Mình dân Nam hãy cùng đọc để rõ tiếng “Cưng” Nam kỳ thiệt Thân thương hết cỡ mà hầu như phần đông đã quên lại cứ nghĩ là dành riêng cho 2 người yêu nhau tha thiết.
Thiệt ra tiếng Cưng dùng rất rộng rãi, như tấm lòng của người dân Nam tui đó! Mong rằng tất cả Cưng từ già tới trẻ luôn dzui dzẽ tràn đầy, dồi dào sức phẽ nhen! Đọc tới chữ tận cùng để luôn nhớ rằng, mình luôn là dân Nam kỳ thứ thiệt cho dù từ lâu rùi đã mang Cuốc Tịch nước nào đi chăng nữa ...
Cùng lướt cho kỹ bài viết xong với nụ cười hi hi ha ha yêu đời yêu mình nha!
Tiếng Cưng!
Ngày mai là đám hỏi của cháu gái nên mấy cô mấy bác, mấy dì mấy cậu xúm lại chuẩn bị trang hoàng nhà cửa và sơ chế thức ăn.
Ngồi phụ dọn đám, nghe mọi người trò chuyện thiệt rôm rã. Câu chuyện cứ lần lượt theo nhau với tiếng cười vui không ngớt. Tôi chợt phát hiện thú vị thì ra cái tiếng “cưng” của người miền nam vẫn còn y thinh. Một tiếng gọi được xài nhiều nhất ở miền tây nói riêng và miền Nam nói chung.
Tiếng cưng là tiếng gọi trìu mến của người lớn gọi người nhỏ hơn mình. Có thể nhỏ hơn về tuổi tác, cũng có khi nhỏ hơn vì vai vế.
Gọi cưng là tiếng gọi yêu thương lẫn âu yếm một cách hết sức tự nhiên và đơn giản khi ai đó muốn biểu hiện tình cảm với người đối diện.
Anh chị gọi em bằng cưng. Chồng gọi vợ bằng cưng. Người yêu gọi nhau bằng cưng "cưng của anh" hay "cưng của em" gì đều dùng được. Cũng có đôi lúc gọi cưng là để biểu hiện sự trịch thượng đùa nhau "hỏng dám đâu cưng", "còn khuya nhe cưng!". Nhiều khi tiếng cưng đơn giản nhưng làm tan chảy con tim lì lợm khi muốn yêu cầu hay nhờ đối phương việc gì đó khi họ đang lười. "Làm dùm anh chút đi cưng", " đi mua dùm chị đi cưng!". Nghe tiếng cưng như thế không ai nỡ từ chối bao giờ. Chắc cũng vì nắm bắt được yếu điểm đó mà tiếng cưng được người miền tây sử dụng triệt để.
Bắt đầu từ anh chị em trong nhà hay gọi em út bằng cưng "út ơi, cưng ăn cơm chưa vậy út", " Mai cưng có học không để chị biết, sáng chị kêu dậy dùm cho!"
Rồi tới anh chị em lối xóm thường thường gặp nhau cũng gọi cưng ngọt lịm "đi học hả cưng ?" "Nay lớp mấy rồi cưng". "Má có nhà không cưng?"
Khi ra tới chợ Lách thì đâu đâu cũng nghe tiếng cưng mời mọc của những người bán hàng "Mua gì hong cưng", "Mua mở hàng dùm chị đi cưng!", " Mua hết đi chị bán nới cho cưng ơi"
Vì tiếng cưng là cách gọi nhau thể hiện sự yêu thương thân mật nên đôi khi người nhỏ tuổi hơn như tôi vẫn gọi con của chú ruột bằng cưng, "Bữa cưng chở chú năm đi đâu vậy Thủy ?" dù "cưng" đó chỉ nhỏ hơn chị hai tôi có một tuổi đời thôi.
Các anh rể tôi ngày xưa gọi tôi bằng cưng nhiều hơn gọi em. Giờ đây "cưng" ấy đã già, mấy anh gọi em nhiều hơn gọi cưng. Nhưng lâu lâu quen miệng mấy anh cũng gọi tôi bằng cưng và tôi nghe cũng rất đổi bình thường.
Thiệt ra tiếng cưng nó hay ở chỗ không phải thân thuộc, quen biết hay họ hàng gì mới có thể gọi nhau mà ngay cả người mới gặp, chưa hề quen thân cũng có thể gọi nhau: "cưng ơi, chỉ dùm anh nhà của chị A, chị B "chẳng hạn. Hay hoặc : "chỗ này có ai ngồi không vậy cưng, chị ngồi xíu nhe!". Hoặc giả ai đó té ngã xe thì người đi đường cũng có thể hỏi một cách lo lắng :"Trời ơi, có sao hong cưng!". Nhà cưng ở đâu, có gần đây hong. Cái tiếng cưng ngọt ngào ấy làm cho con người ta cảm giác thân thương, bớt sợ hãi an tâm hơn. Bởi thế nên những người tâm địa xảo trá họ cũng lợi dụng cái tiếng cưng ngọt như đường ấy mà vỗ về con mồi sa bẫy để lừa lọc đúng như câu " ngọt mật chết ruồi".
Tiếng cưng được gọi thì có kêu lên trời hay xuống biển gì người ta cũng cam tâm làm…..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét