.

.

a

Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc quý thầy cô và anh chị em đồng môn năm mới Ất Tỵ 2025 : - nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc.
THƯƠNG CHÚC THẦY CÔ, ANH CHỊ EM ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU - MỘT NĂM MỚI ẤT TỴ 2025 AN KHANG THỊNH VƯỢNG - VẠN SỰ NHƯ Ý

13 tháng 3 2025

TỪ NGỮ NGƯỜI SÀI GÒN XƯA DÙNG TRONG GIAO TIẾP.

 


Người ta nói rằng, tiếng Việt là một trong những thứ tiếng khó học nhất, khó hơn cả tiếng Anh – thứ ngôn ngữ mà nhiều người trẻ vẫn thường than thở là gai góc, “khó nuốt”, bởi tiếng Việt của chúng ta quá phong phú về từ và nghĩa của từ.

Đó là chưa kể đến tiếng địa phương và cách nói riêng của từng vùng miền. Bấy nhiêu đó cũng đủ để khiến một người nước ngoài học tiếng Việt trầy trật.

Trong đó, cách nói chuyện và sử dụng từ ngữ của người dân Nam Bộ, mà nổi bật nhất là người Sài Gòn, mang những nét đặc trưng khác biệt thôi thúc người ta muốn tìm tòi, khám phá nhất.

Với những ai lần đầu đặt chân đến Sài Gòn, họ không chỉ bị choáng ngợp với lối sống của thành phố nhộn nhịp, nhiều màu sắc này, mà cách nói chuyện của người Sài Gòn cũng khiến không ít người đi từ ngờ ngợ sang thích thú.

Đặc biệt nhất, chính là ngôn ngữ của Sài Gòn xưa, một trong những thứ văn hóa còn được lưu giữ trong “hơi thở” của Sài Gòn nay.

Đó là những từ ngữ sẽ khiến người nghe lần đầu phải ngơ ngác vì không hiểu nghĩa. Người nghe nhiều tự khắc “nhiễm” từ bao giờ vào cách nói chuyện của mình. Đơn giản là vì sự mộc mạc, đời sống nhưng không kém phần hoa mĩ của chúng khiến người ta dễ yêu dễ thương.

Giờ thì, chúng ta hãy cùng lên chuyến tàu ngược về thời gian cũ, để tìm hiểu về những từ ngữ từng thông dụng một thời của Sài Gòn xưa ấy nhé!

1. Âm binh: nghịch ngợm, phá phách

Lũ âm binh = Lũ nghịch ngợm

Mấy đứa trẻ con nghịch ngợm.

2. Bo bo xì: nghỉ chơi, không chơi cùng nữa

Bo bo xì nó đi = Nghỉ chơi với nó đi

3. Bặc co tay đôi: đánh nhau tay đôi

Tụi mày dám bặc co tay đôi không? = Tụi mày dám đánh nhau tay đôi không?

4. Cà tàng: bình thường, quê mùa

Chiếc xe cà tàng = Chiếc xe xấu xí, quê mùa

5. Cà rá: chiếc nhẫn

Cà rá đẹp = Chiếc nhẫn đẹp

6. Chàng hảng chê hê: banh chân ra ngồi

Con gái con đứa gì mà ngồi chàng hảng chê hê hà! = Con gái con đứa gì mà banh chân ra ngồi à!

7. Chì: giỏi

Anh ấy học chì lắm đó = Anh ấy học giỏi lắm đó

8. Chồm hổm: ngồi bó gối hoặc ngồi lâu một chỗ không nhúc nhích

9. Càm ràm: nói nhiều, nói dai

Lại tới giờ bà ấy càm ràm = Lại tới giờ bà ấy nói nhiều

10. Cà nhổng: rảnh rỗi, không có việc gì làm

Nó suốt ngày cà nhổng = Nó suốt ngày rảnh rỗi

11. Đá cá lăn dưa: lưu manh

Cái tụi đá cá lăn dưa = Đá cá lăn dưa có nghĩa là cách ăn ở đối xử với mọi người giống như dân lưu manh chứ chưa hẳn là lưu manh.

12. Đi bang bang: đi ngênh ngang

Qua đường mà nó đi bang bang = Qua đường mà nó đi nghênh ngang

Những chiếc xe cứ bang bang trên đường phố.

13. Đặng: được; Qua: anh/chị

Qua tính vậy em coi có đặng hông? = Anh/chị tính vậy em coi có được không?

