.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Vua Midas với bàn tay biến mọi thứ thành vàng liệu có thật trong lịch sử?

 

Dù thuộc một trong những khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, nhưng vùng Anatolia (Tiểu Á) lại được tạo hóa ban cho đất đai màu mỡ cùng nhiều khoáng sản. Đây cũng là nơi câu chuyện nổi tiếng về vị vua Midas bắt đầu.

Bản đồ vùng Tiểu Á thời cổ đại với vương quốc Phrygia ở trung tâm (ảnh: Historyofyesterday)

Theo thần thoại Hy Lạp, Midas – vị vua của xứ Phrygia – là người vô cùng tôn sùng vị thần rượu nho Dionysus. Trong một chuyến du ngoạn, Silenus – thầy của thần rượu Dionysus – say bí tỉ như thường lệ và bị lạc khỏi đoàn. Silenus lưu lạc đến vương quốc Phrygia và được vua Midas tiếp đón nồng nhiệt.

Sau khi tìm lại được Silenus, thần Dionysus đã ban cho Midas một điều ước để cảm ơn lòng hiếu khách của vị vua xứ Phrygia. Vì sự tham lam. Midas đã ước tất cả mọi thứ ông ta chạm vào đều biến thành vàng.

Điều ước ngay lập tức được đáp ứng. Midas biến mọi thứ xung quanh thành vàng chỉ với một cái chạm tay và sung sướng về sự giàu có tột độ của mình.

Tai họa chỉ ập đến khi Midas nhận ra ông ta không thể ăn hay uống bất cứ thứ gì. Ngay cả rượu nho – món quà của quý của thần Dionysus – cũng bị Midas biến thành vàng. Trong cơn đói khát, Midas khẩn cầu thần Dionysus tha thứ cho sự tham lam của mình và hóa giải “lời nguyền”.

Dưới sự chỉ dẫn của thần Dionysus, Midas tới dòng sông Pactolus để rửa tay và bàn tay ông ta trở lại như bình thường. Đây là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất trong thần thoại Hy Lạp và được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Trong một vài phiên bản khác, Midas thậm chí vô tình biến cả con gái ông ta thành một bức tượng vàng.

Vậy, vua Midas liệu có thật trong lịch sử hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng?

Theo Historyofyesterday, khoảng 3.000 năm trước, Phrygia – vương quốc nằm ở trung tâm Tiểu Á – đã nổi tiếng về sự giàu có với nghề chế tác đồ đồng, đồ gốm và buôn bán với các nước Ba Tư, Hy Lạp. Tuy nhiên, trong thời kỳ vương quốc Phrygia phát triển rực rỡ nhất, nó lại bị hủy diệt dưới triều vua Midas.

Theo Historyofyesterday, vị vua đầu tiên của vương triều Phrygia là Gordian. Vốn xuất thân là thường dân, Gordian được người dân Phrygia tôn lên làm vua và nhanh chóng tỏ rõ bản thân là người xứng đáng. Nhờ những hiểu biết của bản thân về nghề kim hoàn, ông đã đưa kỹ thuật chế tác đồ đồng của Phrygia vượt xa các nước xung quanh. Để tôn vinh Gordian, người Phrygia đặt tên cho kinh thành của mình là Gordium.

Câu chuyện về vua Midas là bài học về hậu quả của sự tham lam (ảnh: Penn)

Vua Gordian cũng nổi tiếng với câu chuyện về nút thắt Gordian. Truyền thuyết kể rằng, sau khi trở thành vua của Phrygia, Gordian đã cho làm ra một nút thắt chằng chịt bằng nhiều sợi dây vô cùng bền chắc. Ông tuyên bố nút thắt này tượng trưng cho lời thề phụng sự của mình với người dân và tiên tri, ai tháo được nút thắt sẽ trở thành vua của toàn bộ Tiểu Á.

Alexander Đại đế – vị vua của đế chế La Mã hùng mạnh – là người tháo được nút thắt của Gordian bằng cách chém đứt các sợi dây. Năm 334 TCN, Tiểu Á nằm dưới sự cai trị của ông, theo History.

