.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Giáp Thìn : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

Gặp lại cố nhân

Tôi trang điểm xong và sửa soạn thay váy áo chỉnh tề mà lòng vừa rộn ràng vừa hồi hộp. Chốc nữa ra mắt cố nhân sau 50 năm bặt tin xa vắng. Anh có nhận ra cô gái xinh xinh tuổi hai mươi ngày xưa anh từng tương tư và thề nguyền sẽ cưới làm vợ không nhỉ? Còn anh ấy, tôi không quên mái tóc bồng bềnh của chàng sĩ quan Hải quân mỗi lần anh về phép thăm tôi và tôi từng mơ là thi sĩ để dệt những vần thơ trên tóc anh.
Bây giờ tôi đã 70 và anh 75 tuổi đời rồi.
Tôi và Nguyện yêu nhau được một năm, vào lúc cuộc chiến khốc liệt mùa hè đỏ lửa 1972 anh bỏ dở học hành vào đời lính biển. Tình yêu càng xa cách càng nhiều nhớ thương chất ngất, tôi và Nguyện luôn khao khát chờ mong một ngày nào đó hai đứa sẽ nên duyên chồng vợ. Nhưng biến cố năm 1975 chúng tôi chia lìa nhau, mất nhau không một tin tức nào của nhau cả.
Bao nhiêu năm qua chuyện tình xưa và hình ảnh Nguyện chỉ còn là kỷ niệm đẹp, rất đẹp để đôi lần có dịp nghĩ lại tôi thấy thương nhớ và nuối tiếc bâng khuâng. Bỗng tuần trước tình cờ trên Facebook Nguyện liên lạc với tôi.
Thế là kỷ niệm sống dậy cứ như tôi vẫn là cô gái tuổi hai mươi ngày ấy. Cả hai cùng vui mừng thăm hỏi nhau. Nguyện sau cuộc hôn nhân dài đổ vỡ hiện sống một mình, còn tôi cũng một mình vì chồng tôi đã qua đời vài năm nay.
Hai chúng tôi ở cùng tiểu bang, ở hai thành phố lân cận nhau, cách 2 giờ lái xe. Nguyện đã mời tôi một buổi tái ngộ để anh được trực tiếp giải bày xin lỗi và hàn huyên thăm hỏi nhau nhiều hơn. Để thuận tiện cho tôi điểm hẹn sẽ là một nhà hàng trong thành phố của tôi và anh sẽ lái xe đến. Anh chọn nhà hàng Tao Ngộ vừa có ý nghĩa vừa nổi tiếng thức ăn ngon.
Tôi sẽ đến trước giờ hẹn nửa tiếng vì háo hức và tò mò muốn trộm nhìn anh xem dung nhan ấy bây giờ ra sao (như trong một bài hát) và tôi sẽ có thì giờ sửa soạn điệu đàng vào gặp anh sau. Thật là thú vị.
Đến khu parking nhà hàng Tao Ngộ tôi lượn xe chầm chậm tìm chỗ đậu vì chiều cuối tuần nhà hàng đông khách đông xe. Tuổi về già từ lâu tôi đã biết điều luôn tìm chỗ đậu xa, vắng vẻ để dễ vào lane khỏi đụng chạm đến ai. May quá có một chỗ trống tôi cố lái xe len vào thế mà vẫn xuýt đụng xe bên cạnh may mà tôi thắng kịp. Tức thì một ông đầu hói từ trong xe hung hăng bước ra thô lỗ quát to:
– Này, này… Không có mắt à? Mắt mũi để trên trời à?!
Nói xong ông đóng cửa xe cái “rầm” bày tỏ sự tức giận và vội vã bước đi, tôi ngượng ngùng vì chưa kịp nói lời xin lỗi chỉ biết nhìn theo bóng dáng to kềnh của ông với chiếc áo khoác màu da bò đang hối hả bước vào nhà hàng.
Tôi bước ra khỏi xe nhìn lại chỗ đậu của mình thấy rõ ràng xe đậu lệch méo mó lấn sang lane xe bên cạnh, thật đáng đời nghe ông kia quát mắng, may mà chưa đụng làm trầy da tróc vẩy chiếc xe, chắc ông sẽ nắm áo đòi bồi thường, vừa phiền phức vừa mất thì giờ.
