thì mỡ trong máu, và khi chưng lên thì đám nhỏ la làng nào là nhà hôi, ruồi bậu bay vô đầy…vv…vv..

****

Về lại Đức chưa bao lâu thì chị hai báo tin là má đã qua đời. Thôi từ nay món canh Tập Tàng của mẹ ruột, món Mắm Và Rau của mẹ nuôi sẽ nằm im bên tôi cho đến cuối cuộc đời.

Một lần nhớ mẹ, tôi cũng thử nấu món canh Tập Tàng ở đây. Tôi chỉ mua được rau dền, rau mồng tơi, rau đay, cũng ít đọt bí, ít hoa bí, cũng vài ba con tôm khô giã nhỏ tơi nhưng khi dọn ra bàn nhìn thấy tô canh ba đứa nhỏ thì thào với nhau em thích má nấu canh chua hơn…

Tôi bùi ngùi kể lể ngày xưa còn bé, bà ngoại nấu mỗi ngày và món canh này đã nuôi tôi khôn lớn. Kể thì có kể nhưng xem ra niềm cảm thông không hề nằm lại nơi ba cái trí óc trẻ thơ kia. Lần khác, tôi cũng muốn chưng món ăn thân thương của bà mẹ nuôi, mới mang ra ít lát mắm cá thu thì nhà tôi đã vội vàng cản lại:

- Mình ở chung cư, em coi chừng hàng xóm lại sang kêu cửa và la um sùm nấu cái món gì mà nặng mùi quá là em xui lắm đó nha.

Thôi! Thì xin mang cất hết trở lại.Thì ra đây vẫn không là quê hương của mình.

Hai món ăn của hai bà mẹ đã không có chỗ đứng, đến khi tôi qua đời thì sẽ cũng chẳng còn ai nhắc nhở nữa cả. 

Viết đôi dòng để gửi vào mây vào gió, biết đâu có một nơi nào đó hai bà mẹ thân yêu của tôi đang cùng nhau nấu và dọn bàn: Món canh Tập Tàng và món Mắm Và Rau.             

Minh Trang / Những ngày mưa tháng ba 2010 / Munich, Germany.