Vua Midas – con trai của Gordian – được nhắc đến rộng rãi trong các ghi chép cổ, có niên đại vào thời hoàng đế Sargon II (trị vì từ năm 722 – 705 TCN) của đế chế hùng mạnh Assyria. Theo đó, Midas đã là vua của Phrygia trước cả khi Sargon II lên ngôi. Trong thời gian đầu Sargon II trị vì, Phrygia và Assyria thường xuyên xảy ra chiến tranh. Những pho sử của Assyria cho thấy, vua Midas là nhân vật có thật chứ không phải chỉ là huyền thoại.

Talesoftimesforgotten dẫn sử liệu Assyria được các nhà khảo cổ thu thập cho hay, Midas lên ngôi vào khoảng những năm 740 TCN và cai trị Phrygia suốt 4 thập kỷ. Ông từng liên kết với vương quốc Urartu (thuộc khu vực Đông Bắc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) chống lại sự xâm lược của người Assyria. Tuy nhiên, cả Phrygia và Urartu đều bại trận trước Assyria và phải chịu cống nạp.


Lăng mộ ở vùng Yassihuyuk, được cho là thuộc về vua Midas (ảnh: Historyofyesterday)

Năm 1957, nhóm các nhà khảo cổ từ Đại học Pennsylvania (Mỹ) do giáo sư Rodney Young dẫn đầu đã khai quật một lăng mộ lớn thuộc vương triều Phrygia - ngày nay là vùng Yassihuyuk, cách thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 94km về phía tây nam. Bên trong lăng mộ, các nhà khảo cổ phát hiện căn phòng chứa đầy đồ đồng và hài cốt của một người đàn ông cao khoảng 159cm.

Các nhà khảo cổ xác định ngôi mộ không thuộc về ai khác ngoài vua Midas. Ngày nay, lăng mộ ở Yassihuyuk được đặt tên là “lăng Midas”. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cũng cho rằng, đây là lăng mộ của cha đẻ Midas - vua Gordian.

Dưới sự trị vì của Midas, kinh tế Phrygia phát triển lớn mạnh và có thêm 2 thành phố Midaeium (thành phố được Midas đặt theo tên mình) và Angora. Midas cũng giúp Phrygia thiết lập quan hệ ngoại giao với một số vương quốc ở phía tây Tiểu Á  nhằm thông thương với nước ngoài bằng đường biển qua Địa Trung Hải.

Herodotus – nhà sử học Hy Lạp từng tuyên bố đã gặp vua Midas – viết trong một cuốn sách của mình như sau: “Midas cai trị đất nước từ một lâu đài xa hoa ở Gordian. Trong lâu đài có một vườn hoa hồng tuyệt đẹp và mỗi cây hoa hồng có thể nở tới 60 đóa”.


Đồ đồng của vương triều Phrygia được tìm thấy trong lăng mộ Midas (ảnh: Historyofyesterday)

Thành tựu lớn nhất của Phrygia dưới thời vua Midas là đúc và đưa tiền xu vào sử dụng. Theo các nhà khảo cổ học, Phrygia là một trong những vương quốc sử dụng tiền xu sớm nhất thế giới. Phát minh của Phrygia sau đó được các đế chế Lydia, Persa và La Mã sử dụng. Dưới thời cực thịnh của đế chế La Mã, tiền xu được sử dụng ở hầu hết châu Âu.

Người Phrygia thu được electrum (hợp kim tự nhiên của vàng và bạc) để đúc tiền xu từ con sông Pactolus. Sông Pactolus bắt nguồn từ núi Tmolus (ngọn núi cao hơn 2.100 mét ở tây Thổ Nhĩ Kỳ), chảy qua thành phố Sardis và đổ ra sông Gediz (con sông thuộc vùng Aegean của Thổ Nhĩ Kỳ). Nhờ nguồn electrum dồi dào, sông Pactolus từng là “huyết mạch” kinh tế của Phrygia và nhiều đế chế ở châu Âu.

Theo Penn Museum, vào thời điểm phát triển cực thịnh về kinh tế dưới thời vua Midas, Phrygia phải đối mặt với mối họa từ Cimmerian – bộ tộc chiến binh hùng mạnh tới từ Iran. Năm 714 TCN, Cimmerian tấn công Urartu nhưng bị quân đội Assyria dưới sự chỉ huy của hoàng đế Sargon II đánh bại (lúc này, cả Urartu và Phrygia đều là chư hầu của Assyria).