Tôi đi vào nhà hàng, hi vọng đừng đụng mặt ông ta lần nữa, mất hứng cho giây phút hẹn hò của tôi với cố nhân. Tôi thong thả từng bước vào nhà hàng và kín đáo tìm chỗ khuất để Nguyện khó có thể nhận ra tôi.
Theo ước hẹn của nhau là Nguyện và tôi đều mặc áo màu trắng, màu áo lính Hải quân của chàng và màu áo học trò của tôi để cả hai cùng nhớ về một thời tình yêu trong trắng. Nguyện sẽ đến nhà hàng trước đặt bàn và ngồi chờ tôi trên bàn có sẵn một bình hoa hồng đỏ.
Tôi đứng nép một góc cửa phía xa nhìn vào trong nhà hàng và sững sờ khi thấy người đàn ông áo trắng đầu hói đeo kính đen bệ vệ ngồi một mình bên cạnh bình hoa hồng đỏ. Hoa hồng thì đẹp và nên thơ nhưng chàng thì như một tay xã hội đen đang ngồi… rình mồi để trả thù ân oán giang hồ chứ không phải kẻ đang đợi người tình xưa.
Nếu ông to béo màu mỡ này là Nguyện. Chàng Hải quân vóc dáng chuẩn hào hùng thanh nhã ngày xưa của tôi đâu? Ngày xưa mỗi lần chúng tôi sánh vai dạo phố thế nào mấy cô thiếu nữ cũng có kẻ phải quay đầu lại để suýt soa chàng Hải quân đẹp trai quyến rũ làm cho tôi tự hào biết bao. Và mái tóc bồng bềnh nếm bao nhiêu mùi vị biển mặn nắng gió phương xa của chàng Hải quân lãng tử đâu?
Tôi an ủi mình cũng già đi, cũng thay đổi, toàn đồ giả trên người thì đòi hỏi chi nữa, nên lại hân hoan và khoan thai bước vào nhà hàng, đứng trước mặt người đàn ông áo trắng đeo kính đen tôi nhỏ nhẹ cất tiếng:
– Có phải là anh Nguyện không?
Ông ta nhìn tôi hồi lâu mới từ từ… tháo kính đen ra. Chắc đôi mắt láo liên của chàng sau màn kính đã tha hồ săm soi lướt nhìn tôi từ đầu đến chân để đánh giá tôi rồi, chàng có phát hiện ra mái tóc giả của tôi không? Phấn son che giấu những vết nhăn vết nám trên gương mặt tôi không? Chiếc ví xách tay hàng hiệu đẹp sang cũng là hàng giả hàng nhái chàng có biết không?
Ôi trời ôi, còn tôi đã nhận ra ngay bản mặt của lão hói đầu lúc nãy mắng tôi sa sả chỗ bãi đậu xe, không lầm lẫn vào đâu được vì tôi đã thấy chiếc áo khoác màu da bò lão ta vắt trên thành ghế bên cạnh.
– Xin lỗi, chắc… tôi lầm.
Tôi lắp bắp nói xong định quay đi thì chàng gọi lại:
– Anh là Nguyện đây mà.
Tôi thẫn thờ ngồi xuống ghế vì đã qua cơn choáng, đã tỉnh trí ra, Nguyện chứ còn ai vào đây, dấu hiệu mặc áo trắng, bàn có bình hoa hồng rành rành ra kìa. Chỉ tại chàng đeo thêm đôi kính đen mà thôi. Bồi bàn đến, chúng tôi gọi món ăn và bắt đầu nói chuyện.
Bây giờ đối diện tôi nhìn Nguyện kỹ hơn, nét đẹp trai hiền lành tao nhã ngày xưa đã thay thế bằng nét cau có đăm đăm của một ông già khó tính. Có nhà nhân chủng học nào, nhà tâm lý nào nghiên cứu giùm tôi tại sao thời gian lại có tài biến đổi lạ lùng đến thế không!
Chàng không hề nhận ra tôi mụ đàn bà vô duyên xớn xác đậu xe không nên thân vì lúc ấy tôi còn ngồi trong xe.
Biến cố 1975 chàng đã lên tàu ra khơi và sau đó không thể liên lạc được với tôi nữa. Đường đời chúng tôi hai ngã rẽ. Tôi không trách móc gì chàng, bao số phận con người đã chìm trong bể dâu cuộc đời nào chỉ hai chúng tôi.