14. Ghẹo: chọc quê

Anh ghẹo em quài = Anh chọc quê em hoài

15. Hổm rày: từ mấy ngày nay

Hổm rày trời mưa miết = Mấy ngày nay trời mưa miết

16. Làm nư: lì lợm, khó bảo, cứng đầu
Nó làm nư lắm! = Nó cứng đầu lắm!

17. Lên hơi, lấy hơi lên: bực tức

Nghe ông nói mà tui muốn lên hơi = Nghe ông nói mà tui thấy bực

18. Liệu hồn: coi chừng

Mày cứ liệu hồn đấy! = Mày cứ coi chừng đấy!

19. Lô: đồ giả, đồ xấu, đồ kém chất lượng

Cái quạt này là đồ lô phải hông? = Cái quạt này là đồ giả phải không?

20. Mát trời ông địa: thoải mái

Cứ xài mát trời ông địa đi = Cứ dùng thoải mái đi

21. Mình ên: một mình

Đi ăn mình ên hả? = Đi ăn một mình?

22. Quê xệ: xấu hổ

Tự nhiên quê xệ hà! = Tự nhiên xấu hổ à!

23. Ba xàm bá láp: vớ vẩn

Chuyện ba xàm bá láp = Chuyện vớ vẩn

Đừng quan tâm chuyện tầm xàm ba láp.

24. Tùm lum tà la: Nghiêm trọng hơn bừa bãi, lộn xộn, không ngăn nắp

Con gái gì mà ăn ở tùm lum tà la quá! = Con gái gì mà ăn ở lộn xộn quá!

25. Thèo lẻo: mách lẻo
Người gì mà cứ ưa thèo lẻo = Người gì mà cứ thích mách lẻo

26. Thưa rĩnh thưa rang: lưa thưa, lác đác

Giờ này rồi mà người còn thưa rĩnh thưa rang = Giờ này rồi mà người còn lác đác

27. Thí: cho không, miễn phí, bỏ

Thôi thí cho nó đi = Thôi cho không nó đi/Thôi bỏ đi

28. Xảnh xẹ: xí xọn, làm điệu

Cô ấy suốt ngày xảnh xẹ thôi! = Cô ấy suốt ngày xí xọn, làm điệu thôi!

29. Xẹt ra – xẹt vô: đi ra đi vào rất nhanh

Ông ấy xẹt vô xẹt ra rồi chẳng thấy đâu nữa = Ông ấy đi vào đi ra rất nhanh rồi chẳng thấy đâu nữa

30. Xì xà xì xầm: nói to nhỏ

Có chuyện gì mà họ cứ xì xà xì xầm suốt = Có chuyện gì mà họ cứ nói to nhỏ suốt

31. Tầy quầy: bừa bãi ở phạm vi lớn

Con chó nó quậy cái sân tầy quầy = Nghĩa là con chó đào bới, cắn xé các vật dụng trong sân vườn ở phạm vi rộng

Những từ ngữ vừa được giải nghĩa trên đây chỉ là số ít trong kho tàng từ ngữ phong phú của người dân Nam Bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng.

Có những từ vẫn còn dùng thông dụng cho đến ngày nay qua cách nói chuyện giữa các thế hệ trong gia đình với nhau.

Với nhiều người, đó thực sự là cách nói dân dã nhưng không kém phần thú vị, còn bạn, bạn cảm nhận thế nào về những ngôn từ từng ăn sâu vào nếp sống của một thời này?

Sưu tầm


Dresden, thủ đô truyền thống của bang Saxony, là thành phố lớn thứ ba ở Đông Đức sau Berlin và Leipzig, và được nhiều người ca ngợi là thành phố đẹp nhất trong các thành phố lớn của Đức.

Nằm bên bờ sông Elbe, Dresden nổi bật với vẻ đẹp cổ kính, cùng với những kiệt tác nghệ thuật và kiến trúc tuyệt vời.

Với lịch sử hơn 800 năm, Dresden là một thành phố hòa quyện giữa quá khứ huy hoàng và hiện đại sôi động. Một trong những điểm đến ấn tượng nhất tại Dresden chính là Zwinger Palace – một tòa lâu đài tuyệt đẹp, nơi chứa đựng bộ sưu tập nghệ thuật vô giá và những vườn hoa tuyệt mỹ.

Ngoài ra, phải kể đến Nhà thờ Frauenkirche, biểu tượng của thành phố, từng bị phá hủy trong chiến tranh và sau đó được tái thiết lại hoàn hảo, trở thành một minh chứng sống động cho sự phục hồi và tái sinh của thành phố.