Năm 705 TCN, quân Cimmerian tập hợp lại và tấn công Phrygia. Những chiến binh của Cimmerian nhanh chóng chiếm được Phrygia và thiêu rụi kinh thành Gordium.


Tiền xu của vương triều Phrygia (ảnh: Historyofyesterday)

Điều gì đã xảy ra với Midas khi vương triều Phrygia diệt vong không được ghi lại trong lịch sử. Trong cuộc đốt phá của những chiến binh Cimmerian, những tài liệu ghi lại quá trình hình thành và phát triển của Phrygia cũng bị hủy hoại nghiêm trọng.

Một số truyền thuyết kể rằng, Midas đã uống thuốc độc tự vẫn khi chứng kiến cảnh đất nước của mình bị tàn phá. Cũng có lời kể cho rằng, ông sống thêm một thời gian ngắn sau khi Phrygia bị xâm lược và chết do bệnh tật.

Historyofyesterday kết luận, Midas là vị vua có thật của vương triều Phrygia cổ đại thuộc khu vực Tiểu Á. Ông không có khả năng biến mọi thứ thành vàng, nhưng cai trị một đất nước giàu có với hầu hết cư dân là thương nhân và thợ thủ công. Câu chuyện Midas chạm vật hóa vàng rất có thể bắt nguồn từ sự giàu có của Midas và dòng sông Pactolus chứa đầy electrum.

Vụ giết Thái tử làm thổi bùng Thế chiến I: Hé lộ sát thủ “xui” nhất thế giới thuộc hội Bàn tay đen

Mùa hè năm 1914, cán cân an ninh châu Âu có dấu hiệu lung lay dữ dội khi các cường quốc mới nổi như Đức, đế quốc Áo – Hung muốn tranh giành thuộc địa với Anh, Pháp. Trong bối cảnh đó, vụ ám sát Thái tử Áo – Hung Franz Ferdinand đã thổi bùng ngọn lửa chiến tranh, đẩy thế giới vào cuộc chiến đẫm máu khiến hơn 17 triệu người chết.

Thái tử Áo – Hung Franz Ferdinand và vợ trên xe ô tô trước thời điểm bị ám sát (ảnh: History)

Tháng 3.1867, sau cuộc chiến tranh Áo – Phổ, đế quốc Áo – Hung được thành lập dựa trên sự hợp nhất của Áo và Hungary.

Sinh ra trong gia đình hoàng tộc Áo – Hung, Franz Ferdinand đã sớm trở thành một trong những người giàu có và quyền lực nhất nước. Năm 1889, Thái tử Rudolph tự tử, Franz Ferdinand được người bác của mình – hoàng đế Franz Joseph – đưa lên làm người kế vị, theo History.

Mặc dù là người sẽ nắm giữ ngai vàng Áo – Hung, Thái tử Franz Ferdinand không mấy được lòng giới quý tộc vì tính cách ngang bướng và sở thích săn bắn của ông. Năm 1900, Franz Ferdinand cưới Sophie Chotek – con gái một gia đình quý tộc nghèo người Séc. Cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối bị hoàng đế Franz Joseph phản đối kịch liệt.

Tháng 6.1914, với vai trò Tổng thanh tra quân đội Áo – Hung, Ferdinand quyết định tới Bosnia-Herzegovina để thị sát các cuộc tập trận của quân đội. Trước đó, năm 1908, Áo – Hung sáp nhập Bosnia-Herzegovina bằng vũ lực, bất chấp sự phản đối của nước láng giềng Serbia. Với Áo – Hung, Bosnia-Herzegovina là vùng đất bất tuân và đầy bất ổn.

Giới chức quân đội Áo – Hung đã can ngăn Ferdinand vì lo ngại ông sẽ gặp nguy hiểm khi tới Bosnia-Herzegovina. Khi nhậm chức Thái tử Áo – Hung, Ferdinand từng có nhiều lời lẽ xúc phạm nước láng giềng khi gọi người Serbia là “lợn”, “lũ trộm cắp” và “bọn vô lại”. Ở Bosnia-Herzegovina vào thời điểm những năm 1914, có khoảng 40% người Serbia sinh sống, theo History.