Nguyện kể công:
– Anh đã đến sớm nửa tiếng trước giờ hẹn để chọn bàn chọn chỗ ngồi cho buổi tái ngộ này. Tất cả chỉ vì em.
Tôi cảm động quá, chàng cũng như tôi đều đến sớm vì nao nức chờ mong và tôi tha thứ cho chàng tội thô lỗ “mắng” tôi lúc nãy, chàng không biết đó là tôi và vì chàng đang vội vào nhà hàng. Ăn uống và chuyện trò xong gần 2 tiếng đồng hồ, bồi bàn mang đồ tráng miệng ra cùng một cái dĩa có tờ bill tính tiền. Chàng cầm lên xem và bất mãn kêu lên:
– Trời! Chỉ có hai người mà những 160 đồng kể cả tiền tip. Nhà hàng này chém ngọt thật.
– Chắc họ tính tiền cả bình hoa hồng nữa anh ạ.
Chàng xót xa lẩm bẩm:
– Chúng ta có ăn bình hoa hồng này đâu, chưng bày xong lát nữa họ lại cất vào mà.
Tôi ái ngại giùm chàng, chẳng lẽ tôi móc bóp trả tiền làm mất mặt chàng quá nên đành im lặng để cho chàng thể hiện sự ga lăng như trước kia chàng đã từng ga lăng mỗi lần về phép là mỗi lần tôi đều có quà tặng hậu hĩ. Nhưng chàng đã tiếp làm tôi giật cả mình:
– Anh và em chia hai, mỗi người trả một nửa 80 đồng.
Tôi còn đang bàng hoàng chàng thản nhiên giải thích:
– Anh đến Mỹ 1975 sống quen kiểu Mỹ từ lâu rồi. Mời đi ăn chung nhưng phần ai nấy trả.
Tôi lấy lại bình tĩnh:
– Em cũng đến Mỹ 1975 em hiểu mà.
Tôi mở bóp lấy ra 80 đồng để trên bàn cạnh 80 đồng của chàng:
– Thôi tạm biệt anh. Cám ơn anh một buổi chiều tái ngộ.
Tôi đứng lên và bước ra khỏi nhà hàng, chàng cũng vội bước theo tôi, tôi bước nhanh chàng tuy to béo cũng cố bước nhanh và hụt hơi gọi vì thấm mệt:
– Này, em… này… em…
Tôi khựng bước lại, hay là chàng hối hận đã bắt tôi hùn trả tiền ăn và muốn nói điều tình cảm gì đó trước khi chia tay cho tôi đẹp lòng? Chàng đã bắt kịp tôi vừa thở vừa nói:
– Này em, nãy giờ mình nói chuyện đủ thứ mà anh quên chưa hỏi em một điều quan trọng…
Tôi chờ đợi:
– Vâng, anh cứ hỏi.
Chàng khẩn khoản:
– Anh muốn biết tiền hưu trí mỗi tháng em lãnh bao nhiêu có tương đương với anh không? Để khi chúng ta quyết định nối lại tình xưa về sống chung bên nhau không ai phải thiệt thòi. Thế thôi.
Tôi nhìn thẳng vào cố nhân, người đã từng làm tôi thổn thức tiếc thương và trả lời dứt khoát không còn thương tiếc gì nữa:
– Chúng ta tái ngộ tâm sự chuyện 50 năm qua chứ em chưa hứa hẹn sẽ về sống chung với anh và sẽ không bao giờ đâu. Anh khỏi phải tính toán trước cho mất công.
Nguyện thất vọng, mặt trở nên lạnh tanh và ngạc nhiên thấy tôi vẫn đi cùng hướng, ra tới chỗ đậu xe chàng mới hiểu khi tôi mở cửa xe chui vào. Tôi nói:
– Em “de” xe nếu đụng xe anh, anh đừng nổi cáu mắng em đồ không có mắt nhé.
Trong khi tôi đang toát mồ hôi nhích từng chút một, quẹo tới quẹo lui cho cái đuôi xe méo lệch ra khỏi lane tôi còn nghe giọng anh ta thô lỗ vang lên y như lúc nãy:
– Thế mà làm người ta mất thì giờ đến đây, lái xe cả đi lẫn về 4 tiếng đồng hồ và tốn hết nửa bình xăng!