Dresden còn được gọi là "Thành phố của Nghệ thuật" với những bảo tàng nổi tiếng như Bảo tàng Nghệ thuật Cổ điển, nơi trưng bày các tác phẩm hội họa của các nghệ sĩ nổi tiếng như Raphael, Rembrandt và Vermeer. Các buổi biểu diễn opera tại Nhà hát Semper, một trong những nhà hát cổ điển đẹp nhất thế giới, cũng là một trải nghiệm không thể bỏ qua.

Không chỉ là một điểm đến văn hóa, Dresden còn hấp dẫn du khách bởi những cảnh quan tuyệt đẹp với những cây cầu cổ kính bắc qua dòng sông Elbe. Khi mùa xuân đến, những vườn hoa và công viên ở Dresden nở rộ, tạo nên một bức tranh sống động, đẹp như tranh vẽ.

Dresden thực sự là một thành phố hội tụ đầy đủ vẻ đẹp của nghệ thuật, văn hóa và những kỳ quan kiến trúc. Mỗi góc phố, mỗi tòa nhà đều có một câu chuyện riêng, mời gọi du khách khám phá và chiêm ngưỡng. 

Sưu tầm



 NHÂM NHI CÀ PHÊ TRONG MỘT NGÀY MƯA Ở BRUGES 


Bruges một thành phố tựa như bước ra từ truyện cổ tích, nơi những con kênh lặng lẽ soi bóng những ngôi nhà cổ kính, nơi mỗi góc phố đều ẩn chứa một câu chuyện. Và trong một ngày mưa rơi tí tách, không gì tuyệt vời hơn việc tìm một quán cà phê ấm áp, ngồi bên ô cửa kính và lặng ngắm phố xá chìm trong sắc màu hoài niệm.

Trên bàn là hai tách cappuccino sóng sánh, một ly nước cam nhẹ nhàng và vài chiếc bánh ngọt thơm lừng. Mùi cà phê nồng nàn hòa quyện cùng không khí se lạnh, tạo nên một khoảnh khắc hoàn hảo. Bên ngoài, những giọt mưa nhỏ xuống con phố lát đá, phản chiếu ánh đèn vàng ấm áp, khiến cả thành phố như khoác lên mình một tấm áo mộng mơ và đầy chất thơ.

Xa xa, ngọn tháp nhà thờ cổ vươn lên giữa bầu trời u ám, những mái nhà xếp tầng tầng lớp lớp như những bức tranh thời Trung Cổ. Người qua đường khoác áo ấm, bước vội qua những con hẻm nhỏ, để lại những vệt nước loang dài trên mặt phố. Bruges trong mưa không buồn, mà lại đẹp theo cách rất riêng – dịu dàng, sâu lắng và quyến rũ đến nao lòng.

Nếu một ngày bạn đến Bruges, đừng quên dành thời gian tận hưởng một buổi chiều như thế: không vội vã, không ồn ào, chỉ có mùi cà phê, những giai điệu jazz nhẹ nhàng và một thành phố đẹp đến mức khiến ta chẳng muốn rời đi...

Sưu tầm


Năm 1958, nhà phát minh người Đức Artur Fischer đã giới thiệu một sáng kiến mang tính đột phá, thứ đã thay đổi ngành xây dựng mãi mãi: đó chính là tắc kê nhựa, thường được biết đến với tên gọi nút Fischer (Fischer plug). Phát minh trông có vẻ đơn giản này lại cực kỳ hiệu quả, mang đến một giải pháp đáng tin cậy để cố định chắc chắn các vật thể lên tường làm bằng bê tông, gạch và các vật liệu rắn khác.
Tắc kê nhựa là một ống nhựa nhỏ hình trụ, có các cánh bên ngoài. Khi được chèn vào một lỗ đã khoan trước, những cánh này sẽ nở ra. Sự giãn nở này tạo ra một mỏ neo chắc chắn, ổn định cho ốc vít, đinh và các loại vật liệu cố định khác, đảm bảo giữ chặt trên nhiều bề mặt khác nhau.
Cách mạng hóa ngành xây dựng chuyên nghiệp, phát minh này còn có ảnh hưởng sâu rộng đến các dự án DIY (Do It Yourself - tự làm), giúp các cá nhân dễ dàng và an toàn hơn khi lắp đặt đèn, kệ và các vật dụng gia đình khác. Đóng góp của Artur Fischer không dừng lại ở phát minh này, ông còn nắm giữ nhiều bằng sáng chế và được coi là một trong những nhà phát minh Đức có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.
Tắc kê nhựa tuy nhỏ bé nhưng lại có vai trò vô cùng quan trọng trong ngành xây dựng và đời sống hàng ngày. Nó giúp cho việc thi công trở nên nhanh chóng, dễ dàng và an toàn hơn bao giờ hết.