Biểu tượng của tổ chức Bàn tay đen (ảnh: History)

Nắm bắt được lịch trình di chuyển của Thái tử Ferdinand, tổ chức khủng bố Bàn Tay Đen (Black Hand) đã cử Nedeljko Cabrinovic – một trong những sát thủ nguy hiểm hàng đầu của nhóm – tới Bosnia-Herzegovina ám sát ông.

Tháng 6.1910, tổ chức Bàn Tay Đen được thành lập ở Bosnia-Herzegovina với mục tiêu giải phóng vùng đất này khỏi Áo-Hung và thành lập một quốc gia độc lập. Người cầm đầu Bàn tay đen là đại tá Dragutin Dimitrijevic – chỉ huy một trung đoàn trinh sát của quân đội Serbia. Với khẩu hiệu “giải phóng hay là chết”, trên lá cờ của hội Bàn tay đen có hình đầu lâu, bom, dao găm và viên thuốc độc.

Sinh ra ở Sarajevo – thành phố lớn nhất ở Bosnia-Herzegovina – năm 1895, Nedeljko Cabrinovic sống cùng người cha làm việc trong một quán ăn nghèo nàn ở ngoại ô. Do không chịu nổi tính cách thô bạo và những trận đòn của cha, Nedeljko bỏ nhà đi từ năm 14 tuổi. Lang thang nơi đầu đường xó chợ, Nedeljko phải nếm trải những cay đắng của tầng lớp dưới đáy xã hội ở Bosnia-Herzegovina. Hắn cho rằng tất cả những khốn khổ mình chịu đựng là do ách cai trị của đế quốc Áo – Hung.

Năm 1912, nhờ hăng hái tham gia vào những cuộc tuần hành, biểu tình chống Áo – Hung, Nedeljko “lọt vào mắt xanh” của Gavrilo Princip – một thành viên cao cấp của tổ chức Bàn tay đen và được mời gia nhập.

Với tư tưởng chống Áo – Hung cực đoan, Nedeljko được chính đại tá Dragutin Dimitrijevic khen ngợi và kết nạp vào tổ chức. Tại đây, Nedeljko trải qua những khóa huấn luyện đặc biệt về tư tưởng, cách sử dụng vũ khí, chế tạo bom để trở thành một sát thủ chuyên nghiệp của Bàn tay đen. Nedeljko đã thề sẽ “hy sinh mọi thứ cho đến chết vì Bàn tay đen và mang theo bí mật về tổ chức này xuống mồ”, Wearethemighty viết.

Đầu tháng 6.1914, đại tá Dragutin cho gọi Nedeljko đến gặp mặt và giao nhiệm vụ ám sát Thái tử Franz Ferdinan của đế quốc Áo – Hung. Thời gian ấn định cho vụ ám sát là ngày 28.6 và Nedeljko đã được cảnh báo trước rằng hắn có thể chết trong nhiệm vụ lần này.

Ngoài Nedeljko, hội Bàn tay đen cũng cử thêm Gavrilo Princip và 4 sát thủ khác thực hiện nhiệm vụ ám sát. Mỗi sát thủ được phát một khẩu súng ngắn, bom tự chế và thuốc độc để tự sát nếu không may bị bắt giữ.

Chân dung sát thủ Nedeljko Cabrinovic (ảnh: Wearethemighty)

Theo thông tin được công khai cho báo giới, trong chuyến thị sát Bosnia -Herzegovina, Thái tử Franz Ferdinand cùng vợ là Sophie sẽ tham dự lễ khánh thành Bệnh viện Sarajevo ở thành phố Sarajevo. 9 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 28.6, Nedeljko và nhóm sát thủ của hội Bàn tay đen đã mai phục dọc bến cảng Appel – tuyến đường chính dẫn đến bệnh viện.

Theo kế hoạch, khi xe của Thái tử đi qua, giữa Nedeljko và Gavrilo, nếu ai có cơ hội thuận lợi nhất sẽ ném bom ám sát, người còn lại gây hỗn loạn để cả 2 có cơ hội tẩu thoát về hướng cảng Appel – nơi một chiếc ca nô đã đợi sẵn. 4 sát thủ còn lại có nhiệm vụ hỗ trợ và trốn theo các hướng khác nhau.