Nguyễn Thị Thanh Dương / (08/2022)

Cái Dáng Rất Buồn
Anh bước vào giai đoạn lú lẫn (Alzheimer ) ở cuối đời. Mấy năm nay anh đã thay đổi rất nhiều. Bắt đầu anh quên quên nhớ nhớ, tiếp đến là anh dễ xúc động, anh hay khóc. Mấy năm trước, nghe cô bạn đọc Thơ của anh, anh cười, anh nhớ lại, đọc tiếp theo, chỉ độ một năm sau đó, anh không đọc theo nữa, anh chỉ nghiêng đầu lắng nghe, rồi bật khóc. Hình như anh biết được người kia vừa nói ra những câu gì rất thân yêu, rất thân thuộc với mình, và điều đó làm anh xúc động, anh khóc rưng rức.

Chị lại nhỏ nhẹ dỗ anh:

- Nín đi, nín đi, Thơ của anh, cô ấy nhớ đấy mà, phải vui chứ.

Anh nghe chị, ngoan như em bé, lau nước mắt, bằng mấy ngón tay, rồi cười, một nụ cười rất thơ trẻ.

Những năm kế tiếp, anh bắt đầu quên mặt họ hàng, quên mặt những người bạn thân, anh chỉ nhớ có chị thôi. Anh 85 tuổi, chị 80 tuổi. Hai vợ chồng già sống với nhau, con trai, con gái đều có gia đình. Đứa ở xa, đứa ở gần cũng vậy thôi. Một năm tụ họp gia đình đôi ba lần vào dịp Lễ, Tết.

Khi anh mới bắt đầu lãng quên, sức khỏe anh vẫn còn tốt, sáng sáng chị chở anh tới Gym. Chị bơi lội, anh ngồi ngoài nắng hóng mặt trời. Chị đi chợ, đi tới nhà bạn họp mặt luôn luôn có anh đi theo. Mỗi ngày anh một chậm hơn và quên nhiều hơn nhưng anh vẫn tự lo được vệ sinh cho mình, chị chỉ cần nhắc. Rồi bỗng một ngày anh không làm gì một mình được nữa, chị phải phụ anh. Cơ thể chị nhỏ quá so với anh, chị không thể khênh vác, tắm gội cho anh được. Anh bắt đầu ngu ngơ như một đứa trẻ còn mặc tã, mà anh đang mặc tã thật, chị không thể nào khênh, đỡ anh làm những việc vệ sinh cá nhân cho anh. Chị gọi con, con trai chị từ tiểu bang xa về tìm Home Care để gửi Bố vào. Tìm mãi mới được một nơi gần nhà, Mẹ chỉ lái xe có 8 phút là thăm được Bố. Số tiền hơi cao, nhưng để con lo. Con ở lại thêm vài ngày nữa yên tâm có chỗ tốt cho Bố mà Mẹ không phải đi xa, muốn thăm Bố lúc nào cũng được.

Chị ngậm ngùi : - Ừ thôi con về nhà với vợ, con đi.

Mấy hôm có con, chị yên tâm. Con đi rồi, chị một mình trống trải, thấy căn nhà của mình sao nó rộng mênh mông thế này, căn nhà không có anh bỗng tự nhiên thành xa lạ, giống như chính chị cũng vừa dọn vào một ngôi nhà mới, chị buồn trống cả hồn.

Buổi tối đi ngủ chị nghĩ tới anh ở nhà mới với những người xa lạ chắc anh còn buồn hơn chị bây giờ. Thương anh quá, chị mong sao cho đến sáng để vào thăm anh.