Pane e Vino - 3 Nguyễn Khắc Cần


Đây là một bức ảnh chụp một góc phố Fujiyoshida City nhìn ra núi Phú Sĩ được chụp bởi nhiếp ảnh gia Yuto Yamada. Cái ống tele sau đó được crop lại + HDR khiến cho hình ảnh trở nên extra graphic. Núi Phú Sĩ hùng vĩ tưởng như chỉ ngay ở phía cuối con đường trong khi nó đang ở xa cả trăm dặm, gây một cảm giác choáng ngợp về cảnh quan. Tuy nhiên câu chuyện ở đây không phải là kỹ thuật của bức ảnh. Mà là… những cái dây điện (hay dây cáp).

Bức ảnh được đăng lên một vài trang diễn đàn về văn hóa Nhật. Đa phần là wow lên vì kiến trúc và phong cảnh tuyệt đẹp này của người Nhật. Nhưng mà vẫn có một vài cuộc tranh luận nho nhỏ nổ ra là cái ảnh… có đẹp hơn không nếu không có dây điện/dây cáp?

À cái câu chuyện dây điện, nó là cái cảm giác… thân thương với ai chứ chắc chắn là với người Việt Nam rồi :)).

Thực ra nó chỉ là những trường phái gu khác nhau mà thôi. Bên cạnh gu, nó còn là do hoàn cảnh, văn hóa, môi trường sống của mỗi người tạo ra những quan điểm khác nhau về định nghĩa “cái đẹp” nữa. Có nhiều người bảo giá mà không có cái dây điện chằng chịt kia thì cảnh quan sẽ còn gây choáng ngợp và hoàn hảo hơn nữa. Những gu này hay thuộc về những người thích sự “clean”, “hoàn hảo”, tức là bức ảnh phải sạch sẽ, mọi thứ phải mượt mà dễ nhìn, và cái gì là “chướng ngại vật” vướng mắt thì nên “photoshop đi”. Nhưng cũng thật, nếu bạn lớn lên ở một nơi mà suốt ngày loằng ngoằng dây điện đen sì trên đầu (như… phố Hà Nội quê mình chẳng hạn), chưa kể những bất tiện nó gây ra mỗi ngày, xe cộ đi lại, vướng víu cả cảnh quan lẫn không gian, che hết cả cảnh đẹp, loằng ngoằng giữa cái khuôn hình thì thường đi đâu hay bị ác cảm với dây điện. Thế nên chụp ảnh mà hay bị thò ra mấy cái dây điện là hay bị chém liền trong photoshop không thương tiếc. Thì không trách được vì đôi lúc nó cũng… xấu thật =)). Hồi xưa chụp ảnh tớ cũng không thích mấy cái dây điện đấy và đương nhiên là hay xóa béng nó đi!

Trường phái thứ hai là lại rất thích những cái dây điện loằng ngoằng ấy (mà dù sao thì cái dây điện ở Nhật nó cũng đẹp hơn cái dây điện ở VN quê mình thiệt =)). Những người này thì theo trường phái thích nhìn mọi thứ bằng sự “organic”, tức là càng thật, càng chân thành với họ lại càng đẹp. Cái đẹp trong mắt họ ở đây là cái đẹp của bối cảnh, câu chuyện, văn hóa, chứ không phải là cái sự đẹp đẽ sạch sẽ của một tấm hình. Trong bức ảnh này, những chiếc dây điện được giải thích rằng vì đây là một vùng đất có nhiều động đất, nên không thể nào chôn dây điện/cáp ở dưới đất được, nếu có động đất chúng sẽ bị đứt gãy và việc lần mò cũng như sửa chữa chúng là rất tốn kém, đôi khi là nguy hiểm nữa. Vậy nên trong bức ảnh đó còn là một câu chuyện cuộc sống và văn hóa của mảnh đất đó. Và cũng từ lâu rồi tớ đã không còn ghét mấy cái dây điện trong mỗi bức ảnh của mình nữa thậm chí còn thích nữa. Không hẳn vì ai nói cho tớ biết là dây điện đâu có gì là xấu mà làm cho tớ không còn thấy xấu nữa. Nhưng những chuyến đi lang thang khắp mọi nơi ngắm nhìn và cảm nhận các nền văn hóa khác nhau làm tớ thay đổi quan điểm và học hỏi được nhiều điều. Có những thứ phải đi xa mới hiểu cái ở gần mình, và để yêu được nó đấy!