Theo History, hơn 10 sáng, nhóm sát thủ của Bàn tay đen đã đợi được “con mồi”. Nedeljko vung một quả bom về phía chiếc xe Thái tử Ferdinand đang ngồi. Nhận thấy vật thể lạ bay đến, tài xế lái xe cho Thái tử lập tức đạp ga tăng tốc. Do quả bom tự chế có độ trễ khoảng 10 giây kể từ khi kích nổ, nó lăn xuống đường và khiến 10 người xung quanh bị thương. Vợ chồng Thái tử Ferdinand vẫn an toàn.

Nhận thấy Nedeljko đã thất bại, những sát thủ khác của Bàn tay đen nhanh chóng trốn khỏi hiện trường. Chỉ riêng Nedeljko bị cảnh sát truy đuổi. Hắn nuốt một viên nang chứa chất độc xyanua để tự tử. Xui xẻo thay, chất độc đã hết hạn nên Nedeljko vẫn khỏe mạnh như thường.

Nedeljko chạy đến bờ sông Miljacka, hét lớn: “Tôi là anh hùng của Serbia” rồi nhảy xuống tự vẫn. Tuy nhiên, nước sông Miljacka vào mùa hè chỉ sâu chưa đầy 10 mét nên thay vì chết đuối, Nedeljko bị cảnh sát tóm được và lôi lên bờ.  Tấn công xe chở Thái tử Ferdinand là vụ ám sát đầu tiên và cũng là cuối cùng mà Nedeljko – sát thủ xui xẻo nhất thế giới – thực hiện trong đời, History bình luận.

Nedeljko bị bắt giữ sau khi ám sát bất thành Thái tử Áo – Hung (ảnh: Brewminate)

Về phần Thái tử Ferdinand, sau khi thoát nạn, ông đã tới tòa thị chính thành phố Sarajevo.

“Tôi đến đây với tư cách là khách quý của các ông. Vậy mà dân của các ông chào đón tôi bằng bom”, Thái tử Ferdinand hét lên với các chức sắc và tuyên bố vẫn sẽ tiếp tục lịch trình thăm Bệnh viện Sarajevo bằng xe riêng.

Thái tử Ferdinand yêu cầu được đi bằng ô tô mui trần như người bình thường, không cần mui che. Ông cũng ra lệnh cho đội hộ tống không được đi theo để tránh gây chú ý.

Oskar Potiorek – tướng quân đội Áo – Hung – yêu cầu tài xế chở Thái tử phải đi đường vòng, không qua trung tâm thành phố để tránh nguy hiểm. Tuy nhiên, viên tài xế lại chẳng nghe theo lời dặn này. Thay vì đi đường vòng, tài xế đã chọn đường Franz Josef – con đường ngắn nhất để tới Bệnh viện Sarajevo.

“Tài xế của Thái tử là người Séc và họ được hướng dẫn lộ trình bằng tiếng Đức. Chẳng ai buồn phiên dịch cho họ”, Christopher Clark – giáo sư lịch sử châu Âu tại Đại học Cambridge – nói với hãng tin NPR.

Khi đang đi trên đường Franz Josef, tài xế của Thái tử Ferdinand bất ngờ rẽ nhầm vào một lối khác và phải cài số lùi lại. Điều này khiến chiếc xe dừng lại khoảng 5 giây. Cùng lúc này, Gavrilo Princip – một trong 5 sát thủ của Bàn tay đen – đã phát hiện xe chở Thái tử trong khi đứng gần quán cà phê Moritz Schiller.

Princip ngay lập tức chạy đến, rút khẩu súng ngắn và bắn liên tiếp 2 phát vào cổ Thái tử Ferdinand. Bà Sophie che đạn cho chồng cũng bị trúng đạn vào bụng và tử vong, theo Grunge.

“Sophie, đừng chết. Hãy gắng sống vì con của chúng ta”, Thái tử Ferdinand nói câu cuối cùng trước khi tắt thở.

Princip bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó.

Thái tử Ferdinand bị ám sát lần thứ 2 (tranh: History)

Hiện trường vụ ám sát Thái tử Áo – Hung (ảnh: Wearethemighty)

Dựa vào lời khai của những sát thủ bị bắt giữ, ngày 25.7.1914, Áo – Hung yêu cầu Serbia giao nộp các lãnh đạo hàng đầu của Bàn tay đen, bao gồm cả đại tá Dragutin Dimitrijevic, nhưng bị khước từ.