Anh đã ở nhà mới được hai tuần, mỗi ngày chị tới thăm, người ta không cho chị vào hẳn phòng anh, ngay cả phòng khách cũng chưa được vào (Vì đang thời Đại Dịch) họ đưa anh ra ngoài hàng hiên, nơi đó có sẵn mấy cái ghế cho anh chị ngồi gặp nhau. Chị thấy anh sạch sẽ, tươm tất chị cũng mừng, nhưng mỗi lần thấy anh hiền lành như một đứa trẻ ngoan, chị lại mủi lòng.

Sao anh thay đổi nhanh thế! Gặp chị anh không vui, chị đứng lên về anh không buồn, trên nét mặt anh chị không thấy một cảm xúc nào, anh nhìn chị như nhìn cái cây hay bức tường trước mặt, ánh mắt anh không vui, không buồn. Con chim sẻ sà xuống sân cỏ trước mặt hai người, chị cầm tay anh lay lay, chỉ anh, anh nhìn mà như không nhìn, ánh mắt anh không biểu lộ mộ cảm xúc nào.

Khi tới thăm anh, chị cứ đinh ninh là khi anh bước ra, thấy chị, ánh mắt anh sẽ sáng lên, miệng anh sẽ mỉm cười và khi chị bịn rịn chia tay về, ánh mắt anh sẽ buồn buồn, tay anh sẽ nắm chặt tay chị. Nhưng không, anh thản nhiên đứng lên đi vào, không hề quay đầu lại.

Chị không thấy anh khổ, không thấy anh buồn hay vui. Hình như anh không còn cảm giác buồn vui nữa. Sao anh thay đổi nhanh thế!

Chị nghĩ tới ba tháng mùa Đông sắp tới, người ta đã cho chị biết là sẽ không có thăm viếng vì trời lạnh người già yếu không thể ra ngoài hiên được và thân nhân vẫn chưa được quyền vào bên trong, nếu đại dịch vẫn còn.

Chị nghĩ tới nét mặt vô cảm xúc của anh, nghĩ tới hình ảnh anh đi vào không hề quay đầu lại và chị đứng ứa nước mắt nhìn theo dáng cái lưng im lặng của anh khuất sau cánh cửa.

Trời ơi trong 3 tháng mùa Đông, ngay cả cái lưng im lặng, cái dáng rất buồn đó, chị cũng không được nhìn thấy, mặc dù nó vẫn hiện hữu.

Bất giác chị ôm mặt mình nấc lên.

Trần Mộng Tú

Bỗng Nghe Thèm Rau Đắng Nấu Canh


Xa quê, mưu sinh giữa nơi xứ lạ đất người, có những lúc tôi nhớ quay quắt,nhớ đến nao lòng những khoảng thời gian yên bình, thong thả ít suy tư và vướng bận những chuyện cơm áo gạo tiền. Tôi nhớ nhiều thứ, nhiều thứ lắm mà không sao kể xiết. 

Tôi nhớ những ngày cùng lũ nhóc choai choai kéo bầy kéo nhóm tắm mưa la hét inh ỏi cả một góc làng; nhớ những buổi chăn trâu trên đồng chia quân đánh nhau, diệt địch; nhớ những buổi đốt đồng khói bay nghi ngút cay xè khóe mắt và đặc biệt hơn tôi nhớ đến những bữa cơm gia đình quây quần giữa buổi trưa hè nắng oi ả như đổ lửa hay những ngày mưa tầm tã, rả rích với các món ăn bình dị, đơn giản.  Đó có thể là vài lát cá kho tộ, một ít cà muối xổi, chút tương bần và một tô canh rau đắng nhưng sao lại ấm cúng và ngon đến lạ lùng.

Có lẽ rằng những bữa cơm mộc mạc với các món ăn dân dã, ngọt lành của đồng quê ấy đã nuôi tôi khôn lớn và ăn sâu vào máu thịt tôi để rồi khi xa quê tôi lại thèm, lại nhớ. Phải chăng đó là tình yêu quê hương, xứ sở bởi tôi nhớ có một nhà văn từng nói:

Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho mình ăn lúc mình nhỏ tuổi. 