Rau càng cua
Ở một làng nọ, có một gia đình nghèo, đông con, người cha, chủ gia đình thì không may mất sớm, mọi việc trong ngoài đều do người mẹ đảm đương, lo toan. Do không có đất canh tác, người mẹ hàng ngày phải chạy vạy, mua gánh, bán bưng ngoài chợ để kiếm tiền, kiếm gạo đấp đổi qua ngày với một bầy con đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Sau buổi chợ, bà dùng số tiền lời ít ỏi mua vội chút cá mắm, thịt thà ế về rồi chạy qua các vườn hàng xóm, xin hái những đọt rau, đọt lá hoang dại để nấu một nồi canh to, kho vội nồi kho với nước mắm mặn nhiều hơn thịt, cá... Mấy mẹ con xúm nhau cùng ăn cơm trong cảnh nhà lụp xụp, tềnh toàng vì thiếu bàn tay mạnh mẽ của đàn ông.
Vào mùa mưa, khi rau càng cua mọc nhiều, bà thường qua nhà hàng xóm, có nhà tường, xin hái loại rau này về rửa sạch, bóp với giấm chua, bỏ thêm vài hạt đậu phộng rang vàng.. bày ra cho con ăn. Bọn trẻ rất thích món ăn đơn giản mà ngon miệng này, nhất là thằng con trai lớn, cũng là đứa con trai duy nhất trong sáu đứa con, nó rất mê món rau trộn giấm, chua chua, ngọt ngọt của mẹ nó.
Một hôm, sau buổi cơm với rau càng cua bóp giấm, nó nói với mẹ như người lớn:
- Ngộ quá hén mẹ, rau càng cua là món ăn của nhà nghèo mình mà sao nó chỉ mọc trên đất nhà giàu, đến rau lá mà cũng chỉ nịnh, thương nhà giàu thôi, nhà mình có bao giờ nó thèm mọc đâu, muốn ăn mẹ phải đi xin của người ta. Sau này lớn lên, con sẽ xây nhà tường để rau càng cua mọc ở nhà mình, mẹ khỏi đi xin nữa..
Bà mẹ rơm rớm nước mắt, ôm thằng con vào lòng, hôn lên mái tóc khét mùi nắng của nó và nhớ những ngày chồng bà còn sống, nhớ những hạnh phúc bà đã được hưởng khi còn bờ vai mạnh mẽ để nương tựa..rồi bà khóc, nước mắt lặng lẽ rơi lên mái tóc của thằng con. Thằng con không hay, vẫn nói với mẹ những ước mơ của một đứa trẻ nghèo, sớm mất cha...
Rồi thời gian trôi nhanh, bầy con của bà cũng đều đã lớn khôn, mấy đứa con gái, đứa lấy chồng xa, đứa lầy chồng gần. Còn thằng con trai cả của bà nhờ có chí quyết làm giàu từ nhỏ, chịu học hành, chịu thương chịu khó giờ trở thành một chủ doanh nghiệp lớn, thành đạt ở Sài gòn, cưới vợ là giám đốc một công ty, đối tác làm ăn là các công ty nước ngoài, đã giàu càng giàu hơn.
Thằng con trai bà đã giữ lời hứa, cất cho bà một ngôi nhà tường khang trang, to đẹp nhất xóm. Do công ăn chuyện làm túi bụi, thằng con trai ít khi có dịp về thăm mẹ, cả năm có một cái đám giỗ cha nó cũng không về được lần nào từ khi nó cưới vợ, nó nói với bà nó bận lắm, nhưng được cái tháng nào nó cũng gởi tiền về cho bà xoay xài thoải mái, không còn cảnh thiếu trước hụt sau như ngày nào. Lối xóm thấy bà như vậy, ai cũng khen bà có phước, có con làm ăn giàu có..Nghe vậy bà cũng cười, ra chiều vui lắm nhưng trong lòng bà héo hon mà đâu ai biết. Vật chất dư thừa nhưng tình cảm thiếu thốn, cũng chẳng vui vẻ nổi, bà ra vào thui thủi có một mình, có đứa con gái nhà cách mấy dây đất nhưng cả tuần nó mới ghé thăm chút rồi về, nó cũng bận bịu chuyện chồng con mà.
Thỉnh thoảng về chiều, nghe tiếng con bìm bịp kêu nước lớn, nước ròng, nằm trên vòng, bà thở dài..Giá mà được như ngày nào, mẹ con xúm xít bên nhau, với nồi cơm nóng, với tô canh tập tàng hái vội của hàng xóm. Nghèo mà được gần gũi con cái, hơn là dư ăn, dư mặc phải lủi thủi một mình..Rồi bà lại nghĩ, tình mẹ cha như nước trên nguồn, cứ đổ về xuôi, nước bao giờ chịu chảy ngược..thì thôi.Bà lại thiếp đi trong tiếng võng đong đưa, trong giấc mơ bà lại thấy mình ôm thằng con trai vào lòng, ngửi cái mùi tóc khét nắng của nó, bà lại mĩm cười, nụ cười hạnh phúc của một người mẹ nghèo..