3 ngày sau, Áo – Hung cùng Đức, Bulgaria, Ottoman tuyên chiến với Serbia. Các nước ủng hộ Serbia bao gồm Anh, Pháp, Mỹ cũng tuyên chiến ngược lại. Thế chiến I bùng nổ.

Tháng 6.1916, đại tá Dragutin Dimitrijevic bị quân đội Áo – Hung bắt được và xử tử. Năm 1918, Thế chiến I chấm dứt, đế quốc Áo – Hung bại trận và sụp đổ. Serbia nằm trong phe thắng trận nhưng cũng bị tổn thất nặng nề. Hội Bàn tay đen biến mất.

Nguồn: https://arttimes.vn/the-gioi/vu-giet-thai-tu-lam-thoi-bung-the-chien-i-he-lo-sat-thu-xui-nhat-th...


Kiệt tác 'Mona Lisa' được bảo quản thế nào.

"Mona Lisa" - tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới - được mua bảo hiểm với số tiền tương ứng hiện nay vượt 700 triệu USD.

Kiệt tác của Leonardo da Vinci có tuổi đời hơn 500 năm. Ngoài những bí ẩn xoay quanh quá trình sáng tác, cuộc đời họa sĩ và nhân vật, tác phẩm gây chú ý khi vô số lần bị phá hoại, tấn công. Gần nhất là hồi tháng 5, một người đàn ông đội tóc giả, ngồi xe lăn tạt kem sữa về phía tác phẩm khi tham quan tại bảo tàng Louvre. Tranh được che chắn bởi kính chống đạn, vì thế không bị ảnh hưởng.

Nhân viên lau chùi kính chắn tranh sau khi bị tạt kem hôm 29/5. Video: Diario AS

Culture Trip cho biết kiệt tác của họa sĩ Leonardo da Vinci là vô giá. Vào năm 1962, bức họa được mua bảo hiểm với giá 100 triệu USD, đến nay số tiền tương ứng vượt 700 triệu USD.

Mona Lisa được canh giữ, bảo quản nghiêm ngặt bậc nhất thế giới. Wilfried Gesbert - kỹ sư phụ trách điều tiết các điều kiện môi trường của bảo tàng và chuyên trách theo dõi điều kiện trong khung kính - nói trên Vaisala: "Là một khách tham quan bảo tàng Louvre bình thường, bạn không thể tưởng tượng nổi việc lắp đặt phức tạp như thế nào".

Tác phẩm "Mona Lisa". Ảnh: Marca

Theo ông, phần kính có khả năng chống đạn và không phản chiếu. Bức họa cũng được chiếu sáng bằng đèn LED đặc biệt để tăng màu sắc và giảm thiểu bức xạ tia cực tím. Hệ thống xử lý hiện đại cho phép không khí lưu thông qua khung, các bức tường xung quanh, duy trì độ ẩm ở mức 50% và nhiệt độ 21 độ C. "Vì bức Mona Lisa là tranh sơn dầu trên tấm gỗ dương, việc duy trì độ ẩm ở mức thích hợp là rất quan trọng. Sự thay đổi về độ ẩm có thể khiến tấm gỗ co lại và nở ra", ông Gesbert nói.

Mỗi năm, Louvre sẽ mở kính kiểm tra các thiết bị giám sát, lắp đặt. Việc kiểm tra được thực hiện vào những ngày bảo tàng đóng cửa. Theo CBS News, năm 2005, Louvre phát hiện bức họa có hiện tượng cong vênh trong lần kiểm tra định kỳ gần nhất. Sự việc khiến họ bối rối vì tác phẩm được giữ trong một môi trường kín, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm để bảo vệ khỏi bất kỳ thiệt hại nào có thể xảy ra.