Và chắc cũng giống như tôi và nhiều người khác mà nhạc sĩ Bắc Sơn khi rời xa nơi chôn rau cắt rốn của mình cũng đã nhớ đến những món ăn quê nhà để rồi viết nên những lời ca, tiếng hát nổi tiếng đi sâu vào lòng người, hồn người, lòng dân tộc như một điều bình thường nhất, giản dị nhất: 

Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh (Còn thương rau đắng mọc sau hè).

Cũng có thể thuở trước dân quê mình còn nghèo, chợ búa xa xôi, đi lại khó khăn cộng với chuyện tìm kiếm nguyên liệu cho một bữa ăn lót lòng rất vất vả cho nên họ đã tận dụng triệt để những gì có sẵn ở quanh nhà, quanh vườn. 

Hẳn vì thế mà loài rau đắng vốn “mọc sau hè” được chọn đưa vào trong bữa cơm thường nhật như một điều tất nhiên bên cạnh đọt lang, cọng rau muống, rau càng cua, rau nhút, rau má… và dần dà cái vị đắng của loài rau ấy trở nên ngọt ngào thấm vào miền ký ức của biết bao người.

Chỉ cần nghe câu hát ru con da diết của bà và mẹ thường ngày ở quê tôi (và có thể ở nhiều nơi khác) là biết ngay nguyên liệu chính của món canh rau đắng: À ơi… Canh rau đắng, cá rô đồng; Nồi cơm mẹ nấu thơm nồng ban trưa. 

Vâng, ở quê tôi, canh rau đắng phổ biến nhất là thường nấu với cá rô đồng, có chỗ nấu với cá lóc, cá trê (Rau đắng nấu với cá trê; Ai đi lục tỉnh thì mê không về), không thì nấu với một ít tôm, tép vừa mới bắt ở dưới rạch, dưới đìa, dưới mương, khá hơn một tí thì nấu chung với thịt heo bằm.

Đối với rau đắng, người xưa đã dựa vào vị đăng đắng của nó mà gọi tên và thường thường nhiều người không biết chúng có hai loại là rau đắng biển và rau đắng đất. Đối với rau đắng biển (còn gọi là rau đắng đồng) rất dễ tìm. Ban đầu thoạt nghe cái tên rau đắng biển ta cứ tưởng rằng loài rau này mọc ở vùng biển nhưng thực ra nó chỉ mọc ở vùng đồng ruộng, chỗ trũng, thấp ẩm chứ không thể mọc ở vùng biển được bởi vị mặn của muối. 

Rau đắng biển có vị hơi đắng, thân tròn lẳn, thon nhỏ, lá xanh tròn dẹt và mọng nước. Vào mùa mưa, cọng rau trổ giò lớn nhanh thư thổi và mọc thành đám như rau muống với màu xanh tươi nhìn mát mắt, chỉ cần cầm dao hay lưỡi liềm cắt một loáng là có cả thúng đem ra chợ bán. 

Rau đắng đất nếu xét về nhan sắc thì khiêm tốn hơn rau đắng biển, mộc mạc như chính tên gọi của nó vậy. Rau đắng đất khó mọc và có vị đắng hơn rất nhiều so với rau đắng biển. Rau đắng đất chỉ thấy mọc ở sau hè, hay bên những bờ mương, liếp vườn quanh nhà, quanh các gốc cây và dưới chân những gốc rạ khi lúa mùa một vụ mới vừa gặt xong. 

Những hạt rau đắng đất đã ngủ quên từ mùa nước để chờ khi chân ruộng chớm khô là chợt bừng tỉnh giấc, nẩy mầm vươn lên từ lòng đất. Rau đắng đất mọc thành bụi riêng lẻ chứ không mọc thành đám như rau đắng biển, thân của nó cũng mảnh mai, lá mỏng tròn tròn như móng tay út với màu xanh pha sắc tím khi tiếp xúc với ánh mặt trời. 