Một hôm, sau mấy cơn mưa đầu mùa, rau càng cua mọc rất nhiều trước sân nhà bà ấy, nhưng cọng rau trắng đục, mọng nước, điểm xuyết những chùm hạt nho nhỏ, xanh xinh xinh..nhìn đám rau bà lại nhớ thằng con trai nơi chốn thị thành, không biêt nó bận bịu gì mà cả tháng nay cũng không gọi điện về thăm bà, rồi bà lại nhớ xưa nó rất mê món rau trộn giấm do bà làm. Nhớ vậy và sẵn có rau mới mọc đầu mùa, bà hái một vỏ xách đầy, gởi nhà cho đứa con gái rồi ra lộ đón xe đi Sài gòn thăm con.
Đương xa, nắng gắt, khi đến nhà con thì mớ rau càng cua đã héo mềm đi, bà nhờ cô giúp việc để rau vào tủ lạnh giúp rồi quày quả qua bên quán tạp hóa đầu đường mua đậu phông và giấm chua về để chế biến món rau mà con bà yêu thích, bà rất vui vì biết chắc con trai mình sẽ mê tít cho mà xem, mà gớm, cái con vợ của nó sao tệ quá, trong nhà không có nổi một giọt giấm ăn..bộ nó không biết nuôi giấm à, để sẵn về làm keo giấm nuôi và chỉ cho nó cách nuôi giấm luôn..ba khẻ mĩm cười hạnh phúc..
Không ngờ, buổi chiều đó con dâu bà đi làm về sớm, mang một số rau quả cao cấp mua ở siêu thị đem cất vào tủ lạnh, thấy bọc rau càng cua héo queo quắt, cô ta xách thảy vào thùng rác..Bà về tới, nghe thằng con trai cằn nhằn vợ: “Tại sao em ném rau của má vậy, từ quê xa xôi mà đem lên làm cho anh ăn đó..”, Con dâu bà trả lời:” héo hết rồi, ăn gì được, em mới mua rau ở siêu thị về đó..”.
Bà bước vào và giảng hòa, bà nói với với thằng con trai: “Thôi con, để mai mốt má đi sớm hơn, rau tươi sẽ ngon hơn.”.
Sáng hôm sau bà bắt xe về quê sớm, mặt buồn hiu, dạ cũng buồn hiu..Đám rau càng cua ngoài sân nhà bà vẫn lặng lẽ vươn những cọng rau giòn tươi, trắng mượt mà..
Mùa mưa năm sau, đám rau càng cua lại mọc, trắng nuột, điểm xuyết trên đầu nhánh những chùm hạt nhỏ xíu, xinh xinh.. Bà lại nhớ thằng con trai, bà tính lần này phải đi thật sớm, bắt chuyến xe đầu tiên, khuya không khí mát mẻ, rau chắc sẽ không héo nữa. Tính vậy, hai giờ khuya bà dậy, xách chiếc đèn pin ra rọi, hái một rổ đầy rau càng cua, bà chăm bẳm chỉ lựa hái những cọng rau to mập, tươi roi rói.., nó chỉ thích ăn những cọng to mập thôi, bà mĩm cười hạnh phúc...
Rồi bà trở vào nhà, tính để vào chiếc giỏ xách ... không may, bà bị trợt chân, té đập đầu xuống thềm, đầu trúng vào ngạch cửa, máu tuôn xối xả..bà lịm dần và chết lặng lẽ trong sương lạnh đêm khuya, không ai hay, ai biết..Máu bà lan cả một khoảnh nền nhà và tẩm đỏ cả rổ rau càng cua mới hái, màu đỏ máu hòa lẩn sắc trắng của rau phản chiếu óng ánh dưới anh đèn neon hiu hắt.
Ngày đám tang bà, thằng con trai khóc rất nhiều, anh ta đã hiểu vì sao mẹ bị nạn mà chết..những giọt nước mắt muộn màng không thể níu kéo mẹ của anh ta sống lại, để nghe anh ta kể những lời mơ ước như thuở hàn vi. Ngoài sân, những khóm càng cua vẫn lặng lẽ vươn lên trong bóng tối chập choạng..
Mấy ai biết và quý một loại rau hoang dại chốn quê mùa cũng như có mấy người con kịp biết quý tình mẹ lặng lẽ, bao năm vẫn mãi dõi theo từng bước chân của con ở đường đời, vui khi biết con thành công, hạnh phúc và đau buồn khi hay con va vấp, khổ đau. Mấy ai mà biết... Mấy ai mà biết...

Hương Đức 

 



Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.