Vincent Pomarede - trưởng bộ phận hội họa của Louvre - nói: "Nhiều khả năng là do các mảnh gỗ được thêm vào ở thế kỷ 17, 18 và một lần vào giữa thế kỷ 20". Trước đó, tác phẩm trải qua nhiều lần sửa chữa theo thời gian như: gắn thanh nẹp làm từ các dải gỗ vào mặt sau để ngăn tình trạng cong vênh, các vết nứt trên bề mặt. Họ sử dụng tia X và công nghệ hồng ngoại để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp trùng tu, bảo quản. "Mona Lisa đã 500 tuổi và nếu chúng tôi bảo quản đúng cách, 'cô ấy' sẽ vẫn ở đó 500 năm nữa kể từ bây giờ", Pomarede nói trên AFP khi đó.

Nhiều trẻ em thưởng lãm tranh tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington vào ngày 14/1/1963. Ảnh: AP

Tác phẩm từng vài lần rời bảo tàng. Theo Artstor, Leonardo da Vinci bắt đầu vẽ Mona Lisa năm 1503 tại Italy. Đến năm 1516, khi được vua Francois I mời sang Pháp làm việc, ông hoàn thành tranh tại đây. Sau khi danh họa qua đời, vua mua lại tác phẩm và trưng bày ở lâu đài Fontainebleau suốt hơn 100 năm, đến khi vua Louis 14 đưa đến cung điện Versailles. Sau cách mạng Pháp, Napoléon mượn bức họa để treo trong phòng ngủ của mình tại cung điện Tuileries trong bốn năm. 1804, Mona Lisa chuyển đến bảo tàng Louvre.

Bức họa lần đầu rời Louvre vào năm 1963. Theo Metmuseum, trong chuyến công du tới Washington năm 1962, Bộ trưởng Văn hóa Pháp khi đó là André Malraux được Đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy hỏi mượn Mona Lisa để trưng bày. André Malraux đồng ý nhưng nhiều người ở Pháp phản đối vì cho rằng hành trình vượt Đại Tây Dương có thể làm hỏng tác phẩm.

Kiệt tác sau đó vẫn được đưa đến Mỹ. Tranh được đặt trong một chiếc hộp được chế tạo đặc biệt: có thể kiểm soát nhiệt độ, chống cháy, chống nước và chống đạn, đưa lên tàu viễn dương SS France. Các nhân viên bảo vệ và quan chức bảo tàng hộ tống. Ngày 19/12/1962, tàu cập bến, Nhà Trắng thông báo tác phẩm nhận mức độ bảo vệ của mật vụ thường dành cho tổng thống. Sau đó, bức họa được chuyển lên xe tải có máy lạnh đến Phòng Trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington. Giao thông dọc tuyến đường được dừng lại, ưu tiên cho đoàn xe.

Tại Phòng Trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, kiệt tác được đặt trên một tấm vách phủ nhung đỏ, có lính Mỹ canh gác suốt ngày đêm. Sự kiện khai mạc với 2.000 quan chức, trong đó có Tổng thống John F. Kennedy đến dự.

Tranh sau đó được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, thu hút hơn 500.000 người xem. Theo The New Yorker, mỗi người chỉ được nhìn thấy kiệt tác trong bốn giây. Ngày 7/3/1963, ba ngày sau khi triển lãm kết thúc, Mona Lisa được đưa lên tàu trở lại Pháp.

Dòng người chờ đợi trước Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan để xem "Mona Lisa" năm 1963. Ảnh: Metmuseum

Lần cuối cùng Mona Lisa được cho mượn là đến Bảo tàng Quốc gia Tokyo và Bảo tàng Mỹ thuật Pushkin ở Moskva, năm 1974. Hơn 1,5 triệu người đã đến xem tranh ở Tokyo - con số kỷ lục đối với một bảo tàng ở Nhật cho đến nay. Tại đây, tác phẩm được bảo vệ bằng hộp kính ba mặt.

Ngay cả trong khuôn viên Louvre, kiệt tác chỉ di chuyển trong những dịp hiếm hoi phục vụ nhu cầu cải tạo. Theo Art Critique, năm 2019, tranh được chuyển từ Salle des États đến Galerie Médicis - một trong những phòng lớn nhất của bảo tàng - nhằm cải tạo lại không gian trưng bày với lớp sơn và ánh sáng tốt hơn. Giám đốc Jean-Luc Martinez nói với AFP rằng hai căn phòng chỉ cách nhau 100 bước chân nhưng vẫn có những rủi ro.

Hiểu Nhân




























Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.