Chỉ khi nào mọc ẩn trong vườn hay ẩn dưới các gốc rạ thì mới có màu xanh nhợt nhạt. Rau đắng đất thỉnh thoảng mới thấy có bán ngoài chợ và giá của nó cũng mắc hơn so với rau đắng biển cũng như một số loại rau khác như rau cải, rau muống… 

Rau đắng đất ngoài tác dụng đơn thuần của một loại rau, nó còn là một trong những vị thuốc Nam có tác dụng hạ hỏa, giải nhiệt, an thần, làm cho sáng mắt, phụ nữ ăn vào da dẻ mịn màng.

Từ cách chọn rau cho đến cách chế biến thành món ăn tuy đơn giản nhưng cũng cần một chút điệu nghệ nếu không nói là cầu kỳ. Phải tùy vào từng mùa mà chọn loại rau nào để nấu với từng nguyên liệu và cách ăn như thế nào mới đúng cũng đủ chứng minh hùng hồn rằng “nghề ăn cũng lắm công phu” và người Việt Nam quả là những người sành điệu trong nghệ thuật ẩm thực.

Như đã nói, khi chọn hái rau đắng biển cách tốt nhất là ta nên hái vào đầu mùa mưa. Những ngọn rau non xanh, căng mọng mơn mởn đua nhau mọc, lúc ấy tha hồ mà cắt, nếu kỹ hơn thì ta cứ vạch tìm trong đám cỏ tìm ngắt từng cọng rau một, những cọng rau này thường to và chất lượng hơn. 

Còn đối với rau đắng đất, ta nên nhổ cả gốc lẫn ngọn. Cũng như những đọt rau đắng biển được bới tìm trong đám cỏ dại, những cọng rau đắng đất được lấy từ gốc rơm rạ ủ mới là thứ “thượng phẩm” mà bất kỳ những tay sành ăn nào cũng đều biết.

Tuyệt chiêu của rau đắng là khi nấu canh với các loại cá đồng và nấu cháo tống. Ngoài ra nó còn dùng để luộc chấm với mắm kho hay là loại rau chủ đạo của món lẩu. Rau đắng sau khi hái về được rửa cho thật sạch, để ráo. 

Trong lúc rửa rau phải chú ý thật nhẹ tay, phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, tránh để bị rau dập nát vì khi ấy rau sẽ trở nên quá đắng và mất ngon. Cá rô phải là loại cá rô mề, con nào con nấy nhìn cứ phây phây béo tốt. Cá được móc ruột và đánh vảy thật sạch rồi cho vào luộc sơ hay hấp cũng được. 

Khi thấy cá vừa chín tới thì vớt ra, sau đó nhẹ tay gỡ toàn bộ phần thịt để riêng, phần xương cho vào cối giã nát, chắt lấy nước. Xong đâu đấy, phi hành cho thật thơm rồi nhẹ nhàng cho phần thịt cá vào xào xơ, tiếp theo cho toàn bộ phần nước chắt từ xương cá và nước luộc (hấp) cá vào đun sôi, nhớ hớt bỏ phần bọt nổi bên mép nồi, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. 

Cuối cùng, khi nước đã thật sôi thì cho rau đắng vào và nhắc ra, thêm chút tiêu và hành lá. Khi ăn, ta lâng lâng với cái đăng đắng của rau, cái ngọt ngọt, beo béo của thịt và xương cá, cái thơm thơm của hành và tiêu…

Trong cái nắng oi nồng của ngày hè cùng gia đình quây quần giữa mâm cơm giản dị mà vừa ăn vừa xuýt xoa, hít hà, mồ hôi mẹ, mồ hôi con vã ra như tắm bởi dĩa cá kho tộ cay nồng, tô canh rau đắng nóng hôi hổi… thì thật là sung sướng hay ngồi ăn trong cái mênh mang của đất trời khi mưa, ta lại cảm thấy ấm lòng, thú vị. 

Bởi thế mà thi sĩ Nguyệt Lãng từng có những nỗi nhớ quê, nhớ loài rau đồng nội khó quên trong tâm thức của mình:

Ai buộc đời mình vì một cọng rau

Ai khôn lớn qua cầu đi hút bóng

Nhìn quãng đồng xa một làn khói trắng

Cũng bâng khuâng nhớ lắm quê mình

Bỗng nghe thèm rau đắng nấu canh...

Gia Khang




Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.