Nói chung cảm nhận nghệ thuật thì không có đúng hay sai, chỉ là việc bạn thích gì, gu của bạn ra sao mà thôi. Nó cũng tùy thuộc vào vốn sống, quan niệm sống của mỗi người.

Câu chuyện về ảnh này nhưng thực ra nó đúng và áp dụng được hoàn toàn với cả việc làm phim nữa. Nhiều khi cứ thấy cái gì “đèm đẹp” là người ta hay thốt lên: “phải lên phim thôi”, hay một người nhìn trông xinh gái xinh trai là “đi làm diễn viên thôi”. Nhưng mà phim đâu chỉ là những hình ảnh đẹp với những diễn viên đẹp. Đó cũng chưa chắc là những bộ phim hay nếu hình ảnh đẹp nhưng câu chuyện kể chưa hay, diễn viên đẹp nhưng chưa biết diễn hay. Có khi lại chỉ là một vùng quê nghèo với dây điện chằng chịt, một ông cụ già da nhăn nheo ngày ngày còng lưng trồng rau, một đứa cháu răng hô da đen nhẻm đi làm thuê mỗi ngày về đưa ông một chút tiền nhỏ. Nhưng câu chuyện của họ rất chân thật và chạm đến trái tim của mọi người, thì đó nhất định mới là một bộ phim hay! 

Sưu tầm


Hầm đường bộ dưới biển dài nhất thế giới & trải nghiệm lái xe ở độ sâu gần 300 mét.

Nếu bạn nghĩ rằng những cây cầu hay đường hầm chỉ đơn giản là phương tiện kết nối hai vùng đất, thì hãy để Ryfylke Tunnel thay đổi suy nghĩ của bạn! Đây không chỉ là công trình giao thông mà còn là một kỳ quan hiện đại ẩn sâu dưới đáy biển, minh chứng cho khả năng chinh phục thiên nhiên của con người.

Nằm ở Na Uy, Ryfylke Tunnel là hầm đường bộ dưới biển dài nhất thế giới với chiều dài 14,4 km và độ sâu 292m dưới mực nước biển. Đây không chỉ là một công trình kỹ thuật khổng lồ mà còn là thử thách lớn đối với các kỹ sư khi phải đào xuyên qua lòng đá rắn dưới biển.

Trước khi có hầm Ryfylke, người dân phải phụ thuộc vào phà để di chuyển giữa Stavanger và Ryfylke. Việc xây dựng hầm này không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển mà còn giúp kết nối giao thương, phát triển kinh tế khu vực. Hệ thống Ryfast Tunnel, trong đó có Ryfylke, trở thành tuyến giao thông huyết mạch, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các khu đô thị lớn mà không bị gián đoạn bởi thời tiết hay lịch trình phà.

Hầm được khởi công vào năm 2013 và hoàn thành vào cuối năm 2019. Hành trình xây dựng kéo dài 7 năm, trải qua hàng loạt thách thức từ kỹ thuật, địa chất đến môi trường. Nhưng cuối cùng, Na Uy đã thành công tạo nên một công trình đáng kinh ngạc, xứng đáng là biểu tượng của sự sáng tạo và bền bỉ.

Lái xe qua Ryfylke Tunnel là một trải nghiệm đặc biệt khi bạn lao xuống độ sâu gần 300m dưới biển, giữa những bức tường đá vững chắc, ánh sáng lung linh và hệ thống chiếu sáng hiện đại. Hành trình này không chỉ là một chuyến đi mà còn là một cuộc khám phá thế giới ngầm đầy kỳ diệu.

Ryfylke Tunnel không chỉ là một công trình giao thông quan trọng mà còn là một điểm đến hấp dẫn đối với những ai yêu thích khám phá. Nếu có cơ hội đặt chân đến Na Uy, đừng quên trải nghiệm lái xe xuyên lòng biển và cảm nhận sự kỳ vĩ của công nghệ hiện đại!

Sưu tầm


Không có nhận xét nào:

CHÀO MỪNG QUÝ THẦY CÔ VÀ ĐỒNG MÔN TRƯỜNG HOÀNG DIỆU SÓC TRĂNG THAM QUAN, ỦNG HỘ HOANGDIEUTRUONGXUASAIGON.BLOGSPOT.COM. CHÚC THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM NHIỀU SỨC KHỎE, THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.